Hàng xóm

Thứ Tư, 22/04/2015, 08:22
Chiều muộn. Bình lái chiếc ô- tô bốn chỗ bóng lộn từ công trường về nhà. Nhà anh- ngôi nhà bốn tầng kiểu cách, trang trí model hiện đại, vừa được xây xong trông lừng lững cao nhất khu phố mới. Những tia nắng cuối ngày còn sót lại chiếu vào bức tường thơm mùi sơn mới làm cho ngôi nhà ánh lên bóng loáng giữa trời chiều. Hai cánh cổng sắt với chiếc khóa to đùng đóng im ỉm. Bình bóp còi xe inh ỏi. Không có động tĩnh gì. Quái lạ! Không biết vợ anh đi đâu mà lại không ra mở cổng? 

Đẩy cần số về "mo", Bình kéo phanh tay, rồi mở cửa bước xuống xe. Anh lấy chìa khóa mở cổng rồi đánh xe vào ga ra. Bụng Bình rất ấm ức. Ai đã ngồi lái xe ôtô rồi thì biết. Phải dừng đỗ, xuống làm những thứ việc như thế này rồi lại lên xe lái tiếp thì bực lắm. Mất động tác vô cùng. Mọi ngày khi thấy tiếng xe anh về là vợ anh lại đon đả ra mở cổng, anh chỉ còn có việc đánh xe vào ga ra là xong. Thế mà hôm nay, không biết cô ấy đi đâu? Không chừng cơm nước cũng chưa nấu ấy chứ? Bảo thuê ôsin thì không nghe.

Việc thuê ôsin, vợ chồng Bình cũng đã tranh luận với nhau. Vợ anh kiên quyết phản đối vì cho rằng không cần thiết. Hai đứa con anh đều đang theo học các trường trên tỉnh. Ở nhà chỉ còn có vợ chồng anh và bà mẹ tuổi xấp xỉ tám mươi. Bà cụ tuy ốm yếu nhưng vẫn còn minh mẫn. Vợ anh chẳng có việc gì làm, ở nhà chăm nom mẹ chồng, trông coi cửa nhà thì việc gì phải thuê ô-sin? Thế nhưng, những lúc như thế này thì cần quá đi chứ. Mà đi đâu bỏ bà cụ trong nhà một mình thế nhỉ?

"Nhà con đi đâu hả mẹ?". Bình chạy lên tầng hai, vào phòng bà Tám, anh hỏi mẹ. Đang nằm, nghe con trai hỏi vậy bà Tám ngóc đầu dậy nói: "Nào tôi có biết! Anh về rồi đấy à?". Bình đáp "vâng" rồi bật điện phòng mẹ và các phòng khác. Căn nhà sáng bừng lên. Y như rằng, bếp vẫn nguội tanh nguội ngắt. Nỗi bực dọc trong Bình càng tăng lên. Vừa lúc đó thì Nguyệt, vợ anh về.

"Anh về rồi đấy à?"- Nguyệt chào hỏi chồng. Bình dồn cả cục tức hỏi vợ: "Cô đi đâu về đấy? Bỏ mẹ một mình ở nhà mà không sợ xảy ra điều gì à?". "Em đi họp thôn. Ngỡ chỉ tiếng đồng hồ là xong thế mà kéo dài đến hơn hai tiếng". "Họp với chả hành. Đã bảo không có gì liên quan thì đừng có họp hành gì cả. Cô cứ việc ở nhà mà trông nhà, trông mẹ cho tôi. Việc xã hội để đấy tôi lo. Mình ở nơi khác đến, can hệ gì mà thôn với chả xóm".

Bình bực quá nói văng mạng. Nguyệt chạy vội ra đóng cửa. "Anh be bé cái mồm chứ. Bức vách có tai, nhỡ ai nghe tiếng thì...". "Thì sao? Tôi cóc cần nhé". Bình vừa nói vừa cởi quần áo dài vứt xuống bộ sôpha rồi vào phòng tắm xả nước cho hả giận. Nguyệt tất tưởi đi chuẩn bị bữa tối.

Vợ chồng Bình - Nguyệt quê gốc tận trên một xã vùng sâu, vùng xa của huyện. Anh chị về làm nhà ở cái làng này đã được hơn năm. Đây là khu làng sầm uất nhất xã. Một phía giáp thị trấn, một phía giáp sông, hai phía còn lại là cánh đồng chính của xã. Quốc lộ chạy xuyên qua làng. Giữa làng là cái chợ đầu mối của cả khu vực. Làng có tên Cổ Cò. Tên nôm na như vậy vì rẻo đất của làng có hình cổ một con cò và sự thực ngày trước vùng này có rất nhiều cò.

Làng Cổ Cò là làng mới. Trước kia làng chỉ là xóm nhỏ thôi. Số hộ nguyên bản chỉ chừng hai chục nóc nhà quanh khu chợ tạm. Vậy mà, sau này phát triển lên, chợ thành chợ chính, quốc lộ mở rộng, điện lưới kéo về thì làng đã có hơn một trăm hộ. Toàn dân tứ xứ. Đúng là "đất lành chim đậu", "nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ". Làng Cổ Cò này đủ cả ba cái "cận". Bình làm doanh nghiệp xây dựng, đi khá nhiều nơi nhưng anh không thấy nơi nào có thế đất đẹp và phát triển như nơi này. Sẵn chuyện xã nợ anh tiền công trình xây dựng chợ, gợi ý gán đất cho anh, Bình đã quyết định chọn làng Cổ Cò làm nơi dừng chân dựng nhà lập nghiệp.

Cơm tối xong, Nguyệt đưa mẹ chồng lên gác ngủ. Bình ngồi xỉa răng xem ti vi. Được một lúc, như sực nhớ ra, Bình hỏi vợ: "Chiều cô nói đi họp thôn. Vậy họp cái gì thế?". Nguyệt thong thả kể lại, rằng đó là cuộc họp bàn về xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc đóng góp tiền làm đường, làm nghĩa trang. Chính cái việc đóng góp này nên cuộc họp mới kéo dài. Mỗi người mỗi ý. Lãnh đạo thôn phải vất vả lắm mới quy tụ, thống nhất được các quan điểm. Theo đó, tất cả các hộ trong làng Cổ Cò, cũ cũng như mới đều đóng góp một khoản tiền phù hợp để làm hai công trình trên. Xã sẽ hỗ trợ máy ủi, xi măng và một phần cát sỏi. Dân làng thì góp tiền và công. Sẽ thành lập ban giám sát thực thi công trình.

"Vẽ chuyện - Bình chép miệng cắt ngang lời vợ - Nông thôn mới với chả nông thôn cũ. Đóng với chả góp. Nhà mình mặt đường quốc lộ, đi đâu đến đó mà đóng với góp? Cả nghĩa trang nữa? Cứ để thế cũng được rồi, vẽ ra cải tạo để làm gì. Người sống chả lo lại đi lo cho người chết!".

Minh họa: Phạm Minh Hải.

"Anh nói như một số người trong cuộc họp hôm nay đấy. Song đa phần là họ nhất trí nha. Đây là công trình của làng. Con đường ấy là con đường chính của làng. Nghĩa trang làng cũng phải được khang trang. Hung táng, cải táng đều phân khu. Mồ mả theo quy cách thống nhất. Hàng lối đâu ra đấy. Như thế mới văn hóa... Bàn tính mãi rồi mới biểu quyết. Một trăm phần trăm ủng hộ chủ trương và cách làm đấy anh ạ. Nhà nào cũng sẽ có cha già mẹ héo. Ai cũng phải đi trên con đường của làng. Mình không theo không được".

Nguyệt nhẹ nhàng kể chuyện họp làng cho chồng nghe. Bình nghe một cách bậm bực. Vợ chồng anh trái hẳn tính nhau. Nguyệt chín chắn, nhẹ nhàng bao nhiêu thì Bình lại xốc nổi, phổi bò bấy nhiêu. Bình bảo cứ quan hệ với các ông to, với xã là chính, không cần thôn xóm làm gì cả. Có đóng góp thì đóng góp thẳng với xã. Vừa được tiếng, vừa tranh thủ được lãnh đạo. Chứ làm kiểu cò con ở làng nó lem nhem lắm. Thi thoảng lại thấy ban nọ, đoàn thể kia đi vận động quyên góp. Trông nó làm sao ấy. Cứ như là đi xin không bằng. Với lại, biết được số tiền đó có vào công việc hay không hay lại vào túi các vị ấy. Nguyệt bảo Bình đừng nói thế mà phải tội. Người ta vì phong trào, vì việc chung chứ ai thèm tơ hào mấy đồng lẻ của các gia đình. Đợt này, công trình lớn, làng thành lập ban bệ quy củ lắm. Nhà mình nên ủng hộ anh ạ.

Hai vợ chồng vừa xem tivi vừa trò chuyện. Cuối cùng Bình cũng nghe vợ. Anh bảo chỉ nộp đúng suất bình quân thôi, không oai oách gì việc này cả. Mình phải "giấu mình" không họ lại nghĩ mình là doanh nghiệp xây dựng mà tuyên truyền vận động ủng hộ, tài trợ. Còn lâu nhé. Có chơi là chơi với xã cơ. Đấy mới là khôn, mới là nơi sinh lợi. Nguyệt chẳng biết nói với chồng thế nào, chị đành lặng yên xem ti vi.

Đối diện với nhà Nguyệt, phía bên kia đường có nhà lão Tuấn kèn. Gọi là Tuấn kèn vì lão này chuyên thổi kèn đám ma. Tính lão xởi lởi, vui tính, hay lân la chơi bời trò chuyện với hàng xóm. Ai cũng quý mến lão. Chỉ có lũ trẻ con nhìn thấy lão là sợ sệt. Lão làm nghề này kể cũng kiếm ăn được. Mỗi đám cũng được đôi ba triệu cả tiền cọc lẫn tiền thưởng. Thì cả vùng có ai làm cái nghề này đâu? Thế nên, lão là "bá chủ", "anh hùng nhất khoảnh" luôn. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà lão "bắt chẹt" tang chủ. Trái lại, lão phục vụ, làm phúc là chính. Tang chủ giả bao nhiêu thì tùy. Gọi là có chút thu nhập cho ngọn kèn tiếng trống nó thêm bi ai. Đám nọ trông đám kia cũng không ai để cho lão thiệt.

Hồi đầu vợ chồng Nguyệt mới về nhập làng, đang giữa nửa đêm, tiếng kèn trống đám ma từ nhà lão Tuấn chợt vọng tới, chị sợ bủn rủn hết cả người. Cứ tưởng làng có ai chết, sau mới biết là cha con lão tập luyện. Nhiều đêm lão cứ hứng chí văn nghệ như vậy đó. Đến khi có hương ước làng, cha con lão chỉ tập luyện vào ban ngày, buổi tối để cho trẻ con xóm học bài. Nguyệt cũng đỡ giật mình hơn. 

Ngay sát nhà Nguyệt là nhà bà Bông. Bà Bông là chủ nhiệm câu lạc bộ hát xoan của làng. Cứ tối thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, nhà bà đều rộn lên tiếng hát. Có hôm, các bà ấy còn tụ tập nhau tập từ sáng sớm.

Lão Tuấn cầm trống giữ nhịp. Lão với bà Bông còn làm đạo diễn, giáo viên hướng dẫn các bà, các chị uốn tay, đảo chân, xoay người múa, tập cho từng "quả cách" một. Vui lắm. Hễ nghe tiếng trống tùng cắc gõ nhịp, tiếng hát "tềnh là tềnh" là kiểu gì Nguyệt cũng tót sang xem. Chị cũng là dân yêu văn nghệ. Với lại, nhà cũng chẳng có việc gì làm, chị đi xem hát cho khuây khỏa. Nguyệt tính mặc cho chồng ngăn cản rồi phải kiếm việc gì đó làm. Không thể biến mình thành chim cảnh, ăn bám được. Chơi mãi chân tay thừa thãi, buồn bực lắm. Vốn trên quê lam lũ, buông việc nọ, mó việc kia quen rồi, giờ về đây ngồi chơi xơi nước chị không chịu được. Và Nguyệt gia nhập câu lạc bộ hát xoan lúc nào chị cũng không nhớ nữa.

Bình chúa ghét lão Tuấn. Anh dặn vợ "đừng giao tiếp với hạng người ấy, nó mất vị thế của mình ra". Rồi cả nhóm hát xoan của bà Bông nữa. Thời buổi này mà còn hát mấy cái điệu cổ sơ ấy thì... Nguyệt cự nự lại bảo đó là di sản văn hóa phi vật thể thế giới đấy. Anh không hiểu thì có. Bình hậm hực. Di sản hay không không quan trọng. Với anh chỉ có lợi nhuận, chỉ có phi vụ nọ, công trình kia mà thôi. Không tiền thì mọi thứ chẳng là gì cả. Thì đấy, nông thôn mới đấy. Không tiền, đừng nói chuyện đường sá, nghĩa trang nhé. Hát với chả hò. Kèn với chả trống. Vẽ chuyện.

Thói đời ghét của nào trời trao của ấy. Vợ anh lại mê văn nghệ, hát hò. Bằng chứng là chị đã tham gia câu lạc bộ hát xoan và trở thành cây hát cứng của đội. Ban đầu Bình không hề biết việc này. Bởi ban ngày anh đi công trình, còn chị thì lỉnh sang nhà bà Bông tập hát. Bà cụ biết đấy nhưng cụ cũng động viên con dâu. "Chị cứ đi tập đi cho vui. Kệ tôi. Tôi trông nhà cho. Không việc gì phải lo cho tôi cả". Cụ bảo với chị thế.

Được lời như cởi tấm lòng, Nguyệt say sưa tập luyện. Rồi về nhà, chị cứ hát í a, hết "quả cách" nọ đến "quả cách" kia. Gương mặt chị rạng ngời. Bà cụ nghe chị hát cũng vui lây. Bình thấy vợ thế rất lạ. Sau anh mới vỡ lẽ ra rằng chị đã tham gia câu lạc bộ hát xoan. Bình bực lắm nhưng không làm gì được.

Nhờ sinh hoạt câu lạc bộ hát xoan, Nguyệt mới hiểu thêm về hàng xóm, láng giềng, về cái làng Cổ Cò này. Tuy vậy, chị vẫn giấu chồng vì tính Bình khác lắm. Mới có tí của ăn của để đã xem thường mọi người. Ra vẻ đại gia. Toàn giao du với ông nọ, bà kia.

Tính lại ky bo, chặt chiệm, cò kè từng đồng đóng vệ sinh phí với làng. Thế nhưng lại hào phóng với các quan chức, sẵn sàng quà cáp nọ kia, chiêu đãi mời mọc chu đáo lắm. Chẳng phải cho không đâu, Bình tính cả đấy. "Trông giỏ bỏ cá", "thả con săn sắt bắt con cá rô" mà. Chứ ủng hộ, quyên góp vài cái việc lặt vặt cho làng giải quyết được vấn đề gì. Việc gì không tránh được thì đóng góp gọi là cho nó xong. Chả thế mà anh có chơi bời gì hàng xóm đâu. Lúc nào cũng chỉ công trình, gặp gỡ "anh" nọ, "chị" kia thôi. Cổng nhà anh cứ tối đến là đóng im ỉm. Nguyệt nhiều lúc cũng rất ngượng với dân làng hàng xóm.

Mãi rồi con đường chính của làng cũng được bê tông hóa. Nghĩa trang làng cũng được san ủi quy hoạch lại. Hôm khánh thành, mấy cụ già trong làng ngồi ngắm con đường và khu nghĩa trang mới đã đùa với nhau rằng chả biết cụ nào có "diễm phúc" mở hàng, khai trương đây. Rồi các cụ cười ha hả. Lũ trẻ nghe thấy tròn xoe mắt nhìn các cụ rồi nhìn nhau.

Bình trúng thầu công trình xã bên. Anh vắng nhà có khi cả tuần. Nguyệt mở quầy tạp hóa tại nhà. Nhất cử lưỡng tiện. Vừa trông nhà, chăm mẹ, vừa có việc làm cho khuây khỏa. Nhờ thế mà dân làng hàng xóm thường xuyên đến nhà chị hơn. Đặc biệt lão Tuấn kèn và bà Bông thì chẳng sáng nào là không có mặt. Chuyện trò rôm rả. Lão Tuấn kèn rít thuốc lào sòng sọc. Bà Bông chuyện tiếu lâm cười hết cỡ. Tàn ấm trà nóng thì giải tán. Có hôm, họ vào thăm bà Tám. Bà Bông và bà Tám rỉ rả chuyện trò tới tận trưa.

Một hôm, Bình đột ngột đánh xe về giữa buổi, gặp lão Tuấn kèn và bà Bông cùng mấy người nữa đang rôm rả bên ấm trà, anh tỏ vẻ không vui. Mọi người chào anh, Bình ừ hữ đáp lại. Rồi ai nấy tế nhị ra về. Còn lại vợ chồng anh, Bình hầm hầm nói rít qua kẽ răng: "Đã bảo không cửa hàng cửa họ gì cơ mà. Hơ hớ thế này để nó đến nó dò la, rồi thì hở ra cái gì để mất cái đó à? Nhà mình là nhà làm ăn. Nhiều thứ bí mật lắm, cô biết chửa?". Nguyệt ngơ ngác nhìn chồng tưởng đó là một vị khách lạ.

Bà cụ Tám bị cảm. Sáng hôm ấy, cụ ăn sáng xong, Nguyệt dìu cụ lên tầng. Vừa bước vào phòng thì cụ xây xẩm mặt mày, ngã dúi xuống trong vòng tay của Nguyệt. Mặt cụ tái dại đi. Chân tay đuội ra. Nguyệt hoảng quá kêu làng nước. Bà Bông chạy sang. Rồi đến lão Tuấn kèn. Mọi người xúm vào xoa dầu đánh gió cho cụ. Mãi sau cụ tỉnh dần. Cụ mở mắt phều phào nói với mọi người rằng cụ không sao, chắc bị phải gió tí thôi. Một lúc sau thì Bình hớt hơ hớt hải chạy về. "Ổn rồi! Anh cứ bình tĩnh". Lão Tuấn kèn thủng thẳng nói vậy khi gặp anh vừa về đến ngõ. Lão chắp tay sau đít ra về. Còn lại bà Bông đang cùng Nguyệt nắn bóp cho cụ Tám.

Tưởng cụ Tám cảm xoàng rồi sẽ khỏi nào ngờ từ hôm sau trở đi thì cụ nằm liệt hẳn. Bình đưa cụ đi bệnh viện. Nằm viện được mươi ngày thì họ trả về. Cụ thoi thóp thở. Dân làng hàng xóm kéo đến thăm rất đông. Người nào cũng có quà. Chục trứng, nải chuối, quả cam, cả phong bì nữa. Ban lãnh đạo thôn, rồi chi bộ cũng đến thăm. Riêng lão Tuấn kèn không thấy mặt. Lão làm chiếc phong bì không đề tên gì cả nhờ bà Bông chuyển đến gọi là có chút quà cho cụ Tám. Lão bảo lão kiêng. Thế thôi. Chứng kiến cảnh đó, là dân ngụ cư, lại mới đến ở, họ hàng thân thích xung quanh không có ai, Bình cảm động lắm.

Rồi đột ngột cụ Tám tỉnh lại. Cụ bảo Nguyệt mời đội hát xoan đến hát cho cụ vui. Chiều đó, cả đội đến. Lão Tuấn kèn không đến. Thay người giữ nhịp trống là thằng Hiếu. Nó vừa học trống từ lão Tuấn mấy tháng nay. Tuy nhịp trống còn non nhưng tiếng hát của cả đội thì nhuần nhuyễn và say sưa lắm. Cụ Tám nằm bất động. Mắt cụ trân trân nhìn lên trần nhà. Nghe hết mấy quả cách thì cụ cười. Hai khóe mắt cụ lăn ra hai giọt nước chảy tràn ra trên gò má nhăn nheo. Cụ lại thiếp đi. Tối đó, theo yêu cầu của Nguyệt, đội hát xoan của bà Bông ở lại cùng các cụ phật giáo hát chèo đò cầu Phật cho cụ Tám dễ đi. Đến sáng thì cụ Tám đi thật. Lúc đó, người ta mới thấy lão Tuấn kèn xuất hiện. Lão cắt đặt công việc cho mọi người. Vợ chồng Bình rũ rượi bên xác mẹ chẳng còn biết gì nữa.

Bình mặc áo xô khăn tang, cúi đầu đi giật lùi trước linh cữu mẹ. Nguyệt cùng các con, cháu, anh em gào khóc thảm thiết bám theo chiếc xe tang. Theo sau đó là đám đông dài dằng dặc dân làng Cổ Cò. Tiếng trống kèn của cha con lão Tuấn thống thiết, réo rắt, thê lương.

Chôn cất cụ Tám xong, lúc thanh toán thợ kèn, lão Tuấn không lấy một đồng nào. Lão bảo chỗ hàng xóm láng giềng với nhau, giúp anh chị, kính tiễn cụ. Hôm vợ chồng Bình làm tam nhật cho cụ, lúc sang nghĩa trang để đắp sửa lại mộ mẹ, Bình ngỡ ngàng trước sự đổi thay của làng Cổ Cò. Mới một năm về đây mà bây giờ khác quá. Đường bê tông, nhà văn hóa, nghĩa trang mới... Tất cả đều khang trang, sạch, đẹp. Phủ phục trước mộ mẹ, Bình òa khóc. Mẹ ơi! Đến lúc sướng thì mẹ ra đi. Con có tội với mẹ, có lỗi với dân làng, mẹ ơi! Nguyệt cũng nức nở cùng chồng.

Bà Bông thấy vậy đến đỡ hai người dậy, an ủi vài câu rồi dìu họ ra về. Nghĩa trang làng Cổ Cò một sớm thu yên ả, buồn chơi vơi... 
Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu
.
.