Hai người đàn bà

Thứ Hai, 16/11/2009, 10:00
Bà Trinh không dám nhìn Mỵ nữa. Bà vào giường nằm. Nước mắt bà ứa ra. Mập mờ những chuỗi ngày thời trẻ. Sao mà giống những ngày này của con dâu đến thế. Cũng tần ngần đứng lặng, mắt nhìn xa xăm, bất chợt lại rực lên bốc lửa. Cũng đang đêm vùng chạy ra sân, ôm ghì lại bất kỳ cái gì đó rồi chạy vào lăn đùng xuống giường, úp mặt vào gối, nghiến răng kèn kẹt...

Mỵ bước ra sân. Trời mênh mông vô tận. Trăng rực rỡ, lung linh và gió mơn man. Từ ngoài bờ đê vọng tới tiếng cười đùa của trai gái. Xen trong tiếng cười đùa có những lời hát, khi vút cao, lúc trầm xuống thoang thoảng bay theo gió, có cả tiếng sáo trúc. Tiếng sáo chưa phải bài bản, nhưng cũng gây cho ai đó một sự nôn nao trong lòng, sự nôn nao của thôn dã vừa náo nức vừa e dè.

Mỵ rùng mình như ớn lạnh, hấp tấp bước vào nhà, khép cửa lại.

Tiếng cười, tiếng hát thưa dần rồi vắng hẳn. Chỉ còn tiếng sáo. Tiếng sáo trầm xuống mang theo một nỗi buồn khát khao và trách móc mỗi lúc một gần. Mỵ nhận ra tiếng sáo ấy của ai.

Mỵ lại mở cửa bước ra. Vẫn trăng vàng rực rỡ, vẫn gió nhẹ mơn man. Nhưng hình như trăng và gió cố tình mơn man trên mái tóc, làn da Mỵ. Mỵ lùi lại, đặt tay lên cánh cửa.

Tiếng ho khan của bà Trinh làm Mỵ giật mình. Cô khép chặt cửa bước đến giường mẹ chồng:

- Mẹ ơi! Hôm nay mẹ thấy trong người thế nào?

Bà Trinh không trả lời, lại hỏi:

- Hình như con định đi đâu phải không?

- Không! Không mẹ ạ! Con không định đi đâu. Con ở nhà với mẹ!

Bà Trinh nói:

- Con nên đi chơi cho khuây khỏa. Mẹ cũng sang bà Tâm đây.

Giọng bà Trinh cố nén một nỗi buồn tê tái. Mỵ hiểu nên vội van nỉ:

- Không! Con không đi chơi! Mẹ có sang bà Tâm, cho con đi với. Con đưa mẹ đi khỏi ngã.

- Thôi! Không cần con ạ. Hôm nay mẹ khỏe hơn nhiều rồi. Con cứ đi chơi, không phải lo cho mẹ.

Bà Tâm quờ tay lấy chiếc gậy cuối giường. Mỵ đỡ một bên nách để bà bước xuống sân.

Trăng vẫn rực rỡ và lung linh. Bóng hai người đàn bà - một già, một trẻ, bên cạnh chiếc gậy, chuyển dần ra ngõ.

Mỵ đưa mẹ chồng đến cổng nhà bà Tâm. Bà Trinh lại giục hai lần nữa Mỵ mới quay về. Lối ngõ um tùm bóng cây, chỉ có vài mảnh sáng rơi vãi trên mặt đất. Lúc sắp bước vào nhà, bất chợt Mỵ thấy bóng mình trên tường. Cô đứng lại, tần ngần đặt tay vào cánh cửa, tiếng sáo trúc buồn buồn như một lời thúc giục, trách gọi đến gần hơn. Người thổi sáo đứng ở lũy tre, chứ không phải trên đê hay rặng nhãn.

Lát sau Mỵ mím môi bấm mạnh khóa và quay ra. Trăng rực rỡ hơn, gió rào rạt hơn, soắn suýt ôm đón Mỵ.

Làng Điều và làng Phao có rặng nhãn làm ranh giới. Mỗi năm rặng nhãn chỉ ra hoa một lần. Hoa thì năm nào cũng nở, còn trái năm có, năm không. Hình như rặng nhãn có nhiệm vụ chính là che chở và chứng kiến cho trai gái hai làng hẹn hò và trao gửi. Trai gái hai làng, dù thành vợ, thành chồng, đông con, nhiều của mà chưa một lần tâm tình dưới bóng nhãn thì họ vẫn thấy cuộc sống còn thiếu vắng một cái gì.

Minh họa của Ngô Xuân Khôi.

Rất nhiều chàng trai làng Điều, làng Phao khao khát được cùng Mỵ một lần đến rặng nhãn. Nhưng Mỵ chưa một lần cùng ai. Mỵ đột ngột lấy chồng làm nhiều chàng choáng váng. Mỵ lại đột ngột mất chồng, nhiều chàng trai tiếc thương đến ngơ ngẩn. Họ tiếc cho họ không được cùng Mỵ gửi trao. Họ thương Mỵ giữa đường đứt gánh. Ban là người đau buồn và tiếc thương nhất. Chàng trai ấy ở gần nhà Mỵ. Thuở bé, họ cùng mò cua, bắt ốc, chăn trâu. Khi cả hai ý thức được bạn mình khác giới thì trong lồng ngực mỗi người bập bùng một đốm lửa. Đốm lửa chưa kịp cháy lên Mỵ đã về nhà chồng, còn Ban cũng nhập ngũ đi xa.

Đó là năm Mỵ mới mười tám tuổi, như một bông hoa tràn đầy sức xuân thì ông bố mắc bệnh hiểm nghèo. Ông được đưa đến bệnh viện, được các bác sĩ tận tình cứu chữa ba tháng ròng rã. Trong số các thầy thuốc ấy có bà Trinh. Lòng hiếu thảo của Mỵ đối với bố được bà Trinh để ý ngay từ đầu. Ngày bố Mỵ xuất viện, bà Trinh xin xe đưa về tận nhà. Sau đó, chủ nhật nào bà cũng về thăm nhà Mỵ. Lần thứ tư, hay thứ năm gì đó bà chính thức hỏi Mỵ cho con trai bà.

Lời cầu hôn ấy đối với nhà Mỵ là một đặc ân. Còn đối với Mỵ là nỗi ngỡ ngàng, bối rối. Nỗi ngỡ ngàng chưa hết thì ngày cưới đã định xong. Thế là Mỵ không còn là con gái, chưa một lần cùng ai tâm tình dưới bóng nhãn.

Lấy chồng rồi Mỵ mới hiểu nhà chồng

Bà Trinh ba mươi ba tuổi mới đẻ lần đầu. Ấy là Hạnh - chồng Mỵ. Bà nghĩ rằng tạo hóa còn thương bà, cho bà một đứa con trai làm chỗ dựa tuổi già. Hạnh chậm nói, nhưng hay ăn, chóng lớn và khỏe mạnh. Mọi người ai cũng mừng cho bà, tuy không ai dám hỏi bố Hạnh là ai. Hạnh là nguồn sống, là hiện tại, là tương lai của bà Trinh. Đôi khi bà đau đớn vì Hạnh không khôn ngoan, lanh lợi như những đứa cùng tuổi. Bởi thế bà Trinh để nhiều tâm trí vào việc tìm con dâu. Bà nghĩ con dâu phải hiền thảo thì mẹ chồng và chồng mới sống yên ả được.

Mỵ đến bệnh viện chăm sóc bố là cơ may bất ngờ của bà Trinh. Song tạo hóa cũng thường phũ phàng và tráo trở. Hai chiếc ôtô cùng chiều chèn nhau đổ ra đường, đúng lúc Hạnh đạp xe tới. Tai nạn này làm bà Trịnh suy sụp hoàn toàn. Bà không đủ sức cầm nổi ống nghe và kim tiêm. Bà xin thôi việc về sống ở quê. Quê bà là làng Phao, đối diện với làng Điều qua rặng nhãn. Bà âm thầm đau đớn sau những cơn hoảng loạn. Cơ thể thì mỗi ngày một tóp teo.

Mỵ - cô gái làng quê quen sống trong êm ả và lắng đọng của những buổi chiều man mát, của những đêm trăng ngà cùng những luồng tình cảm chân thành, mộc mạc. Lại mới ở tuổi mười tám, việc lấy chồng rồi dẫn đến cái gì sau nữa, chỉ là khái niệm mơ hồ trong suy nghĩ của Mỵ. Tuy cũng có những cảm giác xao xuyến, bồi hồi khi nghĩ đến một chàng trai, Mỵ cũng mường tượng ra cái cảm giác run rẩy, thẹn thùng, vừa muốn vừa không, khi cửa buồng đóng chặt. Tất cả những suy nghĩ và mường tượng của Mỵ chưa rõ rệt, nói đúng là chưa có với Hạnh. Anh ta chưa một lần chủ động nắm tay Mỵ và ngô nghê đến mức không biết mình là chồng của một người con gái rừng rực tình xuân.

Tuổi trẻ vết thương mau lành. Ít lâu sau ngày chồng qua đời, thân hình Mỵ lại tròn căng, da dẻ hồng hào và mái tóc buông thả. Nụ cười tươi tắn nở trên môi. Con trai hai làng quên bẵng việc Mỵ đã có chồng.

Mỗi khi nhìn thấy Mỵ, lòng bà Trinh rực lên nghẹn uất, dù Mỵ vẫn một lòng, một dạ chăm sóc bà tận tình. Bà không muốn và căm ghét tất cả những đứa con trai, hay đàn ông nhàng nhàng, nhỡ nhỡ đến nói chuyện với con bà. Có lúc bà muốn không còn một gã đàn ông nào nữa trên đời này.

Có một chàng trai không cợt nhả, như gần đây cánh trai làng thường hay đến chơi với Mỵ. Bà Trinh linh cảm giữa hai người không thể chỉ là sự quen biết bạn bè. Bà hoảng hốt nghĩ đến một lúc nào đó bà lại tay không mất cả chì lẫn chài. Một hôm, bà chen vào câu chuyện giữa hai người:

- Bác cho tôi hỏi: Bác người ở đâu nhỉ?

Có lẽ Ban hiểu tâm trạng bà Trình, nên anh trả lời rất dịu dàng:

- Thưa bà! cháu ở bên Điều ạ!

- Ờ! Thế mà tôi không biết. Bác làm gì, ở đâu mà có nhiều thời giờ đến thăm chúng tôi thế?

Mặt Ban đỏ tía lên vì ngượng, mà vẫn phải trả lời lễ phép:

- Thưa bà, cháu mới ở bộ đội về, chưa có việc gì làm...

- Thế anh chưa có vợ, có con à?

Ban nháy mắt cho Mỵ và nói:

- Cảm ơn bà! Cháu có một con rồi ạ!

- À! Ra thế.

Bà Trinh đi ra sân, lòng dịu xuống đôi chút.

Một lần khác, câu chuyện giữa hai người lọt vào tai bà. Hôm ấy bà ở hàng xóm về thấy chiếc xe đạp quen quen ở góc sân, bà nghĩ ngay đến anh bộ đội mới xuất ngũ. Bà rón rén vào buồng, ngồi im và lắng nghe. Lời bày tỏ của chàng trai vẫn đang tiếp tục:

- Khi được tin em đi lấy chồng, anh không oán trách ai, chỉ oán mình sao trước lúc ra đi không xin em một lời. Đến lúc biết tin chồng em chết, anh choáng váng vô cùng. Anh đã hình dung ra em sống vò võ như thế nào...

Tiếng Mỵ sụt sùi:

- Thôi! Anh ơi! Anh đừng nói nữa. Số em phải thế mà!

- Không! Không thể là số được! Đời em phải có hạnh phúc.

- Em đã dở dang rồi. Làm sao có hạnh phúc nữa hở anh?

- Em đừng nghĩ thế! Năm nay em mới hai mốt tuổi. Với lại, anh không nghĩ rằng em là gái đã có chồng...--PageBreak--

Bà Trinh bật người lên, định chạy ra báng bổ cho chàng trai kia một trận. Nhưng đôi chân bà đứng không vững. Bà khuỵu xuống, nước mắt tràn ra và cổ tắc ứ. Đến khi nghe tiếng Mỵ giục chàng trai về bà mới dễ thở hơn.

Đêm ấy bà thủ thỉ với Mỵ:

- Người ta đều có số cả đấy con ạ. Dù có cưỡng lại cũng chả được. Mẹ ngẫm như đời mẹ. Suốt đời chả làm điều gì thất đức. Khi còn trẻ cũng chả đến nỗi nào. Thế mà, mẹ chắc sẽ suốt đời cô độc...

Mỵ ôm bà mẹ chồng, dịu dàng nói:

- Mẹ không cô độc, mẹ ạ! Con sẽ ở với mẹ suốt đời.

- Thế con không đi bước nữa ư?

- Không! Mẹ ạ. Con thương mẹ lắm - Ngập ngừng một chút Mỵ nói tiếp - Với lại bây giờ ai còn thương yêu con nữa.

- Thế cái đứa ở làng Điều ấy. Con có yêu nó không?

Mỵ lúng túng một giây rồi nói dối:

- Không mẹ ạ! Anh ấy có vợ, có con rồi.

Bà Trinh hớn hở như đứa trẻ được chia quà:

- Có thật thế không con? Con đừng bỏ mẹ, con nhé!

Bà ôm chặt Mỵ vào lòng, đưa tay xoa lưng, xoa vai Mỵ. Bàn tay bà giật thót lại khi chạm vào bộ ngực căng tròn và hừng hực nóng. Ngay lúc ấy, Mỵ vùng dậy, chạy ra sân. Bà Trinh cũng rón rén xuống giường, đứng bên cửa nhìn ra: Đầu óc Mỵ tõa tời, chân bất động, hai tay bíu vào cây bưởi.

Bà Trinh không dám nhìn Mỵ nữa. Bà vào giường nằm. Nước mắt bà ứa ra. Mập mờ những chuỗi ngày thời trẻ. Sao mà giống những ngày này của con dâu đến thế. Cũng tần ngần đứng lặng, mắt nhìn xa xăm, bất chợt lại rực lên bốc lửa. Cũng đang đêm vùng chạy ra sân, ôm ghì lại bất kỳ cái gì đó rồi chạy vào lăn đùng xuống giường, úp mặt vào gối, nghiến răng kèn kẹt...

Nửa đêm, khi hơi thở của Mỵ đã đều đều, bà Trinh ngồi lên, xoa nhè nhẹ khắp người cô, miệng thủ thỉ:

- Tội nghiệp con tôi, đầu xanh, tuổi trẻ thế này...

Mỵ chợt tỉnh hốt hoảng kéo bà Trinh nằm xuống:

- Mẹ ơi! Sao mẹ không nằm xuống? Mẹ ngủ đi chứ.

- Mẹ không ngủ được. Con cứ ngủ đi con ạ.

Mỵ nài nỉ:

- Mẹ đừng nghĩ ngợi lung tung. Mẹ cứ nhắm mắt vào là ngủ được, mẹ ạ.

- Ừ! Mẹ cố ngủ vậy.

Nhưng cả hai mẹ con cùng trằn trọc. Mỵ giở mình luôn. Bà Trinh thở dài. Gần sáng, bà kéo đầu Mỵ vào ngực mình, hỏi nhỏ:

- Con bảo, con không đi bước nữa hả con?

- Vâng mẹ ạ. Số con thế, con đành chịu thế. Con cưỡng lại có khi còn khổ hơn.

Bà Trinh trút một hơi thở dài:

- Rồi con lại phải sống cô đơn như mẹ ư?

Im lặng. Mỵ rúc sâu vào bộ ngực tóp teo của mẹ chồng. Bà Trinh xoa đầu con dâu bảo:

- Mẹ bảo con điều này, con phải nghe mẹ nhé!

Mỵ hơi nũng nịu:

- Mẹ bảo gì con chả nghe. Mẹ cứ nói đi.

- Thật nhé!

- Vâng!

- Nếu có ai yêu thương con, thì con cứ lấy, nhưng phải ở đây với mẹ. Con là con gái một của mẹ. Đứa nào lấy con, mẹ cho ở rể.

Mỵ cười rúc rích, ôm mẹ chặt hơn. Thế rồi hai mẹ con thiếp đi đến sáng.

Mùa thu tới. Bắt đầu là những trận mưa ngâu khi dầm dề, lúc thánh thót. Rồi trời quang, mây vắng, bầu trời mênh mông vô tận, gió heo may ngan ngát và trời cao lồng lộng.

Bà Trinh nhận biết mùa thu bởi tiếng nô đùa của trai gái hai làng. Cứ chập tối họ kéo nhau lên bờ đê lộng gió và đầy ứ ánh trăng vàng. Đến khuya họ mới đưa nhau về rặng nhãn tâm tình. Bà biết, trai gái đã đưa nhau tới đó thì không biết trăng lặn lúc nào và cuộc đời họ khó dứt được khỏi nhau. Ngày xưa, tuần trăng nào bà chả đến rặng nhãn để được đắm chìm trong hơi thở gấp gáp và những lời ngập ngừng, bối rối. Người ấy của bà ra đi, mãi mãi không về. Hơn mười năm chờ đợi, tuổi xuân của bà tàn lụi theo năm tháng, mà nỗi cô đơn mỗi lúc một lớn dần. Bà phải nghiến răng chịu đựng. Rồi tương lai tuổi già lại bắt bà một lần nữa nghiến răng chịu đựng lời bàn tán, chê bai, để có một đứa con không biết bố là ai!

Cuối cùng bà lại tay không. Nhưng cứ nghĩ đến ngày còn trẻ, cũng chàng trai ấy, lòng bà vẫn thổn thức, bâng khuâng và rất sợ Mỵ sẽ cùng ai một lần đến rặng nhãn.

Có người bảo bà: Mỗi lẫn Mỵ về thăm bố thường có người đón đưa ở rặng nhãn. Tim bà lại giật thót, hốt hoảng. Bà nghĩ: Liệu có phải cái thằng ở làng Điều ấy không? Nhưng mà nó có vợ con rồi kia mà! Con dâu bà thì đã lâu bà có thấy đi sớm về khuya đâu. Bà thương con dâu đang tuổi xuân hơ hớ, những đêm trăng sáng, trời đẹp cứ thui thủi một mình với một bà lão héo hắt. Thương Mỵ, bà chỉ biết ôm Mỵ vào lòng, xoa xoa, nắn nắn. Người Mỵ có lúc nóng ran, có lúc lạnh toát, cứng đờ, chân tay duỗi thẳng, mắt nhắm nghiền, răng nghiến vào nhau ken két. Có lúc Mỵ ôm ghì lấy bà, thở hổn hển. Bà là thầy thuốc, bà biết rõ nguyên nhân của chứng bệnh này. Những lúc Mỵ thế, bà thở dài lẩm bẩm:

- Tội nghiệp con tôi! Tại cái số mình chả ra gì, làm khổ lây cả nó. Con ơi! Tội nghiệp...

Rồi thu tàn. Một trận mưa đêm sầm sập, báo hiệu trời sắp sang đông. Không còn những tiếng nô đùa ngoài đê. Không còn những đêm trăng sáng. Gió Bắc sắt se lành lạnh. Hai  mẹ con ôm nhau trằn trọc. Gần sáng bà Trinh lay lay vai Mỵ:

- Con ơi! Mẹ muốn con điều này. Con có cho mẹ không?

Mỵ nói:

- Mẹ muốn điều gì mẹ cứ bảo, con sẽ làm theo ý mẹ.

- Thật nhé!

- Vâng!

- Mẹ muốn con có con. Con không lấy chồng thì thôi, nhưng con cứ đẻ, với ai mà con yêu ấy. Ai cười, mẹ chịu cho.

Im lặng hồi lâu, Mỵ òa khóc nức nở:

- Mẹ ơi, con không thể thế được.

- Hay là con lại đi lấy chồng? - Giọng bà Trinh đầy tủi hờn, thất vọng làm Mỵ ríu rít kêu lên:

- Không! Không! Mẹ ơi, con không để mẹ phải sống một mình đâu...

- Thế thì con phải nghe theo mẹ. Con phải cho mẹ một đứa cháu, để mẹ chơi với nó...

Mỵ chợt nghĩ đến Ban. Có lẽ bà đã nghi ngờ mình và Ban hò hẹn. Nếu bà biết rõ Ban là người chưa vợ, chưa con thì nỗi thất vọng sẽ còn lớn đến mức nào?

Mỵ ôm cổ mẹ chồng an ủi:

- Mẹ ơi! Con không để mẹ phải sống một mình đâu. Con thương mẹ lắm.

Bà Trinh lại hớn hở như đứa trẻ được chia quà:

- Thật nhé!

- Vâng!

Bà Trinh cũng ôm chặt Mỵ vào lòng. Một thân thể khô cằn, giá buốt, một thân thể căng tròn, nóng ran quấn quyện vào nhau. Ngoài hiên, những hạt mưa cuối thu rơi thánh thót

.
.