Giữa rừng Sala

Thứ Sáu, 31/07/2015, 08:00
Con tôi nằm đó. Cái mắt nó híp tịt. Cái miệng nó doe ra, để hở cái lợi đỏ hỏn. Trông nó lành lành, yên ả vậy thôi chứ thực tế nó đã là một vị "anh hùng", đi qua tử thần trong kiêu hãnh. Hai tuần trước, thậm chí gia đình tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý chia tay nó, khi bác sĩ bảo ca mổ tim bẩm sinh này đối diện với tình cảnh một sống hai chết, mà cửa chết cao hơn.

Nghe tin ấy, vợ tôi oà khóc, và cứ thế gào lên: "Ôi, con có 3 tháng tuổi. Sao trời bắt con khổ thế này". Cô ta chỉ dừng lại khi tôi không chịu đựng nổi, phải bộp lại: "Nó đã chết đâu mà cô cứ gào lên như chết thế!". Nhưng dừng lại được một lúc thì cô ta cãi: "Anh có đẻ nó đâu mà anh xót...", rồi lại gào lên cứ như thể chỉ một mình cô ta biết xót, chứ tất cả những người còn lại, gồm tôi, mẹ tôi, anh trai tôi đều không có cái khả năng xót xa rất con người ấy...

Dĩ nhiên là tôi xót. Nhưng tôi có một niềm tin mãnh liệt là thằng bé sẽ chiến thắng tử thần, vì nó là con tôi, là ấu chúa của tôi.

*

Đấy là một rừng hoa sala tuyệt đẹp. Những bông sala trái mùa nở trắng cả cánh rừng. Nếu bạn chưa từng đến xứ này hoặc chưa từng mơ về nó - cái xứ Ấn Độ cổ đại xa xưa thì bạn sẽ không thể tưởng tượng được hoa sala đẹp như thế nào. Nhưng bạn có thể cố nhớ về những bông hoa ban ở núi rừng Tây Bắc, bởi hoa sala cũng trắng và cũng thăng trầm, mộng mị hệt những cánh hoa ban. Điều khác biệt là cây sala cao vút, cao tới độ tưởng có thể đâm thẳng lên trời. Chính vì thế, khi những cánh sala từ từ rơi thì cả một cánh rừng như bỗng run lên bởi một cơn mưa hoa màu trắng. Nó run thơm tho, nhè nhẹ, phang phác buồn.

Đức Thích Ca nằm đó, những cánh sala rơi nhẹ trên mặt ngài. Chỉ vài sát - na nữa thôi là ngài tịch diệt, nhưng gương mặt ngài thì mỗi lúc một bừng sáng. Gương mặt ấy như muốn nói với cả trăm ngàn môn đệ xung quanh về sự vĩnh hằng siêu thoát của cuộc đời. Gương mặt ấy như muốn nói với hậu thế về một sự đốn ngộ thế kỷ giữa một linh hồn cá thể với linh hồn vũ trụ. Và từ giây phút ấy, từ khoảnh khắc thần diệu ấy, trái tim con người đã trở thành trái tim vũ trụ. Lấp lánh. Thiêng liêng. Phổ độ. Nhân từ.

Nhưng lạ thay, trong cái giây phút tĩnh lặng tuyệt đối ấy - nơi mà người ta có thể nghe được từng tiếng động tế vi của những cánh sala khi nó rơi xuống đất thì Đức Thích Ca lại nâng hai tay lên cao. Những cánh sala phủ trắng tay ngài. Phải đến khi Ma Ha Ca Diếp - một môn đệ chân truyền của ngài từ tốn bước lên, gạt những cánh sala xuống đất thì tất cả mới sửng sốt nhận ra trên tay ngài là một bé trai kháu khỉnh. Ma Ha Ca Diếp bế đứa bé đi trong cơn mưa sala, giữa những lời cầu khấn vang vọng cả khu rừng rồi bất ngờ đặt đứa bé vào tay tôi.

Reng! Reng! Tiếng chuông điện thoại làm tôi choàng tỉnh - một sự choàng tỉnh khó chịu, vì như thế có nghĩa là phải chia tay một giấc mơ quá đẹp. Từ đầu dây bên kia, giọng cô người yêu lèo nhèo: "Thôi chết, em dính rồi anh ạ. Hai vạch đỏ rồi...". Chẳng kịp nghe tôi nói, cô cứ thế xả cả tràng: "Bây giờ anh tính sao? Như thế nào hả anh? Em sợ lắm!".

*

Vị anh hùng của tôi đang ngủ. Những lọn tóc đen nhánh phủ lên đầu vị anh hùng. Này, nếu có thể hãy nói tôi nghe vị đang mơ giấc mơ gì được không? Giấc mơ tráng sĩ đang cầm giáo, dẫn đầu một đoàn quân đánh nhau với tử thần? Giấc mơ đang đi giữa rừng sala trắng, đang đối diện với Đức Thích Ca, và được ngài xoa đầu tán thưởng? Mà không, có khi vị chẳng mơ những điều xa vời như thế, đơn giản là vị đang mơ đến tôi đây. Đang mơ thấy tôi ở kề bên vị, cười với vị, nâng niu vị, ngờ vực vị...

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Tôi đã cầm sẵn một cái kéo trắng. Cái kéo đẹp nhất mà tôi lùng mua cả tháng qua. Tôi đã xịt nước hoa lên cái kéo ấy. Vì chắc chắn phải là một cái kéo thật đẹp, thật thơm thì mới xứng đáng chạm lên đầu tóc - cái chỗ tinh tuý, cao cả nhất của một vị anh hùng. Tôi giơ cái kéo lên trên, lướt nhẹ qua mặt vị, chạm sát vào đầu vị. Tôi sẽ cầm vài lọn tóc của vị và sẽ làm cái việc mà anh trai tôi bảo là "cái việc đơn giản nhất", "cái việc mà mọi ông bố đều phải làm trong thời buổi này". Vâng tôi sẽ làm. Chắc chắn tôi sẽ làm.

Nhưng trái tim tôi mách bảo, cứ đợi thêm vài khoảnh khắc nữa, để vị anh hùng kịp mơ trọn vẹn giấc mơ của mình. Nhiều lần bị đánh thức giữa những giấc mơ đẹp, tôi hiểu cái cảm giác bị bắt cóc khỏi giấc mơ mới khó chịu làm sao. Và vì thế tôi không muốn mọi sự động chạm cơ học nào khiến vị anh hùng của tôi cũng bị bắt cóc như thế.

Anh trai tôi bất ngờ bước vào, hất hất cái mặt về phía trước như muốn nói: Làm đi! Sao chưa làm? Tôi nhìn anh tôi với một ánh mắt cầu xin. Nhưng anh tôi không cảm nhận được sự cầu xin ấy, chắc chắn cũng chẳng cảm nhận được những giấc mơ tuyệt đẹp đang nhảy nhót trong đầu óc của vị anh hùng. Anh tôi giật nhanh chiếc kéo từ tay tôi rồi bảo: "Sốt ruột! Để tao cắt cho".

Giọng anh gằn, to, giật cục. Thế là vị anh hùng của tôi mở mắt. Vị oà khóc. Tôi ôm nhanh vị vào lòng. Anh tôi chán nản bỏ ra ngoài, để lại hai tiếng gì đó tôi nghe không rõ, hình như là: "Thằng điên!".

*

Mà thằng điên thì sao? Bốn mươi tuổi, không vợ không con, không ham hố danh vọng quyền lực, suốt ngày lao vào cái mớ nghiên cứu lãng đãng thì chẳng điên là gì? Quen nhau được 3 tháng, ngủ với nhau được 3 lần, thế mà đã bày đặt cưới xin, vợ chồng thì chẳng điên là gì? Nhưng hình như tôi là một thằng điên tử tế. Và chính cái độ điên - tử - tế của tôi đã khiến cái người mà tôi bây giờ gọi là "vợ" choáng váng trong mừng rỡ. 

Ngày cô ta báo tin: "Em dính rồi" và tôi tử tế đáp lại: "Vậy cưới thôi, cưới ngay" thì cô ta đã không tin là mọi thứ lại diễn ra trơn tuột như thế. Cô ta từng kể gã người yêu trước của cô (tôi tự hỏi là một gã hay nhiều gã?) khi thấy cô báo tin như vậy đã cuống cuồng phủ nhận. Gã bảo: "Không thể có chuyện đó! Chắc chắn không thể, vì anh đã rất cẩn thận mà". Đến khi nghe cô khẳng định chắc nịch là "có", cam đoan là "có" thì gã ráo hoảnh: "Vậy giải quyết thôi em". Gã không ngờ rằng đấy chỉ là cách để cô thử lòng gã, chứ thực tình cô có dính cái quái quỉ gì đâu. Và dĩ nhiên sau một lần (hay nhiều lần?) thử lòng như vậy, cô đã chia tay gã...

Ngày cưới tôi, mặt anh trai tôi nặng như đâm lê. Anh là người phản đối quyết liệt nhất chuyện cưới xin, vì theo anh "quen nhau 3 tháng, chưa hiểu hết về nhau mà đã cưới hỏi là quá vội". Khi tôi trình bày lý do "bác sĩ bảo cưới" thì anh tôi cũng phản đối: "Mày có biết chắc là con mày không? Nó lừa mày, trói mày thì sao?". Hình như mẹ tôi cũng có một phần nào đó đồng tình với suy nghĩ của anh tôi, nhưng có một phần khác lớn hơn, tràn ngập hơn, đầy ắp hơn trong lòng bà. Cái phần mà bà ước mơ, cũng là cái phần mà bà đau khổ. Cái phần mà bà khao khát, cũng là cái phần mà bà mỏi mòn, héo hắt nhiều năm nay. Thế nên bà từ tốn bảo: "Thôi con à. Mẹ thèm cháu lắm rồi. Nó bốn mươi rồi, con định để nó giống con à?". Nghe nói thế, anh tôi lại nổi khùng lên, không khác gì thằng điên...

Một tay mẹ tôi lo đám cưới tôi tươm tất. Mẹ tôi cũng đối xử với vợ tôi một cách thân thiện, dịu dàng. Và đương nhiên rồi, mẹ tôi nâng niu, yêu quý vị anh hùng của tôi như một báu vật. Nhưng đã hơn một lần, kể cả trước và sau khi vị anh hùng của tôi rơi vào ca phẫu thuật thập tử nhất sinh, mẹ và anh trai tôi đều khuyên tôi phải xét nghiệm ADN xem "nó có phải là con cái nhà mình không".

Sẽ xét nghiệm ADN! Sẽ xét nghiệm! Tôi đồng tình với lời khuyên của mẹ và anh. Và lẽ ra chúng tôi đã làm điều đó nếu thằng bé không bất ngờ phải rơi vào một ca mổ tim định mệnh.

*

Bệnh viện đời đời là thế, luôn trắng một màu tàn nhẫn. Những cuộc đợi chờ bên ngoài phòng phẫu thuật cũng luôn đẩy người ta vào sự tàn nhẫn đến nghiệt ngã của sự sống còn. Chưa bao giờ tôi thấy thời gian chậm chạp và tàn nhẫn đến thế. Vợ tôi thì khóc, chắc chắn phải kiềm chế lắm cô ta mới khóc một cách nhỏ nhẹ, nhưng giật cục, thay vì cứ gào nấc lên như vài hôm trước. Mẹ tôi thì cắm vài que hương vào một cái cây và cứ thế khấn vái. Bà tin rằng thần cây, thần đất sẽ phù hộ cho thằng bé đang nằm trên giường phẫu thuật, chỉ cách bà một cánh cửa và vài chục bước chân. Anh trai tôi vốn lý trí, lạnh lùng là thế mà bây giờ cứ nhấp nhổm đứng lên ngồi xuống.

Duy chỉ có tôi là ngồi lì một chỗ, để đầu óc miên man trôi tận đẩu đâu. Và hình như tôi lại trôi về cánh rừng sala ấy. Lần này Đức Phật đang ngồi niệm. Bất ngờ Người mở mắt, nhìn về phía tôi. Từ ánh mắt Người toát lên một vẻ bình an cực độ. Từ ánh mắt Người, như có một luồng sáng nào đó phát ra. Dưới sự rọi chiếu linh diệu ấy, tôi như được nhấc lên không trung. Nơi ấy có những cánh sala trắng đứng im - đứng im một cách tĩnh mịch, chứ nhất định không rơi xuống đất. Và nơi ấy, hoà lẫn vào những cánh sala là gương mặt con trai tôi. Nó cười tinh nghịch, ngạo nghễ với tôi... Khi tôi mở mắt thì cũng là lúc cửa phòng phẫu thuật bật mở. Ông bác sĩ từ tốn bước ra: "Thành công rồi. Cả nhà yên tâm nhé".

Từ giây phút ấy, tôi gọi con tôi là một vị anh hùng. Và cũng từ giây phút ấy trong tôi luôn bị ám ảnh bởi cái suy nghĩ: Nếu thử ADN, nếu chẳng may phát hiện vị anh hùng ấy không phải con tôi, không thuộc về tôi thì sự mất mát trong tôi sẽ khủng khiếp thế nào? Còn nếu vị anh hùng đích thị là con tôi, và lớn lên, vì một lý do nào đó mà nó biết bố nó đã có lúc nghi ngờ nó thì nó liệu có hận bố nó không? Mà chính tôi nữa, chính tôi có hận tôi không?

Tôi nói tất cả suy nghĩ này với mẹ và anh trai. Tôi cố thuyết phục họ rằng ở đời này, có những thứ giá trị tốt nhất đừng nên xác tín. Mẹ tôi gật gù. Anh tôi thì bảo: "Thằng điên", rồi khuyên tôi phải thử ADN bằng mọi giá. Anh nói đi nói lại: "Ở cái thời buổi này, mười người thì có đến 8, 9 người làm việc đó, có gì đâu mà mày cứ làm quá lên". Rồi anh còn kể trường hợp cô bạn anh đã chủ động đi thử ADN, vì chính cô cũng không biết rốt cuộc đứa con mình dứt ruột đẻ ra là con của gã nào. Nghe thế, mẹ tôi lại xuôi theo anh tôi rồi bảo: "Ừ, hay cứ thử cho chắc con à...".

Ừ, hay cứ thử cho chắc nhỉ - chính tôi cũng lờ mờ nghĩ thế. Nhưng tôi lại nghĩ đến trái tim vừa trải qua cơn phẫu thuật của vị anh hùng. Ba tháng tuổi, trái tim ấy đã đau đớn và bị thách thức. Có cần phải đặt vào trái tim bé bỏng ấy thêm một nỗi đau, một sự thách thức nào nữa không?

*

Vợ tôi ngủ rồi. Sau những ngày dài khóc lóc, mếu máo, trông vợ tôi tiều tuỵ quá. Người cô gầy sọp đi. Cái má căng, trắng mịn của vài tháng trước giờ đã chùng xuống. Trong lòng tôi bỗng trào lên một niềm thương vợ vô hạn - thương người đã đẻ ra người anh hùng của tôi. Bên cạnh vợ, người anh hùng cũng đang thiêm thiếp. Những ngón tay người anh hùng chụm lại một cách can trường. Tự nhiên tôi nghĩ, nếu thần chết quay trở lại và phải chọn lựa một ai đó lúc này thì tôi sẵn sàng ra đi thay cho vợ tôi hoặc người anh hùng của tôi.

Nhưng thần chết luôn là một gã tai ác. Gã ta không chỉ đến một cách cụ thể, trong một không gian - thời gian cụ thể, làm một công việc cụ thể rồi mãi mãi ra đi, mà còn hiện lên, nói cho chính xác là nhói lên một cách vô hình mà hữu hình trong trái tim tôi, khi câu nói của anh tôi bất ngờ trở dậy: "Phải thử ADN. Nhỡ nó không phải con mày thì sao...". Vâng, thần chết ở đó, ở câu nói ấy, ở cái công nghệ ADN chết tiệt, gớm ghiếc ấy. Ngày xửa ngày xưa, khi chả có ADN, khi con người bị lừa dối nhưng không biết là mình bị lừa dối có phải cuộc sống của con người thanh bình, yên ấm, hạnh phúc hơn bây giờ nhiều không? Tôi cứ nghĩ linh tinh, cứ tự hỏi linh tinh như thế. Cho đến khi chợp mắt, đến khi lại trôi về cánh rừng sala màu nhiệm...

Đến lúc này tôi bạo dạn mang câu hỏi tới Đức Thích Ca. Nhưng Đức Thích Ca cứ nằm lặng im, không cười, không nói, không động đậy. Những vầng hào quang toả khắp thân thể ngài. Những cánh hoa sala màu trắng vẫn rơi quanh ngài, đời đời vẫn rơi, muôn vạn kiếp vẫn rơi. Và hoà đâu đó trong những cánh hoa trắng lại là vị anh hùng của tôi. Thật bất ngờ, tôi rút từ túi quần ra cái kéo màu trắng đã được xịt nước hoa. Rất nhanh, tôi lia cái kéo qua mặt vị anh hùng, chạm vào tóc vị anh hùng. Tôi bắt đầu cắt những lọn tóc đầu tiên.

Những lọn tóc hoà trong những cánh sala trông mềm mại là thế, cái kéo của tôi sắc nhọn là thế, vậy mà không hiểu sao cái kéo vẫn không thể cắt nổi một lọn tóc nào. Đến nước này thì tôi gồng lên, lấy hết sức bình sinh để cố cắt chỉ một sợi tóc - vâng, chỉ một sợi tóc mỏng mảnh, nhỏ bé, chứ không phải cả một lọn tóc như trước nữa, nhưng vẫn không tài nào cắt nổi. Tôi tự nhủ: "Thôi thì cắt sau cũng được, giờ cắt tóc mình trước", và thế là quay mũi kéo, cắt một mảng tóc của mình. Một mảng tóc rơi xuống. Nhưng lạ quá, chiếc kéo tự nó không thể nào kiểm soát được cứ cắt toàn bộ phần tóc còn lại của tôi. Đến khi cái đầu tôi trọc lốc thì cái kéo bỗng đâm vào đỉnh đầu tôi, xuyên qua sọ tôi, xuống cổ tôi. Đầu tôi rơi xuống. Rồi nó lại xuyên vào lồng ngực, vào trái tim tôi. Trái tim tôi nát vụn, đổ máu, nhuộm đỏ cả một nền đất mênh mông vốn đang được phủ trắng bởi những cánh sala...

- Dậy đi anh ơi. Đưa con vào viện ngay. Nó lại tắt thở, tim ngừng đập... Giọng vợ tôi gào lên bấn loạn. 

Bây giờ thì con tôi lại nằm trong phòng cấp cứu. Vợ tôi lại rên rỉ. Mẹ tôi lại khấn vái. Còn tôi, trong tôi chỉ tồn tại duy nhất một ý niệm: Bằng mọi giá, trong mọi hoàn cảnh, trái tim của vị anh hùng không thể bị xâm phạm, đầu tóc, cơ thể của vị anh hùng không thể bị xâm phạm.

Vị anh hùng không thể chết!
Truyện ngắn của Phan Đăng
.
.