Giọt nắng ngoài song sắt

Thứ Hai, 13/06/2016, 08:00
Con chim trước khi lìa đời cố cất lên tiếng hót trong trẻo nhất của cuộc đời. Tử tù một mình trong phòng biệt giam thì những kỷ niệm thơ ấu luôn cuồn cuộn đổ về ký ức. Những kỷ niệm làm cho dòng máu qua tim nóng bừng. Kỷ niệm tuổi thơ đang hiển hiện trước mắt. Đôi chân từng bôn ba khắp nẻo cuộc đời là đôi chân trần tuổi thơ nhảy tưng tưng trên đường làng. Làng quê nghèo chan chan nắng hè. Nắng hun khô luống cày vỡ...

Tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình như tòa sơ thẩm đã tuyên.

Nghe tòa tuyên án, Thanh Mây ngất lịm. Phúc Anh gục xuống ngay vành móng ngựa. Những người dự phiên tòa nhìn theo hai người cảnh sát xốc nách, đưa tử tù vào xe ô tô đặc chủng. Phúc Anh chẳng biết mình đã ngất trong bao lâu. Tường phòng biệt giam hiện ra lờ mờ. Đưa tay lên giụi mắt, nhớ ra hai tay đang bị còng. Lúc này, người quản giáo trẻ đứng bên cạnh. Anh ta đứng như thế từ rất lâu rồi. Theo kinh nghiệm nghề nghiệp thường khi dứt lời tòa tuyên án thì nhiều tử tù ngất xỉu ngay tại chỗ. Người cảnh sát trẻ kiên trì đứng gác. Bóng người quản giáo đứng bên trở thành bóng cây che chở người đột quỵ giữa trời nắng.

- Tỉnh lại rồi! - Người quản giáo trẻ mỉm cười.

Phúc Anh nằm li bì trên tấm đệm. Hoàn cảnh nghiệt ngã. Cả thể xác lẫn tinh thần đều đổ gục. Mãi sau, vọng tới tiếng gà gáy. Tiếng gà gọi bình minh làm đầu óc lơ mơ, dần tỉnh lại. Phòng giam bên cạnh lịch kịch hoạt động của tử tù vào một ngày mới. 

- Mình bị tử hình ư?

Phúc Anh nấc lên trong cổ. Buồn cực độ. Thất vọng. Não nề. Buông xuôi số phận… "Ai mà chẳng tới lúc kết thúc cuộc đời. Nhưng sao số phận ta lại kết thúc cuộc đời một cách cay đắng, thảm hại như thế này?". Phúc Anh gục đầu xuống giữa hai đầu gối, ngồi bất định.

Trời đã sáng rõ. Trong sân trại giam vang lên tiếng hô tập thể dục của Đài Tiếng nói Việt Nam qua hệ thống loa truyền thanh.

Thêm một ngày đến gần với cái chết!

Phúc Anh tập bài thể dục của riêng mình. Chân bị cùm thì tập lên cơ cho máu lưu thông. Động tác tay cũng tập như thế. Ưỡn lồng ngực ra phía trước - những đốt xương ức giãn ra, kêu lách cách. Vặn lưng sang hai bên để các đốt xương sống kêu lạch cạch. Các động tác thư giãn đem lại sự sảng khoái. Các ngón tay léo vào nhau kêu tí tách. Tự ngoáy cổ chân, cổ tay cho các khớp xương dễ chịu. Tránh nhất là ngồi lì trong phòng biệt giam cắn móng tay hay mút ngón tay. Các động tác này dẫn cơ thể nhanh vào giấc ngủ ê chề. Ngủ coi như sống thực vật.

Ngủ nhiều trong phòng biệt giam sẽ tạo ra tâm trạng hoang mang, nghĩ quẩn tới tự tử. Phúc Anh nhìn lên ô cửa thoáng. Nắng ban mai xuất hiện. Trái đất quay rì rì mà sao ngày đêm lướt qua ô cửa thoáng nhanh đến thế? Nắng không xòe nan quạt như trên ngọn tre làng. Nắng dừng lại trong chốc lát nên cô lại thành giọt vàng. Từng giọt, từng giọt nắng lăn lăn vào ký ức tử tù.

Con chim trước khi lìa đời cố cất lên tiếng hót trong trẻo nhất của cuộc đời. Tử tù một mình trong phòng biệt giam thì những kỷ niệm thơ ấu luôn cuồn cuộn đổ về ký ức. Những kỷ niệm làm cho dòng máu qua tim nóng bừng. Kỷ niệm tuổi thơ đang hiển hiện trước mắt. Đôi chân từng bôn ba khắp nẻo cuộc đời là đôi chân trần tuổi thơ nhảy tưng tưng trên đường làng. Làng quê nghèo chan chan nắng hè. Nắng hun khô luống cày vỡ.

Trẻ con cặm cụi lấy mũi liềm cậy từng sợi cỏ xương rắn. Bờ ruộng nứt nẻ, chỉ có loài cỏ xương rắn mới bám được thân gầy vào đất cằn. Thỉnh thoảng ngón tay đen nhẻm gặp nhánh cỏ mật. Cỏ mật càng héo thì hương càng nồng. Cất cỏ mật vào túi áo ủ hương thơm của đồng ruộng. Hương cỏ thấm cả vào trong giấc ngủ. Đôi chim sẻ đồng làm tổ trong luống cày vụt bay lên, mang theo hương cỏ mật vào không gian. Chim tha sợi cỏ mật về kết tổ. Lũ trẻ dòm vào vào tổ chim trong luống cày.

Minh họa: Đỗ Dũng.

Ô kìa, bốn quả trứng nhỏ ngây ngô nằm bên nhau. Ngày nào lũ trẻ chăn trâu cũng ngó nghiêng bên tổ chim. Rồi một hôm, vù! chim bố mẹ dắt đàn chim con bay vút lên, để lại mấy mảnh vỏ trứng trong sự luyến tiếc ngẩn ngơ của lũ trẻ. Lũ trẻ rủ nhau ra đầu cánh đồng đón mẹ đi chợ về. Phúc Anh bé nhất, đôi mắt to hướng ra đầu đường.

Phiên chợ đã vãn bên sông. Các bá, các dì, các cô quẩy gánh từ chợ trở về. Nón lá nhấp nhô trong nắng trưa. Bọn trẻ chân trần, mồ hôi nhễ nhại sà vào lòng mẹ. Các mẹ đặt đòn gánh xuống vệ cỏ bên đường chia quà cho con. Những đứa bé tay cầm bánh đa, miệng ngậm ti mẹ. Phúc Anh ngồi trong lòng mẹ bú tí. Mẹ quạt nón lá phì phạch. Tay vuốt mái tóc con trai đẫm mồ hôi. Mẹ âu yếm, bảo:

- Con trai mẹ bú hết phần em rồi!

Phúc Anh nhả ti mẹ, mở to mắt, phụng phịu:

- Con chỉ bú tí một bên thôi! Phần em bé bên kia kìa…

No nê cái bụng, lũ trẻ nhong nhong chạy ra bãi. Đứa cầm bỏng ngô gạ đứa cầm bánh đa, xin một miếng:

- Xin miếng ngoài rìa bánh cũng được!

Mặt trời rót nắng xuống những cái lưng trần giơ xương sườn. Nắng rát làm cho lưng đỏ lên từng mảng rôm sẩy.

- Ra hồ tắm chúng mày ơi!

Chưa dứt lời hô, bọn trẻ trai, bọn trẻ gái đã ùa xuống hồ nước. Cởi truồng. Đứa có chim nhường cho những đứa không có chim chỗ mặt ao ít bèo. Lúc đầu thì tắm xa nhau. Đến trò chơi ném bèo vào nhau, thời bất luận, đứa có chim hay đứa không có chim đều giành bèo, ném nhau túi bụi…

Người quản giáo trẻ nhìn qua ô cánh cửa phòng giam. Nụ cười trẻ thơ ngây ngô vẫn đọng trên môi tử tù.

- E hèm! Có niềm vui gì thế!

- Thưa cán bộ, tôi vừa nhớ về những kỷ niệm thời chăn trâu, cắt cỏ.

- Quê tôi vùng mỏ nên không có kỷ niệm êm đềm ấy…

Người quản giáo trẻ ngừng lời vì cho rằng trong khi làm nhiệm vụ mà nói như thế là hơi nhiều. Trong khi đó, Phúc Anh chỉ mong gặp lại những ký ức trẻ thơ trong thời gian chờ thi hành án. Đôi mắt tự dưng đẫm nước mắt. Phúc Anh chợt nhận ra: nước mắt kỷ niệm tuổi thơ đang gột sáng đôi mắt đau buồn của mình. Người quản giáo trẻ chuyển cho Phúc Anh suất cơm trưa.

Phúc Anh vội đưa tay ra hiệu, chỉ lên ô cửa thoáng trên tường. Quấn vào hàng song sắt là những sợi rơm vàng. Đôi chim nào đó đang kết tổ. Lúc sau, xuất hiện hai con chim ri mỏ ngậm sợi rơm, đậu xuống. Mỏ chim bé xíu cài sợi rơm vào song sắt, khéo léo đan thành tổ. Tiếng chim tích tích nao nao. Người quản giáo trẻ mỉm cười:

- Rất vui được chim đến đây làm tổ!

Con chim nhỏ hơn, có lẽ đó là con chim trống. Chim trống đưa cánh đỡ chim mái vào tổ. Chim mái nằm thử trong tổ một lúc, rồi bước lên, đứng trên vành tổ kêu tích tích. Phúc Anh đoán con chim mái nói với con chim trống:

- Nhà hộ sinh thật mĩ mãn!

Sau khi ăn xong suất cơm trưa, Phúc Anh ngồi lặng lẽ  ngắm tổ chim trên ô cửa thoáng. Sợi rơm lay động trước ngọn gió lạc đến. Sợi rơm khô giòn, có lẽ mùa màng đã thu hoạch xong rồi. Thóc đã đổ bồ. Sợi rơm vàng hoe như tia nắng chiều. Nhìn lên lại tưởng nắng trời khoanh cho chim cái tổ bên song sắt.

Phúc Anh gặp Thanh Mây cũng vào mùa gặt lúa. Trước đó hai vụ lúa, Phúc Anh vào làm nhân viên công ty ngành biển. Làm kinh tế trên biển cả vẫn phải gom nhặt từng kết quả lao động chẳng khác gì nhặt từng dé lúa trên đồng. Bản tính cần cù, thông minh nên Phúc Anh được nhiều người quý mến. Thanh Mây là gái phố nhưng đã để ý từ lâu chàng trai thấp hơn mình một chóp đầu. Cô gái phố dong dỏng, hoạt bát nhưng cử chỉ dịu dàng. Phúc Anh lén nhìn mái tóc buông dài sau tấm lưng thon. Chàng trai thấy tim đập loạn khi tiếng guốc tới gần. Mà sao Thanh Mây hay mượn bút hoặc xin Phúc Anh tờ giấy than để tô in hoa thế?

Một buổi sáng, đầu giờ, trên bàn làm việc của Phúc Anh đặt tờ giấy nhỏ ghi dòng chữ con gái: "7 giờ tối nay, chờ em cạnh chân cầu Cao, đi xem phim rạp. Ký tên: Vân". Phúc Anh ấp tờ giấy nhỏ lên ngực mình. Miệng mỉm cười, thầm nhắc tên Vân. Mây chính là Vân! Từ lúc nhận được tín hiệu, Phúc Anh chỉ mong cho trời chóng tối. Điện đường phố vừa bật sáng thì bên chân cầu Cao đã in bóng chàng trai thấp nhỏ, tóc chải mượt. Cuộc hẹn quá bất ngờ. Tay đút túi quần. Đi đi lại lại. Bất giác, tay đụng vào mấy đồng tiền lẻ trong túi.  Phúc Anh chột dạ với số tiền chỉ đủ uống cốc chè xanh. Nếu cô ấy rủ vào hàng chè đỗ đen gần rạp chiếu phim thì biết làm sao nhỉ?            

Thanh Mây nhẹ nhàng đến phía sau tự lúc nào.

 - Anh đứng chờ Mây lâu chưa?

 - À… Gió đón Mây cũng lâu rồi!

Phúc Anh vô cùng ngạc nhiên với mình. Sao mình bột phát lại nói ra được câu dí dỏm mà hợp người, hợp cảnh đến thế!

Thanh Mây cười, khen:                                                                                              

 - Nói năng mạnh bạo quá! Đi đi anh…

Thanh Mây cầm tay, kéo đi về phố bến Tầu. Đi cạnh nhau mới thấy dáng nàng cao thế! "Có lẽ mình chỉ cao tới mang tai người ta".  Phúc Anh thầm so sánh. Nhưng sự tự tin khi bước trên mặt ruộng cày vỡ gồ ghề, khiến bước chân sải dài trên mặt đường trải nhựa. Thanh Mây lộc cộc đôi guốc cố chạy cho kịp.

- Khiếp quá, anh bước vội cứ như đi thay ca ba vậy!

Thanh Mây bước tới, đi sóng đôi. Tóc con gái tỏa bồng bềnh hương nhu, lá sả. Lần đầu tiên Phúc Anh đi bên người con gái. Lòng ngất ngây, phát hiện ra điều kỳ diệu: con gái tỏa hương!

- Anh có hay về quê không?

- Thỉnh thoảng anh có về nhà thăm thầy u.

- Người quê anh gọi bố mẹ là thầy u, á?

- Cả làng, cả xã ai cũng gọi như thế.  

- Em thấy ngoài chợ dạo này bán nhiều trứng vịt rạ. Chắc là quê anh gặt xong lúa. Lùa vịt ra đồng rồi nhỉ?

 - Em người phố mà sao lại biết chuyện mùa màng giỏi thế?

 - Dạo học cấp hai, em sơ tán về quê để tránh máy bay Mỹ ném bom. Em biết cưỡi trâu đó!

 - Chủ nhật này về quê, anh mang trứng vịt đầu mùa ra đây, cùng em luộc trứng nhé!

- Ôi! Thế thì còn gì bằng!

*

Lúc xóm thợ rậm rịch đi ca ba thì Phúc Anh lên xe, đạp về quê. Đường vắng. Gió mát rượi. Miệng huýt sáo vu vơ…  Đồng làng đã gặt xong lúa mùa. Từng đàn vịt sục trong gốc rạ tìm ốc. Phúc Anh dắt xe đi bộ trên đồng làng. Hương lúa chín còn vấn vít trên đồng. Mùi bùn ngai ngái quen thuộc.

U nấu niêu cơm gạo mới, bác trứng vịt sém đáy nồi. Qua mấy năm đi thoát ly, hôm nay Phúc Anh lại được u ngồi đầu nồi xới cơm cho. Tay u cầm quạt mo phe phẩy cho con trai. Nhưng Phúc Anh đang nghĩ đến Thanh Mây nên và vội bát cơm cho u vui lòng. Phúc Anh quành xe ra đầu làng mua trứng vịt đầu mùa. Bà bán trứng đon đả:

- Mẻ trứng lộn đầu mùa đấy! Bà tặng cháu luôn cả chiếc giành lót rơm này. Đặt trứng vào đây tha hồ an toàn đi đường dài.

Lúc này, Phúc Anh chỉ nhớ Thanh Mây nên chẳng nghe bà bán trứng nói điều gì. Giành trứng được chằng buộc cẩn thận trên Poóc - ba - ga xe đạp.                                                                                                                 

Đường xa…

Xe phóng hối hả. Tiếng xích xe lạch cạch. Thỉnh thoảng, phía sau lưng có tiếng chíp chíp. Miệng chúm môi huýt hành khúc "Anh vẫn hành quân". Hành khúc này đang được chi đoàn thanh niên luyện hát tập thể. Người đạp xe huýt sáo véo von. Trứng vịt phía sau lưng thỉnh thoảng chíp chíp. Thật là vui!

Loa truyền thanh đầu xóm thợ phát hiệu tút tút 9 giờ tối thì Phúc Anh đạp xe về tới gần công ty. Thuận đường, xe phóng thẳng tới nhà Thanh Mây.

Dựng xe vào bậc thềm, tay gõ cửa rụt rè như gõ cửa phòng hành chính, Thanh Mây mở cửa, reo lên:

- Anh! Anh đây rồi.

 Phúc Anh lính quýnh dắt xe theo vào trong sân. Bố mẹ Thanh Mây đều là thợ mỏ. Có lẽ gia đình vừa ăn xong cơm tối. Thấy khách tới nhà, bố mẹ Thanh Mây đon đả:

- Cháu vào nhà uống nước. Cháu là Phúc Anh hả? Mây có nói về cháu!

- Thưa vâng, cháu là Phúc Anh ạ! Cháu mới về quê ra. Thầy u cháu gửi biếu hai bác chục trứng vịt đồng ạ!

- Thăm hai bác là tốt rồi. Qùa làm gì cho vất vả!

Thanh Mây giúp Phúc Anh cởi dây chằng buộc giành đựng trứng sau xe. Trời tối. Thấy trong giành chộn rộn bóng hình những sinh linh nhỏ nhoi. Thanh Mây bê giành trứng vào nhà. Dưới ánh đèn điện, mọi người òa lên ngạc nhiên. Trong giành lổn nhổn, xôn xao lũ vịt con. Vịt con nở trong giành dọc đường từ quê ra tới phố mỏ. Phúc Anh nhìn đàn vịt con, mặt tái xanh vì xấu hổ. Thanh Mây cười ngặt nghẽo, nhặt từng con vịt mới nở ra nền nhà. Những con vịt như những nhúm bông tinh khôi liêu xiêu…

Bố mẹ Thanh Mây cười ngả, cười nghiêng. Người bố phải "ăn" liền hai điếu thuốc lào để nén tiếng cười. Người mẹ ngoáy trầu, cười tủm tỉm:

- Điềm lành! Sinh nở con đàn…

Người bố phả khói thuốc lào, cười nói:

-  Thời đại văn minh. Hai vịt con là đủ rồi!

*

Tình duyên kỳ ngộ vậy. Phúc Anh mỉm cười với tình duyên cuộc đời mình. Nhìn lên trần phòng giam lạnh cứng, thở dài: Ước gì gia đình của mình trở lại ngày xưa. Mái nhà lợp giấy dầu. Lao xao tiếng vịt con mới nở.  

Nhìn lên ô cửa thoáng, đoán mặt trời đã nghiêng sang buổi chiều. Nắng quái chiều hôm nạm lên hàng song sắt màu bồ hóng. Đôi chim ri tíu tít với nhau. Những chuyện bản năng của loài chim ri có giống phần ấy của loài người không nhỉ? Phúc Anh nhìn đôi chim tình tự, lại đặt câu hỏi liên miên, lại tự trả lời miên man cho quên đi thời gian đang lững thững đi bên ngoài ô cửa thoáng.

Bỗng loạn xị tiếng đập cánh, tiếng kêu quéc quéc phía ô cửa thoáng. Giật mình nhìn lên, Phúc Anh thấy lũ chim chèo bẻo hung dữ đang tấn công đôi chim ri bé nhỏ. Chèo bẻo là loài chim ác, đuôi dài, mình thon săn sắt, mỏ cứng tựa đinh. Chúng tấn công cả những loài chim có sải cánh dài rộng hơn mình. Trẻ em trèo lên cây ổi mà gặp chim chèo bẻo là không may. Chim the thé gọi cả đàn tới tấn công làm cho người tối mắt. Nhưng nếu người bất thần thét vang một tiếng thì lũ chim hoảng sợ bay mất hút.

Lũ chèo bẻo từ trên cao lao xuống, dùng mỏ sắc vặt lông chim ri. Chim ri cố xòe cánh che chắn cái tổ ấm bé nhỏ của mình. Thấy đôi chim ri gặp nguy cấp, Phúc Anh lấy kinh nghiệm tuổi thơ thét vang một tiếng! Tiếng thét phản âm vào tường, bật ra ô cửa thoáng. Lũ chim chèo bẻo giật bắn mình, hoảng hồn, đập cánh bay mất tăm. Đôi chim ri mệt rũ bên tổ của mình.

Cửa phòng giam bật mở. Người quản giáo trẻ vội bước vào phòng, hỏi dồn:

- Làm sao thế?

- Lũ chim chèo bẻo hạ sát đôi chim ri kia kìa!

- Chim chèo bẻo đâu?

Cánh cửa phòng giam liền đóng lại.

Bóng đêm phủ lên ô cửa thoáng. Nhìn qua ô cửa thấy bầu trời xa xăm, vời vợi. Trên thinh không, sao trời nhấp nháy mắt thơ ngây nhìn xuống trái đất. Phúc Anh nhớ lại cảnh áp đảo của lũ chim chèo bẻo và ngẫm nghĩ quy luật tự nhiên. Trong kinh doanh, mình cũng gặp biết bao "Chim chèo bẻo" nói đủ thứ ngôn ngữ. Kinh doanh lĩnh vực nào cũng gặp cạnh tranh khốc liệt.

Các dịch vụ hàng hóa trên thương trường luôn chạm mặt với rủi ro. Cơ chế, chính sách thay đổi liên tục. Hôm nay khác. Mai, nước bạn hưởng dịch vụ lại đột ngột ban hành chính sách mới. Làm kinh tế nhạy bén ứng xử các giải pháp, trong đó giải pháp kinh tế vừa là cái mộc che chắn, vừa là mũi giáo nhọn để xông pha. Kinh doanh thắng là chiến công tập thể. Sơ sểnh thất bại thì cá nhân gánh chịu…                                                                                              

Phúc Anh nhớ lại thấy ngượng mỗi khi giày da vương tí bụi đã gọi lũ trẻ đánh giầy. Bây giờ ước mơ thật lớn lao nhưng giản đơn. Đó là trút bỏ còng, chạy thể dục trong phòng biệt giam, vừa chạy, vừa vung tay, miệng hô theo nhịp chạy: Một hai! Một hai!

Bỗng nhiên, Phúc Anh muốn ghi lại tất cả tâm sự, ký ức, suy nghĩ riêng của mình. Có thể đây là ước muốn điên rồ. Liệu rằng có ai thèm biết tâm sự của một tử tù? Cả đêm hôm đó, Phúc Anh trằn trọc, lựa chọn câu nói sao cho thật ngắn gọn nhưng đầy đủ nội dung để trình bầy với người quản giáo trẻ vào sáng mai. Đêm dường như dài hơn các đêm trước. Mi mắt mỏi vừa chợp thì tiếng loa hô vang nhịp thể dục. Choàng tỉnh cơn buồn ngủ, nhìn lên ô cửa thoáng gặp ngày mới vừa quàng lên song sắt, Phúc Anh lấy tư thế trịnh trọng nhất, chờ đợi. Cánh cửa phòng giam vừa mở, tử tù đã cất tiếng:

- Chào cán bộ!

- Xin nhận lời chào!

- Tôi cám ơn trại mới mắc loa truyền thanh cho tù nhân nghe tin tức. Tôi nhận ra còn rất nhiều vấn đề ý nghĩa của cuộc sống. Tôi đề nghị được cấp giấy bút để chép lại những điều tôi cho là không chỉ hữu ích cho riêng mình.

- Tôi hiểu nguyện vọng đó. Tôi sẽ báo cáo lại với Giám thị!

Có lẽ mặt trời lại đang nghiêng sang buổi chiều. Nắng quái chiều hôm lại viền lên hàng song sắt trên ô cửa thoáng mầu bồ hóng. Đêm lại ngấp nghé trên bầu trời. Đêm mang đến những suy tư cô đơn trong biệt giam. Nhưng đêm cũng mang lại hoài niệm êm đềm.

Chợt, tiếng bước chân nặng trịch tiến đến cửa phòng biệt giam. Tiếng khóa lạch cạch. Cửa phòng kẹt mở. Vị Giám thị mặc cảnh phục bước vào phòng. Người ông to lớn, kềnh càng nhưng cử chỉ nhanh nhẹn. Ông mỉm cười. Khuôn mặt hiền phúc hậu của một trưởng dòng họ. Ông đưa cho Phúc Anh tập giấy trắng A4 và mấy cây bút, rồi nói:

- Trại đang phát động các tù nhân viết những tâm tư, suy nghĩ, nguyện vọng cá nhân của mình. Bài viết nào tốt thì Trại sẽ cho đọc trên hệ thống truyền thanh.

Phúc Anh khai bút vào buổi sáng hôm sau. Mở đầu bài, viết về chim sẻ đồng làm tổ trong luống cày. Cảnh đồng ruộng hạn hán, lũ trẻ lấy mũi liềm cặm cụi cậy từng sợi cỏ xương rắn về nuôi trâu bò. Chuyện ổ trứng vịt nở trong giành trên quãng đường từ quê ra phố mỏ. Chuyện chim ri làm tổ trên ô cửa thoáng phòng biệt giam. Đoạn chim ri quyết bảo vệ tổ ấm bé nhỏ của mình trong cuộc tấn công của lũ chim chèo bẻo được miêu tả sinh động. Tổ ấm đầu tiên của nhà mình lợp bằng giấy dầu ngập tràn tiếng cười con trẻ. Chuyện quan niệm giàu sang của cá nhân với sự giàu sang của đất nước ông Thủ tướng Nepal…

Bài viết có đoạn miêu tả nắng trên ô cửa thoáng. Nắng ban mai phết lớp vàng mỏng lên hàng song sắt. Nắng chiều thì viền màu bồ hóng lên hàng song sắt. Nắng sau song sắt cô đọng bầu trời lại thành những hạt vàng lăn lăn vào ký ức tử tù. Hạt nắng mọc lên những hy vọng cho tử tù, dù hy vọng bị tàn lụi…

Bài viết của Phúc Anh được đọc trên đài truyền thanh. Mấy hôm sau, một tử tù trẻ tuổi cũng có bài viết được đọc trên đài truyền thanh. Tử tù trẻ tuổi viết: "Nếu tôi được nghe bài viết của tử tù Phúc Anh từ hai năm trước, có lẽ bây giờ tôi đang là sinh viên ngồi trên giảng đường!". 

 Mùa xuân sưởi ấm đất trời. Tổ chim ri trên ô cửa thoáng ríu rít trong gió xuân. Chim non há mỏ chờ mồi của chim bố sắp mang về. Chim mẹ rỉa cánh, âu yếm nhìn đàn con. Lần đầu tiên trong đời chim non được tắm mình trong nắng xuân. Phúc Anh ngồi ngắm nắng phủ lớp vàng non lên vành tổ chim ri, cùng với lúc nắng phủ lớp vàng non lên khắp mặt đất. 

Lê Toán
.
.