Giải oan

Thứ Bảy, 26/01/2019, 08:20
Không thể tin nổi con Phốc lại hư thân mất nết như vậy? Nhưng trong cuộc sống không hiếm những chuyện tưởng là không thể vẫn có thể xảy ra. Những vết sứt sát làm máu chảy đầy tay thằng bé và chính mắt bà Lan trông thấy nó nhảy từ trên giường xuống, cơ mà?

Hôm ấy trời âm u, sương mù giăng giăng như muốn bịt mắt người ta. Mới ba giờ chiều mà cảm giác như màn đêm sắp trùm xuống. Ông Lực vừa từ phòng họp chi bộ về, mở cổng thấy con Phốc nằm co ro bên góc sân, cái đuôi dán xuống nền gạch, ngúc ngắc uể oải chứ không ngoáy tít như mọi lần.

Đâu rồi hai hòn bi ve tròn xoe và trong veo như nước suối? Sương mù làm mờ đục hay là nó khóc? Sự khác thường của con Phốc làm ông Lực bần thần cả người. "Nếu không bị rồ thì nó cũng bị ốm rồi"  - Bà Lan, vợ ông nói vậy. Lúc nghe điện thoại ông không tin. Bây giờ không tin không được.

Bà lại còn nói như dỗi hờn là: "Ông xin nghỉ họp về chở tôi và Đu Đủ đi khám". "Đu Đủ làm sao mà phải khám gấp gáp vậy?". "Nó bị con Phốc cắn!". "Con Phốc cắn?". Làm sao mà tin được chứ? Thằng Đu Đủ mới tám tháng tuổi mà ngoài bà nội, còn bốn, năm bà hàng xóm chuyền tay nhau bế, có bao giờ đặt xuống giường đâu mà bị chó cắn? Nếu cắn thì phải cắn người bế chứ cắn sao được thằng bé nhỉ? Mà con Phốc có biết cắn ai bao giờ?

Vì là không tin nên ông bảo họp xong ông mới về, chứ không xin nghỉ. Cả tháng chỉ một lần họp chi bộ, tháng trước nhà có việc đã xin nghỉ rồi, tháng này xin nghỉ nữa còn ra thể thống gì. Nhưng khi tắt máy rồi bụng ông nóng như lửa đốt, dầu sôi. Bà ấy đã gọi điện thoại là chuyện không đừng được.

Thôi thì xin lỗi chi bộ, tôi phải về xem thằng cháu đích tôn thế nào. Hơn ba mươi năm quân ngũ, tuổi ngoài sáu mươi, mới có thằng cháu chưa đầy tuổi, quý hơn vàng mười mà bị chó cắn phải đi khám thì còn họp hành sao được chứ?

Minh họa: Lê Tâm

Thấy ông Lực về, mấy bà hàng xóm kéo sang, họ nói để ông yên tâm là bà Lan cùng Đu Đủ đã được đưa đến trạm xá phường rồi. Ngoài xe máy chở bà cháu còn hai người cùng đi theo để còn xử lý tình huống cần thiết. "Xử lý tình huống", nghiêm trọng thế ư?

Đúng là "Trăm nghe không bằng một thấy". Sự việc quả là rất đáng lo ngại. Mặc dù cũng mới thấy gián tiếp, tức là chưa trực tiếp thấy bé Đu Đủ và bà Lan nhưng được các bà tường thuật lại cũng đã rõ ràng hơn nghe qua điện thoại. Lúc bị chó cắn, thằng bé nằm ở giường chứ không phải trên tay người bế.

Bà Lan bế cháu đi chơi về, thấy trời xầm xịt, lo áo quần đã khô, không đưa vào sẽ ẩm ướt trở lại, liền đặt cháu xuống giường. Ở trên sân thượng nghe thằng bé khóc, chắc là không thấy bà, nó ọ ẹ vậy thôi. Nghĩ vậy nên bà không vội vàng gì. Nhưng khi xuống, cháu vẫn khóc, lại thấy con Phốc nhảy từ trên giường xuống, bà vội chạy lại thì thấy tay cháu nhiều máu, bà hoảng quá.

Tay bế cháu, tay lục tìm băng bông mà con chó cứ quẩn quanh chân, bực quá bà đá một phát rõ mạnh khiến nó văng ra sân kêu ăng ẳng. Bà Lý và bà Hiền đang ngồi chuyện gẫu với nhau, nghe tiếng Đu Đủ khóc cứ nghĩ là thằng bé quen được bế mà bà nội bắt nằm một mình thì mè nheo thôi. Nhưng khi tiếng chó kêu vẻ đau đớn thì hai bà vội chạy sang.

Việc đầu tiên là các bà dùng bông, gạc lau máu, lấy băng dính băng những vết rách, trầy xước cho thằng bé. Thì ra trong tay Đu Đủ có cái bánh quy mà bà Hiền cho, chưa biết cắn bánh ăn nhưng nó vẫn không bỏ ra khi nằm chơi. Con Phốc cào cấu và cắn vào tay thằng bé để ăn bánh. Những vết thương trên tay bé. Những mảnh vụn bánh quy rơi vãi ở giường đã chứng tỏ điều đó…

Không thể tin nổi con Phốc lại hư thân mất nết như vậy? Nhưng trong cuộc sống không hiếm những chuyện tưởng là không thể vẫn có thể xảy ra. Những vết sứt sát làm máu chảy đầy tay thằng bé và chính mắt bà Lan trông thấy nó nhảy từ trên giường xuống, cơ mà?

*

Lâu lắm lắm rồi nhà ông Lực không nuôi chó, nhà thành phố nuôi chó cũng bất tiện. Có gì đáng giá mà nuôi chó giữ nhà? Có nuôi thì cũng để cho vui, chứ chó vào tay ông đang dữ cũng hóa hiền. Chó người ta thấy người lạ đến là sủa, là xông vào cắn, còn chó nhà ông không nguẩy đuôi mừng rỡ thì cũng trốn vào nhà chứ không dám sủa lấy một tiếng.

Con Phốc mà ông nuôi hiện nay là của người bạn ở Lâm Thao, Phú Thọ biếu cách đây hai năm. Nhân bữa đến nhà bạn uống rượu, thấy bạn có đôi chó con đẹp, ông Lực rất thích, hết bế con màu lửa lại bế con màu nâu, ve vuốt. Con chó mẹ cứ chạy quanh, không phải vì tức giận mà tỏ ra vui mừng.

Ông Lực khen con chó mẹ cứ như không phải là chó nữa. Nó cũng tỏ ra thích thú khi người ta có cử chỉ yêu quý con mình. Chỉ tiếc là không biết nói thôi, còn nữa, nó biết tuốt. Bạn ông nói thế. Sau bữa nhậu, người bạn bảo chó quý đấy, mới đẻ lứa đầu, ông chọn lấy một con về nuôi cho vui. Ông Lực thích con màu nâu nhưng vì nó là chó cái, sợ nó lại sinh nở phức tạp nên chọn con màu lửa, chó đực.

Ông đặt tên Phốc vì con chó thuộc dòng Phốc Min Pin, loại Phốc hươu, một giống chó Đức. Fox hươu, lông ngắn và to hơn Phốc sóc. Phốc sóc nhỏ, đẹp nhưng lông hai lớp, dày và nhiều, mỗi lần tắm gội, rất phiền hà. Nguyên việc khò cho khô lông đã mất ngót một tiếng rồi. Gọi thêm từ hươu và sóc, có thể là dáng giống hươu và sóc, nhưng nhỏ thó chứ còn lâu mới bằng loại chó thường.

Tuy vậy, con Phốc nhà ông có cái đầu, khuôn mặt và toàn thân rất giống hươu. Cũng dữ tợn lắm, bụng thon, chân cao, tai to, mỏm tai cụp chứ không vểnh lên như chó ta. Ngày ông mới đưa về Hà Nội, nó chỉ bằng cái chày giã hành. Bà Lan chê ỏng chê eo mà nay, sau hai năm đã là 5 cân, cao lớn bằng chó mẹ, trông bắt mắt lại tinh khôn đáo để.

Nếu ông Lực ra phố hoặc đi họp, đi chơi, nó ngoáy đuôi chào ông, nhưng hễ ông Lực đặt cái can nhựa 10 lít trước gióng xe máy, còn cái giá đèo hàng lắp sau yên xe, treo hai cái xô là nó nhảy tót ngồi lên cái can để ra nơi ông có vạt đất trồng rau sạch. Bãi đất trồng rau của ông Lực là đất còn sót lại cạnh ngôi chung cư vừa mới đưa vào sử dụng.

Tuy chỉ khoảng 50 mét vuông và luôn ở trong tình trạng sẽ biến mất bất cứ lúc nào nếu cái dự án làm đường khởi động. Nhưng mà xem ra còn lâu. Năm năm trước, nghe rục rịch làm đường, mấy nhà không dám làm tiếp, chỉ còn ông gan lì thì còn vườn, có rau, quả, mùa nào thức nấy.

Vất nhất là phải chở nước ở nhà đến tưới vì dòng nước cạnh vườn đen sì và đặc như dầu nhớt. Vạt đất cách nhà ông bà Lực, Lan chỉ nửa cây số, xe máy chạy mất năm, sáu phút. Tại vườn lại đặt sẵn cái thùng phuy 100 lít để trữ nước. Những bữa trời mưa không phải tưới, lại còn hứng được nước mưa để dành nên cái việc tưới rau cũng không còn đáng lo nữa.

Mỗi khi theo ông Lực ra vườn là con Phốc nằm cạnh thùng phi ngủ, khi xong việc ông dắt xe ra khép cửa vườn rau là con Phốc nhảy lên xe cùng về. Có bữa có việc cần, ông Lực quên khuấy chuyện khép cổng, cũng không  gọi chó về. Đến 11 giờ đêm không thấy bóng dáng con Phốc đâu mới sực nhớ là mình quên. Thôi thế là mất rồi. Lúc ấy mới thấy con Phốc quý giá nhường nào.

Con Phốc quý thế, tình bạn còn quý hơn, ông Lực cảm thấy mình có lỗi với bạn quá. Tưởng là không một phút lơ là, vậy mà cũng có một ngày ông quên khuấy. Sau khi đi khắp các ngõ ngách không thấy tăm hơi, ông Lực thất thểu đi bộ ra đám rau. Thì cũng đi cho đỡ bức xúc chứ làm gì có chuyện con Phốc còn ở ngoài vườn rau?

Chắc là con Phốc đã tìm đường về nhưng làm sao mà tìm được. Nó toàn ngồi xe máy, chưa một lần chạy bộ. Đường thì lắm ngả, người xe nườm nượp, không chẹt xe thì cũng bị ai bắt mất rồi? Vậy mà chút le lói cuối cùng của niềm hy vọng lại vỡ òa niềm niềm hạnh phúc. Con Phốc đang nằm im lìm bên cạnh thùng phi đựng nước. Thấy ông Lực, nó đứng lên, đuôi quay tít, miệng ư ử ra chiều sung sướng lắm. Ông Lực bế con Phốc hôn lên trán, rồi xoa khắp người nó.

Ông chợt nghĩ mình biết về chó vẫn còn ít quá. Phàm là chó khôn thì rất trung thành với chủ. Tính kỷ luật của nó thật là đáng nể. Khi chủ chưa cho phép, không bao giờ nó rời vị trí "chiến đấu". Với nó, chiếc thùng đựng nước là tài sản có giá trị nhất cần phải bảo vệ. Nó không thể rời xa.

Con chó khôn như vậy, kỷ luật như vậy mà bỗng nhiên giở chứng? Thật khó tin. Nhưng con Phốc cũng lắm khi ương bướng, nhất là khi thấy "đối tác" là vùng lên, càng giữ càng nhảy mạnh, nhảy cao, khiến cái giây xích cứa vào tay ông đau rát. Nghe bạn nói giống chó Phốc rất cá tính, thích tò mò, khám phá. Nếu không thường xuyên tập luyện là dễ trở thành chó hoang. Hoang dã thì chưa thấy biểu hiện vì ông cũng thường tập luyện cho nó, nhưng khi chưa đầy năm, hay ỉa bậy và đã mấy lần ăn vụng phải xích, phạt, nó mới bỏ được tật xấu đó. Từ khi đầy năm đến nay không hề ăn vụng.

Có lần đang ăn cơm thì cháu ngủ dậy, khóc váng lên, bà lại đi vắng, ông phải vào bế thì cháu lại tè dầm ướt hết tã, áo phải thay, xong việc, bế cháu ra nhà ngoài, thấy mâm cơm còn nguyên. Nhất là miếng cá rán, khoái khẩu của Phốc, không hề suy chuyển. Thương quá. Vậy mà bây giờ lại đổ đốn. Hay là cái máu hoang dã cố hữu của nó bột phát?

Bà Lan đưa bé Đu Đủ đi khám về. Nhìn vẻ mặt bà không đến nỗi ủ dột nên ông cũng đỡ lo. Thằng bé nhoẻn cười, giơ hai tay đòi ông bế. Nhưng khi ông nắn nắn cái tay đau, nó khóc toáng lên. "Tại ông bóp mạnh quá mà" - Bà gắt. Bóp đâu mà bóp. Ông định cãi nhưng kịp kìm lại, bà ấy tưởng thế cũng đúng thôi. Ông Lực nựng bé: "Ông xin, ông xin. Đu Đủ giỏi lắm!". Quả nhiên thằng bé nín liền.

Tay thằng bé phải băng ba chỗ, trông cũng gọn ghẽ nhưng có chỗ hai vết rách. "Có ba vết sâu ở một chỗ, giống vết cắn, nhưng nhỏ, không phải dấu răng chó. Dù là chó cảnh thì cũng sâu hơn, to hơn. Có thể đó là vết cấu sâu hơn các vết khác thôi…" - Bà Lan nói với chồng thế. Bà còn nói, bác sỹ bảo vẫn phải theo dõi, nhỡ nước bọt dây vào. Nếu sau 15 ngày chó vẫn khỏe mạnh thì ổn thôi. Nếu con chó ốm hoặc chết thì phải đưa thằng bé đi truyền huyết thanh phòng bệnh dại.

 Đến ngày thứ 10 con chó vẫn bình thường. Tuy bị xích, không được ông chủ cho lên xe ra vườn rau mà nó vẫn vui vẻ như thường. Nhưng bé Đu Đủ thì sốt cao 39 độ. Thế là có chuyện rồi. Gia đình đưa bé đến trạm xá, cô y sỹ khám, bảo cháu sốt do mọc răng. Các lần trước mọc răng, nó có sốt đâu? Lần trước không sốt, không có nghĩa là lần sau không sốt. Cô y sỹ còn nói khả năng bị bệnh dại có thể loại trừ. Vậy mà cả nhà vẫn chưa hết lo.

Rồi cũng qua được cái đận ấy, bé Đu Đủ lành vết xước, lớn lên trông thấy. Tên cháu là Đăng Khoa nhưng cả nhà gọi Đu Đủ cho nó lành. Trộm vía. Thằng bé hay ăn chóng lớn, kháu khỉnh, như hạt nổ trắng phau. Còn con Phốc lại ngày ngày lên xe máy theo ông chủ ra vườn rau.

Một lần bà Lan đi siêu thị ông Lực ở nhà trông cháu. Đu Đủ được ông bế đi chơi một vòng khắp xóm, về nhà uống sữa bình là ngủ. Khi đặt cháu xuống giường thấy tay nó cầm cái bánh CHOCOFAI chưa bóc vỏ, ông gỡ ra, nhưng thằng bé giữ chặt quá. Ông chợt nghĩ, thử xem con Phốc còn mất nết nữa không?

Ông Lực vờ lại cái bàn rót nước uống rồi đọc báo trên điện thoại thông minh để con Phốc không hề biết là ông đang theo dõi. Nhưng rồi những bài báo cuốn hút khiến ông quên khuấy cái việc theo dõi. Chợt nghe tiếng động mạnh và tiếng chuột kêu choe chóe, ông ngẩng lên thì thấy con Phốc ở trên giường nhảy xuống, mồm vẫn ngoạm chặt con chuột to tướng. Con chuột kêu và giãy mạnh nhưng lưng nó đang bị hai hàm răng như gọng kìm của Phốc ngoạm chặt, không thể thoát được.

Một cảnh tượng bất ngờ. Ông Lực trào nước mắt vì sung sướng. Cổng khóa nên con Phốc không thể ra ngoài được, nó cứ chạy vòng quanh cái sân nhỏ. Tiếng chuột kêu như tiếng còi khiến các ông, bà hàng xóm chạy sang đứng ngoài cổng nhìn vào. Con Phốc như một tráng sỹ đang tung hoành trên võ đài.

 Bé Đu Đủ ngồi dậy từ lúc nào, nhoẻn cười vỗ tay. Có lẽ thằng bé vui mừng vì nhiều người đến chơi, cũng có thể là con Phốc nhảy múa, làm trò hay quá?

Truyện ngắn của Nguyễn Hùng Sơn
.
.