Giai điệu tặng cha

Thứ Hai, 23/04/2018, 08:29
Đổng hẹn gặp Diễm ở trước một quán giải khát đầu phố. Diễm tự lái chiếc xe Camry màu đen, đến rất đúng giờ. Bước ra khỏi xe, nhìn thấy Đổng với bộ dạng xuềnh xoàng, Diễm đã tỏ ra khó chịu. Diễm hỏi bằng cái giọng hơi gắt: “Ông đi xe buýt sang đây phải không? Chiếc xe máy chắc lại đưa vào hiệu cầm đồ rồi hả?”.

Với vẻ ngượng ngập, Đổng thừa nhận: “Cô nói đúng, tôi đã cho nó đi ở mấy hôm nay, lấy ít tiền góp vốn vào phi vụ lắp ráp hệ thống điện cho một ngôi nhà. Chỉ vài hôm nữa là có tiền chuộc lại xe thôi”.

 Diễm sa sầm mặt: “Đàn ông sắp năm mươi tuổi, sống ở thành phố, lại có bằng kỹ sư hẳn hoi mà đến cái xe máy xoàng xĩnh cũng phải đem đi cầm đồ. Ông không thấy xấu hổ sao?”. Đổng nói: “Tôi biết. Nhưng tự tôi sẽ thu xếp được mọi chuyện mà”. Diễm gắt: “Thu xếp được? Vậy hôm nay ông hẹn tôi ra đây không phải vì tiền chứ?”. Đổng khẳng định: “Đúng thế. Cô biết đấy, tôi chưa bao giờ xin tiền cô, dù chỉ một lần”. Diễm cau mày, trợn mắt: “Vậy có chuyện gì, ông nói mau lên! Tôi không có nhiều thời gian đâu!”.

Đổng ngập ngừng trong giây lát rồi nói: “Diễm, tôi muốn nhờ cô nuôi giúp con bé Thụy Phương một thời gian”. Diễm bị bất ngờ về lời đề nghị. Nhưng không hề khó khăn khi cô nói lời từ chối: “Gia đình tôi đang yên ấm. Chồng tôi rất không thích những gì thuộc về quá khứ của tôi. Nếu đưa con bé về, e rằng cuộc sống của chúng tôi sẽ bị đảo lộn, bất tiện lắm”.

Đổng thấy bối rối. Đổng không biết nói gì hơn là tiếp tục thuyết phục Diễm: “Cuối năm tôi kiếm được mấy cái hợp đồng làm ăn. Cô biết đấy, hoàn cảnh bố con tôi lúc này không thể nói là không quan tâm đến tiền. Bé Thụy Phương thì đang ở cái tuổi rất cần sự gần gũi, dạy dỗ về giới tính của người mẹ. Chưa bao giờ tôi cầu xin cô điều gì. Chỉ một lần duy nhất này thôi. Nó chỉ ở với cô ba tháng. Áp tết, xong công việc, tôi sẽ đón nó về”.

Diễm thở dài, lắc đầu: “Lúc nào ông cũng mang cho tôi những rủi ro, buồn tủi! Thôi được, ông cứ về đi, để tôi bàn với chồng tôi đã. Anh ấy là một con người đường hoàng. Tôi không thể làm những gì lén lút sau lưng con người đáng kính ấy. Rồi tôi sẽ gọi điện thông báo cho ông sau”.

Đổng đứng dậy, rút bút ghi số điện thoại của mình ra một mảnh giấy đưa cho Diễm. Anh tạm biệt chị bằng nụ cười biết ơn, rồi lặng lẽ bước ra trạm chờ xe. Anh lên chiếc xe buýt trở về nhà.

Cách đây gần chục năm, Đổng và Diễm còn là vợ chồng. Họ từng có một nếp nhà. Cho dù chỉ là ngôi nhà nhỏ trong ngách sâu, nhưng nó luôn mang lại cho Đổng một cảm giác an bình, ấm áp, bởi nó được mua từ những đồng tiền do chính anh làm ra. Trong thâm tâm, Diễm có chút tự hào về Đổng bởi chị biết anh là một kỹ sư giỏi, nhiệt tâm với nghề.

Mười tám tuổi nhập ngũ vào đơn vị bảo vệ biên giới. Hai mươi nhăm tuổi xuất ngũ rồi thi vào Đại học Bách khoa. Ba mươi tuổi ra trường, vào Trường Sơn tham gia xây dựng đường điện 500 ki-lô-vôn. Xong việc ra Hải Phòng, được đề bạt Phó Giám đốc công ty. Diễm rất tin con đường thăng tiến của Đổng sẽ tiếp tục hanh thông. Nhưng rồi một ngày nọ, Đổng trở về nhà với một bộ mặt buồn nẫu, thông báo với Diễm, anh đã bị cho thôi chức. Diễm hỏi lý do? Đổng bảo: “Tự anh thấy sức khỏe của mình không kham nổi công việc này, anh nhường cho một kỹ sư trẻ hơn…”. Diễm bảo: “Anh đừng đem kể với ai chuyện này kẻo người ta bảo anh điên đấy! Trong khi người ta đang thèm cái ghế của anh như gái nghén thèm của chua mà anh lại… Sĩ rởm! Tôi không hiểu anh là cái loại người gì nữa! Anh còn nhớ cái ngày mới đến với tôi, khi bố mẹ tôi tỏ ý e ngại, anh đã hứa với họ thế nào không? Anh hứa rằng anh sẽ không bao giờ để tôi phải đau khổ, thất vọng. Thế mà giờ đây tôi đang thất vọng ê chề về anh”. Đổng tỏ vẻ có lỗi, thanh minh: “Chỉ vì tôi cảm thấy sức khỏe của tôi hồi này sa sút quá. Tôi cần một công việc vừa với sức mình”.

Đổng trở thành tổ trưởng tổ thợ điện của công ty từ đó. Sáng nào Đổng cũng dắt chiếc xe máy cà tàng, đằng sau yên có đeo một cái hộp cao su đựng đồ nghề, ra khỏi nhà. Có lần Diễm nhìn theo, thầm rủa: “Loại đàn ông vô dụng!”.

*

Diễm sinh bé Thụy Phương. Sinh thiếu tháng, Thụy Phương phải nuôi trong lồng kính gần một năm mới được về nhà. Khi bác sĩ thông báo Thụy Phương bị thiểu năng bẩm sinh, Diễm trách chồng: “Làm một thằng đàn ông, anh cũng không biết cách cho tôi hoài thai một đứa con lành lặn, ra xã hội anh bị người ta qua mặt, khinh thường là tất nhiên thôi!”. 

Lên hai tuổi, Thụy Phương vẫn chưa biết đi. Nhìn cái mặt nó có vẻ ngơ ngơ, chân tay dặt dẹo, Diễm bĩu môi bảo: “Trông nó như con mèo ốm, giá tên nó là Cún, Mèo, Chua, Chát… hợp lý hơn. Thụy Phương là tên của trí thức, nghệ sĩ. Anh đặt tên con như thế là ốc mượn hồn!”. Đổng nói: “Nó đã phải mang cái thể trạng ốm o, thua thiệt lắm rồi, tôi muốn tất cả những gì còn lại thuộc về nó đều phải đẹp, kể cả cái tên”.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Diễm nói: “Hình như anh từng kể với tôi, hồi anh vào Trường Sơn làm đường điện 500 ki-lô-vôn, có lần đào hố móng chân cột, bắt gặp một thùng chất độc khai quang vỡ ra. Rất có thể anh bị nhiễm, rồi sinh ra con Phương mới dặt dẹo, lơ ngơ như thế. Anh nên làm một tờ khai, gửi lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem họ có cho nó hưởng trợ cấp không? Hoàn cảnh nhà mình, có thêm một đồng cũng là quý”.

Đổng nói: “Nhà nước chỉ mới xét trợ cấp cho con em những người cầm súng ra chiến trường bị nhiễm chất độc. Một gã bộ đội tham gia bảo vệ biên giới sau chiến tranh rồi sau đó vào Trường Sơn làm đường dây như tôi, chưa đến lượt. Là luật sư, cô phải hiểu điều đó hơn tôi chứ!”.

Quá giận chồng, suốt ngày Diễm ngồi cắm cúi vào trang giấy, ghi ghi chép chép, bỏ mặc Thụy Phương bò lê la dưới đất, nhặt cả kiến bỏ vào mồm. Đổng nhìn thấy thế mắng Diễm là hạng vô tâm. Diễm nói: “Làm luật sư ở văn phòng tư nhân, lương ít ỏi, trả phập phù, tôi đang tập viết văn, may ra có thêm một cái nghề để không phải đi ăn mày. Anh nên đưa con Phương đến gửi trại trẻ tàn tật, họ nuôi cho”.

Đổng giãy nảy: “Dù có phải bán máu để nuôi nó, tôi cũng sẽ làm”. Diễm  ngao ngán, ngỏ ý muốn ly dị. Diễm nói: “Tôi sống với anh như thế đủ rồi, bây giờ anh hãy buông tha cho tôi”. Đổng bảo: “Tôi không hề muốn điều đó xẩy ra, nhưng nếu cô cảm thấy bất hạnh khi phải sống bên tôi và bé Thụy Phương thì tôi đồng ý. Thực tâm, tôi rất đau khổ vì đã không mang lại hạnh phúc cho cô, như tôi đã hứa với gia đình cô. Người đẹp như cô, tìm một hạnh phúc mới chắc không khó khăn lắm. Cô viết đơn đi, tôi sẽ ký. Ngay hôm nay!”.

*

Diễm gọi điện thoại cho Đổng báo tin chồng chị đã chấp nhận để chị đưa Thụy Phương về nhà nuôi một thời gian. Đổng dẫn Thụy Phương ra xe buýt, hai cha con đi đến nơi hẹn. Vẫn cái chỗ trước cửa quán giải khát trên con phố mà Đổng và Diễm gặp nhau hôm trước. Thụy Phương đã bước sang tuổi mười ba. Nữ sinh thành phố tuổi này thường đã ra dáng thiếu nữ. Nhưng Phương thì vẫn gầy gò, mảnh khảnh. Nhìn thấy Diễm bước ra khỏi chiếc xe Camry đi đến gần, Phương có vẻ sợ sệt, đứng nép sau lưng bố. Đổng phải nhắc: “Mẹ con đấy, đừng ngại”.

Diễm nhìn săm soi gương mặt trắng bợt, dài dại của Phương, rồi hỏi Đổng: “Nó học hành có được không?”. Đổng nói: “Hồi cấp một học kém. Từ ngày lên cấp hai, được kèm cặp thêm, nó đã vươn lên gần mức trung bình”. Diễm hỏi: “Ngoài việc học nó còn biết làm gì nữa?”.

Đổng bảo: “Nó tự tắm táp giặt giũ được. Mỗi lần tôi vào bếp nấu cơm, nó cũng theo vào làm giúp, nhưng hãy còn lóng ngóng, vụng về lắm. Nó còn thích nghe đàn nhạc. Mỗi khi tôi đi làm xa lại gửi nó cho cô giáo bên hàng xóm. Cô ấy dậy nó tập đàn Organ. Để nó bớt cô đơn khi tôi đi vắng”. Diễm nói: “Thực ra cho đến giờ tôi vẫn thương bố con ông. Nhưng càng thương tôi càng giận. Ông không phải là con người của thời đại này. Cái ông Bệu chồng tôi bây giờ, không có bằng đỏ như ông, nhưng ông ấy hơn hẳn ông một cái đầu. Bây giờ ông ấy là Vua - đề - tài. Mỗi năm ông ấy chỉ cần nghĩ ra vài ba cái đề tài, được trên duyệt, là đủ sống”.

Đổng hỏi: “Ăn vào tiền đề tài ư?”. Diễm bảo: “Chứ sao! Đề tài của ông ấy là những công trình quan trọng, cho nên nhà nước chi tiền không đến nỗi hạn hẹp. Trong những ngày bé Thụy Phương đến ở, tôi gắng quan tâm đến nó. Nó thích nghe đàn thì con Dím nhà tôi sẽ chơi cho nó nghe. Đàn Piano hẳn hoi, chứ không phải thứ đàn Organ lè phè như nó học đâu nhé!”.

Đổng ngắt lời Diễm: “Cô nói thế là tôi có thể hình dung ra đời sống của gia đình cô thuộc hàng khá giả rồi. Xin chúc mừng và cảm ơn vợ chồng cô trước”. Đổng cúi xuống hôn nhẹ lên mái tóc Thụy Phương, giục nó: “Con đến với mẹ đi, bố phải về đi làm”. Thụy Phương nhìn bố, tự dưng nó bật khóc, nhưng nó vẫn phải miễn cưỡng leo lên chiếc Camry với Diễm. Đổng vẫy tay chào hai mẹ con rồi lên xe buýt đi về công ty.

*

Tòa nhà của vợ chồng Diễm ngự trang nghiêm trên một đường phố mới mở. Thụy Phương được cho ở riêng một căn phòng khép kín có đầy đủ tiện nghi. Diễm gửi Thụy Phương học tạm ở ngôi trường phổ thông cơ sở gần nhà. Nó tự đi về mà không cần người lớn đưa đón.

Hẳn vì lạ nhà, lạ người nên Thụy Phương có vẻ rụt rè. Đi học về, nó cứ thui thủi một mình trong phòng. Dím - đứa em gái cùng mẹ khác cha của Thụy Phương rất hay nhìn trộm nó mà chưa chịu làm quen với nó. Ông Bệu, chồng mới của Diễm mỗi khi ở cơ quan về thường ngồi ngả người trên sa-lông hướng cái mặt bều bệu về phía Thụy Phương, đưa cặp mắt ráo hoảnh nhìn nó như nhìn một vật xa lạ từ trên trời rơi xuống, nói với nó những câu nhát gừng, kẻ cả. Nhưng cũng có khi ông Bệu tạo cho Thụy Phương một cảm giác thú vị. Chẳng hạn có hôm ông bảo nó ngồi ở sa-lông phòng khách, ông giảng cho nó nghe về cái gọi là triết học.

Ông nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”; “Phủ định của phủ định”; “Thặng dư”… Thụy Phương chẳng hiểu tí gì trong những điều ông nói. Nhưng vì nó không muốn làm ông cụt hứng nên cứ dạ dạ vâng vâng khích lệ. Ông Bệu nói liền tù tì cho đến lúc hai bên mép sùi ra hai cục bọt to và trắng như hai cái tổ con chão chàng khiến Thụy Phương phải chạy vào nhà tắm rút cái khăn mặt đưa cho ông, bảo ông lau đi. Ông Bệu cầm khăn lau bọt mép, nhưng khi lau xong, ông lại trợn trừng mắt lên mắng: “Hành động của con như thế là bỉ mặt dượng, lần này dượng tha, lần sau dượng sẽ đánh đòn, nghe chưa!”.

Hồi này Diễm viết văn đã có những thành quả. Mỗi lần truyện ngắn được đăng, Diễm lại mang báo về đưa cho ông Bệu một tờ, dúi vào tay Thụy Phương một tờ. Diễm bảo nó: “Mày đọc đi, xem cái đầu ù lì của mày có mở mang ra được tí nào không!”. Thoạt đầu nó nâng tờ báo đọc chăm chú, nhưng càng đọc nó càng thấy ngán ngẩm. Diễm hỏi: “Sao, mày không thích à?”.

Nó lí nhí thưa: “Truyện mẹ viết cao si-i-êu làm sao ấy, con hông hi-i-ểu. Sao mẹ hông viết dễ hi-ê-ểu như truyện Chú lính chì dũng ca-a-ảm, Em bé bán di-ê-ê-m của Anđécsen hay là truyện Cánh buồm đỏ thắ-ắ-ắm của Grin?”.

Diễm nói: “Văn chương hậu hiện đại bây giờ mà viết theo lối kể chuyện như cái ông Anđécsen, ông Grin là vứt! Cổ lỗ lắm rồi!”. Thụy Phương nói: “Nhưng ở lớp, bạn bè con vẫn thí-i-ích đọc cá-á-ác ông ấy”. Diễm sẵng giọng: “Mặc xác chúng mày! Tao chỉ cần viết cho mười độc giả thuộc hàng trí thức lớn đọc là đủ. Mà trí thức lớn đã đọc, nghĩa là tác phẩm của tao trước sau cũng sẽ được dịch ra tiếng nước ngoài. Danh tiếng của tao là ở Pari, Luânđôn, Oasinhtơn…”.

Ông Bệu ngồi sa-lông nghe thấy thế, hẳn bị ngứa tai, ông ném xoạch tờ báo xuống nền nhà, nhướng mục kỉnh nói chõ sang: “Y phục xứng kỳ đức! Trí tuệ không vượt qua ngọn cỏ mà đòi viết những điều cao siêu ngang tầm cây đa cây đề! Hão! Cái tâm hẹp hòi, cái giọng hàm hồ tiểu khí thì chỉ có thể viết ra những thứ bắt chước rác rưởi, rởm đời, cho ma quỷ nó đọc!”. Diễm quay sang vặc lại ông Bệu: “Ông thì chỉ được cái mẽ ngoài bảnh bao, còn cái đầu cũ kỹ đến độ bốc ra mùi rêu mốc, biết gì văn chương hậu hiện đại mà dính mũi vào!”.

Mỗi khi mẹ và dượng tranh cãi, xô xát, Thụy Phương thường im lặng, nó không dám lên tiếng bảo vệ ai. Hơn nữa, mọi phản ứng của nó thường rất chậm chạp. Nó ăn uống cũng uể oải, trì độn. Niềm vui duy nhất của Thụy Phương là chờ điện thoại của bố Đổng. Chiếc điện thoại Nokia màu vàng cam bố mới sắm cho nó lúc nào cũng nằm trong túi áo. Thụy Phương phát âm không chuẩn, nói chuyện chậm rãi, nên trong điện thoại hầu như nó chỉ nghe bố Đổng nói, còn nó thì đáp lại bằng những tiếng vâng dạ chất chứa đầy tâm trạng. Bố dặn dò Thụy Phương rất nhiều. Thỉnh thoảng người cha còn khe khẽ hát cho nó nghe.

Trong phòng khách, phía sau bộ sa-lông, có đặt một cây đàn Piano còn mới, bóng loáng véc ni. Thỉnh thoảng lại thấy ông thầy giáo gầy nhẳng như một bộ xương khô, đeo cặp kính râm to quá cỡ đến hướng dẫn Dím học đàn. Bé Dím không thích đàn cho lắm. Mỗi lần thầy giáo đến chỉ dậy Dím được một lúc là nó tìm cách phá bĩnh đuổi ông về.

Dím có vẻ thích trò chơi điện tử hơn. Có lần Thụy Phương sờ tay vào cây đàn, bấm bấm vài nốt, Diễm liền trợn mắt mắng nó: “Của một đống tiền, không phải thứ để mày tò mò, nghịch ngợm!”. Từ hôm đó Thụy Phương không dám đụng đến cây đàn nữa. Có hôm bố Đổng gọi điện thoại cho Thụy Phương, nó nghèn nghẹn nói, nhà mẹ Diễm có cây đàn Piano gợi cho nó nhớ cây đàn ở nhà cô giáo cũ, nhớ ngôi nhà của hai bố con ghê gớm. Đổng thở dài nói những lời chia sẻ với nó, rồi lại hát trên điện thoại cho nó nghe.

Tháng đầu, hầu như ngày nào Đổng cũng gọi điện thoại cho Thụy Phương. Tháng sau thưa dần, thưa dần. Cho đến một ngày không thấy Đổng gọi cho con nữa. Thụy Phương bỏ ăn cơm, nằm bẹp ở trong phòng không đi học. Diễm cho rằng Thụy Phương có chứng hâm hấp, mắng nhiếc nó là “hạng dở người”...

Đã đến những ngày áp Tết Nguyên đán, trong khi mọi người đều mang gương mặt hân hoan như những bông hoa gặp tiết xuân về, gương mặt Thụy Phương lại có những biểu hiện khác lạ, khiến Diễm phải cao giọng mắng nó: “Nhà này có ai chết đâu mà cái bản mặt của mày buồn nẫu, nghền nghệt như bị ngỗng ỉa thế?”.

Thụy Phương không nói, chỉ đứng dậy đi đến chỗ khác như để che giấu một điều gì đó. Rồi một đêm, Diễm bỗng bật choàng dậy khi nghe tiếng đàn Piano vang lên. Ông Bệu thì lầu lầu chửi bằng cái giọng ngái ngủ: “Đứa nào mới động rồ hả? Mấy giờ rồi mà còn đàn với nhạc?”. Diễm chạy ra phòng khách, thấy Thụy Phương đang ngồi đánh đàn say sưa. Hầu như nó không nghe thấy câu chửi của ông Bệu. Mười ngón tay nó lướt thoăn thoắt trên hàng phím, miệng nó hát thì thầm khe khẽ.

Diễm đứng ngây, miệng mở tròn kinh ngạc. Diễm không thể ngờ con bé chơi Piano điêu luyện đến vậy. Diễm chợt nhớ ra, cái hôm chị đi đón Thụy Phương về đây, Đổng có nói rằng nó đang theo học đàn Organ do một cô giáo nào đó dậy. Diễm cho rằng Đổng kể chuyện để “làm quà” lấy lòng chị nên chị không quan tâm.

Diễm khẽ khàng bước đến đứng sau lưng Thụy Phương, lặng lẽ ngắm nhìn nó đánh đàn. Diễm lắng nghe tiếng hát của nó, một giọng hát tròn vành rõ chữ chứ không ngô ngọng như khi nó nói: "...Đêm nay con nghe tiếng gió về rì rào trong ngõ phố. Lẫn trong tiếng gió là tiếng hát của cha. Cha như ông già Nô-en không mặc áo đỏ, không ngồi xe có đôi tuần lộc kéo đi. Cha bay bằng đôi cánh trắng thiên thần. Cha không mang túi quà, chỉ có tiếng hát tặng con. Ôi cha là bầu trời, cha là mặt đất, cha là dòng sông, cha là cánh đồng, lúa vàng ươm nắng…”.

Như một bản năng tự nhiên, Diễm vòng tay ra trước cổ Thụy Phương níu nhẹ, ôm nó vào lòng. Lần đầu tiên Diễm ôm nó âu yếm như vậy. Diễm bảo: “Bố nói với mẹ rằng, con học Organ, chứ có học Piano đâu”.

Thụy Phương nói: “Bố chỉ trả ti-ê-ền công cô giáo dậ-â-ậy con học Organ. Nhưng trên tầng hai nhà cô giáo có câ-â-ây Piano, cô thương con nên đã dậ-â-ậy cho con”. Diễm hỏi: “Vậy con học Piano bố có biết không?”. Thụy Phương đáp: “Cô giáo dặn con hông được nói với bố, để bố hông phải trả thê-ê-êm tiền. Bố trả tiền mà cô giáo hông nhận, bố sẽ nghĩ ngợ-ơ-ợi”.

Diễm nói: “Tính ông ấy gàn thế đấy, nghèo nhưng không muốn mắc nợ ai cả. Này, con, bài con vừa hát là của ai vậy?”. Thụy Phương nói: “Chẳng của ai cả. Nhớ bố quá, con nghĩ ra thế-ê-ế rồi há-a-át”. Diễm bảo: “Thế mà mẹ cứ tưởng của một nhạc sĩ nào!”.

Thụy Phương ngừng đàn đưa tay lên nắm lấy đôi bàn tay mẹ. Nó khóc. Thoạt đầu là tiếng khóc nhỏ. Sau thì bật lên thành tiếng, tức tưởi. Diễm xoay vai nó lại, nhìn vào khuôn mặt đầm đìa nước mắt của nó hỏi: “Thụy Phương, vì sao con khóc?”. Thụy Phương thò tay vào túi quần rồi chìa cho mẹ nó một tờ giấy giống như một cái đơn thuốc.

 Diễm cầm tờ giấy chăm chú đọc, rồi mặt chị tái nhợt đi, hỏi Thụy Phương: “Con biết bố bị ung thư lâu chưa?”. Thụy Phương đáp: “Đã hơn bốn háng”. Diễm nói: “Bố con có nói với mẹ rằng ông ấy phải đưa chiếc xe máy ra hiệu cầm đồ lấy tiền làm ăn gì đó, đúng không?”. Thuỵ Phương lắc đầu, nói: “Hông phải đâu. Bố bá-a-án đi lấy tiền uố-ô-ống huốc. Bố phải bá-a-án cả cái tủ đứng...”.

Diễm từ từ ngồi thụp xuống nền nhà, thở dài. Thụy Phương cũng ngồi xuống  ôm lấy vai mẹ, vừa ấp úng nói vừa diễn đạt đại khái rằng: “Bố đã giã biệt trầ-â-ần gian từ hôm bố hông gọi đi-ê-ện cho con. Lúc này bố đã ở thế giới bên kia rồi. Bố hông sống độc ác nên bố được Phật cứu giúp… Mẹ ơi, ngày mai con đi tìm những người họ hàng của bố…”.

Diễm đứng dậy, đỡ Thụy Phương đứng lên theo. Diễm ôm chặt Thụy Phương trong vòng tay, vỗ vỗ vào vai nó: “Con gái yêu của mẹ, con không phải đi đâu cả. Con sẽ ở đây với mẹ. Ngày mai hai mẹ con đi tìm nơi đặt mộ phần của bố. Mẹ sẽ hương khói và nguyện cầu cho phần hồn của bố bình an nơi chín suối…”.

Truyện ngắn của Lê Hoài Nam
.
.