Giấc mơ bay

Thứ Năm, 12/04/2018, 18:06
Nhìn tờ vé trên tay với dòng chữ đỏ nổi bật. "Thay thái độ, đổi tương lai" ư? Liệu nó có thật sự cần cho Khang không? Di tặc lưỡi mở ví mua một vé. Bằng giá một cái váy thôi mà có gì phải đắn đo. Nghĩ rồi Di bật cười vì chắc phải lâu lắm rồi nàng không sắm cho mình bộ váy nào mới cả.

- Giả dụ sau này chúng mình về thị xã thì sao?

- Thì mở một quán cà phê vườn, hôm nào anh đi làm ca ngày thì em coi quán. Còn nếu anh làm ca đêm thì em chỉ việc ngồi thêu thôi, còn mọi chuyện cứ để anh lo.

- Sẽ làm mấy cái chòi lá dừa ở giữa ao cho khách vừa cà phê vừa câu cá. Nếu khách câu được cá thì tụi mình bán luôn rồi phục vụ một nồi lẩu thơm lừng.

- Ừ mà mỗi ngày chỉ cần kiếm hơn chục khách thôi cũng được. Tính ra bán cà phê lãi phết, mà cái chính là cũng nhàn. Anh không muốn em vất vả.

- Nếu đông khách thì mình thuê thêm nhân viên. Mà gay thật, em chẳng biết pha chế đồ uống gì cả. Nhỡ mà khách không ưng…

Hai mái đầu chụm lại đang bàn tính sôi nổi thì bỗng nhiên chùng xuống như là mới bước hụt một bước rất dài. Giấc mơ ấy họ vẽ đi vẽ lại nhiều lần, mỗi lần mỗi sống động hơn, đẹp đẽ hơn, lấp lánh sắc màu hơn. Nhưng khi mở mắt ra vẫn thấy lạc giữa phố trong khu trọ đang mùa nồm ẩm ướt.

Hàng quán đóng mấy bữa nay vì chả có ma nào ngó ngàng đến. Mưa mà, còn biết làm gì ngoài ngồi thêu dệt những giấc mơ. Khang bằng tuổi Di, xấp xỉ ba mươi. Khang thường bảo "Tại chúng mình gặp nhau muộn quá". Nếu gặp sớm thì cũng có gì thay đổi đâu? Tụi mình nghèo xác xơ mà.

Phòng Di trọ nằm trên ngôi nhà cao tầng ngay sát xóm Khang. Hôm mới chuyển đến đó, Di đã ốm. Di cầm vốc thuốc thò đầu qua cửa sổ ngó xuống dưới thấy Khang cởi trần đang giẵm chăn màn trong chiếc chậu đỏ to. Chớm hè trời đã nóng khủng khiếp, chăn màn được mang ra hong nắng trước lúc cất đi trông đỏ một màu ngột ngạt. Di vô tình tuột tay rơi vài viên thuốc trúng đúng lưng Khang. Tối ấy Khang gõ cửa nhà chủ gởi cho Di mấy bìa thuốc, nghèo thương nhau dễ vậy…

*

- Tụi mình làm gì để giàu bây giờ, nghèo hoài buồn lắm.

- Anh cũng nghĩ nát óc mà chẳng biết nên làm gì. Thời buổi người khôn của khó, hễ mình nghĩ được cái gì thì ra đường đều thấy người ta làm trước rồi.

- Hay là mình mở quán cơm chay?

- Ai mua mấy thứ đó mà bán. Không thấy người ta ngày càng ăn tạp đó à? Thuốc thang, máy móc, đất đai người ta cũng tranh nhau ăn, vậy mà mình lại đi bán cái món xa xỉ ấy à.

- Vậy mở cửa hàng bán quần áo.

- Nhỡ lỗ thì sao…

Di ngừng vỗ chân vào nước và cũng thôi gục đầu vào vai Khang. Nàng ngẩng lên định hỏi hình như Khang vẫn chưa chán ngấy cuộc sống này nên chưa định chiến đấu quyết liệt với nó đến cùng. Khang cứ dùng dằng hoài, cứ lo mất vài chục triệu tiền vốn tích cóp sau mấy năm làm anh công nhân nhà máy rượu.

Di thì thấy những người như mình hình như chẳng còn gì để không dám làm liều, để lưỡng lự đắn đo được mất. Thấy cái nghèo nó giỡn mặt mình hoài suốt mấy chục năm mà chán ngán. Tối nào Di cũng ngồi trên tầng cao ngó xuống những ô cửa sổ phía dưới, xem gia đình người ta thảnh thơi hưởng thụ.

Mẹ Di không được ngồi ăn cơm một cách đoàng hoàng, thư thả như thế. Thường lúc ngồi xuống mâm cơm quần bà vẫn xắn cao đến đầu gối, chân ướt nhẹp nước và mái tóc chưa kịp búi lại gọn gàng. Phòng ăn của họ đẹp quá, có bể cá cảnh bơi tung tăng, những chùm nho đen mọng, con chó Nhật xù lông đến ngồi cạnh bàn ăn không phải vì chầu chực miếng xương mà đến để ve vuốt chủ. Ô cửa ấy vụt tắt, ô cửa khác lại bật sáng những không gian tiện nghi đẹp đẽ.

Di ước gì mẹ có thể được ngủ một đêm trên chiếc giường đệm trắng muốt, rèm cửa buông hững hờ bên chậu hoa màu hồng nhạt. Giường của mẹ ẩm thấp, chiếu hay mốc trong mùa mưa và nóng hầm hập mùa hè. Mẹ không có phòng đọc sách dù mẹ thích mê những cuốn sách.

Di biết được điều ấy nhờ một lần thấy mẹ gượng dậy đọc sách giữa cơn đau. Chỉ có những cơn đau dạ dày mới giữ chân mẹ ở trên giường. Di biết mẹ đã không thể có thuốc tốt vì nuôi bốn đứa con lớn khôn ăn học thật chẳng dễ dàng gì.

Bố Di hay rượu. Khi uống ông thấy vui nhưng uống xong ông hay khóc. Có quá nhiều nỗi buồn đối với một người đàn ông xuyên suốt một cuộc đời nghèo. Di không muốn nhìn thấy Khang trong hình ảnh của bố sau vài chục năm nữa. Nồng nặc mùi rượu bên một người đàn bà cả đời không nghĩ được gì nhiều ngoài chiếc chum đựng gạo. Chúng mình cứ liều đi Khang ơi, người ta giàu mới bo bo sợ mất chứ tụi mình nghèo có gì để mất đâu Khang…

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Cửa hàng tranh thêu của Di nằm trong hẻm nhỏ. Cái hẻm toàn khúc cua nên thỉnh thoảng có xảy ra va chạm. Di lẳng lặng ngồi xem những màn kịch đời. Tội nghiệp họ. Họ chắc chắn không giống những con thú dữ như thế. Thứ gì đã khiến chúng ta xấu xí trong nhau? Mưu sinh ư? Địa vị ư? Những chiếc bánh ngon ư? Giàu hay nghèo gì cũng đáng sợ vậy sao?

Di dừng thêu, quẳng bức tranh thêu vào xó. Cảm thấy tâm trạng tồi tệ lạ. Di thì làm gì có quyền luận bàn về giàu nghèo. Mà kiểu gì Di cũng không bênh vực hay vỗ về cái nghèo. Di muốn sống khác đi. Mà sáng giờ chưa có vị khách nào vào mở hàng. Có lẽ vì mọi người sẽ nghĩ đến mớ rau con cá hơn là những thứ phù phiếm khác. Không khi nào mà mọi thứ làm đẹp cho tâm hồn lại trở lên phù phiếm như thời buổi này.

Một cậu thanh niên đĩnh đạc bước vào. Nhìn là Di biết không phải vào để mua tranh. Cậu ta thuộc một trung tâm dạy kỹ năng sống vào bán vé để tìm học viên. Di cầm tờ vé trên tay cười bảo:

- Nó không phải là vé số. Anh bạn ạ, mình nghĩ là mình không cần đến nó đâu.

- Đúng là nó không phải tờ vé số, nhưng nó có thể thay đổi được cuộc đời của rất nhiều người.

Di nhún vai:

- Bằng cách nào? Đi học ư? Bạn ơi, mình thậm chí chẳng tin vào chuyện học. Mình học đủ rồi, cũng chỉ để ngồi thêu tranh như thế này thôi.

- Chính bởi cái ý nghĩ của chị mà em nghĩ chị cần phải đến lớp học này. Nó sẽ giúp chị tìm thấy niềm vui sống tích cực mỗi ngày để khám phá ra giá trị của bản thân. Từ đó chị sẽ thấy cuộc sống của mình thay đổi hoàn toàn.

Nhìn tờ vé trên tay với dòng chữ đỏ nổi bật. "Thay thái độ, đổi tương lai" ư? Liệu nó có thật sự cần cho Khang không? Di tặc lưỡi mở ví mua một vé. Bằng giá một cái váy thôi mà có gì phải đắn đo. Nghĩ rồi Di bật cười vì chắc phải lâu lắm rồi nàng không sắm cho mình bộ váy nào mới cả.

Giờ này Khang có lẽ đang ngủ sau ca đêm dài đằng đẵng. Thỉnh thoảng trong lúc ngồi thêu tranh đầu óc Di có hay mường tượng. Nếu hai đứa lấy nhau thì sẽ ra sao? Thì sinh con chứ sao. Di vừa thêu tranh vừa chăm con. Cái từ "chăm con" nghe nó gọn gàng và nhẹ nhõm làm sao, nhưng thực tế không có vậy. Di nghĩ đến xóm trọ của Khang, một xóm trọ dành cho những cặp vợ chồng làm công nhân. Chật chội và nheo nhóc. Những trưa oi bức nắng khét lẹt trên trần nhà và tiếng trẻ con kêu buốt óc. Tiếng những bà mẹ quát tháo, tiếng đánh đập chửi rủa nhau vang u uất giữa mùi tã bỉm, mùi nôn trớ.

Di rồi cũng thế, sẽ vật vã trong những ngày ít sữa, sẽ đầu tắt mặt tối vừa bồng con vừa lo mưu sinh khi mọi khoản chi tiêu tăng lên chóng mặt. Và rồi cũng sẽ có những đêm ngủ gật bên cơn nóng sốt của con. Khang khi đó ở đâu? Ở nhà máy hoặc nằm dạng háng ngủ khò khò sau ca làm. Thỉnh thoảng sẽ cáu bẳn quát um vì sao con vợ mình chỉ việc dỗ con cũng không làm nổi, để nó khóc không tài nào ngủ nổi. Sẽ đôi lần cãi cọ, thậm chí xô xát vì chuyện chi tiêu, vì Di cằn nhằn than thở, vì giá sữa tăng lên mươi ngàn một hộp cũng đủ là gánh nặng. Mới nghĩ đến đó thôi Di đã muốn khóc.

Hôn nhân và con cái nó giết chết tình yêu nhanh và tàn nhẫn quá. Di không muốn mình biến thành mụ đàn bà xấu xí, cục cằn, tủn mủn trước mắt Khang. Cũng không muốn thấy Khang xấu xí trước mắt mình. Ngày nào Di cũng tự thôi thúc mình phải sống khác đi, sống khác đi, khác đi…

Khang cầm tấm vé trên tay nhún vai hỏi:

- Học để làm gì?

- Để thay đổi.

- Sao thấy nó phù phiếm quá anh không tin đâu.

- Mất mấy trăm ngàn của em đó. Gắng mà học, ít ra cũng để đỡ phí tiền.

Cuối cùng thì Di vẫn phải đóng cửa hàng tháp tùng Khang đến tận lớp học để chắc chắn rằng những đồng tiền của mình bỏ ra không chỉ để mua một tờ giấy lộn. Khang ngồi tít cuối lớp còn phía trước là lô nhô những cái đầu đen khác. Giảng viên bước vào. Ồ! Chính là cậu thanh niên ấy. Nhưng hôm nay trông cậu chững chạc và tự tin hơn trong bộ comple tươm tất. Di nán lại một lúc thấy bài giảng cũng hấp dẫn. Nàng nghe đến đoạn giảng viên nói "mỗi người chúng ta là một mảnh ghép. Đang có một chỗ trống nào đó chờ bạn đến ghép vào" thì Di đi, vừa kịp lúc thấy Khang giơ tay xin tham gia một trò chơi trải nghiệm.

*

Khóa học chỉ gói gọn trong hai buổi tối vậy mà hình như đã tác động đến Khang nhiều lắm. Di thấy Khang ít cười hề hà vô tư như trước, hay nằm vắt trán suy nghĩ mông lung. Có hỏi Khang cũng chỉ lắc đầu. Ban đầu Di hơi lo, nhưng sau thì mặc kệ, nếu mà quả thật buổi học có hiệu quả đến vậy thì tốt cho Khang thôi. Mà biết đâu Di lại bớt ăn bớt mặc mua vài buổi học cho mình.

Di nói rồi, đời Di có gì đâu mà mất. Nhưng bỗng nhiên khách đến mua mẫu tranh thêu nhiều làm Di chúi đầu vào công việc mà quên béng mất ý định đó, cũng quên luôn cả việc dạo này ít thấy Khang đến chơi hơn. Cậu thanh niên ấy có đến thêm vài lần, Di thường điện hỏi Khang có muốn đi học nữa không để Di mua vé. Lần nào Khang cũng trả lời nước đôi. Di biết thế là Khang thích đi, chẳng qua là anh tiếc mấy trăm học phí. Khang vui là được, Di sẽ mua. Mặt cậu thanh niên sáng bừng lên mỗi lần thấy Di tặc lưỡi.

Đêm về ngồi đếm từng đồng lãi nhỏ, Di chia ra từng khoản rõ ràng. Khoản này gửi về cho bố mẹ, khoản này đóng tiền nhà, khoản này mua cho Khang cái áo tử tế vì hôm nọ thấy anh đứng tần ngần trước cái áo đã ố màu. Nếu còn thừa tiền sẽ mua ít thuốc hoạt huyết cho Khang vì gặp nhau lần nào cũng thấy anh nhăn nhó vì đau. Lần gặp gần nhất Khang khen mùi nước hoa của cậu thanh niên trẻ ấy. Khang nói mùi nước hoa đó làm tất cả các học viên nữ đều mê. Di cố hồi tưởng lại một mùi hương nhưng rõ ràng nó chưa bao giờ tác động đến nàng dù cậu thanh niên ấy từng xuất hiện nhiều lần.

*

- Nhưng tại sao tự nhiên anh lại chú ý đến một mùi hương?

- Có gì đâu chứ. Không phải em mất tiền cho anh đi học để muốn anh thay đổi đó sao?

- Việc đó bắt đầu từ một mùi hương sao?

- Dĩ nhiên là nhiều hơn thế nhưng anh nghĩ em không thể hiểu.

Di không biết mình có chạnh lòng sau câu nói ấy hay không nhưng nàng im lặng. Vài hôm sau cậu thanh niên ấy lại ghé qua, lần này thì Di không quan tâm gì đến thông tin lớp học, kể cả dòng chữ đỏ in đậm đến nhức nhối trên tấm vé. Di chỉ chú ý đến mùi hương. Quen lắm, như là Di đã gặp ở đâu đó thứ mùi hương ấy, nhưng không làm sao nhớ nổi.

Lần này khi nhận từ tay Di mấy trăm ngàn học phí, cậu thanh niên ấy đã không cười. Đêm ấy Di mê man trong giấc mơ kì lạ. Nàng mơ thấy mình đang ngồi bên cửa sổ ngó xuống phía dưới, bỗng đâu một trận gió ập đến thổi thốc Di đi. Một luồng khí bay ra từ cơ thể nàng, từ đầu rồi đến tim. Khí bay đến đâu cơ thể cũng nhẹ bẫng dần đến đó tựa hồ như một cánh chim.

Di bay lơ lửng trên mái dãy trọ nhà Khang, nàng đưa mắt tìm người yêu trong nhộn nhạo mặt người. Di muốn nắm tay anh cùng bay lên thoát khỏi đời sống chật chội này nhưng mọi thứ cứ chới với giữa vô cùng. Di hoảng loạn tự vẫy vùng đến kiệt cùng, gọi tên Khang nhưng không một lời đáp lại. Chỉ có mùi hương dịu nhẹ ấy lan tỏa trong gió trời như nâng đỡ lấy Di. Tỉnh giấc Di thấy mình đã khóc tự bao giờ. Một nỗi bất an xâm chiếm khiến nàng quờ tìm điện thoại gọi cho Khang. Nhưng cuộc gọi không liên lạc được. Di muốn thò đầu ra cửa sổ, cúi xuống dưới gọi tên người yêu đến điên cuồng. Nhưng may mà Di kịp khựng lại vì thương từng ấy con người với giấc ngủ mệt nhọc. Và bởi vì Di sợ sẽ không có tiếng Khang đáp lại…

*

Cậu thanh niên lại đến. Lần này không phải vì bán vé. Cậu ta ngập ngừng ngồi xuống chiếc ghế duy nhất trong cửa hàng tranh thêu rồi chầm chậm nhìn Di và hỏi:

- Chị không nhận ra em sao?

Di dừng thêu từ từ ngẩng lên cười bảo:

- Nhận ra chứ. Dĩ nhiên là tôi nhận ra cậu…

Khuôn mặt cậu thanh niên bừng sáng, khẽ đưa người về phía trước như đang chờ đợi ở Di một câu trả lời. Rất bình thản, Di nói:

- Thì cậu là người hay đến bán vé các buổi học đấy thôi. Làm sao mà tôi quên được.

Người cậu thanh niên chùng xuống, dúm dó trong một nỗi buồn đau, thất vọng. Ngay sau đó cậu đứng lên dứt khoát rồi lầm lũi ra về sau khi buông một câu đủ làm điếng lòng Di:

- Đừng mua vé cho Khang nữa. Anh ấy đến lớp đâu phải là để học. Anh ấy đến để theo đuổi một cô gái khác.

Di biết tất cả những điều đó. Nàng đóng cửa hàng trở về ngồi trên tầng cao ngó xuống. Có lẽ giờ Khang đang xức loại nước hoa có mùi hương hoa chanh dịu nhẹ Di từng mua tặng rồi đến ngồi bên cô gái của anh. Và dĩ nhiên là Di không quên cậu thanh niên ấy. Đó là cậu bé chăn bò hay đứng dưới thảm cỏ chiều ngước lên chãng cây bạch đàn nghe Di hát. Trong tay cậu lúc nào cũng nắm chặt những bông hoa chanh nhỏ. Nếu gặp lại cậu ấy Di muốn hỏi có phải ai cũng là một mảnh ghép và đang có một chỗ trống nào đó chờ ta đến ghép vào? Nhưng chính lúc này đây Di đã nghĩ rằng nàng sinh ra chẳng để ghép vào bất cứ đâu. Hoặc có chăng chỉ là để ghép vào một buổi chiều hiu hắt gió…

Câu chuyện về cậu bé chăn bò một ngày nào đó Di sẽ kể. Giờ thì Di muốn bay. Bay qua những nóc nhà rồi biến mất…
Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang
.
.