Đường về

Thứ Hai, 07/11/2016, 08:00
Thằng Bình ma về tới đầu hẻm thì cả con hẻm lao nhao. Cái tin con ma Bình nghiện ra tù trở về lan nhanh như cơn gió, len lỏi khắp mọi ngóc ngách trong con hẻm dài ngoằn ngoèo và nhiều nhánh rẽ. Con hẻm lao động nghèo, từ ngày thằng Bình ma bị bắt ở tù mới được bình yên. Chứ hồi nó còn ở nhà, ai cũng ăn hổng ngon, ngủ hổng yên. 

Nằm nghỉ trưa mà quên khóa cửa cẩn thận là thôi rồi, điện thoại để trên bàn, bóp để trong túi quần treo trên móc, tự nhiên mọc cánh bay tuốt luốt hết. Riết rồi tới quạt máy, bàn ủi, nồi cơm điện… cũng biết mọc cánh bay, làm như có ma vậy, thấy ghê. Đến khi thím Mười thấy rành rành thằng Bình lẻn vào nhà lấy cái bàn ủi nhét vô lưng quần rồi thản nhiên đi ra thì mọi người mới vỡ lẽ, thì ra trong hẻm có con ma sống.

Dân nghiện ngập, vào tù ra khám như bắt cóc bỏ dĩa. Vì vậy, thấy bóng thằng Bình ma lù lù ngoài đầu hẻm, cô Tư Lùn, dì Tám Thêm, chị Ba Lài… đang ngồi ăn bún riêu, tự nhiên nhảy nhỏm như ngồi trúng gai nhọn, rồi đứng dậy bỏ đi te te về nhà. Chị Nguyệt cũng bỏ ngang gánh bún riêu ngoài đầu hẻm, hớt hải chạy về nhà hối thúc anh Hùng dẫn chiếc xe gắn máy vào nhà rồi khóa cổng rào lại. Anh Hùng ngơ ngác hổng biết chuyện gì. Anh trợn mắt thao láo:

- Bà làm cái gì mà như giặc tới hổng bằng vậy?

Chị Nguyệt thở hổn hển:

- Nguy cấp còn hơn giặc tới nữa, thằng Bình ma ra tù mới dìa tới kìa!

Tới lượt anh Hùng luýnh quýnh chạy ra sân dẫn chiếc xe gắn máy vào nhà. Anh Hùng lẩm bẩm:

- Họa tới nữa rồi, hổng biết chừng nào cái xóm này mới được bình yên đây?!

Dì Hai đang ngồi ăn bánh canh ngoài đầu hẻm cũng bỏ ngang, chạy lăng xăng về lấy mấy bộ quần áo của thằng Hải móc phơi ngoài hàng rào đem vào nhà. Dì Hai kêu mấy đứa con cất điện thoại, khóa cửa rào cẩn thận, coi chừng con ma trong hẻm lẻn vô nhà thì coi như mọi thứ mọc cánh bay tuốt luốt hết. Anh tư Nhỏ ở tuốt phía cuối hẻm nghe tin thằng Bình ma về, kêu nhắc vợ:

- Bà coi lột đôi bông cất giùm tui đi, thằng Bình ma nó về kìa. Lên cơn nghiện, nó bóp cổ bà giựt đôi bông à. Đừng để có mấy phân vàng mà chết oan mạng đó nghen.

Chị Hoa - vợ anh tư Nhỏ - thở dài thậm thượt:

- Sống mà tối ngày cứ nơm nớp lo sợ thằng Bình ma thì còn mần ăn gì được nữa trời!? Kiểu này chắc có ngày phải bán nhà đi chỗ khác ở quá.

Thằng Bình ma đi về gần tới nhà, thấy thím Mười từ trong hẻm đi ra, nó nhoẻn miệng cười:

- Thím Mười khỏe hả. Thím đi đâu vậy?

Miệng thím Mười tự nhiên méo xẹo:

- Ờ, ờ… khỏe. Đi công chuyện. Người ta cho mầy dìa thăm nhà chơi hay cho dìa luôn vậy, Bình?

Thằng Bình ma hớn hở:

- Dạ, người ta cho con dìa luôn rồi thím Mười. Vô trỏng con cai nghiện rồi cải tạo tốt nên người ta giảm án, cho dìa trước hai năm á dì.

Thím Mười sực nhớ hồi đi ra ngoài, chị Diệp đang giặt đồ ở phía sau, thím đi ra chỉ khép cửa hờ nên vội vã quay trở lại. Thằng Bình hỏi:

- Ủa, thím Mười hổng đi công chuyện sao mà quay về vậy?

Thím Mười ấp úng:

- Ờ… ờ… Bỏ quên đồ ở nhà, dìa lấy.    

Thấy thằng Bình về, con Út Nhiên đang ngồi học bài bỗng giật thót. Mấy năm đã trôi qua, nhưng thỉnh thoảng trong giấc ngủ, con Út Nhiên vẫn còn gặp ác mộng, thấy thằng Bình bóp cổ nó, móc túi lấy một trăm ngàn đồng của dì Bích cho nó đi đóng tiền trường.

Từ ngày Bình vào tù, chị em con Út Nhiên mới có cái cảm giác đang sống. Chớ hồi thằng Bình chưa bị bắt, không khí trong nhà ảm đạm như đám ma, ai cũng thấy mình như chết rồi. Thở khơi khơi chơi vậy thôi chứ đã chết, chết từ lâu rồi, tại chưa chôn thôi. Chết trong những lời lẽ miệt thị, tiếng chửi rủa, xỉa xói, cạnh khóe của hàng xóm khi họ mất của. Như hồi thím Mười mất hai cái điện thoại di động, đi qua đi lại ngang nhà dì Bích, thím Mười xỉa xói, giọng đay nghiến:

- Sinh con ra mà để nó đi ăn trộm, ăn cắp thì ra đường lấy mo mà úp vô mặt! Cái thứ ăn không ngồi rồi, học đòi nghiện ngập, trộm cắp sao trời hổng đánh thánh hổng vật mà sống nhăn răng vậy hổng biết.

Minh họa: Tô Chiêu.

Dì Bích ước phải chi ra đường lấy mo che được cái mặt thì cũng còn đỡ. Đằng này che mặt không được nên dì cứ lầm lũi mà đi, hổng dám ngẩng lên nhìn mặt ai trong xóm. Một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, dì Bích khóc hết hơn ba trăm sáu mươi ngày.

Lên bữa ăn, dì Bích to nhỏ khuyên thằng Bình cai nghiện, mặt nó lườm lườm rồi chọi chén cơm vào vách bể. Nó khoác áo bỏ đi, miệng lẩm bẩm: "Trời đánh tránh bữa ăn". Dì Bích nước mắt ngắn dài, con Út Nhiên nuốt miếng cơm bị chẹn lại ngang họng, đắng ngắt. Thằng Bình đập riết rồi chén cũng không còn đủ để dọn mâm cơm cho bốn người trong nhà.

Cảm giác đặt chân vào căn nhà, nơi đã vun vén, bồi đắp cho mình những yêu thương, sau sáu năm ăn năn trong trại giam. Nằm trong trại giam, Bình mới thấy hổng ở đâu êm ấm, ngọt ngào bằng ở trong ngôi nhà của mình. Trong trại giam, nhiều đêm nằm, nhớ những giọt nước mắt của má đã cạn khô vì mình, Bình trằn trọc không ngủ được. Thấy Út Nhiên đã lớn ra dáng thiếu nữ, mắt thằng Bình vụt sáng:

- Út Nhiên, anh Hai được ra tù rồi nè. Mấy năm nay em học có lãnh thưởng không?

Út Nhiên hốt hoảng, co quắp người lại, rúm ró. Nó lắp bắp:

- Anh… về… chi… vậy?

Thằng Bình nghe tim mình như hẫng một nhịp, ngực thắt lại, nhói đau. Bao háo hức đợi ngày trở về để gặp lại người thân đang căng phồng trong lồng ngực bỗng chốc xẹp xuống, lép kẹp. Nhưng nó không dám trách Út Nhiên.

Tại mình mà, có trách là trách mình. Mà sáu năm trong trại giam, Bình cũng đã trách mình nhiều rồi. Nhớ lại từng việc mình làm, từ cạy tủ lấy tiền của má, đè lột chiếc cà rá của con Nhạn đang đeo trên tay, đến việc lẻn vào nhà thím Mười lấy hai cái điện thoại di động, rồi chém người để cướp xe…, nó thấy ghê tởm chính mình.

Rồi Bình nhớ hồi nhỏ, khi ba còn sống, thấy nó đi học về có quyển truyện tranh mới, ba hỏi quyển truyện ở đâu mà có. Bình kể lượm được trong hộc bàn, chắc của bạn nào đó học buổi sáng bỏ quên lại. Ba kêu nó ngày mai vào học phải để lại y chỗ cũ, cái gì hổng phải của mình thì không được lấy.

Nhớ lời ba dặn, tự nhiên nước mắt Bình cứ ứa ra, chảy miết. Bình trông riết đến ngày mãn hạn tù để về nhà, thắp lên bàn thờ ba nén nhang để thưa với ba: Ba tha thứ cho con, có chết con cũng không quay lại con đường tăm tối ấy.

Thằng Bình vừa đi xuống nhà sau, Út Nhiên gọi điện cho con Nhạn, giọng hốt hoảng:

- Chị ba, ông Bình dìa kìa.

Sợ thằng Bình nghe, không đợi con Nhạn hỏi gì, con Nhiên cúp máy cái rụp. Con Nhạn đang đi làm, bỏ ngang công việc, hớt hải chạy về nhà. Nó thở hổn hển, hỏi Út Nhiên:

- Ông Bình dìa hả? Ổng đâu rồi?

Con Nhiên ra hiệu thằng Bình đang ở đằng sau. Con Nhạn chạy thẳng vào phòng, kéo hộc tủ lấy ví ra kiểm tra tiền rồi lận vào lưng quần. Thằng Bình ở nhà sau đi lên, thấy con Nhạn về, nó hớn hở:

- Nhạn, anh Hai được ra tù rồi nè.

Con Nhạn chầm hầm, hất mặt hỏi:

- Sao anh hổng ở trỏng luôn, về chi vậy?

Thằng Bình đứng lặng người, xót xa đến từng thớ thịt, hột máu. Năm năm nghiện ngập, tới cái đèn để bàn cho con Út Nhiên ngồi học, cái quạt máy, nồi cơm điện… cũng đội nón ra đi vì những cơn nghiện của nó. Hồi ra tù, Bình biết đường trở về nhà xa lăng lắc, nhưng nó vẫn háo hức, nôn nao muốn trở về. Bởi vì nơi đó, má đã từng thức suốt đêm để may cho nó bộ quần áo mới để kịp sáng hôm sau đến trường.

Nơi đó, hồi còn nhỏ, nó chạy chơi vấp té, cái trán u một cục như trái chanh. Thằng Bình khóc thì ít, con Nhạn hổng té mà khóc nhiều. Ba hỏi Nhạn sao con khóc, nó lí nhí: "Anh Hai té chắc đau lắm hén ba?". Hồi mới bị bắt vào tù, Bình thấy đời mình coi như hết.

Nhưng rồi những hình ảnh ấy như cái bếp than tổ ong của má mỗi sáng mùa đông, đốt lên cho anh em Bình sưởi ấm để đi học. Hơi ấm ấy như len lách vào tim, vào hồn. Nên Bình thấy mình như cọng lúa queo quắt vì nắng hạn bỗng gặp cơn mưa rào tưới mát rượi. Vì vậy Bình nỗ lực sống lại, sống một cách mãnh liệt. Cho nên Bình mới được xét cho ra tù trước thời hạn. Nhưng Bình đâu có ngờ, đường về nhà lại xa vời vợi như vậy, đến nhà rồi mà vẫn thấy nhà ở đâu đó xa lắc xa lơ, với hoài không tới nổi. Với hổng tới nên Bình mới có cảm giác hụt chân, chới với.

Cái tin "con ma" Bình nghiện về cũng nhanh chóng vượt ra khỏi con hẻm, tới ngoài ngã tư. Dì Bích đang bán bánh mì ngoài đó hay tin lật đật chạy về. Sợ má đón ngày về của mình cũng giống như Út Nhiên và con Nhạn, nên Bình cúi đầu, mắt ầng ậc nước:

- Má, con mới ra tù. Má tha lỗi cho con, đừng bỏ con nghen má.

Con của mình rứt ruột đẻ ra, làm sao mà bỏ được. Dì Bích mà bỏ nó thì dì đâu có lao tâm khổ trí, đâu có ốm o gầy mòn như vầy. Nhiều khi đang đứng bán, dì nhớ tới thằng Bình, nước mắt tự nhiên chảy ròng ròng trên má, làm cho khách mua bánh mì ngơ ngác:

- Ủa, tự nhiên sao bà chị khóc ngon lành vậy?

Dì Bích kéo chéo áo quệt nước mắt, miệng cười méo xẹo:

- Tại tui có thằng con đi lạc đường.

Thấy thằng Bình rám nắng, hai má hóp sâu, già xộm, dì Bích đưa tay gạt nước mắt:

- Con là con của má rứt ruột đẻ ra. Con có rớt xuống sình, lầy lội, nhơ nhuốc cỡ nào má cũng phải vớt con lên.

Sáu năm qua, nợ nần và tiền bồi thường cho vụ cướp do thằng Bình gây ra, dì Bích vẫn chưa trả hết. Thằng Bình đứng chết lặng, nỗi ân hận trào lên chèn ngang cổ, đắng ngắt. Nó nhìn lên di ảnh của ba trên bàn thờ mà hổ thẹn. Những ngày cuối đời, ông cứ nắm tay nó dặn đi dặn lại:

- Con là con trai duy nhất trong nhà, con cố gắng lo cho mẹ và các em…

Mới sáu năm mà mắt dì Bích thâm quầng, trũng sâu hun hút. Đó là kết quả của những đêm mất ngủ. Làm sao mà ngủ cho được, khi đứa con mình rứt ruột đẻ ra lại lầm đường lạc lối, lâm cảnh tù tội. Gánh bầy con trên vai, có nặng nhọc cỡ nào, dì cũng đủ mạnh mẽ để gồng người bước tới.

Dì không sợ cực, không sợ khổ. Dì sợ nhất là những ánh mắt lợt lạt, lảng tránh, những lời xầm xì, to nhỏ của bà con, lối xóm. Hôm thằng Bình bị bắt, cả xóm kéo lại vây kín nhà dì chỉ trỏ, bàn tán, hả hê. Lúc đó, dì muốn vạch đất mà chui xuống cho rồi.

Dì tự trách mình "con hư tại mẹ", nhưng "mũi dại thì lái phải chịu đòn", thôi thì ráng sống để còn đưa nó đi tìm lại lối thẳng, đường ngay. Phải ráng nắm chặt tay nó, buông ra lúc này thì nó càng lún xuống vũng bùn, càng lúc càng sâu hun hút.

Từ ngày thằng Bình nghiện ma túy, ra đường, dì cũng chẳng dám ngước mặt nhìn ai. Dì ngại chạm vào những ánh mắt khinh miệt của mọi người dành cho một người mẹ có thằng con nghiện ngập, trộm cắp, cướp giựt. Đọc được những nỗi ẩn ức trong đôi mắt của mẹ, Bình cúi gầm mặt:

- Má, con quyết tâm làm lại từ đầu.

Trái tim người mẹ luôn dành sẵn một khoảng trống để đón nhận lại đứa con lạc lối, nhưng còn những người khác thì để có sự tha thứ không phải chỉ trong một sớm một chiều. Vì vậy, khi Bình đến nhà Ly, nó vấp ngay ánh mắt hốt hoảng của cô. Vừa thấy Bình, Ly thất thần:

- Anh đừng vào nhà, ba mẹ rầy em chết. Anh về đi, đừng đến tìm em nữa.

Hồi hay tin Bình nghiện ngập, bạn bè ai cũng xa lánh, chỉ có Ly là luôn ở bên cạnh động viên nó đi cai nghiện để về làm lại từ đầu. Nhiều đêm Bình đi với đám bạn nghiện, Ly đã tìm đến những nơi Bình hay tụ tập để kéo nó về.

Có lần trời mưa tầm tã, biết Bình đang tụ tập với đám bạn nghiện, Ly đã tìm đến nơi để thuyết phục Bình về nhà. Bình nạt ngang nạt ngửa đuổi Ly về nhưng cô bảo sẽ đứng dưới mưa đến khi nào Bình chịu về mới thôi. Bình nói nó là cái thứ giẻ rách, cái thứ bỏ đi, Ly tốt với nó làm chi cho uổng công.

Mắt Ly ầng ậc nước, cô lắc đầu bảo chắc tại mắc nợ đâu hồi kiếp trước. Bình cười chua chát, bảo nếu Ly mắc nợ nó hồi kiếp trước thì bây giờ nó xóa hết nợ cho cô, khỏi phải vất vả đi tìm nó làm gì cho mệt xác. Ly bảo không biết vì sao mình tốt với Bình, nhưng Bình biết, dì Bích biết nên dì nắm tay Ly tha thiết:

- Dì nhờ con khuyên nhủ thằng Bình giùm, chớ dì hết cách rồi. 

Khi vào tù, người duy nhất đến thăm, an ủi, động viên Bình cũng chỉ có Ly. Rồi chuyện Ly thường tới lui với một thằng tội phạm, nghiện ngập cũng đến tai ba mẹ của Ly. Dì Lam, mẹ của Ly, khóc nấc:

- Mẹ không thấy ai mà dại dột như con. Biết bao người đàng hoàng không yêu đi yêu cái thằng xì ke, ma túy, trộm cắp.

Còn chú Khánh, ba của Ly thì giận xanh mặt:

- Cái thứ đó bán trời không mời thiên lôi. Mày chấm dứt tới lui với nó ngay, nếu không đừng trách tao.

Từ đó, nhất cử nhất động gì của Ly đều không qua được mắt của dì Lam. Cho nên Ly mới đi thăm nuôi Bình được hai lần thì biệt tăm. Những ngày trong trại giam, nghĩ về những việc Ly đã làm cho mình, Bình thấy thương cô đứt ruột. Mà có thương thì có nhớ. Vì vậy những hình ảnh về Ly cứ chờn vờn trong mắt Bình, nhắm mắt lại nó cũng thấy.

Ước mơ về một gia đình đầm ấm, hạnh phúc với những đứa con ngoan cũng bắt đầu nhen nhóm trong lòng Bình. Thời gian ở trong tù, không ngày nào Bình không nghĩ đến Ly, thấy mình nợ Ly cả đống, biết trả sao cho hết.

Thấy Ly không đến thăm, Bình rất lo sợ, không biết ở bên ngoài Ly có việc gì không, hay đã lấy chồng rồi. Vì vậy, khi vừa mới ra tù, Bình đã tìm đến thăm Ly liền. Nhưng cái tin Bình "ma" về lan truyền còn nhanh hơn tốc độ của gió. Vì vậy, trước khi Bình đi thì cái tin "con ma" Bình nghiện vừa ra tù đã đến nhà Ly trước đó rồi. Ba của Ly đang hớt tóc ngoài đầu hẻm, nghe tin Bình về, ông bỏ ngang để chạy về nhà dặn mẹ của Ly phải túc trực bên con gái, không cho cô ra khỏi nhà dù chỉ nửa bước.

Thấy vẻ mặt hốt hoảng của Ly, Bình chưa kịp hỏi gì thì cô đã giục:

- Anh đi đi, ba em mà thấy anh đến nhà thì không để yên cho anh đâu. Đi nhanh đi anh.

Ly đứng ở đó, cách có một sải tay chứ mấy, mà sao Bình thấy xa thăm thẳm, vói hoài không tới, nên mới hụt hẫng, chênh vênh. Bây giờ thì Bình đã hiểu vì sao mấy năm qua Ly biệt tăm. Bình lửng thửng quay đi mà không kịp chào người mình hằng mong nhớ.

Đi trong nỗi bẽ bàng, xót xa. Đi trong nỗi cay đắng, cồn cào đến từng tế bào trong da thịt. Nơi mà mỗi ngày Bình đều nghĩ về; nơi mà nó thấy bình yên, ấm áp; nơi mà đã tạo động lực mạnh mẽ để nó vượt qua những ngày lao động vất vả ở trại giam đã như mảng đất mục ở mé sông, sụp xuống cuốn trôi theo dòng nước cuồn cuộn chảy. Nơi ấy bây giờ không dành cho Bình nữa. Nó tự hỏi, mầy thấm chưa, Bình? Dì Bích biết chuyện, an ủi:

- Con quyết tâm làm lại từ đầu thì vẫn còn kịp.

Thằng Bình ứa nước mắt:

- Con phải làm lại từ đầu thôi má à. Khó đến đâu con cũng làm được. Con hy vọng Ly vẫn chờ và ba mẹ của Ly sẽ chấp nhận con.

Thằng Bình quyết tâm làm lại từ đầu, nhưng việc đứng lên sau một lần trượt dài trong lầm lỡ thì không phải là chuyện dễ. Thằng Bình nghe nói xưởng tiện của chú tư Thống ở ngoài đầu hẻm đang cần người, nên nó ra xin vào làm. Chú tư lạnh nhạt:

- Xưởng đủ người rồi, hổng nhận thêm nữa.

Dì Bích nghe nói chú Sáu Nho đang cần phụ hồ nên kêu thằng Bình sang nhà chú Sáu xin cho theo chú để làm. Chú Sáu Nho là bạn thân với ba thằng Bình. Từ ngày ba thằng Bình chết, chú Sáu hay giúp đỡ cho mẹ con thằng Bình khi thì bộ sách giáo khoa cho Út Nhiên, khi thì vài chục ký gạo... Nhưng từ khi thằng Bình nghiện ngập, rồi trộm cắp, cướp giật, chú Sáu không còn tới lui với gia đình Bình nữa. Đợi chú Sáu đi làm về, thằng Bình sang nhà chú hỏi xin cho theo làm phụ hồ. Chú Sáu nhìn nó lợt lạt:

- Công trình sắp xong rồi, không cần người nữa.

Bình thu xếp quần áo xin dì Bích cho đi nơi khác lập nghiệp, chứ ở đây thì khó mà đứng lên được. Dì Bích nắm tay nó kéo lại:

- Con vấp ngã ở chỗ nào thì phải đứng lên ở chỗ đó. Đừng trốn chạy.  

Sợ thằng Bình buồn, dì Bích kêu nó trong lúc chờ tìm việc thì ra bán bánh mì phụ dì cho vui. Mà Bình thấy cũng vui thiệt, vì ở trong trại giam ngày nào cũng lao động nên Bình quen rồi, về nhà không có việc gì làm thấy buồn tay buồn chân. Xẻ bánh mì, xắt thịt, xắt dưa…, những việc làm nhỏ nhặt vậy mà Bình thấy cuộc sống thật vui và nở bừng ra với những ước mơ tốt đẹp.

Nhưng cuộc đời đâu dễ dàng tha thứ cho một "con ma" đã từng nghiện ngập, trộm cướp như Bình. Chính vì vậy, cái tin thằng Huy, bạn nghiện với Bình vừa chết vì AIDS lan nhanh với tốc độ còn nhanh hơn tia chớp. Cả con hẻm xôn xao, người ta nói nghiện ngập chung, làm gì thằng Bình không dính "ếch".

Có người còn khẳng định chắc chắn: "Nó dính ếch rồi người ta mới cho ra tù sớm để về nhà chờ chết, nếu không làm gì ra tù sớm vậy". Dì Bích nghe mà chết lặng. Bình tĩnh lại, dì kêu Bình đi xét nghiệm. Bình nhìn dì Bích, ánh mắt khẩn thiết:

- Má hổng tin con hả má? Con chưa bao giờ xài kim tiêm với ai, kể cả với thằng Huy. Vậy làm sao con bị lây bệnh được?

Dì Bích tin, nhưng mọi người thì không thể tin thằng Bình hổng dính "ếch". Chính vì vậy, xe bánh mì của dì Bích cứ thưa người mua dần. Dì Bích hổng biết tại sao bán ngày càng ế ẩm, nhưng thằng Bình thì biết. Vì sáng hôm qua, khi bé Tuyền đòi ăn bánh mì thịt của dì Bích, mẹ bé Tuyền nạt ngang:

- Thằng Bình nó bị si-đa, mua bánh mì của mẹ con nó ăn cho lây bịnh chết hả?

Thằng Bình thấy vậy không dám ra phụ với dì Bích bán bánh mì nữa. Ở nhà thì Bình hổng biết phải làm gì, tay chân cứ lõng thõng rất khó chịu. Từ khi cái tin đồn thằng Bình bị "ếch" lan ra khắp con hẻm thì thằng Su Bin cũng hổng thấy ôm bộ cờ tướng sang rủ Bình chơi. Thằng Su Bin mới học lớp hai mà mê cờ hơn mê game. Ngày nào nó cũng ôm bộ cờ sang rủ Bình chơi vài ván. Đến ngày thứ ba thì thằng Su Bin rón rén đi qua. Nó không rủ Bình chơi cờ mà thỏ thẻ:

- Mẹ em nói hổng cho sang chơi cờ với anh nữa, vì anh bị si-đa, qua chơi là lây bịnh chết.

Bình xoa đầu thằng Su Bin:

- Rồi em có tin là anh bị si-đa hông?

Thằng Su Bin tròn mắt:

- Em cũng hổng biết nữa.

Thằng Su Bin không sang chơi đánh cờ nữa, chỉ còn lại chú Tư "mát" là hay ghé nói tào lao với Bình. Cả con hẻm không ai để tâm nghe chú Tư "mát" nói, vì vậy khi Bình chịu ngồi cả buổi để nghe chú kể chuyện tào lao trên trời dưới đất, chú thích dữ lắm. Vì vậy, chú bảo cả con hẻm này chỉ có thằng Bình là bạn của chú thôi. Nghe chú Tư kể chuyện tầm phào, Bình thấy trong con người nửa mê nửa tỉnh của chú cũng rất đáng thương.

Chiều hôm qua, thấy chú Tư đi lang thang, thằng Bình hỏi chú ăn cơm chưa? Biết chú chưa ăn cơm nên Bình bảo chú vào nhà ngồi chơi, rồi nó đi xúc cho chú tô cơm. Chú Tư cám ơn nó rối rít, vì từ sáng tới giờ chú chưa ăn gì.

Từ ngày chú Tư phát bệnh tâm thần, vợ của chú ẵm con đi biền biệt không thấy về. Hồi chú bệnh ít còn có người mướn làm những chuyện lặt vặt, vì vậy cũng đủ no. Mấy năm nay chú bệnh nặng hơn, không ai còn dám mướn chú làm gì nữa.

Không có tiền, ai cho gì chú ăn nấy. Có hôm hổng ai cho gì ăn thì chú đi lượm mót trái cây ngoài chợ, hay vào quán, thấy ai ăn thừa, chú lấy ăn. Ăn cơm xong, chú ngồi kể chuyện đêm qua nằm chiêm bao thấy vợ chú dẫn thằng con trai về thăm. Chú Tư hào hứng: 

- Ê Bình, thằng con tao hồi đi mới có hai tuổi mà bây giờ làm giám đốc rồi mầy. Còn con vợ tao bây giờ là mẹ của giám đốc, đẹp hết hồn luôn. 

Thấy Bình cứ ngồi lặng lẽ, chú vỗ vai Bình:

- Ê Bình, trong tù có gì vui hông, mầy kể tao nghe đi.

Bình cười:

- Trời, trong tù có gì đâu mà vui, chú. Nhớ nhà muốn chết.

Chú Tư bỗng dưng đăm chiêu, ánh mắt xa xăm:

- Mà Bình, bây giờ tao ở tù thì chắc sướng hơn, khỏi phải sợ đói hén mậy.

Chú Tư đăm chiêu một lát rồi bảo:

- Chắc tao tìm cách vô tù ở quá, Bình. 

Bình tưởng chú Tư nói khơi khơi vậy thôi, ai ngờ khuya đêm đó chú Tư đốt nhà làm cả con hẻm náo loạn. Nhìn đám khói lửa mịt mùng, chú Tư đứng cười hềnh hệch:

- Tao vô tù ở cho khỏi sợ đói! Ha ha… a…

Khi mọi người phát hiện thì đám cháy đã lan sang nhà anh chị Bảy Tùng. Anh chị Bảy ôm hai đứa con nhỏ chạy thoát ra được thì ngất xỉu vì bị ngạt khói. Thằng Tín, con trai lớn của anh Tùng còn mắc kẹt bên trong. Làm cách nào để cứu? Những ánh mắt nhìn nhau đầy ái ngại. Bình bình tĩnh lấy cái mền nhúng nước rồi vụt lao vào… Nhờ cái mền mà thằng Tín an toàn. Nhưng Bình thì... Nó thều thào:

- Thằng Tín… có… sao… không?

Mọi người bảo thằng Tín không sao, chỉ bị phỏng nhẹ thôi. Mặt thằng Bình cháy đen thui mà nụ cười của nó thì tròn vành vạnh. Từ hôm Bình được ra tù trở về nhà, đến nay nó mới cười được tròn trịa như vậy.

Rồi cũng từ hôm đó, thằng Bình không còn bị mọi người coi là "con ma" trong hẻm nữa. Thằng Su Bin đi học về, nó hỏi mẹ, vẻ mặt nghiêm trọng lắm:

- Mẹ, bạn con nó nói người ta chết thì sẽ thành ma. Anh Bình chết rồi có thành ma hông mẹ? Con sợ lắm!

Mẹ Su Bin ôm nó vào lòng:

- Không con à, anh Bình chết thì sẽ thành người!

Truyện ngắn của Nguyên Chương
.
.