Dưới tán bồ đề

Thứ Sáu, 07/04/2017, 10:56
Trưa trật trưa trờ. Những cơn gió dường như cũng mệt mỏi bỏ đi đâu đó mặc cho lá cây đứng im phăng phắc. Lũ bồ câu xám lim dim ngủ gật trên nóc chuồng, không buồn chuốt lông rỉa cánh. Bọn bồ câu ấy chưa sáng đã dậy rồi, dậy trước khi chị mở cửa quét dọn và bày hàng ra quán.

Gọi là cái quán cho nó sang chứ thật ra là một cái bạt xanh đã cũ được treo lủng liểng dưới gốc cây. Hai đầu bạt buộc vào đầu hồi nhà, hai góc kia buộc túm lên hai cái cọc lành hanh. Cọc ấy cắm trong cái ống bương to bằng bắp chân đã chôn tịt xuống đất, nên dù trông nó liêu xiêu nhưng chắc chắn nó không thể đổ xuống. Cái bạt chủ yếu để tạo cảm giác có cái mái và che đỡ vài cái lá rụng chứ thực ra không có nó thì dẫu nắng to hay mưa phùn nhẹ, cái quán cũng được che chắn bởi vòm lá rậm rì. Trên chõng chị bày ấm ủ nước chè, dăm gói kẹo lạc, thuốc lào, chuối chín, ổi ương… thêm vài thứ kẹo mút, bim bim lồng phồng xanh đỏ treo lủng lẳng để người ta mua dỗ trẻ.

Sáng nào chị thức giấc, công việc đầu tiên cũng là quét tước. Chị khua cái chổi tua cau cao gần bằng người lên đám lá rụng đêm qua, những chiếc lá hình tim còn tươi mới, đẫm sương đêm. Chị làm công việc một cách thành kính, vun lại thành đống, đợi khi nào khô hẳn rồi mới châm lửa, cũng khẽ khàng như người ta hóa giấy tiền lễ. 

Rồi từ đấy đến trưa, chị ngồi vừa bán quán vừa tranh thủ rút cói. Những lọn cói dài xuồi xuội như đám tranh thun thút chui tụt qua cái cữ tròn cắt từ cái tuy- ô bán rượu theo lòng tay chị vanh thành những cái cơi lạt mây rất đẹp. Nhìn những chiếc cơi ấy, hẳn người ta nghĩ nó được đan bởi bàn tay khéo léo có những ngón tay búp măng chứ không thể ngờ nó được sinh ra bởi những ngón ngắn ngủn như những nhánh nghệ.

Không chỉ tay ngắn mà người chị cũng chỉ cao hơn cái chổi tua dừa một chút. Hồi đi học, khám sức khỏe người ta đo chị cao một mét mười lăm phân, đấy là lúc hết cấp ba. Từ bấy đến nay chị chẳng đo, mà có đo thì cũng chả cao thêm tí nào, chưa nói là có cảm giác thấp đi bởi chị béo ra. Mỗi khi di chuyển, rõ là tiến về phía trước nhưng người chị lại lắc lư, nghiêng sang hai bên như con lật đật. Được cái khuôn mặt chị lại bình thường, tròn trịa và ưa nhìn.

Chị tên là Ngân, Dạ Ngân hẳn hoi nhưng người ta toàn gọi chị là Ngắn, lâu rồi thành tên, mà cũng chả sao. Quán chị không đông cũng không ế, người đến quán khề khà chè thuốc cả buổi cũng không sợ mang tiếng mà người bán càng không phải đề phòng. Ngay cả đêm hôm cũng không lo bị trêu ghẹo hay cướp bóc vì chị chả có tài sản để mà cướp, cái sự xấu của chị có muốn cho người ta lợi dụng cũng chả ma nào thèm. Nói đến ma thì chị càng chẳng sợ. Người ta cứ bảo “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề” nhưng từ hồi ở dưới gốc bồ đề này chị cảm thấy rất an lành, cứ như được che chở, bao bọc.

Cây bồ đề xum xuê  ngự ở gần ngã ba đầu làng, nơi mọi người thường ghé vào nghỉ nắng. Khách của chị chủ yếu là những người bán hàng chuyến, người lái buôn, xe thồ nghỉ ngơi bắn điếu thuốc lào, nhấp ngụm chè xanh. Khách thường trực hằng ngày là bác xe ôm và ông cắt tóc. Còn thi thoảng là mấy đứa nít túm áo mẹ đòi mua bim bim hay đứa gái xách cút rượu ra mua cho bố, mấy chị làm ruộng về tạt qua vơ gói muối, túm cá khô… Đa phần là người làm đồng về qua ghếch cuốc xẻng ngồi nhấp chén nước trà với dăm câu chuyện giời ơi đất hỡi.

Sáng nào đến sớm nhất cũng là ông cắt tóc. Ông đi xe đạp bằng một chân, chân còn lại thẳng đơ như làm xiếc. Đầu tiên ông vào nhà chị lấy đồ nghề, lần lượt xếp ghế, móc gương vào cái đinh trên thân cây và cái hộp gỗ quai xách để lên cái ghế đẩu, phủ cái khăn dù lên thành ghế dựa sau đó sẽ đi mắc giúp chị hai cái võng. 

Về cơ bản thì chị cũng mắc được võng nếu bắc thang hoặc vật vã trèo lên cái ghế đẩu đóng hai cấp chuyên để thắp hương. Cơ mà tiện tay, ông dón tay một cái là xong, mà ông ấy cũng thích nằm võng cho đỡ mỏi chân sau mỗi bận đứng khua kéo lạch cạch quanh cái đầu của khách. Tuy có một chân giả bằng gỗ, nhưng ông luôn tự hào là người “chân thật” nhất. Chính vì cứu đứa bé bị lũ cuốn ông bị cây gỗ lớn lao thẳng vào đùi. Mọi người đến thăm hỏi, ông cười cười khai thật: Còn cách bẹn những năm xăng –ti, chỉ gãy có một chân thôi, các chân còn lại vẫn ổn… 

Mỗi khi nằm võng, cái chân gỗ lại được nghỉ ngay đơ trên lưới, còn cái chân thật lại phải chống đất, co duỗi làm nhiệm vụ đu đưa. Ông hài hước bảo: Đời bất công thế đấy, thằng nào sướng cứ sướng tểnh tênh, đếch phải làm gì, cái giả lại ăn đứt cái thật. Đấy! Báo đăng hôm nay đây này, công an vừa bắt một vụ làm rượu giả ở… Tóm lại, ông chân giả chuyên đọc Báo An ninh thủ đô, Cảnh sát toàn cầu rồi kể lại cho cả đám cập nhật chuyện thời sự nóng hổi để biết mà đề cao cảnh giác.

Minh họa: Hà Trí Hiếu.

Cái võng đay là của gã bán chiếu võng rong cho chị, tuy có bị chuột cắn đứt mất vài mắt nhưng vá víu lại vẫn dùng tốt. Gã cũng trạc tuổi Ngắn nhưng cái dáng bộ gày còm, mặt xương xương, thêm bộ ria nên nhìn cũng già. Chị bảo sao không cạo râu ria cho nó sáng sủa? Gã vênh mặt nói, cái đời thằng bán rong đất khách quê người mà mặt búng ra sữa dễ hồ bị bắt nạt lắm… 

Chị thì thấy gã hiền khô. Mỗi khi gã đến đầu chợ, tận quán của chị đã nghe cái loa eo éo tiếng rao ghi âm sẵn. “Ai… màn khung/ chiếu võng/ vòng lắc/ gối ngủ/ trưa đ..â..y !”. Chị bảo gã. Cái tiếng rao nó điêu quá. Gã cãi: Kệ, cốt là có vần có điệu, không nhẽ “ai màn khung chiếu võng gối đây!” thì nghe nó như con chó không đuôi, cộc thộc lộc. 

Nói rồi hắn cười, mồm ngoác ra đến tận mang tai, hàng ria mép nhảy nhót. Hắn chuyên gọi chị là “người đẹp”. Người đẹp ơi! Lấy cái vòng mà lắc cho nó đẹp dáng… Người đẹp ơi! Cho anh xin một chén chè tươi đành đạch... hế... hế… Ngắn nghe quen rồi thấy vui tai, chả hơi đâu mà giận. Ông Xe ôm gật gù: Nhìn miệng cười, bao cái xấu cái tốt đều phô ra cả, người như thằng chiếu võng xem ra là người vô tư, thảo tính.

Ông xe ôm không thích nằm võng, ông bảo nằm võng cứ bị say chuếnh choáng hơn say rượu, mặc dù ông hồi thanh niên xung phong chuyên lái xe tải hẳn hoi. Ông chỉ khoái nằm khểnh trên yên cái xe dream cũ, vắt chân chữ ngũ mà chờ khách. Ông không hay đọc báo như ông cắt tóc nhưng ông thích ngắm mấy con chim câu trên cái chuồng cửa tò vò sơn trắng kia. Vợ ông ốm thấp khớp loanh quanh ở nhà không làm được gì, ông tranh thủ chạy xe phụ vào mấy sào ruộng nuôi con ăn học. 

Đời xe ôm cũng chẳng an lành gì, kiếm được mấy chục bạc lẻ  còn có khi bị thằng mặt non choẹt định dí dao xin đểu tí tiền, định cướp xe. Làm nghề này may ông có tí võ giắt lưng chứ như người khác thì vợ chỉ có nước tìm xác chồng.

 Sáng nay, lúc gác chân trên xe “Tọa sơn quan hổ đấu” tức là xem ông cắt tóc đánh cờ tướng với gã chiếu võng, ông nháy mắt với Ngắn vẻ bí hiểm:

- Ta phù bên nào bên í thắng ngay lắp tự, cô có tin không?

- Gớm, bác có đánh cờ bao giờ đâu mà phù với chả phụ.

- Cái nhà cô này! Cần gì phải biết đánh, ta đang gặp vận đỏ mà, vừa chiều qua chở một người phụ nữ về nhà, đi quãng đường khá xa, sẩm tối mới đến nơi, thấy người ấy dấm dứ mãi chưa giả tiền. Ta biết thừa nó chắc phải buổi ế khách… hê... hê…

- Thế rồi ông “trừ nợ” chứ gì? Hay lại về không như trong vở “Người ngựa - ngựa người”?

- Trừ chứ. Hê... hê...

Cười chán rồi ông bảo. người ta cũng như mình thôi, bán sức hay bán thân cũng là vì miếng cơm manh áo. Xe ôm thì cũng phải đường hoàng, ai lại đi làm cái việc tồi tệ ấy. Người ta cũng có ý tứ như thế nhưng ta đành về không, coi như làm việc phúc vậy.

- Phí của. Mấy nữa em bỏ nghề đi xe ôm như bác xem có màu xít gì không - Gã chiếu võng gõ lách cách những con cờ đã ăn trong lòng bàn tay, mồm dỏng lên bắt chuyện.

- Màu xít này! Cho mày chết. Chiếu tướng.

- Khoan!

- Không khoan!

- Thì trừ vào lần hoãn lúc nãy…

Ngắn lật đật vứt cái âu cói đang rút dở, đứng lên đánh võng đi vào nhà. Mấy cái miệng đang tranh nhau nói tự dưng hạ giọng nhỏ lại. Trong nhà có tiếng trẻ khóc. Trên cây, bọn chim bồ câu thức giấc bắt đầu gù lên làm đám chim non háu đói trong cái chuồng gỗ kêu lít chít đòi mớm mồi không ngớt.

Lũ chim ấy Ngắn mua lại của gã bán chim cút. Gã cứ mỗi phiên lại về chợ huyện bán, tàn buổi chợ gã lại về gốc đề bán cố cho dân làng và hút dăm điếu thuốc lào chỗ Ngắn. Đồ nghề hắn có mỗi cái lồng sắt hai tầng, cái kéo nhọn và một cái xô nhựa con. Nước sôi thì mua của nhà Ngắn, tiện thể mượn luôn cái phích. Trước đấy thì chị không để ý lắm nhưng từ hồi có thằng cu Tĩn chị đâm ra ghét cái gã bán chim và cái loa ra rả, eo éo của hắn. “Chim cút/ chim cút/ chỉ năm ngàn đồng một con. Bồ câu/ bồ câu còn non/ ăn vào bụng chửa mập con, béo người…”. 

Không phải vì gã xấu tính mà là ghét cái nghề của gã đang làm. Tội nghiệp những con chim cút bé tí đứng lúc nhúc trong cái lồng, khách đến mua thì gã lùa tay vơ một túm ném vào xô, đậy cái rá rồi giội nước sôi, xóc như xóc cua. Lát sau trên cái đĩa men kê trên cục gạch ba vanh là những con chim đỏ hỏn đầu nghẻo xuống, trụi lủi nằm xếp hàng đuồn đuỗn ngay trước cửa lồng sắt. 

Những hôm nghỉ trưa dưới bóng bồ đề, lão để những con chim câu non đứng đần thối đến ngủ gật ngay trên nóc lồng sắt, chả thèm cất vào ngăn lưới. Ngắn đã gom tiền mua lại những con bồ câu vì thương những con chim non nớt tội nghiệp còn chưa cả biết tự ăn, cứu chúng khỏi bị bóp cổ đến chết rồi vặt lông sống vì những bà mẹ nào đó mang bầu cần tẩm bổ. Bác cắt tóc bảo chị: Rõ phí tiền, chưa thấy ai nuôi được bồ câu chưa ra ràng bao giờ. Thế mà Ngắn nhờ gã chiếu võng mua hộ cân cám cò dành cho gà con mới nở, hòa ra sền sệt rồi lấy cái lá bồ đề cuốn lại, xúc bón cho từng con như người ta bón cháo. Thằng Tũn mới biết ngồi, suốt ngày thức giấc là chỉ ra cái lồng gà nơi nhốt mấy con bồ câu xám, lo le bàn tay thò vào nan lồng nên bị cật tre cứa rớm máu đến tội.

Ông hớt tóc xót ruột, xin ở đâu được miếng gỗ dán, kì cụi đóng cái chuồng chim mắc lên cành bồ đề. Cái chuồng cũng được lợp bằng hai cái lá cọ, khoét hai cái lỗ tròn xoe sơn viền trắng làm cửa sổ. Bọn chim câu thích lắm, cứ gục gù cả ngày trên đó đó từ tinh mơ đến tối mịt. Ban đêm trăng sáng, nhìn cái chuồng chim y như cái đầu to có hai hốc mắt tròn thô lố, ai yếu bóng vía nhìn chắc cũng hãi. Về cơ bản thì gốc đề cổ thụ rậm rì luôn làm người ta cảm thấy sờ sợ.

Nghe đồn xửa xưa, một người do quá đói khát đi cướp của nhà giàu, bị đuổi đánh lết về đến gốc cây thì chết lịm đi. Trong giấc mơ thấy một người râu tóc bạc đứng nhìn hồi lâu, toan dợm bước đi nhưng rồi lại dón tay bứt cái lá bồ đề phảy nhẹ một cái. Con người hấp hối đang nằm dưới lùm cây như có nguồn nước mát tưới đẫm, sống lại. 

Từ bấy chăm chỉ làm ăn, sau có chút của ăn của để thì đem cung tiến vào chùa, cứu giúp người cơ nhỡ. Lùm cây đề bên ngã ba đường cũng được người ấy giữ lại chăm sóc, không cho ai chặt, cứ thế lớn lên theo thời gian làm bóng mát cho người. Đận chiến tranh, bom rơi đạn dội, cây cối tan hoang cả thế mà riêng gốc đề cổ thụ vẫn xanh tốt lạ thường. Người ta đồn ở đấy ban đêm có nhiều bóng ma đói ma khát đi lại vật vờ nên cứ tối đến là không dám bén mảng đến đó. Có người còn nghe rõ mồn một tiếng ma cười khanh khách trên ngọn cây vào những đêm trăng suông…

Ngắn chả biết sợ. Mà thật ra hồi mới ra ở đây ngắn cũng hãi lắm nhưng qua một đêm ngủ dậy, Ngắn thấy chân tay còn nguyên nên nghĩ, chả ma nào làm hại mình. Căn nhà be bé xây bằng gạch ba vanh lợp mái bờ rô nhưng lúc nào cũng mát mẻ, an lành qua bão gió bởi được tán lá cây dày rậm che chắn bao bọc. 

Được vài năm ở cô quạnh, chẳng biết thần phật hay “cú cáo” cây đề đã ban cho Ngắn đứa con. Lúc chửa nó, trong làng xôn xao như thể chuyện cháy đình. Ai đi làm đồng cũng tranh thủ vào quán nghỉ ngơi, đôi khi kiếm cớ mua cái này cái nọ chủ yếu là để nhìn tận mắt xem có thực cái con người mét mốt ấy mang một cái rổ ở bụng như con ễnh ương không. Chửa thì chả có gì đáng bàn, nhưng là chửa với ai? Ai dám làm cái việc ấy với Ngắn? 

Các bà thì bóng gió mỉa mai các ông chồng: Ruộng sâu nước đẫy không gieo, lại gieo ruộng nông. Mai này đẻ ra giống ngắn rõ đẹp mặt… Các ông thì chối đây đẩy: Đi mà hỏi mấy ông bán rong với lão cắt tóc ấy, rõ thật ai dại mà ăn quẩn cối xay… Có kẻ muốn hạ uy tín nhau thì tung tin: Chả của ông Chủ tịch Hội Nông dân thì ai vào đấy, ông ấy đã xin ủy ban cắm cho mẹ con nó miếng đất hoang đầu làng lại còn xây cho cái nhà be bé. Gớm, chắc không có con nên cố kiếm một đứa chống gậy chứ lại chả.

Đứa bé chẳng cần biết người ta ì xèo những gì, nó được hoài thai cứ đội áo chị mà lớn lên. Đó là một đêm mưa giông, gió dữ quá lật bay cánh cửa. Chị đội áo mưa, soi đèn toan nhấc cửa vào thì gặp một đống lù lù rên hừ hừ ngay gốc bồ đề. Tưởng con trâu nhà ai đi lạc hóa ra là một người đi đêm phải mưa bị cảm. Kẻ trộm hay người đi soi ếch soi lươn thì cũng phải cứu đã. 

Thần Phật hay ma quỷ thì lúc gặp nạn cũng đều như nhau cả. Áo quần ướt trút ra, nhà bán hàng chè chén nên còn hai phích nước nóng, phần thì lau người, phần thì trần hai quả trứng gà. Người ấy ngồi quây tạm trong cái chăn chiên đến nửa đêm thì khỏe lại. Đèn dầu thì tù mù lại bị mưa hắt gió tạt cứ bập bùng mờ tỏ chẳng rõ mặt người. Cái giường một thì bé tí. Đêm tranh tối tranh sáng thì chẳng còn kẻ lang thang hay người lương thiện, không còn chân dài hay tay ngắn, chỉ còn quấn quýt, nóng hổi giữa cái rét ngọt của mưa giông ào ạt.

Tảng sáng thì người ta đi. Những ngày sau đó chị lơ mơ không rõ đêm ấy là giấc mơ hay thực. Sau hai tuần trăng, chị bắt đầu chóng mặt, thế rồi cái bụng căng lên nhanh chóng. Suốt những ngày chị nghén ngẩm, hàng cói không giao được thì ông Chủ tịch Hội Nông dân đến tận nơi lấy rồi nhập hàng giúp. Bác gái qua lại khi chục trứng, khi mớ cua mớ ốc bắt được để chị ăn cho đứa bé nó chắc xương. Ông xe ôm tiện chuyến khách lấy hộ, mang hàng khô từ chợ về còn bác cắt tóc thì ngày nào cũng  bê và dọn cái chõng với những đám bàn ghế lặt vặt. 

Tay chiếu võng cho chị hai cái màn may lỗi xin được của đám may màn xuất khẩu tha hồ mà cắt tã… Cứ vậy mà đứa bé lớn lên và chào đời bình an. Khi ở bệnh viện, người ta bảo người nhà kí giấy mổ, bác xe ôm vừa đèo chị khi nãy nhìn quanh quẩn chưa có ai kịp ra nên tiện tay kí luôn. Cũng chẳng sao, việc đang gấp. Kí xong hẵng về đón vợ chồng ông Chủ tịch Hội ra là vừa.

Đứa bé chẳng giống ai trong làng, điều này làm mọi người thở phào nhẹ nhõm. Và đặc biệt chân tay nó rộng dài không giống mẹ. Ông Chủ tịch Hội vui quá, mắt rơm rớm. Bố Ngắn nghe kể trước kia cùng là thanh niên xung phong như ông. Lấy vợ, bao nhiêu năm chạy chữa mới đẻ được nhưng lần nào cũng đẻ ra những hình hài không giống người. Mẹ Ngắn thì lần cuối đẻ ra Ngắn, nhưng niềm vui chẳng tày gang khi thấy con gái cứ bụ bẫm, ngắn ngủn mãi không lớn lên được.

Gia đình chồng con một, lại trưởng họ nên mẹ Ngắn quyết chí ôm con đi, tránh khỏi tiếng thở dài thườn thượt của chồng và những cái nguýt của họ hàng nhà nội. Phiêu dạt lên xứ núi này gặp gia đình ông cưu mang, mẹ con trụ lại. Ngắn được đi học hết lớp phổ thông rồi được đi học nghề mây tre đan, mẹ con túc tắc nuôi nhau rồi mẹ ngắn cũng bỏ lại Ngắn mà đi vì một cơn cảm lạnh. Gần bốn mươi tuổi Ngắn được làm mẹ, và đứa con hoài thai đêm ấy một đứa con trai lành lặn, phổng phao.

Dân làng ai cũng thương mẹ con Ngắn, ai có dịp đi làm đồng qua là vào ngó nghiêng, bế ẵm thằng bé và khi thì con cá nắm rau, người cho cân gạo cái trứng, mấy cái quần áo của bọn trẻ đã chật. Ngắn vui lắm, nhận tất. Đứa bé khi thì ở trên yên xe máy với ông xe ôm, lúc thì nằm võng đong đưa chơi với mấy con trâu làm từ lá cây bồ đề quấn lại. 

Mỗi khi nghe thấy tiếng loa của chú chiếu võng là nó lại hớn hở nhoài người đòi mẹ bế ra đón, kiểu gì chả có cái kẹo mút hay quả bóng bay gì đó. Nó có vẻ rất khoái cái loa rao ông ổng dù, chả hiểu gì về lời lẽ kiểu như “cô nào chồng bỏ chồng chê/ lắc vòng teo mỡ chồng mê tức thì/ cô nào chồng chán chồng đi/ mua đôi chiếu mới chồng thì yêu ngay…”. 

Mỗi khi các ông đánh cờ, thằng bé được ngồi bên chõng say sưa chơi đám quân đã bị ăn để ra ngoài, Ngắn tha hồ mà làm lụng, đan lát. Cuối tuần, ông Chủ tịch Hội lại ra đón về nhà chơi với bà, có thằng cu bi bô nhà vui vẻ hẳn lên. Ông còn đích thân lên ủy ban khai sinh cho đứa bé mang họ của mình, thiên hạ có nói một năm chứ chả ai nói được cả đời. Cho dù cha đứa bé là ai thì nó chỉ là con của chị, là dân của xóm làng, nó sẽ lớn lên trong sự chở che yêu thương của mọi người.

Dưới tán bồ đề, bầy chim câu vẫn gù lên trong nắng. Mấy cành cây bị gió quật gãy trong cơn giông đợt nào cũng đã được trùm phủ bởi đợt lộc lá mới xanh thắm, xòe bóng mát rượi. Thi thoảng một vài chiếc lá vàng khẽ khàng rơi xuống, lặng lẽ in những hình trái tim đẹp đẽ trên nền đất nâu non. Những chiếc lá hình tim ấy cũng như người, nếu để rời rạc chẳng thể làm lên bóng mát, mỗi chiếc lá cùng bám níu lấy nhau, sát lại với nhau cùng chìa những bàn tay xanh non đan xen, bám víu thì chẳng ngại gì mưa giông gió giật, ngại gì nắng nỏ mùa hè.

Truyện ngắn của Hạnh Trần
.
.