Dưới chân núi Đá Ô

Thứ Năm, 20/06/2019, 09:00
Nghe tin Chẻo Kim Sun – anh bạn thân nhất của tôi hồi còn học Đại học Văn hóa sắp lấy vợ, tranh thủ hai ngày nghỉ, tôi tức tốc xách ca táp, trèo lên xe ca về Sìn Hồ thăm bạn.

Không muốn la cà chơi lâu ở huyện, thay vì ăn cơm quán và đi xe ôm vào xã, tôi quyết định mua ba cái bánh mì, một mình túc tắc đi bộ lên Tả Phìn. Vừa đi vừa ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ, chẳng mấy chốc tôi đã đến được Trung tâm Giáo dục Thường xuyên của huyện.

Bên cạnh ngôi trường mới xây hai tầng, những dãy nhà cấp bốn trước đây dùng làm lớp học nay là ký túc xá cho cán bộ cơ sở về dự khóa đào tạo. Lúc này cán bộ, giáo viên và học viên đang lợp mái ngói bị tốc do trận mưa đá lớn vào đêm qua. Thấy hai cô gái mặc trang phục Dao má đỏ hây hây đang khệ nệ khiêng một nồi nước chè xanh to đùng đi đến gần, tôi ngỏ ý xin nước uống.

Ca nước chè xanh đượm hương núi, hương rừng cùng ánh nhìn trong veo, hồn hậu của hai nàng sơn nữ khiến tôi như khoẻ lại, tiếp tục dấn bước. Vượt hết con dốc ngoằn ngoèo như con trăn khổng lồ trườn trên sườn núi, tôi dừng lại nhìn lên ngọn núi Đá Ô ở phía xa, nhớ lại chuyến về thăm Tả Phìn lần đầu tiên...

Năm năm trước, tôi và Kim Sun đang học năm thứ nhất ở Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Một hôm Kim Sun rủ tôi:

- Này Vinh đen! Hè này về Tả Phìn quê tao chơi đi. Sẽ có những bất ngờ lý thú dành cho mày đấy!

Tôi gật đầu đồng ý và đúng hẹn, Kim Sun đưa tôi về thăm quê. Vừa đến nơi, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy ngay cạnh nhà Kim Sun một ngọn núi đá nhỏ khum khum hình cái Ô - ở dưới có cả tảng đá hình trụ giống cán ô. Trên đỉnh núi cao là các cây cổ thụ, dây leo đan xen nhau chằng chịt. Chao ôi! Giữa cao nguyên lộng gió này, ngay cạnh nhà thằng Kim Sun bạn thân của tôi, trời đất đã ban tặng cho Tả Phìn một cảnh quan kỳ thú!

Đang đắm mình ngoạn cảnh, tôi chợt giật bắn mình khi nghe thấy tiếng người khóc, rồi tiếng đàn bà hét thất thanh. Tôi và Kim Sun chạy ào xuống chân núi Đá Ô. Bên cạnh túp lều dột nát, xiêu vẹo, một người đàn bà đang giẫy giụa, lăn trằn bên cạnh đống cám lợn nghi ngút khói và một đứa bé gái tái xanh mặt mũi luýnh quýnh chân tay không biết phải làm gì. Sun hỏi bé gái mấy câu bằng tiếng dân tộc, rồi giải thích ngay cho tôi:

- Con bé này đang bưng nồi cám lợn khỏi bếp thì tuột tay, mẹ nó lúi húi nhặt củi bị nồi cám lợn đổ ập lên người. Thôi tao và mày về nhà buộc chăn khiêng bà ấy xuống trạm y tế huyện đi!

Chặng đường từ nhà Kim Sun đến Trung tâm Y tế huyện cách chừng năm cây số. Cũng may là dốc nên chúng tôi đi chưa đầy hai tiếng đồng hồ đã tới nơi. Đứa con gái đi sau vừa ôm quần áo cho mẹ vừa khóc thút thít. Đêm ấy tôi và Sun phải ở lại Trung tâm Y tế huyện - coi như là người nhà của bệnh nhân. Trong khi Sun đi làm các thủ tục, tôi an ủi người đàn bà đang rên rỉ:

- Cố lên cô ạ! Nay mai cô sẽ đỡ ngay thôi!

Người đàn bà gật đầu, từ khóe mắt ứa ra những giọt nước to, tròn, lóng lánh... Dưới ánh điện, tôi sững sờ nhận ra mắt bà ta có màu xanh biêng biếc, buồn và đẹp đến nao lòng. Sau khi đã sơ cứu, cô y tá cho một liều thuốc an thần để bà ngủ được yên giấc. Thấy mẹ đã cất tiếng ngáy khò khò, cô bé len lén cởi chiếc khăn trùm to tướng trên đầu mẹ, đặt bà gối lên chiếc áo mang theo. Lại một lần nữa tôi sững sờ nhận ra: tóc của bà vàng ươm, mềm mại và óng mượt như tơ... Tại sao ở nơi thâm sơn cùng cốc này lại có một người đàn bà khác lạ đến thế? Chắc là hồi còn trẻ bà ta phải đẹp lắm đây! Tôi lén nhìn đứa bé gái: Nét mặt, ánh mắt, hàm răng, mái tóc thì đúng là bản sao của mẹ nó... Hôm sau, tôi đem điều thắc mắc ấy hỏi Sun. Sun nói:

- Cái nhà ấy, cả bản ai cũng ghét. Vì nó là con của thằng giặc Tây mà...

Sau đó, chắp nối những câu chuyện rời rạc của người dân trong vùng, tôi được biết: Người đàn bà đó tên là Tẩn Mý Khé. Ngày xưa, mẹ của Khé tên là U Mẩy đẹp nổi tiếng khắp vùng Dao Phăng Xô Lin, Tả Phìn. Nhà nghèo, mới mười sáu tuổi U Mẩy đã có biết bao trai bản nhòm ngó. Thế rồi một lần lủi thủi một mình vào rừng lấy củi, U Mẩy bị thằng lính Tây cưỡng hiếp... Khi biết mình có thai, xấu hổ với dân bản, cô định ăn lá ngón tự tử. Song lại nghĩ thương đứa bé vô tội. Vượt qua lời ong tiếng ve, cô quyết tâm một mình sinh con. Mý Khé được sinh.

Minh họa: Phạm Minh Hải.

Mười sáu tuổi, cô Tẩn Mý Khé đẹp rực rỡ như bông hoa tuy líp ở phía trời Âu, một vẻ đẹp pha trộn Âu - Á dù đó là kết quả của tội lỗi chứ không phải từ một tình yêu. Trai bản ai cũng mê mẩn ngắm nhìn cô mỗi khi cô đi nương, đi suối. Nhưng không ai dám gần cô, càng không dám nói chuyện với cô. Ông bà, bố mẹ họ đều căn dặn:

- Nó là con của thằng giặc Tây. Thằng giặc Tây ác lắm, nó làm khổ dân bản mình nhiều rồi. Mình không chơi với nó được đâu

Ngoài ba mươi tuổi, cô Tẩn Mý Khé vẫn chưa có ai ngó ngàng tới. Vào tuổi ấy ở quê cô, người ta đã có con đàn con đống, thậm chí đã có cháu nội, cháu ngoại rồi kia đấy! Mặc dù nghèo, buồn tủi, cô đơn, cô Khé vẫn đẹp lắm... Một vẻ đẹp lạnh lùng khó tả...

Rồi đùng một cái, năm Khé ba mươi ba tuổi, người ta thấy cô béo đẫy, phổng phao như một bé gái mới dậy thì. Cuối năm, cô sinh một bé gái giống cô như tạc đặt tên là Mý Thim. Mỗi lần người ta hỏi cha đứa bé là ai, cô chỉ lắc đầu, ứa nước mắt nói:

- Nó là con gái của tôi, chỉ riêng mình tôi thôi, không của ai cả...

Bảy tuổi, Mý Thim đi chăn trâu, cắt cỏ cho hàng xóm, rồi đi lấy củi một mình. Lúc nào rỗi nó lại lén nhìn trộm lớp học đầu bản với ánh mắt khát khao, thèm thuồng nom thật tội. Thầy Hưng dạy lớp một thỉnh thoảng ngó ra thấy đứa con gái nhỏ xíu cứ thập thò ngoài cửa lớp nhưng mỗi lần gọi vào là nó lại ù té chạy. Thầy hỏi cả lớp:

- Bạn ấy là con nhà ai mà sao không đi học?

Bọn trẻ con nhao nhao:

- Mẹ nó là con của thằng Tây...

- Nó là đứa con không có bố...

- Nhà nó xấu quá! Không ai chơi với nó mà ...

Ngay tối hôm đó, thầy Hưng đến gặp Trưởng bản (bố của Chẻo Kim Sun) tìm hiểu về gia đình Mý Thim. Thầy đề nghị Trưởng bản cho họp dân lại, giải thích cho mọi người hiểu: “Mý Thim không có tội. Bà Mý Khé mẹ nó cũng không có tội. Nó có quyền được đi học như mọi người”.

Lúc đó Chẻo Kim Sun đang học lớp bảy Trường Thiếu niên Dân tộc huyện. Cậu tranh thủ ngày chủ nhật về thăm bố mẹ, rào lại cái vườn rau cải đắng trước nhà. Cậu thấy thầy giáo Hưng nói phải lắm. Lúc bấy giờ cậu mới để ý tới cô bé hàng xóm dưới chân núi Đá Ô còm nhom song xinh đẹp lạ thường.

Ngày hôm sau, Mý Thim đến lớp. Nó học sáng dạ lắm. Thầy giáo bảo tới đâu nó biết tới đó làm bọn con trai, con gái trong lớp đều phải kiêng nể. Phải tội nhà nghèo quá, chỉ có một mẹ một con, chắt bóp tằn tiện lắm mẹ nó mới có tiền mua giấy bút cho nó học. Ngay nơi ở của hai mẹ con cũng phải nhờ hàng xóm dựng cho một túp lều toàn những cây cong queo, vẹo vọ...

*

Tai nạn xảy ra với bà Mý Khé khiến Mý Thim phải nghỉ học để ở nhà trông nom săn sóc mẹ. Bà con dân bản thương tình, người cho nó vay bát gạo, người cho củ sắn, bắp ngô để nó nuôi mẹ... Chuyện này, khi xuống trường, Chẻo Kim Sun mới kể lại cho tôi nghe. Tôi đã thực sự xúc động đến cay cay khóe mắt khi nghe Sun kể chuyện hai mẹ con bà Mý Khé và Mý Thim...

Rồi chúng tôi ra trường. Tôi được nhận công tác tại Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh còn Chẻo Kim Sun thì trở về làm việc tại Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Sìn Hồ. Nó tâm sự với tôi rằng sẽ dành nhiều thời gian sưu tầm chuyện cổ dân gian và các bài dân ca cổ xưa của dân tộc Dao: “Còn lâu tao mới lấy vợ. Chỉ người nào am hiểu, yêu quý vốn văn hóa của dân tộc tao, tao mới lấy”. Thế mà ra trường chưa đầy một năm, anh chàng đã ti toe đòi lấy vợ. Chắc cô nàng hấp dẫn lắm đây! Lúc còn học ở trường, bao cô gái trong lớp phải lòng nó - Chàng trai Dao khôi ngô tuấn tú, hát hay, học giỏi lại nói chuyện dí dỏm đến là duyên. Đến tôi là bạn trai mà còn say như điếu đổ cái cách nói chuyện của nó: Đôi mắt tinh nghịch hấp háy; chiếc răng khểnh vừa ngộ nghĩnh, vừa có vẻ kênh kiệu cứ chòi ra như chọc tức mọi người. Đôi khi đang kể một câu chuyện vui, đến đoạn mọi người muốn nghe nhất, nó dừng lại đi tìm nước uống, hoặc huýt sáo một điệu nhạc lạ hoắc nào đó... cho đến khi mọi người giục cuống, giục cuồng :

- Nào kể tiếp đi Sun!

- Rồi sao nữa hả Sun ?

- Năn nỉ đấy! Kể đi!

Nó còn khề khà chán rồi mới tiếp... Tôi đồ rằng cái cách nói chuyện ấy đã hớp hồn bọn con gái Thái, gái Tày, gái Kinh... chứ không chỉ vì mẽ bảnh bao bề ngoài của nó.

Mải nhớ lại những kỷ niệm vui buồn cùng thằng bạn thân, tôi đã đến chân núi Đá Ô. Nhìn quanh quẩn mãi, chẳng thấy túp lều dột nát xiêu vẹo năm xưa của mẹ con bà Mý Khé đâu. Giữa những ngôi nhà trình tường cổ kính, một ngôi nhà tốc xi xinh xắn, lợp ngói đỏ trông thật đáng yêu. Trước cửa nhà là một vườn hoa hồng xen lay-ơn trắng, có hoa mười giờ hồng tươi viền xung quanh. Tôi tò mò hỏi người đàn bà đeo kính đang cắm cúi xem một quyển sách cũ kỹ đã sờn gáy:

- Bác làm ơn cho cháu hỏi...

Người đàn bà ngẩng đầu lên khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng:

- Ôi! Cô Khé! Cô là Tẩn Mý Khé phải không?

- Vâng! Tôi là Khé đây!

Người đàn bà nhoẻn miệng cười, ánh mắt xanh biếc lấp lánh niềm vui:

- Hình như tôi đã gặp anh rồi thì phải?

- Vâng! Cháu là Vinh, bạn của thằng Sun đấy, cô ạ!

- Trời! Cậu Vinh, tôi vẫn hỏi thằng Sun về cậu luôn đấy. Cậu lấy vợ chưa? Sao lâu quá cậu mới lên Sìn Hồ?

- Vâng! Cháu vừa ra trường được một năm. Cũng bận rộn nhiều công việc quá. Nghe tin thằng Sun sắp cưới vợ, cháu mới lên thăm nó, nhân thể thăm cô và em Mý Thim.

Bà cười rạng rỡ, hai khóe miệng ẩn hiện hai dấu phẩy duyên dáng, nom bà béo và trẻ hơn năm xưa tôi gặp. Tôi hỏi tiếp :

- Cô ơi! Thằng Sun nó lấy vợ ở đâu đấy cô?

- Nó lấy vợ ở cái nhà này đấy mà!

- À thì ra… Nó là con rể cô đấy! Mà sao bây giờ cô nói tiếng Kinh giỏi thế, cô còn biết đọc sách nữa cơ à?

- Ừ! Từ hồi con Mý Thim đi học lớp hai, nó đã dạy cô tập nói tiếng Kinh. Cả tập đọc, tập viết nữa... Sau thời gian nghỉ học, bây giờ nó xin học tiếp lớp bảy tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên của huyện, nơi cháu vừa đi qua đấy!

À, thảo nào tôi cứ ngờ ngợ xốn xang khi đón ca nước chè xanh từ tay cô gái trẻ… Mý Thim giờ phổng phao và đẹp thế rồi ư?

Bà Mý Khé mời tôi vào nhà, lấy nước ra mời, rồi thủ thỉ kể chuyện:

- Thằng Kim Sun công tác ở Phòng Văn hóa huyện. Bố nó mua cho nó một chiếc WareRS để sáng đi tối về. Nhà cùng xóm nhưng người ở dưới chân núi, người ở lưng chừng núi Đá Ô, nên mẹ con cô cũng chẳng để ý đến gia đình nhà ấy. Mình biết thân biết phận mình rồi, chẳng dám “Thấy người sang bắt quàng làm họ” đâu. Song hôm nào nó cũng đi về qua ngõ nhà mình, chào hỏi tử tế nên mình cũng nhớ nó, thấy nó là người vừa có học vừa có tình có nghĩa. Thế rồi đêm đêm cứ thấy nó xách đèn pin đi hết nhà này đến nhà khác. Cô đoán nó muốn tìm con gái làm vợ.

Đêm ấy, cô đang dạy con Mý Thim hát. Đó là những bài dân ca Dao ngày xưa mẹ cô truyền lại... Ban đầu hai mẹ con thủ thỉ hát nho nhỏ vừa đủ nghe, sau con bé thích quá, cứ hát to dần làm cô cũng vui lây… Bỗng có tiếng gõ cửa liếp, rồi tiếng thằng Kim Sun:

- Cháu đây, cháu là Kim Sun đây cô.

Cô vội mở cửa mời Kim Sun vào nhà. Nó nói ngay:

- Cháu đang sưu tầm ca dao, dân ca dân tộc Dao. Đêm nào cháu cũng vào nhà bà con trong bản nghe họ hát. Hôm nay, tình cờ về qua đây cháu mới được nghe cô và em Mý Thim hát. Hay quá! Cô và em hát lại cho cháu nghe bài lúc nãy đi cô.

Mý Thim đỏ bừng hai má. Cô giục mãi nó mới dám hát nho nhỏ theo cô. Kim Sun bật cái đài cát sét bé tí đeo bên hông. Cô và Mý Thim vừa hát xong, nó tua lại cho hai mẹ con nghe. Chao ôi! Giọng hát hai mẹ con mình cũng hay lắm đấy!

Thế rồi từ đó, đêm nào Kim Sun cũng đến nghe cô và Mý Thim hát. Cô còn gửi cho nó tập sổ ghi chép những truyện cổ dân gian mà cô tẩn mẩn ghi lại theo những gì mà cô nghe mẹ kể từ tấm bé. Nó cầm tập sổ, rưng rưng nói:

- Cô ơi! Kho tàng văn hóa dân gian dân tộc mình ở đây, ở ngay gần nhà cháu mà cháu cứ đi tìm mãi đâu đâu...

Thế rồi thứ bảy, chủ nhật nào nó cũng về. Cô cháu suốt ngày ghi chép hí hoáy, có hôm quên cả cơm nước.

Khi tập “Truyện dân gian dân tộc Dao – Sìn Hồ” được Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc cho in, thằng Sun mừng như vớ được kho báu. Nó phóng xe máy vào tận ngõ nhà cô, tay cầm tập sách, miệng hét toáng lên:

- Cô ơi! Sách của cô cháu mình được in rồi !

Thấy Mý Thim đang phơi quần áo ở sân, nó cầm hai tay con bé xoay mấy vòng:

- Thim ơi, anh vui quá!

Mý Thim cười mà nước mắt giàn giụa.

Thế rồi chúng nó yêu nhau từ lúc nào chẳng ai biết. Cô mừng vui khôn xiết. Đời mẹ cô, đời cô quá khổ rồi. Con Mý Thim nó phải có cuộc sống khác đời bà nó, mẹ nó chứ. Song cô lại lo gia đình ông Trưởng bản không đồng ý. Nhưng Kim Sun giỏi lắm, nó đã thuyết phục được gia đình…

Câu chuyện tới đó thì một người đàn bà trạc tuổi cô Mý Khé đeo lu cở bước vào nhà:

- Mý Khé ơi! Tao đem rau cải đắng về cho mày đây này! À, có cán bộ đến chơi đấy à ?

Cô Mý Khé giới thiệu:

- Đây là cô San Chiêm, bạn thân của cô từ nhỏ. Còn đây là cháu Vinh, bạn của thằng Kim Sun. Nó lên dự đám cưới thằng Kim Sun với con Mý Thim đấy.

Cô San Chiêm cười đôn hậu:

- Thế thì vui quá rồi! Cán bộ, mày ở đây chiều nay ăn cơm với hai người nhà tao đi. Chiều nay con Mý Thim cũng về nhà đấy. Để tao lấy cái măng chua lên đây cùng ăn nhé!

Cô San Chiêm đi rồi, cô Mý Khé kéo tôi lại gần, thủ thỉ:

- Này Vinh ơi, cô San Chiêm là người bạn gái thân nhất của cô từ tấm bé, dù mọi người khinh rẻ mẹ cô và cô, nhưng San Chiêm vẫn thương yêu cô lắm. Đến khi cô San Chiêm lấy chồng thì cô buồn lắm, cô giận dỗi với cô ấy vì cảm thấy mình bị bỏ rơi. Nhưng trời không cho cô San Chiêm - người con gái đẹp người đẹp nết ấy hạnh phúc được làm mẹ!

Tưởng ai chứ cô San Chiêm thì tôi có nghe qua lời kể của Kim Sun, và cũng qua Kim Sun tôi được biết đôi bạn gái ấy có mối thân tình kỳ lạ, nghe như câu chuyện dân gian chính hiệu của người Dao. Câu chuyện như sau:

Cô San Chiêm lấy được một người đàn ông hoạt bát, năng nổ và tốt bụng, nhưng sau hơn mười năm chung sống họ vẫn không có con. Thương Mý Khé thui thủi một mình, San Chiêm nẩy ra ý định để chồng sang gá nghĩa với bạn. San Chiêm bàn bạc với chồng, rồi hai người cùng sang nhà Mý Khé nói ra điều ấy. Ban đầu Mý Khé bừng bừng tức giận, cảm thấy bị xúc phạm vì cho rằng người ta coi khinh mình, đem ra làm vật lấp chỗ trống. Mý Khé đập bàn đuổi hai người ra khỏi nhà. Chờ chồng bước khỏi cửa, San Chiêm ôm lấy Mý Khé khóc nức nở:

- Khé ơi! Tao và mày khổ quá! Chúng mình đều đẹp, đều tốt và khỏe mạnh mà tao thì không thể có con rồi. Còn mày người ta chỉ thích mà không dám lấy. Chúng mình phải có một đứa con. Con mày đẻ ra cũng là con của tao thôi, Mý Khé à...

Đêm ấy, San Chiêm ở lại ngủ với Mý Khé. Hai người ôm nhau khóc suốt đêm rồi nhắc lại bao kỷ niệm vui buồn thời ấu thơ, vui thì ít, buồn thì nhiều...

Một lần Mý Khé bị cảm, hai vợ chồng San Chiêm sang đánh cảm, nấu cháu trứng gà cho cô ăn. Cô Mý Khé ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy cô thấy minh nằm trong vòng tay người đàn ông khỏe mạnh, A Pao - chồng của San Chiêm. A Pao vuốt tóc cô, nhẹ nhàng nói:

- Em không đồng ý thì thì... San Chiêm bảo thương em, thương tôi, thương cả San Chiêm nên muốn hai người mình...

Mý Khé bảo:

- Anh về với San Chiêm đi! Không làm như thế được đâu!

A Pao gật đầu... mở cửa. Tự dưng Mý Khé gọi giật lại: “A Pao! Ở lại với em đêm nay đi! Em buồn và cô đơn quá...”.

... Nửa đêm, cảm thấy có lỗi với người bạn gái thân thiết, hiền lành tử tế, Mý Khé buông A Pao ra:

- A Pao ơi về với San Chiêm đi... Em không thể giữ anh được nữa rồi, từ nay anh đừng đến gặp em nữa, em không dám nhìn mặt anh nữa rồi!

Câu nói có điểm gở, hơn nửa tháng sau A Pao bị cảm rồi ra đi đột ngột. Mý Khé và San Chiêm ôm nhau khóc ròng rã bao đêm. Nhưng rồi Mý Khé thấy trong người có sự thay đổi. Một mầm sống đang cựa mình run rẩy. Cô lại đến tâm sự cùng San Chiêm, lại ôm nhau cười, Mý Thim ra đời sau đó. Nó được San Chiêm yêu thương chăm bẵm, coi như con đẻ. Bí mật ấy ban đầu chỉ có Mý Khé và San Chiêm biết. Rồi dần dà cả bản đều biết.

Nhớ lại chuyện cũ do Kim Sun kể, tôi thầm cảm phục trước quyết định chọn vợ của bạn. Nó thật là con người chí tình, chí nghĩa. Vừa lúc đó, Kim Sun thồ một bao xi măng về. Vừa thấy tôi, nó hét toáng lên:

- Vinh đen! Thằng bạn quý của tao đây rồi! Sao tao chưa báo mà mày đã biết tao sắp lấy vợ?

- Thế mới gọi là bạn quý chứ !

Tôi nghẹt thở trong vòng tay ôm rất chặt của thằng bạn vạm vỡ vùng sơn cước.

- Được rồi, tao sẽ còn ở chơi với vợ chồng mày lâu ngày mà...

Cô Mý Khé âu yếm nhìn chúng tôi, cười ra nước mắt.

Bên kia núi Đá Ô, tiếng mõ trâu đang lóc cóc gọi chiều về, tiếng ai đó đang hát vang một bài dân ca Dao.

Truyện ngắn của Bùi Thị Sơn
.
.