Đợi sáng

Thứ Hai, 20/06/2016, 08:00
Nàng thường về nhà lúc trời gần sáng, nín thở thay áo quần, thật khẽ khàng đặt mình xuống bên con gái và ngủ một mạch đến nửa buổi khi tầng áp mái đúc giả đã hầm hập nóng. Khi ấy, nàng trở dậy và men theo cầu thang sắt xuống tầng dưới, chồng nàng đã cho con bé ăn sáng xong. Nàng thường bị ăn đòn vào lúc đó, bất kể đứa con gái mới hơn chín tháng tuổi có mặt ở đó hay không. Chỉ cần thấy có gì “khang khác” nàng sẽ ăn đòn…

Nàng đã xin chồng đánh vào những chỗ váy áo có thể che đi, những chỗ người ta không nhìn thấy. Nàng cần phải đẹp, muốn nhận tiền boa của đàn ông thì cần phải đẹp, phải khiến cho họ rung động. Muốn nhận tiền boa của đàn bà phải khiến cho họ động lòng thương.

Trước kia, khi chưa được chuyển xuống hầm rượu, nàng ít phải đòn hơn, nhưng ngoài mức lương chết đói chỉ nhận được vài đồng bạc lẻ. Ngày gã quản lý gọi nàng vào quầy quyết định cho nàng phục vụ dưới hầm rượu, nàng đã sung sướng đến phát điên. Chuyển xuống hầm rượu là coi như được lên chức, được tiếp xúc với những người tai to mặt lớn cần nơi riêng tư để nói chuyện làm ăn.

Nghĩa là từ nay chấm dứt phận bồi bàn, nàng chỉ cần đứng ở một chỗ quy định, mở cửa khi có “nhân viên cấp dưới” bưng đồ vào bàn rồi đóng cửa lại và rót rượu. Nghĩa là không được nghe những gì không cần nghe, không nói những gì không cần nói, và kỹ năng pha lắc rượu, thả đá phải xấp xỉ bartender. Những phẩm chất ấy không phải nhân viên nào cũng có, nàng đã nỗ lực suốt hai năm ròng.

Hai năm bưng bê đồ nóng trên đôi giày cao gót lênh khênh, hai năm thường nhận phiếu trừ lương vì làm vỡ những chiếc ly quý mỏng manh đến nỗi nàng cảm giác chỉ kề môi vào bậm mạnh là chúng có thể vỡ tan ra được.

Hôm ấy nàng trở về trong tâm trạng của kẻ vừa chiến thắng, nàng tự cho phép mình say, nàng nghĩ đến những tờ polyme rmệnh giá lớn được những bàn tay thơm tho, dầy dặn từ tốn đặt vào tay hay nhét vào giữa ngực áo. Chỗ nào cũng được, việc ấy với nàng không hề gì. Từ nay không phải thao thao bên những bữa ăn gia đình ồn ào, phải bế bồng trẻ nhỏ cho thượng đế dùng bữa, không cần khéo léo trả con cho họ rồi lồng vào câu chuyện phải dứt sữa con khi vừa hai tháng tuổi để đi làm bồi, tài tình như diễn giả trên sân khấu nhưng chỉ nhận được chút tiền thừa khi họ thanh toán.

Hôm ấy, chồng nàng tóm lấy nàng ngay khi nàng vừa leo lên gác vừa phả mùi rượu khắp nơi, lại còn ư ử  hát. Hắn cắp nàng xuống cầu thang sắt, nhẹ bẫng và gọn ghẽ như con mèo già tha mồi, hắn dúi đầu nàng vào xô nước cho tỉnh rượu. Hắn đánh nàng trong toilet. Nàng kêu đau, nhưng không gào khóc, nàng còn luôn miệng nhắc hắn đừng đánh vào mặt, vào chân tay. Lúc hắn tha cho nàng thì nàng chỉ còn sức bò men theo cầu thang.

Để nguyên đầu tóc ướt và đặt mình xa con một chút - con gái nàng vẫn đang ngủ say - nàng mải mê ngắm cái miệng chúm chím của con, ngắm đôi hàng mi cong vút, cái mũi thanh tú xinh xinh. Nàng mỉm cười, niềm say mê ấy vuốt ve những vết thương đang cào cấu thịt da rưng rức. Chồng nàng chăm con khéo quá, con bé phải dứt sữa mẹ khi vừa hai tháng tuổi, hắn nghỉ việc ở bưu điện về nhà chăm con. Đêm nào nàng trở về con bé cũng đang ngủ thật ngon, áo dài tay kín cổ, yếm và tất lúc nào cũng ngay ngắn. Máy tiệt trùng và bình sữa luôn sẵn sàng đúng cữ con bé thức giấc trở mình.

Có lẽ vì thế mà nàng còn cần chồng. Bà ngoại, bà nội thì không còn trông mong gì được. Mẹ nàng từ mặt nàng và tuyên bố: Xinh đẹp như hoa khôi mà lấy cái thằng bưu tá.

Mẹ hắn thì tống khứ khỏi nhà và rằng: Học hành đàng hoàng mà đi lấy loại gái bồi bàn.

Nhà hàng nàng làm có cái tên khá gợi: Ong Xinh. Nó khéo léo nằm tránh xa đường lớn, trong con hẻm nhỏ xinh vừa đủ cho xe hơi tiến lùi, hai bên đường rợp bóng mát, bãi giữ xe rộng và kín đáo, những cô nàng eo thon má ửng, môi đỏ mọng lúc nào cũng ngọt ngào sóng sánh như mật ong.

Khách ghé hầm thường là khách quen, rượu trong hầm dầu không thiếu, từ Hennessy, Johnnie walker, Chinvas Regal, Ballantines, Remi Martin, Vodka Nga hay những loại vang Chile hảo hạng nhưng khách thường mang rượu đến, uống không hết thì gửi lại quán để dùng lần sau.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Có lần khui một chai whisky Ballantines trong hộp gỗ sang trọng do khách mang đến, nàng thấy chiếc phong bì đựng ngàn đô. Đoán ngay là quà biếu, nàng khéo léo cất vào bàn phụ, đợi xong tiệc thì kín đáo gửi lại khách nhưng khách phẩy tay bảo nàng giữ lấy. Từ đó khách trở thành khách ruột.

Món tiền ấy nàng để riêng ra dành vào dịp đặc biệt.

Sinh nhật chồng, nàng mua tặng hắn mấy bộ quần áo và đôi giày tươm tất. Khác với tất cả những gì nàng tưởng tượng từ cửa hàng về nhà, hắn gầm lên, ném tất cả đống đồ đạc mới mua ra ngoài cửa. Hắn rít lên trong sự sợ hãi khủng khiếp của đứa con gái bé bỏng và sự uất ức của nàng. Hắn nắm lấy cổ nàng mà thụi mà đấm, lên mặt, lên cổ, hắn điên cuồng cấu véo hai đùi non mặc nàng van xin hãy đánh vào lưng, vào hông thôi, rằng nàng còn phải đi làm.

Hả hê, hắn rũ xuống, nàng cũng gục xuống, hắn ôm lấy con bé con dỗ dành. Nàng lết đến tủ lạnh dốc hết những viên đá trong khay vào chiếc khăn sữa của con, vội vàng đứng trước gương và chườm nhanh lên tất cả những chỗ bầm tím.

Hắn ấp gương mặt bé thơ của con gái vào ngực và hổn hển vừa thở vừa nói, hệt như hắn là kẻ vừa bị ăn đòn chứ không phải nàng:

- Cô định mỉa mai, định chơi xỏ tôi à? Cô mua cho tôi đống đồ đắt đỏ ấy để tôi mặc trong khi nấu ăn, thay bỉm, đút bột cho con? Cô biến tôi thành thế này còn chưa đủ thảm hại à? Một cái lò xo bị ép đấy, cô hiểu không, hễ ép tôi là tôi sẽ bật lên đấy? Hiểu không?

- Tôi không xỏ xiên gì anh cả. Tôi đã nói anh cố gắng đến khi con bé cứng một chút sẽ đi học, anh lại đi làm.

- Đi làm ư, để xin cho tôi cái chân bưu tá cỏn con ấy, bố mẹ tôi đã bán không biết bao nhiêu thứ trong nhà. Những thứ mà bố tôi nâng niu còn hơn cả bản thân ông. Bây giờ nhà tôi tôi còn không dám về, bạn bè cũng không dám gặp. Cô bảo tôi phải cố gắng, phải chịu đựng thế nào?

- Biết thế, anh lấy vợ sinh con làm quái gì, đồng lương chết đói của anh có nuôi nổi ba miệng ăn? Anh tưởng tôi sung sướng khi dứt sữa con mới hai tháng tuổi à?

- Lấy vợ sinh con làm quái gì à? Có trời mà biết được, đáng lẽ thì không nên lấy vợ thì hơn. Cứ thong dong mà sống cho đến chết, muốn đi đâu thì đi. Kể ra cô cũng khổ đấy, nhưng tôi không thương được, tôi thương thân tôi đã vất vả lắm rồi. Tôi nhám tay khi cầm những đồng tiền cô đưa. Nhưng tôi lại phải lấp đầy dạ dày mình và cả dạ dày con gái bằng những đồng tiền không sạch sẽ ấy, vậy mà cô còn mua đồ cho tôi.

Trong một giây, nàng quay phắt lại, ném phăng nắm nước đá trong tay. Nàng hét lên:

- Ai bảo anh những đồng tiền ấy không sạch sẽ. Có giỏi thì anh đi kiếm tiền đi, đi ngay đi. Cút đi!

Hắn cũng bật dậy, đi ngay ra cửa, đứa con theo bố, khóc ré lên. Nàng ôm lấy con, nước mắt cứ thế dâng đầy mắt. Có cái gì nghẹn ứ trong cổ họng, không thể cất lời mà dỗ dành đứa con tội nghiệp. Nàng ôm con vào lòng và vỗ về cho đến khi nó thiếp đi. Đêm ấy hắn không về, nàng day mình trên sàn gỗ, bao nhiêu vết thương bây giờ mới thấm đòn, đau như dần. Nàng không chợp mắt được, nàng mường tượng cái cơ thể quen thuộc, mùi mồ hôi quen thuộc âu yếm bên tai, nói những lời xin lỗi, rồi lại xin lỗi nhiều hơn sau mỗi trận đòn. Có đôi lần nàng còn trêu gan cho hắn đánh, đổi lại được nghe những lời dỗ dành yêu thương.

Công bằng mà nói, nàng đối với hắn quen thuộc như vật liền thân, những gì cần khao khát, cần khám phá đã biến thành một món ăn mà hắn phát nhàm phát chán. Hắn đánh nàng vì môi nàng đỏ, eo cứ thon, da dẻ cứ nuột nà. Hắn không chịu được cái cảm giác mọi thằng đàn ông trên đời, chỉ cần đến Ong Xinh là tha hồ lục lọi mọi thứ trên thân thể nàng dù chỉ bằng ánh mắt. Đã thế hắn lại bị cùm chân trong căn phòng vỏn vẹn mười mấy mét vuông.

Xoay đi xoay lại bỉm tã, sữa, bột cho con là ngày vừa cạn. Đã bao nhiêu lần hắn so sánh mình với bất cứ người đàn ông nào hắn gặp, như là phụ nữ so sánh váy áo, màu son. Hắn thấy mình không cả bằng cái anh chàng tật nguyền bơm vá xe đầu ngõ, anh chàng ấy lúc thảnh thơi thường ngồi trên cái ghế đẩu con con bên cạnh một chiếc ghế đẩu nữa lúc nào cũng sẵn một ly đen đá, một bàn cờ. Phải so sánh mình với anh chàng ấy thì hẳn đã chán ngán cảnh sống này rồi.

Nàng gọi điện cho tên quản lý Ong Xinh xin nghỉ hai ngày, nói dối rằng con bé ốm. Thực ra nàng mới là người cần nghỉ ngơi, nàng chờ cho những vết bầm trên mặt, trên ngực mau biến đi. Thằng quản lý Ong Xinh bằng cái giọng ngọt như mía lùi nói:

- Ok! Anh ghi vào sổ thêm một món nợ của em đấy nhé.

Cái thằng cha quản lý trán bóng lưỡng như bôi mỡ ấy có cái miệng đàn bà đặt trên gương mặt đàn ông, dưới cái mũi khoằm và đôi mắt tinh quái như loài cú vọ. Cái miệng lúc nào cũng thường trực những lời ngọt mật, nhẹ nhàng mà chắc như dây buộc đàn bà, như dây níu khách. Hắn tự cho rằng nàng nợ hắn vì nàng được cất nhắc phục vụ trong hầm rượu, hắn luôn cho mình cái quyền nhón tay làm phúc ban ơn, lờ đi bao nhiêu cố gắng của nàng trước đó.

Cái món nợ hắn nói hắn đã đòi của bao nhiêu “nàng ong” trong quán để bù đắp cho những tháng ngày chung đụng với mụ vợ già nắm giữ cả gia tài. Và hắn chờ ngày nàng tự ngã vào lòng hắn, hắn ngạo nghễ chờ ngày chiến thắng như kẻ dàn binh nắm chắc đối phương. Giữa hắn và nàng rõ ràng là cuộc chiến không cân sức, bên thì nổi trống khiêu binh, bên thì ghìm cương, thủ thế.

Đêm thứ ba chồng nàng vẫn không về, tên quản lý gọi điện hỏi mấy giờ nàng đến và nhắc nàng hôm nay có khách ruột. Biết không thể xin xỏ thêm, nàng gọi điện thoại cho chồng liên tục, nhưng hắn không nhấc máy. Nàng nhắn vội cái tin nói với hắn rằng con bị sốt. Gần như ngay lập tức hắn có mặt ở nhà. Hắn vội đến bên con gái, sờ trán con bé, thấy trán con mát rượi.

Thấy nàng đang xỏ chân vào đôi giày cao gót, hắn lẩm bẩm chửi thề. Nàng không thèm đôi co với hắn, vội vã dắt xe ra khỏi con ngõ hẹp. Hôm ấy, triều cường dâng, bánh xe sục xuống làn nước hôi thối, nàng khó nhọc tránh những ổ gà lở loét, cố gắng không nhúng chân xuống cái chất lỏng đen sì, nổi nênh rều rác. Ra đến đường lớn, nàng  kéo ga hết cỡ, nghe gió ràn rạt bên tai.

Trời thoáng đãng quá, đường phố bỗng thênh thang lạ. Nàng muốn nhắm mắt, nàng thấy phảng phất trong gió hương ngọc lan bên cửa sổ thời con gái lúc còn ở quê, nàng thấy ngực mình ấm áp như thuở mới yêu, chồng nàng đèo đi lang thang ngắm đèn thành phố, quay quắt nhớ thuở má ấp má môi kề môi, từng khóc ròng khi mỗi năm mấy ngày xa nhau về quê ăn Tết, từng tức tưởi trong vòm ngực rộng khi bị khách nắm níu tay chân, nàng thấy mình trôi, nhẹ bẫng…

Có tiếng quát:

- Đi đứng kiểu gì đấy! Điên à.

Nàng giật mình mở mắt, ghìm tay lái, trống ngực đập liên hồi, mắt nàng nhòe nhoẹt nước, nàng đưa tay lên miệng, cắn đến bật máu rồi vội đưa tay quẹt mắt vụng về như bàn tay bé xíu bụ xinh của đứa con bé bỏng ở nhà.

Khách chờ nàng dưới hầm, trong phòng VIP. Hôm nay khách ngồi một mình, khách bảo mệt mỏi quá, gác lại tất cả chuyện làm ăn. Nàng đi lấy chai rượu lần trước khách mang đến còn gửi lại nhưng khách xua tay bảo nàng khui một chai vang. Loại hảo hạng của Chile, loại sóng sánh nhất mà nàng thích uống. Rượu vào, nàng khóc, nàng nấc lên mặc cho khách nghĩ nàng đang mời gọi lòng thương. Mà khách thì thừa ga lăng, thừa dịu dàng.

Đêm ấy, nàng ngả vào lòng khách, rạng sáng thì nàng tỉnh giấc, nàng lao ra khỏi cửa, khách còn say ngủ trong chăn nệm trắng phau.

Nàng định đi thẳng ra chỗ để xe, nhưng tên quản lý gọi nàng lại. Hắn quét đôi mắt cú vọ khắp thân thể nàng. Và hắn cười khẩy khi thấy những vết bầm tím lộ ra sau lớp phấn son nhòe nhoẹt, rồi đột nhiên hắn cười lớn, sảng khoái hả hê như chính hắn vừa đòi được món nợ lâu ngày, như nàng vừa ném hết lòng tự trọng, ruồng bỏ chồng con để ngã vào lòng hắn thâu đêm. Hắn còn hất hàm nháy mắt với những nàng ong khác, tất cả bọn họ cười phá lên…

Chồng nàng đợi nàng ngay bậc cửa, hắn tóm lấy gáy nàng, và nhận ra ngay điều “khang khác”, mắt nhàu nhĩ, môi nhàu nhĩ thế kia, cả cơ thể sực mùi giống đực. Mắt hắt vằn lên như có lửa, hắn giơ quả đấm lên và chỉ một giây nữa thôi là giáng xuống người nàng. Nàng so vai, nhắm mắt sẵn sàng chịu đựng. Nhưng cũng trong một giây ấy thôi nàng mở mắt, gạt tay hắn ra. Hàm răng nàng nghiến lại giữa đôi môi xinh đẹp:

- Thôi đi.

Hắn giật mình, lùi lại một bước, người bỗng rũ xuống như vừa bị ai rút mất xương sống, rồi hắn tiến lại gần nàng, cúi xuống sát mặt nàng, nhả ra từng chữ rõ ràng nhưng khó nhọc:

- Đáng lẽ cô không nên lấy chồng, không nên sinh con. Cả tôi nữa, tôi cũng không nên lấy vợ.

Rồi hắn ra khỏi nhà, vội vã như chạy trốn. Như cái không khí trong phòng quá đặc không đi ngay thì bẹp phổi mà chết.

 Nàng đưa hai tay vuốt mặt.

Ngoài trời bỗng đổ cơn mưa.

Mưa đầu mùa, từng hạt nặng rơi xuống mái tôn vỡ tan. Trời bắt đầu hưng hửng sáng, hưng hửng giữa cái màu bàng bạc của mưa. Nàng kéo tấm chăn đắp lại ngay ngắn cho con gái rồi ngồi sát bên ô cửa sổ nhìn ra giàn hoa giấy nhà hàng xóm ướt lướt thướt, mối trẻ mối già vừa bay ra đã rụng hết đôi cánh mỏng, chúng nằm la liệt trên nền đất ẩm. Nàng bỗng rùng mình, người hâm hấp như lên cơn sốt.

Mưa nặng hạt rồi thưa dần, cứ thế rả rích đến tận chiều tối rồi đến khuya. Hắn trở về nhà, đổ huỵch xuống sàn, toàn thân lạnh toát, môi thâm tím. Nàng đặt con bé xuống giường, vội vã lột quần áo ướt, cắm vội cái ấm điện nấu nước sôi, lấy tấm khăn bông lau đầu tóc ướt. Trong vô thức, hắn quờ quạng nắm lấy tay nàng.

Ở khóe mắt, một giọt nước ấm lăn ra.

Cứ như vậy họ ngồi nhìn con thơ đang ngủ và đợi trời sáng. Dù không ai nói với ai một lời nào nhưng cả hai đều biết rằng, đã đến lúc họ cần phải thay đổi. 

Truyện ngắn của Hoàng Hiền
.
.