Địa ngục trần gian

Thứ Ba, 12/09/2017, 10:49
Những người quen biết ông, đặt biệt danh cho ông tôi là “Con rắn” vì ông không được ai tin tưởng. Có lẽ vì mang cái tên đó mà ông xăm trên lưng một con rắn lớn. Cờ bạc là lẽ sống của ông. Rất hiếm khi ông dành thời gian bên gia đình. Vì vậy mỗi khi ông về nhà giữa những phiên đánh bạc là cả nhà chạy ra đón ông...

Ông tôi là một con bạc nổi tiếng. Ông lang bạt khắp các sòng bạc đất nước này. Đời ông chưa có một ngày làm việc lương thiện. Thỉnh thoảng ông thắng bạc, thỉnh thoảng hòa – nhưng đa phần là thua. Bao nhiêu tiền của trong nhà lần lượt “rũ áo ra đi” nên luôn túng thiếu, chưa bao giờ đủ ăn. Bà tôi cần mẫn làm việc vật vã sớm tối trên những cánh đồng cũng chỉ kiếm được món tiền nhỏ đủ cứu các con khỏi chết đói.

Những người quen biết ông, đặt biệt danh cho ông tôi là “Con rắn” vì ông không được ai tin tưởng. Có lẽ vì mang cái tên đó mà ông xăm trên lưng một con rắn lớn. Cờ bạc là lẽ sống của ông. Rất hiếm khi ông dành thời gian bên gia đình. Vì vậy mỗi khi ông về nhà giữa những phiên đánh bạc là cả nhà chạy ra đón ông.

Nếu ông thắng bạc lớn ông sẽ mặc bộ trang phục đẹp với một túi lớn trên lưng. Về nhà ông vui vẻ mở túi bày ra đủ thứ: Đồ ăn, quần áo mới, đồ chơi trẻ em… tóm lại ai cũng có quà. Dưới đáy túi còn có những xấp tiền được buộc cẩn thận chồng lên nhau. Tuy nhiên, đa phần ông lảo đảo trở về nhà khi đã nhẵn túi. Những khi đó trông ông thảm hại trong bộ đồ nhem nhuốc, rách rưới hôi hám như kẻ đầu đường xó chợ, như thây ma vừa móc ở lỗ lên. Trong trạng thái say xỉn, ông lăng mạ, sỉ nhục và đánh đập vợ con, nguyền rủa họ chết đi. Cả nhà nem nép sống trong sợ hãi. Càng về sau tình trạng đó càng tệ hại hơn khiến cả gia đình càng thêm căm ghét ông.

 *

Vào một đêm mùa đông đen kịt tuyết rơi đầy trời, trong khi đánh bạc, ông nội tôi tranh cãi thắng thua với đám cờ bạc rồi dẫn đến đánh nhau. Họ buộc tội ông gian lận. Lúc cao trào ông đã rút ra con dao dài và nhọn, còn phía đám cờ bạc kia rút kiếm ra. Tuy ông là một người đàn ông dũng mãnh nhưng không chọi nổi 3 người. Trong lúc ông chống chọi với 2 người phía trước, vừa kịp quay lại ông đã bị người thứ 3 đã chém một nhát kiếm trúng giữa hai con mắt.

Điều lạ đời mà những kẻ chém ông không tin nổi là khi ông đã ngã vật ra đất, ông không van xin mà cười sằng sặc. Thậm chí khi họ bồi cho ông mấy nhát kiếm nữa cho tới khi ông trút hơi thở cuối cùng, ông vẫn cười. Họ thích thú chằm chằm nhìn ông như một quái nhân. Máu ông tràn ra nhuốm đỏ tuyết trắng.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Mùa xuân năm sau, bà tôi qua đời vì quá lao lực và bệnh tật – chị gái và em trai (tức là bố tôi) thành trẻ mồ côi. Hai chị em được gửi tới sống và làm việc tại hai nơi cách xa nhau. Bố tôi làm việc cho một gia đình giàu có, trong biệt thự sang trọng. Công việc của ông là chăm sóc đứa con điên của chủ nhà. Theo gia đình giải thích, anh ta bị điên do bị ép học quá nhiều. Họ giam giữ đứa con trai trên một gác xép. Người con trai rất sợ bố mẹ anh ta. Nếu để thức ăn thừa trên đĩa sẽ bị bố mẹ mắng nhiếc – thậm chí đánh đòn đau. Nên bao nhiều đồ thừa anh ta bắt bố tôi phải ăn hết. Nếu bố tôi không ăn, hắn sẽ lấy chiếc búa đe dọa đánh ông.

*

Một ngày kia, đứa con điên ốm yếu, hắn nôn ọe hết thức ăn thành một bãi bầy nhầy hổ lốn giữa nước mũi, dãi nhớt trên đất. Mùi bãi nôn bốc lên tởm lợm. Hắn chỉ vào đó, lệnh cho bố tôi phải xúc ăn cho hết. Tất nhiên lần này ông đã từ chối. Hắn giận dữ điên cuồng xông vào đấm đá bố tôi. Bố tôi cố thoát ra nhưng bị hắn ôm chặt. Tiện có chiếc búa dưới nền nhà, ông chộp lấy giáng cho hắn mấy búa chí tử.

Nghe tiếng la hét, bố mẹ hắn chạy lên gác và thấy đứa con trai đã chết. Họ không nói gì, yêu cầu bố tôi biến đi. Bố tôi cho rằng đứa con điên đã đày đọa họ quá nhiều và làm họ hổ thẹn với họ hàng, xóm giềng nên họ mừng khi thoát nợ đời. Họ muốn bưng bít không muốn làm to chuyện hoặc cho ai biết nên đuổi bố tôi đi là phương án tốt nhất.

Rời khỏi chốn nhục nhằn, bố tôi đi tìm chị gái mình làm việc tại một công xưởng – nhưng đã quá muộn. Chị ông đã chết vì bị ép làm việc quá sức nên viêm phổi và bị chứng đau đầu vì thương nhớ em. Mất người thân duy nhất, bố tôi thành kẻ lang thang trộm cắp để sống sót. Kiếm được đồng nào ông nướng vào sới bạc. Ông cũng xăm một con ma cà rồng – hình một con dơi lớn chuyên hút máu người trên lưng. Ông nhận thức được rằng, ông đang sa vào vết xe đổ của bố mình – sớm muộn rồi cũng kết thúc bằng cái chết thảm hại. Do đó ông quyết tâm rũ bỏ cờ bạc đi đến quốc gia láng giềng tìm một công việc để sống bằng sức lao động của mình. Ông được một chủ trang trại chăn nuôi lợn cưu mang.

Tuy tiền công không cao nhưng cũng tạm đủ sống. Quan trọng hơn, đó là một công việc lương thiện. Tại đây, ông gặp một cô gái trẻ, hai người yêu nhau rồi xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái.

Chiến tranh nổ ra, ông buộc phải nhập ngũ chiến đấu cho quốc gia không phải quê hương mình. Ông giết rất nhiều người – với niềm tin ngây thơ rằng càng giết được nhiều người thì chiến tranh càng sớm kết thúc để về với vợ con. Rồi cuối cùng ông cũng được trở về sau cuộc chiến. Ông đau đớn khi biết tin con trai ông đã chết trong một vụ ném bom. Còn vợ ông đã đi biệt tích. Khi nói về những năm tháng khổ ải đó, bao giờ ông cũng kết luận: “Thế giới này là địa ngục”.

*

Lang thang mãi, rồi cũng đưa chân ông trở lại nơi chôn rau cắt rốn. Ông làm việc cho một lò mổ lợn. Ông gặp mẹ tôi bây giờ và họ lấy nhau. Không bao lâu anh tôi và tôi ra đời.

Khi còn nhỏ, tôi nhớ cha tôi thường ngồi bên bàn ăn trong gian bếp. Ông lặng lẽ uống rượu trong trạng thái sững sờ. Bộ mặt ông rầu rĩ, cau có, hằn học vì cuộc sống vất vả khó khăn. Sự bực dọc của ông không hiểu tại sao lại đổ lên đầu tôi. Mỗi lần say ông trở nên dữ tợn, ông đánh tôi cho tới khi da thịt tôi hằn vết bầm tím. Tôi sợ một ngày nào đó có thể ông sẽ giết tôi.

Vào một ngày mẹ tôi sai tôi đến lò mổ đưa ông về nhà ăn trưa. Tôi kinh hoàng chứng kiến công việc của ông và cái cách ông giết những con lợn. Dưới ánh nắng gay gắt, ông cởi trần trói chân những con lợn rồi đánh chúng bằng chiếc gậy bóng chày cho tới chết. Cảnh tượng thật kinh tởm và dã man. Trên lưng trần nhẫy mồ hôi của ông, con ma cà rồng đang nhảy múa – mắt nó phát sáng đỏ rực như lửa. Còn ông mặt mũi, thân thể cũng đỏ tía trông giống tên đồ tể từ âm ty hiện về…

Cũng lại một đêm mùa đông có tuyết rơi, cha tôi đã không về nhà. Mẹ tôi được chủ lò mổ cho hay đã mấy hôm nay ông không đến làm việc. Mẹ tôi hối thúc tôi đi tìm. Tôi phát hiện ra ông trên một con sông cách nhà không xa. Xác ông trương phình nổi lập lờ trong làn nước lạnh giữa những bèo, rác và những con vật chết. Trông ông giống hệt một con heo béo ú mà ông đã giết trong lò mổ.

Mẹ tôi chỉ còn mỗi tôi là chỗ dựa – vì anh trai tôi cũng giống cha nghiện rượu nặng. Khi uống say xỉn, anh trai tôi cũng thô bạo và tàn ác. Anh cũng xăm một con rồng rất lớn phủ gần hết tấm lưng. Anh không nhân nhượng bất cứ ai khi xảy ra xung đột, thẳng tay đánh họ cho tới bất tỉnh. Cả thị trấn đều dè chừng và sợ anh – cũng có nghĩa là anh có nhiều kẻ thù. Một lần theo anh tới quán bar, tôi đã thấy anh dùng nắm đấm đánh một người đàn ông tóe máu mũi, máu mồm – làm tôi nhớ lại về cha tôi. Hành động của họ thật ghê tởm dưới con mắt của mọi người.

*

Thật có sự trùng lặp kỳ lạ - cũng vào một đêm đông tuyết rơi, người ta tìm thấy anh tôi nằm gục trên bờ sông giữa đám tuyết xốp – giống cái chết của ông tôi và cha tôi. Kẻ thù của anh đã truy đuổi đến cùng và đánh anh gần chết. Anh bị đánh rạn đầu, mong manh giữa cái sống và cái chết. Xe cứu thương đưa anh tới bệnh viện. Một nhóm bác sỹ đã hội chẩn và quyết định mở hộp sọ, giải phẫu kịp thời nên anh thoát chết. Họ cho gia đình biết, tuy anh sống nhưng bị tê liệt từ cổ trở xuống và não bị tổn thương trầm trọng. Anh phải nằm viện suốt đời tại bệnh viện tâm thần của tiểu bang. 

Khi tôi vào thăm anh, anh không nhận ra tôi. Đầu, mặt anh băng bó chằng chịt khiến mặt anh dị dạng trông kỳ quặc. Lại còn các ống thở cắm vào mũi và ống dẫn dịch gắn vào đầu. Khi ngồi lặng bên giường nhìn anh chìm trong giấc ngủ, tôi thực sự xúc động và thương anh. Tôi nhớ khi nhỏ tuổi anh là người thương tôi nhất. Mỗi khi cha đánh tôi, anh luôn chạy đến bênh vực thay tôi hứng chịu đòn vì tôi quá non nớt. Khi bọn trẻ thị trấn bắt nạt đuổi đánh tôi, anh đều xông vào chịu đòn để tôi chạy thoát. 

Anh trai tôi rất tử tế và giàu tình thương. Tôi tự hỏi: “Những chuyện gì đã xảy ra để biến anh tôi thành một con quái vật đáng sợ với xã hội như vậy? Nguyên nhân từ đâu đã làm thay đổi một đứa trẻ tử tế và chu đáo thành một kẻ hung tợn dữ dằn như thế?”… Tôi chìm vào bao nhiêu câu hỏi dằn vặt mà chưa tìm ra câu trả lời…

Đúng lúc anh tôi nhúc nhắc cái đầu và thức giấc sau cơn hôn mê dài. Mắt anh mở to, đờ đẫn, trống rỗng, vô hồn. Nhìn vẻ mặt ngơ ngác đó, tôi khẳng định rằng anh vẫn không nhận ra tôi. Anh hơi nghiêng đầu về phía tôi, hỏi trong hơi thở yếu ớt: “Tôi đang ở đâu? Đây có phải là địa ngục?”.

Nước mắt tôi tuôn trào không tài nào ngăn được. Tôi cúi xuống lấy tay vỗ nhẹ vào mu bàn tay anh nói nhỏ trong đau xót: “Vâng! Đúng vậy. Đây là địa ngục”.

Yamaguchi (Nhật Bản)- Đinh Đức Cần (dịch)
.
.