Đảo hoa

Thứ Năm, 04/05/2017, 16:16
Mươi năm nay, mặt nước cánh rừng ấy thành điểm du lịch. Hóa ra là khí hậu tuyệt vời, cảnh sắc thần tiên, văn hóa dân tộc đầy mới lạ hấp dẫn…? Hóa ra là nó có huyền thoại xửa xưa?… Đôi trai gái yêu nhau, chàng trai nhà nghèo bị bố mẹ cô gái phản đối, thách cưới một trăm con trâu, một nghìn ống rượu… để cấm cửa. Chàng phẫn chí đi buôn, quyết sẽ đủ tiền về cưới nàng. 

Dạo yêu nhau, chúng tôi hay đến hồ Noong.

Hồ Noong từ lâu chỉ là đập nước nguồn của công trình thủy lợi phục vụ đồng lúa, hoa màu khu vực hai mươi xã. Ngày tôi còn bé, chả thấy hồ đẹp gì. Chỉ thấy thích nó nhiều cá tôm, nhưng cũng sờ sợ. Hồ sương buông cả ngày, rừng soi cả ngày. Nói chung, như bây giờ hay gọi, hồ có “công chúa ngủ” ở đó. 

Mươi năm nay, mặt nước cánh rừng ấy thành điểm du lịch. Hóa ra là khí hậu tuyệt vời, cảnh sắc thần tiên, văn hóa dân tộc đầy mới lạ hấp dẫn…? Hóa ra là nó có huyền thoại xửa xưa?… Đôi trai gái yêu nhau, chàng trai nhà nghèo bị bố mẹ cô gái phản đối, thách cưới một trăm con trâu, một nghìn ống rượu… để cấm cửa. Chàng phẫn chí đi buôn, quyết sẽ đủ tiền về cưới nàng.

Mười năm chàng trở về, tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Chàng gặp lại nàng trong nước mắt. Bố mẹ hay tin mời chàng đến, hỏi trâu đâu, rượu đâu? Chàng ôm ngực xòe tay nói thật, con chỉ có trái tim và bàn tay lao động. Ông bố cho rằng bị xúc phạm, gầm lên, đàn chó to bằng con bê theo lệnh xồ ra. Chàng bỏ chạy, chạy mãi, kiệt sức gục bên khe nước. Sấm chớp nổi lên, mưa to bằng quả cà, chín ngày chín đêm. Ngày thứ mười trời quang mây tạnh, khắp một vùng chỉ nước trắng mênh mông. Còn nàng, thấy người yêu chạy cũng chạy theo. Vấp ngã, vùng lên, vấp ngã… chấp chới hướng vùng sáng lóa phía trước. Rồi nàng trút hơi thở cuối cùng bên hồ nước. Hồ nước dâng lên, lập tức đất xung quanh thành núi, cao thêm, thêm bao nhiêu rừng um tùm bấy nhiêu.

Loan nghe tôi kể chuyện này, nàng trố mắt: Sao em sinh ra lớn lên ở đây mà không thấy… anh bịa à? Bịa làm sao được, có bột mới gột nên hồ, em xem nước kia rừng kia có đúng không. Đúng thì đúng rồi nhưng giá như cho hai người lấy nhau thì hay hơn, đằng nào họ cũng chết rồi. Thì cũng ở bên nhau đấy thôi. Không, em muốn là, chàng nàng phải cùng dưới nước, ví dụ hai con cá chép suốt ngày tung tăng bên nhau… Nông choèn, như thế thành vợ chồng thì hết chuyện, cứ để họ cùng nhìn nhau mà cùng chẳng tới, tình yêu mới vĩnh cửu.

Hai đứa tôi bồng bềnh giữa hồ, gió mát lạnh, thuyền thiên nga nhè nhẹ lướt.

- Anh ơi, em thấy rồi, cô gái xuống tận đáy nước. Hai người đang trong vòng tay.

- …

- Anh này, đạp khẽ thôi, hai người sắp vỡ ra rồi kìa.

- Ừ, vỡ thì vỡ…

- Anh làm sao thế? - Loan ngừng tay khỏa nước, quay lại tôi.

- Sao anh… mồ hôi ướt hết cả mặt kìa?

- Không sao, anh đang nghĩ mà.

Không hẳn là tôi đang nghĩ mà là hai chân đạp nặng quá. Lâu lắm, từ ngày cấp III, đi học đại học giờ tôi mới phải “lao động chân tay” một mình thế này. Nước hồ cứ sin sít, lại tư thế ngồi không có lực, cái guồng ì ạch quay. Phải đạp nhanh thuyền mới có quán tính mà đi. Mà đạp nhanh thì là vợ chồng chứ đâu phải người yêu. Tôi cố gắng thuyền chầm chậm cho Loan mộng mơ thích thú.

Chúng tôi đã vào sâu một ngách nước. Rừng lát hai bên trùm xuống, khum khum như cổng chào. Tôi lợi dụng, nghỉ chân, khom lưng túm lấy đám lá mà kéo. Lập tức lá, cành khô, bụi rơi lả tả xuống thuyền. Anh ơi, mình đi đâu thế? Không biết, đi chơi thì chỉ biết là đi.

- Rắn rắn… ối anh ơi…

Loan kêu thất thanh. Tôi giật nảy mình thấy một con rắn xanh lét đang nghển cổ trên tóc Loan. Loan lắc người, loạng choạng chạy về phía tôi. Con rắn đã xuống vai, đang ngoắc ngoắc đầu tìm kiếm.

Tôi đã làm cái việc nguy hiểm phát khiếp. Con rắn bị túm đuôi, giơ cao, đập một phát xuống cạp thuyền.

Minh họa: Lê Tâm.

Thuyền lại đi, để lại cái xác rắn lập lờ phía sau. Loan xuống ngồi bên tôi, chả còn bụng dạ nào hứng gió ngắm cảnh nữa. Mặt em vẫn còn tái mét, tôi nghe thấy từng tiếng tim em đập. Tôi cũng đã hết dựng tóc gáy nhưng đôi chân đạp vẫn run run (điều này Loan không biết).

Hết đoạn rừng buông, òa ra khoảng sáng. Mặt trời đã gần đỉnh đầu, nắng lấp lánh mặt nước, lá rừng xa xa. Loan bảo nghỉ thôi, đừng đi nữa. Thuyền đi một đoạn rồi đậu dưới một gốc cây sung.

Chúng tôi ăn cơm với cá nướng mua ngoài bến. Gắp cá chép, cá mương vẫn còn nóng, nhiều vị mắc khén, rau thơm, ngon ngọt đậm. Thấy Loan ăn nhỏn nhẻn, tôi hỏi, ăn cơm rừng rú không quen à. Không hiểu làm sao, em cứ ứ ứ trong cổ ý. Tôi dọa cứ ăn như mèo thế, con rắn nhảy xuống bây giờ này. Loan ôm chầm lấy tôi, quặp chân vào tôi chết giấc. Tôi biết mình đùa dại, nói đi nói lại, anh chỉ đùa thôi nhưng mặt Loan vẫn tái mét. Tôi phải đi đập đập các bụi cỏ thị uy, chui vào lùm cây rồi bò ra, đứng dậy dang tay nói oai - rắn nào cũng phải sợ anh. Một lúc, Loan mới nguôi nguôi.

Bữa ăn dừng lại, tiếp tục, chập chừng rồi cũng xong. Chúng tôi rải nilon nằm bên nhau. Loan vẫn nép vào nách tôi, chưa hết sợ. Tôi nói, bên đảo kia có một đôi vợ chồng, nhà họ trồng hoa đẹp lắm. Các loại hồng xanh đỏ tím vàng, các loại lan, các loại ly màu nào cũng có… ngoài chợ mình toàn lấy hoa từ đây đấy. Loan háo hức, quên con rắn ngay - Thế thì mình đi đi, em thích đến đấy cơ.

Xuống thuyền tôi mới lo. Chuyện có hai vợ chồng sống trên đảo trồng hoa tôi mới chỉ nghe cô bạn kể, đâu như là năm ngoái năm kia. … “Hay lắm Sơn ạ, bạt ngàn hoa, tầng tầng hoa, mỗi sáng thức dậy người chồng hôn vợ xong liền thổi sáo. Sơn có biết thổi sáo để làm gì không?... Cho hoa nở đẹp đấy, cho vợ đẹp như hoa đấy. Đợt chồng ốm, cô vợ cũng ốm theo, hoa cứ nụ mãi rồi quắt đi…”.

Bây giờ thì chúng tôi đang bước lên đảo, con dốc những bậc đá tai mèo rêu trơn. Không biết có thật thế không? Không biết người có như hoa không? Rất có thể câu chuyện chỉ là trí tưởng tượng của người phụ nữ sống nội tâm lãng mạn, như cô bạn tôi.

Ngôi nhà đã thấp thoáng mái proximăng. Hoa đã ngang tóc Loan phía trước. Loan đang rẽ sang đám hoa ly. Tôi gọi, vẫy tay, một lúc Loan mới dừng lại. Nét mặt phấn khích, Loan hỉ hả - Đẹp lắm anh ạ, sao giờ em mới biết trên này đẹp thế nhỉ. Bình tĩnh đã, hoa có chủ, phải vào chào người ta một câu, rồi thưa chuyện xin phép… Tôi phất tay về phía ngôi nhà.

Ra đón chúng tôi là hai con chó nhe răng. Tôi đứng im, mắt cố căm hờn nhìn thẳng, nó lùi lùi. Loan đang tưng tưng bị xẹp xuống ngay, nhảy cà đấng, quẩn quẩn sau lưng tôi. Tôi gọi mấy lần “Có ai ở nhà không?”… Không lời đáp. Một con lợn sề từ đầu hồi tiến lại, nghênh nghênh đầu, khịt khịt mũi vào cổ chân trắng nõn của Loan. Ơ ơ con này làm sao thế. Loan chạy vòng quanh tôi, con lợn chả sợ, nó tưởng người trêu xong sẽ cho ăn. Tôi đá nhẹ vào mông lợn một cái, không chuyển. Tôi vớ thanh củi trên hè đập mạnh một phát vào lưng nó. Nó hộc hộc chạy. Rồi tiếng người và người dưới bếp đi lên - ai đấy, gì đấy?

Một cô gái mặt mũi nhem nhuốc, ngực tròn căng, bộ quần áo ngủ nhàu nhĩ.

- Chủ nhà đâu nhỉ? Chúng tôi ngoài thành phố, đi chơi hồ, tiện muốn thăm nhà, thăm hoa...

- Em là chủ nhà đây, chồng em đi lấy cây rào, cũng sắp về rồi. Mời anh chị vào nhà.

Nói xong cô chủ vào, xùy xùy đuổi gà. Đàn gà táo tác bay ra, một con hoảng loạn đậu lên đầu Loan, chới với một lúc mới chúi đầu bay đi.

Trong nhà, trên bàn thấy cái ấm không nắp, hoa mốc phè lên, ba cái chén sứt quai đen xỉn, chỏng chơ. Bên phải, một cái giường, cánh màn tùng tằng phủ không hết một đống chăn, gối, quần dài, quần đùi, quần con… Bên trái, gần hết một gian những bao xác rắn; biết là ngô thóc, phân lân vì dưới nền vung vãi. Có gương kìa, Loan giật áo tôi nói thầm. Thì lại mà soi - tôi đứng dậy, kéo Loan đi. Như bàn trang điểm thật - cái gương, cái bút tô, thỏi son, quả lô... Anh ơi, đầu em toàn phân gà, Loan đang nghiêng đầu vào gương, kéo miết sợi tóc. Bậy nào, nhìn cái gương đi. Ố. Cái gương vàng bệch, bụi lưu cữu, tôi thổi mấy cái, mặt Loan mới nhờ nhờ.

- Mời anh chị lại uống nước.

Cô chủ rót từ cái siêu đen sì ra, nước cũng đen sì. Nước lá thuốc đấy, anh ấy cứ bắt em uống để nhanh có con. Loan nhìn chén nước, nhìn tôi lắc đầu. Tôi cầm chén, nhấp một tí, nói lấy lòng: “Ở trong núi người nào cũng đẹp, thuốc này chắc khó kiếm lắm chị nhỉ?”.

Cô chủ được thể kể: “Vợ chồng em lấy nhau bảy năm nay mà chưa có con. Anh ấy cứ mắng em suốt ngày đêm ngắm hoa đẹp quên cả đẻ. Gà đẻ, lợn đẻ, chó đẻ liên tục, chỉ mỗi người thì đực ra, chán chết”. “Chị cứ yên tâm, muộn một tí, có khi lúc đậu lại sinh đôi sinh ba”… “Em chả mong thế, chỉ cần có một đứa, vợ chồng chả nhẽ chỉ ngắm hoa thôi à”. Câu chuyện đang hay hay, vui lên thì Loan giật áo tôi và nói: “Chị ơi, bọn em muốn đi xem hoa, chụp ảnh một tí”. 

Hai chúng tôi vừa đứng dậy thì đánh uỵch một cái, bó sặt to tướng nằm trên sân. Một người lưng còng còng, mặt ngang ngang, mắt sâu hoắm bước vào.

- Cháu chào ông ạ - Loan nhanh nhẹn cất tiếng.

Tôi thấy cái mặt vát nghiêng lên, đôi mắt lừ lừ liền “sửa chữa” ngay:

- Em chào bác ạ.

- Đây là chồng em. Đây là hai người ngoài phố đi xích bích vào chơi. - Cô vợ đứng trước chồng, nói xong vẫn nem nép sờ sợ.

Ông chồng cứ nhìn, một lúc mới nói:

 - Thế à, vào uống nước.

Chúng tôi đành vào lại. Ông ta đã cởi trần, thấy cái áo vứt bên giường. Ông ngồi xổm trên ghế, nâng cái điếu cày lên, sòng sọc sòng sọc, khói khét lẹt đùn đùn từ cái miệng hoang hoác lơ vơ mấy cái răng đen xỉn.

Nhìn mái tóc bạc, nếp nhăn chồng chéo, hai má tóp hút… tôi đoán ông này cũng trên dưới bảy mươi.

- Hai đứa ở lại đây chơi, tối anh thịt gà rừng.

- Cháu… cháu… phải về, mai còn phải đi làm.

- Dạ, chúng em cảm ơn anh chị ạ. Đây với thành phố cũng chả xa xôi gì, dịp nào bọn em sẽ ở chơi mấy ngày - Tôi nhấn vào tiếng “em”, “anh chị” để át đi cái “cháu cháu” của Loan.

Tôi nháy Loan, ý bảo thôi về. Hai đứa tôi tạm biệt, lần lượt bắt tay chồng, bắt tay vợ. Bắt tay xong hai người vẫn đi theo tiễn. Ông chồng nói trống không: “Hai đứa yêu nhau à”. Cô vợ cũng đế theo; “Nhìn cái là biết ngay”. Tôi nói một câu sáo: “Đảo hoa của anh chị sẽ là kỷ niệm tình yêu của chúng em”.

Đã hết vườn hoa, sắp xuống dốc, những bậc đá xanh lô xô bên dưới. Loan ngoái lại ngần ngừ. Tôi biết là em đang tiếc chưa chụp được kiểu ảnh nào, nhưng biết rõ… như thế rồi, còn bụng dạ mặt mũi nào mà ảnh.

- Thế lúc nãy bảo chụp ảnh mà chưa chụp à? - Cô vợ hỏi nhưng lại nhìn ông chồng như xin phép.

- Chụp thì chụp đi không về lại tiếc. Các đôi đến đây hay chụp chỗ này này… Dịch sang kia là dính cả gà chó lợn đấy - Ông chồng thủng thẳng.

Tôi đành phải làm phó nháy cho Loan. Liên tục các kiểu - xòa tay bắt hoa, lom khom trốn tìm, hoa người cùng e ấp… Loan như đứa tuổi teen rạng rỡ, tinh nghịch, bay bổng. Tôi bấm máy nhưng vẫn để ý thái độ chủ nhà. Thấy ông chồng chỉ trỏ, lắc đầu, vung tay; cô vợ mắt không chớp, như bị hút vào Loan. Tôi thấy gờn gợn mất tự nhiên nên nói to, thôi muộn rồi Loan ơi. Còn hai đứa mình nữa chứ. Tôi không nói gì thì Loan đã nhanh nhảu: “Anh chị cầm máy giúp bọn em vài kiểu”.

Tôi phải ra diễn các tư thế như mọi đôi yêu nhau. Loan vẫn tươi nguyên; bắt tôi mắt phải thế này, môi phải thế kia; đuổi nhau giữa rừng hoa không được như đuổi trộm… Tôi răm rắp làm theo đạo diễn. Thật khổ, không nhìn thấy nhưng tôi biết cái mặt mình đang căng cứng, hàm răng đang cười nhe, tóm lại là rất ma-nơ-canh. Loan đang “bay” nên không để ý, nhưng cô vợ kia chợt chạy nhanh lại chỗ chúng tôi. Ối giời ôi, yêu nhau mà trông khổ thế này à. Nữ thì được rồi, còn nam… thế… thế… thả lỏng người ra, cứ đang nghĩ là sắp được cái hôn đầu tiên. Tôi làm theo mấy lần thì kêu mệt quá. Ông chồng chêm vào: “Mệt quá chứ lỵ… nhưng yêu nhau thì phải cố”.

Nắng đã nhạt nhạt. Tôi giục mấy lần Loan mới chịu về. Hai đứa tạm biệt vợ chồng lần hai.

Đường về nhanh hơn. Xuống thuyền, tôi đạp khỏe hơn. Thuyền rẽ sóng, chả cần phải lấy tay kéo cành cây đoạn ngách hồ như trước mà thuyền vẫn vun vút. Đã ra đến giữa hồ, chỉ nửa tiếng nữa thôi là lên bờ, lấy xe phóng về thành phố. Nghĩ đến lúc xe vi vu, được ngửa mặt đón gió, Loan ôm eo, áp má vào lưng, tôi thấy người bay bay.   

- Sắp đến đảo Hoa chưa anh?

Một con thuyền, một đôi trai gái đang sát bên thuyền tôi.

- Sắp rồi, còn tí nữa thôi. Đẹp lắm, hay lắm - Loan trả lời ngay lời cô gái.

- Bọn em dưới Hà Thanh lên. Chơi mãi ngoài kia, chả biết… Vừa xong mới gặp một chị kể chuyện đảo Hoa. Em dứt khoát phải vào.

- Ừ. Có đôi vợ chồng sống bên hoa. Tuyệt vời - Tôi bật nói một câu cho hòa nhập.

Chúng tôi lên bờ thì nắng đã tắt hết, thoắt cái núi rừng mờ mờ. Trả tiền thuyền xong xuôi, hai đứa vào bãi lấy xe thì lại một đôi, nhìn cái biết ngay là đang yêu.

- Anh chị vừa vào đảo Hoa về à.

- Đúng rồi. Hai em muốn vào đấy à?

- Vâng. Sắp tối rồi liệu có vào được không?

- Vào thì vào được. Nhưng thôi… tốt nhất là ngủ lại đây. Kia có nhà nghỉ kia kìa. Sáng mai đi sớm nắng đẹp.

Toàn cô gái hỏi và Loan trả lời. Tôi đứng dịch ra, chờ đợi, sốt ruột.

Xong câu chuyện, lúc ngồi trên xe, tôi bảo Loan, sao lắm người giống em thế nhỉ. “Có anh mới cành cây khúc củi” - Loan véo vào sườn tôi một cái.

*

Hai tháng sau chúng tôi làm đám cưới. “Nội dung, khách mời anh lo, riêng phần clip tình yêu và hoa cứ để em” - Loan phân công, tôi nhất trí.

Trước một tuần, clip xong xuôi. Loan đề nghị tối nay ta thuê một phòng khách sạn để xem cho thích. Tất nhiên là tôi sướng lắm, vì… điều ấy… chờ đợi, đòi mãi… không được… hai năm nay rồi.

Phải nói là Loan có đầu óc của nhà sưu tập, tỉ mỉ, chi tiết từng sự kiện dấu mốc. Lần đầu tiên hai đứa gặp nhau bên suối… hình như chuyến công tác vào Na Sa. Lần hai đứa đứng trú mưa dưới hiên nhà bách hóa. Rồi Loan gương mặt trầm trầm, đang a lô với chú thích - anh ơi, em nhớ anh. Rồi tôi đang chải tóc cho Loan. Hình đẹp, hiệu ứng đầy hoa bung nở, nhạc nền nhẹ nhàng du dương… tôi chăm chú xem, thỉnh thoảng lại gật đầu: “Được đấy, bây giờ anh mới biết em có năng khiếu món này”.

Tôi khựng lại, màn hình đang đến đoạn đảo Hoa. Hoa như bướm bay đủ sắc màu. Loan như hoa, Loan như bướm trong nắng gió chập chờn. Còn tôi… nhớ lại… tôi sợ hỏng hết ảnh… nhưng không, công bằng, cũng chả đến nỗi nào. Cái cười tuy không tự nhiên lắm nhưng như thế lại có nét cương nghị, phù hợp. Tay nào làm shop phải nói có nghề, biết việc, biết sản phẩm ra phải như thế. Tôi đã hết lấn cấn, quay lại Loan, em vẫn chăm chú. Nhìn đôi mắt, đôi môi tôi không chịu được và sát luôn vào. Giường đôi, gối ga trắng tinh, không khí hạnh phúc thế này… để dành làm gì…

Hai đứa tôi đang sắp đến đỉnh thì… chuông điện thoại. Loan vùng dậy a lô. Tôi vẫn nằm giường, nghe tiếng bé bé… “Hoa, đảo Hoa nghiêm chỉnh, yên tâm làm ăn lâu dài, không đời nào trà trộn…”.

Loan nghe xong, quay lại bảo tôi: “Yên tâm khoản hoa rồi, bây giờ mình cùng xuống đó kiểm tra mẫu”. Tôi không muốn nhưng cũng đành đi theo.

Chị chủ quán hoa không đẹp như hoa nhưng nhanh nhẹn, mềm mại. Bao nhiêu là hoa, tôi chỉ biết hồng, ly, lan còn loại khác thì ngốt ngợp, mù tịt. Chị chủ nhấc hai xô hoa lên bàn, bảo: “Hàng đảo Hoa đây, hàng linh tinh đây, một trời một vực chưa”. Loan tiến lùi ngắm một lúc, gật đầu - đúng đấy, một đằng đậm, một đằng nhạt; một đằng thanh thoát, một đằng tù tù.

Một tuần sau, lễ cưới của chúng tôi thành công tốt đẹp. Khách đến đủ theo số mời, nghi thức truyền thống ít, chủ yếu là tươi trẻ. Mọi người thích nhất là hoa, nói kiểu tự khen mình này ra vì khi hai chúng tôi đi chúc rượu cảm ơn thì mâm nào cũng bày tỏ: “Hoa đẹp quá! Có phải hoa đảo Hoa không?”. Loan sung sướng: “Vâng, bọn em đặt đảo Hoa đấy ạ”.

*

…Đám cưới bay lên rồi cũng hạ xuống. Chúng tôi trở về với công việc thường ngày. May mắn cho hai đứa thuê được căn phòng 20m2 của người quen với giá tượng trưng có một triệu một tháng. Hai suất lương tuy ít, nhưng vợ chồng son cũng chả phải lo nghĩ cơm áo gì nhiều.

Loan vẫn duy trì bình hoa tươi trong phòng. Tôi tôn trọng sở thích của em, đã có phần thích thích, mỗi sáng ngắm em vừa hát khe khẽ vừa thay hoa mới.

Thường chúng tôi đi ngủ sớm, chuyện trò linh tinh, trêu nhau... Một tối, Loan báo tin mừng cho tôi: “Mình có con rồi”. Tôi vui, thơm một cái cảm ơn vợ yêu và đề nghị từ nay chúng ta tiết kiệm để chuẩn bị chào đón công dân mới. Loan nói luôn: “Kệ anh cắt khoản nào thì cắt, em vẫn phải có hoa đấy”. Tôi định nói rằng, hoa chả đáng bao nhiêu nhưng cái đầu mình không nên để điều phù phiếm… Nhưng nhìn mặt em đang chùng xuống nên chệch sang một câu xa xa … cơm áo tã lót đã ngồi cùng mâm với chúng ta rồi.

Hoa tươi vẫn luôn ở cùng chúng tôi. Không một giờ héo, không một ngày quên. Dạo này bụng Loan đã to, thấy em ì ạch ngồi xuống đứng lên mỗi lần thay hoa, thêm nước, tôi bảo để anh làm hộ cho. Loan dứt khoát, không được không được. Mấy bận như thế, tôi mới hỏi: “Anh làm thì sao, hoa nó biết ai vào mấy ai?”. Loan lắc đầu rồi nhìn tôi: “Ngốc ạ, cho con đấy”. Loan đưa sát hoa vào bụng, vờn vờn; đây này… anh muốn con đẹp hay con xấu? Tôi chịu thua và quên đi.

*

… Mấy ngày nay Loan có biểu hiện sắp sinh. Tôi đi làm, hơn tiếng lại gọi điện về nắm tình hình. Một buổi như lệ thường, tôi về sớm, mở cửa gọi Loan ơi Loan ơi thì một phụ nữ gầy đét bước ra chào.

- Em là…

- Anh không nhớ em à?

- Trông quen quen nhưng nói thật là anh quên.

Một lúc sau thì Loan mới bế bụng khềnh khàng ra:

- Đây là chị Hoa. Ở đảo Hoa ấy. Hồi chúng mình yêu nhau vào chơi đấy.

Tôi cố nhớ, tất cả đã khác, chỉ còn mỗi đôi mắt long lanh hồn nhiên còn nguyên.

Ba ngày sau thì Loan sinh. Hoa biết việc, tháo vát, chăm bà đẻ, con đỏ như mẹ tôi ngày xưa. Tôi nhẹ cả người, thầm biết ơn cô ấy.

Cả tháng Hoa như một ô-sin thực thụ. Tôi mang tiếng vợ đẻ mà chả biết đến tã bỉm, phân su; về nhà cứ như trong phim, thơm con thơm vợ.

Một chủ nhật, ăn sáng xong, đọc sách chán, tôi nằm giường vẩn vơ. Nhìn giá sách, nhìn giấy khen, nhìn ảnh cưới rồi bàn trang điểm… Ô lọ hoa. Lọ hoa rỗng không.

- Loan ơi, Loan ơi…

Tôi giật giọng, đứa bé khóc ré lên. Loan vỗ vỗ nựng nựng một lúc, rồi nhè nhẹ lại.

- Em bỏ hoa từ bao giờ thế?

Xuỵt xuỵt… Loan đưa tay bịt miệng tôi rồi chỉ về Hoa đang nằm ôm con bé.

Tôi im nhưng ấm ức không hiểu. Mãi cuối chiều Hoa đi chợ, không đợi tôi  hỏi lại, Loan chủ động: “Cấm anh nói chuyện hoa đấy nhé”. “Em chán hoa rồi à?”. “Không phải… nhưng cứ biết là cấm đã”.

Tôi không gặng nữa, nghĩ bụng chắc cũng không có gì nghiêm trọng đâu.

Ba ngày sau, mùng 8 tháng 3, cơ quan tôi tổ chức cho chị em đi chơi hồ Noong, tôi là Phó Chủ tịch Công đoàn không thể lí do vắng mặt. Việc này tôi đã thông báo, dẫn giải từ trước với Loan. Loan có vẻ không vui, dặn tôi đừng nói cho chị Hoa biết nhé. Rút kinh nghiệm từ lần lọ hoa, tôi không hỏi thêm, chỉ bảo yên tâm.

Chưa đầy năm không đến mà hồ Noong khác hẳn. Khách sạn thêm hai cái to đoành, ôtô đen trắng, xe máy xanh đỏ đông đặc. Tinh những khách là khách. Tôi dẫn đầu, len lỏi đưa đoàn xuống bến thuyền. Bến đông quá, chen lấn chòng chành, tôi lo trách nhiệm nên động viên mọi người cứ thong thả đợi người ta vãn vãn, ăn cơm đi trước lội nước đi sau.

Chúng tôi ngồi phệt trên cỏ, chuyện linh tinh với cô hướng dẫn viên và anh quản lý. Cô hướng dẫn viên kể khổ mà giọng như khoe: “Những dịp lễ như thế này, ngày em phải làm việc 12 tiếng”. Anh quản lý bảo: “Cũng chả ăn thua, năm mới có mấy dịp, vèo cái xong lại vắng như chùa bà Đanh”. Tôi kể chuyện cổ tích đôi trai gái yêu nhau không lấy được nhau, một người hóa thành rừng, một người hóa hồ nước. Chị em háo hức nghe, một người hỏi thật không. Tôi đáp: “Thật trăm phần trăm, còn dấu tích hẳn hoi… Đảo Hoa có hai người yêu nhau và trồng hoa”. Nói xong tôi mới biết mình bốc quá. Nhưng khó rồi, chị em đã dứt khoát: Thế thì chúng ta sẽ thăm đảo Hoa đầu tiên. Tôi xìu hẳn người, đang nghĩ cách đối phó khi sự thật phơi bày chả phải thế… thì anh quản lý đã cứu tôi:

- Đảo Hoa thì vẫn còn. Nhưng hai người thì mất một rồi. Dân nhảy dù ý mà, tự đến rồi đi, chính quyền cũng chả quản lý xuể.

Tôi nhìn những đôi mắt chị em thất vọng, thầm cảm ơn anh quản lý đã cứu mình một bàn thua trông thấy… nhưng trí khôn đột xuất ra, tôi nói giữ thế:

- Sợ ông quá đấy. Giám đốc ông mà biết thì đuổi việc là cái chắc.

- Bọn em làm du lịch nhưng chân thật mộc mạc. Núi rừng đây, hồ nước đây, thiên nhiên trong lành đây... thêm bụi bặm vào làm gì.

Tôi ngượng. Chuyện cổ tích hồ Noong không phải là tôi, cô bạn tôi sáng tác ra, căn cứ vào độ lãng mạn, nó có thể là một đôi yêu nhau nào đó, đến đây bốc lên. Rồi thêm thắt, rồi dị bản, rồi truyền miệng, bất kỳ khu lịch sinh thái nào cũng “tự nhiên” sinh ra thế. Như có đất là có cỏ, có cây là có chim…

Còn đảo Hoa, tôi không dại gì kể “một nửa” đang tá túc nhà tôi. Đấy cũng là sự tất nhiên của một đôi đũa lệch. Cô gái mộng mơ quá đà theo người tình đáng tuổi bố mình. Nhưng thôi, vẫn còn hoa an ủi. Dù vợ giấu tịt nhưng tôi thừa biết… Sau lần này tôi sẽ về phân tích cho Hoa thôi phận gái chấp nhận về với đảo Hoa.

Tôi đã tránh được đảo Hoa với lí do đường vào rất nhiều rắn xanh đuôi đỏ (bịa phần đuôi đỏ), nguy hiểm khó lường… ai không tin về hỏi vợ tôi. Nói đến rắn, chị em lập tức xanh mắt. Rồi tất cả cũng quên, vui ngay khi thuyền rập rềnh hồ nước, rừng xanh xõa bóng nghiêng soi.

*

Sáng hôm sau tôi dậy muộn, không thấy Hoa, tôi hỏi. Loan bảo: “Chị ấy đi rồi, thấy anh ngủ say quá em chả gọi”. “Đi đâu, sao không gọi anh đưa về”. “Đi xe ca về quê”. Rồi Loan kể: “Em gọi điện về gặp bố chị ấy, xin cho chị ấy… nói tình hình chị ấy….”. “Thế Hoa bảo có lên nữa không?”. “Không, chị ấy bảo lấy chồng, chồng già bao nhiêu cũng được, khổ bao nhiêu cũng được, nhưng không có con thì phải thôi thôi”.

Chuyện của Hoa rồi cũng quên đi. Cho đến một tối, cả nhà tôi đang ăn cơm thì có điện thoại. Loan nghe, đáp, giọng mừng rỡ: “Thế à, chúc mừng em...”. Rồi thấy: “Không… từ ngày sinh cháu, chị chả đi được đâu… để chị hỏi anh Sơn đã. Em giữ máy nhé”.

Loan quay sang tôi:

- Lần mùng 8 tháng 3 anh có vào đảo Hoa không nhỉ?

- Không.

- Em nghe người ta nói, ông này vẫn ở đấy, vẫn trồng hoa và lấy vợ mới rồi. - Ờ, anh cũng nghe thế.

Loan nghe tiếp. Thấy loáng thoáng câu: “Dưỡng thai… con so phải giữ gìn nhé”.

Loan tắt máy, câu chuyện vỡ ra: “Hoa mới lấy chồng, có thai ngay”.

Tôi cũng vui lây liền bảo, anh đi mua hoa về cắm lọ nhé.

Loan im lặng, rồi ra tựa cửa nhìn trời đêm. Tôi cũng nhìn theo. 

Truyện ngắn của Du An
.
.