Đàn bươm bướm

Thứ Năm, 11/01/2018, 10:10
Mười hai tháng bẩy, trời không trăng. Đường làng tối om. Mới chập tối, xóm làng yên ắng, không tiếng chó tiếng gà. Cũng không thấy tiếng quát tháo con cái học hành hay cơm nước gì cả. Cuối xóm, căn nhà nhỏ, với ánh đèn lờ mờ của vợ chồng Nhài. Tôi bế cháu vào chơi. 

Ở thời buổi mọi nhà đều cố xây cái cổng thật cao, bờ tường bao quanh kín mít, đương nhiên tình làng nghĩa xóm cũng không còn như xưa. Nhà Nhài cũng có cổng, nhưng thấp và mỏng mảnh, nó hợp với căn nhà tuềnh toàng. Lâu nay, tôi cũng như bao người trong xóm, lúc rảnh chỉ thích đến nhà Nhài. Trẻ con thì chơi đùa nhặng xị. Người lớn thì đến tán phét. Có thể ví, nhà Nhài như ngã ba chợ, hay như búi tre đầu làng. Họ đến để giải tỏa nỗi buồn chán của những lo toan, gấp gáp. Chỉ khi nhìn vào gia cảnh nhà Nhài, họ mới yên lòng và thấy thời gian trôi đi không nhanh quá, như người ta đang tưởng.

Tôi bước vào cổng, Nhài đang ngồi băm đống lá khoai nước để nấu cho lợn. Trong chuồng, mấy con lợn chạy xồng xộc, ụt ịt. Con lợn mẹ già gầy trơ xương, nằm thườn ra cho lũ con húc mõm thục mạng. Kế bên là con bò, khuôn mặt ngơ ngơ, bước đi bước lại, dẫm be bét những đống phân mà nó xả ra. Con vật cũng có số phận, sống ở nhà Nhài nó cũng khổ hơn so với ở nhà khác. Tôi hỏi, thế dạo này không cho lợn ăn cám sống, mà lại nấu à?

Nhài cười, hàm răng vàng ệch, tấm thân gầy rộc. Nhài bảo, giá lợn bây giờ mà cho ăn cám sống thì vỡ mồm. Tôi nhìn quanh nhà. Con Nhài chơi đùa dưới mái nhà lợp bờ - rô, ba gian thấp. Cái cửa sổ chống bằng mấy viên gạch. Một đứa khóc, chạy đến bên Nhài: "Mẹ ơi con đau". Nhài thở dài mệt nhọc: "Đau ở đâu, tao lấy dao cắt bỏ luôn đấy". Thằng bé im tịt. Bố Nhài đã tám mươi tuổi, mắt nổ, mắt xịt, u cục lằng nhằng trên người. Ông nằm võng, dỏng tai nghe cái âm thanh quen thuộc của lũ trẻ con chuyên nghịch ngợm phá phách. Nhìn lũ trẻ chơi, tôi lại nhớ ngày mình còn bé, hay sang nhà Nhài chơi như thế này.

Khi ấy, bố Nhài vẫn còn nhìn thấy lơ mơ. Nhà Nhài có sáu chị em gái. Tôi là trẻ con không hay biết gì nguồn gốc của sáu chị em Nhài. Chỉ thấy người lớn họ nói với nhau rằng, sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu trong nhà rồi mới sinh ông. Ba đứa con gái đầu là con của bố Nhài. Còn ba đứa út, trong đó có Nhài, là con của ông Nhài. Với cái đầu non nớt của mình, tôi không quan tâm đến điều đó lắm. Tôi chỉ biết Nhài có đông đủ chị em và có mẹ như bao người khác là được. Khi ấy, làng đói kém lắm.

Dường như ngày ba bữa cơm tôi đều có mặt ở nhà Nhài. Tôi sang không phải để ăn trực, mà mỗi hôm có một lý do riêng. Thông thường là mẹ tôi mang gạo về quá muộn. Cơm một bữa, ăn linh tinh cho qua bữa, thế là tôi lại đi ngay được. Gần như tôi thuộc mọi thói quen sinh hoạt của nhà Nhài. Năm ấy mưa nhiều, ngoài đồng đã thu hoạch lạc.

Tôi không hình dung  nổi giun ở đâu mà nhiều như thế. Lũ trẻ con chúng tôi mỗi khi đi ra đồng mót lạc, trên bờ dưới ruộng, không chỗ nào là không thấy giun. Tôi ghê chân lắm, nhưng vẫn thích đi. Vì tôi không cưỡng nổi những hạt mưa dày đặc kia đã vô tình làm nổi lên những củ lạc trắng hếu, hay những củ già đanh. Lũ trẻ tranh nhau nhặt lạc, ngã dấm dúi xuống bùn đất, cười hả hê.

Nhà Nhài đông con. Gặt lúa về, mới phơi ráo vỏ, cả nhà ngồi nhìn đống thóc mà không biết nó sẽ ở lại được bao lâu. Chợt tôi thấy con chó chạy từ cổng lao thẳng vào nhà, nằm chúi trong gầm chõng tre, gầm gừ. Ngoài cổng, mấy người xấn xổ kéo xe bò vào sân. Chúng tôi chạy vội ra nhìn. Hai vợ chồng hàng xóm và hai cậu con trai, mặt gồng lên cái vẻ mặt lạnh tanh, gân guốc. Bà vợ ráo to: "Tôi sang đòi thóc". Mẹ Nhài lúng túng: "Bà để tôi phơi khô thóc đã".

Bà hàng xóm trợn mắt: "Để nhà bà phơi khô thì tôi sang lấy rơm về à?". Thế là vợ chồng con cái họ lao vào cầm thúng vục lấy vục để. Đống thóc mới được tráng qua nắng. Trước sự bất lực của cả nhà Nhài, đầu óc tôi trơ ra khó hiểu. Đống thóc vơi đi nhanh chóng. Họ cân nháo nhào lấy lệ, rồi mang hết đi. Nhài cầm chổi ra quét mấy hạt thóc vương vãi. Tưởng mọi chuyện đã xong, họ lại tiếp tục sang.

Ông chồng nhảy vào chuồng lợn, dang hai tay túm trượt chân con lợn. Tiếng kêu eng éc. Con lợn chạy nép vào góc chuồng. Bà vợ cầm cái rọ tre, mở tung miệng nắp. Con lợn giãy giụa òng ọc vô vọng trong cái rọ. Xong việc, bà ta vẩy tay nói: "Thế là tôi trừ hết nợ cho bà rồi nhé". Tôi tự hỏi không biết nhà Nhài vay họ lúc nào mà nhiều thế. Tôi chỉ thấy, mỗi khi mẹ Nhài đi vay, cũng chỉ vay được bao thóc nhỏ đỡ đói cho cả nhà vài ngày. Mẹ Nhài rơm rớm nước mắt, nhìn họ mang hết thóc và lợn đi.

Minh họa: Thành Chương

"Quân ăn cướp mà". Tháng mười năm ngoái, mẹ Nhài mua chịu của họ một con lợn con, họ tính một tạ thóc. Mẹ bảo nợ đến vụ mùa tháng năm thì trả. Nhưng tháng năm không trả nổi, lại nợ đến tháng mười. Thế là họ tính một thành hai tạ. Họ lấy thóc, lại bắt luôn con lợn bốn mươi cân. Mất cả chì lẫn chài.

Những ngày mưa gió liên miên, con đường trong xóm lầy lội, bùn đất vữa nát như cháo. Mùa giáp hạt, tôi thấy chị em Nhài hạ bao thóc nhỏ trên xà nhà xuống, cho vào cối giã. Cả nhà giã từng mẻ gạo, nghe tiếng giã kì kịch, vui lắm. Tôi nghĩ vì sao phải gác thóc lên mãi xà nhà. Mãi tôi mới hiểu, mẹ Nhài đã nhanh tay giấu đi một ít thóc, để dành cho những ngày mưa dầm gió bấc. Nhà Nhài có chín miệng ăn, tý gạo kia, liệu có lấp được chín cái bụng đói hóp. Tôi thấy có một rổ rau muống sống, cùng một rổ cua đã bóc mai để bên cạnh.

Nhài lấy cua sống cuốn rau muống, mời tôi: "Ăn đi, món này ngon và bổ lắm đấy".Tôi đương nhiên lúc nào chả thèm ăn, nhưng quả thực, tôi không thể nuốt nổi miếng cua sống. Vài ngày, khi biết nhà Nhài không còn sờ đâu ra cái để ăn, bà hàng xóm kia lại sang tỉ tê trò chuyện. Họ thân thiện bất thường. Bà liếc nhìn quanh sân. Đã trưa mà mấy cái nồi vứt trơ chỏng ngoài sân giếng.

Bà ta cười nói: "Thế mấy đứa không lo cơm nước gì à? Bà này, tôi tính thế này nhé, nhà bà đất rộng, lại toàn con gái, một lũ bươm bướm, mai kia nó lớn là nó bay đi hết. Để đất làm gì cho chó nó ị bậy. Bà đổi cho tôi một mảnh, lấy thóc về cho các cháu nó ăn. Mảnh đất góc sân, tôi đổi cho tám mươi cân thóc đấy. Bà sang mà lấy ngay về nấu cho các cháu, nhìn lũ trẻ đến tội". Mẹ Nhài buồn nẫu, nghĩ cảnh nhà nát cột xiêu. Như tỏ lòng tốt, bà hàng xóm xua chị em Nhài sang nhà gánh thóc về. Rồi bà phủi mông đứng dậy, cười, có thực mới vực được thân chứ.

Hình như cái dạ dày của người đói mỗi ngày một lớn thì phải. Hai rổ rau, một rổ khoai lang luộc, cùng một nồi cơm trắng mà nó biến mất nhanh chóng sau những cái nhồm nhoàm của mấy chị em. Ông nội Nhài mỗi khi ăn xong, lại leo lên cái chõng tre nằm khểnh. Còn bố Nhài ngồi vò võ bên cái ghế nhỏ tý, cúi gằm trước những lời nguyền rủa "cha bố thằng sẹo" sùi bọt mép của vợ, hay tiếng gầm gừ chì chiết được thoát ra từ cái buồng nhỏ tối, của ông nội Nhài. Mấy chị em Nhài ngồi im như thóc. Tôi cũng ngồi im như người trong cuộc.

Tôi lặng lẽ quan sát vẻ mặt của chúng. Mấy chị em Nhài, mỗi người xấu một vẻ. Cái xấu mà trong xóm này không ai đụng hàng được. Ngoài trời lúc này, mưa gió đang lồng lên tít mù. Mái tranh nhà Nhài dập dềnh trực bay khỏi tường. Nước chảy đến đâu, hứng thau đến đấy. Cho đến khi trong nhà biến thành sân, lũ trẻ chúng tôi lại tắm mưa.

Rồi tuổi thơ tôi, lần lượt chứng kiến ông nội Nhài ra đi. Hai hàm răng ông cắn chặt vào cái vỏ chăn, mãi không nhả ra. Một lúc sau, tôi thấy mấy người gào lên với đôi mắt khô khốc. Lúc ấy tôi mới biết ông Nhài đã mất. Ngày ông mất, tôi được một phen ngấy mỡ mấy hôm. Cỗ đám ma, toàn thịt mỡ trắng phau. Ông mất đi, nhà bớt được một miệng ăn, bố Nhài cũng đỡ được một cái mồm chửi bới nguyền rủa.

Hai năm sau mẹ Nhài bị một căn bệnh quái lạ, da vàng bụng to như sắp đẻ, ngứa ngáy khắp người. Bà hay ra sân ngồi bảo Nhài dùng chiếc lược sừng cào vào người, vào đầu cho đỡ ngứa. Ngày bà sắp chết, tôi thấy da bà thi thoảng lại phá mủ, máu ra một đống. Nhìn sợ lắm. Mẹ tôi bảo con không được sang đấy chơi và không được tới gần bà ta.

Nhài lúc này đã có hai con rồi. Chúng tôi đã ngoài ba mươi tuổi. Tôi bảo bố Nhài: "Bác cứ sống thêm mười năm nữa, lũ trẻ nó lại sang chơi đùa cho ông điếc óc". Ông cười: "Lũ chúng mày ngày bé, suốt ngày trèo lên cây xoài làm gẫy hết cành". Nhài cười hềnh hệch: "Khi ấy mày rất khôn, bố tao cầm cái xào rơm lùa lên ngọn cây, mày ngồi yên đỉnh ngọn. Nhài dụi mắt, chồng Nhài nói giọng miền Nam lè nhè rất khó nghe: "Tui đã bảo là để đấy tui làm".

Anh ta cúi xuống băm rau như chiếu lệ. Nhài nguýt mắt: "Ông băm dài như cái gậy, lợn con nó ăn làm sao được, số tôi đến vất vả". Nhài nói với tôi: "Nuôi lợn nái bao năm, mỗi lứa đẻ được mấy con, bé như cóc kẹ. Năm nay, cả nước lao đao vì giá lợn rẻ, có người phải mang cả đàn lợn con mới đẻ đi vứt, thì lợn nhà này nó đẻ đến hai mươi con". Tôi cười: "Sao bà không… đặt vòng cho nó?". Nhài kể: "Nhà này cũng lạ, bà nhìn kia, lúc bò rẻ thì lại có con bê to đùng đến kỳ được bán. Bán lúc này rẻ, tiếc lắm".

*

Bao năm qua đi, xóm làng bao thay đổi. Đa số các gia đình trong làng xây nhà to như biệt thự, mà nhà Nhài vẫn tồn tại mái tranh vách đất, như để mọi người có chuyện bàn tán. Nhài bị nước lá khoai bắn vào mắt. Nhài rít lên: "Lọ thuốc nhỏ mắt đâu, chắc tôi ngứa lòi con mắt mất". Chồng Nhài kêu: "Đưa tiền đi mua thuốc cho". Tôi nhìn đồng hồ, đã chín giờ tối, cơm canh đã bầy lên bàn cả. Ừ, kể ra Nhài cũng hạnh phúc, chồng chả quản ngại đêm hôm hay bụng đói, thấy vợ đau là đứng phắt lên đi. Nhài hỏi: "Thế tiền vừa đưa đâu?". "Làm gì còn tiền, có ba chục ngàn để mai đổ xăng thôi hà".

"Thôi thôi, tôi không thuốc nữa". Anh ta chạy xộc lại, bế Nhài gọn lỏn như bế một đứa nhỏ đi về phía buồng. Nhài cười khúc khích, thò tay luồn xuống dưới gối, lấy cho chồng tờ một trăm nghìn. Anh chồng nổ máy đi thẳng. Lũ trẻ con vẫn đang mải chơi, hò hét ầm ỹ. Chúng nghịch không kém gì lũ chúng tôi ngày nhỏ.

Nhài bảo: "Mày biết không, có hôm hơn hai mươi đứa trẻ con tụ tập ở đây, gào thét đinh tai nhức óc. Cứ cái đà này, chúng nó lớn lên lại đông chả kém gì hội mình ngày xưa". Tôi nhìn quanh: "Ngày xưa, hội mình mà có cái sân rộng thế này mà chơi nhỉ? Lúc nhỏ thì trèo cành lừ cành ổi, lúc lớn biết yêu, biết ngượng, không biết tớ ngồi ở góc nào, hở Nhài?".

"Kia kìa" - Nhài chỉ tay về phía góc bờ ao. "Thế bà gặp chồng bà ở đâu?" - Tôi hỏi Nhài. "Tôi gặp hắn ở trại trẻ mồ côi. Hai đứa lấy nhau chẳng có gì ngoài căn nhà nát trong rừng, nên hai vợ chồng bồng con về Bắc sống nhờ đất bố đẻ". Tôi lại hỏi: "Sao anh ấy đi mua có lọ nhỏ mắt mà lâu thế?". Nhài cười: "Hắn đã ra khỏi nhà, là bạt trời". Tôi hình dung anh đang ngâm nga ở một quán cà phê, hay quán nước nào đó. Vì anh là dân miền Nam mà.

*

Nói đến sáu chị em nhà Nhài là cả một chuyện dài, không dễ ai theo dõi được đến trang cuối. Chị gái lớn của Nhài có tiếng là phồng phồng tẹt tẹt, đố anh nào yêu nổi. Một dạo, dân làng xì xầm to nhỏ, hướng mắt tới những người đàn ông sống quanh xóm để lần ra ai là "tác giả" của cái bụng to tướng kia. Những bán tín bán nghi rồi cũng tan biến hết. Một bé gái lau láu vẫn chào đời đúng hẹn mà không cần có người thừa nhận.

Dân làng nhìn con bé thì thào: "Tao nhìn cái mồm nó giống thằng Dũng vẩu lắm"; "Cái mắt nó kia chả của thằng Hải toét thì của ai"; "Ai mà biết được nhà nó, cứ toàn đoán già đoán non"; "Nhà nó luôn dẫn đầu về những chuyện hy hữu của làng". Rồi một thời gian, chẳng biết ai mai mối, có người đàn ông nhỡ đò, đến hỏi chị. Sau cái buổi ăn mừng bằng bộ trứng cóc và gan cóc, mấy người trong xóm phải vào đưa anh ta đi cấp cứu.

Chị gái thứ hai của Nhài, xấu người, xấu nết. Chị bước vào tuổi mười tám trước sự vô cảm của những chàng trai trong xóm. Chị thì nhìn đám đàn ông trong xóm bằng một nửa con mắt. Chị xuất ngoại lấy chồng, theo một đường dây đưa phụ nữ nhỡ nhàng sang Trung Quốc. Chị đi rồi, bà Huệ sứt, kẻ chuyên đi chèo kéo, đến nhà tỉ tê với em gái thứ ba và em áp út dưới Nhài đi theo luôn. Nhất cử lưỡng tiện, đi sang đó, vừa lấy được chồng, nhà lại được một chút tiền.

Thế là nhà Nhài có ba anh con rể ngoại quốc. Một dạo, cả làng nháo nhào lên, cái con mụ Huệ sứt, cố đấm ăn xôi, lôi cả bà già ấy làm gì? Thật không ngờ, bà ta lôi luôn cả mẹ Nhài đi. Đến cửa khẩu Lạng Sơn, bà Huệ sứt thuê làm tóc trang điểm cho mẹ Nhài. Rồi chắc việc không thành, bà lắc đầu quầy quậy, gắt gỏng ầm ĩ, khác với thái độ ngọt ngào khi rủ mẹ Nhài đi. Mấy chị em nhà Nhài nháo nhác mất mấy hôm thì mẹ trở về.

Một vài năm, đám trẻ chúng tôi lớn lên, mỗi người một ngả đi làm ăn xa, không mấy dịp được đến nhà Nhài nữa. Có đứa lập gia đình, bận chồng con, chả liên lạc với nhau. Xóm làng trở nên hẫng hụt, nhàm chán. Cuộc sống ai nấy chỉ lao vào kiếm tiền, càng nhiều càng ít.

Ngày xưa tuy nghèo, nhưng sống thanh thản. Nhà Nhài, cái trung tâm rắc rối thì nay đã đi sạch. Đứa con gái út gom nhặt được những nét đẹp tiềm ẩn của mấy người chị, nay cũng bước vào cái tuổi trăng tròn. Nhà đông người, nay chỉ còn hai bố con cô quạnh. Không gà, không lợn, không chó. Mấy gian nhà tranh phá hết, thu lại căn nhà bé xíu. Đàn bươm bướm đã bay đi. Có người quở, nếu cô út đi lấy chồng thì ông bố mắt kém ở lại với ai? Cứ thi thoảng mẹ tôi lại thảng thốt kể những mầu chuyện về nhà Nhài. Mẹ bảo, con bé Nhung thế mà có hiếu nhất nhà, nuôi bố nó béo trắng ra. Nhà ruộng nhiều thế, nay nó bán gần hết. Đời mẹ nó đổi đất vườn lấy thóc ăn, nay nó bán ruộng, cũng chỉ để ăn. Thế này, vợ chồng con Nhài về, chả có ruộng mà làm.

Con Nhài đến khổ, đi làm công nhân ở miền Nam, được bao tiền dồn hết gửi về cho em trả nợ, nuôi bố. Con Nhung út ít, thế mà hoành tráng nhất xóm đấy. Ngày nó lấy chồng, ôtô con ôtô to đậu kín ấp. Thằng em trai tôi bảo: "Nó lấy chồng xa, chả đi ôtô thì đi công nông đón dâu hả mẹ? Mẹ có biết cái thằng chồng nó thế nào không? Cưỡi xe máy, nó quệt cái chân chống xuống đường tóe lửa, cười hơn hớn như thằng dở".

Mẹ tôi chợt thở dài, thôi thì nhà con Nhài cũng qua thời lận đận. Tôi hỏi mẹ: "Thế ngày xưa nhà mình có giã gạo bằng cối nhỏ như nhà Nhài không?". Mẹ tôi đáp: "Có chứ". Năm ấy mưa nhiều. Lúa gặt về, lũ cào cào châu chấu bay đen đồng. Đám trẻ con đua nhau mang chai lọ đi bắt về rang. Lúa gặt về, chả phơi được, mẹ tôi rang thóc cho khô, rồi dùng cối chày tay giã ăn đủ bữa. Mẹ bảo, ở đời nhất tội nhì nợ. Nhà nghèo đói, phải đi vay, mà cứ đi vay thì một thành ba, đến hẹn không trả, nó cộng cả gốc lẫn lãi, rồi lại nhân ba, thì làm sao mà trả hết nợ. Kinh, người ta làm thế khác gì ăn cướp?

*

Nhài hỏi tôi: "Này, sao mày không tính chuyện chồng con đi. Già bố nó rồi. Mày thấy đấy, lão chồng dở hơi nhà tao chả được cái nước gì, nhưng nó vẫn có chỗ để mà sai những lúc ốm đau. Mày lấy chồng đi, để lấy đứa con, trẻ con nó đáng yêu lắm mày ạ. Mai kia già còn có đứa nó nuôi, cháu cũng không bằng con".

Tôi cười nhạt, pha chút nghẹn ngào. Con đường mình chọn, đúng hay sai? Cái mình buồn nhất không phải là không có người đàn ông bên cạnh, mà sợ nhất là trong tâm mình không có ai để nhớ, để yêu, để phục. Mình sợ cuộc sống lo toan vất vả của gia đình sẽ làm mất đi tình yêu. Nếu phải nhận tâm hồn cằn cỗi, để đổi lấy những cái đời thường này, mình thực sự không muốn. Có phải cái ý nghĩ lãng mạn này đã làm nên mình bây giờ?

Nhài cười hớn hở, vỗ vào chân tôi: "Này, mấy năm mày đi làm xa, khi nào thằng Hưng thấy tao, nó lại hỏi mày thế nào. Nó hỏi tỉ mỉ từng chuyện. Mỗi lần thấy mày về, nó lại sang, nhờ tao gọi mày. Nhưng tao ngại, sợ mày không muốn. Thế là nó cứ ngồi tỉ tê cả mấy tiếng". Tôi cười, không nói gì. Đầu óc chứa chất bao chuyện vui buồn. Nếu theo lẽ thường tình của mọi đứa con gái trong xóm, tôi ngẫm thấy mình không được bằng Nhài.

Chợt Nhài cười to khi thấy tiếng xe của chồng về. Đấy, nó vác xác về đấy. Nhìn cái mặt đỏ văng cùng mùi rượu nồng nặc, tôi đã hình dung ra cả. Nhài hôm nay không chửi chồng. Có lẽ nó là chuyện thường ngày. Tôi hiểu vì sao kinh tế nhà Nhài mãi không khá lên được. Nhài đi làm công nhân vất vả. Tranh giành sản lượng, mỗi ngày vác cả tấn hàng lên tấm thân  gầy guộc. Khi đó, chồng ở nhà, ngủ lăn lóc, hễ có tiền lại đi uống rượu.

Xưa bố mẹ Nhài đẻ toàn con gái. Nếu hết đời chị em Nhài, dòng họ của bố Nhài chính thức chấm dứt. Đàn bươm bướm đã bay xa. Tản mát mỗi đứa một nơi, một cảnh ngộ. Hạnh phúc của kiếp người là gì ư? Ngẫm cảnh ngộ nhà Nhài, tôi hoang mang. Kể cũng lạ, chị em Nhài toàn đẻ con trai. Một lũ con trai mai kia lộc ngộc lớn lên, chúng có biết chí thú học hành, làm ăn, hay lại suốt ngày ngủ và say rượu như chồng Nhài? Nghe nói hai chục năm nữa, lũ con trai lớn lên sẽ khó lấy được vợ vì xã hội mất cân bằng giới tính.

Tháng 10-2017

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Hiền
.
.