Cứu hộ

Thứ Hai, 04/04/2016, 08:00
Anh cảnh sát cứu hộ lôi lên vẫn hai cháu trai thanh gái tú, mặc quần áo đi đường ôm chặt lấy nhau. Họ phải gỡ mãi. Chúng đã chết lâm sàng. Chỉ chậm một phút nữa, trái tim chúng ngừng đập. Các anh vác chạy cho nó ộc hết nước trong bụng ra, rồi xoa ngực, hút mũi...

Đội cứu hộ rất ngạc nhiên khi vớt được một đôi trai gái còn để nguyên quần áo đi đường.

- Chú nhắc lại nhé, ở chỗ đền Độc Cước này hay có sóng cuốn rất dữ. Trong chốc lát nó cuốn luôn các cháu ra xa, không cứu được đâu. Do vậy tuyệt đối các cháu không được tắm ở đây. Rõ chưa?

Đôi trai gái vâng vâng dạ dạ.

Lúc ấy quãng mười giờ sáng. Nắng đã lên cao. Mặt biển rực rỡ sáng. Những con sóng ào ào đuổi nhau bắt nắng.

Bình yên cuộc sống. Thế nào là bình yên cuộc sống. Phấn đấu được nó, ôi chao, gian nan tưởng đến vô cùng tận. Chỉ riêng bình yên ở cái bãi tắm này... Thôi, chả kể nữa. Anh em dễ mang tiếng kêu ca.

Các anh chị em được làm nhiệm vụ giữ bình yên bãi tắm thì hầu như ngâm nước từ sáng tới chiều. Từ lúc mới có mươi mười lăm người xuống tắm đến khi bãi biển chỉ còn thấp thoáng mấy đôi trai gái lên muộn. Giờ cao điểm cả ngàn người ào ào xuống biển. Nhìn bãi tắm đen sẫm một màu tóc người chen người, vai chen vai. Cảnh sát cứu hộ, an ninh hòa vào họ. Hòa mà không tan. Người đuối nước kịp thời cứu hộ. Kẻ gian manh lập tức bị phát hiện. Thế mới giữ được bãi biển bình yên. Giữ được chân khách tham quan, du lịch.

Lần thứ hai, cảnh sát cứu hộ lại cứu đôi trai thanh gái lịch ở bãi biển gần đền Độc Cước.

- Sao thế này? - Anh cứu hộ có vẻ bực - Đã nhắc các cháu không được tắm ở khu vực này rồi. Đi tắm biển phải có quần áo bơi chứ? Các cháu muốn đi gặp thần Hà Bá à? Chú nhắc lại, các cháu không được tắm ở đây.

*

Bãi tắm đã vắng người. Nắng bỏng da. Lại có tín hiệu cấp cứu ở khu vực bãi sau đền Độc Cước.

Anh cảnh sát cứu hộ lôi lên vẫn hai cháu trai thanh gái tú, mặc quần áo đi đường ôm chặt lấy nhau. Họ phải gỡ mãi. Chúng đã chết lâm sàng. Chỉ chậm một phút nữa, trái tim chúng ngừng đập. Các anh vác chạy cho nó ộc hết nước trong bụng ra, rồi xoa ngực, hút mũi.

Quãng nửa giờ sau chúng tỉnh hẳn.

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Anh cảnh sát cứu hộ nước da đen bợt nhạt. Ngày nào cũng ngâm nước biển từ sớm đến trưa, từ trưa đến chiều muộn.

- Các cháu muốn chết à? Chú bảo không được tắm ở chỗ này cơ mà.

Đôi trẻ im lặng.

- Chỉ chậm một tí nữa thôi là các cháu tiêu luôn đấy.

Đứa con gái đã hồi sức, gương mặt hồng tươi, đẹp rực rỡ, khóc nức nở:

- Chú ơi, chúng cháu muốn chết. Sao chú không cho chúng cháu được chết.

- Vớ vẩn. Sao phải chết?

Đứa con gái nức nở. Chú cảnh sát cứu hộ càng ngọt lời dỗ dành, nó càng tấm tức khóc. Chú cao giọng:

- Khóc cái gì! Làm sao phải chết?

Tiếng khóc của nó càng ầm ĩ.

- Thôi, các cháu ngồi đấy mà khóc. Lớn rồi. Chú không có thì giờ chờ đợi nữa.

Chú cứu hộ rút chiếc còng số 8 ngoắc vào cái dây lưng phía sau quần xịp, đôi trai gái bây giờ mới nhìn thấy.

- Chú tạm khóa các cháu lại đã. Chú còn về tắm rửa, ăn trưa. Chú sẽ nghe các cháu giải thích sau.

Chú cứu hộ nói vậy thôi, chứ thực tình, mười phần, chú cũng đã đoán được cả chín phần rưỡi, chín phần chín cái lý do tại sao chúng phải chết và xin mình cho chúng được chết.

Chú cứu hộ không hề muốn bức cung. Nhưng ở hoàn cảnh này, không biết rõ lý do tại sao bọn trẻ muốn chết, thì không thể giữ nổi mạng sống cho chúng. Bước đường cùng rồi. Thả chúng ra, chúng lại xuống biển để được chết. Thảo nào chúng mặc nguyên quần áo đi lễ đền Độc Cước. Hẳn trước khi xuống biển, chúng đã vào cầu thần rồi. Nhưng thần nào nỡ cho chúng chết. Do đó, cả ba lần chúng muốn chết, cả ba lần đều được cứu hộ đúng lúc. Nhìn thấy chiếc còng số tám, đôi trai thanh gái tú con nhà lành run bắn người, sợ hãi. Cả hai đứa chắp tay lạy chú cứu hộ còn hơn lạy Phật. Nói cho cùng, chính chú cứu hộ ấy mới là người giữ lại mạng sống cho chúng, đưa chúng từ cõi chết về cõi nhân sinh.

- Chúng cháu lạy chú. Xin chú. Chú đừng khóa chúng cháu.

- Các cháu muốn chết. Chú không khóa thì còn đâu hơi sức canh trực và hộ tống các cháu. Nào cháu nào đưa chân đây.

Cô gái xô hẳn người vồ lấy chiếc còng số tám, giữ lại.

- Cháu lạy chú. Cháu van chú. Chú đừng khóa.

- Vậy tại sao các cháu muốn chết!

- Dạ... dạ...

- Tại sao muốn chết?

- Dạ... dạ...

- Không dạ... dạ... nữa. Tại sao muốn chết?

- Dạ... dạ... Bố mẹ cháu không cho chúng cháu lấy nhau.

- Tưởng gì. Có thế mà phải rủ nhau đi chết, xoàng quá. Các cháu xoàng quá. Đã gọi là yêu nhau thì chín suối cũng lội, mười đèo cũng qua, như các cụ dạy chữ. Phải bền gan, bền chí, kiên trì thuyết phục bố mẹ và phải biết chờ đợi, chờ đợi, hiểu không? Chú có người bạn cùng học phổ thông với chú. Vào Đại học Mỹ thuật yêu một cô gái, người Hà Nội hẳn hoi, học ở trường Đại học Kiến trúc. Ra trường, xin bố mẹ làm đám cưới. Không ngờ bố mẹ anh bạn chú không nghe, với rất nhiều lí do đưa ra. Ngưng lại. Vậy ít lâu sau lại tiếp tục xin cưới. Các cháu có biết chú ấy phải chờ đợi bao nhiêu năm để có ngày được đón người yêu lên xe hoa không? Đúng hai mươi năm. Lúc ấy bố mẹ anh bạn chú mới phát hoảng. Nếu không cho cưới, bạn gái nó sẽ lỡ thì sinh nở. Các cháu có tin không. Nếu chưa tin, các cháu có thể đến hỏi họa sĩ Hoàng Linh cán bộ giảng dạy Trường Cao đẳng Nhạc họa và cô gái là Nguyễn Dương Lân kiến trúc sư, ở Công ty Hoàng Lân. Họ là người trong cuộc đấy. Họ yêu nhau như thế chứ. Đằng này các cháu... Chú biết nói thế nào với các cháu đây. Chú hỏi các cháu, có lúc nào các cháu nghĩ đến công lao dưỡng dục của bố mẹ không? Ai sinh thành, vất vả, thậm chí nhịn đói nhịn khát nuôi dưỡng các cháu. Các cháu có học đại học không?

Bây giờ chàng trai mới lí nhí:

- Có ạ.

- Tốt nghiệp chưa?

- Rồi ạ.

- Cháu học ngành gì? Bạn gái học ngành gì?

- Cháu học công nghệ thông tin, lớp tài năng trẻ, còn Ngọc học công nghệ thực phẩm.

- Vậy mà các cháu lỡ cướp cơm bố mẹ. Các cháu có biết tội lớn nhất là tội gì không? Tội bất hiếu đấy. Cái tội này chết xuống âm phủ là một đàn chó ngao xông đến, xé xác moi gan, nhá xương nhai thịt cho kì hết. Thế là không còn kiếp luân hồi. Không bao giờ có thể làm người được nữa.

Cô gái hai tay bịt mặt y như nhìn thấy đàn chó ngao xông đến.

- Cháu sợ lắm. Chú đừng nói nữa.

- Vậy các cháu có muốn chết nữa không?

- Không. Không. Cháu sợ lắm.

- Vậy thì đứng dậy về phòng thường trực của chú tắm nước ngọt và thay quần áo khô. Cho chú ghi lại địa chỉ bố mẹ các cháu.

- Để làm gì ạ?

- Gọi bố mẹ các cháu vào đón các cháu về.

- Để chúng cháu tự về.

- Không được. Chú phải giao các cháu cho bố mẹ chứ. Nào, cháu trai, họ và tên bố.

- Cháu không có bố ạ.

- Sao lại thế?

- Cháu không biết ạ.

Chú cứu hộ giật mình, thấy có phần quá đáng. Vô tình đã đi sâu vào nỗi đau của cháu. Có thể vì vậy mà hôn nhân của các cháu không thành. Có thể nhà gái còn có những lời không đẹp, xúc phạm mẹ bạn trai dẫn đến đôi trẻ bế tắc tìm đến cái chết.

- Cho chú tên mẹ cháu.

- Mẹ cháu là Hoàng Thị Hiện.

- Điện thoại.

- Điện thoại của mẹ cháu là 09350008...

- Mẹ cháu còn đi làm nữa không?

- Mẹ cháu nghỉ mất sức lâu rồi ạ.

- Nào bây giờ đến cô này.

- Chú báo cho mẹ anh Đức là được rồi. Còn cháu, không cần báo cho họ ạ.

- Sao lại thế được.

- Cháu không cần họ đón.

- Không có người đón thì cháu phải ở lại với các chú.

- Mẹ anh Đức đón không được ạ?

- Mẹ anh Đức không đủ tư cách pháp nhân đón cháu.

- Vậy chú ghi đi. Họ tên bố cháu: Nguyễn Tiến. Điện thoại di động: 09141885...

- Nghề nghiệp.

Cô bé dằn giọng như nói thêm:

- Tổng giám đốc Tổng công ty...

- Thôi xong rồi. Chú cháu ta lên đường. Đói chưa? Ăn cơm trưa với các chú nhé.

*

Người đầu tiên đến công an Sầm Sơn hỏi tin Đức là một cán bộ cấp cao ngoài Bộ. Ông nói luôn:

- Tôi là người nhà cháu Đức, được các đồng chí cứu hộ cứu đuối. Phiền các đồng chí cho tôi gặp cháu.

Đồng chí trực cứu hộ dẫn ông ra phòng thường trực ngoài bờ biển.

Vừa đi anh vừa liếc nhìn ông. Sao ông giống thằng Đức thế. Không. Phải nói thằng Đức giống ông mới đúng. Cao lớn đẹp giai. Cái gáy phẳng. Đôi mắt đen. Sống mũi thẳng.

Đức bật dậy:

- Con chào bác.

- Sao con dại thế?

Im lặng.

- Con có thương mẹ con không?

Im lặng.

- Con có biết con đối với mẹ con quan trọng thế nào không?

- Con xin lỗi bác.

- Nếu con có mệnh hệ gì, mẹ con có sống được không?

- Con xin bác. Bác nói đỡ con với mẹ.

- Con ngồi xuống đi.

Nhận được tin Hiện, ông vội đi ngay. Cũng may, buổi chiều không có cuộc họp nào. Ông cứ nghĩ, Hiện ở trong này rồi mới điện cho ông.

Bây giờ Hiện đang ở đâu? Còn ở Bến xe Mỹ Đình hay đang trên chặng đường vào Thanh. Hiện bao giờ cũng chủ động, không ỉ lại, không dựa dẫm, phiền nhiễu. Việc tày đình như vậy mà chả chịu bảo ông đi đón. Tự mình lo, tự mình bắt xe đường trường.

*

Mối tình đầu mãi mãi đẹp như ánh trăng rằm. Vằng vặc, sáng trong. Và thơ mộng. Nó cứ nâng tâm hồn con người ta lên cao mãi, đẹp mãi và trẻ mãi.

Anh chàng thiếu úy quá đẹp trai vừa mới ra trường được cử lên biên giới Vị Xuyên giữa thời kì ác liệt nhất. Hằng ngày có hàng trăm chiến sĩ thương vong chuyển về tuyến sau. Thật ra, mới gặp nhau mà đã mắt bắt mắt, lòng đã bắt lòng. Có lẽ, tình yêu thời chiến là tình yêu đẹp nhất, bền vững nhất, trong sáng nhất. Bởi nó vô tư của những người vào trận phần sống ít hơn phần hi sinh vì đồng đội, vì Tổ quốc. Chỉ một lời hứa hẹn mà tin nhau đến tuyệt đối. Hai đứa đứng giữa rừng giữa tiếng đạn pháo giặc rung chuyển, khói đạn khét lẹt, hôn nhau đến cháy môi mà miệng lạo xạo đầy bụi đất.

- Chúng mình chờ nhau nhé.

- Vâng.

- Hết chiến tranh biên giới chúng mình sẽ cưới nhau.

- Vâng.

Vậy mà chả đứa nào có địa chỉ của nhau. Tìm nhau ở đâu đây. Quả đất xoay tròn. Có lòng tin ở nhau thì sẽ có ngày gặp nhau. Sau chiến tranh biên giới, anh đi học tiếp rồi lên Tây Nguyên chống FULRO. Vừa học vừa công tác vừa dò tìm Hiện. Vẫn biệt vô âm tín. Ba mươi tư tuổi anh mới lập gia đình. Vợ anh khó đẻ. Chữa hết Phụ sản Hà Nội đến Phụ sản Trung ương mới được một mống đái ngồi.

Còn Hiện chuyển về nông trường trồng chè. Hiện đẹp, có duyên thầm, đôi lông mày cánh cung. Có hàng tiểu đội con trai đến xếp hàng. Phải nói, có mấy anh Hiện cũng thích. Hiện đã kiên nhẫn chờ đợi đến tột cùng. Hiện định quên đi lời hứa. Nhưng ở đâu, vừa lấy chồng thì gặp lại anh. Sự đời vốn vậy. Thế là Hiện cứ chờ. Nhiều kẻ ghét hiện bảo Hiện kiêu. Hiện bị quả báo: Hiện chết già trong tàn tã cô đơn là đáng đời lắm.

Hiện gặp lại anh thật tình cờ. Chiếc xe của anh về muộn chạy qua dốc Dây Bầu. Ở đó có một xóm không chồng. Trời tối đen, giơ bàn tay lên trước mặt còn không nhìn rõ. Anh chạy vào một nhà còn le lói ánh sáng để mượn đèn cho người lái thay lốp. Bốn con mắt nhìn nhau sững người.

- Hiện

- Anh.

- Sao lại thế này?

Anh đã có gia đình. Hiện không muốn phá hoại hạnh phúc của gia đình anh. Nhưng Hiện cũng sợ chết già, sợ cô đơn.

Đêm ấy họ vội vã chia tay trong day dứt, khắc khoải. Bởi công việc, anh không thể nán lại. Anh hẹn Hiện sẽ đến với Hiện vào ngày mốt ngày hai.

Anh ngỡ ngàng thấy mái tóc Hiện thấp thoáng vài sợi bạc.

- Đêm nào em cũng nghĩ đến anh. Em luôn luôn tin sẽ có ngày anh em mình tìm thấy nhau.

- Tiếc là đã quá muộn.

- Không sao anh ạ. Chúng ta vẫn còn một niềm tin. Niềm tin sắt đá vào tình yêu của nhau.

Hiện nở thằng cu, anh mừng nghẹt thở lặng người. Mừng mà không dám đến thăm con. Hiện cấm. Phải gìn giữ hạnh phúc cho gia đình anh, cho vợ con anh. Vậy cho anh góp chút nhỏ bé đỡ em nuôi con. Hiện bảo, không. Anh đã cho em một tài sản to lớn, vô giá rồi. Hãy cứ để em nuôi con trong nghèo khó như những người mẹ ở xóm Dây Bầu này. Khi nào con cứng cáp em sẽ đưa con đến một điểm hẹn. Anh nhớ mãi năm ấy, anh được tặng rất nhiều cặp. Vỡ tổ cặp. Anh chọn vài cái đẹp nhất định đem đến điểm hẹn cho con. Hiện bảo, đừng làm khó em. Con hỏi em biết trả lời sao đây. Nhìn con đeo cặp sách cũ. Hiện khâu lại đường sứt chỉ, anh thương quá, nhưng Hiện nói vậy, anh chẳng có lý do biện bạch.

*

Vợ chồng Tiến đi con xe sang Lexus màu cà phê sữa đến. Vừa xuống xe nhìn thấy Điện, Tiến tái mặt trong giây lát.

Anh hoàn toàn bị bất ngờ. Sao thằng Đức giống anh Điện đến thế. Vóc dáng cao lớn, trắng trẻo, cái gáy phẳng, con mắt, cái sống mũi... có lẽ. Nếu đúng, vợ chồng anh đã phạm một sai lầm. Cuộc đời! Cuộc đời sao nhiễu sự, bất ngờ ngẫu nhiên đến thế!

Tiến tươi cười chạy đến trước mặt Điện:

- Em chào anh.

- Cậu vẫn nhớ mình à?

- Em sợ anh không nhớ em chứ em quên anh thế nào được.

Ở biên giới Vị Xuyên đang thời kì ác liệt. Tiến loay hoay định xoay khẩu AK báng gập, bắn vào bàn tay phải. Để ý hành động của Tiến vài hôm nay. Điện đoán biết ngay.

- Cậu tự thương đi. Cậu tự thương xong tớ cũng bắn bỏ cậu luôn, không thể để những thằng như cậu làm hèn quân đội.

Bị bắt thóp, Tiến sợ quá, run rẩy:

- Em, em...

- Cậu bắn vào tay cậu đi để tớ bắn bỏ cậu.

Cái thằng lính thông tin, mặt chuột kẹp, miệng nói, mắt đảo ấy, giờ đây đứng trước mặt Điện với cái chức danh Tổng giám đốc nhờ ngành công nghệ thông tin phát triển và cái lưỡi, cái đầu gối có lẽ phải nói là trên cả tuyệt vời của cậu ta.

Còn vợ cậu ta, một người phốp pháp, vòng ngọc bích đeo cả hai cổ tay. Hạt ngọc trai đen quấn ba vòng trên cổ, xô đến đứa con gái:

- Con gái mẹ, con gái mẹ. Sao lại thế này hả con?

Đứa con gái gương mặt câng câng ráo hoảnh không chào hỏi, không quay nhìn bố mẹ. Khi người mẹ cúi người ôm nó thì nó né người, khiến mẹ nó mất đà, chống tay ngã nghiêng người. Nó nghiêm giọng:

- Đừng động vào người tôi. Đáng lẽ tôi đã được chết cho ông bà vào nhận xác.

- Con tôi. Sao con nỡ nói với mẹ như thế.

Hôm Ngọc dẫn bạn trai về giới thiệu với bố mẹ, vợ chồng Tiến mừng lắm. Đức đẹp giai, học giỏi. Chỉ ngại một chút là nó không nói đến bố. Vợ chồng Tiến đã làm một chuyến công du đến dốc Dây Bầu. Nhìn cái xóm không chồng với những ngôi nhà cái lợp ngói mốc rêu phong, cũ kĩ, cái lợp hiphro xi măng... mà ngán ngẩm. Vợ Tiến sôi lên:

- Về! Về!

Vợ Tiến rít răng rít lưỡi, dứt khoát không cho Ngọc yêu Đức. Những là cái xóm không chồng nhơ nhớp. Xóm con đĩ. Xóm con phò. Xóm chặn đàn ông ngoài đường đón vào nhà xin con.

Ngọc chẳng vừa:

- Mẹ không có quyền nghiệt ngã xúc phạm người khác. Con không ngờ những lời bẩn thỉu ấy lại từ mồm mẹ phun ra. Mẹ có biết những người phụ nữ đơn thân sống ở xóm Dây Bầu ấy là ai không? Họ là người đã hi sinh cả thời thanh xuân cho Tổ quốc đấy.

- Tao không cần biết chúng nó hi sinh hi siếc ở đâu. Tao chỉ thấy trước mặt tao là một lũ phò.

- Mẹ không được hồ đồ nói bậy.

Còn bố ít nói, nghiến răng đánh Ngọc trận nào cũng thâm tím hết người. Có trận bố còn lột quần áo Ngọc ra đánh và quá đáng tới mức xúc một bát cứt, một bát cơm, hỏi:

- Mày ăn cơm hay ăn cứt?

- Con yêu anh Đức.

Bố bốc luôn bát cứt nhét đầy mồm, đầy mặt Ngọc. Ngọc chạy vào nhà tắm đánh răng rửa mặt mãi không hết mùi.

Vợ chồng Tiến dứt khoát không chấp nhận Đức. Mỗi lần như vậy, Ngọc đều được bác Hiện xoa bóp, chăm sóc. Bác bảo:

- Thôi con ạ. Bố mẹ con không cho con lấy Đức nữa thì con cũng dứt khoát đi cho đỡ khổ. Bác đã dạn dĩ với Đức rồi. Các con thôi nhau đi.

Ngọc chỉ khóc. Ngọc không thể dứt khoát được.

Ngọc bảo:

- Bác ơi, cháu có thể chết, có thể tàn phế vì đòn của bố cháu, cháu cũng không thể bỏ anh Đức.

Hiện lắc đầu:

- Khổ thân cháu quá.

Từ ngày Ngọc quyết tâm yêu Đức, gia đình Ngọc chẳng phút giây nào được yên tĩnh. Mẹ con Ngọc lủng củng cãi vã. Tiến về đến nhà, gương mặt đằng đằng sát khí. Bữa tiếp bữa, ngày nối ngày, cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Mẹ con từ lìa nhau. Có mẹ không con. Có con không bố.

Vợ Tiến càng tiến gần, con gái càng giãy ra.

- Bà đừng dây vào tôi. Người tôi toàn mùi cứt đấy.

- Mẹ xin con. Mẹ xin con.

*

Hiện có mặt sau cùng. Chị tất tả chuyển xe hết tuyến này tới tuyến kia. Chiếc honda chở chị vừa dừng lại, chị đã vội dúi tiền vào tay chú lái, không kịp chào ai, nhào đến con. Đức và Ngọc cũng bật dậy như cái lò xo, ôm chầm lấy mẹ tức tưởi òa khóc. Mẹ khóc, con khóc như xé ruột, xé lòng. 

Truyện ngắn của Dương Duy Ngữ
.
.