Công chúa "bỉm sữa"

Thứ Hai, 21/03/2016, 08:00
Mấy hôm nay thành phố rét. Có thể nói là những ngày trên đỉnh mùa đông. Thế mà vợ gã lại lịch kịch đưa cô công chúa bé nhỏ, đỏ hỏn, mới sinh chưa đầy tháng sang nhà ông bà nội. Không đưa không được, vì ông bà đã ra lệnh rõ ràng: "Nó là công chúa đầu tiên của nhà này. Phải về ăn Tết ở nhà này". 

Về nhà ông bà nội, cô công chúa được tạo mọi điều kiện ăn ở, chăm bẵm. Hai vợ chồng gã được thoải mái "cấm cung" trong căn phòng tiện nghi, với đầy đủ điều hoà, máy sưởi, toilet khép kín... chừng 50 mét vuông. Tã lót áo xống thay ra chỉ cần ném ra cửa, sáng sáng, bà nội tự động đem đi giặt. Riêng việc ăn uống, nếu thích, hai vợ chồng có thể xuống nhà ăn ở tầng 1, còn không thích cứ việc ngồi yên trong phòng, cô Ôsin sẵn sàng mang mâm cơm lúc nào cũng thừa dinh dưỡng lên tận phòng.

Vợ gã bảo: "Sang đây, sướng nhất cái khoản không phải nấu cơm và giặt giũ". Chẳng biết có phải vì nghe được cái thông điệp rất chi là thỏa mãn ấy không mà cô công chúa cười tròn xoe. Trộm vía, công chúa đẻ non, đẻ cấp cứu, nhưng bây giờ đã mau ăn chóng lớn lắm rồi.

Vợ chồng gã, và cả ông bà nội bị nghiện nụ cười công chúa. Cứ xểnh ra là cả nhà lại ngồi quanh, ngắm công chúa cười... Cô Ôsin bảo: "Hồi bé, con Ỉn nhà tôi cũng cười y như thế". Cô vô tư nói đi nói lại mấy lần mà không để ý bị bà nội lườm cho sắc lẹm. Sau này, khi không có mặt bà nội, vợ gã phải nhắc khéo cô Ôsin để lần sau, trước mặt bà, công chúa không bị đặt cạnh, so sánh với con Ỉn nhà cô nữa. Mà bà nội lạ lắm, sau cái lần cô Ôsin trót miệng, ví von linh tinh, thái độ của bà với cô khác hẳn. Bà hay bắt lỗi, hay gắt gỏng, rồi huỷ luôn cái khoản mừng tuổi cô giống như mỗi dịp Tết hằng năm, khiến ông nội vì thấy ái ngại mà phải... ra tay cứu giá.

Minh họa: Tô Chiêm.

Lại nói đến chuyện tiền mừng tuổi, chỉ sau ba ngày Tết, tiền mừng tuổi của công chúa đã ngập ngụa cả hai cái ngăn kéo. Riêng hai bao lì xì của ông bà nội thì vợ gã không để trong ngăn kéo mà để ngay đầu giường. Hắn gật gù, thầm khen vợ ứng xử tinh tế, và gã tin, với cách ứng xử ấy rồi ông bà nội sẽ ngày một yêu quý vợ gã hơn. Hôm qua, bà nội chỉ vào hai bao lì xì hỏi vợ gã:

- Đã rút lõi ra chưa?

- Dạ chưa.

- Rút, cất đi con. Để vỏ ở đây thôi.

Những ngón tay mịn, trắng của vợ gã đặt lên hai bao lì xì. Rồi cũng từ những ngón tay mịn, trắng ấy những tờ đô la xanh lét được rút ra. Mỗi bao là 200 USD. Bà nội vừa nhìn vợ gã cầm tiền vừa cầm tay công chúa, vỗ vỗ lên tay công chúa rồi nói: "Mau ăn chóng lớn nha. Công chúa của bà". Công chúa lại cười nụ cười tròn xoe.

Nhưng nụ cười chưa tan thì xoẹt một cái, lại xoẹt liên tục thêm vài cái nữa, công chúa ị. Vợ gã vội vã đặt những tờ đô la xuống giường, cởi quần, mở tã cho con. Nhưng bà nội cản lại: "Không việc gì phải vội", rồi bà cất giọng xuống dưới nhà: "Tư ơi. Lên đây nhanh, thay bỉm cho cháu". Chưa đầy 3 phút, chị Ôsin có mặt, nào khăn, nào chậu, nào nước ấm, chị rửa ráy, thay bỉm cho công chúa một cách thuần thục. Rất vô ý, chị lại bảo: "Yêu như con Ỉn ngày nào". Bà nội lại lườm cho một cái, rồi lại lườm cho cái nữa, khiến mặt chị đỏ gay. 

*

Đêm nay công chúa quấy. Hết đòi ăn rồi lại ị, khiến hai vợ chồng gã vừa mệt vừa tức tối. Hai vợ chồng phân công rõ ràng: vợ cho ăn, chồng thay bỉm để còn luân phiên nhau ngủ cho dài giấc. Nhưng cứ với đà ăn rồi lại ị, rồi lại quấy khóc như thế này, cả hai vợ chồng đều chỉ có thể ngủ một cách nhát gừng, mơ mơ tỉnh tỉnh. Ác nhất là cái cảnh vừa thay bỉm, thay quần mới xong là công chúa lại phọt ra bãi nữa. Thế là lại phải thay cái bỉm, cái quần nữa. Vốn không phải người kiên nhẫn, gã vừa vỗ vỗ tay vào người công chúa, vừa lên giọng quát: "Có ngoan không thì bảo?". Lạ thay, nghe gã quát xong công chúa im bặt. Thế là gã lại ngả lưng, chập chờn.

Nhưng dù chỉ là một giấc ngủ chập chờn, nửa mơ, nửa tỉnh, nửa canh chừng công chúa thì gã vẫn lộn xộn thấy được những cảnh mà gã từng thấy trong những chuyến công tác miền núi trước đây. Những cảnh mà gã không hiểu là nó nhập vào đầu mình từ khi nào, và vì sao bây giờ nó lại trở dậy, rồi trở đi trở lại nhiều đến thế.

Này là bốn bề toàn núi là núi và một con đường phía trước vô định, không sao nắm bắt. Này là buổi chiều sơn cước rét tê tái với những ngọn khói lam mảnh dẻ bất ngờ vút lên. Này là con suối với làn nước lạnh buốt, thế mà những người đồng bào thiểu số vẫn phăm phăm lội qua như không có chuyện gì. Gã chứng kiến cái cảnh một đứa con đỏ hỏn khóc thét trên lưng một người đàn bà đen đúa, gầy nua.

Người đàn bà này cởi cái địu, đặt đứa bé xuống ngay sát sạt con suối. Rồi chị cởi tã cho nó. Rồi chị hất nước suối vào đít nó. Thằng bé khóc thét lên, nhưng chị vẫn bình thản như không có chuyện gì. Ngay cả khi đã được ủ ấm trở lại, được quay về lưng mẹ thì nó vẫn khóc thét lên, nhưng chị vẫn bình thản đi, như không có chuyện gì. Gã chờn vờn nghĩ: thằng bé liệu có sao không?

Gã lo một nỗi lo rất con người: Nó liệu có thiệt thòi quá không? Như đọc được những ý nghĩ toát lên từ gương mặt thảng thốt của gã, người đàn anh đi cùng - một tay đi rừng thiện nghệ giải thích: "Chuyện thường mà chú em. Ở đây người ta sống thế. Từ xưa đến nay là thế. Đứa bé nào chịu được, thích nghi được thì sống tiếp, và sống khoẻ lắm. Đứa nào không chịu được thì ra đi...". Nhưng tiếng khóc thét của thằng bé và cả cái dòng nước lạnh băng kia thì vẫn ám ảnh gã. Ngày ấy gã 20 tuổi, đi rừng chuyến đầu tiên thì phải...

Một bàn tay day day người gã: "Dậy đi! Dậy kiểm tra bỉm cho con". Thì ra công chúa lại khóc, và vợ gã đang đề nghị gã làm nhiệm vụ của mình. Gã vùng dậy, cởi quần, mở bỉm, cả một bãi màu vàng toe toét đang chờ gã ra tay xử lý. Rất nhanh, theo thói quen gã mở nút phích để rót nước vào cái chậu nhỏ được đặt ngay cạnh giường. Rồi gã sẽ thấm những tờ giấy vệ sinh vào đấy, rồi sau vài phút công chúa sẽ lại sạch sẽ, thơm tho.

Cơ mà có sự cố: phích hết nước. Gã chạy vào toilet, mở vòi nước nóng nhưng cũng không thấy nước nóng. Gã tự giải thích với mình: Chết cha, lúc tối quên không bật bình nóng lạnh. Gã định mở cửa, xuống phòng ông bà nội xin nước nóng, nhưng ở trên giường kia, công chúa vừa khóc, vừa quẫy đạp ghê quá, khiến gã sốt ruột, và mặt khác - có thể (chỉ là có thể thôi nhé), gã vẫn đang bị ám ảnh (hay bị kích thích, xúi giục nhỉ?) bởi cảnh người đàn bà miền núi té nước suối lạnh ngắt vào mông con, nên gã quyết định xả vòi nước lạnh, thấm giấy vệ sinh vào đó rồi trở lại giường.

Lần đầu tiên bị vệ sinh bằng những tờ giấy thấm nước lạnh, công chúa gào lên. Đóng bỉm, mặc quần xong, công chúa vẫn gào lên. Vợ gã sốt ruột vùng dậy, nhưng chưa kịp hỏi han gì thì gã nói ngay: "Chắc nó đói rồi". Vợ gã vạch ti, cho công chúa bú, rồi công chúa lịm dần.

*

Mặt bà nội nhăn nheo như một quả táo tầu. Mặt ông nội căng thẳng, lo âu không giấu đi đâu được. Mặt vợ gã, và cả gã nữa thì nhợt nhạt, xanh mét. Ở giữa giường bệnh, phòng cấp cứu, công chúa vẫn thở khò khà khò khè. Công chúa thở như thế cả ngày rồi. Bác sĩ kết luận là công chúa bị nhiễm lạnh, phổi có vấn đề, cần nhập viện, điều trị dài hơi. Ông nội thì bảo, công chúa nhiễm lạnh do vợ chồng gã để điều hòa chưa đủ độ. Bà nội thì bảo công chúa nhiễm lạnh do hôm trước uống thuốc bằng một cái thìa nhôm chưa được giội qua nước ấm.

Vợ gã thì bảo riêng với gã, có thể công chúa nhiễm lạnh vì phong thủy. Duy chỉ có chị Ôsin là bảo gã: "Đừng lo quá cậu à. Trẻ con ho hắng, nhiễm lạnh, viêm phổi là chuyện thường. Con Ỉn nhà tôi trước ốm suốt, thế mà giờ cậu xem, nó khoẻ như voi, làm quần quật cả ngày". Gã gật gật gù gù. Hơn ai hết, gã biết vì sao công chúa nhiễm lạnh. Và trong gã là một hỗn hợp những cảm xúc kỳ lạ lắm: vừa lo lắng, vừa hối hận, vừa hồi hộp, vừa tò mò, vừa chờ đợi, vừa hy vọng.

Đêm bệnh viện lạnh hơn đêm ở nhà. Gã khó ngủ vì cảm giác lạnh lẽo, vì tiếng thở khò khè của công chúa. Nhưng rồi gã cũng chợp mắt, và trong khoảnh khắc chợp mắt ngắn ngủi ấy gã lại thấy bốn bề sơn cước, dòng nước suối lạnh buốt da buốt thịt, người đàn bà dân tộc với  đứa bé đỏ hỏn trên lưng. Vẫn là cái cảnh người đàn bà đặt đứa bé xuống đất, ngay cạnh con suối, té nước suối vào mông đứa bé, rồi bình thản bước đi, bất chấp tiếng khóc như muốn xé mồm, xé miệng sau lưng mình. Nhưng còn thêm một cảnh nữa, cảnh lần đầu tiên gã thấy: người đàn bà đi một lúc thì đứa bé im bặt. Nó đang nhai nhai một cái lá rừng thì phải. Rồi nó nhè cái lá ra, cười tròn xoe ngộ nghĩnh. Rồi nó với với tay về phía gã. Bất chợt, gã cũng cười.

Sau hai tuần thay nhau trông công chúa trong bệnh viện, gã mệt lả, vợ gã mệt lả, ông bà nội mệt lả, chị Ôsin cũng mệt lả. Thế là con Ỉn được điều gấp đến trông công chúa. Nó khỏe đáo để, thức trắng cùng công chúa vài hôm mà chẳng có hề hấn gì. Bây giờ thì lại một tay nó bế công chúa - một công chúa đã hết khò khè - một công chúa chuẩn bị rời viện để trở về hoàng cung. Cả nhà mừng. Riêng chị Ôsin, bên cạnh nỗi mừng công chúa bình phục dường như còn mừng về sự được việc, mát tay của con Ỉn nữa thì phải. Chị bảo: "Em bé sau này cứ khoẻ như chị Ỉn nhé". Bà nội nghe thế, quay sang nhìn chị, rồi quay sang nhìn con Ỉn, vừa cười vừa nói: "Khoẻ như chị Ỉn là cả nhà yên tâm".

Gã cũng nghĩ như thế, rằng khoẻ như chị Ỉn là yên tâm. Và gã còn lẩn thẩn nghĩ: thằng bé kia - thằng bé với những tiếng khóc thét bên con suối mùa đông mà gã gặp ngày xưa, bây giờ chắc cũng lớn lắm rồi, và chắc nó cũng khoẻ như chị Ỉn!? 

Truyện ngắn của Phan Đăng
.
.