Con gà vía

Thứ Năm, 31/08/2017, 14:08
Con gà trống nổi cơn gáy lần thứ hai. Tiếng gáy vang xa khắp cả bốn phía, những nhà cách xa cả dặm đều nghe thấy. Năm phút sau, John đã lấp ló ngay hàng rào nhà lão Lee. John gần bảy mươi, tóc đỏ hóa xám chín phần, chân bước đi khập khiễng của người bị bệnh xương khớp mãn tính. Mặt John đỏ gay như con gà chọi uống rượu chuẩn bị vào sới. John qua đây đích thị là vì con gà. 

Miệng John thở ra mùi rượu, mùi tỏi lẫn mùi nhang khói, cần sa. John lầu bầu: "Mày bóp chết mẹ con gà khốn kiếp của mày đi, nó làm tao không ngủ được".

Tay John đêm cũng như ngày đều đội xùm xụp cái mũ bóng chày có in hàng chữ Viet-Nam. Lão Lee giọng yếu ớt mệt nhọc cố giải thích về con gà cúng hồn, nhưng tay John dọa sẽ gọi cảnh sát. Tiếng gà gáy làm lão Lee suy tư, hóa ra con gà ở Mỹ nó cũng gáy giống con gà Mông, nó cũng gáy giống con gà ở Việt Nam. Lão nhớ khi xưa con gà trống của nhà khởi sự gáy bên Việt Nam, mấy con gần biên giới bên Lào cũng gáy phụ họa theo. Lão Lee bỗng cười khùng khục bởi khám phá sự thống nhất ngôn ngữ loài gà trên thế giới.

*

Lão ngồi như pho tượng dưới gốc cây mận rêu mốc ở vườn trước. Mắt gà gà vô hồn nhìn ra phía đường nội bộ khu dân cư. Ánh sáng chiều chiếu trên gương mặt nửa tối nửa sáng như một bức họa nghệ thuật. Hình hài Mongoloid phương Nam đặc trưng, mũi tẹt, da vàng. Nếu không có cái áo truyền thống, khi đi siêu thị hay đi chợ phiên cuối tuần, người ta cũng khó đoán lão từ đâu. Nhật Bản, Mãn Châu, Việt Nam hay Lào. Lão già Mông đang ngắm những bông hoa poppy nhiều màu rung rinh trong gió chiều se se lạnh. Những nếp gấp xô trên mặt che đi những biểu hiện nhớ thương vùng cố thổ cách xa mấy chục giờ bay. Nơi nhau lão chôn ở chân ruộng bậc thang nhiều màu quanh năm ẩn mình vào sương. Những bông hoa lão trồng riêng cho vợ lão, bà chưa kịp ngắm hoa, giờ hồn theo con gà dẫn đường đã về đến quê cũ. Lão nhớ mùa xuân năm nào, lúc lão mười tám đôi mươi, thanh xuân đẹp và buồn tựa như một bài hát: "Em ơi, hoa din tơ nở hồng trên vách núi, ta yêu em chẳng có lòng gần. Em ơi, hoa din tơ nở hồng trên vách núi, ta yêu em chẳng có lòng xa".

*

Trong căn cước, lão họ Lee. Người thu ngân Hàn Quốc ở cửa hàng tiện tích Seven - Eleven chào lão bằng tiếng Hàn: "Annyong-hi gyeseyo". Lão lúng túng trả lời: "I am from Vietnam, I am Hmong (Tôi đến từ Việt Nam, người Mông). Đứa con lão nóng máu định ra cửa hàng chửi cho thằng cha mất dậy kia một trận. Chắc thấy lão ăn mặc tuềnh toàng mà xem thường, tưởng lão già vô gia cư, ăn cắp thẻ tín dụng của ai nên đòi cả căn cước. Lão gạt đi, ở đâu cũng có người tốt người xấu.

Ở đây người góp đến từ tứ xứ, đời dậy người ta đừng tin bất kỳ ai. Mà thằng con lão cũng thế, nó có tin ai, nó đâu có nghe lời lão. Hắn vẫn theo đám chiến hữu, suốt ngày đi biểu tình. Hai vợ chồng già ở với nhau từ ngày con lão lấy vợ dọn nhà ở một thành phố khác. Cha con thi thoảng mới gặp nhau chẳng nói với nhau lời nào.

Từ ngày vợ mất, lão thui thủi một mình. Khi bãi cỏ xanh lấm chấm những bông hoa mận màu hồng, từ lục phủ ngũ tạng lão xông lên một niềm thương cảm vô hình. Lão lấy cái lược gỗ mân mê, rồi chải chải lên mái tóc bạc chỉ còn vài sợi lơ thơ. Ngửi mùi chiếc lược, mùi gỗ ngọc am xực lên một mùi hương ấm. Mùi quen của vợ lão. Cái lược là quà cưới duy nhất của vợ chồng lão. Bữa khâm liệm, thằng con đã bỏ nó vào quan tài của mẹ.

Lão bần thần, rồi lại lấy ra giấu kĩ trong túi áo nơi ngực. Những chiều xuân gió se se lạnh, lão lại lấy chiếc lược mân mê, chải vào trong gió. Tựa hồ như năm ngoái vợ lão vẫn ngồi gần đây, nụ cười móm mém, óng lên hai chiếc răng bọc vàng. Vợ lão đã bán cả một đàn gà để mua nửa chỉ vàng làm răng lúc mười tám tuổi. Nụ cười chiếm hồn lão từ thuở hai mươi. Đẹp lắm, duyên lắm.

Con gái Mông quê lão hay thích cười khoe ra mấy chiếc răng vàng. Con gái Mông không có răng vàng đi chợ tình không dám cười với bạn trai. Không có răng vàng cười như con khỉ. Giờ đám cháu chắt lão chả còn đứa nào thích răng vàng. Ăn cơm, mặc áo xứ người, đến cả tiếng mẹ đẻ chúng còn quên.

*

Đùng đoàng bom đạn, bán đảo Đông Dương quê lão ngập trong khói lửa chết chóc. Người già kể, người Mông sinh ra từ một nơi xa xôi, nơi sáu tháng mặt trời chói chang, nơi sáu tháng chìm trong bóng tối. Nơi có nước cứng như đá và cát lạnh xốp như bông. Hành trình thiên di dằng dặc của dân tộc, họ chạy theo bước chân ngựa, bám theo chân con chó cộc đuôi dẫn đường.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Người Mông già trẻ lớn bé dắt díu nhau đi tìm miền đất mới, trong gùi mang theo cái bắp ngô giống, hạt Lanh, hạt Anh túc. Phá núi, gùi đất làm ruộng bậc thang. Dùng lửa làm nương, dùng gỗ chọc đất tra hạt. Mồ hôi rơi xuống, mơn mởn những ngô xanh tươi tốt cho mèn mén nuôi sống người. Cho cây tam giác mạch nuôi sống ngựa. Cho sợi Lanh làm vải lấy cái che thân. Cho nhựa cây Anh túc chữa bệnh, giúp người tránh được sơn lam chướng khí, rừng thiêng nước độc.

Một ngàn năm thiên di, người Mông luôn sống hòa mình với thiên nhiên, giao lưu văn hóa, hòa huyết. Tiếng mẹ đẻ vay mượn thêm tiếng các tộc người trên đường thiên di. Tang thương ngẫu lục, con ma độc, con ma bệnh, con ma chiến tranh luôn rình rập họ. Họ Lee đã định cư bảy đời ở bán đảo Đông Dương, biệt lập ở cách xa tận núi cao lưng chừng trời. Con ma chiến tranh đến từ biển Thái Bình Dương, lè cái lưỡi độc ác qua những cánh đồng lúa nước châu thổ mơn mởn hiền hòa, bám theo vách vúi cheo leo lên tận những vùng sơn cùng thủy tận.

Cỗ máy chiến tranh vận hành, nghiền nát thân thể và lương tri con người. Như lão Lee, một người sống sót may mắn, trải qua hành trình lênh đênh trên đại dương, giờ ở phía Tây bán cầu. Xa xứ, sống trong những lo toan của đời sống bình thường của con người. Nhân sinh thất thập, giờ lão chỉ có một niềm mong ước giản dị, được chết nơi quê nhà.

*

Con gà gáy lần thứ ba. Lần này tiếng hơi nó dài hơn, một hồi lâu mới nghe vọng lại. Nó cứ gáy thế này thì lão phải tìm cách cho nó im đi, hoặc giết thịt. Hay lấy dây thun bụp mỏ nó lại. Nhưng là con gà trống mới trổ mã, lại ở một mình trong hầm tối, nó cứ tưởng đêm nên gáy liên tục. Nó hy vọng có con mái nào quanh đây để đến với nó.

Một người bà con có trang trại nuôi gà, lái xe chạy mấy chục dặm cho lão con gà trống này. Con gà này để dành ăn Tết. Người Mông cúng Tết phải có con gà thờ. Con gà trống tơ này lông ngũ sắc, mượt như thoa mỡ. Trong tâm thức người Mông, tiếng con gà trống gáy gọi mặt trời lên, cho ánh thiều quang rực rỡ, giúp đất trời thoát khỏi tối tăm.

Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo tới, con gà gáy là tay John lại có mặt. Lão Lee đã có cách làm hạ hỏa cơn bực bội của tay John. Lão cũng biết tay John bị nghiện rượu hay mất ngủ. Đối với kẻ mất ngủ, mọi người xung quanh đều biến thành kẻ thù, một nhà tâm lý học Tây phương đã nói vậy. Tay John đã uống đến ly vodka absolute thứ năm.

Cơn bực tức vì tiếng gà gáy đã dịu lại, tay John lại thao thao bất tuyệt về những năm tham chiến ở Việt Nam, về những rừng mưa nhiệt đới đầy rắn rết và bom mìn, về những vết sẹo trên cơ thể. Nhưng lão Lee biết, vết thương lòng của John không bao giờ lành. John lấy vợ ba lần, nghiện rượu, vợ đòi ly dị, mang con đi hết. Tay John cảm thấy bị người ta bỏ rơi. Những người như tay John tập hợp lại phản đối mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Họ như kẻ bệnh kinh niên không bao giờ lành, tự thò tay cào cấu vào vết thương rồi kêu la thảm thiết.

Quá khứ là quá khứ. Những người có lương tâm là người biết bỏ lại quá khứ để khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần cho tương lai tốt đẹp. Sùng con trai lão ngày nhỏ vẫn hay qua nhà John chơi. Lão Lee không biết tay John đã phun ra những lời như nọc rắn độc, tiêm nhiễm những định kiến vào đầu óc ngây thơ của một đứa trẻ. Tay John trồng cây cảnh, cây cảnh chết, nuôi chó, chó bệnh. Có lần tay John mang đậu phộng cho lũ sóc ăn đã bị cắn vào tay, phải đi tiêm phòng. Lão Lee muốn nói cho John biết, con người ta từ cái tâm cốt sống hiền hòa, mọi sự đều theo tự nhiên mà tốt đẹp. Mang trong lòng ngọn lửa giận dữ, đến thiên nhiên cũng chống lại mình.

*

Những đợt gió thổi, làm những mảnh trăng rớt xuống từ ngọn cây mận nhảy nhót trên bãi cỏ. Chai rượu chỉ còn một phần ba. Tiếng trẻ con nô đùa và tiếng động cơ xe hơi ì ì vọng từ nhà hàng xóm một hồi rồi im bặt. Lão nằm trên bãi cỏ, mắt nhắm nghiền. Tiếng dế than rung lên một lượt rồi im ắng, chỉ còn âm thanh của sự trống rỗng. Tiếng u u xa xôi từ đâu vọng lại. Lão chép miệng, rượu uống một mình sao cay thế. Hơi chua từ dạ dầy ợ lên, nước mắt sống chảy tràn ra, làm vầng trăng trên cao nhòe đi vô định dạng. Điện thoại nhà reng cáu bẳn mấy lượt.

Lão bỏ mặc vầng trăng bơ vơ chạy vào nhà. Vẫn giọng con trai quen thuộc: Papa có khỏe không? Có cần gì không? Lão vẫn biết con trai lão hỏi cho có lệ. Từ ngày vợ lão về với tiên tổ, con trai lão đã mấy lần giục lão bán nhà đi. Sùng nói những người già như lão nên ở viện dưỡng lão là tốt nhất. Con trai lão lấy hai, ba đời vợ, nhưng ăn ở với nhau chẳng chóng thì chầy cũng dắt nhau ra tòa ly dị. Sùng có lúc mở nhà hàng, có lúc mở tiệm nail nhưng được mấy tháng đều dẹp. Sùng vẫn hay đổ cho vận số không may, nhưng sự phá sản do sự cố chấp của con trai lão. Suốt ngày không chí thú vào làm ăn, cứ mơ mộng theo giấc mơ hão huyền.

*

Lão vẫn đợi điện thoại của đứa cháu nội. Nó học cao đẳng cách đây ba trăm dặm. Nó sở hữu vẻ đẹp của bà nội nó. Da đỏ au. Môi nhỏ hình trái anh đào hồng thắm. Mắt một mí xếch. Mấy người hàng xóm bảo cô cháu gái của lão đẹp như nàng công chúa Mãn Châu trong bộ phim của Tàu. Nhưng con trai lão và cháu gái lão đang giận nhau. Cháu gái lão yêu một chàng du học sinh người Việt. Cha nó ngăn cản, bảo rằng nếu lấy thằng ấy thì từ mặt. Lý do cũng từ định kiến của cha nó. Nhưng thế giới này đã đổi thay rồi. Nhiều người Mông đã an cư lạc nghiệp, nhưng nhiều kẻ vì quá cay cú bởi quá khứ. Hồn kẻ ác, nó vẫn bị con ma chiến tranh ám ảnh.

*

Lão Lee sinh ra ở trên sườn núi của dãy Pù Luông thuộc Thanh Hóa. Nơi con gà Mông cất tiếng gáy, người Lào Sủng, người Mông bên Lào đều nghe. Đến tuổi dậy thì, lão mang khèn ra chợ tìm bạn. Người yêu lão là người Mông bên Lào. Lão yêu vợ lão như con ong rừng yêu bông hoa Tớ dảy mùa xuân. Xoắn xít nhau như sợi Lanh nhuộm chàm người con gái Mông se chặt.

Giàng tạo trời đất, con người tạo ra biên giới. Nhưng lòng trai gái như khăn mới thêu. Mùa xuân đến trời đất giao hòa, xuân dược kích thích dòng suối nhảy nhót, măng rừng đội đất chui lên, cho lòng trai gái dâng lên niềm luyến ái. Trái tim nào biết đâu biên giới. Nghe tiếng gà gáy, lão vác khèn đứng bên bờ rào đá người thương. Người con gái nghe tiếng khèn quen của bạn trai gặp nơi buổi chợ tháng trước, ngồi bên khung cửi, lòng như có bếp lửa đương đun. Họ trốn cha trốn mẹ hẹn nhau bên gốc sa mộc già, bên nương sa nhân đang mùa hoa đỏ. Tiếng kèn môi gửi bao lời ước hẹn. Nhà Lee nghèo không có tiền treo cưới. Nhờ đám bạn cùng đi bắt vợ, họ nên vợ nên chồng.

Chiến tranh Đông Dương leo thang. Người Mông bị chia rẽ. Người theo bên này, kẻ theo bên kia. Con ma ác hoành hành. Một buổi sáng, một nhóm người Mông vác súng đến nhà Lee, dí đầu súng vào cổ lão, bắt lão phải đi theo. Vợ chồng con bồng con bế theo nhau qua Lào. Họ bị ép vượt sông Mekong sang tận Thái. Họ bỏ lại mái nhà lợp gỗ pơ mu bám đầy rêu xanh. Họ bỏ lại lũ gà bông vừa mọc đuôi tôm, bầy chó xồm mới cai sữa.

Bỏ lại cái cối đá xay mèn mèn, cái chậu gỗ ngọc am để đi theo con đường thiên di. Đến trại tị nạn, họ bị gọt đầu bôi vôi để phân biệt với dân bản xứ. Em trai lão Lee bỏ mạng khi vướng thủy lôi lúc vượt sông. Đứa con đầu của lão bị sốt khóc ngằn ngặt. Bọn chúng bắt ép uống thuốc phiện nướng để khỏi khóc vì sợ lộ lúc trên đường chạy trốn. Lão Lee và vợ cắn răng vùi đứa con lại trong rừng vì quá liều thuốc phiện.

*

Đến Mỹ, không biết tiếng Anh, gia đình Lee chật vật để sống. Nhiều người bản địa đã phản đối họ, coi họ như những người không giá trị. Nhiều người tranh cãi, những người da trắng cũng chỉ là khách tại lục địa châu Mỹ. Tất cả đều là khách ở vùng đất mới, nhưng nhiều kẻ vẫn ra mặt kỳ thị. Người Mông không hòa nhập với cuộc sống tại Mỹ đã co cụm với nhau. Những kẻ giữ trong lòng mối hận thù kích động chia rẽ. Con trai lão đã nghe những người xấu.

*

Con gà trống lại gáy lần này nữa là lần thứ tư. Lão nhốt nó trong hầm để xe. Nhớ lúc trước khi vừa qua đây, nhiều người Mông nuôi gà trong garage. Cô nhiên viên xã hội người da đen đã giải thích, việc nuôi nhốt gà trong khu vực kín là ngược đãi động vật, như vậy là phạm luật nước Mỹ. Tiếng gà gáy mỗi đêm làm những người hàng xóm phàn nàn.

Với vốn tiếng Anh ít ỏi, lão Lee và vợ không thể nào giải thích nổi về phong tục của người Mông. Ở đây, trong siêu thị họ chỉ bán gà đông lạnh. Người Mông lúc sinh con, lúc cưới hỏi, lúc ma chay không thể thiếu con gà sống. Hồn con gà là kẻ dẫn đường cho linh hồn người Mông về với tiên tổ. Không có con gà, hồn người Mông thành kẻ bơ vơ nơi đất khách quê người. Thế là đau lòng lắm. Giờ thì nhiều người Mông đã có trang trại nuôi gà hợp pháp.

*

Sương đêm xuống lạnh. Lão nằm ngủ dưới gốc cây mận lúc nào không hay. Lão thấy nghe như ai đọc bài "khai kế". Hồn hỡi hồn, theo chân con gà mà bay về quê. Lão thấy mình nhẹ bẫng tựa như miếng xốp. Tiếng ù ù như tiếng chim bay trong đêm. Hồn bay từ California, bay qua Thái Bình Dương mà về Thanh Hóa, bay ngược lên phía sông Hoàng Hà, bay qua Siberia sương tuyết, bay về vùng Lưỡng Hà cố thổ.

Lão thấy mình nằm ở một nơi trắng toát, những bóng xám bay lượn xung quanh. Mùi hăng hắc. Không phải mùi núi, mùi rừng mà mùi khử trùng của chất phơ-lua, i-ốt. Con trai lão, cháu gái, và bạn trai đứng bên. Lão mở mắt nhìn xung quanh. Lão bảo con lão hứa đi, cho cháu gái nó lấy người nó thương. Quá khứ đã qua rồi, đừng ôm nó như cây gông cả đời. Mong ước của lão là một lần được về quê. Con chim trước khi chết kêu lời thảm thiết, người đã chết hụt nói lời khôn. Sùng ân hận mắt nhân nhấn nước cầm tay bố, đầu gật gật.

*

Người cảnh sát nghe báo có người nuôi gà trống ở khu dân cư nên đến kiểm tra. Lão Lee được cảnh sát tìm thấy ngất xỉu trong nhà. May nhờ tiếng gà gáy lần thứ tư mà đã cứu sống lão Lee. Lão phải nhờ con lái xe chở đi đến trang trại gà thăm người bà con, nhờ người ta nuôi giùm, đừng giết thịt, nuôi cho nó đến già thì thôi, nó là con gà vía của lão.
Truyện ngắn của Vũ Văn Song Toàn
.
.