Có vay có trả

Thứ Sáu, 13/01/2017, 15:33
Sau khi cánh cửa sắt lách cách đóng lại phía sau lưng, Long đang dụi mắt bước vào căn phòng tối như hũ nút thì một cú đá tưởng chừng như gãy gập đôi chân khiến anh ngã quay lơ ra giữa sàn, cằm vập vào bậc thềm xi măng của dãy giường ngủ. Đầu anh choáng váng chưa kịp nhận ra có thứ nước gì mằn mặn đang trào ra trong miệng thì đã nghe một giọng nói  như tiếng gừ của một con chó hoang: "Tội gì?". 

"Dạ, tham tiền", Long trả lời như một cái máy, tay bưng miệng vì thứ nước mằn mặn đang trào ra ngày một nhiều. "Đù má, thằng nào vào đây mà chẳng tham tiền, tên?". "Dạ Thiên Long". "Cái gì, tao nghe như tên một loại bút". "Dạ vâng, em làm nghề cầm bút, em là nhà báo". Tiếng cười vang lên ằng ặc như chó bị cắt tiết.

"Lại viết láo chứ gì. Đù má, tao chúa ghét những thằng nhà báo chuyên tô son điểm phấn cho những thây ma". Long đã định thần trong không gian tối nhờ nhờ khuôn mặt thằng đang đàn áp anh. Một khuôn mặt đúng dân đao búa. "Chắc mày nghe tiếng Xít đao rồi chứ gì". "Dạ, vâng vâng, em chưa kịp ngồi thì đã…". "Ngồi ngồi cái gì, ai cho mày ngồi". "Thì anh vừa bảo xít đao". "Đó là tên tao, Xít là tên, đao là biệt danh nghe chưa? Đù má cái bọn lắm chữ này, thôi cho nó nghỉ, thằng nào băng cho nó cái, ăn cháo thế đủ rồi, bọn này mà mạnh tay tý nữa có khi đi gặp giun sớm".

Một thằng đem lại cho Long túm bông và cuộn băng dính, bảo vào nhà vệ sinh để rửa. Long rùng mình nhìn cái khu vệ sinh, anh chỉ muốn lộn mửa vì mùi hôi thối và tanh tưởi. Long vội vã quay ra. Thằng Xít đao gầm lên "Quay vào, phải rửa cho sạch, không được để lại dấu vết nghe chưa".

Leng keng leng keng… tiếng kẻng báo giờ cơm. Cả phòng như được sắp xếp lại. Mặt mũi đứa nào đứa nấy bỗng dưng hiền khô. Cửa phòng mở, một tù tự giác gánh cơm vào phát cho mỗi người, một bát cơm có chút rau xanh và cá khô. Người cán bộ quản giáo đứng lấp ló ở ngoài, một lát đi vào phòng săm soi từng mặt phạm nhân: "Ai đánh?". Im lặng như tờ. Như một phản xạ tự nhiên, Long bưng mặt vì vết thương đã tụ máu sưng húp: "Dạ, không ai đánh, em… bị… ngã, em bị vấp vì lúc mới vào buồng, tối quá". "Thật không?". "Dạ… thật".

"Nói thật đi, tôi sẽ cho chuyển buồng, còn không, cứ ở đây mà chịu đòn?". "Dạ vâng, đúng thế ạ". "Thôi được, tý nữa xuống trạm xá, lấy thuốc uống kẻo nhiễm trùng". Người quản giáo ra khỏi phòng, tiếng khóa cửa lách cách vừa dứt, trật tự lại trở về như cũ. Tất cả cơm chưa ai được ăn, mà phải để trước mặt, một thằng xem chừng là đồ đệ của Xít đao đi gom những con cá ngon nhất, mang lại bát của Xít đao.

Đến bát của Long, nó đang định gắp thì Xít đao quát: "Để lại cho nó, nó mới vào chưa quen ăn nhạt đâu". Long chợt hiểu đó là tác dụng của lời khai ban nãy. Nhưng Long lắc đầu, rồi đưa cả bát cơm cho tên đệ tử, thằng kia định cầm nhưng Xít đao trợn mắt: "Phải bắt nó ăn cho bằng hết, ở đây không có chế độ tuyệt thực". Long nhìn hắn với ánh mắt cầu khẩn: "Em chưa ăn được, đau quá, anh cho em nhịn đến bữa sau". Ánh mắt thằng Xít đao dịu hẳn.

Đêm đó nằm trên cái sàn xi măng lạnh buốt, mặc dù đã qua một lớp chiếu, mà Long vẫn thấy như đang nằm trên tảng băng, không thể nào nhắm mắt nổi. Xung quanh đám phạm cứ phanh ngực ngủ say tì tì, có thằng còn phì phò ngáy, thằng nói mơ ú ớ, thằng thở hì hục như kéo bễ, thế mà không ai bị mất ngủ trừ Long.

Lúc nãy xuống trạm xá của trại lấy thuốc kháng sinh, Long đã được cô y tá mang đến cho một bát cháo. Giọng cô đầy giễu cợt: "Ăn đi, không cố mà sống thì chỉ có chết thôi". Không hiểu sao khi Long cầm bát cháo lên mà chỉ muốn úp mặt vào bát, vì sợ nước mắt đang ứa ra trực chảy tràn xuống mặt. Long khóc không phải vì nhục hay hối hận gì, mà khóc vì mừng. Giống như người vừa nhảy qua được một cái rãnh, đến khi nhìn lại mới biết đó là một vực sâu. Bác sĩ khám cho Long đã khẳng định: "Không việc gì, toàn vào phần mềm, nhưng cũng đau vài ngày đấy".

Hồi đó Long gầy gò, trắng xanh, đi xin việc ở đâu người ta cũng nhìn từ đầu đến chân rồi lắc, tìm những công việc hợp với thể tạng Long hơn thì người ta lại hỏi đến bằng cấp, Long lại lắc. Lang thang mãi trong cái thành phố đất rộng người đông mà việc thì ít. Long đành khăn gói xuôi tàu vào miền Nam. Đêm đầu tiên của cuộc đời tha hương là trên chiếc ghế chờ tàu của nhà ga Sài Gòn.

Hơn triệu bạc mà mẹ đã phải chạy vã mồ hôi mới vay mượn được để cho Long làm vốn trong hành trang đi tìm kế sinh nhai, Long đã phải chia nhỏ ra giắt quanh người, phòng khi mất chỗ này thì còn chỗ kia. Thế mà Long vẫn luôn giật mình vì sợ có kẻ lấy trộm, hồi đó nghe nói ở Sài Gòn trộm cắp như rươi. Nhưng cơn buồn ngủ vẫn thắng, Long ngủ say đến lúc sáng bảnh, một người bảo vệ vỗ vỗ vào người Long, Long mới giật mình thức giấc, vẫn cứ mu mơ tưởng bố đánh thức dậy đi học.

"Sao ngủ hoài vậy, chờ tàu hay đón người nhà?". Long sục sạo trong túi lôi ra một mảnh giấy nhỏ, mà mẹ đã ghi cho Long: "Chú ơi chỉ hộ cháu đường đi tới cái địa chỉ này với, cháu mới từ ngoài Bắc vào". "À quận Gò Vấp, từ đây tới đó khá xa, tìm xe buýt mà đi. Xuống đó hỏi tiếp".

Long gấp mảnh giấy cẩn thận rồi nhét sâu vào túi áo, thậm chí còn đập đập để nó nằm yên ở đó. Đây là bùa hộ mệnh của Long trong cái thành phố mênh mông xa lạ này, nếu mất, Long thành kẻ vô gia cư. Cũng may là có phương tiện xe buýt, Long không phải hỏi thăm nhiều, đã đến được cái nơi ghi trong địa chỉ. Nhưng đến đoạn hỏi thăm nhà cô Duyên lính giải ngũ thì ai cũng chịu.

Quái, mẹ đã kể rõ cô Duyên là đồng đội cũ của mẹ, sau giải phóng cô ấy không ra Bắc vì yêu một người cùng đơn vị quê Hóc Môn, cả hai quyết định sinh sống ở Sài Gòn mà. Song, thực ra mẹ cũng chỉ biết cái địa chỉ này qua những lá thư mà cô Duyên gửi chứ mẹ đâu có biết cô Duyên sống ra sao ở cái thành phố này từ sau ngày giải phóng.

Tìm kim đáy bể rồi, Long hoang mang khi thấy bầu trời đã ngả sang màu tím biếc, những chiếc đèn đường đã bật sáng một thứ ánh sáng vàng đục. Một đêm không biết sẽ ra sao nữa đây. Song, Long cũng vững dạ hơn một chút vì dù sao đây cũng là khu nhà binh, chắc an ninh cũng an toàn hơn. Long ghé lại quán bánh mì lưu động, vừa ngồi ăn vừa nghĩ cách dung thân.

Bà bán bánh mì nói giọng Bắc, làm Long thấy yên tâm. "Này, cậu tìm ai mà tôi thấy lượn qua lượn lại suốt từ sáng tới giờ". "Cháu tìm nhà cô Duyên trước ở khu này, mà cô ấy đã từng là bộ đội". "Trời ạ, tất cả đã lên khu kinh tế mới rồi. Khu này toàn người mới thôi. À có phải cô Duyên người khô khô, da đen đen không?". "Dạ cháu chưa biết mặt, đó là do mẹ cháu kể, nhưng cô biết ạ".

"Không, hồi trước có một cô tên Duyên, hình như trốn khu kinh tế về đây tá túc hết chỗ này chỗ kia, ban ngày đi bán đồ cũ ở các vỉa hè, tối lại về đây ngủ vạ vật. Sau nghe nói bị xua đuổi tịch thu hết hàng, giam mấy ngày rồi sau đó cô ấy đi đâu không rõ. Lâu lắm không thấy lai vãng về khu này". Chả trách mà không ai biết là phải. Long gục đầu nuốt khan miếng bánh mì, làm bà chủ hàng cũng thấy ái ngại: "Này thế cậu tìm bà Duyên để làm gì, có phải vào đây tìm việc không?". Long gật không ngẩng lên: "Thôi, tí nữa vào nhà tôi ở tạm, rõ khổ, chả khác gì cô cái ngày mới vào đây lập nghiệp, cũng bơ vơ ngủ đường ngủ bụi mãi".

Nhà của bà chủ bán bánh mì rong cũng chỉ là một căn nhà gá ghép bằng những tấm tôn, những tấm ván thùng, chắc nhặt nhạnh từ những đống rác hoặc một nhà kho phế thải nào đó. Trong nhà chỉ có mỗi cái giường ọp ẹp, Long nhìn quanh định hỏi thì bà nói luôn: "Cô sống một mình, con cái và chồng cô vẫn ở ngoài Bắc, bao giờ làm ăn được cô mới đưa họ vào, cô tên Tâm".

Người đàn bà bắc nồi nấu cơm rồi sai Long chẻ củi, xách nước. Long cũng hơi ngại nhưng nghĩ người đàn bà này cũng xấp xỉ tuổi mẹ mình, nên chấp nhận ở cùng. Chỉ hơi ngại khi Long nhìn quanh chẳng còn chỗ nào có thể cho mình ngả lưng. Cơm nước xong, bà chủ bảo: "Giường rộng, cháu nằm trong cô nằm ngoài, hoặc không muốn thì rải cái nilon nằm đất vậy".

Minh họa: Tô Chiêm.

"Thôi cháu nằm đất cũng được, cô cho cháu mượn tấm nilon". Đêm thứ hai, Long nằm trên tấm ni long rải trên nền đất mấp mô, nhưng lại trong một căn nhà yên tĩnh. Ngày hôm sau Long cũng chưa biết đi đâu, đành giúp cho cô Tâm dọn hàng, bán bánh mì ăn sáng và ăn chiều ở ngoài phố. Cô Tâm bảo: "Thật ra, cô ở một mình cũng hãi lắm. Chẳng may đêm hôm, có bọn du côn du kề nào đó phá phách thì khốn, cháu ở lại với cô là cô yên tâm rồi". Ngoài thời gian phụ giúp cô Tâm, Long cũng mon men đi tìm việc, nhưng chẳng có việc gì có thể kiếm tiền một cách ổn định. Thành phố rộng lớn thật nhưng người đổ về đây tìm kế sinh nhai thì cũng bạt ngàn.

 Hôm ấy, trời mưa, đứng một chỗ thì không bán được, Long đẩy xe bánh mỳ đi lòng ròng qua các con phố nhỏ để mong bán nốt chỗ bánh còn lại. Số bánh vơi dần, Long vui sướng, chắc mẩm tối nay sẽ báo công với cô Tâm, thể nào cũng được cô xới cho bát cơm đầy. Nhưng niềm vui chưa kịp thăng hoa thì bỗng Long nghe một tiếng đàn ông hô: "Cướp, cướp, bắt hộ tôi với, nó cướp của tôi…".

Ngay lúc ấy Long thấy một chiếc xe máy có hai thằng thanh niên đang lao nhanh trên đường, xem chừng đúng là kẻ vừa gây án, anh nhanh chóng lao luôn cả xe bánh mỳ vào chiếc xe máy, rầm… chiếc xe lăn quay ra đường, cả hai thằng cướp cũng quay lơ sõng xoài chưa biết sống chết ra sao, cả chiếc xe bánh mỳ cũng bẹp dúm đổ nghiêng, lăn tơi tả những đồ nghề và thực phẩm. Long nhanh chóng nhặt chiếc cặp da đen lên trao cho người đàn ông bị nạn vừa kịp chạy tới.

"Của anh này". Người đàn ông, đúng hơn là một thanh niên mặt còn trẻ, đầy vẻ thất thần, lắp bắp nói lời cảm ơn Long. "Không có gì", Long đáp, sung sướng không phải vì lời cảm ơn của anh ta mà vì ánh mắt thán phục của dân phố đang ùa ra. Nhưng, niềm tự hào chưa kịp trôi vào ngực thì Long chợt nhận ra cái vật kiếm tiền duy nhất của hai cô cháu Long đã chỉ còn là một đống sắt vụn bẹp dúm.

Hai thằng khốn cướp giật cũng bị thương, thập thễnh theo người dân đến công an phường. Lúc này người thanh niên bị nạn mới lập cập phân bua: ''Đường vắng trời tối, nên anh đi dưới lòng đường, ai ngờ dễ dàng cho bọn cướp nó giật, nó tưởng trong cặp của anh có tiền, nào ngờ, xem này''. Anh mở toang cặp cho Long xem. Long tròn mắt khi chỉ thấy có mỗi cuốn sổ và một chiếc máy ảnh nhỏ xíu.

"Tiền anh vẫn còn trong túi đây", anh đập tay lên chiếc túi áo ngực, "Nhưng mà chính nó mới là tài sản vô giá của anh đấy". "Anh làm nghề gì?". "Anh là nhà báo, tờ báo đang bán chạy nhất ở Sài Gòn đấy". Long nhè nhẹ thở dài, vậy mà mình mất đứt cái tủ sinh nhai, biết lấy gì đền cho cô Tâm bây giờ. Long đang tính toán xem phải làm gì sắp tới để trả nợ cho cô Tâm, thì anh thanh niên đề nghị: Anh sẽ đền toàn bộ số hàng và chiếc tủ bánh mì cho Long.

 Anh thanh niên bị nạn tên Quang, cũng dân Bắc vào, bàn: "Em cứ đền cho bà chủ rồi về nhà anh ở tạm, tìm việc sau". Sau này nghĩ lại Long cũng không biết có nên cảm ơn cái đêm mưa gió ấy hay không, vì sau cái đêm ấy, đời Long đã sang trang. Long trở thành nhà báo, một nhà báo cứng cáp hẳn hoi. Quang lên trưởng phòng, rồi lên Phó Tổng biên tập.

Tất nhiên Long cũng có đà, chỉ tiếc Long không có bằng cấp gì, nên chỉ là chân phóng viên hợp đồng, nhưng là cây bút chủ lực của tờ báo. Ngoài nhuận bút của tờ báo cũng kha khá, Long đi viết cho các chủ doanh nghiệp đang lên còn được thêm tiền phong bì. Nhưng ăn thua gì khi Long nhận ra một cách kiếm tiền khớ hơn.

Một lần, theo lệnh của Tổng biên tập, Long phải viết một phóng sự điều tra về một cơ sở làm ăn đang có dấu hiệu gian lận trốn thuế. Dầm dề theo dõi đột nhập để tác nghiệp, Long đã có đủ tư liệu để viết một bài đưa ra ánh sáng những khuất tất của doanh nghiệp đó. Bài viết mới hòm hòm chưa sửa chữa, thì Long nhận được một cú phôn của Tổng biên tập bảo dừng lại.

Sao lại thế? Long điên tiết, bao nhiêu tâm huyết và cả sức lực của Long đã đổ cho bài phóng sự này. Long chạy lên phòng Tổng biên tập chất vấn thì được ông giải thích rất dài dòng, nhưng chung quy là có nhiều vấn đề nhạy cảm, từ trên đưa xuống. Chủ doanh nghiệp cũng đã đền bù công sức của Long thỏa đáng. Đây, ông ta đẩy cho Long chiếc phong bì dày cộm.

"Thôi bỏ qua đi, tờ báo mình còn phải sống nữa chứ". Long về nhà giở phong bì ra, choáng váng vì những tờ đô thơm cứng tanh tách. Chà, một món tiền Long đang mơ. Cũng từ đó, Long đã có một cách để làm được tiền ngon lành hơn, đó là tìm đến những cơ sở làm ăn phi pháp, hoặc có dấu hiệu phi pháp. Long có thừa kinh nghiệm để điều tra, và khi tư liệu đã đủ để mặc cả với chủ doanh nghiệp thì Long chỉ việc phôn một cú, là có người đem tiền đến để lấy lại cái "của nợ" kia từ tay Long.

Trời ơi Long đâu ngờ làm báo lại có thể kiếm  tiền nhanh đến vậy. Và cái gì đến, nó sẽ đến, đời là vậy mà, có vay có trả. Đang say với mánh làm tiền ấy, thì đùng một cái. Long sập bẫy của một doanh nghiệp mà Long cho là trẻ ranh.

Trong những đêm khó ngủ, Long nhận ra trong buồng giam còn có một người nữa cũng khó ngủ, đó là thằng Xít đao, té ra thằng này được ăn no mà không ngủ kỹ. Không hiểu hắn còn ấm ức điều gì mà không ngủ được. Từ  phía hắn nằm luôn có tiếng cụ cựa, tiếng chửi thề khe khẽ, đôi khi cả một tiếng thở dài. Chà cái thằng chọc trời khuấy nước bên ngoài, vào đây cũng làm ma làm quỷ mà còn thở dài cái nỗi gì. Long giả vờ dậy đi tiểu, rồi qua chỗ Xít đao dừng lại, biết ngay thằng Xít đao chồm ngay dậy, chộp vào ngực Long gầm gừ: "Mày định làm gì?".

Long bình tĩnh gỡ tay Xít đao, nhẹ nhàng nói: "Đại ca, em biết đại ca cũng khó ngủ như em, ta ngồi nói chuyện cho qua đêm  đi". Xít đao chùng tay, ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn bên ngoài hành lang hắt vào qua ô cửa sổ nhỏ cũng soi cho Long thấy gương mặt đang giãn ra đầy những nỗi niềm của Xít đao.

Hai đứa tựa vào tường, không có thuốc lá để hút, không có rượu để uống thì nhấp nước lã cho trơn giọng vậy. Thế là cũng thành một buổi hàn huyên cùng đối ẩm. Thực ra lúc đầu Xít đao chẳng nói gì, hắn cứ ngồi chăm chăm nhìn ra cái ô vuông cửa sổ có chút ánh sáng đèn hắt vào, như nhìn một tương lai không bao giờ đến được.

Tiếng kẻng báo thức vang lên đinh tai, bởi nó bị quẩn trong bốn bức tường bê tông, khiến không thể một phạm nhân nào dù mệt mấy cũng có thể ngủ tiếp được. Long khàn đặc cổ họng vì lạnh là chủ yếu chứ không phải vì nói. Trời đang vào tiết cuối thu, đêm càng về sáng càng lạnh. Cả buồng lục tục dậy làm vệ sinh. Bọn đệ tử, đứa mang nước đứa mang khăn lại cho Xít đao.

Tự dưng hắn nói với Long bằng giọng rất nhẹ nhàng: "Vào rửa mặt đi cho tỉnh, tý nữa ăn sáng". Long hơi ngạc nhiên vì hiểu rằng phạm nhân làm gì có chế độ ăn sáng. Nhưng Long không phải chờ đợi lâu, một thằng đệ của Xít đao mở mấy gói mì rồi tưới nước lạnh trong bể của khu vệ sinh, để một lát rồi mở ra quạt cho khô, sau đó trộn gói gia vị vào. Vậy là có món mì mềm âm ẩm, Long ngần ngại, nhưng hiểu rằng đây là món quà của Xít đao đã chấp nhận Long, nên đành rón rén ăn, tuy hơi rờn rợn, nhưng đang đói, ăn vào cũng thấy mát ruột.

Thấy thái độ của đại ca đối xử với Long khác hẳn, đám phạm trong buồng cũng nhẹ nhàng hơn với Long. Thỉnh thoảng Long cũng tranh việc của bọn đệ tử, nhưng Xít đao trừng mắt quát: " Không phải việc của mày", Long cũng hiểu ý chừng Xít đao muốn khẳng định đẳng cấp của Long, không cùng hàng với bọn chúng.

Trong trại tạm giam này, phần lớn là phạm chưa thành án, đang trong giai đoạn điều tra, nên không ai được thăm gặp, mà chỉ gửi đồ thăm nuôi qua bộ phận tiếp nhận của trại. Đồ phải qua khâu kiểm tra, rồi qua quản giáo phụ trách trực tiếp, đến trưởng buồng, nên khi đồ đến tay chính chủ thì nó chẳng còn là chính phẩm nữa. Nhưng dù có tanh bành ôi thiu, dập nát thì cũng vẫn là sơn hào hải vị đối với những con ma đói.

Đã vậy, vào đến buồng của Xít đao lại phải qua tay Xít đao phân phối. Long chưa nhận được đồ tiếp tế, lẽ dĩ nhiên không ai biết Long vào đây, hú vía. Nhưng Long vẫn được Xít đao chia phần dù rất ít những "Sơn hào hải vị" trong tù. Dù được Xít đao ưu ái song Long cũng vẫn dè chừng cảnh giác vì biết Xít đao là một con cáo khôn ngoan lại đã dày dạn tù trường.

Hắn vào tù như đi an dưỡng. Tất cả các vụ lộn xộn đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, hoặc thanh toán theo luật giang hồ, đều có bàn tay của hắn nhúng vào, nhưng khi công an ập đến thì hắn vẫn mất tăm, hoặc đang đường hoàng ngồi ăn nhậu ở đâu đó rất xa nơi gây án, nghĩa là đầy đủ bằng chứng ngoại phạm.

Tuy nhiên nếu đọc lệnh bắt hắn thì hắn vẫn ngoan ngoãn tra tay vào còng, bình thản đi vào trại giam như con bệnh định kỳ phải vào viện điều trị. Không đủ bằng chứng phạm tội, nên Xít đao không bao giờ phải chịu mức án cao. Nhưng lần này… không dễ như vậy đâu, hắn đang lo. Không hiểu Xít đao đang ưu ái cho Long vì lẽ gì. Nể một thằng nhà báo? Không rỗi hơi vậy đâu. Trả ơn Long không khai báo tội đàn áp Long ư? Chắc cũng không phải mình Long xử trí như vậy. Thế thì có khi ở cái đồng cảm khó ngủ?

Long biết, Xít đao còn nhiều trắc ẩn lắm, nhưng cái nghề khai thác tư liệu sống thì Long đã thành tinh rồi. Long biết, anh Quang đã bảo lãnh cho Long, nhưng Long phải lập công chuộc tội. Xít đao là một chìa khóa quan trọng để mở những đường dây trong thế giới ngầm có liên quan tới những vị tai to mặt lớn trong thành phố.

Qua những lần tâm sự, Long biết Xít đao có một hoàn cảnh rất đáng thương. Hắn có vợ và một con gái, nhưng vợ hắn đã bỏ đi khi hắn vào tù lần này. Bây giờ gia đình hắn chỉ còn lại đứa con gái chưa đầy 6 tuổi và một mẹ già với nghề duy nhất là giác hơi, cạo gió.

Một lần hắn nhờ Long: "Mày nhiều chữ viết tao cái thư gửi cho má tao, viết thế nào để bả khỏi lo, bảo tao đang sống đàng hoàng. Dăm bữa nghỉ xả hơi lại về". Long tuân lệnh, anh viết mùi mẫn, nếu mẹ Xít đọc chắc phải rơi nước mắt vì cảm động.

Một đêm, Long bảo: "Có khi em được tại ngoại, em ra ngoài đại ca có  nhắn nhủ gì không". "Đại ca gì của mày, từ nay cứ gọi tao là anh Xít thôi. Nhờ mày qua thăm má tao, rồi cho tao biết tin, thế là được rồi. Đời tao có lúc đã tưởng ngồi trên đống tiền và không biết sợ ai, nhưng mày thấy đấy. Người ta vắt tao như vắt quả chanh rồi vứt vỏ đi. Đù má chúng nó, đời có vay có trả cả. Chúng nó không thể quỵt được". Xít chửi thề suốt đêm. Long cứ nghe, anh hiểu rằng chính lúc này cứ để Xít tự tuôn ra tất cả.

Long ra khỏi phòng tạm giam, được miễn truy tố. Những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ mà Long thu lượm được trong những đêm chửi thề của Xít đã cung cấp rất nhiều bằng chứng cho công an tiến hành một vụ án lớn.

Thực hiện đúng lời hứa với Xít, Long tìm đến khu nước đen trên sông Thị Nghè tìm hai bà cháu. Chả hiểu Xít đã từng là giang hồ cộm cán, tiền đạp dưới chân mà sao mẹ và con gái lại sống thảm hại đến thế. Long nhớ đến món tiền tiết kiệm mà Long đã có được trong những lần bóc phong bì. Số tiền đó chỉ có một phần ba là tiền mồ hôi công sức của Long, còn lại là của phù du. Long gói số phù du đó đem đến cho bà mẹ Xít, không quên bảo rằng, đây là tiền Xít dành dụm trong bao năm làm ăn.

Lần này có thể Xít đi lâu mới về. Long vào trại giam thăm Xít lần cuối trước khi trở về quê, anh đưa bức ảnh Long chụp hai bà cháu đang tươi cười trong căn nhà mới, tuy không khang trang nhưng cũng tươm tất hơn. Xít cứ túm lấy tay Long nắm chặt, nghẹn ngào trong nước mắt. Giọt nước mắt của kẻ giang hồ quen đâm thuê chém mướn rất hiếm hoi nhưng cũng đủ lọt ra ngoài.

Truyện ngắn của Nguyễn Cẩm Hương
.
.