Có phúc không biết hưởng

Thứ Bảy, 26/08/2017, 08:00
Tiểu Điền là người nông thôn, tốt nghiệp đại học lên tỉnh làm nhân viên công vụ, được ba năm thì xin thôi việc, trở thành ông chủ, mua nhà, mua xe rồi đón bố mẹ từ dưới quê lên.

Trước khi lên đường đi nước ngoài thương thảo công việc, Tiểu Điền thuê một người giúp việc. Mặc dù không phải nhúng tay làm bất cứ việc gì nhưng bố mẹ Tiểu Điền thấy bất tiện vì tự nhiên trong nhà có người lạ. Cho người đó nghỉ việc thì rõ là thoải mái hơn, không dùng điện, chẳng cần bếp gas, chỉ ăn màn thầu, uống nước máy là ổn.

Trước nhà có một vạt cỏ xanh um, bà bảo chỗ ấy để thả một con dê, bố Tiểu Điền lại muốn trồng rau vì tưới tắm sẽ rất tiện. Thế là ngồi ngay xuống, bắt đầu nhổ cỏ, nhưng loại cỏ này rễ ăn rất sâu, phải dùng tay để moi. Mới moi được một khoảnh bằng cái vung nồi thì nhân viên bảo vệ xuất hiện, nói đây là bãi cỏ công cộng, không ai được phá hoại.

Việc “khai hoang” thế là không thành, bố Tiểu Điền chợt phát hiện ra hai cái thùng rác một màu xanh, một màu vàng, vừa cao, vừa to đặt phía trước, nghe nói để phân loại đựng rác tái chế được và rác không tái chế được. Bố Tiểu Điền nói, trên đời này cái gì cũng tái chế được tất. Người thành phố từ cái ăn, cái mặc, giày hỏng, bít tất rách… đều đem quăng vào thùng rác, cả nhiều thứ đồ chơi cũ mà trẻ con nông thôn chưa nhìn thấy bao giờ. Nhiều người mua tivi, tủ lạnh, xé bỏ bao bì vứt đi, những thứ ấy đem bán phế liệu chẳng phải là tiền sao? ông nghĩ tốt nhất là phải ra tay trước nên ăn cơm trưa xong liền bắt tay vào việc, bới lật tỷ mỷ, chọn ra những gì mà lão cho là còn dùng được. Bới hết thùng rác quanh nhà sau đến các thùng rác trong toàn tiểu khu rồi bó lớn, bọc nhỏ cõng về nhà.

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Trên các con đường trong tiểu khu trồng nhiều cây ăn quả. Bố Tiểu Điền mới đến, không chứng kiến cảnh đào hạnh nở hoa xuân nhưng lại được thưởng thức mùi thơm nhẹ nhàng của các loại trái cây mùa thu đang chĩu chịt trên cành.

Bên bờ hồ, có hai cây hoa tiêu cành lá tươi tốt, chi chít hạt hoa tiêu. Loại cây này thân gồ ghề, cành và lá tua tủa gai sắc nhọn. Ông cụ bất chấp, một tay bám vào cành cây, tay kia hái thoăn thoắt, thoáng cái đã được trên lưng chậu hạt rồi dương dương tự đắc, gặp ai cũng gọi cho. Nhưng việc gì cũng có cái giá của nó, hai cánh tay của lão ngang dọc những vết gai cào rớm máu, thậm chí máu còn nhỏ thành giọt lên những hạt hoa tiêu.

Góc đông nam quảng trường có một cây táo. Nhìn táo lúc lỉu, chín vàng, hương  thoảng bay, bố Tiểu Điền ngứa ngáy chân tay, muốn trổ tài trộm dưa, vặt táo thuở xưa. Hôm sau lão ra sớm, nhổ nước miếng vào lòng bàn tay xoa xoa rồi leo tót lên chạc cây, tay năm tay mười vặt táo liệng xuống tấm ga trải giường mà bà lão căng ra đón bên dưới. Chỉ một lúc, cây táo đã gần hết quả, còn trơ lại vài quả trên ngọn cây, lão ráng sức rung, đạp nhưng không kết quả liền tụt xuống, chạy về vác ra một cây tre dài, chọc lia lịa một hồi là “trận chiến” kết thúc. Lão đắc chí vác gần đầy bao tải táo về nhà, bỏ lại dưới gốc cây một đống cành lá ngổn ngang.

Tiểu Điền từ nước ngoài trở về, chưa vào sân đã thấy thum thủm mùi táo thối rữa, vào trong sân thì cảnh tượng thật thê thảm: vỏ chai bia, các loại chổi cùn, rế rách rải la liệt khắp sân, vỏ thùng giấy, túi nilon cũ… chất thành từng đống như núi… Căn nhà hoành tráng của mình bỗng biến thành trạm phế liệu bẩn thỉu, hôi hám! Tiểu Điền thấy nghẹt mũi, khó thở, định chửi vài câu nhưng không há miệng ra được.

Ngay buổi chiều, Tiểu Điền đến công ty dịch vụ, dẫn về một người đàn ông, giới thiệu: “Đây là Lý Gia Chính, ủy thác việc trông nom bố mẹ. Bố mẹ muốn làm gì phải được sự đồng ý của anh ta đấy!”.

Bố Tiểu Điền nghe con nói thế thì tái mặt. Hây dà, trong nhà lại có thêm một chính ủy, kiểu như của đội công tác đóng ở thôn thời trước sao? Thấp thỏm suốt đêm, trời chưa sáng ông bà già đã trở dậy, khăn gói lặng lẽ lên đường trở về quê…
Nghiêm Sơn Bích (Trung Quốc)- Trần Dân Phong (dịch)
.
.