Có mùa xuân vừa ngang qua

Thứ Tư, 01/04/2015, 08:00
…Xóm chài nằm e ấp bên sông với khoảng mươi nóc nhà được dựng trên những chiếc thuyền gỗ đã xỉn màu. Ông lặng lẽ với cuộc sống nơi xóm chài, cho đến khi thành ông lão, mái tóc ngả bạc lúc nào không hay. Con gái ông bước vào tuổi thiếu nữ, đẹp như một bông hoa cuối mùa nhưng vẫn dở dở ương ương như vậy.

Buổi sáng. Gió từ sông hắt lên mát rượi. Thằng bé chừng mười tuổi, ngồi bệt trên thành cầu nhìn ông lão đang giũ đống lưới tối qua tấp ở góc thuyền. Hai chân thằng bé thõng xuống vắt vẻo khỏa nước.

Những giọt nước từ mắt lưới đọng lại, rơi lõm bõm xuống sông khi ông lão căng lên. Tối qua trời mát trăng thanh, số cá ông lão kiếm được cũng kha khá. Ông lão khấp khởi mừng vì với số cá này, kiểu gì ông cũng dôi ra một ít tiền để mua cho thằng cháu bộ quần áo mới. Tội nghiệp, có hai bộ thay đi thay lại, mà bộ nào cũng sờn cũ hết cả rồi. Ông lão nhìn thằng bé, bất giác thở dài.

Trong lúc ông lão vừa giũ lưới vừa đăm chiêu thì thằng bé bỗng ngập ngừng:

- … Lát nữa ông cho cháu… vào làng ông nhé…

Khuôn mặt ông lão đột nhiên biến sắc. Ông lão nhìn thằng bé hồi lâu rồi dứt khoát:

- Không được! Cháu có thể đi mọi nơi nhưng vào làng thì không.

Thằng bé thấy giọng ông gay gắt, dù có hơi sợ nhưng vẫn cố vớt vát:

- Sao ông không cho cháu vào làng? Mấy đứa bạn cháu bảo trong làng đẹp lắm, có nhiều trò chơi hay nữa…

- Ông đã bảo không được là không được. Ông nói rồi, cháu không bao giờ được bén mảng vào làng!

Ông lão cắt ngang lời thằng bé, khi giọng nó đang đầy háo hức về một ngôi làng hấp dẫn và thú vị qua lời kể của mấy đứa bạn cùng sống trên sông. Rất nhiều lần, nó tự nhủ một ngày nào đó, nó cũng sẽ vào làng để được tận mắt trông thấy những điều mà tụi bạn đã kể cho nó nghe. Nhưng lần nào cũng vậy, ngay sau khi thằng bé vừa mở lời thì ông lão, giọng chắc nịch, luôn luôn là những lời cấm đoán. Thằng bé khuôn mặt ỉu xìu mà chẳng hiểu lý do vì sao.

Vừa lúc đó, bà lão từ trên bờ bước xuống thuyền, giọng đon đả:

- Cu Nhân đâu rồi, bà có quà cho cháu đây này.

Bà lão lấy từ trong chiếc làn đang cầm trên tay một gói kẹo rồi đưa cho thằng bé. Thằng bé hớn hở:

- Cháu xin bà!

Đưa gói kẹo cho thằng bé xong, bà lão ngồi xuống bên cạnh ông lão, đưa ra gói trà:

- Tui có gói trà, biếu ông uống nước.

Bà lão đẩy gói trà về phía ông, lập tức ông lão vung tay gạt trở lại khiến gói trà rơi phịch xuống sàn. Bà lão lẳng lặng nhặt gói trà lên, trong khi ông lão vẫn điềm nhiên giũ lưới, như chưa hề có chuyện gì xảy ra, thậm chí sự xuất hiện của bà lão lúc này cũng như không.

Bà lão lấy tay giũ lưới. Thoắt cái, ông lão giằng đống lưới về phía mình. Ông dặn thằng bé đi chơi trước khi quay sang bà lão, lạnh lùng:

- Ở đây không có việc gì cho bà cả! 

Bà lão ngước đôi mắt mờ đục nhìn ông rồi nói với giọng như van vỉ:

- Ngày mai là giỗ con Hiên rồi, tui mang ít đồ lễ cho nó.

Ông lão hình như sực nhớ ra, khuôn mặt hơi chau lại. Chết thật! Mai là ngày giỗ của con gái mình, vậy mà mình cũng quên được. Không lẽ mình già đến mức này rồi ư? Ông lão lẩm bẩm trong miệng, cố không để bà lão nghe thấy.

Ông lão trở về với thực tại, thấy bà lão cầm chiếc rổ như đang định làm gì đó, ông lão liền giằng lại:

- Bà về đi! Tui nói rồi, ở đây không có việc gì cho bà cả đâu.

Bà lão buông thõng tay rồi ngồi thụp xuống:

- Ông vẫn không tha thứ được cho tui hở ông?

Ông lão xua tay:

- Bà về đi, bây giờ tui phải đi chợ rồi.

Giọng ông lão vẫn chắc nịch, khô khốc và lạnh lùng. Bà lão đứng dậy rồi lủi thủi ra về. Ông lão không buồn nhìn theo.

*

…Xóm chài nằm e ấp bên sông với khoảng mươi nóc nhà được dựng trên những chiếc thuyền gỗ đã xỉn màu. Ông lặng lẽ với cuộc sống nơi xóm chài, cho đến khi thành ông lão, mái tóc ngả bạc lúc nào không hay. Con gái ông bước vào tuổi thiếu nữ, đẹp như một bông hoa cuối mùa nhưng vẫn dở dở ương ương như vậy.

Ông nghĩ, mình cũng từng có những giây phút hạnh phúc. Đó là khoảnh khắc chào đón con gái ra đời, xinh như một con búp bê. Ai nhìn cũng muốn thơm vào má, thậm chí cắn yêu một cái cho thỏa sự thích thú. Nhưng cho đến khi con gái lên hai tuổi, càng ngày vợ chồng ông càng phát hiện ra những biểu hiện không bình thường của nó. Nó chậm nói đã đành, nhưng càng lớn càng tỏ ra là một đứa bé ngờ nghệch, khù khờ. Khi lên năm tuổi, con gái ông hiện rõ mồn một là một đứa bé ương dở: nói không nói, suốt ngày chỉ cười hềnh hệch, mũi dãi lòng thòng.

Từ lúc phát hiện ra con gái của mình như vậy, vợ ông đau khổ, suốt ngày ủ rũ, ru rú trong nhà. Cả ông, rồi vợ ông đều không làm sao giải thích được vì đâu mà con gái của mình lại ra nông nỗi như vậy. Rồi một ngày, không chịu nổi cuộc sống túng quẫn, thêm đứa con ngờ nghệch, vợ ông lẳng lặng xếp áo quần ra đi, không để lại một tin tức gì.

Từ đồng trở về nhà, nhìn đứa con gái ngồi xoài trên sân, xung quanh dậy lên mùi hôi thối của phân lẫn nước đái, ông ôm con vào lòng rồi khản giọng gọi vợ. Nhưng lời ông rơi vào thinh lặng. Vợ bỏ đi hôm trước, hôm sau ông quyết định gói ghém đồ đạc cùng đứa con gái đầu lòng ra sống ngoài sông, vĩnh viễn quên hình ảnh người vợ phụ bạc cùng những ký ức mà ông không muốn nhớ đến. Ông ôm con ra sông và thề với lòng mình mãi mãi thuộc về nơi này.

Thời gian cứ bình thản trôi đi. Có lẽ cũng dễ đến gần hai mươi năm ông và con chọn nơi đây làm nhà. Hàng ngày, khi ông lão đi thả lưới hay mang cá sang chợ làng bên bán thì con gái ở nhà, thơ thẩn một mình trên thuyền. Con gái ông nhìn đăm đăm vào những cánh rừng đưng rừng mắm. Chốc chốc, có con bướm hay con chim nào bay ngang qua, nó lại vỗ tay, miệng kêu lên những tiếng ú ớ, ra chiều rất phấn khích.

Rồi xóm chài trở nên chộn rộn hơn khi xuất hiện một toán công nhân về làm đê. Mỗi ngày qua đi, lại có thêm một đoạn đê vững chãi hiện ra. Người lớn lẫn trẻ con của xóm chài đều vui vẻ và háo hức đợi chờ ngày con đê được xây xong. Bởi khi có con đê này, họ sẽ không còn phải lo lắng vào mỗi mùa mưa bão. Người xóm chài vẫn rỉ tai nhau, không đùa được với bão lũ, thiên tai. Có những năm, đã chằng cột chắc chắn rồi, vậy mà khi bão lũ về, thuyền lẫn người vẫn tan tác; thậm chí có người còn bị lũ nhấn chìm rồi trôi đi, không tìm được xác. Vậy nên, có một con đê vững chãi như thế này, ít ra những rủi ro sẽ được giảm bớt.

Kể từ khi có toán công nhân về làm đê, ông lão không còn phải mang cá ra chợ bán mà bán luôn cho mấy người công nhân làm thức ăn. Đám công nhân căng bạt thành một túp lều rồi cùng ăn ở tại đó. Cứ mỗi sáng, ông lão lại mang cá ra bán cho họ, có hôm anh nuôi sẽ xuống tận thuyền của ông lấy cá. Chính từ những lần mua bán đó mà chuyện ông lão có cô con gái đẹp như một bông hoa dại chẳng mấy chốc lan ra khắp đê. Đám công nhân xì xào bàn tán. Người tỏ ra thương cảm nhưng có người lại tỏ ra tiếc rẻ. Một đồn mười, sự xinh đẹp của bông hoa dại kia khiến ai cũng phải tò mò.

Một buổi chiều, ông trở về thuyền sau khi đã mua đầy đủ mắm muối, gạo, bấc, dầu… cho cuộc sống của hai cha con những ngày sắp tới. Vừa bước xuống thuyền, qua ánh nắng lấp loáng còn sót lại của buổi chiều, ông lão như chết sững. Trước mắt ông, những vật dụng nằm ngổn ngang trên sàn, mấy chiếc bát ăn cơm lăn lóc, có cái vỡ toang. Góc thuyền, đứa con gái nằm rúm ró, áo quần tơ tướp, tóc tai bù xù. Trên sàn gỗ còn sót lại mấy vệt máu khô.

Ông lão hốt hoảng chạy lại chỗ con. Đứa con gái giật mình hét toáng lên. Những tiếng ú ớ nghèn nghẹt như mắc lại trong cuống họng, nhưng ông cảm nhận được sự đau đớn đến tột cùng mà con gái mình vừa trải qua. Dường như nhận ra ông, đứa con gái thôi la hét mà co rúm người lại rồi ôm ghì lấy bố. Bên tai ông, vẫn còn những tiếng nấc nghẹn. Nhìn con gái, ông cũng không nén được cảm xúc của mình, hai cha con cùng ôm nhau khóc.

Chiều vắng, không ai hay biết chuyện của cha con ông…

*

Ông lão ngồi bần thần nhớ lại. Gần mười năm trôi qua nhưng nỗi đau vẫn còn đó, như lúc ông về và bắt gặp con gái mình quằn quại trong khoang thuyền. Cứ mỗi lần nhớ lại, ông lại cảm thấy đau tức. Ngày đó, khi cơn giận bùng lên, ông đã định cầm dao ra chỗ đám công nhân. Đi ra mũi thuyền, ông liền khựng lại rồi ngồi thụp xuống, ngửa mặt lên trời. Hình ảnh của ông lúc đó, không khác gì với hình ảnh chú sói già, đau đớn quá mà không biết phải làm gì, chỉ biết ngửa mặt lên trời rồi tru. Tiếng tru đầy tủi cực tan vào hư không. Ông thầm trách ông cao xanh khéo bày trò. Rồi ông chợt nhớ. Phải rồi, con gái ông sẽ không phải đau đớn như vậy nếu như có một người mẹ ở bên săn sóc. Tất cả cũng tại vì người vợ phụ bạc, người đã bỏ đi để mặc đứa con tội nghiệp cho ông. Vết thương trong lòng ông một lần nữa bị khoét sâu thêm.

Thế rồi thằng bé ra đời, giống như một món quà mà ông trời gửi đến ông. Nhưng để có được món quà này, ông phải trải qua nỗi đau đớn thấu tận tim gan. Và sau này là nỗi đau mất đi đứa con mà ông chăm bẵm, nuôi nấng từ nhỏ. Con gái ông bị băng huyết ngay sau khi sinh thằng bé. Ông như cắt từng khúc ruột, khi một bên là đứa con gái với hơi thở yếu ớt, còn một bên là thằng bé với tiếng khóc ngằn ngặt vì khát sữa. Ông đã không làm gì được để cứu con, đành ôm thằng bé và xót xa đưa bàn tay già nua lên vuốt mặt cho con gái mình.

*

Buổi sáng ngày hôm sau, như thường lệ, ông lão dậy từ sớm. Đắp lại chăn cho thằng bé, ông chụm lửa nấu nồi cơm nếp. Sáng qua, may có bà lão nếu không ông đã quên ngày giỗ của con gái mình. Ngay khi bà lão ra về, ông vội vội vàng vàng sắm sửa đồ đạc để chuẩn bị làm giỗ cho con. Sực nhớ thẻ nhang và gói kẹo hôm qua bà lão mang ra, lúc đầu ông lão tính không đả động đến. Nhưng rồi ông tặc lưỡi, dù gì cũng là máu mủ của nhau. Nghĩa tử là nghĩa tận. Nghĩ vậy, ông lão lần tìm đến chiếc làn bà lão để nơi góc thuyền, lấy ra thẻ nhang và gói kẹo rồi đặt lên bàn thờ con gái. Chiếc bàn thờ đơn sơ, cũng không có lấy một tấm ảnh thờ. Chỉ có chiếc bàn con con, trên đó có một bát nhang với những chân nhang đã xỉn màu.

Ông lão loay hoay một mình, cho đến lúc trời sáng lúc nào không hay. Sau khi đánh thức thằng bé dậy, ông mang đồ cúng rồi cùng nó ra mộ con gái. Ngôi mộ nằm cách nơi đậu thuyền của ông một khoảng khá xa. Đi được nửa đường, ông lão trông thấy bà lão đang hớt hơ hớt hải đi theo sau. Xem như không thấy bà, ông lão cầm tay thằng bé, quấy quả bước đi. 

Ngôi mộ nằm trơ trọi một mình ở mé sông, cỏ dại phủ xanh ngắt. Đôi chỗ do bị mưa xói, tạo thành một vệt lõm trên mộ. Ông lão đặt đồ cúng xuống bên cạnh, nhẹ nhàng bảo thằng bé:

- Con ngồi xuống nhổ cỏ trên mộ cho mẹ đi.

Thằng bé răm rắp làm theo. Hai ông cháu cùng tỉ mẩn nhổ những cây cỏ đã bám rễ sâu vào đất. Lúc đó, bà lão cùng vừa kịp tới. Không nói không rằng, bà lão ngồi thụp xuống, vừa nhổ cỏ vừa khóc hờ:

- Ớ con ơi. Mẹ có lỗi với con. Con sống khôn thác thiêng, về đây chứng giám cho lòng thành của mẹ. Mẹ khổ lắm con ơi!

Đột nhiên ông lão quay sang bà, gằn giọng:

- Tui đã nói rồi, ngoài này không có chỗ cho bà đâu. Bà về đi!

Bà lão như không nghe thấy, vẫn lẳng lặng nhổ cỏ. Thấy bà lão không có biểu hiện gì với lời nói của mình, cục giận trong ông lại trào lên:

- Tui nói bà có nghe không. Bà về đi. Ngoài này không có chỗ cho bà đâu!

Bà lão thôi khóc, nhìn ông lão trừng trừng:

- Sao ông ác vậy? Mấy chục năm rồi, chuyện cũng đã cũ xưa rồi, lẽ nào ông không thể tha thứ cho tui được sao. Mà suốt những năm tháng qua, tui cũng đâu có sung sướng gì…

Giọng bà lão nghẹn lại:

- Ông nghĩ coi, tui với ông giờ cũng gần đất xa trời rồi. Ông không thương mình thì cũng phải thương lấy thằng Nhân chứ.

Giọng bà lão có chút ngập ngừng:

- Bệnh băng huyết đâu có khó chữa. Nếu ông không cố chấp như vậy, hồi đó con Hiên sẽ không phải chết, thằng Nhân không phải chịu cảnh côi cút...

Bà lão nói xong rồi thở dốc, chừng như cảm thấy mình vừa lỡ lời hay vừa làm một việc gì đó quá sức mình. Và quả nhiên, những lời của bà lão có sức tác động tới ông lão rất lớn. Ông lão nhìn bà lão không chớp mắt. Hai đồng tử của ông không hề động đậy. Khuôn mặt ông bần thần. Trông ông lúc đó không khác gì một bức tượng được tạo nên từ thạch cao. Trong giây phút ngỡ ngàng, ông chợt nhớ lại khoảnh khắc con gái ông trở dạ. Con gái ông bị băng huyết. Máu chảy ra lênh láng. Dòng máu đỏ ối nối tiếp nhau chảy trên sàn rồi nhỏ xuống sông. Bên cạnh, thằng bé khóc ngằn ngặt. Tiếng khóc của thằng bé nhói vào tâm can ông. Con gái ông cần tới trạm y tế. Ông lão đưa mắt hướng về phía làng. Nhưng rồi ông đã thu vội ánh mắt của mình. Không! Ông đã thề với lòng mình sẽ không bao giờ quay lại nơi đó. Nhất định không!

Trong lúc ông đang giằng xé giữa việc vào làng hay không vào làng thì con gái ông từ từ khép mắt lại. Cánh tay phải lúc nãy còn vòng tay ôm thằng bé, bây giờ cũng lơi ra. Thằng bé vẫn khóc ngằn ngặt, hai bàn tay nó ngọ ngọe như đang tuyệt vọng tìm gì đó.

Ông đau đớn nhìn con rồi nhìn cháu. Nhưng tất cả đã muộn. Mấy năm qua, ông cố chôn chặt chuyện này vào lòng, nhưng ông đã không làm được. Càng thương con gái ông lại càng trách người vợ bội bạc. Giờ người vợ bội bạc đó lại hiện diện trước mắt ông. Cũng như ông, thời gian đã lấy hết đi tất cả nhuận sắc nơi bà. Đối diện với ông bây giờ, là hình ảnh bà lão với mái đầu bạc trắng, khuôn mặt chồng chất những nếp nhăn. Trên đầu của ông bây giờ, tóc cũng đã ngả bạc hết rồi còn đâu! Bao nhiêu năm qua, ông luôn khăng khăng cho rằng, mọi sự đều do bà. Nếu bà ở lại, cùng với ông yêu thương chăm sóc cho con, thì cha con ông không phải bỏ làng ra sống ngoài đê, để rồi những tai ương liên tiếp rớt xuống đầu. Nhưng lúc này, đối diện với bà, ông chợt hiểu, đẻ ra một đứa con ương dở như vậy, hoàn toàn không phải lỗi của bà. Cả ông cũng có lỗi. Ông chưa bao giờ đặt mình vào tâm thế của bà, để hiểu rằng bà cũng có những nỗi khổ tâm riêng nên mới phải ra đi như thế. Chỉ là ông là đàn ông, nên cương trực và cứng rắn hơn. Ông lão chợt chạnh lòng.

Sau những lời nói của bà lão, không gian trở nên yên ắng, tĩnh mịch. Mùi hương phảng phất. Khói hương bảng lảng hòa vào không trung. Ai cũng đang chăm chú vào công việc của mình nên không ai nói với nhau câu nào. Xong việc, ông lão và thằng bé lẳng lặng đứng dậy rồi trở về thuyền. Còn lại bà lão ngồi đăm chiêu bên mộ con gái. Không ai biết lúc đó bà đang nghĩ gì. Chỉ biết, lúc trông thấy ông lão và thằng bé khuất dạng, bà lão mới chậm chạp đứng dậy rồi rảo bước về phía làng...

*

Một buổi sáng đầu mùa xuân, như mọi lần, bà lão lại ra thuyền thăm cháu. Ông lão vẫn cần mẫn với đống lưới của mình. Lần này, ông lão không đuổi bà như trước đây, chỉ cắm cúi vào công việc của mình, xem như không có sự hiện diện của bà.

Bà lão bước vào khoang thuyền, rồi lại gần nơi thằng bé đang nằm im như một con mèo. Thắng bé hé đôi mắt ti hí nhìn bà, ánh nhìn đầy mệt mỏi. Bà lay lay thằng bé:

- Sao giờ này vẫn còn nằm đây? Bà mang kẹo ra cho cháu đây này, dậy ăn đi!

Thằng bé vẫn nằm im, hơi thở khò khè yếu ớt. Chợt đập vào mắt bà là những chấm ban mọc chi chít từ mặt xuống hai cánh tay. Bà lão lật áo lên, thấy trên người nó là những chấm ban đã đóng vảy. Bà hốt hoảng:

- Trời ơi! Cháu bị làm sao thế này?

Rồi bà quay ra nói với ông:

- Ông vào mà xem cu Nhân nó bị làm sao đây này...

Bà lão kêu lên:

- Thôi đúng rồi. Nó bị thủy đậu. Trời ơi! Thằng Nhân nó bị thủy đậu mà sao ông vẫn còn để nó nằm đây. Sao ông không đưa vào làng chạy chữa cho nó.

Ông lão nghe nhắc tới từ vào làng, liền ngừng tay. Đôi mắt ông sáng quắc:

- Không có đi đâu cả. Bà về đi. Tui đã nói bao nhiêu lần, nơi đây không có chỗ cho bà...

Bà lão đưa tay áo chậm chậm nước mắt:

- Ông có còn nhân tính nữa không? Ông nhìn coi, thằng Nhân nó đang sắp chết đây này.

Bà lão nước mắt vắn dài, hết nhìn thằng bé rồi nhìn ông:

- Ông có thể sống mãi với nỗi hận của mình nhưng còn tương lai của thằng Nhân thì sao. Không lẽ ông muốn cuộc đời của nó mãi quanh quẩn với xóm chài này. Ngày xưa cũng vì ông cố chấp mà con Hiên phải chết. Lẽ nào, giờ ông cũng muốn thằng Nhân chết như vậy sao?

Ông lão sững người. Những lời nói của bà lão một lần nữa lại găm vào tim ông. Trong đầu ông lởn vởn hình ảnh của đứa con gái rồi đến thằng cháu. Ông tự vấn mình. Mấy năm qua, ông xem thằng bé là một món quá vô giá nhưng cách ông bao bọc nó, liệu có phải ông đang thương nó thật sự hay không. Hay ông đang làm khổ nó vì sự cố chấp của mình.

Ông lão ngồi bần thần một lúc. Rồi rất nhanh, ông chạy vào khoang thuyền bế thốc thằng bé trên tay, vội vã chạy về phía làng. Bà lão sau giây phút ngỡ ngàng, cũng tất tưởi chạy theo ông...

Truyện ngắn của Hồ Huy Sơn
.
.