Cô gái trong tranh

Thứ Bảy, 16/11/2019, 07:50
Hồi đó tôi và Thủy cùng vào cơ quan một ngày. Hôm đó tôi gặp Thủy trong phòng làm việc của Tổng biên tập  tờ báo tỉnh để nhận quyết định phân công công việc. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác khi tôi gặp Thủy lần đầu, đó là cái cảm giác đố kị rất đàn bà, ghen. Ghen gì, ghen với nhan sắc của Thủy. 

Về hưu rồi, suốt ngày chỉ ngồi nghĩ cách để đi chơi. Lên mạng tìm đủ các tuor du lịch. Khổ nỗi cái thời đi làm tôi đã đi kha khá nhiều nơi trên dải đất hình chữ S này rồi. Do tính chất nghề nghiệp là làm báo, lại cũng có tí máu văn chương nên cái việc ngao du đã trở nên như một nhu cầu không thể thiếu được trong tôi.

Song, dù đã dạo qua các vùng miền thấy chả còn sót vùng nào nên tôi đành tặc lưỡi đi bất cứ nơi đâu nếu rủ được bạn hiền. Thế là cầu được ước thấy. Mới ngỏ lời đã có dăm ba cạ đang ngồi ngáp vặt ở nhà, cùng đồng thanh dô dô. Thế là ô kê, rất đơn giản chỉ cần cái va ly kéo lèn chặt chục bộ váy các kiểu và không quên một bọc to túi ni lông đựng đủ các loại thuốc của người cao tuổi. Thích nhất là các cạ đều có chung một chí hướng bỏ con cháu lại sau lưng ta đi làm lại cuộc đời.

Cái thành phố mà đoàn chúng tôi đổ bộ là một thành phố miền Trung Tây Nguyên, nơi mà được các cạ tán thành bỏ phiếu trong hội nghị bàn vuông tại nhà một chị lớn tuổi nhất hội. Ừ cũng đã 20 năm rồi tôi cũng chưa có dịp trở lại nơi này, làm tôi cũng náo nức chẳng kém gì những kẻ chưa một lần đặt chân đến.

Chiều tối chúng tôi đã tề chỉnh bên bàn ăn của nhà hàng kiêm khách sạn nơi chúng tôi đã đặt trước trên mạng. Phải nói nhà hàng khá đẹp với một phong cách thẩm mỹ khá nghệ thuật. Nó không hoành tráng theo kiểu sa hoa mà ấm cúng thanh lịch rất phù hợp với những người ưa nghệ thuật.

Chúng tôi vừa nhẩn nha đợi món vừa lặng lẽ ngắm những bức tranh sơn dầu vẽ phong cảnh thấy tâm hồn thư thái một cách lạ thường. Bỗng từ một góc nhìn  cách bàn chúng tôi ngồi khá xa tôi thấy một bức tranh không lớn như các bức trong phòng ăn vẽ một người con gái mặc chiếc áo sơ mi giản dị ở cái thời bao cấp, mái tóc xõa hơi rối, gương mặt hơi tối nhưng đẹp một cách bí ẩn.

Tôi bỏ mặc những bức tranh phong cảnh mà bạn bè đang trầm trồ để lại gần bức tranh vẽ người con gái đó. Ồ là ai nhỉ, sao tôi cứ thấy quen quen mà không thể nhớ ra. Rõ ràng đôi mắt này tôi đã nhìn thấy ở đâu, nhưng khuôn mặt thì chịu. Hay họa sĩ đã cố tình vẽ khác đi để chỉ tập trung vào đôi mắt của người mẫu mà thôi.

Tôi lặng lẽ quay lại bàn ăn, không trả lời những câu hỏi đang chất vấn. Cứ tưởng thế rồi thôi, ai ngờ tôi bỗng bị phân tâm chẳng còn để ý gì đến những món đặc sản của núi rừng đang được các tín đồ ẩm thực xuýt xoa khen ngợi. Ai nhỉ, tôi cứ mải lục tìm trong trí nhớ. Rất may một cậu nhân viên nhà hàng đem đồ ăn đến, tôi hỏi ngay: "Cho cô hỏi bức tranh cô gái kia là của họa sĩ nào vẽ thế?". "À dạ là của bà chủ nhà hàng cháu đấy ạ, chính đấy là bà chủ chúng cháu thời trẻ đấy ạ, là ai vẽ thì cháu không biết. Nhưng tất cả những bức tranh trong khách sạn này đều là của bà chủ cháu vẽ đấy ạ". Cậu nhân viên nói xong rồi nhanh chóng lễ phép cúi chào làm tôi chưa kịp hỏi thêm gì nữa. Ăn xong tôi quyết định tìm cho ra địa chỉ của bức tranh.

Chẳng cần phải rào trước đón sau, cô bé lễ tân đã kể cho tôi vanh vách những thông tin mà tôi đang muốn biết. Đó chính là Thủy, người bạn cùng cơ quan với tôi một thời khốn khó.

Hồi đó tôi và Thủy cùng vào cơ quan một ngày. Hôm đó tôi gặp Thủy trong phòng làm việc của Tổng biên tập  tờ báo tỉnh để nhận quyết định phân công công việc. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác khi tôi gặp Thủy lần đầu, đó là cái cảm giác đố kị rất đàn bà, ghen. Ghen gì, ghen với nhan sắc của Thủy.

Tôi chợt có cảm giác lo lắng cho tương lai của mình khi sẽ cùng làm việc với một người hơn mình nhiều mặt thế này. Cao hơn này, trắng hơn này và xinh hơn là cái chắc. Tôi tỏ ra lạnh lùng và hơi có chút kiêu, cũng chẳng biết kiêu vì cái gì. Nhưng Thủy lại nhoẻn cười chào tôi trước. Nụ cười làm gương mặt Thủy rạng lên như một cô bé 16 tuổi. Tôi muốn thể hiện mình hơn một cái gì đó, có thể là hơn tuổi nên tôi chủ động hỏi: "Em học trường nào vậy?". "Dạ học cao đẳng mỹ thuật ạ". A thế là mình hơn rồi, mình học đại học, một trường danh tiếng đứng đầu tốp các trường đại học trong nước lúc bấy giờ.

Tôi thoải mái hẳn lên. "Thế à, chắc về báo vẽ minh họa nhỉ". "Vâng". Lúc này ông Tổng biên tập ngẩng lên nhìn hai chúng tôi một lát rồi trao cho chúng tôi tờ quyết định. Đôi mắt ông rướn qua cặp kính nháy nháy một hồi rồi mới nói. Sau này tôi mới biết ông có biệt danh là Nhâm nháy. "Hai cô cùng về Phòng Trị sự. Trước mắt cô Huệ làm mo rát, cô Thủy làm ma két lên trang. Nhưng tôi nói trước, các cô về đây là cứ phải 3 năm sau mới được lấy chồng đấy nhé. Không có như mấy năm trước  mấy cô về chưa làm được gì đã chồng chồng con con rồi nghỉ".

Tôi hơi thất vọng  cho cái công việc của mình nên không để ý đến lời đề nghị của ông, cũng có thể tôi nghĩ ông nói cho vui. Tôi sực nhớ đến hôm cô tôi đưa tôi đến xin việc đã không quên đặt dưới tập hồ sơ một chiếc phong bì và còn niềm nở "Em có cân mực khô ở quê em, biếu anh để anh uống bia". Còn Thủy thì có gì?

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Chúng tôi cùng đi ra ngoài. Thủy chủ động rủ tôi: "Chị Huệ có rỗi ta ra quán giải khát uống cốc nước, trời nóng quá". Thời đó mà rủ ra quán giải khát là cũng oách rồi, là có tiền rồi. Dù quán chỉ có nước chanh, sữa đậu nành…nhưng tôi cũng bắt đầu thấy thân thiện hơn. "Nhà Thủy  ở ngay thành phố à?". "Không, em ở tập thể của cơ quan chồng em". "Ơ có chồng rồi à, sao lấy sớm vậy". "Không sớm đâu, em cũng 24 rồi mà. Em có một con gái sắp được một tuổi rồi". Tôi sượng mặt vì tôi còn kém Thủy một tuổi.

"Ồ thế mà, Thủy trẻ quá nên tôi cứ tưởng". "Không sao đâu, nhiều người cũng hay tưởng thế". "Thôi đừng xưng em nữa, đáng lẽ người xưng em phải là tôi mới đúng. Hay chúng ta cùng một ngày vào báo làm việc thì coi như bằng tuổi đi, xưng bạn bè với nhau cho tiện". Thế là chúng tôi chơi với nhau từ đó. Thủy chủ yếu làm trình bày ma két trang, đôi khi cũng vẽ một vài hình minh họa bằng bút sắt.

Tờ báo hồi đó được bao cấp hoàn toàn nên công việc của chúng tôi cũng nhàn lắm. Tuần mới ra một số, chúng tôi chỉ làm tốc lực một, hai ngày là xong việc, báo đưa xuống nhà in là chúng tôi chỉ ngồi chơi, nên Thủy cũng hơi te tắt. Thủy luôn lấy cớ xuống nhà in để kiểm tra kỹ thuật rồi về để đi xin rau lợn, và vá may thêm ở nhà cho một số khách hàng quen. Tôi biết Thủy cũng khó khăn vì phải nuôi con nhỏ lại chẳng nhờ vả gì được gia đình hai bên.

Không biết có ai thóc mách hớt lẻo với Tổng biên tập không mà một lần Thủy bị gọi lên khiển trách về tội không tập trung công việc và ăn bớt thời gian của cơ quan. Rồi cũng vì cái tội chân ngoài dài hơn chân trong nên Thủy luôn bị mất các danh hiệu trong các đợt tổng kết năm. Bị kéo dài thời gian lên lương, và cuối cùng giáng xuống chỉ làm mo rát chứ không được trình bày trang và minh họa nữa. Tôi được chuyển sang phòng biên tập, làm phóng viên nên từ đó cũng không có dịp cùng xuống nhà in làm việc với Thủy nữa.

Dẫu làm gì thì thời đó chúng tôi cũng thuộc diện nghèo với đồng lương không đủ ăn. Tất nhiên cả nước đều thế, cán bộ nhà nước càng khốn khó. Khắp nơi các công đoàn cơ quan luôn phải chạy thêm kế hoạch 3 có nghĩa là phải tìm thêm công việc cho cán bộ công nhân viên cải thiện đời sống. Chả hiểu sao công đoàn báo tôi lại nghĩ ra cái trò đi làm nông dân. Nghĩa là xuống ruộng trồng lúa để kiếm thêm gạo ăn. Khi mới kéo nhau về nông thôn làm ruộng, ai nấy có vẻ háo hức lắm vì cái chính là được thay đổi không khí, nhưng khi bắt tay vào làm mới té ngửa không phải dễ. Những bàn tay trắng trẻo  bỗng chốc phải thò xuống đám cỏ rậm rì dứt từng cụm cỏ dai ngoách, chẳng mấy chốc tím bầm rỉ máu mà chẳng đem lại mấy thành quả.

Khổ nhất là mấy anh chị dân thị thành nhưng không dám ho he phàn nàn vì sợ hôm sau bình bầu sẽ mất điểm. Tôi có dịp lại được làm cùng Thủy. chúng tôi đứng cạnh nhau cùng cúi xuống vơ cỏ kéo lên. Tôi ngó sang mà thấy đau cho bàn tay Thủy, những ngón dài trắng xanh thon mảnh bị nhấn chìm trong đám bùn mà thấy xót xa nhẫn tâm quá. Nhưng Thủy vẫn cười còn hào hứng bảo: Cuối vụ này chúng mình được ăn gạo mới rồi nhỉ.

Bỗng Thủy nhảy lên cùng với tiếng hét váng trời, mặt mũi người ngợm đầy bùn, Thủy nháo nhào chạy vào bờ, rồi cứ thế khóc kêu cứu. Té ra là một con đỉa to như ngón tay cái đang bám chặt vào bắp đùi Thủy. May quá, một bác nông dân gần đó chạy lại và bảo: "Đứng yên để bác bắt cho". Thủy dừng lại chìa chân mà mặt vẫn quay đi cùng với nước mắt nhoà lẫn với bùn. Con đỉa rời ra thì một dòng máu đỏ cũng tràn xuống chân Thủy. Thủy ôm mặt khóc và nhất quyết không dám lội xuống ruộng nữa.

Sau lần đó Thủy bị loại khỏi đội đi lao động tự túc lương thực, nhưng công đoàn cũng hứa cho Thủy được đi gặt lúa khi đến mùa và Thủy phải làm chân gánh lúa về sân phơi hợp tác thì mới được chia lúa theo  ngày công.

Đến mùa gặt lúa cũng vui lắm. Thành quả lao động cũng chẳng là bao so với công sức nhọc nhằn đã bỏ ra nhưng ai nấy đều hí hửng vì có thêm chút gạo mới cho bữa cơm lâu nay toàn gạo mậu dịch hôi sì. Thủy không dám lội xuống ruộng thì phải gánh lúa. Hai bên đòn gánh với tòong teng hai đon lúa. Mọi người nhìn theo đều cười mỉa mai. Thế mà nhìn Thủy vẫn rụt cổ còng lưng gánh bước đi xiêu vẹo trên con đường gập ghềnh của bờ ruộng làm tôi cứ chạnh lòng mà chẳng biết làm thế nào. Nếu Thủy không làm Thủy sẽ không được chia gạo.

Thủy biết vậy nên không dám phàn nàn, nên đến khi ông thư ký công đoàn phân công cô Thủy đi nấu cơm phục vụ anh em gặt lúa thì Thủy sung sướng đến phát run lên. Hôm liên hoan để kết thúc đợt lao động tự túc hoàn thành tốt đẹp, Công đoàn được xã cho hai quả mít đã chín nẫu. Anh em bổ ra liên hoan. Thủy và mấy chị em được phân công bổ mít lọc múi rồi bày ra đĩa. Tôi thấy Thủy lấy vài múi bỏ vào chiếc khăn mùi xoa giấu vào trong túi xách. Đến khi ngồi ăn Thủy cứ từ chối bảo em không thích ăn mít rồi lảng ra chỗ khác. Tôi đoán Thủy muốn đem về cho con và giữ ý không dám ăn phần của mình nữa. Thế mà hôm sau bình bầu đoàn viên công đoàn 4 tốt, có người vẫn phản ánh hành động này của Thủy và đem ra mổ xẻ. Thủy bị mất danh hiệu và còn bẽ mặt vì đã bị cho là tự tư tự lợi.

Hồi đó tôi cũng hơi khó hiểu vì sao Thủy đẹp thế, dịu dàng thế mà lại không được anh em trong cơ quan quý mến. Nhất là ông trưởng phòng và đặc biệt là Tổng biên tập. Thời đó con gái đẹp cũng được coi là vốn tự có, sao Thủy vẫn cứ trầy trật bởi những trù dập của mấy ông lãnh đạo. Đơn cử là cái việc Thủy vẽ minh họa. Khi còn ở cùng phòng với Thủy, khi nào họp Thủy cũng bị trưởng phòng phê phán, lúc thì ông chê Thủy vẽ không giống.

"Sao con chim gì mà lại giống con quạ thế này". "Dạ trong bài là con ó đấy ạ". "Con ó là con chim chứ gì nữa". "Cô vẽ cây tre gì mà lá cứ nhảy ra khỏi cành thế". "Dạ em vẽ cách điệu thôi mà, thơ thì vẽ cho nó nghệ thuật thôi ạ". "Vẽ mà không giống thì còn gì là vẽ nữa, chụp ảnh cho xong". Đại loại vậy. Và rồi cái gì đến nó phải đến khi mà người ta luôn soi Thủy ở mọi nơi mọi lúc.

Lần đó. Báo đã ra xưởng, may chưa kịp phát hành thì có người cầm lên xem và phát hiện ra ngay trên dòng tít lớn của trang nhất bị sai lỗi chính tả. Mà lỗi chính tả lại phạm húy lãnh đạo tỉnh. Chỉ vì đáng lẽ chữ chí thay bằng chữ chó. Vậy là nguy to rồi. Cả tòa soạn nháo nhào cả lên để lo đi hủy toàn bộ số báo. May là chưa phát hành nhưng không hiểu sao tin đồn đã bay đi xa, đến tận tai đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Và tòa soạn không thể xóa dấu vết được.

Thủy tất nhiên bị kỷ luật và đuổi việc. Mặc dù Thủy đã chìa bản bông tờ báo là có sửa rồi nhưng công nhân nhà in đã để sót. Song, sự bực tức của Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ biết nhằm vào tờ báo và báo chỉ còn biết túm tóc Thủy. Những ngày ấy bầu không khí cơ quan cũng u ám. Thủy vật vờ khóc sưng cả mắt chờ quyết định.

Tôi cũng thấy Tổng biên tập gọi Thủy lên phòng mấy lần nhưng mỗi lần ra khỏi phòng Tổng biên tập thì mắt Thủy lại càng sưng hơn. Vậy là không có hy vọng gì. Tôi cũng có bàn với Thủy việc đưa phong bì nhưng Thủy không chấp nhận. Mà còn bảo chút tiền mọn của mình chẳng ăn thua gì. Ông ta đòi nhiều hơn. Tôi thật thà hỏi: Đòi bao nhiêu, mình cho vay. Thủy chỉ lắc đầu.

Rồi ngày Thủy phải rời cơ quan cũng đến. Chúng tôi lại ra quán ngồi tâm sự. Tôi thương Thủy vô cùng, vì nghĩ đến những ngày sắp tới Thủy sẽ làm gì để kiếm sống và nuôi con. Tôi bảo Thủy xinh đẹp thế, đáng lẽ phải chiếm hết cảm tình của đàn ông trong cơ quan mới đúng. Thủy phì cười, nụ cười chua chát đầu tiên kể từ khi lâm nạn, rồi Thủy bảo rằng đó cũng chính là nỗi bất hạnh của Thủy đấy, giá như Thủy đừng xinh đẹp, giá như Thủy biết lợi dụng sắc đẹp của mình thì đời Thủy đã khác rồi. Tôi hơi ngạc nhiên: Vậy sao? Đúng thế.

Rồi Thủy kể cho tôi biết ngay từ hôm đi xin việc, Thủy đã bị ông Tổng biên tập gạ rồi. Thủy không có gì ngoài tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, Thủy tưởng mình được vào làm việc vì điều ấy. Nhưng hôm sau ông Tổng biên tập đã bóng gió nói rằng: "Cái bằng đỏ mà cô được vào đây làm việc là cái bằng nhan sắc đấy. Cô hãy phát huy để làm đẹp cho tờ báo".

Đã nhiều lần ông gọi cô lên phòng Tổng biên tập để nhắc nhở một vài việc, thực tình là đóng cửa lại rồi ép cô vào tường hôn hít sờ soạng. Những lần ấy Thủy đều kháng cự quyết liệt và từ chối lời đề nghị đi chơi của ông. Rồi có phải mình Tổng biên tập đâu, cả Trưởng phòng cũng gạ. Trưởng phòng trẻ hơn, ga lăng hơn nhưng cũng mưu sâu kế độc hơn. Lão còn tuyên bố xanh rờn là kiểu gì Thủy cũng sà vào tay gã vì gã rất biết chiều đàn bà.

Nhiều lúc gã cũng ưu ái với Thủy như con ốm Thủy xin nghỉ một ngày, gã bảo em cứ nghỉ hẳn 3 ngày chăm con cho nó khỏe, rồi sẵn sàng cho thủy được làm việc tại nhà… nhưng sau những đợt ấy bao giờ gã cũng hẹn gặp Thủy ở một địa điểm nào đó. Thủy tìm lý do chối một lần hai lần thì lão còn vui vẻ nhưng đến lần thứ ba thứ tư thì lão bắt đầu ra mặt đe Thủy. Rồi khi biết con mồi này khó xơi, gã quay sang trở mặt tìm cách hại Thủy.

Một lần tôi dừng xe sà vào một xe rau dọc đường để hỏi mua, ai ngờ lúc ngẩng lên bắt gặp gương mặt Thủy đang cúi gằm. Tôi suýt thốt lên vì không thể nghĩ là Thủy nếu không vì đôi mắt. Thủy đen cháy, hốc hác, tóc búi sơ sài, đôi mắt vẫn đẹp nhưng rầu rĩ. Tôi bảo, bỏ xe rau đi tôi mua tất đi uống cà phê với tớ. Thủy chần chừ làm tôi phải bê cả sọt rau lên xe tôi rồi kéo Thủy đi. Lúc này tôi mới biết Thủy đâu chỉ khổ đến như thế. Thủy kể chồng Thủy đã cặp bồ với một cô sinh viên. Họ trắng trợn tuyên bố nếu Thủy ghen thì ly hôn đi. Thủy đành im lặng vì đứa con còn nhỏ quá.

Lần thứ hai tôi lại gặp Thủy không phải là một cô bán rau nữa mà là một người bưng bê trong một quán phở mà tôi bước vào ăn sáng. Tôi không dám lên tiếng vì ngại cho Thủy nên chỉ ra hiệu hẹn gặp Thủy vào cuối giờ làm việc. Chúng tôi lại được hàn huyên. Lần này Thủy xơ xác, gầy tọp. Đôi mắt không còn mở to nữa mà sùm sụp chắc do nhiều đêm khóc và mất ngủ.

Thủy bảo Thủy đã ly dị chồng, may mà còn dành được quyền nuôi con, nhưng ông chồng không thực hiện nghĩa vụ nuôi con, nên Thủy rất khó khăn về kinh tế, phải đi làm thế này để kiếm tiền từng ngày vì không còn đồng vốn nào. Tôi lục túi còn bao nhiêu tiền trong ví tôi trút hết cho Thủy. Thủy ngượng ngùng một lúc nhưng cũng cầm, tôi biết Thủy đang rất túng thiếu. Tôi về nhà đêm nằm nghĩ nát óc để tìm cách nào giúp Thủy có một việc làm ổn định.

Nhưng thời đó đang rơi vào tình hình cả nước đang giảm biên chế. Các cơ quan cũng đang sàng lọc những thành phần dôi dư rất căng thẳng. Thủy có nghề nhưng lúc đó người ta cần miếng ăn nhiều hơn chứ không ai đếm xỉa đến ngắm nghía những bức tranh nghệ thuật. Sực nhớ ra tôi có người cô đang buôn bán tranh ảnh cho các nhà chùa. Thủy có thể vẽ theo yêu cầu để họ đi in lưới bán vào các dịp lễ Tết, ngày Rằm, mồng Một ở các chùa. Tôi lập tức đi tìm Thủy. Thủy vui lắm và nhận lời ngay vì có việc làm đúng với sở trường.

Khi tôi đến căn nhà trọ của Thủy thì người chủ nhà bảo rằng Thủy đã đi khỏi đây hơn một tháng rồi, đi đâu không rõ. Gặp cô tôi thì cô nói Thủy có làm một thời gian nhưng tranh Thủy vẽ không bán được, do không hợp với thị hiếu người mua. Nên tự Thủy nghỉ việc và hình như ôm con lên miền núi làm gì đó, hình như lên làm công nhân trồng trọt cho một trang trại nhà nước nào đấy. Lương ổn định, có nơi ăn chốn ở, con được đi mẫu giáo miễn phí. Thôi thế cũng ổn tôi tự nhủ bằng lòng như vậy và quên đi cho đến tận bây giờ cũng đã ngót nghét 30 năm.

Tôi gặp lại Thủy không khó. Thủy mừng rỡ đến trào nước mắt. Giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt đã chảy sệ vì dấu thời gian nhưng lại lọt ra từ cặp mắt sâu thẳm vẫn đẹp đến mê hồn tuy đã hằn nhiều vết chân chim. Chúng tôi ôm chặt nhau lúc lâu như muốn cảm nhận hết nỗi truân chuyên của thời gian. Đêm đó chúng tôi nằm bên nhau, vì Thủy bảo đã mấy chục năm rồi từ khi con gái lớn Thủy không nằm cạnh ai bao giờ. Tôi không muốn hỏi thêm gì về đời tư của Thủy nữa, như vậy cũng đủ hiểu.

Thủy ở vậy nuôi con và vươn lên để làm giàu. Thủy kể Thủy đã từng là bà chủ của vựa cà phê lớn nhất vùng, là người đầu tiên sử dụng cơ giới hóa trong trồng trọt và liên doanh với nước ngoài. Bây giờ Thủy có tuổi rồi nên mở nhà hàng để trổ tài nấu nướng vốn là đam mê của Thủy và vẽ tranh theo ý thích để trang trí trong các căn phòng khách sạn chứ không bán mặc dù đã có nhiều người nước ngoài hỏi mua. Thế còn bức chân dung kia, ai vẽ Thủy vậy, tự họa à?

Thủy gật và mỉm cười rồi lại hỏi tôi. Thế Huệ không nhận ra mình của chính thời đó sao. Đó là khi mình nhớ về mình, nhớ về Huệ cái thời khốn khó mà ngây thơ đáng yêu của bọn mình đấy. Ừ nhỉ, tôi bỗng sực nhớ ra cái dáng mỏng manh nụ cười diệu vợi và đôi mắt như khao khát điều gì của Thủy thời đó đã hiện lại trong bức tranh. Đúng rồi, đó là Thủy, cái ngày mới bước chân vào cơ quan báo, cứ tưởng sẽ làm liêu xiêu bao đàn ông, mà cuối cùng Thủy lại bị dìm chết bởi những gã đàn ông đốn mạt.

Truyện ngắn của Nguyễn Cẩm Hương
.
.