Chuyện thời chưa xa

Thứ Bảy, 06/02/2016, 08:00
Anh họ Bùi, tên Lạc, lót chữ Như. Trong hồ sơ cán bộ anh khai là Bùi Như Lạc. Lạc lấy Đỗ làm vợ, đẻ hai con gái. Ông nội đặt tên cháu đứa là Ngô, đứa là Khoai... y như tâm tính nhà quê mộc mạc. Hàng xóm láng giềng cứ tiện miệng gọi: Lạc, Đỗ, Ngô, Khoai theo một trật tự như sắp đặt. 

Tôi đến chơi.

Anh cởi trần, mặc quần lót Thái, nhóm bếp than tổ ong.

Từ ngày đưa vợ con ở quê lên thành phố, nấu cơm bằng bếp điện, vợ anh nhàn hẳn. Chỉ khổ nỗi dây mai so cũ hay đứt, nấu nồi cơm phải nối mấy lần. Đùng một cái giá điện tăng vọt, anh cuộn dây, cất cái bếp vào gầm chạn. Từ hôm đó, cứ chiều về khu tập thể khói trắng bay mù mịt.

*

Anh họ Bùi, tên Lạc, lót chữ Như. Trong hồ sơ cán bộ anh khai là Bùi Như Lạc. Lạc lấy Đỗ làm vợ, đẻ hai con gái. Ông nội đặt tên cháu đứa là Ngô, đứa là Khoai... y như tâm tính nhà quê mộc mạc. Hàng xóm láng giềng cứ tiện miệng gọi: Lạc, Đỗ, Ngô, Khoai theo một trật tự như sắp đặt. 

Còn nhớ dạo về phép, Bùi Như Lạc mặc thường phục bạc màu dắt xe ra cửa. Gần trưa, anh chở về mười ba cân rưỡi lương thực, một nửa bo bo, một nửa gạo phiếu, có hạt đã ố vàng. Anh bảo vợ: “Họ ưu tiên cán bộ nghỉ phép bán tỷ lệ gạo cao hơn người khác. Có lẽ phải nghĩ cách làm thêm cái gì thôi em ạ”. Đỗ thở dài: “Quê mình đồng chiêm nước trũng, ngoài mò cua bắt ốc chẳng có nghề gì phụ”. Hình ảnh cô bé Đỗ tóc vàng hoe buộc giỏ ngang hông lội lõm bõm ở đồng chiêm lại hiện về. Anh lắc đầu: “Em cứ dạy học và chăm con để anh thử làm xem sao”.

Bùi Như Lạc thử thật. Hết nghỉ phép về cơ quan, cứ giữa giờ làm việc anh tranh thủ nhào ra cổng mua vé xổ số. Cuối tháng, Lạc trúng cặp vé giải nhì xổ số liên tỉnh. Đúng là trời có mắt! Anh khao cơ quan một bữa ê hề, tiền còn lại mua chiếc xe mô kích cũ màu xanh của người bạn học ở Đức về bán rẻ. Bùi Như Lạc mua xe là một sự kiện lớn ở làng Đông. Không biết xấu tốt thế nào, nhưng nó cũng là một cái xe máy, xe mô kích hẳn hoi. Bởi thế mỗi lần chồng cô giáo Đỗ đi xe máy về là cả làng Đông xôn xao.

Mấy cụ già kém mắt ngồi ăn chắt ở đầu hè kháo nhau: “Nghe đâu cái xe bình bịch “dững” một tấn thóc”. Còn các bà các cô đang chổng mông cấy lúa ở ngoài đồng cao ruộng sâu cứ nhấp nhổm nhìn lên bờ, cho đến khi cái xe máy mất hút vào trong luỹ tre làng. Thích nhất là bọn trẻ. Chúng sướng lắm, cứ nghe tiếng phành phạch ở đầu làng, bọn chúng lại gọi nhau í ới. Đằng sau chiếc xe mô kích nổ là vệt bụi trắng bay và một đàn trẻ con lếch thếch chạy theo. Đứa mặc quần trễ rốn, đứa hở ngực, đứa rách một vạt áo. Chúng vừa chạy, vừa hò la inh ỏi. Bùi Như Lạc khoái chí rú ga thật to, ống xả phun khói xanh mù mịt làm lũ trẻ kêu oai oái. Cho đến khi xe về đến cổng chúng mới tản ra, mỗi đứa đi một ngả.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Từ ngày có chiếc xe mô kích “rách”. Bùi Như Lạc đi đứng có vẻ đàng hoàng, chững chạc hơn, ăn to nói lớn hơn. Thứ bảy nào anh cũng phóng xe máy gần tám chục cấy số về với vợ. Sáng chủ nhật, vợ và đứa bé ngồi đằng sau, đứa lớn ngồi lên bình xăng, anh nổ máy lượn một vòng quanh làng rồi mới dừng lại trước cửa nhà bố vợ. Bố vợ có hai người con gái. Đỗ là con đầu, còn cô Đậu theo chồng sống ở Hà Nội. Mấy năm nay ông nghỉ, được lĩnh lương hưu cán bộ chủ chốt xã. Thỉnh thoảng Bùi Như Lạc biếu bố vợ một chai rượu tắc kè, hoặc một hộp sâm Pa Na, những thứ y tế cơ quan bồi dưỡng hàng quý. Của đáng tội, không biết nó quý hiếm thế nào, nhưng mỗi khi có khách, ông lại rót ra chén con bằng hạt mít mời và khoe của con rể lớn biếu. Bùi Như Lạc được tiếng là người hiếu thảo.

Thứ bảy tuần sau nữa, Lạc lại phóng xe máy về làng. Người làng Đông đã quen với tiếng xe máy nổ và làn khói trắng. Trẻ con cũng thôi không chạy theo nữa. Nhưng họ lại xôn xao về sự kiện mới. Người nọ mách người kia. Trẻ con bấm rút quần nhau chạy đến đứng đầy cái sân nền đất của vợ chồng anh. Đỗ giúp chồng dỡ các đồ từ trên xe xuống. Anh hồ hởi thông báo với mọi người: “Tiện đường đi, tôi chở một ít hàng trên thành phố về làng phục vụ bà con. Gọi là kiếm thêm ít tiền mua xăng và thuốc nước dọc đường”. Những người đến xem ai cũng khen tốt, khen rẻ, nhưng chưa ai có tiền mua. Họ nhấc lên đặt xuống chán rồi ra về. Chập tối Đỗ mới bán được hai cóng bò dầu hỏa và một phần tư chai mắm mari cho hàng xóm. Họ lại mua chịu.

Trời về khuya, hai con bé Ngô, Khoai ngủ say, anh lấy giấy cũ đã viết một mặt, viết lên mặt kia những dòng chữ:

“Bán rẻ:

- Sách, bút, mực, kim, chỉ.

- Thuốc bổ, rượu quân y.

- Dầu hoả, mắm, mari.

Hỏi: Nhà cô giáo Đỗ làng Đông”.

Sáng hôm sau, anh thuê bọn trẻ con mỗi chiếc kẹo một tờ giấy đem dán lên các gốc cây, tường vôi, hồi nhà, khắp các làng trong xã. Đỗ đỏ mặt: “Em cứ thấy thế nào ấy”. Anh bảo vợ: “Cứ làm khắc quen, phi thương bất phú, trời sẽ thương chúng mình em ạ”.

Kết hợp hàng hai chiều, trên đường về cơ quan. Lạc dừng lại ở thị xã Hải Dương mua bánh đậu xanh. Anh chở lên đổ cho quán bà Năng và căng tin cơ quan. Anh bảo: “Thực chất là mình làm cửu vạn, không giàu có nhưng cũng có đồng ra đồng vào. Mẹ con Đỗ ở quê cũng đỡ khổ. Mình đang nghĩ cách đưa Đỗ lên Hà Nội. Vợ chồng quy về một mối đỡ khổ”.

Lại một tháng nữa trôi đi, trưa thứ bảy, không thấy anh buộc các thứ hàng mua chở về quê. Sau mới biết hàng bán ế quá, đọng vốn. Lại thêm cái nạn mua chịu ở quê, họ hẹn đến mùa có lúa mới trả. Không bán thì đọng hàng, lại mang tiếng là người khó khăn, chắc lép. Mà bán chịu thì biết bao giờ mới lấy được tiền. Đỗ sai con đi đòi nợ, có nhà lần đầu họ khất, lần thứ hai, thứ ba họ chửi. Chả lẽ ra mà cãi nhau với cả làng. Anh bảo vợ: “Thôi dẹp đi, ăn đói một tí mà thanh thản”.

Đúng dịp đơn vị có chỉ tiêu nhận người làm hợp đồng dài hạn bếp ăn cơ quan, Bùi Như Lạc làm đơn trình bày hoàn cảnh. Thấy anh đi về vất vả quá, các “cụ” lãnh đạo cơ quan thương tình giúp anh chuyển vợ con lên thành phố. Gần vợ, gần con, ước mơ anh toại nguyện, kinh tế tập trung, tình cảm tập trung. Anh bảo: “Đây là cuộc đổi đời, mình sẽ làm lại từ đầu”. Những ngày mới lên thành phố, cơ quan chưa kịp chia nhà, anh phải ở nhờ một gian nhà cấp bốn khu tập thể. Mảnh đất và cái nhà một gian hai chái có cái sân nền đất ở quê, bố anh giữ lại không cho bán.

Ông nói: “Cái nhà như cái tổ chim, bay đi chán cũng có lúc bay về. May mắn lắm người ta chia cho anh một căn hộ lắp ghép ở tầng năm. Bốn con người chui vào đó chật như hũ nút”. Đỗ thu nhặt những cái cần thiết nhất ấn vừa đủ cái va ly cũ chuột gặm thủng một góc. Không thể bỏ lại được, chiếc va ly là vật kỷ niệm từ dạo cưới. Chị buộc lại cho chồng chở lên trước. Còn lại đành bỏ lại cho mấy đứa em chồng. Chả lẽ mang đi từ cái nồi, đôi đũa, cái bát, cái thớt, con dao cùn lên thành phố. Nhưng dù sao cũng là tiền, Đỗ thấy bùi ngùi và xót của, lên đó chị phải sắm lại từ đầu.

Căn hộ cấp bốn khu tập thể cơ quan rộng chừng mười sáu mét vuông. Vợ chồng Lạc ở đơn sơ và tềnh toàng. Ngoài chiếc xe mô kích cũ màu xanh ra, không có thứ gì đáng giá. Một chiếc chiếu đôi mới mua rộng quá cỡ trải thừa trên hai chiếc giường sắt cá nhân cũ ghép lại. Bốn con người nằm trên đó, lúc đầu còn khó chịu, lâu rồi cũng thành quen. Bùi Như Lạc mua thùng đựng máy móc bằng gỗ thông thanh lý về đựng gạo, đựng thức ăn khô và sách học cho con. Chiếc quạt con cóc ba lăm đồng mua phân phối từ thời bao cấp, vợ chồng anh để dành cho hai con bé. Anh và Đỗ hóng mát bằng gió tự nhiên của trời đất ngoại ô và dùng quạt nan trong những ngày nóng bức. 

Một ngày đẹp trời, Bùi Như Lạc nói với vợ: “Lại phải làm lại thôi em ạ! Lên thành phố dù sao cũng dễ làm ăn”. Đỗ tư lự: “Tuỳ anh, em là phận gái theo chồng”. Lạc xin nghỉ phép năm. Trong nhà anh bày biện la liệt hàng tập giấy in nhãn cao sao vàng. Suốt ngày anh cắt, gấp, dán thành túi không hết việc. Anh còn nhận thêm cho mấy bà nghỉ hưu, mất sức cùng làm. Anh hưởng thêm tỷ lệ phần giao dịch. Lạc hướng dẫn cho cả đứa lớn cắt dán. Được cái nó cũng nhanh trí bắt chước làm được ngay. Anh động viên con: “Làm được bao nhiêu bố để riêng cho con mua ô mai”. Nghe đến tên ô mai, con bé Ngô đã tứa nước miếng. Nét mặt nó rạng rỡ hẳn lên.

Chưa đầy hai tuần anh chuyển sang rang lạc trong cát nóng, rồi tẩm đường hóa học, đóng từng túi nhỏ. Cứ sáng sớm Đỗ đem giao cho quán nước, đến chiều tối đi thu tiền về. Một dạo, chồng rang lạc, vợ đóng túi, vừa làm, vừa trò chuyện vui đáo để. Thỉnh thoảng con bé Khoai còn thèm quá nhón trộm một hạt. Đỗ lại cốc yêu vào đầu con. Lúc ấy, anh thấy gia đình đầm ấm, dễ chịu quá. Phải nói Lạc là người chịu khó bươn chải để kiếm sống. Anh cố vùng vẫy thoát khỏi cái sự nghèo. Còn chí hướng làm giàu thì anh có thừa. Nhưng không hiểu sao kinh tế gia đình cứ dậm chân tại chỗ. Anh và Đỗ không nề hà từ việc cuộn thuốc lá, đóng gói chè nhân trần, cắt tăm tre, bỏ mối... Nhưng có lẽ vận may chưa mỉm cười với anh. Mấy lần bố vợ viết thư giục vợ chồng anh liên lạc với Đậu cho có chị có em. Anh cũng muốn đi tìm Đậu, may ra có thể xoay xở làm ăn được, nhưng còn ngại.

Vợ chồng Lạc cứ cân nhắc, phân vân mãi thì Đậu đến. Anh thấy cô em vợ đến mà tưởng như đang hạn gặp mưa rào. Anh mừng vì có thể trông cậy ở nơi Đậu. Đậu đi xích lô gọng vàng, sắc sảo và quí phái. Cô hỏi thăm mãi mới tìm được nhà anh chị. Nhìn căn phòng ngổn ngang dao, thớt, thúng, cưa, dây buộc; những đồ để cưa, chặt, vót tăm tre, Đậu thấy ái ngại và thương chị gái. Đậu rút một tập tiền năm trăm đồng còn mới, cô nói:

- Vợ chồng em mới xây khách sạn, tiền không còn nhiều, gọi là chút ít tấm lòng chúng em cho cháu.

Thấy Đậu thật lòng, anh mạnh dạn hẳn lên:

- Anh thì lương ba cọc ba đồng, chị thì nấu bếp cho cơ quan tiền càng ít hơn. Anh chị đang làm ăn lúng túng quá.

- Chỗ em còn thiếu quản lý và nhân viên phục vụ khách sạn. Anh chắc không thể bỏ nhà nước được. Còn tạng người chị, em nghĩ không thích hợp với nghề nghiệp kinh doanh. Chỗ ruột thịt em nói thật. Khách sạn của em là khách sạn tư, muốn lãi suất cao thì phải trốn thuế, phải có mát xa, tươi mát... những cái đó em không muốn chị dây vào. Vả lại chị cũng chưa được đào tạo. Hãy từ từ để em liệu sau...

- Cái cơ bản là phải biết giữ gìn. Còn chưa đào tạo thì học lại từ đầu, vừa làm vừa học.

Lạc nói như sợ mất thời cơ. Đậu ngần ngừ một lát, nhưng nể lời anh rể, chị cũng nhận lời. Vợ chồng anh mở cờ trong bụng.

Càng làm, ở gần em gái, Đỗ càng phục Đậu. Mấy năm trước, Đậu còn là cô gái nông thôn, theo chồng lên thành phố rồi sang Ba Lan buôn bán nhì nhằng, chỉ một năm sau đã thành bà chủ. Vợ chồng Đậu thành lập công ty tư doanh có giấy phép của nhà nước chuyên buôn bán quần áo may sẵn sang Ba Lan rồi từ Ba Lan đưa hóa chất, vật liệu mới về Việt Nam. Bây giờ Đậu với sang cả lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Không biết Đậu còn tiến tới đâu.

Đi làm ở khách sạn của em, Đỗ phải học từ đầu. Chị học từ cách đi đứng nói năng, giao tiếp, học Anh văn và tập nhảy. Đậu hướng dẫn Đỗ cách nhận diện đồng đô la, đồng phơ răng, đồng mác... Chị nghĩ: Thủ quỹ khách sạn là người nhà bao giờ cũng tin tưởng hơn. Người đó lại là Đỗ, chị gái cô, nên Đậu có phần yên tâm. Đậu bảo chị: “Tồn tại hay không tồn tại là ở sự văn minh. Chị cũng như em, phải cần thay đổi”.

Đi làm ban ngày, ban đêm Lạc trông con cho Đỗ phóng xe đến trung tâm ngoại ngữ học Anh văn. Tối chủ nhật chị ở rốn lại khách sạn để học nhảy thường về muộn. Đậu chê chị gái nhảy cứng. Về khoản nhảy, Lạc lại là người giúp vợ được nhiều nhất. Được cái làm công tác đoàn mấy lần đi tập huấn, anh học nhảy không đến nỗi. Qua mấy lần hướng dẫn cho thanh niên tập nhảy trong cơ quan và tổ chức dạ hội tuổi trẻ, gặp công việc lu bù, tưởng rằng chẳng có dịp nào nhảy nhót nữa. Ai dè bây giờ cần thiết quá. Anh mượn cái cát xét cũ của cơ quan về nhà. Những buổi tối nghỉ, chờ hai con bé Ngô, Khoai đi ngủ, anh đóng cửa, bật nhạc khe khẽ. Anh nhún nhún mấy cái theo nhịp phách rồi di chuyển trên nền đất cho vợ vịn vào vai, ôm eo tập nhảy. Có lúc anh lỡ nhịp, Đỗ bảo: “Anh đảo chân không giống em học ở khách sạn”.

Cuộc đời cứ như thế trôi đi cho đến lúc anh nhận thấy có sự thay đổi lớn trong gia đình. Và anh chấp nhận nó như một sự tự nguyện. Những việc lặt vặt trong gia đình tự tay anh làm hết. Chiều nào anh cũng xoay trần mặc quần lót, quạt bếp than tổ ong vì Đỗ mới đi làm, gia đình anh đang cần có nhiều tiền. Vả lại ham làm việc là đức tính vốn có của anh. Thu nhập gia đình bây giờ chủ yếu do Đỗ làm nên. Từ người đàn ông trong gia đình bỗng nhiên Lạc bước xuống vị trí người đàn bà. “Cũng chẳng sao, làm việc vặt trong gia đình để vợ rảnh rang đi kiếm tiền cũng là cách làm kinh tế”. Anh tự an ủi mình như vậy. Anh bảo tôi:

- Có ở bên “Đỗ nhà mình” mới thông cảm với nỗi vất vả của người phụ nữ. Thật trăm thứ bà rằn: Giặt rũ, lau chùi, quét dọn nhà cửa, quạt than nhóm lò... Chủ nhật luôn chân luôn tay.

- Mình tưởng Đỗ đi làm khách sạn thu nhập cao, cậu phải sướng hơn chứ.

- Hiện tại chưa thể được - Anh cười - Chúng mình đang ở thời kỳ “tích luỹ tư bản ban đầu”.

Đỗ đi tắm về. Chúng tôi chào nhau. Anh nhanh nhảu bảo:

- Cậu ở chơi với “Đỗ nhà mình”. Còn khoản này - Anh chỉ vào chậu nhôm Liên Xô to “đại tướng” đựng quần áo đầy có ngọn - Mình tranh thủ kẻo tối mất.

Hôm sau, tôi phê bình Lạc, anh mắng tôi:

- Cậu lạc hậu bỏ mẹ. Ai giặt chả được. Với lại “Đỗ nhà mình” chân yếu tay mềm vò sao nổi bộ quân phục cứng như mo nang ấy.

- Thế còn bộ đồ lót và xô màn của vợ.

- Thì tiện tay vò luôn cho “Đỗ nhà mình”. Cậu phong kiến bỏ mẹ.

Trời đất ạ! Cái gì cũng “Đỗ nhà mình”. Đúng là “nhất vợ nhì trời”. Đến lúc này tôi phải bái phục anh về chuyện chăm sóc vợ. Không phải là phong kiến, tôi đã từng giặt đồ cho vợ và tã lót cho con. Nhưng đó là những ngày vợ tôi mới sinh hoặc không may bị ốm. Đằng này, Đỗ bình thường, khoẻ mạnh, không bận bịu lắm. Bạn tôi đã làm quá công việc hàng ngày của một người đàn ông. Hay sự thu nhập kinh tế đã điều chỉnh lại mối quan hệ trong gia đình anh.

Bẵng đi một dạo, cuộc sống vợ chồng Lạc cứ khá dần lên. Vài tháng, Đỗ lại khuân về nhà một thứ đồ, khi thì cái giường gấp, lúc thì cái xe mini Nhật. Đúng là “sông có khúc, con người có lúc”, các cụ xưa dạy quả không sai. Cuộc đời thăng trầm cũng là lẽ thường tình. Lạc nghĩ: Trời ăn ở thật công bằng. Anh vừa lòng với việc nhà và thấy cuộc sống đã bắt đầu dễ chịu.

Một buổi tối sau khi đã cơm nước xong, Đỗ nói với chồng:

- Anh bán cái xe “rách” đi. Em muốn mua xe tốt và thay các đồ trong nhà.

- Bán chả đáng là bao. Em lấy tiền đâu ra mua xe tốt.

- Anh đừng hỏi em thế... miễn là anh, em và con không phải khổ.

- Nhưng anh là chồng em, anh phải biết.

- Dì Đậu lại sang Ba Lan. Em đã có cách nhàn nhã mà không vất vả đâu. Lãi to lắm.

Đỗ ghé vào tai chồng thì thào, giảng giải một hồi. Trong lòng Lạc thoáng một chút hồ nghi và hơi buồn. Tuy vậy sáng hôm sau, Lạc vẫn đưa Đỗ đi Giảng Võ sắm đồ. Trọn một ngày, vợ chồng Lạc mua đủ xe máy, tivi màu đa hệ 21 in, đến tủ lạnh Hitachi, bếp ga, sa lông Sài Gòn đệm mút, tủ tường gương sáng bóng đựng quần áo... Căn phòng nhỏ đơn sơ, tềnh toàng bỗng chốc trở thành kho đựng đồ ngoại phải len chân mới đi được. Những người trong khu tập thể xì xào không hiểu vì sao vợ chồng Lạc giàu nhanh vậy. Thỉnh thoảng lại có người giả vờ đi qua cửa dòm vào. Đỗ bàn với chồng tháng sau đi tìm mua nhà riêng, chị thấy ở thế này khổ quá.

Giàu bất ngờ, Bùi Như Lạc thấy ngỡ ngàng như trong mơ. Những đồ đắt tiền trong căn phòng chật hẹp, Lạc ra công sắp đặt vẫn lộn xộn và cọc cạch. Anh chấp nhận sự cọc cạch ấy với niềm hưng phấn ngay cả trong giấc mơ. Đêm mất ngủ, anh lách mình khỏi giường, khẽ bật đèn bàn. Màu xanh dịu tỏa sáng các đồ đạc trong phòng. Thỉnh thoảng anh lại lấy tay xoa lên cái đầu vuông xe máy. Có hôm anh ngồi luôn đến tận sáng, khi tiếng kèn báo thức toe toe từ doanh trại bộ đội ở bên kia hàng rào, anh mới đứng dậy đi rửa mặt.

Sáng sáng, Bùi Như Lạc phóng xe DD đỏ chở hai con bé đi ăn và đưa chúng đi lớp trước vì Đỗ còn đang bận trang điểm. Chị đi xe mini Nhật màu đỏ và mặc áo dài trắng. Có hôm chị đi xe máy, mặc áo liền váy màu thiên thanh hoặc phớt hồng. Khu tập thể có người gật đầu khen chị đẹp. Có kẻ bĩu môi lườm nguýt. Mặc kệ, “trâu buộc ghét trâu ăn”. Có tiền sống sướng hơn, ăn diện đẹp đâu phải là tội lỗi. Hơn nữa nghề nghiệp buộc chị phải vậy. Đỗ ăn diện thì đã sao. Có ảnh hưởng đến ngân khố ai đâu. Những lời đàm tiếu thoáng qua trong đầu chị.

Đã lâu mới gặp Đỗ, tôi thấy chị khác quá. Bây giờ mặt chị tươi tắn, nếp nhăn mờ đi. Đỗ hơi béo một chút, chị lo, nên buổi sáng thường nhịn ăn. Các bữa cơm chiều chị hay phàn nàn chồng nấu không hợp gia vị. Lạc cho rằng nắng nôi bức sốt, phụ nữ thường biếng ăn. Cũng đôi khi anh nghĩ hay công việc làm ăn có gì trục trặc nên chị bực mình lây. Anh không dám nói lại. Vì dù sao những thứ trong nhà cũng đều do vợ anh làm ra. Có đêm Đỗ ôm bọc tiền lớn về nhà. Chị bảo anh đếm. Hai vợ chồng buộc, gói... Lạc bắt đầu cảm thấy có cái gì đó rất mong manh trong cái hạnh phúc mà anh đang có. Nó bất ổn, thậm chí làm anh lo sợ.

Những linh cảm của Lạc quả không sai. Chiều chủ nhật, anh đang đốc kíp thợ quét vôi ve lại căn nhà mặt phố mới mua đã định ngày chuyển ra ở thì một tốp người lạ đến tìm Đỗ.

- Công việc ở khách sạn bận, một tuần nay cô ấy ở lại. Các anh cần gì?

- Ở khách sạn không có. Anh giấu chị ấy ở đâu?

Những người lạ mặt đỏ phừng phừng, mắt long sòng sọc như muốn ăn sống nuốt tươi ngay nếu như tìm thấy Đỗ.

- Có việc gì xin các anh cứ nói.

- Việc gì à? Vỡ hụi rồi!- Một gã râu quai nón đen nhánh chìa tập giấy biên nhận tiền viết tay có chữ ký của Đỗ cho anh xem. Có giấy ghi vài trăm ngàn đồng, có cái ghi vài triệu, lại có giấy ghi nhận vàng. Lạc hoa mắt, choáng váng ngồi bệt xuống nền nhà.

- Vợ mày đã chạy trốn. Đưa chúng tao về nhà.

Gã râu quai nón thọc tay vào túi quần anh móc chìa khoá xe. Những gã khác xúm vào bê anh đặt lên yên. Một tên ngồi đằng sau ốp, sợ anh nhảy xuống. Cả bọn lên xe máy vù về khu tập thể. Chả mấy chốc đám người lạ vơ vét sạch sành sanh đồ đạc trong phòng và gọi xe xích lô chở đi. Gã râu quai nón bảo:

- Từng thứ này chưa đủ. Nhưng vớt vát được tý nào hay tý đó. Coi như thanh toán xong, mặc dù tôi bị thiệt.

Gã quẳng lại những tờ giấy biên nhận có chữ ký của Đỗ cho anh rồi biến. Một lát sau lại có một tốp nữa đến. Nhưng họ đành thất vọng ra về trước căn phòng trống trơn của vợ chồng Đỗ. Trong đám người có kẻ mặt dữ dằn bốc lửa, có người mặt hiền từ, nhân hậu, nhưng đầy hốt hoảng, lo âu. Họ xót của, khóc lóc kêu la thảm thiết. Có một bà vừa kể lể, và chửi.

Mấy ngày liền ba bố con Lạc, Ngô, Khoai đóng cửa im ỉm nằm trong nhà không dám đi đâu. Cứ vài tiếng lại có người đến réo tên đòi nợ. Hai con bé mặt nhợt nhạt, không chịu ăn. Khu tập thể nháo nhác, bảo vệ phải đến giữ gìn trật tự. Anh em trong cơ quan thông cảm, người cho dăm cân gạo, người giúp mấy chục ngàn. Đơn vị cử mấy cô công đoàn chăm nom hai con bé cho Lạc đi tìm Đỗ.

Một tuần nữa trôi đi, cơn lốc hụi vẫn cuồn cuộn bay đi cuốn nốt những nơi nào nó chưa tới thì anh tìm được Đỗ. Chị không kịp báo tin cho chồng, về lánh tạm dưới quê. Lạc nhìn Đỗ hao mòn, teo tóp tưởng mình không nhận nổi vợ. Trong lòng anh trào dâng nỗi niềm thương xót, quên hết mọi điều giận dỗi.

Cuối cùng vợ chồng Lạc cũng xoay xở được bằng cách bán căn hộ mặt đường mới mua chưa kịp ở để thanh toán. Đậu nghe tin chị gái vỡ hụi, cô bàng hoàng, thương chị thì ít mà trách chị thì nhiều. Đậu tức tốc từ Ba Lan về nước và giấu chồng cho Đỗ số tiền thụt két vì chơi hụi. Vụ làm ăn đổ bể, tai họa như trời giáng đã qua. “Trời yên, biển lặng”, anh em, vợ chồng ngồi lại với nhau, Lạc bảo Đậu:

- Anh chị cảm ơn tấm lòng của em. Nếu Đỗ tiếp tục làm ở khách sạn thì không có chuyện này cũng xảy ra chuyện khác.

Đậu rân rấn nước mắt:

- Từ lâu em cũng nghĩ như vậy. Nấu bếp cơ quan, hoặc làm cô giáo mầm non, hoặc làm ruộng có lẽ hợp với chị hơn.

Đỗ sụt sùi nép vào ngực chồng. Chị nhìn chồng, nhìn em gái, trong lòng đầy biết ơn.

*

Tôi đi phép gần một tháng ở quê lên. Mọi việc trong gia đình Lạc đã thu xếp êm ả. Tôi đến chơi, mang một ít quả lâu niên cho bọn trẻ. Bùi Như Lạc đang mồ hôi nhễ nhại. Thì ra, anh lại cởi trần, mặc quần lót bộ đội cũ ai đó cho rộng thùng thình, chổng mông, thổi bếp than tổ ong. 

Truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh
.
.