Chuyện nhà

Thứ Hai, 03/07/2017, 08:09
Tôi tự hào có được bố mẹ xứng đôi, "trai tài, gái sắc". Mẹ tôi chưa hề làm mếch lòng ai. Mẹ biết lắng nghe những điều hay lẽ phải, chả thế mà bên nội nhà tôi ai cũng quý mến mẹ. Nội bảo, nhà mình có phúc nên mới chọn được dâu hiền...

Thời điện thoại di động còn chưa có khái niệm.

Bố tôi, bằng đại học ngành Cầu đường. Ra trường, công tác đây đó vài năm, ông về Ty Giao thông tỉnh. Mẹ tôi quê mùa toàn tính. Mẹ yêu thương bố lắm, yêu thương như những câu chuyện cổ tích mà người ta vẫn thường kể. Thấy bố về, dù đang làm gì mẹ cũng chạy ra mừng đón, xách cho bố chiếc cặp hay những thứ gì khác. Mẹ không để con cái làm việc này. Hình như mẹ dành hết tình cảm cho bố. Mẹ bảo, bố đi làm về mệt, cần phải có chế độ ưu tiên. Nghe đến ngộ.

Tôi tự hào có được bố mẹ xứng đôi, "trai tài, gái sắc". Mẹ tôi chưa hề làm mếch lòng ai. Mẹ biết lắng nghe những điều hay lẽ phải, chả thế mà bên nội nhà tôi ai cũng quý mến mẹ. Nội bảo, nhà mình có phúc nên mới chọn được dâu hiền...

Bố mẹ tôi có kỉ niệm về mối tình đầu đẹp đến khó lòng diễn tả. Tôi không ngờ ở cái vùng sâu hút này lại có một tình yêu lãng mạn đến vậy. Chiếc va-li đựng quần áo có khóa hẳn hoi, trong đó có “báu vật” - thư từ của hai người – mẹ bảo thế. Thi thoảng mẹ lấy thư ra đọc, rồi tủm tỉm cười. Một hôm mẹ đi dự đám cưới ở xã bên, khi trở về tôi đùa chơi: "Mất cái va-li của mẹ rồi"! Mẹ kêu toáng lên, mắng tôi không biết trông nhà trông cửa. Rồi mẹ khóc hu hu như con nít. Khi biết con mình chọc chơi, mẹ trợn trừng đôi mắt, mở toang va-li ra vồ lấy xấp thư đếm đi đếm lại…

*

Bố tôi được chuyển công tác về Hà Nội, cách nhà cả hơn trăm cây số. Mấy năm đầu, mỗi tháng bố về thăm nhà một lần. Rồi sau đó cả mấy tháng có khi mới về. Do bận viết đề tài khoa học, bố bảo vậy... 

Tôi lớn lên rồi thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngành Ngữ văn. Mẹ vui lắm, bảo tôi: "Sểnh nhà ra thất nghiệp, trên đó, con gần bố, mẹ yên tâm!". Bố tôi ở nhà công vụ, sạch sẽ và dễ thở. Còn tôi ở kí túc xá của trường, cách chỗ bố cũng sáu, bảy cây số. Tôi bắt đầu làm quen với cuộc sống xa gia đình và có thêm những người bạn mới. Cực nhọc vất vả trong mỗi mùa thi, rồi sự già nua chạy đến với mình, muốn dứt ra cũng không nổi!

Một hôm bố dẫn tôi đến nhà một người bạn tên là Quỳnh ở Cầu Giấy. Một ngôi nhà xây cấp bốn, mái cổng có giàn hoa giấy đỏ rực trông thật đáng yêu! Cô Quỳnh trẻ trung, xinh đẹp tới từng chi tiết, làm tôi nhớ tới những bức họa của Lêôna đờ Vanhxi thời Phục Hưng. “Đúng là bản sao của những người phụ nữ đẹp nhất hành tinh” - Tôi cười thầm, đồng hành với sự mãn nguyện của đôi mắt!

Cô Quỳnh có một con trai kháu khỉnh mới vào lớp 1. Gặp tôi, cô hân hoan lắm, làm tôi bối rối. Trong nhà cô, cái gì trông cũng đẹp và mẫu mực, từ bình hoa, bộ cốc chén cho tới những bức tranh treo tường... Ngay phút giây ban đầu, người phụ nữ xinh đẹp này đã làm tôi mê hoặc! Tôi có cảm giác rất an toàn về mọi thứ khi được sống với chủ nhân ngôi nhà này…

Tôi bỗng nhớ tới cô Thoan ở quê, người được ca ngợi xinh đẹp nhất vùng! Mẹ tôi bảo, cô Thoan đẹp vì hội đủ năm tiêu chuẩn, gọi là “ngũ tú”: Cốt tú, Nhục tú, Huyết tú, Khí tú, Chất tú. Mẹ khen cô có bộ răng đều tăm tắp, trắng như ngọc; da dẻ cô hồng hào khoẻ mạnh; tóc cô đen mượt, bộ lông mày thanh thoát; tiếng nói cô trong trẻo như tiếng chim họa mi; ánh mắt cô trong sáng mà không lơ láo. Mẹ bảo, bố còn khen cô Thoan là đẹp nhất nước! Thực tình thì tôi cũng có biết cô Thoan, công nhận cô đẹp, nhưng nếu đứng bên cô Quỳnh, chắc chắn người ta sẽ chọn cô Quỳnh là người đẹp hơn! Và tôi cũng chọn như thế. 

Hôm ấy, cô Quỳnh đưa tôi ra chợ Hôm, hỏi tôi thích gì, mua gì? Tôi không biết nói thế nào, vì cái gì tôi cũng thích. Tôi nhớ mãi món bún ốc chiều hôm ấy, ngon đã đời.

Thỉnh thoảng cô Quỳnh tới thăm, mua cho tôi mấy thứ quà vặt hoặc đưa tôi về nhà chơi. Cũng từ đấy mà tôi và Bin (con trai cô) thân thiết và quý mến nhau lắm. Lần ấy tôi bị ốm, cô Quỳnh chăm sóc tôi như một người mẹ tảo tần thương con. Tôi đem chuyện này về kể cho mẹ nghe. Mẹ cảm động sụt sùi nước mắt. Mẹ khuyên tôi phải biết tôn trọng, lễ phép và trung thực với cô Quỳnh.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Rồi mẹ chuẩn bị quà cho cô, nhiều thứ đặc sản của miền núi quê tôi. Bố tôi bảo: "Em cứ bình thường, làm gì phải quà cáp nhiều thế!". Mẹ nói như mắng bố: "Anh chỉ được mỗi cái nghiên cứu khoa học là giỏi thôi, còn xã giao thì kém lắm, người ta thương con mình thì mình tiếc gì!". Bố cười nhẹ, khó hiểu…

Chủ nhật hôm ấy, cô Quỳnh đưa Bin về thăm quê ngoại ở Hà Đông, cô bảo tôi tới nhà chơi, thích ăn uống gì cứ mở tủ lạnh. Dạo này tôi đang ôn thi hết học phần, cứ gọi là "vắt chân lên cổ mà chạy". Cô Quỳnh học ngành kế toán mà sao cô lại có rất nhiều sách văn học? "Thích cuốn nào cứ lấy mà đọc"- cô Quỳnh bảo vậy. Tôi đang bộn bề ôn thi, còn đâu thời gian để mà đọc sách. Nhưng rồi, cuốn vở bất chợt rời khỏi tay khi tôi không thể nhồi thêm kiến thức vào đầu. Mệt!

Tôi thả mình xuống bộ salon, nhìn bâng quơ, tự hỏi: Chồng cô Quỳnh…? Chợt thấy cuốn "Sông Đông êm đềm" trên kệ sách, tôi bật dậy rút ra xem. Cầm cuốn tiểu thuyết trên tay, tôi săm soi trang bìa có tên nhà văn Nga Mikhail Sôlôkhốp. Sôlôkhốp không còn lạ gì với những ai đã đi qua trung học phổ thông. Với "Sông Đông êm đềm", thú thật tôi chưa hề ngó tới.

Tôi giật bắn mình khi nhận ra những nét chữ của bố trong một lá thư rất dài kẹp trong cuốn tiểu thuyết!? Tôi không còn tin vào mắt mình, đó là thư của bố tôi gửi cho cô Quỳnh - một lá thư chứa chan tình cảm, không kém những lá thư mà bố từng viết cho mẹ hồi hai người yêu nhau. Lá thư không đề ngày tháng, nhưng trông cũ kĩ, chắc cô Quỳnh phải đọc nó nhiều lần lắm. Tôi thấy thương và xót xa thay cho mẹ.

Tôi như người bước hụt, chới với trong khoảng không, nghẹn ngào gọi "Mẹ ơi!".  Tôi muốn xé tan nát cuốn sách đã "chứa chấp tội phạm"! Tôi sẽ không để yên việc này! Cô Quỳnh trong mắt tôi bây giờ là một "tội đồ"... Còn bố tôi là một kẻ phụ bạc và giả dối... Họ là kẻ thù của mẹ tôi. Hình ảnh mẹ chuẩn bị quà cho cô Quỳnh như những nắm muối xát vào vết thương trên da thịt tôi.

Rồi bỗng tôi nhớ một lời khuyên của ai đó: "Trước bài toán khó, hãy hết sức bình tĩnh để tìm ra đáp số". Tôi tự nhủ mình sẽ giữ kín chuyện này để mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Kể từ lúc đọc được lá thư, tôi không thể cầm nổi sách vở. Tôi nghĩ về chuyện của bố và cô Quỳnh. Rồi tôi mường tượng trong con mắt của “kẻ thù” là cả một sóng biển mênh mông, có thể bốc lên thành ngọn lửa thiêu tan vạn vật. Những kẻ si tình khó lòng thoát khỏi ánh mắt đầy ma lực ấy…

 Sao bố lại vi phạm "tội tày đình" như vậy? Trước kia, ông là một cán bộ nghiêm túc có tiếng. Tôi tự hào về ông với những tấm bằng khen treo đầy tường. Đã mấy lần tôi định nói chuyện này với bố, nhưng lại thôi. Vì biết đâu do lộ cơ mà bố sẽ có những tiêu cực đáng tiếc! Đàn ông có phải lúc nào cũng cứng rắn. Bỗng tôi yếu đuối. Tôi sẽ tìm ra cách riêng của mình để "giải bài toán về mối tình vụng trộm"...

*

Tết Nguyên đán đang đến gần. Những cơn gió hoang dại lành lạnh dạt về như chẳng thích mùa xuân tới. Mẹ tôi không quên chuẩn bị quà cho cô Quỳnh bằng những đặc sản miền núi quê mình, đặc biệt mấy giò phong lan. Cô Quỳnh thích phong lan lắm. Có thể nói đây là những cánh phong lan đẹp nhất mà mẹ đã chọn tặng cô Quỳnh. Mẹ không tiếc tiền trước những gì có giá trị. Mẹ còn mơ một ngày mời cô Quỳnh và Bin về đây để cả nhà đi tắm suối khoáng Mỹ Lâm, thăm thác Bản Ba trên triền núi Phiêng Khàng... ngắm cảnh núi rừng và nghe làn điệu Then của người Tày với tiếng đàn tính rộn ràng...

- Nhớ mang đi cẩn thận. Người thành phố người ta yêu hoa lắm - Mẹ dặn hai bố con tôi thế, mà sao bố chẳng vui hơn.

- Hà Nội thiếu gì hoa đẹp mà phải đem hoa từ đây cho mệt!

- Đi bằng ôtô chứ đâu phải đi bộ, khối người đem hoa từ đây về Hà Nội. Người ta yêu con mình, quý con mình mà mình lại tính toán liệu có được không?

Bố im lặng. Thực tình thì tôi cũng chả thích tặng hoa cô Quỳnh vì cô ấy đã xúc phạm mẹ tôi. Tôi buốt trong tim. Nỗi buốt đau cứ tăng dần, rồi tôi buột miệng:

- Mẹ cầu kì quá, khỏi hoa nữa. Đường xa, ôtô thì ôtô chứ, có chỗ nào mà để hoa!

Mẹ nổi cơn tức giận:

- Cứ đưa cho tài xế nó khắc biết cách. Về nói với cô Quỳnh, mẹ con tặng hoa cô cho đẹp cửa nhà, cho may mắn, cô ấy thương mình mà không biết. Con không nghĩ tới những lúc cô ấy chăm sóc mình hay sao, đồ bạc bẽo! – Nói đoạn mẹ nhìn bố tôi nói tiếp - Còn anh nữa, từ ngày về Hà Nội là ăn nói khó nghe rồi đó!

Chả lẽ tôi lại nói ra, cô Quỳnh là kẻ thù của mẹ, rồi tôi cũng phải im lặng. Tôi căm giận bố. Giờ thì ông chẳng còn chút gì gọi là ý nghĩa trong tôi.

- Bố nhiều chuyện lắm!

- Ơ, sao con hỗn vậy? - Mẹ tròn xoe đôi mắt nhìn tôi nói vậy.

- Nếu bố không quen cô Quỳnh thì làm sao phải đem hoa khổ sở thế này! - Tôi vẫn bực tức.

- Nếu hai bố con cảm thấy khó khăn quá thì để mẹ đem về cho cô ấy, nhất là mẹ đi bộ!

Bố vội can ngăn:

- Thì con chiều mẹ đi, không nói nữa!

- Sau lần này con sẽ không bao giờ đến nhà cô Quỳnh nữa!

Mẹ tôi bật ra khỏi chiếc ghế, đến sát bên tôi, rít lên:

- Con hư lắm, càng nói càng thấy hư, bỏ ngay cái thói ấy đi!

Tôi liền chạy vào buồng khóc. Những cơn gió rừng lại rít dài, đảo điên qua khe cửa... 

*

Cô Quỳnh nhận được quà của mẹ tôi thì thích lắm. Cô cũng không quên mua quà Hà Nội gửi về cho mẹ sắm Tết. Cô Quỳnh là người sành điệu, nên đồ cô sắm thứ gì cũng ra thứ đó. Nhà cô lúc nào cũng có hoa tươi, đẹp hấp dẫn đến lạ thường, làm tôi nhớ tới những câu chuyện cổ tích có nàng Tiên xinh đẹp... Cô bảo tôi, Tết này về Hà Nội cô sẽ đưa đi thăm thú những nơi nào đẹp nhất. Cu Bin thì cứ "dứt khoát chị Vy phải ở đây ăn Tết với em". Nó càng ngày càng đáng yêu... Tuy hứa với cô Quỳnh và Bin, nhưng tôi không thể có đủ bản lĩnh để làm theo lời hứa ấy. Tôi thương mẹ. Tết này tôi sẽ dành hết tình thương cho mẹ...

*

Một hôm, mẹ nói với tôi:

- Bữa nào con gửi cho cô Quỳnh một lá thư giúp mẹ nhé?

- Chuyện gì mà mẹ phải viết thư, có gì cứ nói thẳng với cô ấy chứ?

- Mẹ không có thời gian về Hà Nội!

- Hay là mẹ ghen bố với cô Quỳnh, con linh cảm vậy?

- Tiên sư nhà chị, chỉ được cái suy diễn bậy bạ, ghen gì mà ghen!?

Rồi, mẹ tôi bỗng ốm nặng, căn bệnh nan y tái phát. Mẹ phải nằm viện mấy tháng trời ở Bệnh viện Bạch Mai, cô Quỳnh nhiều lần xin nghỉ việc chăm sóc mẹ tôi đến tận lúc lâm chung. Không thể hiểu nổi một người "cướp chồng" người khác mà lại tận tình với "đối thủ" như thế? Trước khi ra đi, mẹ khóc nhiều lắm! Mẹ yêu cầu bố tôi không được rời xa mẹ tới từng giây từng phút!

Rồi mẹ đòi gặp riêng tôi, thều thào: "Con hãy coi cô Quỳnh là mẹ, coi Bin là em ruột của mình. Nói với cô Quỳnh, mẹ cảm ơn cô nhiều lắm! Còn mối tình của bố với cô Quỳnh, để cho con hiểu cuộc đời này hơn. Mở va-li lấy lá thư mẹ viết gửi cho cô...". Nói chưa hết câu thì trái tim mẹ ngừng đập! Tôi như tan nát, sụp đổ... Bố tôi khóc, mái đầu bạc hẳn đi, cứ dụi vào đôi bàn tay mẹ lạnh giá. Trông bố đớn đau đến thắt ruột gan. Rồi cô Quỳnh cũng có mặt. Mắt cô đỏ hoe, lặng lẽ...

Đám tang mẹ tổ chức ở quê nhà, nức nở tiếng khóc thương của người tiễn đưa, đông chưa từng thấy…

*

Tôi mở va-li thư của mẹ, thấy một phong bì đề "Thân gửi cô Quỳnh". Trong phong bì có hai lá thư. Một lá thư còn thơm mùi giấy của mẹ viết và một lá thư của cô Quỳnh gửi cho bố tôi!? Ôi! Tôi đã hiểu ra chuyện gì rồi. Tôi không dám đọc thư cô Quỳnh, vì phòng xa mình sẽ không chịu đựng nổi những ngôn ngữ tình yêu của một người phụ nữ đầy chất lãng mạn, mạnh mẽ khi mà máu ích kỉ trong tôi đang hừng hực bốc lên!

Lá thư của mẹ viết cho cô Quỳnh thật ngắn gọn: “Quỳnh ơi, chị cảm ơn em nhiều lắm, em đã giúp được chị rất nhiều việc tốt. Cháu Vy đã có nơi nương tựa trong những năm tháng học xa nhà. Anh nhà chị đã có con trai để nối dõi tông đường... Em đừng nghĩ gì cả, hãy yêu thương mọi người hơn nhé!”.

Giờ tôi mới nhớ lại, sau Tết một tuần, bố tôi cứ rối tung rối mù đi tìm "cái gì" bị mất, mà hỏi thì bố chỉ bảo mấy giấy tờ vụn vặt để trong túi quần, túi áo.

Tôi lung mung, phải chăng bố yêu cô Quỳnh chỉ vì muốn kiếm người nối dõi tông đường? Hay bố yêu cô Quỳnh chỉ vì sắc đẹp? Cô Quỳnh có thật sự yêu thương bố không khi mà cô ấy là người dưới quyền bố?

Tôi căm thù căn bệnh ung thư quá ác để mẹ tôi phải cắt đi những phần cơ thể, hết hóa trị đến xạ trị. Đớn đau!...

Tôi tới nhà cô Quỳnh để gửi lá thư của mẹ. Sao cô Quỳnh già đi trông thấy? Cô vẫn đon đả đón tôi. "Sao lâu không đến, Bin nhắc chị Vy suốt?".

Tôi bỗng lưỡng lự: nên hay không, không hay nên? Tôi không thể không làm theo yêu cầu của mẹ, phải dám đối diện với sự thật, dẫu phũ phàng! Loáng trong đầu tôi nghĩ ra một cách, nhanh tay đặt bì thư ở bàn trang điểm của cô trước khi xin phép ra về. Tim tôi đập thình thình, cảm thấy như mình vừa thoát khỏi hang cọp…

*

Tôi đang vùi đầu cho kì thi tốt nghiệp thì bố tới trường báo tin cô Quỳnh bị ốm nặng… Tôi hụt hơi, chếnh choáng như người bị hạ đường huyết, mãi sau mới tỉnh lại. Tôi theo bố lên xe buýt chạy đến Bệnh viện Đa khoa Hà Nội. Tại phòng cấp cứu, đôi mắt cô Quỳnh nhắm nghiền. Tôi nắm bàn tay xanh xao, gọi "Cô ơi"! Mà sao, cô như không nghe thấy? "Cô ơi, con Vy đây!”. Nước mắt cô trào ra, rớt xuống vành tai, lấp lánh dưới ánh đèn neon… Những tiếng nấc nghẹn. Cô Quỳnh chắc muốn nói điều gì? "Thôi cô, tất cả là tại số trời"! Tôi đã lựa chọn "đáp án" cho "bài toán" của ngày hôm qua như thế đó.

Ngày mai tôi sẽ là một cô giáo dạy văn, văn là nhân học. Tôi không thể "không có trái tim" để nhìn đời rộng mở hơn… Tôi có cần phải đi đến tận cùng của sự việc không khi cả ba người thân yêu nhất của tôi đều là người có học và là người tốt. Có cần thiết nữa không khi mẹ tôi đã biết tất cả nhưng vẫn thương yêu cô Quỳnh, hẳn lý do không phải như những gì trong thư mẹ viết. Và cả bố nữa, nếu muốn giấu tôi, bố sẽ không đưa tôi đến gặp cô Quỳnh. Cuối cùng là cô Quỳnh, một người đàn bà đẹp và nhân hậu như cô sao lại phải chấp nhận kiếp sống vợ hờ. Tất cả những thắc mắc đó ở trong tôi và sẽ ở trong đầu của nhiều người đọc. Nhưng liệu chúng ta có cần thiết để đi đến tận cùng sự việc hay không? Và điều quan trọng là, khi đi đến cùng rồi thì chúng ta sẽ về đâu, làm gì với cái sự thật đó…?

Theo lẽ thông thường mà suy, chính mẹ là người bị tổn thương nhất, nhưng mẹ đã không hề trách cứ. Xét về mặt pháp luật thì có thể bố và cô Quỳnh đã sai, nhưng trong sự việc này, hình như có một điều gì đó, cao cả, thiêng liêng hơn thế, cao cả thiêng liêng hơn việc hai người có một đứa con trai chung. Có phải vậy không mẹ Quỳnh? 

Truyện ngắn của Đào Sỹ Quang
.
.