Chín bậc nhớ thương

Thứ Năm, 17/01/2019, 08:51
Đáng ra Liêu phải cảm thấy may mắn, vì Liêu chỉ là cô gái nghèo nông thôn của một tỉnh lẻ miền núi. Trước kia và bây giờ chồng Liêu vẫn là niềm mơ ước khát khao của bao nhiêu cô gái. Liêu biết điều đó hơn ai hết. Trước hôm vu quy, Liêu trằn trọc không sao ngủ được, Liêu ngồi khóc ở cầu thang...

Liêu là cô gái Tày. Một cô gái Tày xinh đẹp, da trắng như bột nếp, mặt tròn như trăng rằm. Liêu sinh ra và lớn lên trên vùng đất Nghĩa Đô thơ mộng, nghĩa tình, có nhiều nhà sàn nhất huyện, nhất tỉnh.

Một nếp nhà sàn gỗ tốt trong bản Nà Khương bán đi thừa sức làm một cái nhà xây to đẹp, khang trang như ngoài phố huyện Bảo Yên. Nhà chú Tả, bác Thàng đã làm thế rồi đấy, chính là hai cái nhà xây sừng sững án ngữ ngay đầu đường vào bản. Nhưng bố Liêu thì không, nhất quyết không bán nếp nhà sàn gỗ chò chỉ đã lên nước thời gian đen bóng như sừng trâu.

Ngày trước bố bảo, con gái út theo chồng bố cho ít của hồi môn. Con trai thứ muốn ở nhà xây bố sẽ cho đất mà làm nhà xây, vì bây giờ rừng hết rồi, có muốn lấy gỗ dựng nhà sàn cũng chẳng có. Con trai cả phải ở với bố mẹ, sau này thờ cúng hương khói thì ở nhà sàn của tổ tiên ba đời để lại. Nhà sàn có chín bậc cầu thang tựa lưng vào đồi cọ.

Nhà sàn làm bằng cột gỗ chò chỉ, thưng ván thông tránh muỗi, lợp mái cọ dày cả gang tay che mưa nắng. Một cây chò chỉ trong rừng già làm được hẳn một nếp nhà sàn, không thừa không thiếu. Còn cầu thang chín bậc làm bằng gỗ nghiến. Những gót mưa, bước nắng và dấu chân ba đời nhà Liêu khiến cho chín bậc cầu thang dẫn lên nhà sàn nhẵn thín và mòn vẹt. Liêu có cảm giác chín cái bậc cầu thang mòn và nhẵn đến có thể soi gương được nếu chân Liêu dính nước máng hay mồ hôi mỗi khi lên nương về.

*

Cạnh cầu thang là máng nước làm bằng thân vầu đục rỗng ruột để dẫn nước từ trên đồi cao về. Nước trong vắt, ngọt lừ, không có đá vôi. Nước chảy qua máng đổ vào chiếc chum sành màu da lươn lóc bóc suốt ngày đêm. Nước dùng không hết chảy tràn qua miệng chum xuống cái rãnh sau nhà. Ai muốn lên nhà đều phải múc nước gáo dừa từ chiếc chum sành để rửa mặt mũi chân tay.

Người Tày không phải nói ai cũng biết, nhưng khách ở nơi khác đến thì phải dặn đấy, không biết đâu. Liêu không chỉ rửa ráy mà còn uống một ngụm nước máng mỗi khi bước lên cầu thang. Nước chảy qua làn môi tràn xuống cổ họng, thấm vào ruột gan Liêu mát rượi.

Có lần Liêu mải uống nước cho thỏa cơn khát, dòng nước thấm ướt ngực áo chàm mới nhú lên như chũm cau. Một ánh mắt chảy theo dòng nước, nước chảy đến đâu, ánh mắt trôi theo đến đấy. Liêu ngước nhìn lên. Đôi mắt hừng hực như hai hòn than đượm trong bếp kiềng của Phàn đang đứng bên bờ rào cúc tần nhìn Liêu chằm chằm thèm khát. Cục yết hầu mới nhô lên của Phàn giật giật như cổ con gà chọi chuẩn bị vào sới đấu. Phàn học cùng lớp với Liêu hồi cấp hai nhưng nó đã bỏ học vì bố mất sớm, nhà nghèo quá.

Liêu buông gáo vội gắt:

- Phàn, mày nhìn trộm cái gì thế?

- Tao nhìn cái… cái… à không nhìn cái gì cả - Phàn ấp úng mặt đỏ như quả gấc chín mõm sắp rụng. Phàn vội vã dắt trâu bỏ đi. Con trâu trắng đầu đàn hôi rình phẩy tai xua muỗi rồi ọ lên một tiếng rõ to. Cái quần đùi Phàn đang mặc nổi vồng lên một đùm cứng ngắc chẳng biết giấu vào đâu. Bỗng dưng Liêu thấy hai bầu ngực căng tức như muốn ào ra một dòng nước máng mà bị cục đá chặn lại. Cảm giác rạo rực, râm ran thật khó tả lần đầu tiên Liêu gặp phải. Năm ấy, Liêu mười sáu tuổi và đang học lớp mười trường huyện.

*

Anh Xường là lái trâu nên nhà Liêu thường có khách từ miền xuôi. Họ đến mua trâu và nghỉ lại qua đêm. Liêu chẳng ưa những người khách này, vì đã mấy lần nhắc họ tháo giày và rửa chân trước khi lên cầu thang nhưng có người thì chẳng rửa chân, còn người khác quên cả tháo giày. Liêu lấy làm phiền lòng nhưng không nói ra, lặng lẽ lau chùi.

Anh Xường dặn làm những món ăn dân tộc mình mà thết khách nhé. Họ thích ăn đấy. Liêu làm món cá suối gói lá dong vùi tro, nhộng cọ xáo nước măng chua, vịt bầu lam ống nứa, ếch núi nướng, canh gà đen nấu kiệu, nộm rau dớn, thịt trâu sấy xé tơi nhắm rượu nếp nương hạ thổ. Nhìn những cái miệng bóng mỡ nhồm nhoàm nhai thức ăn rồi ngậm vào chén rượu chuẩn bị dốc ngược uống cạn trước mỗi cái bắt tay. Liêu sợ những kẻ phàm phu tục tử.

Tự nhiên Liêu cảm giác những chén rượu họ vừa uống như đang rót vào bụng mình khiến Liên chuếnh choáng vịn tay vào cột. Liêu, chị dâu và mẹ ngồi ăn riêng dưới bếp. Phụ nữ Tày hiếm khi ngồi chung mâm với khách. Ba người phụ nữ lặng lẽ ăn cho xong bữa, không ai nói câu gì. Liêu nhai trệu trạo như bò nhai rơm, cố mãi mới nuốt hết bát cơm.

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Liêu dọn dẹp xong lên giường ngủ một giấc đã lâu, bỗng thấy trong màn phả ra hơi rượu sặc sụa cùng tiếng ngáy như sấm rền. Liêu trở mình quay sang thì thấy một người đàn ông nằm trên đệm bông lau của Liêu, rõ ràng là một người đàn ông, không thể nhầm lẫn được. Đầu người này hói bóng ghé vào cái gối thêu của Liêu, kéo tuột cái chăn thổ cẩm của Liêu để đắp ngang bụng trương phềnh lên theo từng nhịp thở. Liêu hốt hoảng đạp mạnh khiến người này ngã lăn xuống sàn:

- Sao ông dám chui vào đây ngủ?

- Ui, anh say rượu quá ngủ nhầm chỗ thôi mà - Ông ta lồm cồm đứng dậy, dụi mắt rồi cười hệch hệch bước ra đệm to trải giữa nhà. Lúc ấy nửa đêm, trên đệm một lũ đàn ông thi nhau ngáy vang rền năm gian nhà.

Liêu sợ hãi không dám ngủ tiếp, ngồi co ro ở cầu thang cho đến khi con gà rừng le te cất tiếng gáy đầu tiên thì cời lửa nhóm bếp thổi cơm sáng. Hôm nay ngày nghỉ, Liêu lại cùng mẹ thu nốt vạt đậu tương hái dở kẻo trời đổ mưa. Mai Liêu phải xuống trường, sắp thi rồi.

*

Mỗi khi ngồi ở cầu thang một mình thế này, Liêu thấy nhớ bà nội đến quay quắt. Nước mắt ứa ra trên đôi má đã chớm hồng của một đứa con gái mới lớn. Bà nội đã đi theo tổ tiên sắp được ba mùa hoa mạ. Hồi còn sống, bà nội thường ra cầu thang chải đầu. Tóc bà dài, xõa trên bậc thang thứ chín mà đổ xuống chạm đất dưới chân thang. Bà đã cao tuổi nhưng tóc rất dày mượt và ít sợi bạc. Bà nói, gội đầu bằng nước gạo ủ chua thì tóc mới đẹp, con ạ.

Liêu sợ mùi nước gạo ủ chua nên chẳng dám gội bao giờ. Sau này, Liêu về Thủ đô học, lúc soi gương hay vô tình lùa tay vào mái tóc ngắn cũn cỡn và nhuộm đủ màu của mình, Liêu sực nhớ bí quyết tóc đẹp của bà nội. Liêu thường nhặt những sợi tóc của bà nội rụng ra, vo tròn rồi giắt lên mái cọ để đánh gió. Đồng bạc hoa xòe, lòng trắng trứng gà, tóc rối bà nội gói trong cái khăn chàm đem nhúng vào rượu nóng mà đánh dọc sống lưng, với lòng bàn chân, bàn tay thì nắng nôi, gió máy có lặn sâu trong người đến mấy cũng rủ nhau trốn vào đồng bạc.

Đồng bạc hoa xòe sau khi đánh gió cứ lấp lánh màu cầu vồng, phải dùng tro bếp rửa kĩ mới sáng bóng như cũ. Hồi Liêu học cấp hai, mỗi lần đi học về muộn, bà thường ra cầu thang chờ Liêu về ăn cơm. Thoáng thấy bóng Liêu, bà nội vội vã xuống thang mừng rỡ nở một nụ cười đen nhánh. Bây giờ Liêu ngồi đây đợi bà nội mà chẳng thấy bà nội về nữa. Liêu như chợt thấy bóng bà còng rạp và gầy gò đang lần từng bước một lên thang. Liêu đứng dậy chạy ra đỡ bà.

Chân Liêu nặng như buộc đá. Nhưng chỉ có bóng chiều vàng vọt và hoang hoải buông khắp sân nhà. Liêu khóc, thương lắm những sợi tóc bà nội đã rụng vào ngày thơ bé của Liêu. Bây giờ, Liêu không tìm thấy nữa rồi.

*

Hồi cấp ba, Liêu học giỏi văn nhất lớp. Cô giáo thường đọc bài của Liêu cho cả lớp nghe. Liêu đã đoạt giải nhì môn văn cấp tỉnh. Liêu hay làm thơ về bà, về mẹ, về cầu thang cạnh máng nước chảy vào chum sành lóc bóc suốt ngày đêm, về bếp lửa hun khói cho dải thịt treo không tắt cả bốn mùa, về xôi bảy màu, bánh giầy ngũ sắc thơm ngát rằm tháng bảy, về câu khắp, câu yếu trai gái hát gọi nhau trong đêm tình mùa xuân Nghĩa Đô. Cái Mì là bạn thân của Liêu, hai đứa hay rủ nhau cùng đi bẻ măng, hái nấm, hay chặt củi khô bán cho các quán ăn dưới chợ phiên lấy tiền trang trải sách bút. Liêu đọc cho Mì nghe bài thơ "Cầu thang nhà sàn" mới làm, trong đó có khổ thơ:

Một bậc là thấy núi
hai bậc là gặp rừng
ba bậc là nghe suối
bốn bậc hồn rưng rưng

Mì trầm ngâm:

- Thơ hay nhưng buồn quá, Liêu ạ. Mì nghe nói, con gái mà làm thơ hay thì sau này…- Mì ngập ngừng.

- Sau này làm sao hả Mì? - Liêu tò mò.

-…sẽ gặp nhiều đau khổ - Mì buột miệng.

- Vậy à, nhưng thơ Liêu có hay đâu - Liêu chống chế.

- Thơ Liêu không chỉ hay mà còn buồn nữa, Mì sợ…- Mì bỏ lửng.

- Mì đừng trêu Liêu nữa được không?

- Thôi, Mì đùa đấy. Chưa gì đã sắp khóc rồi kìa. Chiều nay chúng mình đi hái nấm nhé, vừa mưa xong đấy, tha hồ nhiều tai gỗ - Mì nói lảng vì trót lỡ lời làm Liêu buồn. Liêu gật đầu mỉm cười, quên ngay bài thơ vừa đọc.

*

Nhà Liêu có ba anh em. Anh Xường là con cả; anh Nghiệu con thứ, còn Liêu là con út. Bà nội kể, mẹ đẻ được hai con trai rồi, định thôi đẻ vì bố là cán bộ xã phải gương mẫu cho bà con noi theo, nhưng bà nội nói, nhà phải có đứa con gái mới tốt, ngô lúa còn có nếp có tẻ thì con cái cũng vậy. Lời của bà nội chắc như mộng kèo, mộng cột gỗ chò chỉ. Bố thì chẳng bao giờ dám cãi bà nội nửa lời. Vì vậy mà Liêu có mặt trên đời. Liêu phải biết ơn bà nội.

Anh Xường học dốt nên bỏ học từ hồi lớp bốn, nhưng anh lại tính nhẩm trong đầu rất nhanh nên nứt mắt đã đi buôn trâu như lời của bố nên có bát ăn, bát để, dù trong bản vẫn nhiều nhà đói. Anh Xường lấy chị Nhin là người cùng bản.

Chị Nhin không xinh, nhưng rất hiền, lại chịu thương, chịu khó thức khuya, dậy sớm  với lợn gà, ruộng nương. Liêu chưa bao giờ thấy chị Nhin than trách nửa lời, cứ lầm lũi làm việc như bao người đàn bà ở vùng Nghĩa Đô này.

Anh Nghiệu đi học bao giờ cũng đứng nhất lớp, học hết cấp ba, anh thi đỗ Đại học Xây dựng rồi ra tỉnh làm. Hơn ba mươi tuổi anh vẫn chưa lấy vợ, mọi người giục, anh bảo còn lo sự nghiệp. Anh Nghiệu làm trên tỉnh, chẳng xin đất của bố để xây nhà, rồi sẽ vợ chồng, con cái đề huề trên ấy, mỗi năm giỗ, tết về vài bận rồi đi. Liêu cũng noi gương anh Nghiệu, thi đỗ vào Đại học văn khoa. Cả bản Nà Khương ai cũng tấm tắc khen bố mẹ Liêu được hưởng hồng phúc tổ tiên vì con cái đều khôn lớn, hiếu thảo. Liêu lấy làm hãnh diện lắm.          

Thuở ba anh em còn lít nhít trứng gà, trứng vịt, mỗi bận mẹ đi chợ, ba anh em Liêu lại ra cầu thang ngồi ngóng mẹ. Nồi cơm đã chín, nồi canh sắp nguội trên bếp kiềng than đỏ mà mẹ vẫn chưa về. Thức ăn còn nằm trong cái gùi trên lưng mẹ. Anh Nghiệu mệt quá nằm ngủ thiếp đi trên đùi anh Xường, còn anh Xường thì vừa trả lời Liêu vừa hóng tít ra phía cánh đồng mênh mông nắng trưa, nơi có con đường lọt thỏm ở giữa, yên lặng đến nỗi nghe rõ cả tiếng đập cánh của một con sẻ từ bụi tre sà xuống mót lúa.

- Anh Xường ơi, mẹ sắp về chưa? - Liêu lại hỏi.

- Mẹ sắp về rồi đấy! - Anh Xường kiên nhẫn đáp.

- Sao mẹ lâu về thế nhỉ? - Liêu tiếp tục hỏi.

- Ừ, mẹ đang về kia rồi, Liêu cố chờ một tí nhé! - Anh Xường nựng.

Mẹ đi chợ về mang theo bao nhiêu no ấm. No ấm có khi là bọc bánh rán, có lúc là gói kẹo bột kịp xua tan cơn đói của Liêu, giấc ngủ của anh Nghiệu và vẻ mặt trầm ngâm của anh Xường. Mẹ đi từ nhà xuống chợ, từ chợ về nhà rồi từ nhà lên nương. Con đường ấy dài hơn hết thảy con đường xa xôi mà ba anh em Liêu đã đi cộng lại, dù khi đó mẹ chưa bước chân ra khỏi bản Nà Khương bao giờ. Mẹ đã đi trên bậc thang chín tháng gập ghềnh, khó nhọc để mang nặng, đẻ đau ba anh em Liêu.

Sự lam lũ, khó nhọc hằn trên khuôn mặt, dáng đi khiến mẹ đã sớm già khi còn đang trẻ. Mẹ thấy mẹ trong Liêu của những ngày đã xa. Liêu thấy mình trong mẹ của những ngày đang tới. Trong khi Liêu và anh Nghiệu tranh nhau quà bánh, bỏ ngoài tai tiếng mắng yêu của mẹ: "Hai đứa có thôi đi không, để bụng mà ăn cơm chứ", thì anh Xường đã xách mớ cá, miếng thịt mẹ vừa mua ra máng nước rồi. Mùi xào nấu thức ăn theo khói bếp mờ ảo bay lên náo nức.

*

Anh Xường lành lắm, chẳng bao giờ nổi cáu với Liêu cả. Anh Xường ít nói nhưng Liêu biết anh rất thương Liêu và Liêu cũng rất quý anh. Ngày anh vào bộ đội, anh đã hẹn ước với chị Nhin rồi. Hôm ấy, Liêu học bài khuya vì mai thi học sinh giỏi, vừa xuống thang định đi lại cho đỡ buồn ngủ thì Liêu bắt gặp anh Xường đang hôn chị Nhin dưới chân thang.

Độ ấy giữa tháng ba, trăng sáng lắm, hoa xoan rơi từng loạt khẽ khàng xuống ngõ nhà trong đêm tối. Hai anh chị hôn nhau say đắm trong mùi hương hoa xoan ngây ngất bay trong gió, trôi trong ánh trăng. Áo và tóc hai người trộn vào nhau ướt đẫm ánh trăng và thơm ngát hoa xoan. Chị Nhin thấy tiếng bước chân vội đẩy anh Xường ra:

- Cái Liêu xuống đấy - Chị Nhin ngượng nghịu.

- Kệ nó - Anh Xường kéo chị Nhin vào lòng.

- Nó biết thì cười cho đấy - Chị Nhin bẽn lẽn quay mặt đi.

- Cười hở mười cái răng - Anh Xường nói vậy nhưng đã buông chị Nhin ra, mặt tỉnh bơ giả vờ như chưa có chuyện gì.

Liêu vội bước lên thang. Lần đầu tiên Liêu nhìn thấy một người con trai hôn một người con gái là như thế nào. Ngượng nhưng chắc thích lắm. Bất chợt, Liêu khẽ liếm môi một cái, môi Liêu căng mọng và ngọt lịm như quả vả chín trên đồi. Bao giờ thì có người hôn Liêu nhỉ? Liêu tự thấy thẹn, che miệng cười như sợ ai đọc được ý nghĩ của mình.

*

Liêu lấy chồng. Chồng Liêu là một doanh nhân thành đạt, anh là con một của một gia đình Hà Nội gốc, nhà trong phố cổ. Bố mẹ Liêu vui lắm, như mở hội lồng tồng tháng giêng trong bụng, vì gả được con gái lớn. Con gái lớn trong nhà như quả bí ngô để trong gầm giường, chẳng biết bao giờ sẽ chín. Liêu chọn anh giữa bao nhiêu các chàng trai văn khoa theo đuổi.

Liêu làm thơ đấy, nhưng Liêu không thể chịu nổi một chàng trai quỳ giữa sân trường trong ánh sáng và mùi hương của hàng trăm ngọn nến và hoa hồng. Liêu lãng mạn thật nhưng lại không thích những trò sến sẩm. Liêu chẳng biết có yêu chồng hay không nữa, mặc dù chồng Liêu chẳng có điểm gì để chê trách. Anh lo lắng, chiều chuộng và quan tâm Liêu quá đỗi. Anh yêu Liêu nhiều thật là nhiều. Anh vẫn để Liêu đi làm dù lương của Liêu thật ít và anh thừa sức cho Liêu một cuộc sống sung túc, đủ đầy.

Đáng ra Liêu phải cảm thấy may mắn, vì Liêu chỉ là cô gái nghèo nông thôn của một tỉnh lẻ miền núi. Trước kia và bây giờ chồng Liêu vẫn là niềm mơ ước khát khao của bao nhiêu cô gái. Liêu biết điều đó hơn ai hết. Trước hôm vu quy, Liêu trằn trọc không sao ngủ được, Liêu ngồi khóc ở cầu thang.

Bậc thang thứ chín, bà bảo đấy là bậc của người đàn bà, còn bậc thang thứ bảy là của người đàn ông, bậc thang của người trụ cột gia đình. Có gì đau buồn mà ra đấy ngồi thì mọi ưu phiền sẽ tan biến đi, vì mỗi bậc cầu thang là mỗi bậc lòng, đi hết chín bậc lòng sẽ gặp hạnh phúc. Cả nhà Liêu đã chìm sâu vào giấc ngủ mê mệt sau ngày dài lo toan chuẩn bị cho đám cưới.

Bỗng một bàn tay đặt lên bờ vai đang rung của Liêu thật khẽ, thật êm. Liêu ngẩng lên, khuôn mặt tràn đầy nước mắt như bông hoa lê ướt đẫm sương đêm. Liêu ngạc nhiên mở to đôi mắt ngân ngấn lệ. Là bà nội, đúng là bà nội của Liêu thật. Bà mặc áo dài chàm, tóc vấn trần, cổ đeo vòng bạc trắng, chân đi hài nhung thêu thật đẹp. Sương khói không biết từ đâu ùa ra mờ mịt khắp không gian tĩnh lặng. Liêu suýt reo lên nhưng kịp ngăn lại:

- Trời ơi, bà nội. Sao con lại được gặp bà nội ở đây thế này?

- Con khóc thì sao bà nội có thể yên lòng được. Ngày cưới con phải vui chứ, sao lại ở đây khóc thế? - Bà nội khẽ chau mày.

- Con... con... không biết có yêu chồng con không nữa, bà nội à. Con sợ không mang lại hạnh phúc cho anh ấy - Liêu thổn thức.

Bà nội ngồi xuống dang rộng vòng tay. Liêu sà vào lòng bà như những ngày thơ bé. Đầu Liêu tựa vào ngực bà, Liêu nghe rõ cả tiếng quả tim bà đập khẽ sau lớp áo chàm mỏng. Bà thì thầm trong lúc Liêu bồi hồi:

- Chồng con là người tốt đấy, nó rất yêu thương con - cái đứa hay mộng mơ này. Rồi con sẽ đáp trả lại sự yêu thương ấy, từ ít rồi sẽ đến nhiều, con nhé - Bà nội mỉm cười hiền từ, mùi trầu thuốc tỏa ra ấm áp cả không gian.

Liêu khẽ gật đầu rồi thiếp đi trong vòng tay bà nội, nước mắt vẫn đọng trên làn mi cong vút như mảnh trăng non trên đỉnh Khau Rịa. Lòng Liêu nhẹ nhõm và bình yên đến lạ lùng. Liêu choàng tỉnh, thấy mình đang ngủ gục trên bậc thang thứ chín. Liêu chạy xuống thang xuống sân nhà định gọi "Bà nội ơi" nhưng sợ có ai nghe thấy.

Rõ ràng là Liêu vừa gặp bà nội. Làn sương mỏng chùng chình trôi qua trước mặt khiến Liêu rùng mình vì hơi lạnh. Cơn gió sớm tràn tới thổi làn sương bay mải miết phía cuối trời rồi tan đi nhanh chóng. Mọi người đã lục tục trở dậy mổ gà, mổ lợn cho ngày cưới của Liêu. Liêu bần thần quay bước trở lên nhà.

- Mày làm sao mà mặt như bị mất sổ gạo thế? Lấy chồng thích quá lại còn? - Anh Nghiệu đã dậy từ lúc nào đang đứng chắn ở cầu thang trêu chọc, mắt cười tít.

- Còn lo cái thân anh nữa đấy - Liêu cũng không phải vừa mắt nguýt một cái sắc như cật nứa, như lá chít.

Liêu bước lên cầu thang trong tiếng cười giòn giã của anh Nghiệu, tiếng eng éc của lợn bị chọc tiết, tiếng quang quác của gà bị tóm cánh, tiếng lanh canh của xô chậu va chạm và tiếng í ới gọi nhau của những người họ hàng đến làm giúp đám cưới.

*

Mỗi tối ngủ với nhau, Liêu bảo chồng tắt hết điện đi cho khỏi chói mắt. Chồng Liêu khen em đẹp thế phải để cho anh ngắm tí chứ, vợ chồng có gì mà ngượng. Liêu dứt khoát không, chồng cũng chiều theo ý cô. Trong bóng tối dày đặc bao phủ căn phòng, có lần Liêu tưởng tượng ra người đang nằm trên Liêu là Phàn chứ không phải chồng mình nữa. Ánh mắt chòng chọc như thiêu như đốt của Phàn ngày xưa bên bờ rào cúc tần nhìn xoáy vào hai bầu ngực Liêu nhức buốt.

Và Liêu bay lên trên chăn gối. Nhưng ý nghĩ chỉ lóe lên như chớp rồi vụt tắt đi nhanh chóng. Liêu lợm giọng buồn nôn. Liêu thấy kinh tởm chính mình và có lỗi với chồng ghê gớm. Nỗi day dứt cứ giày vò Liêu. Chồng cô là người tốt, anh xứng đáng nhận lại sự tử tế. Liêu không thể chấp nhận sự thác loạn, hoang đàng dù chỉ là trong ý nghĩ.

Dạo này, Liêu nuôi tóc dài và để màu đen nguyên bản như con gái Tày. Từ hôm Liêu gội đầu bằng nước gạo ủ chua theo bí quyết của bà nội, Liêu không còn tưởng tượng như thế nữa khi ngủ với chồng. Hình như nước gạo đã gột rửa ý nghĩ trong đầu Liêu thật thanh sạch. Liêu bảo chồng anh thích cứ bật điện ngủ cũng được, em chẳng xấu hổ nữa đâu. Chồng Liêu im lặng không nói gì nhìn Liêu bằng ánh mắt hơi lạ.

Chiều muộn, mẹ gọi điện báo tin Phàn sắp lấy Mì đấy. Đám cưới sẽ tổ chức vào tháng hai sang năm, đúng mùa hoa mạ nở. Liêu chẳng yêu Phàn. Liêu không thấy buồn. Liêu nhớ lại ánh mắt hừng hực lửa cháy của Phàn qua bờ rào cúc tần khi nhìn trộm Liêu uống nước máng, nhưng với Liêu ánh mắt như hai hòn than ấy đã nguội tàn từ lâu. Trong đầu Liêu giờ chỉ có chồng, tuyệt nhiên không còn hình bóng ai khác. Nghe giọng mẹ, Liêu giật mình đã lâu cô chưa về nhà.

Sáng nay, chồng Liêu nghỉ việc ở công ty, anh lái xe ôtô để đưa Liêu đi khám vì Liêu thấy trong người khác lạ. Bác sĩ bảo Liêu có bầu rồi. Liêu vui lắm còn chồng Liêu thì vừa lái xe vừa hát dọc đường về. Hàng cây tươi non bên đường nhảy múa trong gió tạo ra những vòng ánh sáng lấp lánh trên cửa kính.

Chồng bảo, nếu đẻ con gái thì nó sẽ xinh đẹp giống em. Liêu cúi đầu nhìn xuống bụng sắp lùm lên đang cựa quậy một mầm sống nhưng Liêu linh cảm đứa con đầu lòng sẽ tài giỏi như chồng. Rồi khi con tập đi, Liêu sẽ đưa con về bên ngoại. Liêu muốn dắt con đi trên chín bậc cầu thang nhà sàn - chín bậc lòng Liêu, chín bậc nhớ thương để dẫn lên hạnh phúc.

Truyện ngắn của Hoàng Anh Tuấn (Công an tỉnh Lào Cai)
.
.