Chiều không tắt nắng

Thứ Hai, 14/03/2016, 08:00
Ôi, rõ là cái đồ đàn bà hư hỏng, đồ đĩ thõa, đồ hư đốn, đồ…!. Chị mở căng mắt vào bóng đêm, rủa cái người đàn bà trong chị đang nổi loạn, đang bức bối chỉ muốn tung hê tất cả, để gào lên rằng: Tôi muốn…tôi cần, tôi thèm khát…, đúng là không biết dơ, không biết ngượng, khi mà cái tuổi đã xế chiều rồi còn khao khát, còn mộng mơ, còn tơ tưởng những thứ không phải của mình. 

Thật khốn nạn cho chị, cũng tại chị cả thôi, ai bảo chị lại khơi ra cái hòn than còn đang âm ỉ nóng, để cho nó bén lửa và giờ lại phải tìm cách để dập tắt nó đi. Dập tắt đâu có dễ, một khi nó đã cháy. Mà trớ trêu thay, đúng như một câu thơ của một nhà thơ Nga nào đó mà chị đã từng đọc hồi còn trẻ: "Than ôi! Ngọn lửa ấy/ người cháy lại là tôi…". Bởi ngọn lửa ấy sẽ không đốt được ai cả, chỉ có chị đang bị cháy thành than mà thôi.

Chị xách va ly ra khỏi nhà, có ai lại đi du lịch một mình bao giờ và vội vội vàng vàng như chị? Đi không một lời chào, không một ai tiễn chân. Sao lại phải thế? Vì nếu không thế chị làm sao giải thích nổi cái lý do bỗng dưng đi như trốn của mình, mà trốn thật, chị đang trốn chính chị. Kể ra thì chị cũng hài lòng khi nghĩ ra cái chiêu này, nó có khả năng vùi tắt ngọn lửa trong chị. Nhưng giờ đây, nằm trong căn phòng âm ẩm mốc giữa một vùng núi non xanh ngắt này chị lại càng cảm thấy buồn và cô đơn hơn. Thực ra chị cũng đã định đi theo một tour nào đó cho có đoàn có đội nhưng thật khó khi đăng ký có một mình, người ta bảo phải đợi để ghép đoàn, mà chị thì không  đợi được.

Chiều, nắng vẫn chưa tắt trên các đỉnh núi mà thị trấn miền sơn cước này đã chìm vào màn sương khói. Chị nhìn xuống những con đường uốn lượn dưới chân đồi đẹp như trong miền cổ tích, dập dìu những cặp trai gái tựa vào vai nhau đi trong bềnh bồng sương, chắc là đi hưởng tuần trăng mật, hay có thể chỉ là đi du lịch cùng nhau. Chị tưởng tượng, chị ước ao giá như chị được một lần trở lại cái tuổi đôi mươi, được nắm tay đi bên người ấy một lần trên con đường này, rồi chị sẽ tan vào đám mây kia, chị sẽ là sương khói. Dù thế chị vẫn thấy mình hạnh phúc nhất đời.

Giờ này chắc Thành đã về? Không biết có phải gửi con bên ngoại không? Hay nhờ ai trông? Con bé có hỏi tại sao lại không sang nhà bác An chơi? Thành có mong chị về để hằng ngày mang con sang gửi chị? Chỉ vậy thôi. Thành làm sao ngờ được chị đi là vì Thành, vì… chị không muốn Thành bỗng nhận ra cái ý nghĩ quái gở trong đầu chị, đang làm chị phát điên lên. Mỗi lần Thành đưa con sang, vô tình hay hữu ý Thành lại còn chạm vào tay chị. Khi trao đứa con gái bé bỏng cho chị bế, hơi thở của Thành phả vào mặt chị nóng hổi, cái hơi thở nồng nhiệt trẻ trung, khiến chị cứ chuyếnh choáng say như người không quen uống rượu.

Thành là hàng xóm mới dọn đến ở cạnh nhà chị. Sự hiện diện của gia đình nhỏ và chủ nhân xởi lởi, hay quan tâm đến hàng xóm là người phụ nữ một thân một mình như chị đã khiến cho chị nhận ra chị đang cô đơn hơn bao giờ hết. Chị cần một bàn tay một hơi ấm đàn ông.

Thời trẻ chị cũng oanh liệt ra phết chứ đâu kém cỏi gì, không đẹp nhưng duyên mặn mà, khối kẻ cũng phải mất ăn mất ngủ vì chị, thế mà cuối cùng chị vẫn về không. Suốt một thời đi làm công chức nhà nước, chị cũng trải dăm ba mối tình. Mối tình nào cũng đẹp buổi ban đầu. Mối tình đầu chị yêu ngây thơ, mụ mị, yêu đến quên cả bản thân, nhưng rồi cũng chẳng đến đâu cả. Chị là người đàn bà vô duyên trong tình riêng. Mà vô duyên thì đến bây giờ vẫn chưa gặp được duyên, vẫn đơn lẻ một mình.

Đùng một cái chị nhận quyết định về hưu. Đúng là mới thấy hốt hoảng, té ra "thời gian là con bạc tham lam/ thắng mọi ván mà chẳng thèm gian giảo", chị hốt hoảng thì cũng muộn rồi, mới thấy mình già, mới thấy mình thế là trắng tay, là thua một ván cờ đời. Về hưu như là sự chấm hết tất cả, không việc làm, không bận rộn, không đàn đúm, không những cuộc gọi cần thiết và… không còn hy vọng gặp được một ai nữa. Bố mẹ cũng đã rời xa chị, chỉ có căn nhà và những vật dụng quen thuộc là còn ở lại. Cậu em trai cũng đã lập gia đình ra ở riêng ngoài mặt phố chính, làm ăn khấm khá, con cháu đề huề. Nhiều lần nó bảo chị bán nhà, rồi đến ở chung với chúng, nhưng chị từ chối. Chị còn gì để sống được ngoài căn nhà mái ngói rêu phong trong khu vườn yên ắng đầy hoa trái nơi con phố nhỏ này. Ngôi nhà mà thời buổi tấc đất tấc vàng thế này nhưng vẫn bình thản quay mặt vào trong để một mặt tiền đầy cây và hoa lá dịu dàng. Ngôi  nhà với mảnh vườn trong phố khiến Thành lúc nào cũng thích ghé sang nhà chị để ngồi thảnh thơi hưởng không gian yên ả, trong lành.

Minh họa: Lê Tâm.

Không ngờ ông trời lại thích trêu chọc chị đến thế, thần tình yêu hình như bắn nhầm chị hay sao mà để chị lại bị trọng thương, mà trọng thương bởi ai cơ chứ, một thằng trẻ trai kém chị đến hơn một giáp thế này.

Thành lạ lắm, vẻ đẹp thì rất đàn ông, với vóc dáng cao thanh, khuôn mặt vuông vuông có chiếc cằm xanh rì vết râu cạo sạch. Thế mà giọng nói  lại ấm áp, ấm áp đến không chịu nổi. Từ sau hôm chị sang dự mừng tân gia, con gái Thành quấy khóc, chị bế nó về nhà dỗ cho nó ngủ để bố mẹ nó rảnh tay tiếp khách. Rồi hai bác cháu ngủ quên lúc nào. Thành sang bế con về. Sợ con bé thức giấc, nên chị ra hiệu cho Thành vào tận giường để gỡ con ra khỏi lòng chị. Cũng vì có thế, cũng vì chị chủ quan, coi Thành như em út, cũng vì chị cứ tưởng trái tim mình đã ngủ yên rồi, nhưng... Hơi thở của Thành, cánh tay cứng cỏi của Thành cúi xuống bên chị, gần lắm, chạm cả vào bên ngực chị, thế là con sói bản năng trong chị bừng dậy. Đã lâu lắm rồi chị không có được cái cảm giác như thế này.

Từ hôm đó, con gái Thành cứ đòi sang bác An chơi. Bên nhà Thành có người giúp việc, nhưng con bé có vẻ không ưa bà ta, và chỉ muốn sang nhà chị chơi. Cho đến khi chính chị cũng không muốn rời xa nó một ngày, có thể vì nó mang hơi thở của Thành? Hay chính Thành mỗi lần đi làm về lại sang nhà chị đón con và ở chơi bên nhà chị, Thành bảo: "Công nhận bên nhà chị không khí khác hẳn bên nhà em, mát mẻ tĩnh bình như về quê ấy. Em sai lầm làm căn nhà kín bưng, toàn bê tông với cửa kính, mỗi lần về cứ thấy bức bối thế nào, nhà chị đúng là một lá phổi xanh của khu phố này đấy".

Thành ở chơi với con cho đến lúc vợ gọi về ăn cơm. Những lúc rỗi rãi, Thành giúp chị sửa lại cái quạt. Cài lại cái máy tính bị lỗi win, có hôm còn bắc thang dặm lại cho chị viên ngói bị vỡ. Những việc này, khi nào cần chị vẫn gọi cho cậu em hoặc thằng cháu rể đến làm, còn bây giờ chị chỉ cần phàn nàn một câu là Thành đã hồ hởi nhận giúp ngay.

Bốn mươi tuổi Thành đã là một doanh nhân đang ăn nên làm ra, vợ làm công chức nhà nước. Vợ Thành trẻ đến mức chỉ có thể gọi chị bằng cô. Thành nhắc khéo mấy lần, nhưng cô bé cứ ấp úng đến tội, chị đành phải gạt đi: "Gọi thế nào chả được, tôi cũng đáng tuổi cha mẹ cô ấy rồi chứ ít gì". Thành tế nhị: "Chị cứ nói thế, chị còn trẻ chán". Chị nguây nguẩy lắc đầu, nhưng trong lòng cũng thấy ấm lạ.

Chị mạnh dạn đưa đề nghị trông con cả ngày cho vợ chồngThành đi làm. Chỉ sợ Thành ngại ngần, ai ngờ Thành vui vẻ ngay, mắt lại còn sáng lên đầy vẻ biết ơn. Thế là chị có việc để làm, khỏi phải làm bạn với chiếc máy tính. Chị trở nên vui như cái thuở nào, xa lắm rồi. Chị hát, chị lục tìm những bài thơ hay để ru bé ngủ, chị đùa với nó, thoải mái hôn hít nó, âu yếm nó, thậm chí dơ cả tí ra để cho nó sờ, nó thích lắm. Ôi, đôi gò bồng đảo của chị, nó vẫn tròn đầy, không tỳ vết, nó đã bị bỏ phí mấy chục năm rồi, lẽ nào nó không còn được cho ai đó.

Hôm đó, Thành sang đón con về rồi ngập ngừng nói: "Ngày mai, vợ em phải đi công tác mấy ngày, em có thể gửi cháu bên này luôn được không? Cơm nước của cháu đã có bà giúp việc lo, em chỉ chơi với cháu lúc buổi tối thôi, nó quen ngủ với mẹ, em sợ nó ngủ với em, đêm giật mình tỉnh dậy lại khóc, em khó dỗ". Tất nhiên là chị đồng ý, đêm đêm chị đã có người ôm ấp, mới nghĩ thế chị đã thấy rộn ràng rồi.

Thành đi làm về là sang ngay chơi với con, cho đến lúc bà giúp việc giục về ăn cơm, Thành bảo: "Bà mang cả mâm cơm sang đây ăn luôn thể, chị An, từ mai chị đừng nấu cơm nữa, cả nhà ăn cơm bên này cho mát lại có không gian thoáng đãng, bé Bông cũng thích thế mà, chắc chắn sẽ ăn nhiều hơn đấy". Tất nhiên chị cũng muốn thế, nhưng trời ơi, như một thách đố với chị thế này. Chị làm sao có thể giấu nổi những con sóng đang dâng lên trong lòng.

Mà sao đàn ông như Thành lại tinh tế đến thế. Điều đó sẽ hành hạ chị, để đêm đêm chị lại trằn trọc, lại mơ có được người đàn ông như Thành, có được đứa con như bé Bông. Chị thầm mong những ngày vắng vợ của Thành  dài mãi, mong vợ Thành bỗng dưng mất tích, mong vợ Thành gặp một kẻ ga lăng nào đó mà quên đường về.

Hơn thế đã có đêm chị khát, chút bản năng đàn bà trong chị bừng thức, nó đòi phải trả cho những đêm khô khan. Chị muốn có Thành ở bên, chị muốn rên xiết dưới thân thể Thành, chị muốn xoắn bện lấy Thành trong cơn cuồng say của thể xác. Chị chạy ra sân, lao sang nhà Thành, chị giơ tay bấm chuông, chị muốn gục đổ vào Thành và thì thào: "Hãy vì tôi, tôi yêu Thành, tôi không biết nữa, tôi thật…", nhưng cánh tay chị không với nổi nút chuông, ôi nó cao quá, cao quá tầm với của chị. Chị rụt tay lại, đổ uỵch  xuống thềm như rụng một trái cây chín nẫu.

Buổi chiều Thành lại sang chơi với bé Bông, đôi mắt Thành ánh lên sự dịu dàng đằm thắm, Thành nói với chị những lời ngọt ngào: "Ngày mai chủ nhật, em ở nhà cũng chẳng có việc gì, định đưa hai bác cháu đi chơi xa một chuyến. Chắc chị cũng chưa đi picnic bao giờ đúng không?". Chị thẹn thùng bẽn lẽn như cô gái 18 lần đầu có một người bạn trai rủ đi chơi, nửa rất muốn, nửa lại ngại ngùng: "Thôi, hai bố con cứ đi đi, hay đợi mẹ nó về cùng đi thì hơn, tôi cũng… ngày mai có việc rồi". "Việc gì, chị đi với bố con em cho vui, cháu Bông có bác nó mới ngoan". Chị nghĩ thầm: Biết đâu... người ta nhìn thấy lại phiền. Nhưng Thành cứ năn nỉ, hình như Thành đoán trúng tim chị. Thì đi.

Sáng mai, đứng trước gương hơi lâu, mặc dù cả đêm qua chị nghĩ xem nên mặc bộ nào thì hợp, cho trẻ trung hơn để tương xứng với Thành, hay nhuần nhị nền nã như một bà chị gái. Chị bế bé Bông ra xe, Thành đã mở sẵn cửa xe đứng đợi. Bà giúp việc giơ tay chào tạm biệt mà cái nhìn cứ hoang mang như đứng trước vụ mùa bị sâu hại.

Thành nhìn chị khá lâu, nở một nụ cười chan hòa nắng rồi khen: "Hôm nay chị mặc đẹp quá, sao em ít thấy chị ăn mặc thế này". "Tôi đi đâu mà phải mặc đẹp, về hưu rồi cũng chẳng cần đến nó nữa". "Người ta cứ hay quan niệm thế chứ như chị hôm nay ai bảo chị đã về hưu, chị còn trẻ đẹp chán, hơn đứt mấy bà bạn hàng của em, mấy bà ấy cũng tuổi như chị thôi, xăm mắt xăm môi đủ kiểu trông cứ như Bạch cốt tinh cả lượt". Thành vừa lái xe vừa thỉnh thoảng liếc nhìn lên tấm gương chiếu hậu trong xe, chị biết Thành đang ngắm chị.

Những cuộc picnic thế này chắc đã quá quen với Thành, nên mọi đường đi nước bước Thành đã chuẩn bị khá chu đáo. Thành đưa chị vào chùa trước, rồi đi thăm thú phong cảnh, cuối cùng là vào quán ăn cơm trưa, nghỉ trưa trên những chiếc võng dù mắc giữa khu vườn cây râm mát, bé Bông đòi ngủ với chị, chị ôm nó trên ngực ru nó ngủ, con bé lật áo chị lên miệng ngọng nghịu: "Ti bác, cháu hờ, cháu hờ nào", chị chồm dậy đỏ bừng mặt, Thành nằm cách đó không xa, mắt nhắm nghiền giả vờ như đang say ngủ, còn chị không tài nào ru được con bé ngủ nữa.

Buổi chiều, cả ba ngồi trên một tấm ni lông trên bờ một cái hồ lớn, chị gọt hoa quả, bày ra trên đĩa nhựa, Thành nằm xoài ôm gáy vừa ăn vừa nhìn lên bầu trời không biết nghĩ gì. Còn chị, chị đang thầm nghĩ, không biết thấy cảnh này người ta sẽ đoán là gì nhỉ, một tổ ấm hay là mẹ con bà cháu? Cả hai đều không phải, thế thì nó là cái gì, đúng là trớ trêu thật, là kệch cỡm thật. Chị bỗng thấy xấu hổ, chị muốn về. Bỗng như đoán được ý nghĩ của chị, Thành thả miếng táo cắn dở  xuống đĩa rồi nói: "Sao chị cứ phải sống khép mình thế, chị không muốn thế, đúng không?

Chị đâu phải đã già, chị vẫn có quyền được hưởng thụ cơ mà. Em biết chị là một trí thức, chị thừa sức tìm cho mình một hạnh phúc. Em rất quý chị nên mới nói vậy". Ừ quý chị, đúng rồi, em chỉ quý chị như một người chị gái thôi, vì em là một người đàn ông tử tế. Còn chị, chị đang âm ỉ một con đàn bà đốn mạt trong lòng, lúc nào cũng chỉ mơ về em và thèm khát em đến cháy bỏng.

Vợ Thành về, ào sang đón con. Chị có cảm giác như cô ta đang cướp đi của chị tất cả. Chị sẽ làm gì trong đêm nay, sẽ điên lên vì ghen, vì nghĩ đến cảnh Thành ôm xiết vợ trong tay, trút lên người vợ những nụ hôn nồng nàn, sẽ tuôn những lời êm ngọt như nước suối rót vào tai vợ, sẽ cười nụ cười tỏa nắng, sẽ nhìn bằng ánh mắt đằm thắm dịu dàng. Tại sao ông trời lại nghiệt ngã với chị như vậy, tại sao suốt thời tuổi trẻ chị lại không được gặp  một người đàn ông như Thành?

Chắc vợ Thành sau chuyến đi công tác được nghỉ mấy ngày nên bé Bông ở nhà với mẹ không phải gửi sang chị nữa. Chị hẫng hụt, chị lại chẳng còn gì để làm nữa, mà chị lại đã quen có bé Bông rồi. Chỉ còn cách phải đi đâu đó, đến một nơi nào đó, không có cái gì liên quan đến Thành nữa. Thế là chị đi, đi như một kẻ dở hơi vì không báo trước cho ai. Chị gửi bà giúp việc nhà Thành chiếc chìa khóa cửa, với lời nhắn với Thành thỉnh thoảng sang tưới hộ mấy cây cảnh và cho gà ăn giúp chị. Chị biết việc này bà giúp việc sẽ làm, nhưng Thành sẽ sang nhà chị, ít ra thì cũng để hít thở không khí trong lành của khu vườn. Như vậy hình như chị sẽ cảm thấy ấm áp hơn.

Trở về nhà, như người vừa dứt cơn sốt, chị thấy nhẹ bỗng như đang bay là là trên không trung, song cũng buồn se sắt hơn. Buổi tối ấy, biết chị về Thành sang ngay, chị đưa gói chè  Ô Long làm quà. Thành xuýt xoa tỏ vẻ thích thú, không hiểu sao chị lại nhận ra Thành đang giả vờ. Thôi mà Thành ơi, cần gì phải làm thế, chị đâu có cần Thành phải thương chị đến thế đâu. Chị kể chuyện chẳng ăn nhập gì, trong khi Thành vẫn tròn mắt chăm chú lắng nghe, tự nhiên chị lại bật cười: "Bé Bông thế nào, ngày mai đưa cháu sang chị trông cho nhá. Chị nhớ nó quá".

"Chị à, em cho cháu đi mẫu giáo rồi, như vậy cũng tốt cho cháu mà chị cũng nhàn, có thời gian đi chơi nhiều hơn". Chị cười, nụ cười như mếu. "À, chị có thích đi khiêu vũ không? Em có người bạn đang dạy ở một lớp khiêu vũ, có đông người đến học lắm, cũng toàn lứa tuổi như chị". Như mọi khi chị đã xua tay từ chối, nhưng chị bỗng im lặng rồi bảo: "Ừ cũng được, ở chỗ nào?", mắt Thành sáng lên: "Tối mai em đưa chị đến, em cũng thỉnh thoảng đến đó học nhảy mà, à chị nhớ đi học nhảy là phải mặc đẹp đấy nhé", chị cười đấm vào lưng Thành mà không thấy ngại ngùng gì cả.

Lớp học khiêu vũ quả là lắm dạng người thật, từ thiếu nhi cho đến các bậc ông bà, chị vẫn thuộc dạng trung niên. Những bước đi ngỡ ngàng lóng ngóng, nhưng chị thấy vui ra phết, rồi say mê, tối nào cũng đi học. Một hôm cô vũ sư thông báo: chị nhảy tốt rồi tối nay là sang ghép đôi nhé, đây chị nhảy với bác này, bác ấy nhảy thạo rồi sẽ là người dìu chị đi các bài. Người đàn ông đứng tuổi nhưng còn rất phong độ, tự giới thiệu luôn: "Tôi cũng vừa nghỉ hưu, rỗi rãi tha hồ được làm những gì mình thích. Bà nhà tôi đi trông cháu cho các con triền miên, bỏ lại tôi ở nhà một mình. Lúc đầu cũng khó khăn lắm, nhưng giờ quen rồi, tôi phải tự lo cho thân mình chứ, không thì còn trông cậy vào ai. Mình phải vui mới khỏe được cô ạ, cô vẫn đang đi làm chứ".

"Em về hưu rồi anh ạ". "Chà, sao mà trông trẻ thế, cô có năng khiếu khiêu vũ đấy, tôi nhìn cô đi là biết". Chị nắm bàn tay người đàn ông, cũng nao nao một chút, nhất là lại cảm thấy bàn tay người đàn ông đang đặt vào vòng eo nóng ấm: Bình tĩnh đừng có run thế thả lỏng người ra xem nào rồi nào cùng bước theo tôi nhé, hai, ba, bốn một, nghỉ… bao giờ thạo, sẽ đi theo nhạc.

Điệu Rumba là phải thật uyển chuyển, sâu lắng và đa tình, nào đánh hông nhẹ nhàng nào. Bàn tay người đàn ông áp nhẹ vào hông chị, khiến chị lại đỏ mặt. Nhưng chị chỉ thấy thẹn thùng một cách bản năng. Ừ mà tại sao không, tại sao chị cứ phải ép mình để khi chạm vào đàn ông là chị cứ như bị điện giật, cứ thấy run rẩy. Còn người đàn ông này thì khác hẳn, ông ta tự chủ quá, tự tin quá và chị bỗng thấy mình thật yên tâm, thật tin tưởng tựa người vào bạn nhảy cố gắng tập những bước đi uyển chuyển nhẹ nhàng thật đẹp mắt để mọi người cùng thưởng thức.

Chị trôi đi trong tiếng nhạc, nhắm mắt lại. Lần đầu tiên chị cảm thấy thư giãn, như thể đang buông thả hết cái cơ thể đang căng nhức như dây đàn. Trong chị, có một sự đánh thức đầy bản năng của người đàn bà không ngủ yên…

Truyện ngắn của Nguyễn Cẩm Hương
.
.