Chiếc cầu có đám ma đi qua

Thứ Hai, 28/08/2017, 08:02

Có khi Kiên nghĩ: Nếu đừng kiêu hãnh chắc người ta dễ sống hơn nhiều. Nhưng mà không được. Đám con nít làng Thượng nuôi bằng gì mà lớn? Ngồi bên người yêu, máu kẻ sĩ vẫn thao thao toàn những lời bất cẩn:

- Các cụ làng anh bảo: Đã đi là phải tới. Bao giờ ngồi, chân trái gác lên lũy tre làng, chân phải gác lên đống sách đã đọc, lúc đó hẵng về.

- Khiếp! Nổ hơn bom!

- Chưa to. Ông Victor Hugo còn thò chân lên tận đỉnh tháp Effel cơ đấy!

Nghe và hạnh phúc. Ngả đầu vào vai anh, Thiên Hương thì thầm:

- Mang em theo, suốt đời, Kiên nhé. Đi đâu cũng được. Em sẽ theo anh tận cùng trời cuối đất.

Cùng trời cuối đất, miễn đừng ra khỏi Hà Nội của nàng. Khi phát hiện ra những điều Kiên nói sâu sắc và nghiêm trọng hơn nhiều so với ý nghĩa lãng mạn, cô sinh viên Văn khoa đâm hoảng:

- Anh điên rồi à! Ba thừa sức lo cho anh một chỗ đàng hoàng ở ngay Hà Nội.

Kiên càng ngạc nhiên hơn:

- Sao lại điên? Đi và biết. Tuyệt! Hà Nội lấy đâu ra mỏ cho anh tìm kiếm?

Vậy mà có đấy. Một cái mỏ lộ thiên, nghe đâu nằm ngay bên cạnh… hồ Hoàn Kiếm. “Trữ lượng khá, mũi khoan xiên thăm dò…”. Những lời lẽ ghen tị không cần giấu giếm. Những ao ước toại thành tuyệt không dính dấp gì đến chuyên môn. Tình cảm bị thóa mạ, đầu Kiên muốn vỡ tung ra. Anh chẳng buồn thanh minh, chỉ cáu. Toàn là những giấc mơ cọc cạch. Rồi mai mốt còn quái gì để giải thích cho đám con nít hiểu ra cái câu “chó chui gầm chạn” hở trời!...

*

Thiên Hương giãy nảy:

- Anh giết em! Ba đã mời ông Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu thứ Bảy này đến ăn cơm đấy.

- Rất hay. Xin hoan nghênh nhiệt liệt.

- Nhưng ba bảo…

- Thôi đi! - Kiên bỗng quát lên - Anh bận!

Như thể trước mặt là một vật thể lạ không xác định, Thiên Hương sững sờ. Bật khóc, nàng quay ngoắt. Gót giày cao giằn xuống nền gạch những âm thanh rạn vỡ.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Một tuần sau, Kiên đi. Vẫn rần rật trong lòng một ngọn lửa thiên di về miền lạnh lẽo. Để rồi bùng lên. Anh từ chối lời đề nghị tốt đẹp của Thiên Hương mà không thể nói lý do. Mọi sự sắp đặt chu đáo, với anh, đều thiếu sòng phẳng. Nó quá gần điều dối trá. Thiên Hương nức nở: ''Anh là một tay lập dị!”. Biết sao được. Em xinh đẹp, em kiêu kỳ, em làm sao hiểu được. Có giấc mơ xa vời nào mà đừng lập dị đâu em?

Ngày anh nhận công tác, trời bất đồ đổ một cơn mưa. Những giọt nước đầu tiên báo hiệu những ngày tả tơi lũ lụt. Chúng hóa bùn lầy ngập ngụa toàn bộ những chân ruộng đang khô cong cơn khát.

Không hiểu sao vào mùa mưa ấy, cái bóng lụ khụ của cố Hoạnh cứ tạt ngang vào giấc ngủ của Kiên. Quần soọc lửng, áo dạ lính cũ mèm, ủng cao su cao tận đầu gối… Toàn đồ bảo tàng từ thời thế chiến. Cố làm nghề hoạn lợn, đi đâu cũng thang tre nghễu nghện. Xắc cốt da bò đựng đồ nghề đập lắc xắc bên hông. Đám con nít khóc thét lên. Chúng sợ cố như sợ ông Kẹ. Còn cố, già lắm rồi, sức vóc đâu nữa mà dọa nạt ai.

Đám trai làng tếu táo:

- Áo này, ủng này, các em gái Ba - lê cứ gọi là mê tít thò lò, cố nhỉ?

- Chuyện! Hồi tớ còn bên Tây thì phải biết.

- Ấy chết! Cố bán hết Bắc đẩu bội tinh uống rượu rồi à?

- Bậy nào! Hồi còn ở bên Tây tớ cũng chẳng thích đeo. Tính tớ cứ khiêm tốn thế!

Bọn trai cười khúc khích. Một anh độc mồm:

- Không đeo là phải. Nhỡ bọn Đức mà thắng, lại đâm phiền, hở cố?

- Thắng là thắng thế nào? Hồi ở bên Tây, mỗi lần bọn tớ vào trận, bọn Đức lại vãi đái… Bọn tớ thì “xuya”. Giữa chiến hào vẫn ngâm thơ Hugo kia đấy.

Là nói thế, chứ cố làm gì biết chữ. Được mảnh quá khứ đi lính đánh Đức cho Tây, cố cứ lục lọi cho kỳ hết. Hết rồi thì bịa. Trai làng khoái chí cười lăn cười bò. Cố chẳng phật ý. Cùng lắm cố chỉ làu bàu:

- Ấy, đừng trêu kẻ tra mà có tội!

Tay chân run rẩy, luôn trong một tháng hoạn lợn, cố cứa đứt ba bộ lòng. Xót của mà không ai dám bắt đền. Lấy gì mà đền? Họ hàng cố cũng chẳng còn ai, chỉ độc một câu “hồi còn bên Tây…” là giá trị! Chẳng ai thuê cố nữa. Đám con nít trong làng cũng lớn phổng lên. Cố có lừ mắt chúng cũng không hề sợ. Có đứa còn lếu láo: “Cố Hoạnh chắc thèm tiết canh lòng lợn”!

Thật ra, không phải cơn mê nào cũng mỏi mòn đến thế. Vẫn xô lệch một tuổi thơ cao ngạo bất tường. Rối mù những cuộn bòng bong bò trên giậu đổ. Vị béo ngầy ngậy của những quả cọ muối. Chiều cả gió. Đám con nít tha hồ giong những cánh diều dài đuôi ra phía triền đê. Cánh diều chao đảo. Mà sao trời rộng thế! Chỉ một đám đất đóng rêu dưới tán cọ xòe, một chân ruộng li ti hoa chua me tím cũng đã là thế giới…

Kiên thường đứng hàng giờ trên mặt đê, chắp tay sau lưng ngó ngược lên phía thượng nguồn. Mãi đến lúc đoàn tàu sầm sập bò qua cầu Thượng già nua, để lại một chấm xa lúc lắc, thằng bé mới sực tỉnh. Túm chuồn chuồn tượng vuột tay bay mất tự khi nào. Những đoàn tàu ruổi rong. Tuổi thơ tít tắp. Vung vãi trong hơi gió, Kiên vẫn nghe những chuỗi âm âm rền lan trên sông La nước vỡ.

Xa lắm rồi. Cả mối tình đầu đau đớn và ngọt ngào cũng đã bỏ anh đi. Chia tay, Kiên cúi mặt như một tội đồ. Em kiêu hãnh và anh cũng thế. Tại sao chúng mình chẳng níu được tình yêu trong vùng cộng hưởng? Tấm kính trong veo vỡ trong tim anh xủng xoảng. Mảnh sắc cứa buốt lòng: “Anh cao ngạo nhưng anh ích kỷ. Cả những gì anh đang tìm kiếm cũng chỉ là gàn dở thôi Kiên!”.

Vỡ nhòe nước mắt, nàng quay đi, gò lưng trên xe mải mốt. Và anh hiểu, ngọn lửa trong lòng mình đã tắt. Chúng mình trót lạc vào một thời buổi thực dụng đại ngôn, những khao khát cuồng điên hết thảy đều gàn dở. Sao lại thế?

*

Ba lô lóc cóc, đoàn khảo sát rong ruổi hết những triền đá vôi Đông Bắc, lại trẩy qua rừng núi phía Tây. Sốt rét, chân tay tróc móng và đủ loại thiếu thốn không làm Kiên ngã lòng. Chỉ hoang mang một nỗi, ngoài anh ra, cả đoàn lúc nào cũng đầy những tâm sự thua thiệt. Không một chút đam mê nào được gắn vào chuỗi ngày chịu đựng. Xem ra mơ ước thiên di của Kiên ngày càng hợp cảnh mà không mấy hợp thời. Trơ trọi quá! Khám phá và chinh phục, khao khát của anh lập dị thật hay sao?

Sốt rét rừng quật Kiên ngã gục. Đoàn tàu trật bánh khỏi đường ray, ầm ầm lao trên đê sông La đâm bổ về phía Kiên. Đầu mũi tàu, cố Hoạnh đứng hoa chân múa tay cười như điên dại. Cả khối thép đen trũi lẫn cố Hoạnh cứ to dần, to dần, nhanh kinh khủng, rồi choán cả bầu trời, đè sập xuống ngực. Sợ hãi, Kiên thét lên…

Cời to đống lửa, anh Tỵ trưởng đoàn bảo:

- Mày có lý, nhưng mà thậm ngu. Chẳng ai cố học thật xuất sắc để lao cho đúng nghề hay làm khoa học cả. Coi anh đây này. Mười ba năm rồi đấy. Trên răng dưới cát - tút, vẫn thế.

Sau nhiều tháng, họ lọt vào một bãi đào vàng. Dân “xúc, lắc” nhìn đám kỹ sư địa chất tóc tai bù xù, áo quần tã tượi bằng cặp mắt thương hại. Một gã “bưởng” đầu trọc, trần trùng trục cười nhe hàm răng ám khói:

- Bỏ nghề đi mấy ông khoa học ơi! Lương chẳng bõ chạy thuốc. Chỉ khổ vợ, khổ con, tương lai các ông mờ mịt bỏ xừ.

Nghe họ nói, Kiên chẳng biết nên vui hay buồn. Đống lửa rừng ngày càng cháy khuya hơn. Những quầng sáng như ma quái chập chờn trên vách núi. Nhựa củi sôi khê khê nhắc anh nhớ một lớp học nào xa lắc. Trời rét căm căm. Mái rạ, tường đất chỉ cao cỡ quá đầu bọn trẻ. Gió hù hụ lùa vào tơi bời trong lớp. Ghế bàn kê sát lại, đám học trò dồn cả lên nửa lớp phía trên. Gom gộc tre, cô giáo đốt một đống lửa to ngay trên nền đất dưới bục giảng, vừa dạy vừa hơ đôi tay cóng… Những đứa trẻ chen chúc nhau đọc ê a:

- Khi - còn - ở - bên - kia - sông, - tôi - thường - hỏi - thăm - những - người - đồng - hương - đồng - hói…

Bất ngờ một thằng bé ngồi lọt thỏm giữa đám hét toáng lên:

- Ấm quá bây ơi! Ấm hơn ở nhà nhiều!

Lớp xưa tan tác. Con trai vào Nam ra Bắc, con gái bỏ theo chồng. Thắng, thằng bé hạt tiêu nghèo nhất cái lớp “ấm quá” ngày nào giờ là một trợ lý Tổng Giám đốc. Sơ mi cổ cồn cài cứng măng sét, cà vạt với kim băng treo lủng lẳng sợi dây chuyền… Gặp Kiên quần bò áo bụi, nó lại hét toáng lên:

- Trời ơi! Nghe nói mày vẫn học giỏi khét tiếng, sao lại định làm dân cao bồi hở?

Bạn bè cũ gặp nhau tất bật tơ bờ. Bia này, rượu này, thuốc hộp này, uống đi, hút đi rồi… biến. “Tớ đang bận, khi khác nhé!”. Những cái bắt tay “cơ chế thoáng” chẳng chắc chắn gì cho lắm. Xong là thở phào!

Cái “mỏ lộ thiên” cạnh hồ Hoàn Kiếm đã đích thị là có chồng. Thanh lịch và lắm chuyện, dân Tràng An vẫn nhỏ to đồn đãi về đám cưới con gái ông Thứ trưởng có rượu Tây đổ ngập mặt hồ và lãi hơn ba trăm triệu…

Đau hơn cả nghe nhạc Rap, tâm hồn Kiên chất đầy những linh cảm mụ mị.

*

Tháng Chạp rét cứng chân. Đoàn khảo sát không leo trèo được nữa. Kiên về đến làng vào giữa trưa. Mưa phùn rây rây trên mặt sóng. Cầu Thượng vẫn cố choãi mình níu chân đê qua phía bãi bồi. Non thế kỷ, chiếc cầu sắt già nua vẫn lì lợm không thèm đổi cách choãi chân. Cơ hồ không có chiếc cầu, tên làng anh cũng bị quên mất. Bên kia cầu, thị trấn nhấp nhổm thời mở cửa. Nhưng làng anh thì vẫn thế. Đổi mới là ở tận đâu đâu chứ làng anh thì tuyệt không. Làm quái gì có chuyện đổi mới. Vùng chiêm trũng chỉ co rúm mình chờ đợi một ngày bị thành thị xóa tên. Đám trai gái bỏ đi đâu hết cả. Đường làng chỉ toàn con nít. Chúng chạy theo Kiên, vượt lên trước Kiên, trầm trồ.

Những ngày nghỉ chẳng biết làm gì, Kiên đội mưa phùn lang thang khắp xóm. Mỏi chân, anh ghé quán anh Từ ngồi tán chuyện suông.

Kiên hỏi:

- Cố Hoạnh dạo này sống ra sao hở anh?

- Chẳng sao. Vẫn “tùa trời bỏ bị”, bữa no bữa đói.

- Chẳng ai giúp đỡ chi à?

- Có, xã có lo tiêu chuẩn, cắt người chăm sóc đàng hoàng. Được nửa tháng, thóc lúa cấp ăn cả mùa, cố bán uống rượu sạch. Người chăm sóc sợ mang tiếng, chẳng ai dám nhận. Vậy là vật vờ… Kìa! Cố thiêng hơn Bụt!

Lập cà lập cập, cố Hoạnh dò dẫm gậy bước vào. Chiếc va-rơi dạ đã nát nhừ lọt thỏm giữa áo tơi sùm sụp. Trên đôi ủng vá lỗ chỗ, hai đầu gối củ lạc nhấp nhô. Kiên chưa kịp đỡ cố ngồi yên lên chõng đã nghe phều phào :

- Rét… tợn hè… Hồi… bên Tây… không bằng.

- Ăn củ khoai, uống bát chè cho ấm bụng rồi về nằm nghỉ cố ơi. Thằng Kiên mới về, nó chào cố đấy.

- À… Anh Kiển hẳn? Thành tài… hẳn. Hồi ở…

Kiên vội ngắt lời:

- Cố có khỏe không?

-Vẫn ! Chà… Rét thế này…mà có…cút rượu… với… bát nhựa mận…

Kiên vội quay đi. Nghe cay cay cay đầu mũi. Anh cầm lấy tay cố Hoạnh:

- Cố ơi! Con đã đi làm… Con biếu cố !

- Ấy…/ Anh cho cố…/ nhiều thế…/ Này, anh học cao…/ nói…/ cố nghe thử - Cố ôm ngực ho luôn một tràng - Anh…/ có biết…/ tại sao…/ dân làng này…/ khổ mãi…/ không?

Kiên nghĩ ngợi rất lâu:

- Dạ, chiêm khê mùa thối, bão lụt triền miên…

- Ấy…/ Đừng trách trời…/ phải tội. Căn bản là…/ nghiên cứu…/ tâm lý học…/ nhiều quá.

Chao ôi chữ nghĩa, nghe hãi cả người. Đưa cố Hoạnh về xong, anh Từ quay lại, bảo:

- Thấm nhuần nguyên lý Bờm thì có. Này nhóc, thương cố không khéo bằng giết cố. Có tiền, cố lại mò ra quán thịt chó của ông Tùng (hư trí). Rượu vào kỳ thích. Không thổ cũng tả, khéo mà đi luôn thì nguy to.

Cố Hoạnh đi thật. Khi Kiên nghe ồn ào chạy sang thì cố đã cứng người. Bàn tay vô hồn thò ra ngoài mép chăn vẫn nắm khư khư tờ bạc.

Cả làng đưa cố đi. Ai cũng khóc. Anh Từ đóng quán, vác cần triệu dẫn đầu phường thanh la não bạt. Kiên không đi theo đám tang. Anh đứng trên mặt đê, nhìn xót lòng đám ma qua cầu lặng lẽ. Cờ tang nghiêng ngả. Trong mưa phùn, phường bát âm ai oán não nề.

*

Câu chuyện này lẽ ra không ai kể, vì chẳng có đầu đuôi gì ghê gớm lắm. Nhưng với Kiên, với chúng ta, làm sao biết được ở đâu cuộc sống bắt đầu và kết thúc. Chỉ nỗi buồn là vẫn nguyên vẹn. Nếu trước cái chết mà không ai buồn thì làm sao ra đi cho thanh thản, dù tất cả chúng ta vẫn đi tìm niềm vui sống.

Quay trở về, Kiên thấy lòng khác đi nhiều lắm. Đối diện với cái chết, mọi cảm giác thua thiệt đều vô nghĩa. Hình như giấc mơ của anh đã quá vội ngã lòng. Sau lưng anh, làng Thượng vẫn nép im lìm dưới chân cầu, cả cái tên cũng cơ hồ sắp bị lãng quên. Chỉ đám trai tráng là vẫn bỏ làng đi theo những hơn thua quay quắt mà không mấy đứa trở về. Hơi thở bay đầy hơi nước, Kiên tự dặn lòng ra Giêng này anh sẽ lại ra đi.

Dưới kia, sông La vẫn miên man chảy. Đầu tháng, nước cạn rặc. Lòng sông trệu trạo đá. Đầy tham vọng, những con sóng tung mình lên, bạc đầu.

Vô số những kênh mương, ghềnh bãi, dọc dòng trôi có quá nhiều những khúc ngoặt bất ngờ. Kiên hiểu, không phải con sóng nào rồi cũng ra tới biển, nhưng con nước đã trôi đi thì không quay trở lại bao giờ.

Này dòng sông, nếu biết ở ngoài xa, biển bao la và thét gào bão tố, con sóng nhỏ bị nghẽn dòng kia có dám bạc đầu không?

Truyện ngắn của Nguyễn Hồng Lam
.
.