Bức tranh giải nhất

Thứ Năm, 10/08/2017, 12:38
Cuộc thi lại có một sự lạ. Ấy là giải nhất người ta trao cho một họa sỹ cựu chiến binh vẽ một bức tranh là lạ: Một người đàn ông béo tốt, trông kỹ không giống người lắm, mặc com lê xám, đội mũ nồi, xách chiếc ca táp đứng bên chiếc xe hơi Camry đời mới, biển số…(xin được giấu biển số). Nền của bức tranh là cảnh đồng lúa xơ xác như vừa có cơn bão đi qua. Bức tranh như thế mà lại có tựa đề: “Công ty liên doanh sản xuất thuốc trừ sâu Vinamex”.

Năm ngoái tỉnh mở một cuộc thi hội họa, vẽ về đề tài công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các họa sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư đua trí, đua tài, sáng tác gửi đến ban tổ chức những tác phẩm mới nhất, chất lượng nhất của mình. Nào là tranh sơn dầu, tranh bột màu, tranh lụa… nào là trường phái tả thực, trường phái ấn tượng, cổ điển, hiện đại… đều được các họa sĩ áp dụng sáng tạo. Kết thúc cuộc thi, ban tổ chức nhận được 101 tác phẩm. Ai ai cũng mừng. Ở một tỉnh nông nghiệp – nơi các văn nghệ sĩ trú quán ở Hà Nội thường trề môi “dân tỉnh lẻ ấy mà”, vậy mà một cuộc thi hội họa thu về được cả trăm tác phẩm. Xét về mặt số lượng quả là phấn khởi lắm.

Ban giám khảo gồm những họa sĩ có tên tuổi ở địa phương, có cả những nhà lãnh đạo có óc thẩm mỹ và nhãn quan chính trị nhạy bén của tỉnh tham gia. Họ làm việc ngày đêm, phân tích đánh giá, bình chọn, nâng lên đặt xuống hết vòng sơ khảo đến vòng chung khảo, cuối cùng bỏ phiếu kín. Kết quả 12 tác phẩm đoạt giải. Trong đó có một giải nhất, hai giải nhì, bốn giải ba và năm giải khuyến khích.

Kể ra thì cũng bình thường như những cuộc thi khác vậy thôi, nó có tác dụng động viên, định hướng phong trào, góp phần cổ vũ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước và sau cuộc thi sẽ tìm ra nhân tài để v.v và v.v…

Nhưng cuộc thi lại có một sự lạ. Ấy là giải nhất người ta trao cho một họa sỹ cựu chiến binh vẽ một bức tranh là lạ: Một người đàn ông béo tốt, trông kỹ không giống người lắm, mặc com lê xám, đội mũ nồi, xách chiếc ca táp đứng bên chiếc xe hơi Camry đời mới, biển số…(xin được giấu biển số). Nền của bức tranh là cảnh đồng lúa xơ xác như vừa có cơn bão đi qua. Bức tranh như thế mà lại có tựa đề: “Công ty liên doanh sản xuất thuốc trừ sâu Vinamex”.

Sự lạ này làm dư luận trong tỉnh xôn xao và đẻ ra biết bao tranh cãi, nhất là ở công sở các ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh. Có người còn lớn tiếng cho rằng tiêu cực nó len cả vào giới văn nghệ sỹ vốn là những con người sống bằng tình cảm, bằng trái tim, lấy thân phận người lao động làm nguồn cảm hứng sáng tác, làm lẽ sống của mình. Như vậy rõ ràng tiêu cực đã bắt đầu nhấm đến cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ rồi.

*

Hồi trong năm, nghĩa là vừa sau lễ trao giải nói trên, tại nhà ông Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã đã xảy ra một trận cãi vã đến toé lửa xung quanh cái giải nhất này. Ông La - Giám đốc Công ty liên doanh sản xuất thuốc trừ sâu Vinamex - vốn là người nho nhã, tế nhị vậy mà hôm nay ông ném tuốt cái nho nhã, tế nhị vào mặt bạn. Hai vành tai ông tím lại, tiếng ông to như găm vào óc người nghe:

- Bọn văn nghệ là chúa đểu, chuyên đi moi móc chọc gậy bánh  xe. Có tiền cho thì nó tâng lên tận mặt trời, nó đã thù ghét ai thì cho ra bã. Công ty của tôi đang ăn nên làm ra, có động đến chân lông chúng đâu mà nó cho một đòn đau quá.

- Thế mà cũng gọi là đau, lạ nhỉ - Ông Báu Trưởng phòng Văn hoá Thông tin thị xã nói – Tôi thì tôi cho đó là một phần thưởng, chứ chẳng phải là đòn đau gì. Ông La cứ nghĩ kỹ mà xem, ông chả mất lấy một keng, tự dưng Công ty của ông nổi như cồn. Tôi cam đoan, rồi đây thuốc trừ sâu của ông cứ bán chạy như bia Tiger, chứ chẳng chơi.

Minh họa: Phương Bình.

Ông La đốp lại luôn:

- Tôi nghi ông Báu nhiễm cái máu của bọn văn nghệ sĩ mất rồi. Châm chích, chọc tức nhau làm gì?... Hội với chả họa, vớ va vớ vẩn, toàn là bọn vô công rồi nghề. Các ông tính, nó vẽ một cô gái nhợt nhạt, ngồi đuồn đuỗn trông như con khỉ, lại tựa đề “Thiếu nữ mùa xuân”, rồi thi nhau ca tụng nào là trường phái ấn tượng, bố cục độc đáo… phải có trình độ bác học mới thưởng thức nổi. Có nơi lại còn cho cá heo, cho khỉ, cho ốc sên bôi lên vải rồi hò nhau ca ngợi… Đúng là cả lũ loạn thần kinh. Tôi dám chắc nó vẽ người mặc com-lê, xách ca-tap giống như đười ươi là ám chỉ tôi. Chiếc xe thì rõ ràng là xe của tôi rồi còn gì.

- Tôi thì tôi không hiểu mô tê gì về hội họa, nhưng cái Công ty liên doanh sản xuất thuốc trừ sâu của ông La thì tôi hiểu, ông Báu ạ - Ông Thập, Chi cục trưởng Chi cục Thuế thị xã vừa dụi điếu thuốc xuống gạt tàn, vừa nói mỉa - Ông La thành lập Công ty liên doanh, làm luận án kinh tế, nhưng thực chất  Công ty của ông chỉ sản xuất bao bì và đóng gói. Công nhân thì ông thuê mười tháng một để khỏi phải đóng bảo hiểm cho họ. Còn thuốc trừ sâu, ông đi buôn lậu của Trung Quốc để đóng gói, bán. Thế là ông trốn được bao nhiêu loại thuế của Nhà nước. Cái mà ông La ký liên doanh, đúng là cái ông khôn hơn thiên hạ. Đó chính là cái vỏ bảo vệ cực an toàn để ông vận chuyển thuốc trừ sâu dởm từ nước ngoài về. Khoản này tôi và ông La quá hiểu nhau, phải không ông La nhỉ?

Như bị chích một mũi kim vào huyệt, ông giám đốc nhảy dựng lên:

- Á! Tôi…

 Ông La giận lắm, nhưng không dám làm to chuyện, đành chỉ vặc lại:

- Nhưng đó là việc khác, ông đừng có đánh bùn sang ao. Nhất định tôi sẽ kiện ban giám khảo, kiện Sở Văn hoá cho mà xem. Dứt khoát là ăn phải bả “Chiến lược diễn biến hoà bình” của kẻ địch… mà có khi chính cả các ông cũng nhiễm rồi cũng nên.

- Ông bảo ai nhiễm? Ai nhiễm hả? – Cả ông Báu, ông Thập sừng sộ tưởng rút tụt lưỡi ông La ngay tắp lự.

Ông Báu ngồi phịch xuống ghế:

- Tôi là trưởng phòng Văn hoá thông tin của thị xã mà lại nhiễm “Diễn biến hoà bình”, chẳng hoá ra cả cái tỉnh này theo địch. Ăn với chả nói… mất lập trường. Đúng là dân làm kinh tế, chẳng hiểu chính trị, chính em gì. Chứ chẳng.../...

Ông La đặt mạnh cốc nước xuống bàn làm nước trong cốc nhảy dựng lên, chỉ tay vào mặt ông Báu:

- Tôi hỏi ông! Ông tham gia giám khảo, ông cho tôi biết nội dung tư tưởng và nghệ thuật của bức tranh giải nhất? Ông nói xem nào?... Hay là nhận phong bao, rồi bỏ phiếu cho nó điểm tối đa.

- Này! Ông ăn nói cho cẩn thận nhé. Ông buôn lậu, ông “treo đầu dê, bán thịt chó”. Lợi cho mình, cho cấp trên của ông. Còn thiệt, chỉ thiệt cho nhà nước, cho nhân dân, tôi chẳng lạ.

- Ai bảo tôi buôn lậu? Ai bảo tôi “treo đầu  dê, bán thịt chó”? Tôi thì vả…

- Thì đây - ông Báu chỉ vào mặt ông Thập - ông Thập vừa mới nói đây. Chứ chẳng.../...

- Thôi, tôi xin các ông - Ông Thập đứng dậy, xòe hai cánh áo com-lê như con gà mái mới xuống ổ, dàn hoà - Tất cả chỉ tại cái thằng Đến họa sĩ ấy thôi, các ông ạ.

Ông La ngồi lặng, cố nuốt giận vào lòng. Một lát ông quay sang ông Thập hỏi:

- Tay Đến đó ở đâu? Trước làm gì, hở?

- Ông hỏi ông Báu thì biết.

- Hở, ông Báu, nó ở thị xã à? - Ông La xuống giọng muốn làm dịu tình hình.

Ông Báu đặt cốc không xuống bàn, ngả người ra thành ghế nhấm nhẳn:

- Trước vẽ trong quân đội, sau nghỉ hưu, giờ ở nhà vẽ, làm pa-nô, áp-phích, quảng cáo. Người phường An Tập. Tôi chẳng lạ.

- Thôi, đúng rồi - Ông La tròn mắt - Tôi biết ngay mà, cái hội hưởng lương hưu cao ngất ngưởng là phức tạp vô cùng kể…Các lão ấy đưa tất cả mọi người, mọi quan hệ xã hội vào đường ngắm nhà binh. Ai lệch ra, họ cho là chệch định hướng Xã hội chủ nghĩa, lơ mơ là bóp cò… Không sợ, tôi nhất định chất vấn hắn cho mà xem. Tôi sẽ mời các ông đi chứng kiến. Gì thì gì, chứ văn học nghệ thuật là phải phản ánh hiện thực cuộc sống, và là sản phẩm để cho nhân dân lao động thưởng thức, chứ có phải vẽ để đánh đố đồng bào.

*

Buổi chất vấn được thực hiện ngay sáng hôm sau tại nhà họa sĩ Đến.

Ông La cùng hai người bạn đến nhà họa sĩ từ lúc bảy giờ kém mười lăm phút. Cùng đi có ông Thập và vài người ở chi cục thuế thị xã (chủ yếu đi để xem). Ông Báu sợ liên lụy, nên kéo theo một cán bộ nhà văn hoá lén đến sau như thể là vô tình có mặt.

Họa sĩ Đến người to đậm, râu quai nón. Ông xuất thân từ một gia đình nhiều đời làm nghề trồng lúa, nên trong máu ông ngấm cái thân phận một nắng, hai sương, ăn đói mặc rách của nhà nông lắm. Vì có hơn hai mươi năm trong quân ngũ, nên tác phẩm của ông hầu hết vẽ về người lính. Người lính của ông vừa đội mũ, vừa đội nón, sau ba-lô là cây lúa, hiện tượng đục khoét tấm lưng gầy của nhà nông luôn ám ảnh ông, và cũng là đề tài làm ông trăn trở. Ông bảo, ông cũng phải góp một tiếng chuông cảnh tỉnh về một hiện tượng khá phổ biến hiện nay ở nước nhà.

Sau khi nghe ông La và một số người chất vấn gay gắt, đòi ông giải thích nội dung tư tưởng, nghệ thuật bức tranh, ông Đến đứng trước bức tranh - đứa con tinh thần của mình. Ông cầm chiếc đũa nhỏ, ôn tồn nói:

- Bây giờ thế này cho dễ, nhỉ. Tôi đề nghị một người đại diện chất vấn, đến đâu tôi trả lời đến đó. Được không ạ?

Ông La vẻ đắc thắng tiến lên một bước, hai tay ôm chiếc ca-táp. Ông nghĩ, chuyến này ông sẽ vặn cho họa sĩ Đến nát tướp cho mà xem. Ông sẽ vật trắng hớ cái lùng nhùng, cái tiêu cực của giới văn nghệ sĩ. Lúc đó ông Báu, ông Thập phải bái phục. Chẳng gì ông cũng là một giám đốc nổi tiếng, chẳng gì ông cũng là một kỹ sư…

Trông ông La rất tự tin. Phải trước khi đến đây ông đã gặp một số họa sĩ lớn để nhờ họ bày vẽ đường đi nước bước, bổ sung cho ông một số kiến thức hội họa, vạch ra cho ông La biết những điểm thiếu sót của bức tranh…Vì vậy, lúc này trông ông La đường bệ hơn lúc nào. Ông hỏi:

- Xin họa sĩ cho biết: Trong bức tranh ông đề: “Công ty liên doanh sản xuất thuốc trừ sâu…”, vậy Công ty đâu?

Họa sĩ cầm chiếc đũa chỉ ngược lên trả lời:

- Công ty ở bên nước ngoài!

Giám đốc La:

- Vậy thuốc trừ sâu?

Họa sĩ:

- Sâu chén hết rồi!

- Thì sâu đâu?

Họa sĩ cầm chiếc đũa chỉ vào hình mặc com-lê, đội mũ nồi, xách ca-táp đứng bên chiếc Camry trả lời:

- Sâu đây! 
Truyện ngắn của Bùi Thanh Minh
.
.