Bức tranh bị đánh tráo

Thứ Sáu, 29/04/2016, 08:13
- Ngài có muốn uống gì không? - nữ  chủ nhân tóc vàng hỏi nhỏ viên thám tử tư Ambrogio.- Anh cho phép mình được làm em yên lòng, Julio ạ, bởi đây là một công việc nghiêm túc - người đàn ông cố sức động viên bà vợ.

- Khi đang lau bụi trên khung ảnh thì Allina, cô giúp việc người Somalia của chúng tôi… - bà tóc vàng kể... Bất thình lình hét toáng lên… Cô ấy hét: - "Tôi không có lỗi! Tôi không có lỗi!" - người chồng tiếp lời vợ.

- Bức tranh của Georgo Morandi treo trong phòng khách gần lò sưởi bỗng dưng rớt xuống đất và tách rời ra khỏi khung - nữ chủ nhân giải thích.

- Tới lúc ấy bà mới phát hiện ra là nó đã bị tráo? Đúng vậy không?

- Tôi không rõ lắm - người phụ nữ đáp và đưa bức tranh tang chứng ra - Nhưng tôi hiểu đây không phải là thứ đồ thật mà chú rể đã tặng nhân ngày cưới của chúng tôi, bởi phía sau có dấu bảo niêm. Tôi còn nhớ rất rõ là con dấu màu xanh cùng hàng chữ số và chữ ký màu đen.

- Ngay sau rìa tranh còn có một mẩu giấy dán thêm, trên đó ghi… - người chồng bổ sung, đồng thời đứng dậy, đi vào phòng khách, bật đèn lên và lục tìm cái gì đó trong ngăn kéo bàn viết…

- Một trí nhớ đáng sợ - bà vợ giải thích với Ambrogio trong lúc đang khuấy đá.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

…Người chồng lật vội những trang của cuốn sổ nhỏ và đọc:

- "Georgo Morandi, 1960, 30 nhân 25 centimet, sơn màu trên vải, ký phía dưới bên trái". Tấm giấy dán ghi những điều ấy đấy.

 - Thế ông bà có nghi ngờ ai không? - Ambrogio hỏi.

- Ngài có ngửi thấy cái mùi mát rượi mới thoảng qua chứ, chắc là do những đám mây ven núi Predalpes đưa tới - người phụ nữ đánh trống lảng.

 - Ngài hỏi về kẻ bị tình nghi ư? - ông chồng rậm râu xen vào - Tôi chẳng nghi ai cả! Làm sao mà quy tội người ta trong khi không có một bằng chứng mảy may nào?

- Bức tranh thật của ông bà trị giá bao nhiêu? - Ambrogio hỏi tiếp.

- Hai trăm ngàn euro.

- Thật thế ư? - bà vợ kinh ngạc thốt lên - Nhưng anh mua nó với giá "bèo" lắm kia mà…

- Em ơi, năm chục triệu lia hồi ấy không phải là ít đâu.

- Phải rồi, lúc đó anh đang yêu em lắm mà - thiếu phụ tóc vàng nhìn xéo chồng trong khi đưa cốc rượu lạnh lên môi - Sao anh không nghĩ là với hai trăm ngàn bây giờ, dư sức đủ mua du thuyền cho Marko, làm mãn nguyện sở thích của thằng bé?

- Cứ để nó tự mua lấy, khi đã trưởng thành. Còn bây giờ phải lo học đã.

- Ngài chuyên về cái gì? - Ambrogio hỏi người chồng.

- Tư vấn tài chính. Bằng luật học có thể đưa bạn đến bất cứ đâu, kể cả trong nghành cảnh sát - ông ta vừa nói vừa cười phá lên.

- Văn phòng tư vấn của anh ấy là do cha tôi để lại. Một địa điểm tốt nhất thành phố… khiến cháu Marko phải phát ghen lên đấy.

- Tôi muốn biết cặn kẽ về "cậu ấm" của ông bà.

- Chúng tôi phải chấp nhận cá tính của cháu. Thực ra đó là một chàng trai tốt, nhưng hơi lười. Ăn nói nghiêm chỉnh, chân thành, mê thể thao… Còn con Anna chị nó cũng là một cô gái tốt, nhưng…

- Cháu nó đã tốt nghiệp xuất sắc đại học tổng hợp, chuyên ngành lịch sử nghệ thuật.

- Anna là cô bé có học và được giáo dục tốt. Nhưng hay đa cảm và rất… nhẹ dạ. Nó là con tôi, nhưng tôi không hiểu được cháu, nhiều khi không thể chấp nhận được những biểu hiện thái quá ở nó.

- Bà ấy giận Anna, bởi hiện nó đang sống chung với một… một tay họa sĩ già.

- Vẫn lão họa sĩ đó? Đúng rồi! Vẽ vớ vẽ vẩn với cặp mắt trống rỗng… Trông mới ghê làm sao.

- Một họa sĩ tốt đấy. Sao không? Ít ra cũng có nghề nghiệp hẳn hoi. Anna cho rằng tay ấy sẽ phát tài - người đàn ông bênh con.

- Anna có hay về thăm ông bà không? - Ambrogio hỏi.

- Hầu như hằng ngày - người chồng đáp - Lão họa sĩ không muốn thấy con bé tại xưởng vẽ của hắn ở Brera; chúng sống trong căn hộ một phòng trên phố Volta do tôi mua cho Anna.

- Nếu không tới đây thì nó sẽ chết đói mất - bà vợ ghi nhận.

- Thế Marko vẫn sống với ông bà chứ ?

- Cháu có phòng riêng ở đầu kia.

- Ngoài Allina ra, gia chủ còn có người giúp việc nào khác không?

- Chồng Allina, anh ấy giúp chúng tôi trong vai tài xế và tiếp phẩm.

- Cũng người Somalia à?

- Vâng! Một cựu thủy thủ, từng phục vụ trong đội du thuyền của đức vua Ali Mohamed. Marko cho đó là một nhà hàng hải lỗi lạc.

- Họ có ở lại đây vào buổi tối không?

- Không, họ có căn hộ gần cổng Venice. Họ làm việc cho chúng tôi để trả tiền thuê chỗ ấy.

- Vậy bà có hay lau các khung ảnh không?

- Nếu như đó là việc của tôi, tôi sẽ lau chúng thường xuyên - người phụ nữ đáp - Nhưng tôi hiểu là không thể. Căn hộ thì quá rộng, Allina lại chỉ có một mình. Với đồ gỗ và thảm thì cô ấy lau hằng ngày, còn các tranh ảnh thì thi thoảng thôi.

- Sao tới giờ ông bà chưa đi nghỉ phép năm?

- Tôi sẽ tạm đóng văn phòng vào độ giữa tháng - người đàn ông cho biết - Còn bà xã- ông ta vừa nói vừa gật đầu với vợ - Mới đi Portofino về, hẳn ngài biết chốn đó chứ?

- Thế còn Allina?

- Cũng cùng đi với bà nhà luôn. Chàng tài xế ở lại với tôi, thêm cả việc nấu ăn bữa tối nữa.

- Không có đâu! Anh ấy thường ăn tiệm mỗi khi tôi vắng nhà để cho được tự do hơn - bà vợ quả quyết.

- Em lại nghi anh đi nhăng nhít với đám gái tiếp viên chứ gì…

 

 *

   Những giọt mưa đầu tiên đã rơi. Bầu trời dày đặc các đám mây.

- Thể nào cũng có sấm chớp - nữ chủ nhân đứng dậy và đưa cặp giò tuyệt đẹp như của người mẫu đi đóng các cánh cửa lại.

- Các vị vào đây ngay! Vào đi! - người phụ nữ hét lên với vẻ hưng phấn.

- Bà vợ ông không sợ dông bão thì phải? - thám tử Ambrogio nói với người đàn ông khi họ cùng đi vào phòng khách trú mưa.

- Bà ấy chẳng sợ cái gì sất - người đàn ông đáp - Đôi khi tôi còn sợ bà ta nữa là đằng khác.

- Nhà ta có đóng bảo hiểm phòng trộm không? - Ambrogio hỏi chủ nhân khi họ cùng đi xem những bức tranh treo trên tường.

- Chỉ những thứ có giá thôi. Chúng tôi sống trên tầng thượng, đúng ra tôi phải giăng lưới sắt bên ngoài các cửa sổ lại, bọc thép các cửa ra vào, trang bị hệ thống báo động… Đúng không?

- Tôi cảm thấy hình như ông không muốn thông báo về vụ này? Hay là tôi nhầm?

- Không - người đàn ông đáp - Chính bà xã giục tôi gọi điện thoại cho ông tới mà…

- Ngài có vẻ lo sợ điều gì đó. Ngài cứ nói thật với tôi đi!

   Trong khi người thiếu phụ tiến về phía họ, bỗng chuông điện thoại đổ dồn.

- Cứ để đấy. Em sẽ trả lời từ phòng em - bà vợ bảo ông chồng - Chắc là Anna.

- Tôi khẳng định là ông thừa biết ai đã vẽ bức tranh thay thế - thám tử Ambrogio nói và ngồi xuống ghế đi-văng.

   Người đàn ông cũng ngồi xuống, nhưng với vẻ bất an.

- …Tay nhân tình của con gái tôi đã vẽ bản sao - người đàn ông xuống giọng - Tôi trả hắn năm nghìn euro, để hắn thực hiện trong vòng tuyệt mật.

- Vậy bức tranh gốc ông đưa cho ai?

- Cho một… một cô bạn rất xinh của Julio. Vả lại cô ta cũng muốn tôi chứng minh tình yêu của mình bằng cách ấy. Người đẹp chỉ chấp nhận tình cảm một khi tôi trao bức tranh gốc cho nàng. Tôi đặt làm một cái khung y hệt rồi lắp tranh mới vào, khi Julio đang đi nghỉ… Nhưng do sơ suất, bởi tôi không thạo công việc này, ông biết đấy.

- Thế bà bạn quý hóa ấy có đến lại đây sau "vụ" đó không?

- Có, có chứ ! Để khỏi nảy sinh các mối ngờ. Dường như đã tới vài ba lần rồi thì phải…

- Ngài hãy bịa ra một cái cớ nào đó để lấy lại bức tranh gốc, rằng cần phải đem nó tới phòng bảo hiểm chẳng hạn… Nên đặt thêm một bản sao nữa… Và nhớ đừng quên dấu niêm cùng giấy dán bảo chứng đấy. Còn bức thật ông nên gửi vào ngân hàng mà phòng thân.

- Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện ấy, xót của quá…

 Bà mệnh phụ xuất hiện trên ngưỡng cửa với câu "Anna gọi điện tới nói hôm nay nó không đến…". Đúng lúc đó một tia chớp sáng lòe lóe lên như xé nát căn phòng với tiếng sấm rền rĩ kéo dài. Người đàn ông nhân cơ hội ghé sát tai nhà thám tử thầm thì:

- Bức tranh chỗ cô bạn gái cũng chỉ là… bản sao. Tôi đã phát hiện ra điều đó cách đây vài hôm.

- Ngài muốn nói, rằng…

- Đúng, tên họa sĩ đốn mạt kia. Hắn chơi với con gái tôi, rồi "cặp" luôn cả người tình xinh như mộng của tôi. Tôi đã sa lầy nên dễ bị hắn lừa…

- Ai lừa mình hả anh yêu? - người phụ nữ tóc vàng nói như reo lên giữa tiếng sấm và ánh chớp.

- Không, không việc gì đâu… - người chồng hói trán đáp lí nhí.

Renato Olivieri (Italia)- Hồng Trần (dịch)
.
.