Bóng chiều

Thứ Tư, 19/12/2012, 09:00

Phía sau lưng ông là giá sách. Ngồn ngộn sách. Phải nói là bức tường sách chứ không thể nói là giá sách bình thường nữa. Trước mặt ông là khung cửa sổ nhìn xuống con đường ồn ã của phố và xa chút nữa là vườn hoa công cộng. Ông xoay chiếc xe đẩy lại đối mặt với giá sách, rồi lại gần bàn giấy. Chiếc bàn quay hướng Bắc. Thầy phong thuỷ đặt chiếc bàn đó cho ông và nói rằng, đó là hướng để nghênh đón sao Khuê.

Một năm hai tháng trôi qua, ông hạ cánh sớm bởi tai nạn bất ngờ đã cướp đi đôi chân. Đôi chân này đã dồn đầy nhiệt huyết bước trên những tấm thảm đỏ trong biết bao buổi cắt băng khánh thành công trình đầu tư này, dự án kia. Đôi chân nâng giữ cho gương mặt đẫy đà, phúc hậu của ông mỉm cười trước ống kính báo chí... Mất đi đôi chân, với ông thế vẫn may vì chưa mất mạng. Người thân tiếc nuối nếu ông mà ngồi lại đó hai năm nữa thì làm được khối việc lớn. Ông ký vào đơn xin nghỉ chế độ với cảm giác khá mệt mỏi. Ông nói với bà xã: "Thế là đủ rồi. Các con đã trưởng thành. Anh về nghỉ cho đỡ căng thẳng đầu óc". Bà xã còn đẹp và ham công tác, chỉ nói: "Tuỳ anh!".

Từ khi xây ngôi biệt thự mới này, chính ông cũng ít khám phá. Cái gì để chỗ nào đều do thầy phong thủy sắp đặt. Những món quà kỷ niệm ông cũng chẳng màng tới chúng có giá trị đến mức nào. Vợ nói là quý thì biết quý.

Sáng nay, ông cảm thấy đầu óc sảng khoái khi mở cửa ra có cơn gió man mát tràn vào. Đài thông báo thời tiết mát mẻ là do mùa thu đang về. Ông thích nghe đài, nhất là giọng đọc nữ của chương trình văn nghệ hàng tuần. Những câu chuyện, tản văn, hồi ký của ai đó mà ông lãng quên tên tác giả, nhưng chất giọng mềm mượt lan toả vào tâm hồn ông chút gì dịu êm mà đầy triết lý. Ông nghĩ giờ nghỉ rồi còn thiết tha gì với thời sự nữa. Có nói cũng chẳng bàn với ai. Ông chọn trang văn nghệ trên báo đọc, xem văn chương lý sự đời ra làm sao. Ông ngẫm, mấy cái ông nhà văn, nhà thơ uống rượu, bốc phét mà sao viết cứ như đi guốc vào lòng người. Lại ngẫm ra, ờ thì giời cho mỗi người một phận. Phận ai người nấy làm. Trong cuộc hội nghị nào đó, ông từng phát biểu:"Phê bình là thuốc đắng để thúc đẩy sự tiến bộ ở mỗi người". Nói xong, yên vị, chả hà nhẽ gì mà tự nhiên ông lại tủm tỉm cười một mình.

Trong căn phòng này, bây giờ sách mới có ý nghĩa với ông. Thật không ngờ, ông đã được tặng nhiều sách thế. Cơ quan nhận các đầu sách và đương nhiên tiêu chuẩn của ông ít nhất là một cuốn. Toàn sách văn học nghệ thuật. Có cuốn mỹ thuật giá đề tới hàng trăm ngàn, nghệ sĩ lấy tiền đâu mà mua nhỉ, một số sách khác là lý luận chính trị. Cậu thư ký của ông đúng là người cẩn thận và trung thực. Bao nhiêu vật biếu tặng, cậu ấy đều cất trong kho riêng. Giờ ông về nghỉ, cậu ấy lại cẩn thận trang trí cho ông một phòng thư viện tại gia. Cậu ta lý luận rằng: "Với thiết kế của căn biệt thự này, nếu không có một không gian văn hóa đọc thì thật là thiếu sang trọng".

Điện thoại reo, ông nghe tiếng đứa cháu gái năm tuổi bi bô mời ông đến dự sinh nhật vào tối nay. Ông vui vẻ hỏi cháu thích quà gì. Nó nói chỉ thích búp bê. Ông với tay bấm chuông gọi cô Sen - người giúp việc. Cô Sen mở internet ra tra số điện thoại cửa hàng đồ chơi trẻ em. Cô nhấn phím điện thoại. Ông vội bảo, đưa máy cho ông trực tiếp đặt hàng. Giọng nữ nhân viên dễ thương lễ phép trả lời. Ngoài búp bê Baby ra, theo gợi ý của cô nhân viên, ông đặt thêm một bộ sách truyện điện tử nữa. Đúng ba mươi phút sau có tiếng chuông cửa, cô Sen lật đật ra mở rồi ôm vào một gói quà bọc cẩn thận. Phấn khởi với món quà ý nghĩa đem đi tặng cháu gái, ông nhấc máy gọi điện thoại cho bà xã. Tiếng tút tút kéo dài mãi, đặt máy điện thoại xuống, ông lẩm bẩm bực mình: "Làm cái gì mà điện thoại lúc nào cũng bận vậy!". Một lát sau, điện thoại gọi lại:

- Anh à, nẫy em bận chút việc mà, nhà có việc chi anh?

- Hôm nay sinh nhật Thỏ bông đấy, em xem thu xếp công việc về sớm nhá.

- Hôm nay hả anh? Nhiều việc quá, em quên khuấy mất. Chiều tối nay em có chương trình đi tặng quà cho bên trung tâm trẻ em khuyết tật anh à…

- Anh nói rồi đấy, em tự thu xếp! - Ông nặng giọng và cụp máy. Trước nay ông vẫn vậy, nóng tính. Quát để tỏ mình còn nhiều uy quyền lắm. Chứ cái nhẹ nhàng, khéo léo có lý của bà ấy như cái chổi lông gà cứ phủi phăng hết bực dọc mỗi lần ông định nổi giận.

Chuông điện thoại lại reo lên. Con gái ông thông báo:

- Ba sang sớm nhé, nhà con tối nay về muộn lắm. Anh nói đang ký hợp đồng ở Quảng Ninh. Ba thích ăn cơm nhà hay ra hàng?

- Tuỳ con, nhưng ba muốn tối nay cả gia đình mình được ăn một bữa cơm cùng nhau. Lâu lắm rồi… - Bỗng dưng ông nghẹn lại.

- Ai cũng bận mà ba. Nhà con nói cố gắng về sớm.

- Mẹ con tối nay cũng đi trao quà gì đó. Đúng là siêng năng việc thiên hạ quá.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Lâu lâu giờ ông mới đi tắcxi. Ông đã tặng lại chiếc xe tiền tỉ cho cậu rể. Cả đời công tác ông chẳng màng gì vật chất. Ông là người chuyên tâm với công việc. Mọi thứ cứ tự đến. Ngày mua xe ôtô, vợ một cái, chồng một cái, đăng ký biển số xe, ông cũng không cần phải có mặt. Nghe cậu thư ký nói, biển số xe của ông được thầy phong thủy khen âm dương quân bình, hợp mệnh, hợp mạng. Trên đường đi, cậu lái tắcxi kể chuyện vợ mới sinh con trong bệnh viện, đã đăng ký dịch vụ tự nguyện mà cũng vẫn phải phong bì riêng nữa cho bác sĩ mới yên tâm. Cậu ta còn nói, ai mà chả thế. Còn ông có tiêu chuẩn riêng nên ông chẳng để ý đến việc đó.  

Cả nhà có đứa cháu đầu, gọi yêu là Thỏ bông. Con bé xinh xắn như mẹ nó. Mới nứt mắt ra đã có váy hàng hiệu mua từ bên Pháp gửi về. Nhìn bữa cơm bao nhiêu món mà chỉ có hai bố con. Chuông nhà bính boong. Chả nhẽ vợ ông cũng biểt nể ông mà về sớm. Một cái mặt lạ hoắc thò vào:

- Xin lỗi chú, cho cháu gửi quà và hoa của bà ngoại đến bé Thỏ bông.

Đứa bé choáng ngợp trước gói quà to và hoa rực rỡ. Nhưng nó đang mải mê ngắm búp bê. Gương mặt trẻ thơ sáng ngời, đôi bàn tay nhỏ nhắn hồng hào vỗ vào nhau sung sướng khi nghe Baby hát. Con búp bê di chuyển nhẹ nhàng quanh chiếc bánh gatô: "Lung linh lung linh tình mẹ tình cha. Lung linh lung linh hai tiếng gia đình. Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng…". Bé Bông trỏ vào ông ngoại hỏi: "Ông là cây nến gì hả ông?". Ông bật cười với con bé. Sinh nhật trẻ con mà toàn gương mặt người lớn. Hai bà giúp việc của hai nhà cũng góp chuyện khi ông kể về thuở ấu thơ của mình ở miền ven biển. Ông sinh ra lúc cha ở chiến trường và mãi mãi chỉ biết mặt cha qua lời mẹ kể. Ông lớn lên trong nỗi hoài nghi của nhà nội. Nhớ ngày đi cào hến đói cồn ruột, ông từng đứng bên bờ giậu một nhà giầu nhìn thấy thằng con cầu tự ngúng ngẩy vứt cái đùi gà cho con chó Tây ăn mà thèm sôi cả bụng. Cho tới ngày, ông không thể nếm hết các món ăn trên bàn tiệc…

Nhìn đồng hồ đã muộn, cháu gái nhõng nhẽo vì buồn ngủ. Cô Sen đưa ông ra tắcxi. Vừa bước chân lên xe, một luồng sáng ngược chiều hắt chói cả mắt ông. Xe đối diện dừng lại, một người tay túm càvạt, ngật ngưỡng từ xe đi vào nhà. Con gái ông ra đỡ chồng. Ông lắc đầu, cái thằng như bản sao một thời của mình vậy. Rượu! Cái thứ mệt người. Tiếp khách không uống không được. Không biết say là không làm được mọi việc. Cậu lái xe tắcxi tủm tỉm cười: "Sợ lắm bác ạ, nhưng mỗi lần đi uống rượu, chả thằng nào thích nhưng vẫn cứ phải đổ vào miệng. Người ta bảo phải say mới nói thật". Cô Sen bỗng sụt sùi: "Ông nhà em vì rượu mà đâm xuống mương đấy! Bỏ lại em mẹ goá con côi".

Xe dừng. Căn nhà lờ mờ đèn trên các lối đi. Vợ ông gọi điện thông báo tối nay bay gấp vào Nha Trang, sáng mai dự họp tổng kết năm.

                       *

Biệt thự nhà ông chỉ hai tầng, có cả cầu thang máy, ông có thể đi lại dễ dàng mà không phiền tới người giúp việc. Chiếc xe lăn của ông đặt hàng từ Mỹ cực kỳ hiện đại. Buổi chiều ông đi ra phía vườn hoa công cộng. Mấy buổi đầu, ông đội chiếc mũ để mọi người đỡ nhận ra ông. Hóa ra thiên hạ cũng chả mấy ai xem tivi đâu. Ông bỏ mũ ra và thảnh thơi với không gian tràn bước chân của người đi dạo, tiếng nô đùa trẻ con chơi bóng. Ông ngắm nhìn các bà tập dưỡng sinh. Một nhóm mấy cụ ông ngồi với nhau, họ đọc gì mà rồi cười nghiêng ngả. Ông lại gần làm quen với các cụ. Hóa ra là các cụ trong câu lạc bộ thơ phường. Họ làm thơ đả kích thói hư tật xấu của xã hội. Ông xin được mạn đàm. Họ hỏi ông ở đâu. Ông bảo nhà cũng ở gần đây, mới chuyển đến. Bất chợt, ông lại tủm tỉm cười vì nhớ đến cái bàn đặt hướng nghênh đón sao Khuê. Nhẽ nào mình lại có duyên với văn chương. Đời chả biết thế nào đâu!

Cuộc sống thật buồn tẻ nếu người ta thiếu sáng tạo. Ông tắt điều hoà, mở cửa đón gió vào mỗi sáng. Điểm tâm xong, ông nhâm nhi ly cà phê và bắt đầu làm việc. Vợ ông ngạc nhiên khi nghe ông đề nghị có một cái máy in để làm việc. Sáng hôm sau người ta bê máy in đến nối vào máy tính. Ông viết. Ý tưởng miên man chảy ra theo cảm hứng, suy nghĩ của ông hiện lên thành dòng chữ, thành câu từ. Ông có chút kinh nghiệm gửi cộng tác với báo của các cụ trong câu lạc bộ thơ ở nơi vườn hoa phường. Chị Sen làm nhiệm vụ đi bỏ thư giúp ông.

Một tuần sau, xuất hiện sau tiếng chuông cửa nhà ông là một chàng trai trẻ. Anh ta giới thiệu là người của tòa báo mang nhuận bút và báo biếu đến cho ông. Ông cảm thấy phấn khởi lắm, nói đùa với cậu chàng: "Biết vui thế này thì tôi đã theo nghề làm báo rồi!". Cậu ta vội xin phép về, không quên nói: "Mong bác tiếp tục cộng tác".

Ông mở phong bì nhuận bút ra. Hóa ra nhuận bút cũng khá đấy chứ. Thế này thì phóng viên thời nay sống rủng rỉnh là phải. Mấy nhà văn phố cứ kêu giời là sống vất vả với ngòi bút…

Chuông nhà lại reo. Chị Sen ra cổng. Ngồi trên ban công nhìn xuống, ông thấy có một người tay cầm cuốn sổ, nói gì đó với chị Sen. Chị quay vào bật cái chuông đối thoại tầng một lên tầng hai nói với ông: "Bác ơi, tổ trưởng dân phố đến thu tiền làm quỹ từ thiện". Đã lâu ông cảm thấy mình lẻ loi giữa xóm phố. Cái ông này là quan trọng đây. Ông nói vọng xuống, giọng như ra lệnh mà như khẩn thiết: "Chị mời bác ấy lên đây cho tôi".

Ông tổ trưởng dân phố ngập ngừng trước hiên nhà để bỏ dép ra. Chị Sen biết ý ông chủ, đã cho mời ai lên gặp chắc hẳn phải là khách quý. Chị vội vàng lấy đôi dép đi trong nhà cho khách thay vào. Ông tổ trưởng bước đi chậm rãi, đưa mắt quan sát mọi thứ trong nhà. Dường như cái gì cũng lạ lẫm và choáng ngợp trong mắt ông. Ông dừng lại và tỏ ra hơi ngạc nhiên trước vị chủ nhà ngồi trên xe lăn. Vị chủ nhà hồ hởi như ông trưởng phố là người bạn lâu ngày mới gặp vậy:

- Mời bác ngồi! - Ông quay sang chị Sen - Chị pha giúp tôi hai ly cà phê nhé.

- Ấy, đừng cầu kỳ, tôi còn phải đi các nhà trong phố vận động ủng hộ anh ạ - Nói thì nói thế chứ ông tổ trưởng cảm thấy vinh dự khi lần đầu được ngồi uống cà phê với một vị "tai to", dù là đã nghỉ. Ngày trước, thằng con trai cả ông này mất đột ngột vì tai nạn, tổ dân phố có đến viếng một lần ở nhà tang lễ. Nghe người ta đồn rằng, thằng con trai thứ ba nhà ông ở bên Úc là con riêng của bà vợ sau, chỉ có đứa con gái là con đẻ. Búa rìu thiên hạ mà! Ông tổ trưởng giữ ý ngồi xa xa cái tường sách vì nó choáng ngợp và như dễ sắp đổ lên người mất.

- Anh đọc nhiều sách thế à? - Ông tổ trưởng di đầu chân xuống nền thảm, mắt ông ngước lên tầng sách cao mà kinh ngạc.

- Từ ngày em về nghỉ… đọc sách là niềm vui mà. Bây giờ mới có thời gian để đọc, ngẫm ra các nhà văn nói mây gió nhưng cũng có cái lý lắm. Đọc mà thấy sướng anh ạ.

- Trong phố mình cũng có mấy tay viết văn làm thơ tài phết…

- Thế ạ, em có nghe đến tên tuổi các bác ấy. Đọc văn các bác ấy rồi, phục lắm anh ạ. Đời mà thiếu văn thì cũng thiếu nhân. Buồn lắm…Em cũng mới tập viết đây bác ạ. Vừa nãy, một cậu ở toà soạn mang nhuận bút cho. Em cho lộc cô Sen một trăm ngàn, còn lại đây em gửi vào quỹ từ thiện của phố.

Ông tổ trưởng mở phong bì ra, đếm tiền và toan ghi vào cuốn sổ cuộn tròn. Ông chủ liền xua tay:

- Thôi bác ơi, làm phúc thì không nên kể công. Bác đừng ghi tên em…

Một buổi sáng trong lành trôi đi với ông tổ trưởng dân phố. Ông tổ trưởng vốn nhiệt tình và cảm thấy ông chủ nhà là người gần gũi nên một tuần sau ông lại đến chơi và rủ thêm một tay viết văn đi cùng như để chứng minh rằng, đời này chả phải chỉ có nhà văn mới có nhiều sách nhé.

Câu chuyện ba người cùng phố đưa không khí buổi sáng mát lành đến nơi rôm rả và đầy triết luận. Cuối buổi nói chuyện, ông tổ trưởng kể có đứa cháu gái tốt nghiệp loại khá của khoa ngữ văn mà hai năm nay chưa xin được việc về tỉnh, thằng em trai yêu văn chương lắm nhưng không dám thi khối C vì sợ thất nghiệp. Ông kết luận thật thà: "Viết văn thì quý thật đấy, nhưng học xong không có việc thì bọn trẻ nó cũng giã từ văn chương. Giới trẻ bây giờ thực tế lắm… Cứ phải số hoá hết". Ông chủ biệt thự cũng thật thà: "Tôi thấy viết báo nhuận bút cũng khá đấy chứ. Hôm rồi, có bài ngắn thôi mà người ta cũng trả đến triệu bạc đấy". Ông viết văn còn thật hơn đếm và dường như tình bạn của họ cũng lên tới mức để nói ra một cách chân thành: "Ui giời ơi, người ta trả cho anh giá đó là vì sao, anh biết không? Vì nể anh đấy!". Chủ nhà hơi ngẩn ra một tí, mặt có lộ chút tự ái khe khẽ. Ông chủ nhà bỗng nghĩ ra điều gì đó, hỏi ông tổ trưởng:

- Cháu gái anh giờ có việc chưa?

- Chưa, ngồi ở nhà mãi, nó đang tính xin vào làm công nhân ở công ty liên doanh.

- Phí thế à?

Nhìn đồng hồ đã gần mười giờ, ông chủ nhà bảo ông tổ trưởng chờ một lát. Ông chủ tìm trong điện thoại của mình một số máy nào đó và bấm gọi:

- Alô, anh là…, chú T bên phòng tổ chức đấy à?

- Vâng chào anh, anh vẫn khỏe ạ. Dạo này công việc nhiều quá…

- Không sao, anh có việc muốn nhờ chú chút thôi. Anh có đứa cháu… chú xem bố trí được về chỗ nào phù hợp không?

- Vâng… anh để em xem đã...

Ông chủ nhà nở nét mặt có chút thoả mãn vì mình đang làm một việc có ý nghĩa với niềm tin riêng. Nửa tiếng sau, có chuông điện thoại gọi lại. Chủ nhà nhấc máy. Nghe xong cuộc điện thoại, nét mặt ông sầm lại. Hai ông khách như hiểu ra sự tình, không nói thêm về chuyện xin việc nữa. Họ đứng lên ra về.

Ông chủ nhà tự dưng sinh ra mê văn chương nghệ thuật. Ông tâm đắc với câu: "Hưởng thụ cao nhất là biết hưởng thụ nghệ thuật". Thỉnh thoảng ông lại vời bác viết văn phố - gọi tắt là ông Văn phố - đến đọc và sửa tác phẩm cho mình. Những ngày đầu, bác Văn phố này còn nói khéo, ý nhị đến mức đêm về ông mới nghĩ ra người ta nói vậy không biết là khen hay chê khéo. Có lần ông ự lên tự ái, bật lại, bác Văn phố vỗ đùi: "Đấy, cãi lý vậy là cá tính hay. Thế mới làm được văn chương". Hai ông bạn không còn khoảng cách người cao hay thấp nữa. Ông chủ nhà sẵn sàng làm Mạnh Thường Quân cho những buổi thơ của câu lạc bộ phường hoặc ra đầu sách mới. Ông chủ nhà còn nhờ ông Văn phố sửa sang bản thảo chuẩn bị ra đầu sách. 

Đương nhiên những bài ký tên ông chủ nhà này mà gửi là báo đăng ngay, nhưng nhiều khi ông chủ không nhận ra bài của mình. Sau này, ông Văn phố xui ông chủ nhà là phải có bút danh mới thành danh. Ông chủ nhà liền nghĩ hai đêm mới ra cái bút danh: Vân Danh. Từ đó, gần ba tháng nay, ông không thấy cậu chàng ở toà soạn đến bấm chuông nhà ông nữa. Và ông cũng ngộ ra rằng thà làm một độc giả thông thái còn hơn làm một nhà văn tồi

T.H.
.
.