Bói Kiều

Thứ Tư, 01/01/2014, 08:34
Ông Tư ở xã Bình Minh giỏi bói Kiều. Mùa lũ năm ấy, một ông cán bộ huyện có con gái mười tuổi bỏ nhà đi biệt tăm hai ngày, liền nhờ người chỉ đường đến nhà ông Tư. Nhà ông Tư ở cuối ấp. Ông Tư bói Kiều là theo năng khiếu bẩm sinh và đam mê chớ không lấy tiền, cuộc sống gia đình ông hoàn toàn dựa vào đồng ruộng.

Cơm tối xong, ông ra ngồi bên chiếc bàn gỗ cũ kỹ, mặt bàn nứt nẻ, vừa uống nước vừa lấy cuốn "Kiều" của cụ Nguyễn Du ra đặt trên bàn cho ông cán bộ dở. Cuốn "Kiều" sờn mép, cũ kỹ như mặt bàn lẫn mặt ông Tư, nhưng được giữ ngay ngắn như vẻ mặt ông Tư bấy giờ nghiêm trang. Lúc ông Tư đang ăn cơm, ông cán bộ huyện có dò hỏi đặt tiền vào đâu? Người nhà ông Tư bảo nói chuyện tiền nong ông Tư sẽ không tiếp, mà đuổi ra khỏi nhà. Ông cán bộ huyện hơi rụt rè nhìn ông Tư.

- Tay trái giở cuốn "Kiều" ba lần - Giọng ông Tư lành lạnh.

- Thưa thầy, tôi muốn nhờ thầy…

Ông Tư cắt ngang:

- Đừng nói gì cả, giở cuốn "Kiều" thôi.

Ông cán bộ huyện đưa tay trái giở một trang. Ông Tư khẽ liếc qua rồi gập ngay lại, bàn tay ấn mạnh lên cuốn "Kiều" để làm mất dấu vết trang vừa giở, bảo ông cán bộ huyện giở tiếp. Sau ba lần, ông cán bộ huyện dịch ra xa, còn ông Tư nhắm mắt, nói:

- Con gái của anh sẽ về.

- Dạ, thưa thầy - Ông cán bộ huyện nhổm người lên - đứa con gái của tôi bỏ nhà đi đã hai ngày rồi, nó đang ở đâu ạ?

Ông Tư vẫn nhắm mắt, giọng đều đều:

- Nó sẽ về, khoảng ba hay bốn ngày, chậm nhất là bốn ngày nữa nó sẽ về. Không phải đi tìm đâu.

- Thưa thầy, vợ chồng tôi đang tính đến nhà người dì ở huyện bên để tìm cháu ạ - Ông cán bộ huyện mở to đôi mắt, thành kính nhìn ông Tư.

- Đừng mất công đi tìm, khỏi phải lo cho nó. Nhưng phải lo lấy đứa ở nhà, chú ý đến đứa đang ở nhà.

- Dạ, đứa con trai ở nhà đã tám tuổi, cháu ngoan lắm ạ.

- Phải trông coi nó cho cẩn thận, nhất là khi mưa to, lụt lội thế này.

Ông Tư mở mắt, rót nước mời ông cán bộ huyện, giọng vẫn lành lạnh:

- Anh uống nước rồi về ngay đi để lo cho đứa ở nhà.

Ông cán bộ huyện cuống quýt ra về, tới nhà đúng lúc đứa con trai sẩy chân xuống con rạch rất sâu trước nhà. Ông kịp nhào xuống kéo con lên khi nó mới uống mấy ngụm nước. Đúng bốn ngày sau, đứa con gái trở về. Vợ chồng ông mua trái cây đến tạ ơn ông Tư nhưng không gặp vì ông làm ruộng ở xa.

                           *

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Tỉnh có quy hoạch mở con đường lớn đi qua huyện, một ông cán bộ tỉnh xuống nhờ ông cán bộ huyện tìm mua đất bên con đường ấy. Mua khi mới quy hoạch như vậy, đến khi có đường sẽ một vốn mười lời, thậm chí trăm lời. Tuy nhiên vẫn áy náy nên ông cán bộ huyện đưa ông cán bộ tỉnh đến nhà ông Tư. Lại đúng bữa cơm của ông Tư và mặc xe con đậu trước cửa với người ồn ào đi vào, ông Tư từ tốn ăn xong mới ra ngồi bên chiếc bàn gỗ cũ kỹ. Ông cán bộ huyện sốt sắng:

- Thưa thầy, anh đây ở trên tỉnh…

Ông Tư lại cắt ngang:

- Đừng nói gì, tay trái giở cuốn "Kiều" ba lần.

Ông cán bộ tỉnh nhíu mày, miễn cưỡng làm theo.

- À, anh đang tính mua gì đó, giá trị lớn lắm - Ông Tư nói trong lúc mắt nhắm.

- Dạ, anh đây ở trên tỉnh, xuống huyện định mua mấy mảnh đất, thầy thấy thế nào ạ? - Ông cán bộ huyện vươn người lên sát bàn.

- Mua rồi, đã mua rồi và đang muốn mua thêm. Nhưng không tốt lắm.

- Dạ, mua tính để ở … - Ông cán bộ huyện nhanh nhảu.

- Đâu phải ở, anh có nhà cửa nơi khác rồi - Ông Tư lắc đầu.

- Vậy không tốt thế nào ạ? - Ông cán bộ tỉnh bấy giờ lên tiếng.

- Anh mua để kinh doanh kiếm lời nhưng kiếm lời ở chỗ đó hơi khó - Ông Tư vẫn nhắm mắt, giọng nhẹ nhàng nhưng kiên quyết.

Ông cán bộ huyện nhấp nhổm không yên. Ông cán bộ tỉnh cũng bắt đầu xê dịch người trên ghế khiến chiếc ghế kêu cọt kẹt. Ông Tư mở mắt nhìn hai ông cán bộ, khuôn mặt gầy gò sạm nắng của ông vẫn lành lạnh.

- Nhà nước sẽ mở một con đường qua khu đất đó, sao lại khó kiếm lời, thưa thầy? - Ông cán bộ huyện sốt ruột.

- Mở đường à, làm gì có mở đường - Ông Tư lại lắc đầu.

- Quy hoạch mở đường tôi vừa phê duyệt mà - Ông cán bộ tỉnh hơi nhăn mặt.

- Khó mở đường lắm. Không mở được - Ông Tư cãi lại.

Hai ông cán bộ ra xe đi ngay. Ông cán bộ tỉnh cáu kỉnh: "Không tin ông này được". Ông cán bộ huyện: "Dạ, tôi mới nghe ở xã Hoàng Hôn có ông Năm bói Kiều giỏi hơn". Chiếc xe con chở hai ông đến nhà ông Năm ở xã Hoàng Hôn. Ông Năm thấp đậm, béo trắng, thấy xe con dừng trước cửa thì bỏ dở bữa cơm đang ăn, chạy ra vồn vã đón khách. Chủ và khách ngồi quanh chiếc bàn có tấm kiếng, bên dưới để vô số ảnh chủ nhà chụp với nhiều người.

- Hai bác đến có việc gì ạ? - Giọng ông Năm êm ái và khác với ông Tư, ông Năm yêu cầu khách nói ra mục đích tìm đến.

Ông cán bộ huyện sốt sắng:

- Anh đây trên ở tỉnh về huyện muốn mua đám đất, nhờ thầy xem có được không?

Một cuốn "Kiều" cũng sờn gáy, ông Năm hướng dẫn ông cán bộ tỉnh giở ra, chỉ đại một câu thơ rồi đọc lên. Ông cán bộ tỉnh làm theo, đọc lên câu thơ:

- Tiếc thay một đóa trà my

Con ong đã tỏ đường đi lối về.

Khác với ông Tư ở xã Bình Minh, giở ba lần nhưng khách không biết vào những đoạn nào, vì ông Tư đã thuộc cuốn sách, liếc qua là biết và gập lại ngay, còn ở đây, khách được cầm cuốn "Kiều" lên đọc hai câu vừa chỉ và có thể đọc thêm nếu thích.

- Các bác muốn mua là mua được - Ông Năm nói.

- Thưa thầy, có phải chỗ đó sẽ quy hoạch làm đường? - Ông cán bộ tỉnh hỏi.

- Làm đường à? Hình như có làm đường, nhưng chắc các bác đã biết quy hoạch rồi mới mua đất, "Kiều" đã cho đây này "Con ong đã tỏ đường đi lối về".

- Nhưng mua có tốt không? - Ông cán bộ tỉnh tủm tỉm cười hỏi.

- Tốt chớ - Ông Năm sốt sắng trả lời - Có quy hoạch mở đường là tốt chớ.

- Mở đường lớn đấy ạ - Ông cán bộ huyện xen vô.

- Mở đường lớn thì còn gì tốt bằng - Ông Năm cười xởi lởi - Mua rồi bán là tiền lời đếm mỏi tay, như mấy người mua đất khi mở đường đầu xã này, giờ ai cũng giàu.

Ông cán bộ tỉnh đưa mắt cho ông cán bộ huyện. Ông cán bộ huyện lấy ra bao thư đựng tiền "kính thầy". Ông Năm nói: "Các bác làm thế này, ngại quá" nhưng cũng nhanh nhẹn đỡ lấy bao thư đút túi áo.

- Một người bói Kiều chân chính - Vừa ngồi trên xe, ông cán bộ tỉnh nói.

- Vâng, thầy này biết tôn trọng khách - Ông cán bộ huyện đáp lại.

- Bói Kiều thế mới là bói Kiều chớ, đọc rõ câu Kiều rồi luận, ai cũng hiểu được. Thật đáng tin cậy - Ông cán bộ tỉnh gật gù.

- Vâng, nói cứ trúng răm rắp - Ông cán bộ huyện tán đồng.

Sau đó, hai ông mua thêm nhiều đất bên con đường quy hoạch. Nhiều cán bộ khác cũng mua theo. Lời đồn thổi ông Năm giỏi bói Kiều lan rộng.

Nhưng con đường mãi không mở được, vì nhiều lý do mà lý do lớn nhất là không có tiền. Những người mua đất chờ mãi chưa được đếm tiền lời mỏi tay, nhưng không tắt hy vọng. Mua đất theo quy hoạch, lại mua theo người phê duyệt quy hoạch, niềm hy vọng lớn lắm. Quy hoạch chưa thành hiện thực, niềm hy vọng có lùi xa nhưng như thế lại thêm sáng chói, bởi những người mua đất không ngừng quảng cáo cho tầm nhìn xa của họ, rằng nếu đời họ chưa mở đường thì đến đời con, cháu thế nào cũng mở. Họ quyết định có bao giờ sai, nhiều việc hệ trọng của dân của nước đã thế rồi. Rốt cuộc, họ quảng cáo rùm beng cho ông Năm, khiến người đến nhà ông Năm ngày càng đông, và ông đã phải cho vợ ngồi bàn riêng để thu tiền mới kịp. Nhà ông giàu lên nhanh chóng.

Còn ông Tư ngày càng ít khách, đến lúc hầu như không có khách nữa. Trước nay, ông vẫn sống với nghề nông, bói Kiều chỉ là niềm đam mê lúc rảnh rỗi, nhưng nó cũng là một niềm vui của cuộc đời ông. Thỏa nỗi đam mê còn giúp được người khác, có gì hạnh phúc hơn? Nên những lúc ngồi vào chiếc bàn gỗ cũ kỹ, mặt nứt nẻ, đặt cuốn "Kiều" lên và khách hàng chạm tay vào, ông như người lên đồng, phiêu diêu vào một thế giới khác, cái thế giới ông cũng không hiểu mà chỉ linh cảm, chìm đắm tâm trí vào đó và như có người bắt ông nói, ông không còn để ý đến người ngồi trước mặt, đến hiện thực xung quanh, thẳng thừng cãi lại những lời ông thấy không đúng. Ông thuộc dạng thầy bói cãi lại thân chủ, khiến người ta nể phục nhưng cũng dễ phật lòng. Khi không còn người đến nhờ bói Kiều, ông mất đi những giây phút thần diệu, mất đi niềm đam mê hạnh phúc giữa cuộc đời cơ cực, ông trở nên ít nói, buồn rầu.

Cuộc sống thì vẫn trôi đi bình thường.

Đứa con trai của ông cán bộ huyện năm nào suýt chết đuối nay đã lớn và bỏ nhà đi biệt tăm. Tìm mấy ngày không được, ông cán bộ huyện đến nhờ ông Năm ở xã Hoàng Hôn. Vẫn như nhiều năm trước, ông cán bộ huyện nói ra mục đích nhờ cậy rồi đưa tay trái giở cuốn Kiều, đọc câu thơ chỉ được:

- Thiếp như hoa đã lìa cành

Chàng như con bướm lượn vành mà chơi.

- À, con trai của ông ít lâu nữa sẽ về - Ông Năm cất giọng vui vẻ - Chàng như con bướm lượn vành mà chơi, nó không đi đâu xa, loanh quanh rồi trở về đấy.

Ông cán bộ huyện hơi lo lắng với câu "Thiếp như hoa đã lìa cành" nên hỏi:

- Thưa thầy, cháu trở về an toàn ạ?

- An toàn à? Nào, an toàn chứ. Vì bướm còn lượn vòng quanh thì có nghĩa hoa vẫn tươi đẹp, nhiều hương thơm.

Ông cán bộ huyện rối rít cảm ơn ông Năm rồi rời chỗ để người phía sau lên, bước đến bàn của vợ ông Năm gửi tiền. Gần tuần sau, con trai của ông trở về, nhưng trong vòng áp giải của Công an. Chàng trai tham gia một băng trộm cướp, bị dẫn về nhà để tìm tài sản trộm cướp cất giấu. Ông cán bộ huyện vội chạy đến nhà ông Năm ở xã Hoàng Hôn, nhờ tìm cách cứu con khỏi vòng tù tội, giở cuốn Kiều được câu:

- Tìm đâu cho thấy cố nhân

Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương.

Ông Năm cau mày, đọc xuống hai câu tiếp theo:

- Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương

Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê.

Ông Năm lúng túng hỏi ông cán bộ huyện:

- Anh muốn thế nào?

Ông cán bộ huyện giật mình:

- Dạ, thầy bảo sao ạ?

- Thôi, anh ạ, con người ta có số cả, phải chờ xem công an điều tra thế nào rồi mới tính tiếp được. Lần này tôi bói từ thiện cho anh, khỏi phải trả tiền nghe.

Ông cán bộ huyện như người thất thần, chợt nhớ đến ông Tư ở xã Bình Minh. Ông Tư đang ngồi trước hàng hiên, thoáng giật mình khi nghe tiếng chào.

- Mời anh ngồi - Ông Tư liếc nhìn khách, khuôn mặt gầy gò khắc khổ không biểu lộ cảm xúc.

Ông cán bộ huyện rón rén ngồi xuống bên cạnh ông Tư, kể lại lần đến bói Kiều chục năm trước giữa mùa lụt lớn và nhờ ông Tư mà cứu được con trai, nay con trai gặp họa lớn hơn nên lại đến nhờ ông Tư cứu. Ông Tư buông mấy tiếng khô khốc:

- Tôi nghỉ bói Kiều lâu rồi.

Ông cán bộ huyện nằn nì đủ cách, ông Tư vẫn ngồi im một chỗ, thì bật khóc nức nở. Ông khóc rống lên rất thảm thiết. Ông Tư vẫn không nói gì. Hồi lâu, đau khổ lắng xuống, ông cán bộ huyện nghẹn ngào:

- Dạ, thầy đã cứu sống cháu một lần rồi, nhờ thầy ra tay cứu cháu lần nữa ạ.

Khuôn mặt gầy khắc khổ của ông Tư vẫn bất động nhìn phía trước:

- Tôi không cứu được. Trước đây, bói Kiều tôi cũng chỉ nói việc sắp xảy ra để mà tránh hoặc chuẩn bị đón nhận khỏi bất ngờ, chớ không sửa lại được chuyện đã xảy ra.

- Vậy nhờ thầy xem giúp cho là tai họa lần này có kéo dài không ạ?

- Tôi đốt cuốn "Kiều" rồi.

- Dạ… - Ông cán bộ huyện há hốc mồm.

- Thôi, anh về đi.

Ông cán bộ huyện ngồi một lúc nữa vẫn không thấy ông Tư ngoảnh lại, liền lau khô nước mắt, lặng lẽ ra về. Tiếng máy xe nổ giòn, xa dần rồi biến mất. Không gian trở lại im lặng, một sự im lặng tận cùng. Ông Tư vẫn ngồi bất động, khuôn mặt gầy khắc khổ của ông chợt rung lên, ông đưa hai tay bưng mặt khóc nức nở

S.N.
.
.