Biển gọi

Thứ Năm, 02/03/2017, 08:00
Thụ lê đôi chân nặng trịch trên bãi cát đầy nắng giữa trưa hè. Mảnh lưới bị kéo lê đằng sau thỉnh thoảng giắt vào những viên đá căng ra đứt phăng mấy mắt. Thụ chả để ý đến mảnh lưới. Rách thì đã rách rồi, mà lành lặn phỏng có ích gì? 

Thuyền không còn lưới ích gì đâu/ Đời thủy thủ buồn như lưới rách/ Một ngày biển động bão ngang/ Cá đâu chẳng thấy gãy tan tay chèo”. Thỉnh thoảng lúc buồn Thụ hay cao giọng ngân nga nửa ngâm nửa hát. Thương dẩu mỏ nguýt rồi xông vào Thụ. Đừng có gở mồm gở miệng! Đi biển cấm được nói những lời nhạy cảm. Thụ ngồi im chịu trận rồi xoay người ôm chặt lấy thân hình nóng hổi đang áp sát phía sau.

Vợ chồng Thụ có lúc lãng mạn đáo để, đó là nói theo lời của mấy chị cũng có chồng vươn khơi. Dân thuyền chài ăn sóng nói gió, thô lỗ chả bao giờ được câu “Em ơi! Em ời” mà chỉ “mày, tao” hoặc thân mật lắm cũng lấy tên con để gọi “Mẹ cái Gái” hay “Mẹ mày”...

Chả là Thụ đã từng lên thành phố mấy năm, lăn lộn tưởng thoát được nơi biển xanh sóng xanh nên nhiễm tí chút lãng mạn. Nhưng người thành phố khôn ngoan giảo hoạt không nhường chỗ cho biển xanh sóng xanh chen vào. Vào làm thuê ở xưởng sửa chữa xe máy, ông chủ bảo thay trộm cái bugi, ốc ách đến cả máy móc để lúc cần bán được giá, Thụ không chịu.

Làm ở nhà hàng, bà chủ sai trộn các chất phụ gia để thức ăn hấp dẫn hơn, Thụ phản đối. Phụ xe khách chủ quát phải nhảy ra tranh khách, Thụ cãi trong hợp đồng không có điều khoản này. “Làm theo hợp đồng thì cạp đất mà ăn à? Mày là thằng ngu có số rồi. Biến!”.  Biến thì biến. Cóc cần!

Thế là Thụ đành quay lại cố hương. Tuy vậy, văn hóa thị thành cũng kịp len vào máu Thụ đôi chút. Lúc yêu thương dâng trào, lúc cảnh nhà thanh bình làng xóm được thưởng thức thứ văn hóa đỉnh cao giữa con người với con người. “Em yêu ơi! Lấy cho anh cái quần đùi”.

“Đi tắm không chịu mang quần là làm sao?”. “Thì vợ yêu đem quần cho anh chứ sao!”. Rồi tiếng lích rích, tiếng huỳnh huỵch trong nhà tắm. Những đứa con đấm cửa bình bịch: “Mẹ! Bố! Lấy cơm ăn không đói”. “Đói thì tự lấy mà ăn! Đấy! Gãi chỗ ấy sướng lắm! Vợ yêu của anh tuyệt quá!”.

Lại tiếng lịch kịch, tiếng huỳnh huỵch. Đố ông thuyền chài nào gọi vợ bằng những mỹ từ như thế. Ngượng. Cô Thương đanh đá cá cày chửi con như hát hay, cha chả trong nhà ngoài ngõ thế mà sướng.

Nắng hắt vào khuôn mặt sạm đen khiến mắt Thụ tối lại. Làng chài trước mặt mà anh đi mãi không tới. Anh muốn bãi cát dài vô tận để đường về nhà kéo dài thêm chút nữa. Nghĩ đến đôi mắt ám ảnh của cu Thiên và cái Mỹ, cả tiếng đay nghiến chì chiết của Thương khiến đầu óc anh thêm ong ong.

Mấy lần Thụ định bỏ mảnh lưới lại trên bãi cát. Người đi biển nâng niu, trân trọng tấm lưới biết nhường nào. Những buổi chiều tàu về bến, người bốc cá cứ bốc, ai đem lưới ra phơi phóng, vá víu cứ thế mà làm. Những tấm lưới tanh mùi cá dăng đầy trên tàu, dưới bãi nhún nhảy trong ánh hoàng hôn khiến cả vùng vạn chài huyền ảo như trong cổ tích. Trẻ con tha hồ chạy nhảy chui từ tàu nọ sang tàu kia đuổi bắt nhau. Tiếng cười trong trẻo cùng tiếng quát tháo chửi bậy hòa tiếng sóng biển. 

- Đi đâu về mà thất thểu như người mất hồn thế thằng em?

Thụ giật mình khi có tiếng gọi ngay trước mặt. Hùng râu như đội đất chui lên. Bộ râu quai nón được tỉa tót ôm gọn khuôn mặt dày dạn sương gió.

- Đi đâu về thế? Không nghe anh mày hỏi gì à?

Thụ dừng lại kéo mảnh lưới lại gần:

- Đắm mẹ nó thuyền rồi! Không biết lấy gì sống đây?

Hùng râu cười ha ha đập mạnh vào vai Thụ. Nếu là người không quen sóng gió chắc phải sụn lưng xuống:

- Câu này anh nghe quen quen. Ông trời không triệt đường sống của ai. Yên tâm đi!

- Em chẳng thiết bám biển nữa. Chắc vài hôm nữa lại “phắn” anh ạ.

- Cuộc đời dạy cho mày bài học rồi mà không thuộc à? Mình mọc lên ở đâu thì cắm rễ ở đó mới sống được. Anh mày đây này! Có lúc tiền đè chết người, nhà cửa, em út vây kín mà có lúc tuyệt vọng muốn nhảy lầu. Anh nghĩ về xó này chỉ để lay lắt qua ngày. Thế mà mày thấy đấy! Trời biển bao la thế này còn nghĩ “phắn”, ngu!

- Anh khác, em khác. Em không có duyên có tài như anh.

Hùng râu cười lớn. Hàm răng sáng lấp lóa nhưng ánh mắt sắc lạnh:

- Giờ là lúc anh em mình phải hợp tác lại, giúp nhau cùng tiến. Là chỗ đã xông pha với đời, không để thiên hạ khinh được. Có nhiều vụ hay lắm.

Thụ nhìn Hùng nghi ngờ:

- Nhưng em không đâm thuê chém mướn đâu. Em không thuộc tạng người thích máu.

Hùng lại đấm thật mạnh vào vai Thụ:

- Đã bảo yên tâm mà! Cứ về nhà tối nay đi! Thưởng thức hết những gì con Thương nó dành cho chú em đi! Lênh đênh trên biển không biết vợ nó cần gì ngoài tiền à? Vợ đẹp phải biết giữ. Nhớ chưa? Về đi! Mai anh sang bàn việc. Vứt mẹ nó mảnh lưới rách này đi. Hay để anh hóa kiếp cho.

Minh họa: Đào Quốc Huy.

Thụ còn chưa kịp hiểu hết những lời Hùng râu thao thao đã thấy tấm lưới của mình cháy ngùn ngụt. Cuộn khói bốc lên mùi ngai ngái tanh nồng. Thụ nhảy lên mảnh lưới đang cháy dở:

- Anh làm sao thế? Anh có điên không đấy?

Hùng kéo Thụ:

- Đừng tiếc nữa! Cầm lấy đem về đưa cho Thương. Lũ trẻ đang chờ chú mày.

Tay cầm tập tiền mà vẫn chưa hiểu chuyện gì, Thụ nói với theo Hùng:

- Nhớ là em không giết người đâu.

Hùng nghênh ngang đi trong chiều gió lộng. Mái tóc bồng lên, chiếc áo bò vắt trên vai bị ném lên trời cao bay phấp phới rồi lại bị Hùng túm lấy. Thụ tần ngần quay bước.

Thương đang lúi húi phía góc sân, bàn tay chụm vào xòe ra đùa giỡn với mấy con gà mới nở vàng óng. Thấy Thụ lách người qua cánh cổng, Thương vứt nốt ít thức ăn vào máng, đứng lên hớn hở:

- Thiên ơi! Mỹ ơi! Bố về này! Ra đây mẹ bảo.

Hai đứa trẻ chạy ào ra. Thằng Thiên nhảy phóc lên lưng khiến Thụ chúi về phía trước. Thương rút tờ tiền đưa cho Mỹ:

- Tiền đây hai đứa ra quán cô Hoa ăn chè hay kem thì tùy, rồi ra chợ mua cho mẹ mớ rau muống. Nhớ bảo họ nhặt sạch mới về nhá. Hôm nay mẹ bận.

Hai đứa ríu ran chạy ra ngoài. Thương cầm tập tiền bật qua bật lại:

- Hôm nay trúng mánh hay sao mà dằm thế?

- Mánh lới gì đâu! Có tiền thì cứ cầm lấy mà tiêu.

- Nhưng sao tôi thấy ông cứ thiu thiu thế nào ấy!

Thụ né Thương vào trong nhà. Thương vào theo:

- Này! Có chuyện gì đấy? Không làm tí à? Hai đứa còn lâu mới về.

Thương nắm tay Thụ kéo vào ngực mình. Bàn tay Thụ nhẹ nhàng di chuyển trong tay Thương. Cả người Thương bừng lên chờ đợi.

- Thích không? Nỡm ạ!

Nếu không vì chuyện con tàu thì Thụ đã vật Thương ra cho đã đời rồi làm một giấc quên chết, còn lần này thì không. Tay Thụ nhão ra, không cảm nhận được bầu ngực ấm nóng đang chờ đợi. Mắt Thương đang lim dim bỗng lóe lên:

- Sao thế? Hay con nào nó rút hết rồi? Đứa nào? Ở đâu?

Thương đứng phắt dậy sửa lại quần áo, đưa tay vơ tóc búi tận lên đỉnh đầu:

- Ông no xôi chán chè rồi hả? Ông khinh con mẹ sề ru rú góc nhà rồi hả? Tôi bắt quả tang ông đừng trách. Tôi cắt.

Thương nhanh tay chộp xuống dưới khiến Thụ né không kịp:

- Đừng bóp! Đau!

- Nhưng làm sao? Sao lại thế này?

- Bỏ ra tôi mới nói được.

- Nhưng có đúng thế không?

Mắt Thương vẫn long lên, hai tay chắp vào mạng sườn:

- Nói đi!

Mắt Thụ nhìn xuống:

- Chìm tàu rồi!

Hai tay Thương cứng đơ như bị đóng băng. Đôi mắt to tròn cùng cái miệng há ra. Hồi lâu cô ngồi bệt xuống nền nhà, hai chân di qua di lại:

- Làm sao bây giờ? Lấy gì mà sống bây giờ? Giời ơi! Nợ chưa trả hết mà tàu đã chìm rồi. Sao giờ ông mới nói?

- Thì cũng muốn đánh được cá ngon, cá to nên ra khơi xa. Mà thằng Bổng với thằng Hào cũng hiếu chiến lắm, cứ bảo không sợ.

Thương vào giường nằm quay mặt vào tường thút thít. Thụ mon men ngồi cạnh:

- Có phải tại tôi đâu mà dỗi. Đành tìm cách khác thôi.

- Cách nào? Còn một đống nợ kia kìa. Giời ơi! Mấy hôm nữa là họ đến xiết nhà rồi!

- Anh Hùng bảo giời không triệt đường sống của ai mà. Yên tâm đi.

Thương khóc càng to hơn:

- Ông Hùng biết đánh nhau, biết đâm thuê chém mướn. Ông có gan đó không?

Hùng râu lại như đội đất chui lên đứng ngay trước cửa:

- Con Thương nói hay nhỉ? Ai bảo thằng Thụ đâm thuê chém mướn? Ai bảo thằng Thụ đi đánh nhau? Hả?

Thương nín bặt nép sát vào Thụ. Hùng giơ tay:

- Hai em ngồi xuống anh bảo. Biết chúng mày thế nào cũng cắn xé nhau nên tao phải đến. Nghe lời tao thì có cái ăn, thậm chí thu bộn tiền.

Thụ rụt rè:

- Nhưng em sợ lắm. Nhà em hai đứa còn nhỏ quá! Nhỡ bố mẹ làm sao…

Hùng râu trợn mắt:

- Thằng Hùng này khác với Hùng râu của chục năm về trước rồi. Giờ là thời đại dùng mưu chứ không dùng vũ lực. Nghe chưa?

Thụ ngồi xuống chiếc ghế nhựa, hai khuỷu tay chống lên hai đầu gối:

- Thôi cụ thể thế nào anh nói cho em nghe đi!

Hùng kéo sát ghế vào chỗ hai vợ chồng:

- Anh mày đã giúp được ối người rồi, lẽ nào anh không giúp vợ chồng chú. Này nhé!

Ba người chụm đầu vào nhau. Hùng râu thì thầm, bên ngoài chỉ nghe thấy “Nhớ chưa?” thỉnh thoảng được xướng lên. Hai vợ chồng gật gật.

- Thế nhá! Toàn chuyện hợp pháp, đúng không? Anh về đây! Mai họ đến cứ lời anh dặn mà làm.

Không khí yên lặng bao trùm. Hai vợ chồng mỗi người một góc. Thương lúi húi dọn đống quần áo vứt bừa bãi trên giường, Thụ quay ra bàn cầm cái điếu cày rít hết điếu này đến điếu khác.

Hai chị em con Mỹ cầm túi rau đi vào. Thằng Thiên léo nhéo theo sau:

- Chị ăn hết của em rồi! Em về mách mẹ.

Con Mỹ quăng túi rau vào em:

- Có răng mày như răng chuột thì có. Cắn hết cả cái kem của tao còn nói gì.

- Chị ấy! Chị giành ăn của em… Em mách mẹ.

- Mách đi! Bố đang ở nhà đấy. Không sợ!

Cu Thiên xông vào giật túi quất lại chị. Con Mỹ vơ lấy em lôi vào nhà, Thiên dùng dằng hai chân lê lê theo chị. Thương hét lạc cả giọng át tiếng chí chóe:

- Câm ngay! Mai ra biển lấy cát mà ăn. Muốn ăn bao nhiêu thì ăn. Nhá!

Hai đứa trẻ nín bặt. Mớ rau trên tay con Mỹ tụt xuống. Từ trong nhà Thương cầm cây gậy tre xông ra:

- Chúng mày lại chọc tao rồi hả? Đã bảo không tranh giành nhau nữa mà.

Cùng với tiếng la hét là tiếng vụt tới tấp. Lập tức bọn trẻ khóc nức lên. Chúng né cái vụt của mẹ, vừa khóc vừa xoa người:

- Mẹ đừng đánh nữa! Đau quá! Bố ơi! Mẹ ơi!

- Này thì mẹ này! Này thì bố này!...

Thụ như bừng tỉnh. Từ trong nhà anh lao ra như tên bắn ôm chặt lấy hai con. Cơn điên của Thương vẫn tiếp diễn, cây roi vẫn vụt liên hồi. Lần này là Thụ chịu trận. Anh hét lên:

- Đánh nữa đi! Đánh cho ba bố con chết đi! Chết luôn cho xong.

Ánh nắng đỏ lựng khiến mặt Thương bừng đỏ, đôi mắt vằn những tia máu. Chợt tay Thương thõng ra, chiếc roi tre rơi một tiếng khô khốc. Thương ngồi bệt xuống nền xi măng, mồ hôi túa ra như tắm, tóc xù ra xõa xượi. Thương tru tréo:

- Sao tôi khổ thế này giời ơi? Tôi có ăn ở bạc ác đâu mà ông giời hại tôi. Giờ tôi biết làm sao đây giời ơi là giời?

Thụ buông con quay qua vợ. Hai đứa trẻ cũng nhào vào ôm mẹ. Nước mắt Thụ trào ra để mặc ba mẹ con gào thét. Bà Hồng thọt khấp khiểng la lớn ngoài ngõ:

- Chúng mày làm sao mà khóc inh ỏi cả làng xóm lên thế? Người ta đang chạy đến kia kìa. Làm sao?

Bà Hồng vào đến nơi thì ngõ nhà Thụ đã đầy người. Bà Hồng cúi xuống gỡ ba mẹ con ra:

- Dậy! Cả nhà còn đây mà tao ngỡ có ai bị làm sao? Thằng Thụ để mẹ con thế này à? Có gì đóng cửa bảo nhau chứ.

Mỗi người một câu hỏi han an ủi. Hai vợ chồng như hai cái bóng đứng chôn chân chẳng nói được câu nào. Hùng râu ở đâu lại hiện ra:

- Vợ chồng nhà này buồn cười nhỉ? Chắc hai đứa làm bố mẹ chúng mày bực chứ gì? Thôi bà con giải tán giúp. Vợ chồng đang yêu nhau thì bị làm phiền đấy mà.

Hùng nhăn nhở làm mấy bà nạ dòng ré lên. Họ xúm vào đấm Hùng:

- Của nợ này! Vẽ đường cho hươu chạy! Này thì giải tán này!

Đám người làu bàu rồi tỏa ra. Hùng lấy ghế xích lại phía Thụ:

- Ngồi xuống anh bảo. Vợ chồng sao lại to tiếng thế? Không biết anh thèm cảnh nhà mày lắm không?

Hùng ôm mặt, hai tay khẽ rung rung. Thương nhìn Thụ rồi lẳng lặng vào bếp.

Hôm sau đoàn cán bộ ngân hàng chính sách kéo đến. Nhà Thụ lại chật kín người. Họ đến để thẩm định việc tàu cá bị chìm ngoài biển. Vợ chồng Thụ ngồi nghe Hùng trình bày việc con tàu đang đánh cá ngoài khơi thì bị chìm như thế nào, rằng bọn cướp biển xông vào trói anh em rồi cướp hết tài sản. Chúng còn hăm dọa nếu phát tín hiệu cấp cứu sẽ bị buộc vào đá dìm tất cả xuống đáy. Bọn cướp biển rất manh động, ai có ý định chống đối lập tức ăn vài cú song phi vật mình xuống sàn tàu bất động. Chúng còn dọa không được đến vùng biển này đánh cá nữa, nếu ngoan cố chúng sẽ không tha. Lần này tàu chìm nhưng lần sau cả người chìm theo luôn.

Mới có mấy ngày ở nhà, Thụ đã nhão cả người. Chiều về anh ra bến cá nhìn từng chiếc tàu cập bến. Tiếng quát tháo của mấy bà buôn đanh đá làm anh thấy nao cả người. Đêm tiếng sóng vỗ khiến anh trằn trọc. Đã mấy lần anh định khăn gói lên thành phố kiếm việc nhưng Thương giữ lại.

Thụ thèm cảm giác bồng bềnh trên tàu những hôm biển lặng và cũng nhớ quay quắt từng đợt sóng dữ tấp vào người những hôm biển động. Anh Hùng râu nói đúng, mình mọc ra ở đâu thì đứng lên ở đó. Nhưng mình không kiếm tiền theo cách của anh ta. Của cải từ biển nhiều vô kể, chỉ cần mình biết yêu nó.

Hùng râu và Thụ ngồi trong quán coffe nhìn ngay ra biển. Đây là nơi giải trí đông vui và sang trọng nhất khắp mấy xã ven biển này. Ngoài kia biển xanh sóng vỗ ì oạp. Từng đợt sóng trắng liếm nhẹ vào bờ cát rồi lại nhoài ra xa. Cát trắng phẳng lì nhẫn nại như muôn đời vẫn thế. Vài con còng gió chạy loăng quăng, thỉnh thoảng giơ mấy cái chân lên như ngắm nghía. Hùng râu nhấp ngụm coffe rồi khoan khoái đặt ly đúng vào cái đĩa sứ màu men ngọc. Bộ râu được tỉa tót công phu, đường viền sắc nét như vẽ khoe vẻ nam tính vốn có.

- Uống đi chú! Anh em mình thành công ngoài sự tưởng tượng. Đang có chính sách ưu đãi nên cô chú quá hên. Nợ nần đã trang trải hết, phần còn lại chú định thế nào.

Thụ xoay ly coffe, nhìn mãi lớp bọt trắng lồng phồng phía trên:

- Nếu không có anh chắc em đành để con tàu chìm mãi dưới đáy biển sâu. Đây là số tiền anh em mình thỏa thuận. Vợ chồng em cảm ơn anh.

Hùng cầm tập tiền đút thỏm vào chiếc túi bò, miệng thao thao:

- Việc của anh là giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn nhưng không biết đường đi nước bước. Anh bàn với chú một việc, nhưng chú có thích kiếm tiền không? Kiếm nhiều là đằng khác.

- Vẫn không phải đánh nhau, không phải đâm thuê chém mướn đúng không anh?

Hùng nhoài người đấm mạnh vào vai Thụ một cái đau nhói.

- Mày vẫn chưa tin anh à? Anh nói cho mà biết.

Hùng vít đầu Thụ xuống:

- Tàu của chú đắm do đánh bắt xa bờ. Tàu mình bé, tàu nó to, chỉ cần nó dập dình mình cũng chìm. Giờ chú mua tàu đi tiếp, đắm lại có tiền.

- Nhưng ai người ta tin. Anh giỏi vẽ chứ em chịu.

- Thằng này bôn ba nhiều mà thật thà quá. Giờ mình mua tàu cũ thôi, chỉ cần ra ngoài khơi rồi chìm là có tiền. Tức là mình làm sao để tàu của mình chìm ấy. Không cần đánh nhau, không cần bão gió. Chỉ cần tàu chìm là được. Ông Kiên, ông Thỉnh ở xóm Bắc anh chỉ dẫn cho kiếm bộn tiền. Chú cứ làm đi, mọi chuyện anh lo.

Đầu Thụ ong ong như tiếng gió rít ngày biển động. Đã từng đối mặt với cái chết giữa biển khơi, bão gầm gió rít từng đe dọa nhưng Thụ cũng không thấy khó chịu như lúc này. Mặc dù giàu có nhưng ông Kiên ông Thỉnh ai cũng biết là người gian dối, chẳng lẽ mình cũng thế…

Ly coffe đặc khẹt Thụ sợ nếu uống vào cổ họng sẽ bị lấp chặt không thở được. Anh đứng dậy đẩy chiếc ly đổ nghiêng xuống. Chiếc khăn trải bàn trắng tinh bỗng đổi màu loang lổ. Thụ nhìn Hùng quả quyết:

- Anh Hùng ạ! Tiền thì ai cũng cần nhưng em không làm thế được. Thuyền của em bị đắm, anh giúp em giải quyết chuyện tiền nong, em cảm ơn anh. Nhưng em không thể gian dối thế được. Em vẫn đi đánh cá, nhưng đi một cách hiên ngang chứ không đi bằng sự giả dối. Em không thể bỏ biển. Biển sẽ không nhấn chìm em lần nữa.

Hùng râu gõ mười đầu ngón tay xuống bàn, mặt bành ra xám lại. Ngoài kia nắng chan hòa làm cát vàng óng lên như được trộn với mật. Mắt mũi Hùng bỗng tối sầm bởi một cơn gió xoáy quay quay chạy lòng vòng từ biển cuốn theo cát tới tấp hắt vào.  

Khi Hùng định thần lại thì Thụ đã đi từ lúc nào.

Ngày con tàu mới tinh làm lễ ra khơi, bốn người nhà Thụ xếp hàng ngang trước mâm lễ vật đầy ắp. Thương chắp tay thành kính cầu mong thần linh phù hộ trời yên biển lặng tàu đầy cá tôm. Hai đứa nhỏ thỉnh thoảng liếc nhìn nhau tủm tỉm. 

Truyện ngắn của Dương Thị Nhụn
.
.