Bí quyết phát tài

Thứ Năm, 23/08/2018, 07:48
Lý Đại Phát sau khi tốt nghiệp sơ trung quyết định bỏ quê đi xa, tìm con đường làm giàu.

Cậu ta lên thành phố tìm cơ hội, mãi chẳng thấy vận may đâu. Tối hôm đó, đang nằm trên giường nhà trọ thở dài, chợt nghe tiếng cười nói ồn ào ở phòng bên, hình như có ai đó đang biểu diễn “Công năng đặc dị” thì phải, Đại Phát vội vùng dậy chạy sang xem.

Cậu ta đứng ở cửa nhìn vào chỉ thấy một thanh niên khoảng trên ba mươi tuổi, ngồi xếp bằng trên giường, nói: “A Khôn này, cậu hãy viết những gì tùy thích vào một mảnh giấy, ngón tay của tớ sẽ đọc được cho mà xem! Cậu không tin thì thử đi!”.

A Khôn cực kỳ thích thú liền lấy mảnh giấy trắng viết vào đó mấy chữ, vo tròn lại rồi đưa cho anh kia:

- A Khuê này, nếu tay anh đọc được những chữ này, tôi xin cúi đầu bái phục!

A Khuê dùng hai ngón tay nhón lấy viên giấy đã được vo tròn, vê vê ra chiều suy nghĩ, nom thần thái rất chi là bí hiểm! Sau đó, anh ta đặt viên giấy xuống chiếu, cầm quyển sách lật mấy trang, lại nhón viên giấy lên, khe khẽ nói: “Cung hỉ phát tài” rồi mở viên giấy ra, quả nhiên đúng bốn chữ ấy!

Minh họa: Lê Tâm.

A Khôn gật đầu thán phục:

- A Khuê này, anh có công năng đặc dị như vậy, sao các nhà khoa học chưa đến tìm anh?

- Công năng này đâu phải là thiên bẩm, mình phải học đấy chứ!

Người nói vô tình, người nghe hữu ý, nghe A Khuê bảo thứ công năng này có thể học được, Lý Đại Phát nghĩ ngay đến việc dùng nó để làm giàu, bèn lân la làm quen. Cậu ta mời A Khuê hút thuốc:

- Sư phụ ơi, em cũng viết mấy chữ, xin sư phụ đọc cho được không ạ?

Trò biểu diễn đang hồi hào hứng nên A Khuê đồng ý ngay:

- Được chứ! Được chứ!

Lý Đại Phát viết mấy chữ vào mảnh giấy trắng, vo tròn lại đưa cho A Khuê.

A Khuê làm các thao tác như lúc nãy rồi bảo:

- Không có chữ, chỉ có hình vẽ ba con cá.

Ôi, công năng đặc dị của A Khuê thật tài tình khiến Đại Phát phục sát đất! Cậu ta mời tiếp A Khuê điếu thuốc và nói:

- Sư phụ! Xin sư phụ truyền nghề cho em được không ạ?

A Khuê làm ra vẻ suy nghĩ, nét mặt cười cười:

- Được thôi. Cậu muốn học phải theo ta ba tháng. Suy nghĩ kỹ đi, về sau đừng có hối đấy!

Lý Đại Phát như mở cờ trong bụng! Ba tháng chứ ba năm cũng theo!

Để chắc ăn, A Khuê nhờ A Khôn làm chứng, hai người thảo một bản hợp đồng cùng ký chú hẳn hoi.

A Khuê là tài xế xe tải chuyên buôn bán lợn giống ở Chiết Giang và Phúc Kiến. Gần đây người phụ xe bị ốm đi viện, vừa may có Lý Đại Phát thay chân!

Lý Đại Phát vừa chăm đàn lợn giống vừa quyết tâm học bằng được “Công năng đặc dị” nên cậu ta vô cùng tích cực, mọi chuyện đều răm rắp nghe theo sự sai bảo của A Khuê.

Một tháng rồi hai tháng trôi qua, A Khuê chẳng hề dạy “công năng” gì cả. Đại Phát sốt ruột lắm song lại nghĩ, người ta có bản lĩnh lớn lao như vậy sao có thể tùy tiện truyền thụ được? Mình phải hết lòng với sư phụ mới được! Nghĩ thế, cậu ta càng cúc cung tận tụy rửa xe, chăm lợn suốt ngày!

Tháng thứ ba đã hết. Hôm ấy A Khuê gọi Lý Đại Phát đến, bảo: “Đã đến lúc ta dạy cho cậu Công năng đặc dị đây”. Lý Đại Phát vội sụp xuống lạy tạ, A Khuê khoát tay:  “Miễn lễ, miễn lễ! Bây giờ cậu phải nhìn thật kỹ các thao tác của ta”. Nghe lời, Lý Đại Phát tập trung tinh lực quan sát những yếu lĩnh cơ bản của “công năng” đọc chữ bằng tay!

Chỉ thấy A Khuê lấy hai mảnh giấy trắng giống nhau, một mảnh vo tròn kẹp trong lòng bàn tay trái, mảnh kia đưa cho Đại Phát viết chữ vào, vo lại, đặt vào lòng bàn tay phải, nhập hai bàn tay lại với nhau, tráo hai viên giấy, giữ viên có chữ trong lòng bàn tay trái; sau đó cầm một quyển sách lên lật vài trang, che mắt Lý Đại Phát, mở viên giấy có chữ ra xem! Toàn bộ qui trình cái gọi là “Công năng đọc chữ bằng tay” đến đây là kết thúc!

Lý Đại Phát quá bất ngờ, nói:

- Cái này … cái này là trò lừa chứ đâu phải là “công năng đặc dị”?

A Khuê cười:

- Dù là trò lừa hay “công năng đặc dị” thì cũng thế thôi, chỉ cần cậu có thể biểu diễn trước công chúng là được chứ gì?

- Tôi…Tôi cần…- Lý Đại Phát chợt nín bặt, bụng nghĩ "Ngu! Ngu quá! Tự dưng đi làm không công cho người ta ba tháng! Thật ngu hết chỗ nói!".
Truyện vui của Kim Thiên Lân (Trung Quốc)- Trà Ly (dịch)
.
.