Bí mật trên tường gạch men

Thứ Năm, 28/07/2016, 18:57
Buổi sáng đầu giờ làm việc, Văn phòng Đại đội Cảnh sát hình sự thành phố nhận được báo án của Đồn công an Triều Dương, nói rằng một ông giáo sư già ở tiểu khu Hinh Uyển bị giết tại nhà. Đại đội trưởng Trần Lân vội vàng cùng trợ lý Vương và lái xe Trương nhanh chóng đến hiện trường.

Từ việc phân tích hiện trường, nghi tội phạm là người quen, bởi vì thân thể giáo sư không có vết thương, hiện trường không có dấu hiệu vật lộn, Trần Lân vừa báo pháp y đến khám nghiệm tử thi, vừa tìm manh mối trong nhà. Kẻ giết người có kinh nghiệm, hiện trường không để lại manh mối nào, ngay cả mặt đất cũng được lau sạch từ trong ra ngoài.

Trần Lân châm một điếu thuốc, nhìn quanh căn phòng nhỏ kiểu cũ. Đột nhiên, anh phát hiện các bức tường đều lát gạch men trắng. Ngay lập tức, anh bảo trợ lý Vương mời người hàng xóm là thầy giáo Tôn sang. Thầy Tôn nói rằng, bà vợ ông giáo sư già mất sớm, ông sống một mình, gạch men này là con gái của thầy Tôn đã cho ông để sửa nhà cho hợp vệ sinh. Sau đó, thầy Tôn dẫn Trần Lân đi vào phòng vệ sinh khiến anh sững sờ. Trần Lân hỏi xem cái gì thì thầy Tôn nói: "Quái lạ thật! Những chữ trên gạch men đâu mất rồi!?"

Nghe thầy Tôn nói vậy, mọi người mới hiểu. Vốn là, ông giáo sư già có bệnh hay quên, ngồi thì nhớ, đứng lên là quên liền. Vì vậy, giáo sư mới dùng một cây bút màu để viết trên tường gạch men phòng vệ sinh. Lâu lâu, phòng vệ sinh như kính vạn hoa. Ngay cả chuyện tiền nong của giáo sư liên quan đến người khác cũng ghi ở đây, những người vay tiền của giáo sư cũng ký tên mình lên đây. Nhưng các chữ viết ấy lại biến mất một cách bí ẩn, không thể không làm mọi người nghi ngờ.

Trần Lân cảm ơn thầy Tôn, một mình ngồi trong phòng vệ sinh, nhìn đi nhìn lại, xem có còn sót chữ nào hay không. Với nhiều năm kinh nghiệm, chữ trên tường gạch men nhất định là do hung thủ xóa đi, nhất định hung thủ đã từng ký tên mình trên tường gạch men này.

Minh họa: Phạm Minh Hải.

Trần Lân lập tức gọi điện cho Giám đốc Sở, đề nghị cử một cán bộ rành về hóa học đến trợ giúp phá án. Một giờ sau, Tống Hải Tuyền đến hiện trường. Tống Hải Tuyền là thạc sĩ duy nhất trong Sở, rất giỏi về thực nghiệm hóa học. Trần Lân nói suy nghĩ của mình cho Tống Hải Tuyền nghe. Tống Hải Tuyền nói: "Tôi sẽ cố gắng". Sau đó anh ta đi ra ngoài mua hóa chất thử nghiệm.

Sau khoảng hai tiếng đồng hồ, Tống Hải Tuyền mang theo túi lớn, túi nhỏ về hiện trường. Mọi người nhìn thấy không chỉ có các chất hóa học, mà còn có một bình xịt nhỏ và một đèn hàn. Tống Hải Tuyền tìm một chậu rửa mặt, lấy một ít chất hóa học gì đó cho vào bát, sau đó khuấy đều, đổ vào bình phun, rồi phun đều trên mặt tường gạch men, và dùng đèn hàn để làm khô cho nhanh. Sau đó, một phép lạ đã xảy ra, trên tường gạch men xuất hiện những chữ viết tay màu xanh lá cây hơi mờ mờ. Trần Lân vui mừng khôn xiết, vội ra lệnh cho trợ lý Vương dùng máy ảnh chụp lại.

Về đến Sở, Trần Lân cho ảnh vào máy tính, phóng to ra để nghiên cứu. Những chữ này dù có hơi mờ, nhưng nhìn kỹ vẫn thấy rõ. Trên đó có ghi về tiền điện, tiền nước, rồi ngày giỗ người vợ quá cố của giáo sư. Đột nhiên, có một "Giấy vay nợ" đã làm Trần Lân chú ý. Giấy vay nợ này ghi trọn bốn viên gạch men. Phía trên là nét chữ của giáo sư, nói rằng ông cho người em vợ vay 300 ngàn nhân dân tệ để buôn bán, phía dưới có chữ ký của một người. Sau khi xác định cẩn thận, người đó tên là Âu Dương Bình.

Trần Lân lập tức phái trợ lý Vương điều tra tư liệu về Âu Dương Bình. Một giờ sau, tư liệu này đã đặt trên bàn của Trần Lân. Trần Lân đọc qua, sau đó gọi điện thoại cho Giám đốc Sở, yêu cầu lập tức cho gọi Âu Dương Bình .

Người đi gọi quay về rất nhanh và nói rằng, Âu Dương Bình cùng Đoàn Khảo sát kinh tế thành phố đang ở Hải Nam, ngày mai mới về.

Trần Lân lập tức gọi điện thoại cho Đoàn trưởng Đoàn Khảo sát kinh tế ở Hải Nam, nhưng được trả lời rằng, Âu Dương Bình không được bỏ nhiệm vụ, và Âu Dương Bình không ở địa phương trong thời gian gây án.

- Anh ta có thể thuê hung thủ giết người thì sao!- Trợ lý Vương nói - vừa giết người, vừa tạo ra chứng cứ ngoại phạm, đó là mánh khóe phạm tội của chúng.

Trần Lân không trả lời, chỉ đứng ngây người ra.

Ngày hôm sau, đoàn Khảo sát trở về, Âu Dương Bình vừa xuống tàu hỏa đã bị "mời" về Đội Cảnh sát hình sự. Khi anh ta nghe nói giáo sư đã bị sát hại, liền bật khóc. Âu Dương Bình nói:

- Mấy ngày trước, tôi đến trả tiền cho anh rể tôi, lúc đó ông vẫn còn khỏe mạnh, làm sao lại ra nông nỗi này?

 Sau đó, Âu Dương Bình lấy từ túi ra một mảnh giấy, nói rằng giáo sư đã viết cho anh ta một biên nhận. Trần Lân cầm lấy nó, đọc và thấy nói rằng: Hôm nay đã nhận đủ 300 ngàn nhân dân tệ của người em vợ. Phía dưới ký tên của giáo sư. Trần Lân đối chiếu nét chữ trên tờ giấy và dấu vết nét chữ của giáo sư trên ảnh trong máy tính một lượt, rồi bỏ vào túi áo.

Lúc này, báo cáo khám nghiệm tử thi cũng có kết quả, từ thức ăn trong dạ dày của giáo sư được kiểm nghiệm thấy có một lượng asen đủ để làm chết người.

Giáo sư bị giết đã rõ ràng, nhưng Âu Dương Bình lại không có động cơ giết người và thời gian ngoại phạm. Vậy thì kẻ giết người là ai đây? Chẳng lẽ những chữ trên tường chỉ là hung thủ tiện tay xóa đi, không có giá trị gì? Trần Lân nhìn lại các hình ảnh trên màn hình máy tính một lúc. Đột nhiên, tận dưới cùng có ba chữ làm ông chú ý. Đọc thật cẩn thận thì ba chữ đó là "Giúp người bận". Điều này có nghĩa là gì? Trần Lân đứng dậy, miệng nhắc đi nhắc lại mấy lần, đột nhiên mắt sáng lên và nói với trợ lý Vương:

- Lập tức điều tra xem có Văn phòng sự vụ gia chánh "Giúp người bận" hay không?

 Trợ lý Vương đi rồi rất nhanh mang tin tức về. Trên đường Hoa Khang cách tiểu khu Hinh Uyển không xa lắm, có một Văn phòng sự vụ gia chánh gọi là "Giúp người bận". Họ ngay lập tức đã đi đến văn phòng này. Nhờ có sự hỗ trợ của nhân viên, kiểm tra thấy mấy ngày trước, ông giáo sư già đã tìm một bảo mẫu tên là Đường Tiểu Vũ, nhưng cô này chỉ làm có một ngày, thấy ông giáo sư già quá nhiều phiền phức nên không làm nữa. Hiện giờ, cô này đang làm bảo mẫu tại tiểu khu Thiên Di ở ngoại thành.

Trần Lân lập tức hỏi địa chỉ của Đường Tiểu Vũ, đi ôtô đến Thiên Di, dễ dàng tìm thấy Đường Tiểu Vũ đang làm bảo mẫu ở đây. Cô ta nói rằng, những chữ trên gạch men là giáo sư bảo mình xóa đi, vì ông ấy không muốn nhìn thấy vợ mình nữa, và những chữ này đã vô dụng. Nhưng cô vừa mới lau xong, ông giáo sư già lại trách tại sao cô ấy lại xóa chữ đi. Cô ta giận dỗi liền bỏ việc ở đây. Bây giờ, nghe nói giáo sư đã bị người hại chết, cô ta rất sợ hãi, nói:

- May mắn thay, tôi bỏ đi sớm, nếu không thì tôi có thể đã bị bọn tội phạm giết chết rồi.

Ngay lúc đó, nghe thấy tiếng cửa mở, một người đàn ông đến bên Đường Tiểu Vũ và nói:

- Cưng ơi, anh về rồi đây!- Nhưng anh ta ngẩng đầu nhìn lên, sững sờ. Trần Lân cũng bị sốc, người vừa đến chính là Âu Dương Bình. Đường Tiểu Vũ đớ người ra như con tò he nặn bằng đất sét.

Trần Lân một thoáng bị sốc, liền nhanh chóng đi tới, lấy còng số 8 còng ngay cổ tay Âu Dương Bình lại. Âu Dương Bình hét toáng lên:

- Hãy thả tôi ra, các ông làm sao lại bắt tôi.

- Anh muốn nghe phải không? Được thôi! Để tôi nói anh nghe. Thực ra, từ lúc anh đưa tờ biên nhận, trực giác đã nhắc tôi là giả. Anh nghĩ xem, ai lại mang giấy giả bên mình chứ? Nhưng sau đó kiểm chứng lại, chính xác tờ biên nhận đó là giả. Sau đó chúng tôi đi điều tra ở ngân hàng, phát hiện trong ngày giáo sư bị hại, tiền trong tài khoản đã bị rút hết. Hôm nay sau khi đối chiếu, ngày rút tiền là ngày Đường Tiểu Vũ đến làm bảo mẫu. Nhưng chỉ làm bảo mẫu có một ngày, chủ nhân sẽ không nói mật khẩu tài khoản của mình cho cô ta.

Khi điều tra, chúng tôi còn phát hiện giáo sư có ít người thân. Điều đó dễ dàng khiến tôi nghĩ đến anh. Chủ yếu là tìm ra mối quan hệ giữa anh và Đường Tiểu Vũ là thế nào. Khi cô ấy nói là giáo sư bảo cô ta lau những chữ trên tường gạch men, tôi có một chút hoài nghi. Bởi vì người hàng xóm nói giáo sư đã duy trì thói quen này trong mấy năm rồi, không thể nói xóa là xóa ngay được. Nhưng tôi không tưởng tượng rằng, anh và Đường Tiểu Vũ lại có mối quan hệ này. Bởi vì anh đi vào và xưng hô quá thân mật với Đường Tiểu Vũ, đã cho chúng tôi biết sự thật. Kết quả như vậy, một cảnh sát kém cỏi nhất cũng nghĩ câu chuyện như thế nào. Anh tưởng rằng cứ xóa hết chữ trên trường thì vạn sự tốt đẹp ư? Thật không ngờ, chúng tôi có thể khôi phục nguyên trạng các chữ đã bị xóa đi.

 Trần Lân lấy ra một bức ảnh, Âu Dương Bình liếc nhìn, mồ hôi vã ra. Trần Lân tiếp tục nói:

- Nếu anh không lau chữ trên gạch men, chúng tôi đầu tiên có thể không nghĩ là anh, đây là kiểu "lạy ông tôi ở bụi này" đã dẫn đường chúng tôi đi.

Đường Tiểu Vũ cố sức túm tóc mình hét lên điên dại:

- Đừng nói nữa! Tôi không chịu nổi rồi! Tôi sẽ khai hết.
Lý Tự Đình (Trung Quốc)- Phạm Bình Sơn (dịch)
.
.