Bến tắm

Thứ Năm, 09/08/2018, 09:35
Đêm, khi đàn ông trong bản vùi đầu vào quán hát, mâm rượu thì người đàn ông ấy lại lên cái nhà coi cống thủy lợi. Lần nào ra tắm đêm, tôi cũng cố nhìn vào ô cửa sổ sáng ánh đèn như đợi một ánh mắt vụng trộm, liếm láp những gì hớ hênh trên thân thể tôi còn chưa bị cuộc đời cày xới trong màn đêm.

Tôi được mẹ đưa xuống bến tắm này năm lên mười. Thế mà đêm nay tôi mới lại ra lao mình xuống dòng nước. Hai mươi năm ấy, dòng nước trong vắt từ mó nước sâu đã tưới mát cho làn da bao thiếu nữ, bao góa phụ đang độ viên mãn... rồi rút hết xuân sắc của họ. Thoắt cái, họ đã thành những bà già co ro bên bếp lửa. Từ nãy đến giờ nước cứ cười trong khe đá, nước mơn trớn cả những bụi cây nhưng nước chẳng bận tâm tới tuổi ba mươi khô héo của tôi.

Người ở bản tôi tự hào có mó nước này. Nước mó chảy ra trong vắt bên những hòn đá ngầm, dòng nước ngả ngớn cạnh con đường mòn trước khi ra đến cái hồ rộng đầy vịt giời và tôm cá. Con gái bản tắm như lẽ thường, họ cởi bỏ áo váy rồi bước xuống mó nước như trở về với nguồn cội trần tục, vênh váo mà lao vào vò xé dòng nước trong nõn từ khe mó chảy ra, bỏ lại sau tấm lưng những ánh mắt tò mò của nửa kia thế giới.

Bến ấy chỉ có con gái đã chớm dậy thì, thân hình phổng phao mới được ra tắm, gặp nước ấy, như rảnh mạ cắm xuống nước cứ thế mà tươi tốt. Còn lũ trẻ con lít nhít bén mảng ra đây là bị mắng té tát. Thế nên, con gái bản tôi có tiếng là tắm tự nhiên, nghĩa là không cần để ý có ai rình trộm thương thầm. Cô nào cô ấy cổ cao, mình lẳn, trắng như trứng gà bóc mà té nước vui đùa, tiếng cười giòn tan. Đàn bà tắm bến này mắn đẻ, dẫu những gã chồng đi suốt đêm chỉ mò về lúc gần sáng.

Hình như ngày đó, trai bản tôi đa phần là phường trộm cắp toàn ăn đêm, ngủ ngày cả. Ngày thường, việc đồng áng dưới ruộng, lúa nếp trên nương cũng một tay họ làm. Đêm cứ nghe tiếng chó sủa từ bản xa vọng lại, những bà vợ lại tỉnh giấc, trở mình, chép miệng. Thôi thì mai cũng có cái váy mới, bữa cơm ngon cho mấy đứa con.

Ngày nhỏ, tôi nhớ có một câu chuyện thế này: Hôm đó là ngày Tết, nhà nọ trong bản một hôm có khách tới chơi. Mặt trời đã lên tới đỉnh cây mạy bông, bước lên sàn ông chủ nhà mới lồm cồm bò dậy từ đống chăn phà. Tiếp khách đến gần trưa vẫn chỉ có bát nước mắm, mấy quả ớt cay và khúc bánh gù. Đến chiều tối, hũ rượu vẫn còn đầy.

Người vợ thản nhiên rót thêm vào chén cho khách nhưng anh chồng đã lủi xa sau nhà từ lúc nào. Một lát sau, bất ngờ, cái đầu của ông chủ nhà ló ra ở phên vách với con gà vặt lông dở đang chết ngoẻo, máu tụ thâm vì không được cắt tiết. Chẳng nghe thấy tiếng gà kêu, ông khách thấy lạ nhưng không tiện hỏi. Đến lúc thịt gà dọn lên mâm thì đã nghe thấy tiếng chân rầm rập chạy lên cầu thang, lão hàng xóm lao con dao quắm cắm vào vách nứa. Chủ nhà thoát qua cái khe chó chui lão còn quát:

- Vừa kiếm được con gà về thì thằng này cắp mất.

Ở đây người ta chỉ ghét lấy cắp lại của nhau.

Tôi biết mình đẹp không phải vì lúc soi bóng xuống dòng nước như các chị mà vì thấy điều đó trong đôi mắt của trai bản khi gặp tôi. Vậy mà, đêm nào tôi cũng nằm áp tai xuống sàn nhà mà không nghe thấy tiếng chân rẽ vào lối nhà tôi, không có tiếng chọc sàn, tiếng chó sủa cứ vang góc đồi này, núi nọ. Trai bản tôi đang đi săn trong núi hay đi rình chuồng gà, chuồng bò bản khác. Phường săn cũng thường kín tiếng như vậy đấy thôi. Cứ thế, đêm đêm tôi lại thiếp ngủ với những câu hỏi rồi tự trả lời. Cứ thế cho đến một ngày.

Đêm đó cũng vào độ tháng Mười, tôi mới đi nằm thì nghe tiếng người nháo nhác, tiếng chó sủa vang. Cha tôi vùng dậy nhảy xuống đất rồi biến mất trong bóng đêm cùng những tiếng náo loạn. Bản có chuyện rồi. Đó cũng là lần cuối cùng thấy ông đứng thẳng. Thế rồi, tôi nghe tiếng súng kíp nổ, tiếng người thét lên rồi lại râm ran như ong vỡ tổ. Chưa kịp nghe hết tiếng tim đập thình thịch trong lồng ngực, tôi đã lại nghe tiếng bà Dính gọi thất thanh đầu ngõ:

- Sao ơi! Bố mày bị người ta bắn què chân rồi.

Tôi và mẹ khuỵu xuống. Cái cột cái gỗ lim vừa bị đốn gục. Mẹ và mấy chị em tôi như thanh kèo mảnh mai từ từ sập theo. Quanh chỗ bố tôi bị bắn người ta vây kín. Người lấy lá dịt vết máu, người gọi thầy lang. Người bản bên kéo về hỉ hả. Người trong bản nhìn cha tôi nghi ngờ, bắn được thằng già ăn cắp cho đáng đời. Chúng tôi biết cha mình oan nhưng con làm chứng cho cha ai nghe.

*

Thế rồi, tôi lấy Hoàn. Gã trai đứng ra lo cho mấy mẹ con tôi và chữa lành vết đạn sưng tấy của cha. Sau này tôi mới biết anh ta không muốn chữa cho cha tôi khỏi hẳn, dù điều đó trong tầm tay anh. Hoàn là con một thầy lang. Đêm nằm bên chồng, tôi vẫn mơ ngóng tiếng bàn chân dưới gầm sàn, chắc tại vì thế tôi không lần nào thụ thai dẫu vợ chồng vẫn hay gần gũi nhau.

Những năm Hoàn ở rể, đêm trăng thanh, mẹ đã đi ngủ, cha lê cái chân què đến góc nhà nằm im, tôi ra ngồi ngoài đầu sàn ngóng chồng về. Chồng tôi được người ta ới đi khắp bản này, bản nọ chữa thuốc cho người đau yếu, bị rắn cắn, vô sinh… nhưng anh ta chẳng thể nào giúp được vợ mình. Cứ sẩm tối, khoác túi, đeo dao, liếc nhìn vợ như tàu lá héo đầu sàn, Hoàn lại cắm mặt lội suối băng rừng. Có một kí ức xa xăm đang nằm trần truồng trong đêm như người trinh nữ giữa lán rừng vắng vẻ, rồi một tiếng súng thô bạo chọc thủng sự bình lặng đó, nhấn chìm cả tuổi thanh xuân quằn quại với những cực nhục, bẽ bàng.

Cha tôi nằm đó, thở khò khè, người đàn ông không hùa theo đám trộm cắp lại chịu một kết thúc như thế. Trong bản này, ngoài ông ra, chỉ có Hoàn là người lương thiện, trong khi người ta nhìn nhận những trò đạo chích ấy là việc bình thường. Đáng ra, tôi phải là người hạnh phúc khi có cả hai người đàn ông ấy, nhưng gia đình tôi vẫn như bị một lời nguyền quỷ ám, mọi thứ đều u tối như ám muội khói đạn súng săn.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Có một đêm, cha tôi lên cơn đau, chắc do trở trời vết thương lại tấy nhức. Ngần ấy năm, chưa khi nào tôi dám mở miệng hỏi ông về chuyện cha bị bắn. Ông là người gia trưởng nhưng cũng biết hi sinh và chịu đựng, không để vợ con phải lo cho mình nhiều. Đêm ấy, bóp chân cho cha xong, đắp chăn kín cổ cho ông, bỗng nghe ông lẩm bẩm một câu rất khó nghe:

- Tao mà không sờ phải cái của nợ ấy thì đâu có khổ thế này.

Tôi hỏi lại mấy lần, ông không nói. Ngày ấy, chỉ nghe người ta bảo ông bị người làng bên đuổi theo bắn nhầm vì ông cầm đồ của kẻ cắp. Nhưng sao ông có cái bọc ấy, chẳng ai rõ vì người mất của ở bản bên giật trên tay khi ông gục xuống vũng máu rồi. Người trong bản cũng chỉ loáng thoáng nghe qua, nói lại, chẳng ai tường tận cả. Trong đêm, bản tôi mọi nhà đều tắt đèn ngủ sớm, yên ắng như một bản hoang lạnh, chỉ có tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng những con muỗi đêm bay vo ve, tiếng kêu xơ xác đói máu người xung quanh đầu tôi nhưng chúng cũng đâu thèm đốt. Gái không biết đẻ hình như máu chua hay miệng thiên hạ điêu ngoa đặt ra như thế.

*

Chẳng có con sau từng ấy mùa trăng, tôi quyết định bỏ xuống phố đi làm thuê. Rửa bát, gánh nước hay nhặt lông gà cũng được, miễn là để không phải đối diện với điều tiếng nhà chồng. Gã chủ quán phở nơi tôi làm có tính hay xét nét, nhưng được cái trả tiền cho người làm khá hậu. Riêng tôi còn được ăn và một chỗ ngủ trong góc quán. Đêm tôi nằm nghe tiếng xe chạy ngoài đường, tiếng những chiếc xe Minsk váng tai, ầm ào. Nhưng tôi sợ nhất là những gã trai say khướt về khuya buông lời xằng bậy, có khi còn đái cả vào vách tôn.

Thế rồi chẳng biết ai mách, bọn họ đập cửa, bắt tôi mở. Tôi nằm im không dám ho he, không dám khóc thành tiếng. Sáng ra gã chủ nạt nộ tôi lăng loàn để đêm hôm đàn ông quấy nhiễu, gã đòi đuổi tôi. Tôi khóc, gã lặng thinh bỏ đi.

Đêm hôm sau lại có tiếng gọi cửa. Lần này là gã chủ. Gã đòi vào quán có việc nhưng tôi biết gã muốn gì. Gã dọa nếu không mở sẽ nói hết bí mật của cha tôi cho cả phố nghe. Tôi chẳng có bí mật gì ngoài cái chuyện đã có chồng và là con gái nhà nghèo trên vùng cao. Mặc cho lão gào thét nỉ non, tôi chống cửa bằng cái gậy thâm đen vết máu. Chiếc gậy này gã thường hay đập chết những con vịt, con ngan đã cắt tiết, máu chảy ướt đẫm lông cổ mà vẫn đờ đẫn đi. Một ngày, tất cả sinh linh bé nhỏ ấy nhập vào khúc tre mỏng mảnh chống chịu gã đồ tể cuồng bạo. Tôi cũng đang là sinh linh tiếp theo bám víu vào đó. Những vết thương ngang dọc trong lòng tôi, ánh mắt thẫn thờ cho đến khi cánh cửa ập xuống. Cái  gậy cũng gẫy nát như những thanh kèo.

Thế rồi tôi thành vợ bé của gã, mặc kệ mụ chủ quán nhiều lần dọa nạt, tất cả chỉ để biết một bí mật của cha tôi.

Một đứa con gái ít học hành, sống ở nơi thôn cùng, xóm vắng thì bao giờ cũng là người thua cuộc. Thua không phải vì yếu thế, hớ hênh mà bởi sự mệt mỏi của số phận. Sau bao lần hứa hẹn mỗi khi lên giường, tôi vẫn chẳng biết được mình sẽ có được điều gì cho đến khi cái thai của tôi chết lưu trong bụng. Trong cơn đau vật vã ở bệnh viện, tôi mê man mơ về cái bến tắm, đến những người đàn bà hông nở, có nụ cười man dại mỗi khi lao vào dòng nước cuồng loạn, mơ đến cảnh con quái vật há miệng toan nuốt chửng cái chân què quặt của cha tôi, tôi ú ớ gọi cha. Cha tôi cố xua bàn tay mất hút dần trong miệng nó. Tỉnh dậy, gã quẳng cho tôi một ít tiền và xúc xiểm mấy lời nguyền rủa.

Mấy tháng sau, tôi lần về đến đầu bản đã thấy người ta chỉ cho chỗ chôn cất cha tôi và nhà vợ mới của Hoàn. Nhưng trong đầu tôi, lúc đó chỉ có căm giận, hai nơi đấy đều là những nấm mồ đã chôn xong, hồn vía thành ma núi. Nhưng mỗi lần đi qua đó, tôi vẫn không thể làm ngơ được.

Ba năm, tôi bỏ nhà đi xa, còn lại một dòng nước mắt chảy xuống nấm mồ người cha. Con mắt còn lại lơ ngơ nhìn về phía ngôi nhà sàn có người tôi từng gọi là chồng đang làm rể. Mẹ tôi mắt đã lòa và lẫn, có lúc đang đêm cũng mò đi cắt cỏ bò. Nhưng có một vài chuyện đêm nào tôi cũng nghe mẹ nói. Những chuyện ấy lộn xộn chẳng có gì nhưng ghép vào những lời lão chủ quán nói mới đáng sợ. Gã bảo chồng tôi vì ham của nên khi đi chữa bệnh lén lấy trộm báu vật một nhà bản bên, người ta đuổi gấp thì nhân lúc cha tôi chạy ra, chồng tôi đưa đồ ăn cắp cho ông cầm. Ú ớ chưa kịp hiểu gì thì bị bắn.

Thiên hạ bảo là đồng lõa, người trong bản thì ghét kẻ ăn cắp, nhưng mẹ tôi lại bảo Hoàn là con riêng của cha tôi với bà Dính trước khi lấy ông lang Thịnh. Ai bảo cho tôi một con đường? Sao hai người ấy đã rời xa mà tôi vẫn chưa hết đau đớn. Tôi hẫng hụt, buồn, chán như đang chìm xuống cái mó nước phía đầu bản. Sao bao nhiêu kiếp phận đàn bà cứ như dòng nước lần lượt ra bến tắm, lấy chồng, sinh một đàn con rồi về cõi âm. Chồng họ dẫu có là phường đạo chích thì ngày ngày vẫn hai bữa cơm quây quần đầm ấm.

*

Giờ đã có một con mương kè bê tông dẫn nước xuống ruộng, cái hồ được xây dựng thành nơi câu cá và du lịch, có một cửa cống nhỏ cấp nước. Bên cạnh cống có một người đàn ông ngủ trông coi để điều tiết nước cho thủy lợi - tôi để ý đến ánh mắt của người đàn ông ấy. Những người đàn bà trong bản giờ khép nép với cái nhà tắm xây gạch hay chí ít là quây cót, hồ nước tạp nham những lồng cá, lều câu, tiếng nhạc, tiếng bật bia, cợt nhả. Bọn con gái bản tôi lắm đứa tóc vàng hoe, quanh năm suôn mượt, eo hông còm nhom, chúng dường như sinh ra không phải để sinh nở.

Trai bản tôi giờ kiếm đủ nghề từ đào cây trong rừng, trông quán nét, quán hát đến giả vờ đụng xe để kiếm mấy đồng từ cái mặt tái mét của những khách thập phương. Số ít trong đó biết trồng keo, nuôi gà, lợn… được gọi là nhóm lương thiện, thành đạt thì nhìn tôi như mọi rợ. Chắc chúng nghĩ kẻ không chồng như tôi thì chẳng còn gì để nhìn.

Đêm, khi đàn ông trong bản vùi đầu vào quán hát, mâm rượu thì người đàn ông ấy lại lên cái nhà coi cống thủy lợi. Lần nào ra tắm đêm, tôi cũng cố nhìn vào ô cửa sổ sáng ánh đèn như đợi một ánh mắt vụng trộm, liếm láp những gì hớ hênh trên thân thể tôi còn chưa bị cuộc đời cày xới trong màn đêm.

Nhiều đêm quá, không kiềm chế được sự tò mò, tôi mặc nguyên bộ quần áo ướt sũng, rón rén đến bên cửa để ngó xem người đàn ông sắt đá, khô khan kia đang làm gì trong căn phòng bê tông bé nhỏ. Anh ta ngủ, gối đầu lên cánh tay. Nhưng khuôn mặt đang quay vào vách, bởi thế, tôi không thể nhìn rõ khuôn mặt, chút thoáng ngượng ngùng tôi lại quay gót trở về.

Nhưng đến đêm thứ ba, tôi chưa kịp tiếp tục có ý định trèo lên căn phòng đó thì hai cánh tay chắc khỏe đã ôm ghì lấy tôi từ phía sau. Nước tung tóe dưới trăng, tôi vùng vẫy ra khỏi cánh tay ấm áp đó rồi nhìn thẳng mặt anh ta, đàn bà ở đây không chấp nhận những gã đàn ông yếu đuối, rụt rè, tôi không ngoại lệ. Nhưng đó là một khuôn mặt tôi không thể nhìn thấy trong đêm đen. Dường như, anh ta muốn bế tôi lên căn phòng ấy nhưng nước bến tắm như đang níu chân tôi lại, dòng nước giờ mới nhận ra tôi, nước ở khắp nơi ùa về, nước từ trong tôi đóng băng tan chảy ùa theo như một trận lũ rừng cuồng bạo.

Tôi như chìm xuống cái hút nước đầy rác rưởi, tanh hôi rồi lại như đang cưỡi trên đỉnh con lũ lớn kiêu hãnh mà cuốn phăng những làng xóm, những nụ cười mỉa mai, khinh miệt, những cái miệng méo mó luôn thẽ thọt đàm tiếu về tôi bấy lâu nay. Thế rồi tất cả lại yên ả, tĩnh lặng như qua một cơn giông bão, gã đàn ông thất thểu bước lên con đường rồi mất hút vào bóng đêm. Tôi lại trở về với căn nhà xiêu vẹo và người mẹ già nửa tỉnh, nửa điên dưới ánh trăng rừng rách mướp.  

Thế rồi, chẳng bao lâu sau, tôi lại thành nàng dâu nhà Thức - anh chàng trông cái cống thủy lợi. Lần kết hôn thứ hai này của tôi cũng chẳng có gì đặc biệt. Dần dà, tôi cũng biết anh ta vốn là người xã bên, đi học trung cấp thủy lợi rồi về trạm bơm. Ngoài một ông bố bảy mươi, đứa em gái đi lấy chồng dưới thị trấn, gia đình Thức chỉ có vài ba người họ hàng không mấy thân thiện. Những đêm anh ta đi coi cái cống  - tôi chẳng biết tại sao anh ta cứ phải đến đó ngủ canh - là những ngày tôi vật vã với ham muốn.

Hình như, sau cái đêm ở bến tắm, ngoài ba mươi tuổi, tôi mới như thân cây khẳng khiu chợt nhớ ra nảy chồi, đơm nụ. Da thịt tôi căng tấy, từng mạch máu như muốn cào xé, tuôn chảy, tôi vật vã trên cái đệm bông lau dày cộm, tôi muốn quên ý nghĩ ấy đi để giữ lấy những gì mình đang có. Ngoài kia, những ánh mắt kì thị, khinh miệt, những lời móc máy ngay sau lưng như đang chầu chực, chỉ chờ tôi ló đầu ra khỏi tổ là nuốt chửng.

Tôi lại lần ra bến tắm trong một đêm chồng tôi không có nhà. Không thấy chồng trên căn phòng trông cửa cống, trăng sáng ròng. Không còn những tảng đá nhấp nhô như ngực đàn bà bản tôi tắm ngày xưa nhưng vẫn mênh mang nước. Thoáng chốc như bị bùa mê, tôi lại sà xuống bến tự lúc nào. Mãi mãi tôi là người thua cuộc ở cái bến này. Giờ tôi nhìn gã như một con quỷ dâm đãng tàn ác. Tôi bỏ nhà đi rồi trở về, rồi căm thù tất cả rồi lại phải tìm tới nó mà van xin, quỳ lạy được nó hành hạ, chà đạp.

Đời người, nếu bỏ đi những hào nhoáng bên ngoài che đậy như danh vọng, tiền bạc, suy cho cùng cũng chỉ là sự trượt dài với những thất bại ngày càng bi thảm. Tuổi thơ hồn nhiên, vô lo nghĩ vì không biết được bao thứ đang chờ đón mình. Rồi càng lớn lên, con người ta càng phải chống chọi với những rắc rối trong tuyệt vọng. Cơ hội thoát thân càng nhỏ, người ta càng nhiều ảo tưởng, cứ thế cho đến khi chới với trong hơi thở cuối cùng.

Tôi đang thở bằng những hơi thở trong lóp ngóp nước. Đầu óc tôi thanh thản như chưa hề có một ngày đau khổ, suy tư. Đêm nay vắng, mặt hồ bên kia cũng vắng vẻ, chỉ còn tiếng nhạc ri rỉ từ mấy căn chòi cà phê chắc vắng khách. Tôi đang như con mồi nằm chờ ác thú từ một phía nào đó lao tới mà ngấu nghiến mình. Ngay mé bên kia là căn phòng của anh, nhưng giờ tôi đã không thuộc về anh nữa. Chỉ một căn nhà, một cái nhìn yêu thương là chưa đủ với người đàn bà đang rừng rực như cây rừng cháy này. Giờ cũng không phải là lúc để tôi nghĩ đến chuyện đang có lỗi với anh. Ai đã châm lên ngọn lửa ấy? Là Hoàn? Là gã chủ quán cơm hay gã đàn ông tôi không rõ mặt kia? Trong số ấy không có anh Thức ạ. Anh không có lỗi nhưng tôi không cần tới anh.

Tôi chói mắt trước ánh đèn pin đang chiếu thẳng vào mặt. Không phải là chồng tôi mà là một đám đàn ông miệng sặc sụa mùi rượu, chúng đang ngớ người trước thân thể tôi trong dòng nước. Tôi không rõ tên nhưng nhớ mặt, họ còn kém tuổi tôi thì phải. Một đứa hất tay quay đi:

- Người bản mình mà. Đi thôi.

Nhưng có đứa soi đèn cố ngắm tôi lần nữa, mặt tỉnh queo:

- Nước hôm nay lạnh thế này mà vẫn tắm, nóng quá hóa rồ à, giờ còn ai tắm ở đây nữa.

Đám ấy đi rồi, tôi lại vục mặt xuống nước, bỗng một bóng người ào xuống nước theo tôi. Chưa kịp phản ứng gì người đó đã ôm chầm lấy tôi, miệng gấp gáp:

- Sao, Sao, tôi đây mà Sao?

Đã lâu lắm rồi mới có người gọi tên tôi như thế? Sao (*) là em, là bất kì người con gái nào đó nhưng Sao cũng là tôi. Cũng như lần trước tôi quay mặt lại nhìn thẳng vào mắt hắn. Nhưng kì lạ, lần này hắn quay đi và cuống cuồng như một gã trộm. Tôi đạp mạnh vào ngực hắn, hắn ngã, tôi tát như điên loạn vào nước, hắn hốt hoảng vùng chạy tôi vẫn tát.

 ''Tao cần gì một thằng hèn như mày, đời tao đã gặp quá nhiều thằng hèn, chồng tao hèn chuyện chăn gối nhưng còn hơn mày mà tao phải bỏ ra đây, mày biết không ?''. Tôi cứ chửi ầm lên như thế, tiếng tôi lẫn trong nước, nước theo tôi vung những cái tát tung tóe dưới trăng. Sao đêm nay yên tĩnh thế, sao chẳng còn ai đến với tôi dưới ánh trăng trần trụi này.

Thoáng trong đầu tôi lại là hình ảnh ngôi nhà sàn của Thức, cái dáng thư sinh của anh đang đợi tôi bên cầu thang, nhưng nó đơn giản lắm, cũ mòn, nhàm chán, thoáng chốc tôi đã quên luôn. Có chút gì đó khác lạ, dưới trăng sáng, tôi nhận ra màu của máu, máu chảy giữa hai kẽ tay tôi. Mình đang bị đứt tay, cảm giác của một đứa con gái lần đầu hốt hoảng khi dậy thì.

Không! Máu từ mái tóc tôi đang chảy, tôi đã va vào mũi đá sắc nhọn còn sót lại bên bờ kè dưới mực nước sâu. Máu tanh hòa vào nước, tôi vớt nó lên nhưng máu tan chảy vào trăng. Chắc ngày xưa máu của cha tôi cũng chảy như thế trong một đêm không trăng, những giọt máu oan khuất đã mở đầu cho cuộc đời bi kịch của tôi. Thoáng chút rùng mình, tôi nghĩ đến mẹ, khi người ta nguy nan thường gọi mẹ. Nhưng mẹ tôi giờ chỉ là bà già ngẩn ngơ vô hồn.

Tôi nghĩ đến Thức, anh sẽ không thể chấp nhận tôi ở đây lúc này, mà tôi đã bỏ anh đi thật mà. Tôi nghĩ đến Hoàn. Anh đã chìm vào ngôi nhà mới ăm ắp tiếng trẻ con. Trăng đang lặn hay mắt tôi đang mờ dần, nước buông tôi ra, tôi gục xuống, lòng trống rỗng và không còn một cảm giác gì. Rồi hồn tôi như đang bay trên cái bến tắm, dưới chân là căn phòng canh trạm bơm thủy lợi của chồng tôi, những người đàn bà ở trần đang tắm, họ đang đi vào mó nước, tôi cố sà xuống để theo họ nhưng vô vọng, càng lúc càng xa dần.

 *

Từ ngày vớt được xác người đàn bà lõa thể chết ở bến, người ta bảo bến ấy giờ mất hẳn rồi. Không phải vì xây cái trạm bơm ở cống thủy lợi, mà vì toàn thấy những điềm gở cho bản này, hàng quán quanh hồ hình như bị cái tiếng ấy mà ế ẩm. Một người đàn bà đáng xấu hổ, rồi dần dà, hỏi nhau cũng chả ai biết người ấy tên gì.

-------------------------------- 

(*) Sao: Tên gọi con gái (tiếng Thái)
Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
.
.