Bên lề gió thổi

Thứ Năm, 23/03/2017, 09:02
Người đàn bà xộc xệch trong chiếc áo chống nắng sờn cũ ngồi nhấp nhổm ngoài hành lang bệnh viện. Chốc chốc chị lại nghển cổ ngóng về phía cửa phòng cấp cứu. Có nhiều người ngồi trong dãy hành lang, nét mặt người nào cũng đầm đẫm âu lo. Họ lo lắng cho bệnh tình người thân đang trong phòng cấp cứu. 

Người đàn bà không chỉ lo cho thằng bé nằm trong ấy mà còn vô cùng sợ hãi cho bản thân mình. Chị thấy cánh cửa nhà tù lờ mờ hiện ra ở một quãng đường trước mặt. Mờ tối và lạnh lùng. Tay chân tự nhiên run lẩy bẩy, chị ngồi thụp xuống nền gạch, vòng tay ôm chặt hai đầu gối, những mong ghìm được cơn run nhưng chẳng ăn thua. Dường như run tự trong ruột run ra vậy.

Run mà vã mồ hôi như tắm. Chị cảm thấy từng giọt mồ hôi đang từ sau gáy bò dọc xuống sống lưng. Cũng chả biết nóng hay lạnh nữa. Ngoài trời nắng vẫn chói chang. Xế chiều rồi. Nắng quái rọi thẳng vào dãy hành lang không mấy rộng.

Có nhiều tiếng quạt phành phạch phát ra từ những tờ báo, những chiếc nón vải trên tay người ngồi chờ đợi. Mới đêm qua, mẹ chị từ quê nói với chị qua chiếc điện thoại cùi bắp: "Ngoài nhà đang rét đậm. Chân bu đau nhức không đi lại được, phải bò xuống bếp nấu cơm để con bé đi học về kịp bữa! Giờ nó học ngày hai buổi".

Học ngày hai buổi thì lại hết nhiều tiền. Nhưng muốn giỏi phải học thêm. Cô giáo bảo vậy. Mà không muốn con học giỏi thì chị vào mãi trong này kiếm tiền để làm gì? Giờ nghĩ đến tiền, chị lại run bần bật. Ở nơi này, ai cũng đầy ắp nỗi lo. Chẳng có khoảng trống trong tâm trí mà để ý đến người bên cạnh.

Thi thoảng cửa mở, một người mặc áo blu trắng thò cổ ra gọi tên một ai đó và lại có một, có khi là hai, ba ai đó ngồi chờ vội vã đứng dậy chạy lại hỏi han rối rít khiến người mặc áo blu phát cáu. Người nhà của họ ở trong phòng cấp cứu được đưa ra bằng băng ca hay xe đẩy với những vòng băng trắng trên người. Nhiều người nằm im như xác chết. Người đàn bà lạnh người. Liệu thằng bé có bị nặng lắm không. Nếu nó không qua khỏi thì đời chị coi như chấm hết! Thằng bé nhỏ thó, gầy yếu như con chó hen.

Sơ khám rồi chụp phim xong, bác sĩ bảo nó bị gẫy xương ống chân phải. Vừa mừng, vừa lo, chị bậm chặt môi, nước mắt chảy giàn giụa. Chị kêu khẽ: Không thể nào. Chỉ là cái đoạn cây nhỏ thôi mà! Vị bác sĩ nhướng mày nhìn chị. Thằng bé rên rỉ không ngớt. Vị bác sĩ có vẻ thông cảm:

- Phải bó bột cho cháu càng sớm càng tốt! Trẻ con xương mau lành! Chỉ vài ba tháng thôi! Cháu là con chị?

Người đàn bà còn đang ấp úng, thằng bé đã rên lên:

- Mẹ cháu đấy! Con đau quá mẹ ơi!

Nó nhìn chị bằng ánh mắt ranh mãnh. Chị cảm thấy điều gì đó vượt cả sự đau đớn đang hành hạ nó. Chị vội bước lại xoa xoa đầu thằng bé. Nó nhắm mắt lại, vẻ hài lòng làm giãn gương mặt nó đang đau đớn. Vị bác sĩ kêu chị đi ra phòng tiếp nhận bệnh nhân làm thủ tục nhập viện. Cô kế toán hỏi:

- Có bảo hiểm không?

Chị lắc đầu, chả lẽ nói không biết. Lại hỏi:

- Tên bệnh nhân?

Thấy người đàn nghệt mặt ra, cô kế toán hỏi lại, lần này có vẻ hơi sẵng:

- Tên?

Người đàn bà vô cùng lúng túng.

- Tên bệnh nhân?

Chị cuống lên đọc bừa:

- Nghĩa ạ!

- Gì Nghĩa?

- Dạ. Trần Văn Nghĩa!

- Cầm giấy này sang quầy thu ngân nộp tiền!

Minh họa: Tô Chiêm.

Nghe cô thu ngân đọc số tiền ban đầu phải nộp: một triệu hai, người đàn bà tối tăm mặt mũi may được người đứng chờ nộp tiền bên cạnh đỡ vội. Thế là chết! Chết thật! Đúng là tai bay vạ gió! Nhưng biết sao giờ? Một triệu hai! Chị run rẩy lần tay trong chiếc áo chống nắng lôi ra một bọc rất nhiều tiền lẻ. Đếm đi đếm lại vẫn thiếu một trăm bảy chục ngàn. Chị nói khó mãi nhưng người thu ngân không chịu. Một người đàn ông ngồi chờ trên băng ghế cạnh đó tiến đến quầy thu ngân đặt tờ hai trăm ngàn, ân cần:

- Chị nộp cho đủ kẻo người nhà chờ lâu!

Chị chưa kịp cảm ơn, người đàn ông đó đã đi khuất lẫn vào đám người đứng ngồi lố nhố trước sân bệnh viện.

Khi cô y tá gọi tên: Trần Văn Nghĩa, cả thằng bé và chị đều ngơ ngác. Cô y tá đẩy băng ca đi. Thằng bé nhăn nhó:

- Không phải cháu!

Người đàn bà chạy vội đến:

- Dạ đúng rồi cô!

Nhìn vẻ mặt người đàn bà, hay chắc đang quá đau, thằng bé nghiến răng lầu bầu:

- Nghĩa hay quái gì mà chẳng được!

Bó bột xong chiều đã muộn, thằng bé phải nằm viện vài ngày để theo dõi vết thương. Bác sĩ bảo:

- Từ giờ đến khoảng nửa đêm cháu bé mới tỉnh. Chị cho cháu ăn, cho uống thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau. Tỉnh dậy nó sẽ đau lắm đấy!

Người đàn bà cầm lấy gói thuốc từ cô y tá, miệng rối rít nói cảm ơn nhưng trong lòng chị như có gì vỡ vụn. Nhìn thằng bé mặt mày tái nhợt, bé cỏn con nằm lịm như chết ở góc giường bệnh viện, chị thấy xót xa hơn cả sợ hãi. Trong túi còn ba chục ngàn đồng dư khi đóng tiền viện phí, chị nghĩ phải để dành mua thứ gì cho nó ăn lúc nó tỉnh dậy. Cô gái chăm người nhà ở giường bên thấy chị tần ngần nhìn thằng bé liền giục:

- Cô tranh thủ đi mua đồ ăn kẻo muộn thì phải đi xa lắm mới mua được! Để cháu trông em giùm!

Chị gật đầu cảm ơn cô gái rồi vội vã đi như chạy. Ra đến cổng bệnh viện. Chị dừng lại. Đường phố náo nhiệt, người xuôi kẻ ngược chẳng ai nhìn ai, chẳng ai biết ai và chắc chắn ở đây cũng chẳng ai biết chị. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu người đàn bà: Hay là thôi không quay lại nữa! Nhưng như thế thì thằng bé tỉnh dậy sẽ rất đau, rất đói. Hay là cứ mua đồ ăn về để sẵn đấy cho nó. Nó sẽ tự ăn. Nó chỉ đau chân thôi mà.

Thật chẳng ra làm sao cả! Đã khốn cùng lại còn gặp hạn tai bay vạ gió thế này! Nếu như hồi trưa bà cụ bán vé số không đi qua đấy. Nếu như lúc ấy chị không mót những vỏ bao xi măng trước căn nhà đang xây và nếu như thằng bé đừng làm trò ngu dại liều lĩnh thì đã chả ai liên quan đến ai. Chị đã không khổ sở như thế này. Mà khi ấy dường như đã quá trưa. Thợ xây trên công trình ấy đã nghỉ và đi ăn trưa cả. Chị đang lúi húi mót những vỏ bao xi măng rách, bỗng nghe tiếng kêu yếu ớt: “Cướp! Cướp!”.

Rất bản năng, chị vồ lấy một khúc củi khá chắc tay và chạy ra. Ngay trước công trình, một bà cụ ngã quay lơ trên mặt đường, thều thào: “Nó… Nó cướp tiền với vé số…”. Phía trước, một thằng bé ôm chiếc túi vải đang cắm cổ chạy. Cũng rất bản năng, chị chạy dấn lên mấy bước, nhưng không bắt kịp thằng bé. Chị vung tay lao khúc củi về phía thằng bé một cách hú họa. Chị không nhìn thấy cái bóng nhỏ bé ấy nữa. Chớp mắt nhìn kỹ, chị thấy thằng bé nằm gục bên lề đường.

Hai đầu gối chị run muốn dụm vào nhau. Chị hốt hoảng chạy đến chỗ thằng bé nằm. Chị sợ hãi lay gọi nhưng cả người nó mềm nhũn như không còn chút sức sống. Bà cụ bán vé số cũng tập tễnh đi lại chỗ chị và thằng bé. Người đi đường xúm lại hỏi han. Có người giục: “Ai đó gọi giúp taxi để chị ấy đưa con đến bệnh viện kẻo nguy đến tính mạng thằng bé!”.

Nghĩ lại , chị vẫn còn hốt hoảng, ba hồn chín vía chắc chỉ còn phân nửa. Chị muốn ngồi bệt xuống lề đường, đôi chân như không đỡ nổi cơ thể mỏng manh. Nhưng làm sao giờ? Nghề thu gom ve chai lom rom như chị kiếm từng đồng lẻ, nhiều khi uống nước lã, ăn bánh mì hai ngàn đồng một bữa cũng đắn đo. Ở một nơi xa lắm, có bốn nhân mạng đang trông cả vào chị.

Từ khi theo người làng vào trong này kiếm sống, chị đã làm đủ việc từ rửa bát, dọn nhà, chăm người ốm, ngày làm hai ca liền vẫn không dành dụm được bao nhiêu. Dần dà chị bạn kiếm được mối hàng ve chai rủ cùng làm, thế là tiền dành dụm từ nửa năm trời chị xót xa rút ra mua một chiếc xe đạp cũ để hành nghề. Thành phố rộng lớn là vậy nhưng được dân ve chai chia ra từng khu, từng quận, làm ăn trật tự, không có sự tranh giành, lấn át nhau.

Buổi trưa nắng hay buổi chiều mưa những người ve chai như chị thường chung nhau một chỗ trú chân, một ổ bánh mì, một chai nước lọc mang theo cho ấm dạ. Đêm về, sáu bảy người thuê chung một phòng trọ cho bốn người đã là sang lắm! Sài Gòn mưa, nắng là việc của ông Trời, cứ như là không liên quan gì đến việc ra khỏi phòng trọ kiếm sống của những người như chị. Có điều, kiếm được một đồng tiền trong mùa mưa, thân phận người ve chai cũng sũng sụng, nhàu nhĩ gấp mấy lần mùa nắng.

- Nào, ra ngoải hay vô mà lại đứng giữa lối zậy?

Chị giật mình, né sang bên lại va phải bà cụ xách chiếc cặp lồng vội luống cuống xin lỗi. Bà cụ nhìn mặt chị rồi bảo:

- Không sao! Chăm người nhà bịnh hả? Sao đứng đây?

-Dạ! Con tìn chỗ mua bát cháo hay phở mà chưa biết đi lối nào...

Bà cụ nắm tay chị:

- Zậy đi luôn!

Chỗ tiền của chị còn đủ mua một tô cháo gà với một ổ bánh mì rỗng ruột. Về đến nơi thằng bé vẫn chưa tỉnh. Chị móc ổ bánh mì ra định ăn nhưng lại chặc lưỡi: Thôi chờ thằng bé tỉnh dậy cho nó ăn cháo xong rồi ăn cũng được. Với lại đói thì cũng đói rồi. Ăn muộn ngày mai đỡ đói mới đi làm tiếp được. Chị ngồi ghé xuống cạnh thằng bé, tựa lưng vào thành giường. Mệt mỏi kéo mi mắt chị xụp xuống.

Trong giấc mơ, chị thấy con bé nhà chị đeo chiếc cặp sách tung tẩy từ trong ngõ chạy ra đường cái. Những chiếc xe ôtô to tướng lao vun vút tung lớp bụi mù mịt che kín cả con bé làm chị sợ thót cả ruột. Bụi tan, lại thấy con bé nhảy chân sáo phía bên kia đường như là nó không để ý gì đến xe ôtô và bụi.

Trời nắng rát lắm mà nó để đầu trần, lại không cả mang khẩu trang nữa chứ. Tối về ốm lại làm khổ bà! Chị muốn đưa cái nón đang đội trên đầu cho con bé và tìm cho nó một cái khẩu trang. Chị gọi. Con bé ngẩng lên, nhìn thấy mẹ, nó toét miệng cười nhe chỗ mấy cái răng cửa rụng mãi chưa mọc lại. Con bé chạy sang. Chiếc xe tải lao đến. Chị hét lên nức nở, nức nở. Chị nghĩ mình chết. Có ai vỗ nhẹ lên bàn tay chị buông xoãi xoài và tiếng thì thầm: "Dì... mẹ. Mẹ ơi!".

Chị nặng nhọc mở mắt. Mấy giường bên cạnh im ắng. Chị ngơ ngác nhìn thằng bé duỗi cái cẳng chân bó bột trắng lo lắng nhìn chị. Gương mặt nó bệch bạc vì đau. Nhìn ánh mắt nó chị bỗng thấy có gì đó quặn thắt tận tâm can. Chị lau vội nước mắt hoen trên má rồi xoa xoa bàn tay đen nhẻm của nó, bảo:

- Ờ, không sao! Ăn nha!

Thằng bé gật gật đầu nhưng không ngồi dậy mà lại khó nhọc ngả người xuống giường. Chị vội cởi chiếc áo chống nắng, quận vào với cái gối giường bệnh đỡ thằng bé ngồi dậy kê vào lưng nó, thì thào dỗ dành:

- Ăn đã con ạ! Ăn xong là bớt đau liền à.

Chị cẩn thận lấy tô phở, chiếc muỗng nhựa, đôi đũa tre từ trong chiếc túi nilon ra và xúc cho thằng bé ăn. Nó ăn chậm chạp. Khi trong tô không còn chút nước cặn chị hỏi:

- No chưa?

Thằng bé ngần ngừ:

- Dạ... rồi...

Thấy nó nhìn chằm chằm vào ổ bánh mì, chị biết từ sáng nó cũng chẳng có gì vào bụng nên tô phở chả thấm vào đâu. Chị cầm ổ bánh mì bảo:

- Ăn nha.

Thằng bé lí nhí:

- Dạ...

Có vẻ tỉnh táo hơn, thằng bé tự cầm ổ bánh mì cắn từng miếng nhỏ. Chị nhìn nó nhai ngon lành và hít một hơi thật sâu để cố nén cơn cồn cào trong ruột, nhủ thầm: Không sao, nó ăn được sẽ chóng khỏe là tốt rồi! Ăn uống xong, chị đỡ cho thằng bé ngả nằm xuống. Nhìn nét mặt nó thơ ngây con trẻ trong giấc thiu thiu, chị cũng thấy dịu lòng. Một cơn gió nhẹ luồn qua khe cửa sổ mơn man gương mặt người đàn bà làm những nét khắc khổ giãn ra, hai hàng mi từ từ khép lại. Đôi mắt ấy, gương mặt ấy chắc chắn đã có một thời khiến nhiều gã trai đi qua phải quay lại để buông một câu bông đùa bóng gió hay chí ít cũng một cái nhìn chứa đựng sự ước muốn mơ hồ.

- Người nhà ra ngoài để bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân nha!

Trong âm thanh nhè nhẹ, lao xao của phòng bệnh, người đàn bà hoảng hốt  choàng tỉnh: Chết. Trời đã sáng bạch tự lúc nào!

Bác sĩ thăm khám, thằng bé kêu chóng mặt, buồn nôn. Bác sĩ bảo thằng bé phải nằm lại để theo dõi. Người đàn bà càng lo sợ. Hình như lúc ngã đầu nó đập xuống mặt đường. Nó có bề gì làm sao chị thoát khỏi tù về tội làm hại đến tính mạng, thân thể người khác! Dù gì, giờ chị cũng phải về qua khu nhà trọ để lấy vài thứ cần cho thằng bé. Vừa được tiêm xong, nó thiu thiu ngủ. Chị quầy quả ra khỏi vùng không gian tràn ngập mùi bệnh tật và mùi thuốc chữa bệnh.

Người đàn bà rẽ vào xóm trọ vắng lặng. Giờ này mọi người đã đi kiếm sống ở khắp nẻo của thành phố. Mải lấn bấn với những nỗi lo trong đầu xíu nữa chị ủi phải bà già ngồi gật gờ ngay cửa phòng trọ của chị. Chị nhảy phắt xuống xe khi nhận ra bà già bán vé số hồi hôm. Chị chưa kịp nói gì, bà già đã níu lấy ta chị hỏi dồn:

- Cái thằng nhỏ ấy, nó có sao không mà dì đi lâu thế? Chữa cho nó chắc mất ối tiền? Tôi hỏi thăm mãi rồi ngồi đây chờ từ hồi đêm tới giờ. Có chìa khóa không? Mở cửa đi. Vào nhà tôi nói chuyện...

Chị vừa gật gật đầu vừa mở cửa. Bà già lách người vào trước. Chị nhìn cái chân tập tễnh của bà già:

- Chân bà có đau lắm không?

Bà già chép miệng:

- Thì... Chẳng gì nó cũng hành tối ngày rồi!

- Lúc ấy thấy bà mài đầu gối xuống đường rồi mới ngã lăn. Để con xem... Ối giời! Sưng thế này còn gì. Để con chạy kiếm miếng đá. Chườm lạnh mới đỡ sưng!

Bà già xua tay:

- Thôi, khỏi! Này tôi bảo này...- Bà rút từ trong người một bọc vải nhỏ gói kỹ dúi vào tay chị - Cái này để bác lo cho thằng nhỏ...

Chị rụt tay lại:

- Cái gì thế bà?

- Là tôi cũng ki cóp được chút đỉnh nhưng giờ chưa cần tới mà giữ trong người cũng lo - Bà lại chép miệng - Mà cũng tại tôi một phần nên thằng nhỏ mới vậy! Dì cứ cầm lấy cho tôi an lòng!

- Ngày còn dài bà ơi!

- Ngày dài rồi ngày dài tính, không sao!

Chị không biết nói thế nào. Cả hai cùng ngồi lặng một lúc lâu. Bà già lại nói:

- Mà dì cũng phải đi làm. Bỏ ngày nào chết ngày ấy. Tôi nghe người quen nói, thằng nhỏ đó quê miền Tây, ba má bỏ nhau, nó ở với ngoại mà không hiểu sao nó lại lên vất vưởng tận đây...Thôi, thằng nhỏ cứ để tôi trông. Gánh nặng có thêm người ghé vai mới đặng...

Lại im lặng. Tiếng con dế ngủ ngày gáy ri rỉ ở một góc nào đó. Chị nghĩ đến mẹ già con dại ở quê. Hai giọt nước to tròn ứa ra từ khóe mắt chầm chậm bò xuống gò má khô nhám của người đàn bà. Nghĩ thương phận mình, phận người. Gặp khi khó chị thường tự nhủ: cố lên, rồi trời sẽ sáng! Giờ chắc chị không nghĩ đến việc trả lại căn phòng này để tìm căn phòng khác nhỏ hơn, tiền thuê rẻ hơn. Đã hàng tuần liền chị mất công tìm phòng trọ khác khi mấy người bạn thuê cùng phòng bỏ đi. Trong đầu chị thầm tính toán sắp xếp chỗ ở cho ba người.

Ngoài trời dường như có cơn mưa. Những cơn gió mang theo hơi nước làm cái nóng giao mùa dịu lại. Cây me trước nhà đổ cơn mưa lá vàng. Những chiếc lá nhỏ xíu tíu tít xoay tròn trong gió như niềm vui trẻ nhỏ đón mẹ về. 
Truyện ngắn của Hoàng Phương Nhâm
.
.