Bẫy

Thứ Hai, 10/08/2015, 08:00
Miếng khóm vàng thơm lừng nằm khêu gợi mời mọc trong cái bẫy. Gió dìu dịu đủ đưa mùi hương lan tỏa khắp vườn. Ánh sáng nhạt nhạt của trời chiều qua kẽ lá vẫn đủ cho tụi chuột nhận ra nhau. Chúng lít chít trong hang ra ám hiệu, rằng chưa phải lúc. Nuốt nước miếng ừng ực nhẫn nại, chuột đợi trời sụp tối. Anh chàng chuột cống nhum tiếng là oai hùng ở khu vườn này nhưng cũng phải te tái chạy sâu dưới hang khi nghe tiếng sủa của những con chó đi săn cùng chủ.

Dô đặt xong cái bẫy cuối cùng. Tìm một góc kín đáo Dô bật lửa đốt điếu thuốc rít cho đỡ ghiền. Phả làn khói trắng, người Dô như phiêu. Số phận! Ba mươi ba tuổi, nếu suôn sẻ như người ta, không con đùm thì cũng hai đứa vào cấp một rồi. Còn Dô vẫn chưa "dô" chút nào. Hồi mới sanh Dô, má biểu đặt tên cho hên, cái gì cũng "dô" tròn trịa vung đầy là đổi đời, chấm dứt cái kiếp nghèo đã đeo đẳng má từ ngày thơ bé.

Tại sao, Dô phải lùng từng bờ, từng bụi rón rén trong vườn nhà người lúc chiều hôm tối hoắm này. Chuyện đời như một bộ phim chiếu chậm. Nhà ba Dô lúc má lớn còn sống giàu lắm. Ông có tới năm chiếc ghe đi buôn bán. Bốn anh trai, mỗi anh một ghe, ba với má lớn và chị út Mừng một ghe. Mỗi chuyến buôn bán về má lớn sắm hàng lon vàng, những cà rá, dây chuyền, lắc. Mà chị út Mừng hồi đó mới sáu tuổi, ngồi miết trong khoang dưới ghe, tuy chân bị cột chặt vào sợi dây nhưng tay thì cứ xóc xóc nhẫn vàng chơi nhà chòi. Má lớn cưng chị út Mừng lắm, đòi gì được nấy. Út Mừng chơi đã thì nằm gối đầu lên những nhẫn, những dây chuyền mà ngủ, mặc cho ba và má bán đồ trên bến.

Má lớn lại mang thai. Ngỡ má sanh dễ như trước, ba rước bà mụ của xóm ghe lại đỡ. Ai dè, bể nước ối gần năm tiếng đồng hồ mà má vẫn chưa mót rặn. Ông ngoại đốt nhang vái tứ phía. Lúc ba quyết định đưa má lớn lên lộ đón xe đò chở đi nhà thương thì má kêu thét lên, nước mắt giàn rụa. Rồi má lịm dần, út Mừng ngồi kế bên ngọng líu: "Má nhín đi, úc sương má nhìu. Sương má nhìu". Dì út Bồng đứt từng khúc ruột ẵm út Mừng đi chỗ khác.

Lo đám tang cho má lớn xong, tóc ba bạc trắng. Ba không đi ghe nữa, ba bán ghe cho dượng út Bồng. Ba ở nhà uống rượu miết, út Mừng lẽo đẽo theo ba, ăn uống thất thường nên ốm nhách, mũi lúc nào cũng lò dò tìm đường đi. Cô út Bồng chạy qua sốt ruột bảo:

- Anh kiếm mẹ về chăm cho út Mừng đi. Chứ vầy riết rồi nhỏ bịnh chết theo chị luôn đó.

Không đợi ba đồng ý, cô út dẫn má về. 

Má nhỏ là má sinh ra Dô. Má người Cam Ranh. Má cũng có chồng nhưng người chồng chỉ lo bài bạc ăn nhậu, lại thường xuyên đánh má. Trong một đêm tối không chịu nổi đòn, má đã băng đồng đi xa. Má Nam tiến đem theo nghề vá lưới của người phụ nữ miền biển để kiếm sống. Má là một tay vá có hạng ở nhà cô út. Miếng vá nào chị em kêu khó qua tay má dễ như không. Má ít nói, chỉ cặm cụi vá lưới. Má thường bận áo bà ba, mái tóc đen bới gọn sau gáy. Sáng má thức sớm nấu cơm canh cho ba và anh em Dô. Rồi má lùa vội hai chén, tới chiều ba giờ má về lại bếp núc cho cả nhà.

Những lon vàng của má lớn, lớp các anh tự xí phần, lớp ba ăn chơi nhậu nhẹt đến khi má về thì rỗng không. Lúc này chị út Mừng đã biết kết những cái lon, dấu vết của thời hoàng kim thành chiếc xe kéo rổn rảng khắp xóm. Chơi đã, chị leo bộ ngựa nằm và cứ thế vuột hai chân vào nhau. Má nhỏ khi đó đang mang bầu Dô cũng phải ẵm đi tắm thay đồ và đút cơm cho ăn. Hổng biết suy nghĩ gì mà chị út Mừng không bao giờ gọi má là má. Chị chỉ gọi trỏng là Tới - tên của má. Chị giận ai là không nói không rằng leo lên bộ ngựa vuột hai chân vào nhau đến phồng da chân tươm tướp máu. Má năn nỉ dỗ ngọt ư. Một ngàn lần chị cũng không ngưng vuột chân. Ba đánh ư. Chị sẽ vuột chân đến khi nào xỉu thì thôi. Tánh nết đứa con nít mới tám tuổi thật khó chiều. Sau biết ý ba phải bồng chị lên ôm ấp nựng nịu một hơi chị mới nín. Thiệt cái phận làm bánh đúc của má cực trăm ngả.

*

Dô biết má cực khi Dô học lớp chín. Anh tư Phẩy trong lần đi uống bia ôm ganh nhau em út gì đó bị người ta đánh tới trụy thận. Vợ bỏ, ba đâm thêm cái chái nhà với bộ vạc tre cho ảnh nương thân. Bị trụy thận, anh đi tiểu không giờ giấc, quần áo, chỗ ngủ khai um. Má lại phải hàng ngày tần tã giặt rửa. Mà ngộ, chị út Mừng hai mươi tuổi rồi cũng ngó lơ. Không hề giúp má việc nhà hoặc dọn rửa cho anh tư. Việc của chị là đi vá lưới. Siêng thì chị lội về ăn cơm ở nhà, biếng thì ăn nhà cô út Bồng. Chừng lãnh tiền thì chị đi sắm vàng. Tháng nào vá đêm nhiều tiền chị sắm thêm bộ đồ bận và hộp kem, thỏi son làm điệu cho bằng người ta.

Vá lưới miết ngày miết đêm và ăn xà hà tiện nên chị út Mừng sắm vàng cũng bộn. Khi mấy cô hoặc mấy anh trai kẹt thì chị cho vay. Cứ một chỉ một tháng ăn một phân răng rắc. Ngặt cái không bao giờ chị cho má mượn. Kẹt quá má phải nhờ cô út Bồng mượn dùm. Chừng trả thì cô út cộng đủ gốc lãi biểu má đưa rồi cô trả lại cho chị.

Thấy má buồn rười rượi, Dô bảo:

- Mai mốt lớn con mần đưa hết tiền cho má nha.

- Hổng sao con. Má không lo được để chị út Mừng con tự lo cũng buồn chứ. Còn con chừng nữa đưa tiền cho vợ con mới phải.

Đó. Má Dô là vậy đó. Bánh đúc nhà người ta thét ra sắt ra lửa. Má mần dì ghẻ mà nơm nớp sợ chồng sợ con. Mấy anh làm gì má cũng không dám nói động móng tay. Ba biểu sao má nghe vậy. Má cặm cụi sáng đi chiều về. Cái lưng ngày càng nhức, cái chân ngày càng tê do ngồi miết một tư thế vá lưới cũng kệ. Miễn tiền công đủ cho má sắm cơm sắm cá cho cả nhà no bụng là má an lòng. Dô thương má lắm. Những năm về sau ba giở chứng nhiều hơn. Chiều uống rượu xong là ba rượt má đánh. Má chạy vòng vòng quanh cây rơm nhà bác năm Ngon đến tội. Lúc ba rượt không ai dám can. Một bữa má không kịp chạy, má tụt quần nằm ngay dưới gốc cây rơm biểu: "Nè. Ông đè tui cho hả giận đi. Tui không chạy nữa đâu. Ông đè tui lần cuối tui chết cũng đặng". Trời ạ. Giọng quê Cam Ranh của má pha giọng Nam bộ ngọt đến mềm lòng. Ba sững lại. Rồi ba khóc. Ba dắt má đứng lên. Má dìu ba vô nhà lau bằng khăn nóng cho ba giã rượu.

Sau bận đó, ba không rượt má đánh nữa nhưng việc chửi thì vẫn đều đặn duy trì. Ba chửi má. Rồi ba chửi cái bụi tre sao không chịu mọc măng, chửi cái lờ mới đặt đứa nào thăm mất, chửi con cá lóc không chịu ăn mồi ba cắm câu. Ba chửi cả thằng cha chín Khéo: "Mày nịnh mày bợ, mày ỷ mày có sức mày kêu giá thấp để giành công đào đất của tao". Ba chửi vợ chồng bác sĩ Luân: "Mày có học, mày có ống chích mày chích tao, tao đốt liếp cỏ nhà tao lỡ lan đám cháy sang vườn mày, mày bắt tao làm giấy tờ nhường cho mày ba liếp. Vườn mày cháy, giờ trời mưa xuống cỏ mọc lại y chang, có chết cây bạch đàn nào đâu mà mày ép lấy đất của tao. Tao mất đất vì ít chữ. Mày nhiều chữ mày ăn đất của tao". Sự chửi của ba đúng năm giờ chiều là phát. Riết cả xóm quen với cái "đài phát thanh tự do" của ba. Hôm nào không nghe, người này bỏ vào lỗ tai người kia câu hỏi: "Ông sáu Phức á khẩu rùi à". Rồi họ đi quẹt qua quẹt lại trước cửa nhà Dô như thăm miệng ngó rốn ba Dô vậy.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Cũng may cho má. Là tự Dô cho là thế. Bởi ngày biết lớn, biết lo, biết nghĩ Dô thương ba thương má nhiều hơn. Phận người. Ai muốn cực khổ bao giờ đâu. Như má Dô. Lẽ ra đã một lần gãy gánh cũng phải biết đâu là đường êm đâu là ghềnh đá chứ. Nhưng má vẫn tác hợp với ba. Vẫn chịu phận bánh đúc trong con mắt của bốn người anh và chị út Mừng. Cực khổ má vẫn sanh ra Dô và hai đứa em nữa. Thấy má cực, Dô chịu không đặng. Dô nhứt quyết bắt má nghỉ vá lưới ở nhà cơm nước nhà cửa và chăm sóc ba. Ngày Dô đi đào đất, vác lúa. Đêm Dô bì bõm trên ruộng trên đồng cặm câu giăng lưới bẫy chuột. Món nào Dô cũng mần lẹ mần giỏi.

*

Thuở hai mươi của Dô là lúa đầy bồ trong nhà. Con Ngoan, thằng Hiền được Dô trang bị quần áo sách vở xe đạp đủ đầy đi học chữ. Chị út Mừng đã lấy chồng. Anh tư Phẩy sạch sẽ hơn khi có một căn nhà kê táng ở kế bên.

Khi Dô ba mươi tuổi, má biểu:

- Ba mất rồi. Con Ngoan cũng đã gả vô nhà tử tế. Thằng Hiền theo bên vợ ở rể người ta cũng thương. Con lấy vợ đi cho má vui ẵm cháu.

- Gấp gì má! Má cực từ nhỏ. Giờ để rảnh rang chút cho bõ. Với lại con muốn thay căn nhà dừng thiếc này bằng căn nhà xây. Nơi thờ cúng ông bà và má ở mà xập xệ quá con không chịu nổi.

Thật ra. Là con trai ai không muốn vợ. Nếu Dô cưới vợ lúc mười tám hai mươi tuổi như trai ở xóm thì lấy ai lo cho ba má và các em. Có những đêm lậm lụi ngoài bờ lung bờ ruộng. Dô ước ao được cưới Ngọc làm vợ. Ngọc là bạn học của Ngoan. Ngọc nết na, học giỏi có duyên lại siêng nữa. Vừa đi học, vừa cơm nước nhà cửa và nấu rượu nuôi heo. Nhà ở ngang cửa nhà Dô. Ngọc cũng như Dô. Cũng lam lũ vất vả. Nhưng Ngọc hơn Dô ở cái sự học. Mỗi đêm, hơn chín giờ Ngọc mới xong việc và ngồi vào bàn học. Hai giờ sáng Dô ở ruộng về vẫn thấy Ngọc cặm cụi bên ngọn đèn. Thương quá. Qua Ngoan, Dô biết Ngọc muốn làm cô giáo. Có bữa thằng Hồi em trai của Ngọc theo Dô đi bắt chuột cặm câu. Chừng về, Dô lựa cá to bỏ vào giỏ nó. Nó nói: "Em có bắt được gì đâu sao anh cho em nhiều thế". Dô biểu: "Đem cá lóc bự nè về để chị Ngọc nấu bánh canh ăn nha. Nhà anh ăn hoài rồi". Nghe nói bánh canh là thằng nhỏ hí hửng ôm cái giỏ sát rạt như sợ Dô đổi ý vậy. Nó là chúa ghiền món bánh canh cá lóc mà.

Lại có lần, ba má Ngọc đi đám cưới bên ngoại. Nhà còn mình Ngọc mắc giữ bầy heo và nồi rượu tới cữ nấu. Ngọc bị sốt bất ngờ, con Ngoan quýnh quáng chạy qua cạo gió, nấu cháo. Thấy bạn vẫn nóng ran, nó mếu máo biểu Dô sang. Lần đầu rờ trán con gái, thấy trán người ta nóng hổi mà tim Dô cũng nhịp thình thịch theo. Dô lo lắng chạy qua nhà bác sĩ Luân mua hai liều thuốc hạ sốt. Rồi Dô bứt lá nấu nồi nước để Ngọc xông giải cảm. Dô biểu Ngoan ở cạnh chườm khăn nóng cho Ngọc. Phần Dô thì cho heo ăn, nấu rượu, ghế cơm thay Ngọc gọn hơ. Năm ngày sau ba má Ngọc về cũng là lúc Ngọc dứt sốt. Bầy heo không đói bữa nào và rượu vẫn giao đều cho tiệm tạp hóa. Từ đó, ánh mắt Ngọc nhìn Dô như có gì đó ấm áp và níu kéo hơn.

Ánh mắt của Ngọc dễ chịu bao nhiêu thì ánh mắt má Ngọc khó chịu bấy nhiêu. "Mày thương thằng đó đặng nó say rượu nó rượt chết à. Mày điếc không nghe ba nó chửi má nó à. Mày nhắm mày tụt quần như bả được không" - Có lần Dô nghe tiếng má Ngọc lảnh lót băng qua đường dội vào nhà Dô. "Tao cấm! Cấm nha. Chừng nào nó có vài chục công ruộng, có nhà xây mới mơ tới chuyện bỏ hàng rào thưa nha".

Mắt Ngọc như buồn hơn. Dô thì tủi phận quá. Người nào tính nấy chứ. Sao nhìn tính ba Dô mà kết luận Dô hư hỏng được. Ở xóm ai không biết Dô đào ngày cày đêm. Có Dô các em mới được ăn học, có nghề nghiệp, cưới vợ gả chồng tử tế. Dô nhường phần học của Dô cho em là xấu ư? Nếu Dô không đảm đương gánh vác thì lấy ai lo cho gia đình. Còn như Dô chu toàn sự học của riêng mình thì đời các em ra sao, má Dô cực cỡ nào đây.

Mà có lẽ má Ngọc đúng thôi. Có con gái vừa giỏi xinh lại nết na thì ai hổng muốn gả vào chỗ sung sướng bề thế. Đã có những chiếc xe cup chiều chiều lướt lượn ngang qua nhà Ngọc mà. Mỗi lần chạm vào mắt Ngọc, Dô như đọc được sự khích lệ: Anh đừng nản. Anh gắng đi. Em chờ anh.

Bởi vậy. Dù Dô mệt mỏi cỡ nào cứ nhớ tới ánh mắt của Ngọc là lại thấy mạnh mẽ hẳn lên. Mười công ruộng thì Dô đã sắm được tám công rồi. Mấy hồi mà đất ruộng nở nang, nhà xây to xây cao bằng người.

*

Trăng đã kéo lửng trời. Có tiếng chó sủa ăng ẳng. Có cả ánh đèn pha. Là chủ vườn. Ông ta ra làm gì nhỉ. Phản xạ tự nhiên Dô phóng lẹ sang bờ ruộng bên kia. Dô chỉ gài bẫy bắt chuột ở vườn chứ có trộm cắp gì. Nhưng có lẽ không chủ nào ưa người lạ sục sạo trong vườn nhà họ khi đêm đến như thế này. Cứ lánh mặt là an toàn. Chứ đụng mặt tình ngay lý gian lu bu lắm.

Dô gối đầu lên tay. Ngửa mặt lên trời Dô thấy trời đêm nay dìu dịu ánh trăng. Thiên nhiên đẹp quá. Phía Rạch Giá một quầng sáng kéo dài. Nơi đó chắc vui lắm. Dô chưa tới đó lần nào. Mỗi kỳ cúng đình cụ Nguyễn Trung Trực thấy dân bên An Giang lớp đi ghe, lớp đi xe máy và cả xe lôi nữa, từng đoàn cả mấy chục người đông lắm. Dô nói má đi lễ với cô út Bồng cầu bình an cho cả nhà. Má về, thường đeo vào tay Dô cọng chỉ đỏ: Cho hên con à. Má nói vậy.

Dô ước sẽ dành dụm tiền để một lần đưa má về thăm quê ngoại. Má bỏ xứ đi hơn ba mươi năm mà về quê vẫn tướp táp nhếch nhác thì sao đành. Gần đây má hay kể về ngoại, về cảng Ba Ngòi và thuở ấu thơ của má. Người ta nói lá rụng về cội mà. Má nói: "Chừng ngó được nơi ông bà ngoại nằm là má yên lòng". Những ngày trời đổ mưa dầm, Dô thấy má lần giở chiếc khăn len ra ngắm. Là vật duy nhất ngoại chặm nước mắt trao ngày má đi lấy chồng. Có lần con Ngoan, thằng Hiền dợm nói hùn tiền biếu má về quê. Má gạt phăng: "Tụi bây dành tiền lo cho mấy nhỏ. Má nỏ đi mô". Ôi! Nghe má từ chối bằng giọng quê Cam Ranh mà Dô thương đứt ruột. Má là vậy. Chỉ lo cho con cháu chứ nào biết lo cho riêng mình.

Trong mấy anh chị con má lớn, có chị út Mừng là khá giả. Hai vợ chồng chị mần ăn nở nồi. Năm nào cũng sắm thêm ruộng. Của ăn của để chị không thiếu nhưng đường con cái thì chị hiếm muộn vô cùng. Năm lần bẩy lượt đi bệnh viện Từ Dũ trên Sài Gòn rồi thõng thượt về không. Con Ngoan nói: "Hổng chừng cho vay ăn lời cắt cổ, giờ trời quả báo". Má nạt liền: "Con nói tầm bậy. Là chị con hiếm muộn".

Lần khám sau cùng chị dắt về đứa trẻ chừng năm tuổi. Hiếm con, chị ẵm bồng nâng niu nó. Tính nuôi mát tay biết đâu chị đơm hoa kết trái. Trái cây chính chủ không thấy, mà chị còn gặt trái đắng nữa là khác. Đứa con gái càng lớn càng biếng học, nó ham chơi nhiều hơn học. Chị để tiền ở đâu nó cũng lục ăn cắp xài. Đánh rầy nó không nghe. Dỗ ngọt nó cũng ngó ngang. Có lần chị giấu trong bao trấu hơn năm triệu bạc, nó lấy xài sạch. Chị giận quá biểu: "Tao chặt tay mày". Nó nói: "Má đưa dao con chặt dùm cho má". Đó. Hù nó thôi mà nó dõng dạc đòi làm thiệt. Mẹ nào dám đưa dao cho con. Thiệt khổ.

*

Con chó dường như bắt được hơi người. Nó sủa inh ỏi. Dô kệ. Dô tiếp tục cái suy nghĩ của Dô. Ngày mai bán chuột xong thì về ngủ một giấc, trưa đi vác lúa xuống ghe cho cô năm Hiểu. Vác một bao ăn ba ngàn. Ruộng của Dô lối rằm mới cắt. Tám công đất nhà cầm chắc bốn trăm giạ. Thêm ba chục công đất mướn trừ công cắt, phân bón, thuốc sâu, giống má cũng lời phân nửa. Mùa này Dô thể nào cũng bỏ túi bảy chục triệu, một năm hai mùa lấy trăm rưỡi triệu gọn hơ. Số tiền ấy cũng sắm được bốn công đất rồi. Chi xài hàng ngày thì Dô làm mướn bắt cá thêm phụ hợ. Miễn trời cho sức khỏe tốt, có chí ắt nên mà.

Nhưng coi bộ mần ruộng được cái bền chứ lâu phất quá. Không chừng mùa tới Dô qua bên xã Mỹ Thái xem người ta trồng khoai môn. Nghe trên ti vi nói mùa rồi mỗi công lời cả hai chục triệu thấy ham. Gì chứ con đường làm giàu chính đáng thì phải học phải hỏi mới được.

Ánh đèn của ông chủ vườn lấp lóa trong đêm rồi xa dần. Chừng cái ánh sáng ấy hòa trong chùm sáng của bếp nhà ông thì Dô trở lại vườn. Đúng là chó nhà giàu có khác. Đi theo chủ sủa ầu ơ chứ nó có đói khát đâu mà lùng mà sục. Chó săn đúng nghĩa ra vườn là sẽ vạch từng kẽ lá tìm hơi. Chừng đánh hơi được chuột nó sẽ bơi cào rối rít như khoe với chủ và kéo dài thời gian cho con mồi khiếp sợ. Sau một hồi cào bơi quần rượt, con chó sẽ ngoạm ngang lưng con chuột mà dâng trước mặt chủ như báo cáo thành tích. Đêm nay, chắc bọn chuột mừng húm khi không bị sồ bị rượt đây.

Dô thăm bẫy chuột. Bốn mươi lăm cái bẫy chuột dính được hai mươi ba con chuột cống nhum. Thêm bảy cái bẫy dính chuột cơm. Nhẹ gì hai mươi ba con chuột cống nhum cũng được mười lăm ký chuột, một trăm ngàn một ký là đêm nay Dô sẽ "dô" chẵn một triệu rưỡi. Đêm nào trời cũng cho lộc như vầy thì mấy chốc. Dô bật đèn ngắm mấy con chuột lông đen hì láng mướt đang lít chít kêu như cầu cứu đồng bọn. Thấy cũng thương. Nhưng tao thương má tao hơn. Cuộc sống mà. Với lại bọn bay cũng phá lắm, cứ nhằm cổ hũ dừa của người ta mà xoay mà nhai thì cây cối nào sống được. Lần sau làm kiếp khác, đừng làm con chuột ban ngày chui rúc trong hang hôi hám, ban đêm lần mò kiếm ăn khổ sở nha. Dô nói mà như nói với chính mình vậy.

Dô cột những cái bẫy thành chùm. Ba giờ sáng rồi. Về thôi. Dô vuốt miệng cho qua cơn ngáp. Buồn ngủ rồi. Dô quảy chùm bẫy có những con chuột vẫn kin kít réo bên trong lên vai. Một triệu rưỡi. Nửa chỉ vàng hai bốn, số tiền không hề nhỏ. Nửa tháng lương của Ngọc rồi đó. Nghĩ đến Ngọc, Dô lại như tỉnh hẳn. Những bước chân mạnh mẽ hơn. Rồi mình sẽ có nhau. Em chờ anh nha Ngọc. Dô bước săng sái ra đầu liếp nơi mương nước dẫn từ kênh số Tám vào.

Ôi. Điện. Một luồng điện chạy mạnh trong người Dô. Điện giật Dô ngã sập xuống cỏ. Bầy chuột trong những cái bẫy sắt cũng im bặt. Chỉ còn gió lao xao và trăng. Trăng thản nhiên vén mây ngó xuống.

*

Sáng nay, miếng vườn ấy đông nghịt người vây quanh.

- Thằng Dô bị điện giật chết rồi. Thằng giỏi mà sao chết vầy trời. Đang đợi công an đến ăn kết.

- Người đâu mà ác quá. Gài điện cho người ta chết, giờ vui lòng chưa.

- Nó bắt chuột cho không mừng, còn bẫy điện hại nó nữa. Trời ơi! Bẫy điện chủ ý hại người mới để dây điện cao nửa mét vầy. Chứ bẫy chuột đâu cao vậy.

Thảm quá! Dô nằm đó. Nét mặt như còn đang nghĩ về má về Ngọc. Về ngôi nhà xây và việc trồng khoai môn trong mùa tới. Bầy chuột cũng cứng đờ trong những cái lồng sắt vây quanh Dô. Những cái bẫy. Thảm quá.

Bà Tới chết ngất trong vòng tay Ngoan: "Dô ơi! Cực khổ quá con ơi.  Sao con bỏ má đi con ơi!".

Có tà áo dài màu hồng chạy sấp ngửa trên bờ ruộng.

Ngọc gạt đám người ra:

- Anh ơi! Dô ơi! Em yêu anh! Đợi em với anh ơi!

Ngọc quằn quại ôm Dô khóc như điên như dại. Ngọc phủ lên môi lên mắt Dô những nụ hôn đầy nước mắt. Những nụ hôn lần đầu của hai kẻ yêu nhau.


Truyện ngắn của Vũ Thiên Kiều
.
.