Bão tơ hồng

Thứ Hai, 07/01/2019, 08:11
Người ta đồn rằng mẹ chồng Cúc là người cứng bóng vía nhất vùng. Đất nhà bà là đất dữ, bao người đến đấy ở đều phải bỏ đi, chỉ có bà là trụ được. Nhiều lời xì xầm đến tai nhưng bà chỉ cười. 

Khuôn mặt rỗ huê lại ngước lên như thách thức, rồi bà cúi xuống thở dài:

- Trần sao âm vậy! Cứ ăn ở tử tế thì có sao đâu. Sống với ma còn dễ hơn sống với người ấy chứ.

Bà chép miệng, nghĩ tới buồng chuối bị chặt trộm đêm qua mà tiếc đứt ruột. Buồng chuối tây mập mạp đều tăm tắp, đã ươm vàng bà định sáng nay cắt về ra nải để ngày kia cúng rằm, thế mà kẻ gian đang đêm đã trộm. 

Mà cũng lạ, từ trước tới nay có ai dám tơ hào bén mảng gì tới mảnh đất nhà bà đâu. Biết thế bà nuôi chó dữ chắc chẳng mất trộm. Đất nhà bà rộng, có ao sâu gần năm sào. Chẳng hiểu sao ao ít được chăm bẵm nhưng thả cá vào thì cá lớn nhanh như thổi. Ngày trở trời bèo tây trong ao dạt bờ, mặt nước sôi như có tàu ngầm sùng sục bên dưới. Hồi cụ lang Thừa hay chữ nhất làng còn sống bảo:

- Cái ao ấy không bình thường đâu? Nó là rốn rồng đấy. Ai mà nhìn thấy ao xoáy nước thì nhớ nhắm mắt lại và niệm Nam Mô A Di Đà thì sẽ không gặp tai ương.

Thấy mặt nước ao sôi lên và bèo nghiêng ngả thì ít người gặp, nhưng chuyện mẹ chồng Cúc nói chuyện với ma thì có thật. Đó là ngày mưa cuối tháng giêng, trời rét cắt da cắt thịt, bên ngọn đèn hạt đỗ, bóng đèn bị vỡ thi thoảng gió lùa vào chập chờn, lúc đỏ quạch, lóe xanh lét như con đom đóm. Ngày ấy chồng Cúc còn là đứa bé chưa đầy năm, được mẹ ủ trên võng, có người đàn bà hàng xóm sang chơi, mẹ chồng Cúc cứ vui chuyện:

- Chết thôi bà ạ! Ngày mai giỗ mẹ chồng tôi rồi mà nhà chẳng còn nắm gạo nào. Tôi chẳng biết tính sao cho không phải tội.

Hàng xóm chẳng nói gì. Mẹ chồng Cúc còn đặt con vào tay bà ta nhờ trông hộ rồi chạy xuống bếp thái bèo cho lợn. Khi lên tới nhà thì vấp phải đứa con nằm ngay dưới đất. Bà vừa sợ, vừa bực, sáng hôm sau chạy sang nhà kia định trách móc thì con dâu họ bảo:

- Thím hay nhỉ! Mẹ cháu đi Hà Nội chơi với anh cả. Ba hôm rồi có về đâu mà thím trách mẹ cháu không coi em giúp.

Mồ hôi túa như tắm, tay chân lẩy bẩy, bụng bảo dạ: không lẽ đêm qua mình gặp ma? Bà sợ hãi lật đật ra về, ngọng miệng kinh hãi không dám kể với ai nửa lời. Trời lất phất mưa, lạnh cuối giêng ngấm vào da thịt, quần áo còn đang lấm lem bùn đất, vừa vào tới ngõ, mẹ chồng Cúc gặp người đàn bà lạ chỉ vào mặt:

- Con bà chết đuối dưới ao kia kìa...

Ánh mắt sương khói, bóng ảo chập chờn. Mẹ chồng Cúc chợt gai người như bị xui khiến, vội nắm lấy tay người đàn bà lạ, bàn tay người ấy lạnh như dọc khoai thối. Bà vội buông tay, thấy con mình nằm dưới ao, chạy xuống vớt không thấy con mình đâu nữa... Rồi còn nhiều hiện tượng quái lạ, gặp nhiều rồi quen nhàm, coi là bình thường.

Minh họa:Tô Chiêm.

Nhà đông con một tay bà tảo tần, vượt qua bao nhiêu trận đói. Nhiều khi tới tuần tiết bà cũng chẳng hương khói cúng cấp gì. Thằng bé út lên cơn đau bụng, đi trạm xá, lại đem về, cô y tá bảo không tìm ra bệnh... Bực mình, cùng đường, bà rút dao chém phập vào cột lạt, gằn giọng:

- Muốn sống thì để con bà khỏi bệnh. Nó khỏi bà sẽ cúng tạ, còn nếu không bà cũng sẽ trừng phạt tới nơi tới chốn. Ma bắt cũng phải xem mặt từng người nhé!

Nói rồi bà giã nước tỏi phun khắp nhà. Tự nhiên thằng bé khỏi lại ăn lại chơi... Vài đêm sau lúc ngủ bà nằm mộng thấy người đàn bà ngồi ngay đầu giường mình, mặt buồn rười rượi trách rằng:

- Nói lời mà không giữ lời, ăn ở thất tín.

Tỉnh dậy bà lạnh toát mồ hôi, giật mình nhớ tới lời hứa lễ tạ nếu con trai mình khỏe mạnh. Vội vàng chạy ra chuồng gà, bắt con gà mái duy nhất trong nhà đem giết thịt, lật đật chạy đi mua chịu vài bò gạo nếp về thổi nồi cơm nếp, xong ra vườn vặt mấy quả dưa chuột, bà hối hả đến nỗi gai chà rào trong vườn móc toạc manh áo cộc mà cũng không biết. Nhớ ra nhà còn năm hào cuối cùng, liền chạy ù ra chợ mua đáp giấy tiền. Bà thành kính, xếp hết lên mâm, đặt giữa trung thiên thắp hương thành tâm khấn vái. Lễ bạc tâm thành. Đêm chẳng mơ mộng gì nữa mà thằng cu con khỏe mạnh hay ăn chóng lớn như thường.

Cái đận ấy ông nhà bà còn đi thuyền lương thực, đoàn thuyền chở gạo bị bom nổ chết hết, duy chỉ có thuyền ông tự dưng bị hỏng bánh lái, neo thuyền lại sửa thì thoát chết. Hú hồn hú vía, đêm bà  nằm mộng thấy người đàn bà ấy hiện về cười mà rằng: "Không có ta cứu mạng thì chủ nam chết hôm nay rồi nhé!". Tỉnh dậy nghe tin đoàn thuyền bị nạn, chồng mình may mắn thoát chết, mẹ chồng Cúc càng sợ và tin tưởng tâm linh thành kính hơn. Từ đấy trở đi tư rằm mùng một bà đều cúng bái một cách tươm tất.

*

Người ta bảo cái ao nhà chồng Cúc sâu lắm. Các cụ truyền lại, ngày xưa nơi đây các chú Khách sang buôn bán bên nước Nam bị đắm tàu. Nơi đây lại là vùng cửa biển, một miền chân sóng với quá trình lập ấp khai khẩn gần năm trăm năm. Dấu tích vẫn còn những vỏ sò vỏ ngao nằm trong đất khi người ta đào móng làm nhà.

Chuyện chạm bóng chạm vía khi đi qua ngõ nhà mẹ chồng Cúc cũng đầy những sự lạ. Chị Mít gái xóm Cầu, xinh, giòn, mắt đẹp, tóc dài, da trắng như sắn bóc, gặp ai cũng tươi tắn vồn vã. Đêm hội làng Mít thường làm trai làng ngơ ngẩn bởi những làn điệu chèo ngọt như mía lùi. Chồng chị là lính huyện đội, hay trốn về với vợ. Ông cả Đang bố chồng chị đức độ, nghiêm cẩn nhất dòng họ Đinh trong vùng. Người ta đồn rằng quan mãnh tổ họ Đinh là bóng thiêng cả vùng miền. Ngài đã từng theo nghĩa quân cụ Phan Bá Vành dẹp loạn. Ngài lập nên bao công trạng và bị tử nạn nơi cửa sông Sò. Nhưng danh tiết của ngài thì lừng lẫy vùng cửa sóng.

Ấy thế mà không hiểu sao, sau cái chiều chị Mít về thăm nhà ngoại có qua ngõ nhà mẹ chồng Cúc, tới nhà tâm tính thay đổi hẳn. Chị nguýt ngao xì xồ thứ tiếng mà người ta nhận ngay ra không mang âm hưởng người Việt. Đêm Mít đuổi chồng khỏi giường, ngồi dậy búi tó suối tóc dài tha thướt, vừa cười vừa hát khúc hát của người Triều Châu. Thấy sự lạ ông Đang liền quát to:

- Đêm hôm khuya khoắt, con này bị dở hay sao mà lảm nhảm những điều vớ vẩn gì thế?

Mít trợn tròn hai con mắt và đáp lời cha chồng:

- Ngộ xa quê lâu rồi! Nhớ nhà quá... giờ gặp cô em xinh đẹp này đi qua muốn kết nghĩa phu thê...

Nói xong, cười hăng hắc như ma ám... Rồi lại ngúng nguẩy đôi tay giống những chú Khách sang quẩy bồ bán thuốc Bắc ở chợ huyện.

Ông Đang gai người, bấm đốt ngón tay, nhận ra dâu mình trúng tà. Ông ra ngay bụi dâu đầu hồi chặt một cành, tuốt lá cuốn vó rách định vút vào con dâu, nhưng chồng Mít thấy lạ, xót vợ liền gạt tay bố ra:

- Thầy đừng đánh nhà con! Cô ấy đang có mang. Cơ sự thế nào để con tính. Con sẽ đưa cô ấy đi bệnh viện để chẩn đoán tâm thần xem sao.

Suốt đêm gã ma ra chiều thích thú. Không đừng được nữa, ông Đang liền hương hoa ra từ đường họ Đinh kêu xin quan Mãnh tổ.      

Trăng thanh gió mát, hàng ngâu in bóng trước sân từ, ông Đang khăn xếp áo lương, nghiêm cẩn thắp hương kêu xin. Đài âm dương xoay tít. Đài thứ nhất cười. Tiền cười là tươi là tốt. Đài thứ hai quan Mãnh tổ nhận lời ngay. Hai đồng âm dương réo lên và nhập vào nhau. Ngài đã bằng lòng. Dưới ánh đuốc rực sáng ông Đang bị ốp đồng, vung roi dâu chỉ vào mặt kẻ đã nhập vào Mít:

- Đất có Thổ công, sông có Hà bá. Mày là bọn ma Khách đã từng kiếm cớ sang đất chúng tao kiếm ăn. Chết mất xác xứ người, không biết thân phận, hồn không thoát mà còn giở thói trêu hoa ghẹo nguyệt. Ông thì đánh cho tơi tả vong linh bỏ đi tà khí mà xéo về nhé!

Ông rút roi mây quật tới tấp vào lưng kẻ nhập vào Mít, rồi cầm bát nước tỏi giội thẳng vào đầu. Chú ma Khách quằn quại kêu xin liền bị đuổi ra khỏi ngõ lấy gạo muối tống tiễn. Trước khi cất bóng hắn còn đấm vào ngực, luyến tiếc thống khổ... Mít chạy ra đầu ngõ bật khóc, nằm vật xuống, chẳng biết gì nữa. Sáng mai mọi người tới hỏi thăm Mít chỉ lắc đầu, không nhớ gì cả. Nghe kể chuyện ai cũng  lắc đầu lè lưỡi cho là kì dị quái đản.

Đàn bà con gái có nhan sắc qua ngõ nhà mẹ Cúc đều bện vào vạt áo củ tỏi trừ tà.

Cứ u u linh linh qua lời kể, kẻ có duyên thêm thắt làm câu chuyện sống động. Cúc về làm dâu nghe lời đồn thổi dệt như huyền thoại quanh nhà mình.

*

Mùa ngâu qua, nhưng bão tháng tám vẫn làm sông và ao làng đục ngầu phù sa. Người lớn trẻ con đem vó vào tận sân nhà để bắt cá. Ngồi ngay trên thềm nhà cũng bắt được con trắm đen ngược nước, to ơi là to. Cá rô cù to như nửa bàn tay rạch nước chạy đầy sân thích ơi là thích. Trời vàng óng như tơ, dải mây hình rẻ quạt cuốn trong mỡ gà.

Không gian bừng sáng lạ lùng như cơn bão tơ hồng sắp buông xuống thế gian. Khốn khổ cho Cúc, bước chân vào nhà chồng, cô dâu phải xắn cao quần thì thụp lội qua khoảng sân mênh mông nước. Trời không mưa mà mặt ao cứ sôi lên lục bục, từng đám bèo tây bị lật úp lên. Vài cụ già tinh ý lẩm bẩm :

- Quái lạ! Không biết có chuyện gì nhỉ? Sao mặt ao lại sôi lên trong ngày đám cưới của vợ chồng nó nhỉ?

Nước cuốn tơ hồng, vướng vào váy áo của Cúc.

Bão tơ hồng đúng là quết một vệt tai ương. Mười năm chồng Nam vợ Bắc, Cúc tảo tần việc nhà chồng nuôi dạy con thơ cho chồng yên tâm xứ người. Thế mà tai ương ập đến, chồng Cúc đã  không về sau cơn bạo bệnh. Cúc chết ngất trong tay mẹ chồng. Đôi mắt bà đỏ mọng, nhìn như hút vào vạt bèo cái biếc xanh trên mặt ao. Bà lẩm bẩm điều gì chẳng ai biết được.

Trăng mùa đông gầy úa, sương muối héo những vạt hành đang xanh tốt, Cúc buồn rũ bên thềm nhà. Sương đầm tóc rối, sương làm nàng sởn lạnh. Tiếng cá hớp trăng bì bõm ao sâu càng làm Cúc tê tái. Bao đêm nàng ngồi bên thềm lạnh. Nàng muốn nhao mình xuống ao cho yên phận nhưng vì con mà Cúc phải gượng mà sống.

Mẹ chồng Cúc dạo này lẩn thẩn hay sao mà từ sáng tới chiều bà luôn lẩm bẩm tính toán như có điều gì hệ trọng.

Anh giáo Hoạt hay vào nhà Cúc chơi. Nghĩ tình đồng nghiệp Cúc tiếp đón, nhưng chẳng vồn vã. Nàng thờ ơ trước ánh nhìn đắm đuối, câu nói vu vơ của giáo Hoạt. Kẻ ác miệng trong làng bảo anh giáo bị vợ bỏ. Gần mười năm gà trống nuôi con cho vợ tung tẩy phía Nam. Muốn đem ra tòa cũng không được vì anh ngoan đạo lại sợ rút phép thông công. Mà bà nhạc anh lại là người khôn lanh mưu lược ở giáo họ. Đố anh giáo thoát khỏi tay mẹ con bà, lúc nào bà cũng xoen xoét mồm là bù trì cho rể. Dù con gái bà có không về thì anh giáo Hoạt cũng suốt đời làm tù nhân cho gia đình bà.

Giáo Hoạt thường lên lớp muộn. Bìa đậu phụ, mớ rau úa vàng, vài lạng thịt mỏng teo, trong giỏ xe, khuôn mặt ngơ ngác bước vào trường học. Đồng nghiệp thở dài chép miệng. Cám cảnh. Chưa mồ côi vợ mà góa bụa. Giáo Hoạt cứ lặng thầm trong bạc bẽo, bên mưa nắng cuộc đời. Mọi người nhắc khéo, Hoạt làm ngơ, họ chủ động giúp Hoạt thoát khỏi tai ương thì anh mủi lòng. Bạn bè đồng nghiệp muốn anh và Cúc rổ rá cạp lại cho đỡ hiu quạnh. Mưa dầm thấm lâu, Hoạt xiêu lòng. Nhưng Cúc vẫn dửng dưng trước lời gán ghép của đồng nghiệp.

Chiều buông tự lúc nào, Cúc uể oải đạp xe về. Vừa tới ngõ Cúc đã nghe tiếng của người đàn bà xứ đạo:

- Bà dạy dâu khéo nhỉ? Chồng chết chưa yên mà nó đã léng phéng với rể tôi. Tôi báo cho bà biết nhé! Liệu mà biết cách rút lui sớm không có không yên với tôi đâu? Bà biết tiếng tôi rồi đấy...!

*

Cúc cúi gằm vào ngõ trong ánh nhìn tò mò và xa xót của mẹ chồng... Không một tiếng mắng nhiếc, coi như chẳng có gì xảy ra. Chỉ biết rằng sau buổi ấy mẹ chồng nhìn Cúc bằng ánh nhìn lạ lắm. Bà không ngồi cầu ao như mọi bận mà lại chậm chạp đi dọc quanh bờ ao, nhìn hút vào đó như đo đếm tìm kiếm một phận số như đã được an bài. Thế mà sáng hôm sau dân xóm Cầu sửng sốt khi hàng đoàn thuyền chở cát lũ lượt đậu kín bến sông nhà mẹ chồng Cúc. Rồi lũ lượt bao nhiêu xe công nông chở đất xếp hàng như một công trường lớn, lần lượt đổ xuống lấp cái ao năm sào. Cát ngấm nước, mặt ao sôi lên sục đỏ ngầu như màu máu... Mọi người đi qua tháy lấp ao lạ cũng đều đứng lại xem.

Mẹ chồng Cúc không nói lời nào, khuôn mặt nghiêm lạnh khiến dâu con trong nhà cũng phải sợ. Thế rồi ao lấp đầy được san phẳng thành khu đất rộng mênh mông. Con lợn nuôi trong chuồng được vật ra làm thịt tế cáo trời đất và Thổ thần, chỉ vàng cuối cùng trong ruột tượng cũng được lấy ra, kể cả đôi khuyên tai vật bất li thân từ khi mẹ chồng Cúc đi lấy chồng cũng được gỡ ra nốt.

 Sau tuần hương khói tế cáo trời đất, mẹ chồng Cúc chậm rãi gọi các con lại bằng giọng khàn khàn:

- Cả đời mẹ làm lụng bòn nhặt chắt chiu, không tham lam dù chỉ là một đồng kẽm. Các con đã khôn lớn, có bát ăn bát để, chỉ khổ nhất cho con Cúc vì chồng nó vắn số. Con nó côi cút không nơi nương tựa, mẹ sợ một mai mình nằm xuống ai sẽ là người lo cho nó. Mẹ gắn bó trên mảnh đất này, bao nhập nhoạng âm dương. Mẹ không sợ ma mà chỉ sợ những ma mãnh của người đời. Hôm qua mẹ vợ anh giáo Hoạt qua đây chửi bới. Mẹ mất ngủ suốt đêm và quyết định sẽ lấp cái ao nhà mình để biến thành vườn thổ cho cái Cúc đi bước nữa. Nó không còn là dâu mà sẽ thành con gái mẹ - Cố gắng hết sức nói ra câu đó, bà mệt nhọc ngồi thở - Mẹ cũng đã dò hỏi kỹ về anh giáo Hoạt. Anh ta cũng tử tế, sau này con đi bước nữa với người ta thì cháu nội mẹ cũng không phải rơi vào cảnh cha ghẻ con vợ...

                        *

Con vện sủa nhặng đầu ngõ.    

Trời đẫm sương, tiếng gà uể oải trễ nải trong buốt giá, Cúc còn ôm con trong chăn đã nghe léo xéo ngoài cổng:

- Mẹ con cô giáo đã dậy chưa đấy?

Cúc hốt hoảng buông con khi nhận ra giọng nói của mẹ vợ Hoạt.

- Lạy Chúa tôi! Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ tôi chưa bao giờ nằm mộng như đêm qua - Vừa nói vừa làm dấu thánh, bà ta kể tiếp - Tôi thấy chồng cô hiện về. Chú ấy buồn lắm, mắng tôi té tát, sao lại cản trở tình duyên của cô với con rể tôi. Tôi tỉnh dậy, thấy áy náy vô cùng liền đến đây sớm. Thôi thì tùy cô và thằng Hoạt định thế nào thì định. Sao cho trong ấm ngoài yên ...

Người đàn bà nanh nọc, khuôn mặt bè bè giờ nghệt ra đến tội nghiệp.

Mẹ Cúc ứa nước mắt nhìn dâu thương cảm.

 Nước mắt rơi lã chã, Cúc chạy ra ngoài ngõ nhìn lên bầu trời từng vệt vàng sáng, trời như tơ khói buông rủ, Cúc nhìn xuống bụi tơ hồng vàng ươm đang bện chặt vào nhau... Gió cuốn, cát bay mù mịt trên chiếc ao vừa lấp. Còn bao nhiêu ao thông mạch nước ngầm ra cửa biển vẫn ngày đêm âm ỉ như ao nhà nàng. Lòng Cúc chợt dịu đi, những cơn bão tơ hồng và vệt xoáy ao từng làm nàng mất ngủ bao đêm.

Quá khứ đã được chôn vùi dưới ba tấc đất.
Truyện ngắn của Lê Hà Ngân
.
.