Bạn không thân

Thứ Hai, 26/05/2014, 08:00

Công ty của Giản chính thức "khai tử", Giản đâm ra rảnh rỗi. Một hôm, sộc vào tận xưởng của mình, Giản giục: "Ông lười bỏ mẹ, vẽ đi chứ. Tôi vừa bán được ba bức. Bí tiền, tôi tiêu hết rồi. Ông ghi nợ vào, sau này khấm khá, tôi trả"...

Vợ bù đầu trong đống chăn chiếu đang giặt nhưng vẫn hớn hở: "Em đưa cho anh Giản mang về treo bên phòng khách rồi". Mình ngồi phịch xuống ghế nhựa, mồm há hốc, tay vỗ đùi ben bét: "Tại sao lại đưa cho Giản? Thế có chết không". Điên hay sao mà treo bức "Bạn tôi" ở phòng khách? Treo tranh là phải theo phong thủy. Không phải bạ gì cũng gắn lên tường. Không khéo thành họa. Nhất lại là cái chân dung ấy, mình vẽ Giản trong khoảnh khắc hắn chống chếnh nhất, hoang mang nhất trước dự cảm đổ vỡ. Hôm ấy là ngày Giản gỡ bức "Thời gian" xuống, nói như thánh xui: "Tôi ngẫm rồi ông ạ. Thời gian là con dao hai lưỡi. Nó khiến người ta quên thứ cần nhớ và bắt người ta nhớ thứ phải quên. Thôi, treo thế đủ rồi, thay bức khác lên. Nỗi buồn đau, thất vọng phải được quên đi'.

Tranh của mình chẳng bán được cho ai trong cái thời buổi kinh tế đang xuống dốc thế này. Nên mới dễ dãi. Tranh tôi, ông thích treo bức nào thì treo. Giản cứ đúng chủ trương ấy mà làm. Nay hắn treo bức này, mai hắn đổi bức khác. Quanh đi quẩn lại có mấy bức mình vẽ từ hồi mới ra trường. Chứ sau ngày cưới vợ, vẽ vời gì nữa. Giản là dân xây dựng nhưng lại có cách đánh giá về tranh rất tinh đời. Giản hay tự hào giới thiệu tranh của mình với bạn bè, đối tác. Ngược lại, mình thường chua chát khi tự giới thiệu: "Chỉ có thông cống, thụt toa lét là đây chưa làm thôi...".

Cái xưởng vẽ trong trí tưởng tượng thời mộng mơ của cậu sinh viên Yết Kiêu biến thành xưởng quảng cáo, nhôm kính. Mình còn sắm vai thợ điện, thợ nước, thợ mộc, cơ khí, bảo trì bảo dưỡng, trang trí nội thất, lễ hội... Hai thằng cử nhân em vợ và một đứa cháu họ đang thất nghiệp là nhân viên. Cộng với vợ, cô thợ may không sống được bằng đường may gia công. Ấy thế, trong lúc hơn mấy chục nghìn doanh nghiệp lớn bé khắp cả nước phá sản thì cái tổ hợp kinh tế gia đình nhỏ gọn của mình lại có hiệu quả. Phòng khách nhà mình được tận dụng để chứa vật liệu, nhôm kính, đồ gốm sứ phong thủy, bóng đèn, dây điện…hết cả. Tường toàn gỉ sắt bám vàng cạch. Cả phố chả ai biết mình là họa sĩ. Họ chỉ biết mình dưới cái danh, phó "quảng cáo". Thế thôi, nếu không có Giản. Mình còn chẳng nhớ mình là họa sĩ chứ nói gì thiên hạ.

Thì đấy, tranh để trong xưởng, ở chung với biển quảng cáo, còn không giá trị bằng biển quảng cáo. Cứ treo trên tường, phòng khách, hay phòng làm việc của công ty Giản một thời gian là lại nhúc nhắc bán được. Thế là có động lực để vẽ. Nói tiền là động lực sáng tạo nghệ thuật thì không đúng. Nhưng nghệ thuật là thế, nếu thiếu sự cổ vũ, khích lệ, sẽ chẳng có kiệt tác nào cả. Giản có hỏi: "Dạo này ông tranh pheo thế nào?". Mình lại qua quýt: "Vẽ vời gì đâu".  

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Hai đứa thân nhau như hình với bóng từ hồi bé tý. Khoảng sân rêu nhà Giản là nơi mình dùng que vẽ xuống đủ mọi hình thù. Chốc chốc, cậu họa sĩ tí hon lại vứt "bút" chạy đến góc sân để xem công trình xây dựng bằng cát và đất sét của anh bạn kĩ sư đến đâu rồi. Cái ngõ dài hun hút nhà mình cũng là nơi ghi dấu ấn đậm nhất hai đứa thuở thiếu thời. Bác đưa thư, để tránh cái biệt thự bằng gỗ vụn và phoi bào của Giản mà phóng xe đạp vào bức tranh quang cảnh trường em của mình, kẹp ngang cây phượng già mà mình kì công vẽ cả những chùm hoa...Lớn lên, đứa theo ngành xây dựng, đứa hội họa. Ra trường cùng về thành phố trung du quê nhà. Việc thằng nào thằng ấy làm.

Khi lập phường mới, chính quyền cắt đất bán, cả hai vay mượn họ hàng mua đất ở liền nhau. Sau đó lấy vợ, xây nhà. Nhà Giản cao ba tầng, ở đã thoải mái, còn có chỗ treo tranh của mình. Nhà mình cũng bấy nhiêu mà chật chội quá vì lủng củng vật liệu và cả chục con người chen chúc.

Giờ thì Giản đầu bù tóc rối, phờ phạc y như bức chân dung mình vẽ hắn trước đó. Công ty của Giản đang trên bờ vực phá sản. "Trăm sự là do vốn mình ngắn ông ạ. Mà ngân hàng bây giờ thì… chịu chết không cạy thêm được đồng nào. Nội ngoại cũng điêu đứng vì tôi rồi".

Gia sản của mình có hai chục bức sơn dầu. "Ông đem về mà treo, bán được bức nào thì bán, không phải đưa tiền cho tôi nữa đâu". Nói thế là vì trước đó, Giản nhí nhách bán được năm bức. Bán được là Giản đưa tiền cho vợ mình ngay. Giản biết, lương phòng văn hóa của mình chỉ vài ba triệu nên mới phải tối mặt tối mày với biển quảng cáo. Mình làm quần quật, mỗi đêm chỉ ngủ vài ba tiếng nên mặt hốc hác, râu ria tua tủa, trông già khọm, chẳng giống cái tuổi "đương xoan" tí nào. Không thế, sao cáng đáng nổi hai bố mẹ ốm yếu ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà và một cô em bại liệt?

Thấy mình đề xuất thế, Giản ngần ngừ một lúc rồi cũng ôm tranh về. Hắn đã ôm cả hai chục bức về rồi mà nay còn sục sạo lấy nốt bức "Bạn tôi" là sao? Thú thật, bức ấy nom "ảm đạm" lắm, nó không chỉ là chân dung của những ông chủ sa cơ lỡ vận như Giản, mà còn là chân dung của một nền kinh tế đang suy thoái. Bây giờ người ta treo tranh là treo tên tuổi, danh tiếng của họa sĩ để khẳng định đẳng cấp của mình, chứ không phải là treo tác phẩm. Một họa sĩ làm đủ việc thượng vàng hạ cám như mình mà bán được tranh, kể như đời cũng ưu ái lắm rồi.

Công ty của Giản chính thức "khai tử", Giản đâm ra rảnh rỗi. Một hôm, sộc vào tận xưởng của mình, Giản giục: "Ông lười bỏ mẹ, vẽ đi chứ. Tôi vừa bán được ba bức. Bí tiền, tôi tiêu hết rồi. Ông ghi nợ vào, sau này khấm khá, tôi trả".

Cứ như hắn ép buộc người khác phải đam mê thay hắn không bằng. Của đáng tội, tên tuổi mình xếp vào hàng "mờ mịt", tranh của mình liệt vào hàng "khó bán". Vì theo như nhiều bậc cha chú an ủi thì mình "còn phải cố nhiều". Mà cũng lạ, cứ vào những lúc mình lười nhất, nản lòng với nghệ thuật nhất thì Giản lại bán được tranh. Mình lại được "lên dây cót" kịp thời. Năm bức đã thanh toán. Ba bức bốn triệu chưa thanh toán, bảy bức mới bán…. Vợ lấy cuốn sổ con, tẩn mẩn ghi vào rồi thủ thỉ vào tai chồng: "Anh Giản bảo, bán cho mình tổng cộng thêm bảy bức nữa là tròn mười bức đấy. Cũng có một món rồi, bao giờ có tiền anh ấy đưa". Mình gắt vợ bằng cái giọng mừng mừng: "Mình thì lúc nào cũng tiền, tiền… Được bảy bức nữa thật à?". "Vâng, anh ấy vừa khoe mà, có ông Việt kiều mua liền bảy bức đem về tận Pari. Anh ấy còn bảo em tạo điều kiện để anh sáng tác. Sợ không đủ tranh cho khách chọn nên em mới khai ra cái bức "Bạn tôi". Em tính, mình vẽ tranh còn lãi hơn làm biển quảng cáo, mà cũng đỡ nhọc".

Ra thế. Mình phấn khởi hẳn. Đến cái ông cựu chiến binh già có bài thơ lần đầu đăng báo Người cao tuổi được sáu chục nghìn nhuận bút còn vác đi khoe khắp phố kia. Huống hồ… Khuya rồi, mình vẫn lui cui pha mầu. Không trừu tượng nữa. Vẽ theo thị hiếu của các bác khỏe tiền thôi. Rẻ cũng được. Cái biển quảng cáo còn bị treo nợ chứ mấy ai treo tranh nợ bao giờ. Chẳng thế mà Giản bảo: "Ông mà không vẽ, cảm xúc nó chai lỳ và khô kiệt đi, sau này không tìm lại được đâu". Chí lý thật. Thay vì cả năm chả cầm đến cọ. Thay vì lúc có cầm cọ cũng như cầm kìm, cầm tô vít, giờ mình tìm lại được bàn tay mềm mại đam mê của nghệ thuật.

Mình vẽ trong niềm hưng phấn tột cùng vì tranh của mình đang có khách mua, khách có thích mới bỏ tiền ra mua chứ. Mình vẽ để giúp bạn. Và vẽ để khẳng định mình. Những nguồn động lực ấy khiến tranh của mình có hồn hơn thì phải. Hai người hăng hái treo tranh lên kín cả tường nhà Giản. Bất chợt, Giản tỉnh bơ: "Gia đình tôi dọn về ở với ông bà già một thời gian ông ạ. Cái nhà này tôi cho họ thuê làm nhà hàng với điều kiện vẫn để lại tranh của ông ở trên tường. Nó trả trước một năm cộng với tiền đặt cọc, tôi có một món trả lương anh em, cũng đỡ áy náy ông ạ. Thua keo này ta bày keo khác. Ông cứ vẽ rồi đem sang treo".

Giản cho người ta thuê nhà thật. Lòng mình hẫng hụt, chơi vơi dù đã phần nào định đoán trước mọi việc. Mình cảm giác chính bản thân mình đổ vỡ, chính bản thân mình thất bại. Bố mẹ Giản sẽ thế nào? Vợ con Giản sẽ ra sao? Hằng trăm công nhân nữa chứ. Mình đứng lặng người trong phòng khách nhà Giản, giờ đã được bày biện bàn ghế, tủ lị… chờ ngày khai trương. Mình tính toán: "Nếu tôi gỡ tranh ra khỏi tường thì anh trả tôi thêm bao nhiêu?". Gã thuê nhà dường như tính trước cả mình. Giọng hắn vuông vắn: "Tranh của bác à? Thú thật, em chả hiểu gì cả. Bác dọn đi thì còn gì bằng. Em trả thêm hai triệu một tháng. Cái bác chủ nhà cứ dứt khoát phải bắt em để tranh lại đấy chứ. Khách khứa vào đây là để say sưa, chả ai xem tranh đâu, mà treo đầy ra thế này, tối nhà lắm".

Mình mang hết tranh về nhà, chất vào một góc kín đáo trong xưởng. Nghe điện thoại của mình, Giản khùng lên: "Ông vớ vẩn thật đấy, đã bảo thế rồi", rồi lại dịu giọng: "Mà thôi, ông đừng có tủi đấy nhá, để sau này kiếm một không gian khác bày cho hoành tráng. Nghệ thuật là phải có không gian xứng tầm. Ông cứ trừ đi số tiền tôi bán tranh cho ông. Còn bức chân dung ông vẽ tôi thì tôi xin làm kỉ niệm". Mình không giữ lại đồng nào cả. Những bức tranh còn lại của mình, nếu bán được, cũng sẽ gửi tất cho Giản. Sau này cũng vậy. Đến khi nào Giản khá lên mới thôi.

Bây giờ thì…không biết điều gì đã khiến mình không nghĩ thế nữa. Những cuộc triển lãm ở khu vực và toàn quốc mà mình mạnh dạn tham gia đã cho mình chút tiếng tăm với những tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao. Họ nói tranh của mình có chiều sâu và tư duy hợp thời. Những bậc đàn anh trong làng hội họa đều ngạc nhiên về sự bứt phá ngoạn mục của mình. Họ bảo thời hoàng kim của hội họa đang dần dần trở lại. Vốn đã bận bịu, giờ sự nổi tiếng lại càng làm mình bận bịu. Mỗi lần mình nghe điện thoại, vợ đứng sát cạnh để kịp thời tác động vào ông chồng tính hay cả nể một câu bất hủ: "Không có vay mượn gì đâu đấy!".

Cũng chỉ tại nghèo lâu quá rồi, giờ giầu mới rụt rè gõ cửa. Mà năm nay, bạn bè của mình, những người làm kinh doanh "chết" như ngả rạ, anh nào còn sống thì cũng ngắc ngoải. Gần đây Giản có gọi một lần, giọng ngập ngừng như có chuyện gì đó hệ trọng lắm. Kẻ bị phá sản thì còn việc gì hệ trọng hơn tiền. Hiểu ý vợ, mình vội vàng: "Tôi bận lắm ông ạ, để tôi gọi lại sau". Đương nhiên là mình bận đến nỗi không thể gọi lại.

Vợ, kể từ khi thấy tranh của chồng có bức bán được cả dăm triệu đồng thì tiện ai cũng suýt xoa, kể lể. Rằng dạo trước chồng mình có anh bạn thân bán tranh cho. Bức nào cao nhất được hai triệu, còn thường thì chỉ có một triệu cho bức sơn dầu to gần bằng cái phên giậu. Mà cũng chỉ có năm bức đầu tiên có tiền, còn hằng chục bức về sau, anh ta bí tiền, bán được đến đâu tiêu luôn đến đó. Có người nghe vợ mình kể thì bất bình: "Bạn bè kiểu gì vậy, có khi hắn còn kiếm lời trên công sức của anh cũng nên". Mình ngại ngùng, đính chính: "Bạn, nhưng là bạn không thân lắm".

Đối với vợ, bạn hay bạn thân, cũng chẳng để làm gì. Chẳng thế mà hồi cưới xong, trong tiệc lại mặt, một thằng bạn nửa đùa nửa thật: "Bữa rượu này ông mời để chia tay anh em bạn hữu luôn phải không? Hy vọng ông không phải chia tay hội họa".

Đúng là sau cái bữa "lại mặt" ấy, bạn bè lánh xa mình hết cả. Họ bảo "giàu vì bạn, sang vì vợ, cái con vợ thằng Huấn, hãm bỏ mẹ". Chỉ còn Giản hiểu mình, ở bên mình, nghe mình giãi bày: "Chổng mông lên kiếm tiền đắp chỗ nọ, thủng chỗ kia, quanh năm giật gấu vá vai thì sang với ai, bạn bè kiến giả nhất phận, ai cho ai cái gì mà giàu? Bạn và vợ, đâu có dễ để chọn cả hai bao giờ?".

Một lần, ngà ngà rượu, như thể không làm chủ được, Giản buột kể một câu chuyện đại khái thế này: "Một ông chồng giầu có, trong phút lâm chung, vợ hỏi thèm gì để cho ăn. Chồng bảo, chỉ thèm bạn. Bà ta ra đường, gặp ai cũng hỏi. Anh có phải bạn của ông lão nhà tôi không? Ai cũng lắc đầu. Bà vừa đi vừa lẩm bẩm: Thèm bạn à, gì không thèm lại thèm thứ hiếm thế không biết. Bỗng một con sáo ở đâu bậu lên vai bà cất tiếng nói "thèm bạn, thèm bạn". Bà ta nghĩ con sáo cũng thèm bạn như chồng mình bèn mang con sáo về. Nghe con sáo lắp bắp "bạn bạn", ông chồng ứa nước mắt rồi thanh thản ra đi. Bà vợ ngạc nhiên hỏi con sáo: Mày là bạn của chồng tao thật à? Con sáo chả nói gì, bay vút đi".

Bây giờ người kể chuyện là mình. Câu chuyện khi mình hoàn toàn tỉnh táo chứ không phải như Giản lúc say sưa. Chuyện thế này:

"Anh họa sĩ nọ thoát khỏi cái số nghèo khổ bám theo suốt một thời gian dài. Anh dẹp cái nghề quảng cáo và sửa sang tòa nhà theo đúng ý tưởng kinh doanh mới. Tòa nhà ba tầng của anh trở thành xưởng vẽ và chép tranh sơn dầu chuyên nghiệp lớn nhất khu vực với sự cộng tác của đội ngũ họa sĩ được đào tạo bài bản và có tay nghề. Tại xưởng vẽ của anh, khách hàng có ngay bức tranh phong thủy theo yêu cầu với giá rẻ nhất và sự tư vấn tốt nhất. Sản xuất và chép tranh hàng loạt theo đơn đặt hàng…Đã đến thời của những người làm nghệ thuật bằng tư duy đổi mới nhanh nhạy rồi. Quay cuồng bận bịu với công việc mới, vai trò mới, hầu như anh không còn dịp để nhớ đến người bạn thân thuở nào.

Một hôm, gã chủ nhà hàng thịt chó khệ nệ bưng sang một cái thùng caton, miệng liến thoắng: "Em thấy cái này trên gác ba. Chỉ có là của bác gửi. Dạo này chuột bọ như giòi. Em sợ nó cắn hỏng hết nên đem sang, chứ em chả hẹp hòi gì. À tiện đây, cũng khoe luôn với hai bác, em vừa mua xong cái nhà của bác Giản rồi. Đời người lên voi xuống chó chả biết thế nào bác nhỉ. Mấy hôm nữa bác ấy mới đến để dọn đồ đi.

Vợ lập tức nhao lại kiểm tra cái thùng. Ái dà…vẫn còn nguyên mười lăm bức tranh. Tưởng là chúng đã đi khắp nơi, đến tận Pari rồi cơ. Vợ đưa cả hai tay lên chống hông, thở hắt ra từng chặp, tức tối như kẻ bị lừa đảo. Để dưới đáy thùng nên chân dung anh bạn "không thân lắm" bị chuột xơi nham nhở gần hết khuôn mặt, chỉ chừa lại đôi mắt buồn thăm thẳm. Đôi mắt ấy nhìn…mà như chẳng nhìn ai"

T.N.H.
.
.