Bàn chân lấm đất

Thứ Sáu, 29/05/2015, 08:01
Họ nhà tôi cứ mỗi chi lại có một người không lấy chồng. Chi cụ Cả Kiên thì có bác Lý. Chi cụ Tư Hạnh thì có cô Hà. Chi nhà tôi, tức chi cụ Hai Huệ thì có chị tôi - chị Hoa. Chị Hoa hiền lành, nhân hậu, nết na, nhưng không hiểu sao... lại ở vậy! 

Quê tôi nghèo, lau trắng cũng nghèo xơ, chó chạy hở đuôi trên đồng ruộng, đất đai bạc màu, thu hoạch chả được là bao. Chị vất vả sớm hôm, đùm bọc cho tôi ăn học, bây giờ chị em cách xa. Tôi học xong đại học, công tác tại Hà Nội rồi lập gia đình, còn chị vẫn ở quê lam lũ với ruộng đồng. Từ khi bố mẹ tôi mất, chị một mình, thui thủi vào ra, đêm đêm chị trói cô đơn bằng nước mắt. Sau này chị nuôi cái Mận - đứa cháu họ - cho vui cửa vui nhà. Mảnh vườn xưa ông bà tôi để lại, chị trồng đủ thứ rau, đủ màu sắc. Màu sắc lại hẹn nhau bày ra như một bữa tiệc: Hoa cà tím tình nhân, hoa rau đay vàng mơ mộng, hoa khoai lang xanh lơi lả. Hoa mùi trắng tinh khôi. Khi bố mẹ tôi mất, mảnh vườn có thêm màu xám đơn côi: màu mắt chị. Chị bảo tôi:

- Kỵ nhật mẹ em về, đúng vào mùa rau đay trắng, chị nấu canh cua...

Chị nói. Tôi nghe. Mắt cay cay... Ngày xưa, tôi trọ học, mỗi chủ nhật về, mẹ nấu canh cua với rau đay trắng. Bát canh ngọt mãi đến giờ. Chị phủ bóng khắp nhà như khi tôi còn mẹ. Những lúc buồn, chị làm bạn cùng tay bầu tay bí. Những đám mây màu trứng sáo, những đêm trăng, có chú cuội ngồi thơ thẩn một mình, là khoảng trời riêng của chị. Tiếng mo cau rơi vào giấc ngủ, bát canh cua đưa qua dậu cúc tần là tiếng vỗ về... Thỉnh thoảng tôi biếu chị một hai chỉ vàng, chị buộc chặt vào hai ba lần vải, rồi cho vào chiếc ống bơ, chôn xuống gầm giường, phòng khi đau yếu. 

 Hôm vừa rồi, tôi về quê, mời chị lên Hà Nội dự đám cưới con gái tôi. Thấy cảnh chị lẻ loi, nói chuyện cưới xin sợ chị buồn. Ngập ngừng mãi mới dám ngỏ lời:

- Tháng sau, mời chị lên Hà Nội chơi, nhân tiện... dự đám cưới cháu...

Nghe tôi nói vậy, chị sụp xuống. Tôi đỡ chị dậy. Không biết chị mừng hay chị tủi thân? Một lúc sau, chị lấy tay lau nước mắt:

- Tại... chị mừng quá...

Lúc chia tay để lên Hà Nội, chị ra tận bến đò Trùm Dậu đưa tiễn. Bến đò này có đến trăm năm, từ lúc ông bà tôi còn sống. Bến có con còng cứ chạy nhung nhăng, thỉnh thoảng lại dơ càng lên xoa xoa, búng búng như chú hề làm xiếc, có cây gạo đứng trầm tư, nhìn xuống lòng sông dập dềnh sóng vỗ. Chia tay chị ở bến sông, thấy chị buồn, tôi  ngậm ngùi nắm tay chị:

- Kỵ nhật mẹ… em về...

 Đò sang sông, tôi nhìn về phía chị. Chị đứng như dấu lặng. Dấu lặng cứ nhòe dần trong bảng lảng màu sương khói. Khi đò đi đã xa, chị bước lên đê, liêu xiêu như bóng chiều xô dạt, như dáng mẹ tôi mỗi lần vịn gối bước lên thềm.

Từ khi biết tin đứa cháu sắp lấy chồng, chị mừng đến nỗi người gầy rộc. Sung sướng hay khổ đau đều làm cho người ta mất ngủ. Chị trằn trọc  nằm nghe tiếng gà eo óc, mắt hao gầy thức mỏi mòn đêm. Con gái tôi cũng đã đứng tuổi, chị sợ trong họ lại có thêm người không lấy được chồng như chị.

Thấy trời nắng to, chị mang đỗ ra phơi. Chị ngồi ở bóng râm cây hồng xiêm, chọn những hạt kẹ, hạt lép bỏ đi. Chọn xong một âu, chị lại đổ riêng vào chiếc tay nải. Cái Mận cũng ra chọn đỗ với bà, nó hỏi:

- Chỗ này bà để riêng ra làm gì?

- Để bà mang lên Hà Nội làm quà.

Buổi chiều, bóng cây khế che mát phía chuồng gà, chị hay ra đấy đứng tần ngần, chốc chốc lại thò tay vào chiếc ổ. Con gà mái hoa mơ đang ấp trứng. Chị đứng thừ người ra tiếc rẻ. Giá biết tin đám cưới từ sớm hơn, chị đã không cho gà ấp. Chị sẽ có thêm con gà mang lên làm quà cưới cháu. Thành ra quanh đi quẩn lại, cũng chỉ có vài bơ đỗ với nồi khoai lang...

Minh họa: Đào Quốc Huy.

Quà quê tay xách nách mang, chị nâu sồng tất tả quá giang ra tàu. Trên đường ra ga, gặp ai chị cũng hồ hởi khoe: "Lên Hà Nội dự đám cưới cháu!". Có lẽ do lòng thơ thới, chị vừa đi vừa nghe được mùi nắng thơm, nghe gió đùa nhau, chạy khắp đường làng, nghe cả tiếng hàng cây miên man hát. Chị thấp thởi bước đi trong mắt nắng nheo cười, đến đầu làng, thấy đoạn tre ai vứt lại, chị nhặt lên, treo một đầu tay nải khoai lang, một đầu túi đỗ với bị quần áo rồi gánh lên vai. Lúc mỏi chị ngồi nghỉ ở quán nước bên đường. Bà chủ quán vui chuyện:

- Bà đi đâu mà tay xách nách mang...

Như có người khuấy vào nỗi mừng vui khôn xiết, đang chất chứa trong lòng, chị cuống cuồng khoe rối rít:

- Bà biết không. Cháu tôi ở Hà Nội sắp lấy chồng. Tôi lên Hà Nội ăn cưới cháu.

Bà chủ quán xởi lởi:

- Gớm quý hóa quá.

Chị mang nỗi vui của mình, bẻ ra, chia cho bà chủ quán :

- Bà cầm lấy... Khoai lang đấy. Tôi mang lên Hà Nội làm quà...

 - Ôi... Bà thật là phúc đức.

Ngồi ở quán nước, thấy thời gian đi rất nhanh, vừa mới đứng bóng, đã lưng lửng chiều, chị chào bà chủ quán rồi tất tả đi ngay, bóng đổ dài xuống vệ đê. Bơ đỗ với nồi khoai lang, cứ lũng lẵng nhẩy múa trên đoạn tre như chú tễu. Lúc nào chị cũng đi bộ. Chưa bao giờ chị ngồi lên xe đạp hay xe máy đi đâu.

*

Chị đến nhà tôi như cơn gió đồng, như nắng quái chiều hôm. Nó vừa cũ kỹ lại vừa xa xót. Chiếc tay nải đựng quà quê, mãi tôi mới nhận ra. Chiếc tay nải này, chị khâu tay chứ không phải may máy. Mũi khâu ngoằn ngoèo như đàn kiến bò, như trẻ con chơi dung dăng dung dẻ. Bây giờ túi sách ê hề, đẹp như tranh, nhiều như nước, sao chị vẫn còn chiếc tay nải cũ kỹ? Chị đặt chiếc tay nải xuống nền nhà, rồi lại xê dịch nó. Nền nhà lát gạch men sáng choang, hoa văn đều tăm tắp, như không hợp với chiếc túi gồ ghề đen xỉn. Chị xê nó vào góc nhà. Góc nhà cũng không hợp, bởi gạch men ốp tường cũng trắng bóng. Chị lại kéo nó ra, rồi ngồi sụp xuống, như là mở túi, như là che đi... Bàn tay tần tảo đen đúa run run. Giọng chị cũng run run, giật cục, như tiếng thoi dệt mắc phải then cài:

- Mừng cháu… chị chỉ… có vài bơ... đỗ…

Tiếng "bơ... đỗ" nó rời ra từng mảnh, lên xuống theo từng cục nghẹn chèn vào cổ chị. Chị phải dừng lại nuốt nghẹn hai ba lần, rồi mới nói được vài câu đứt đoạn, đầy vơi nỗi niềm:

-  Phận chị... em biết... chị chỉ có... vậy thôi...

Nói rồi nước mắt tuôn rơi, chị như dáng mẹ xa xôi hiện về. Tôi cũng xuýt chảy nước mắt. Lúng túng mãi mới nói được một câu, cố tạo ra âm thanh dịu nhẹ, để làm vơi đi nỗi tủi thân đang dâng trào trong lòng chị:

- Chị ơi, chị cho em những gì nào?

Nói rồi tôi cầm chiếc tay nải đặt lên tủ gương. Chiếc tủ gương cũng sáng choang, phản chiếu chiếc tay nải xù xì đen xỉn, thành hai ba đống xù xì, làm chị cuống quýt:

- Ấy chết! Sao lại để lên đấy... hỏng cả tủ...

Nói rồi chị lại cầm chiếc tay nải nhìn quanh. Không có chỗ nào chứa được nó. Chị cứ thế cầm trên tay:

- Có gì đâu. Cậu ơi... Khoai ấy mà...

Nghe chị nói "khoai ấy mà", tôi lại nhớ ngày xưa... Người ta có thể quên mâm cao cỗ đầy, quên nhung lụa, nhưng không thể quên đói rét. Nhớ những hôm, chị em mót khoai mót lúa trên đồng… Buổi tối ngồi bên nồi khoai nghi ngút khói. Ăn hết khoai, chị còn vê vỏ khoai thành những viên như viên bi… rồi ăn cả vỏ! Có hôm khoai vẫn còn, chị đã ăn vỏ. Vỏ khoai là nước mắt, là đói khổ một thời.

Tôi cầm chiếc tay nải, lại để lên tủ, rồi ôm lấy chị. Mãi sau mới ngậm ngùi:

- Với ai... nó  là khoai, nhưng với em, nó là vàng ròng… chị ơi...

Nghe tôi nói vậy chị nấc lên, nhưng lại cố kìm tiếng nấc, thành ra ngực chị cứ cuộn lên từng cục, như người bị nghẹn, nước mắt, nước mũi chảy dài. Tôi nhìn chị. Người chị chỉ có da bọc xương. Mấy lần tôi mời chị lên Hà Nội để bồi dưỡng, nhưng chị cứ ngại. Suốt đời chị chả đi đâu. Lần này lên Hà Nội, cũng là lần đầu tiên, chị biết thế nào là xe hơi nhà lầu...

*                                  

Đám cưới tổ chức ở khách sạn Đại Dương. Khách sạn liên doanh giữa người Việt Nam với người Hàn Quốc. Sảnh vào trải thảm đỏ. Hành lang trải thảm nâu. Chiếu nghỉ được viền những dây kim tuyến óng ánh. Đèn màu treo thành dãy, chốc chốc lại vồng lên cuộn sóng, chạy đuổi nhau uốn lượn như nhạc nước. Lễ tân đứng hai bên, mặc quần trắng, áo dài đỏ, đội vương miện, đẹp như hoa hậu đón khách. Cổng vào được trang hoàng rực rỡ, sáng trưng như đường vào cung điện.

Tôi là người trong cuộc, tổ chức cưới cho đứa con đầu lòng, nên chưa có kinh nghiệm, lúng ta lúng túng, tim đập thình thình, tôi không còn nhớ đến chị, chị ngồi ở đâu tôi... chả biết.

Đèn tắt lịm, pháo sáng phụt lên như sao sa. Nhạc mở hết cỡ, phông màn rung lên bần bật. Người yếu bóng vía còn phải lùi ra xa lấy tay che mặt. Tôi như con rối, cứ nghe tiếng loa mà làm theo người điều khiển...  

Sau màn "đội mũ đi hia" ra mắt khán giả, là màn trao nhẫn kết hôn... màn nào cũng đèn pha chiếu vào người chang chói. Máy ảnh, máy quay phim cứ dí vào mặt, làm người tôi nóng ran. Phải đến nửa tiếng sau, mới sang công đoạn bố mẹ, dâu rể, kéo đi nâng cốc chúc mừng họ hàng bạn hữu. Lúc này tôi mới sực nhớ tới chị. Cố tìm mâm chị ngồi, để giới thiệu cho chàng rể. Nhưng đi đã vãn các bàn tiệc, chẳng thấy chị đâu, tôi đã bắt đầu sốt ruột. Nhìn về phía cuối hội trường, chỉ còn dăm bàn tiệc nữa, lác đác đã có người đứng dậy, tôi nói nhỏ vào tai vợ:

- Em nhìn bên phải, anh nhìn bên trái xem chị ngồi đâu.

 Đến khi không thấy bóng dáng chị, tôi không còn hồn vía, suýt bật khóc. Vợ tôi mắt cũng đỏ hoe, nhưng nàng cố lấy giọng bình tĩnh:

- Anh ra hành lang, em vào khu vệ sinh tìm chị.

Tôi ra hành lang tìm không thấy. Một lúc sau thấy vợ hớt hải chạy từ khu vệ sinh về:

- Anh ơi không có. Làm thế nào bây giờ?

- Thế em có sang khu vệ sinh nam?

- Em không sang, sang đấy làm gì?

Tôi bực quá chì chiết vợ nặng lời:

- Em... thật đoảng. Chị không biết... tiếng Anh. Chị vào vệ sinh nam thì sao?

Hai vợ chồng lại hớt hải chạy vào khu vệ sinh lần nữa. Kết quả vẫn không thấy chị đâu. Tôi bảo với vợ:

- Em ở lại tiễn khách, anh về nhà xem chị có về không - Nói rồi tôi ào ra cửa.

Lúc đi trống dong cờ mở, đông vui như hội, lúc về chỉ có một mình, làm tôi cứ nghĩ tới những điều mong manh, trống vắng. Nhìn hai bên đường, chỗ nào có đông người túm tụm, là lại căng mắt ra quan sát, sợ có tai nạn giao thông, sợ chị lớ ngớ... chẳng may... va phải xe cộ. Bây giờ ra đường, chỉ cần một sơ suất nhỏ, là kết thúc một phận người. Đến đầu phố, nhìn về phía nhà mình, thấy một người đàn bà đội nón ngồi ở bậc cửa. Tim tôi như thắt lại. Lạy giời người ấy là chị, chứ không phải người đi đường ngồi trú nắng.

Mới hết giêng hai, mà tiết trời đã oi bức, hiếm hoi từng ngọn gió nồm, hàng cây đứng im lìm mà lòng tôi như đang có bão, người tôi mệt đưỡn như sau cuộc giao hoan vô độ. Khi đến nơi, tôi mới nhận ra chị. Một nỗi mừng chen với nỗi đau. Nỗi đau không gọi thành tên. Nỗi đau mà không biết nó đến từ đâu? Nỗi đau như là muối xát. Tôi đến sau lưng chị, chị vẫn quay mặt đi chỗ khác. Không kìm nén được nữa, tôi ôm lấy chị òa khóc: 

- Chị ơi. Sao chị lại bỏ về? Chị... giận chúng em... đến nỗi này sao?

Chị giật mình quay lại không nói năng gì. Nhưng nhìn vào mắt chị, tôi biết chị khóc. Tôi cũng khóc, khóc như thuở còn thơ, như thuở học trò. Người chị run lên, không hiểu sao khổ đau cứ dồn về một phía, phía nước mắt! Suốt đời chị mang mùa trăng cô đơn, giờ lại mang thêm nỗi buồn tủi phận. Từng ngấn, từng ngấn dãi dầu còn hằn lên đuôi mắt. Thương quá, phải một lúc lâu, nuốt nghẹn vào lòng, tôi mới bảo chị:

- Hồi nhỏ, em với chị đi mò cua, chị bị rắn cắn... bây giờ… vết sẹo… có đau?…

Nghe tôi nói vậy, chị quệt nước mắt ngậm ngùi:

- Em hỏi thế... thì… làm sao chị giận em được!

- Chị không giận em... sao chị… bỏ về?

Chị không trả lời tôi, mà lấy tay di di lên đầu ngón chân. Đến lúc này tôi mới nhìn kỹ bàn chân chị, nó đen đúa sần sùi, có cọ rửa cũng vẫn nhem nhuốc. Đất cát ruộng đồng đã ăn lẳn vào da, nước ăn chân chị nứt nẻ, ngón cái tõe ra bập vào bùn đất, lâu ngày thành tật, cứ vẹo sang một bên. Thấy tôi nhìn vào bàn chân, chị kéo quần xuống che đi. Nhưng lam lũ thì lấy gì che được! Thương chị, tôi lấy tay xoa bóp bàn chân cho chị. Một lúc sau, thấy chị đã nguôi ngoai tôi mới hỏi chị:

- Sao chị lại bỏ về? Em có lỗi gì, chị cứ mắng, như là em vẫn còn thơ dại ngày xưa...

- Không ai yêu chị bằng em đâu, chị bỏ về...

Nói đến đây chị nghẹn lại, không nói được nữa. Mãi sau nuốt nghẹn vào lòng, chị mới rầu rĩ:

- Vì chị ngại...

Tôi cố lấy giọng ân cần:

- Chị ngại gì cơ?

Chị không trả lời tôi, mà lại lấy ngón tay, di di lên bàn chân đen đúa, sần sùi, dấu vết của lầm than... Trời ơi, đến lúc này tôi mới hiểu: Thì ra khách sạn lộng lẫy, nguy nga như cung điện. Đèn màu rực rỡ sáng trưng. Khách mời ăn mặc sang trọng như ông hoàng bà chúa. Lễ tân đứng hai hàng, đội vương miện đẹp như hoa hậu đón khách. Đường đi trải thảm đỏ thảm nâu... Bàn chân lấm đất đồng sâu ngại ngùng!

Tôi ôm lấy bờ vai gày của chị siết chặt. Đã lâu lắm rồi, có dễ đến cả chục năm hơn, hai chị em tôi không ôm nhau. Nước mắt tôi vỡ ra. Tôi nói với chị thật khẽ: "Chị ơi, em có lỗi với chị quá". Tôi dìu chị vào nhà. Ngoài sân, nắng đổ hoa trưa rơi lác đác trên giàn cây thiên lý tôi mang từ vườn của chị về trồng năm nào... 
Truyện ngắn của Bùi Nguyễn Ngọc
.
.