Ba con mèo hoang

Thứ Sáu, 13/07/2012, 10:00

Bông đưa một tay lên mồm liếm láp rồi lau mặt. Nó quào lấy quào để hai cái má phì phị, đôi mắt bên xanh bên nâu trong veo liếc nhìn tôi và Vằn. Nó nhành mồm ra khoe khoang:
- Eo… eo... Anh Mướp, anh Vằn ơi! Đã có gì bỏ bụng chưa? Hôm nay, em vớ được mấy cục giò và cả một đống bơ trong túi rác nhà lão Phong, còn thơm nguyên, phĩnh rốn!

Tôi vẫn lơ đãng ngắm trăng sao trên trời, vểnh mấy sợi ria trắng như cước lên,  khinh thị cái sự tham ăn, tục uống của Bông. Chả trách béo rụt đầu rụt cổ! Chết có ngày! Nhưng nghĩ đi nghĩ lại cũng thương. Có cái giống quý hóa, ông chủ thiến cha nó mất, thử hỏi không lấy miếng ăn làm sung sướng thì còn làm được gì cho đời! Hôm đầu gặp nhau, trông hắn thật thảm hại. Bộ lông trời cho trắng muốt là thế mà đen nhẻm đen nhèm những bùn đất. Gỉ mắt gỉ mũi đùn ra từng cục, cái đuôi bết lại, cổ lòng thòng một đoạn xích. Hắn lò dò, run rẩy, chìa tay khều khều miếng cá thừa của mình: "Em đói quá, hai ngày nay rúc trong ngách, chả ai cho cái gì cả!". Đúng là béo ngố! Đã bị bỏ rơi, lại rúc vào xó thì ai biết đâu mà cho ăn.

Sau mấy lần đi theo mình kiếm chác, giờ, béo thành thạo ra phết. Nhưng hắn khoảnh, vớ được món gì là nhì nhàu tha đi chỗ khác, im ỉm ăn một mình. Bụng thì chẩy ra, đít phề phệ như đít vịt! Thế mà cũng mang tiếng mèo Mỹ! Nhìn gã Vằn kia kìa, rõ ra dáng tay giang hồ cộm cán chưa? Riêng bộ cánh của gã đã "oách tờ rờ" rồi. Vệt đen, vệt xám đan xen đều đặn trên cái thân hình săn chắc, uyển chuyển như báo. Cái đuôi dài, uốn cong như một dấu hỏi, chóp đuôi nguyên một màu đen kịt. Cho nên, mỗi khi cái dấu hỏi ấy vung lên, người ta lại tưởng có một hòn đá sắp bay vào mặt. Nhớ hôm đầu thấy gã, mình hãi quá, lùi tít ra xa. Gã giương cặp mắt thô lố, nhìn như muốn nuốt chửng người ta:

- Ngoao…ngoao…Cái bộ xương dài ngoẵng kia! Có bõ cho tao tợp một phát  không?

Mình chết khiếp cụp cả đuôi:

- M…e…o…meo! Lạy anh! Em bị cô chủ bỏ rơi, mong anh thương tình che chở!

Vằn thay đổi thái độ ngay lập tức:

- Lại bị bỏ rơi à? Cô chủ mày là người thế nào mà vô tình thế?

- Dạ! Cô chủ em giáo viên mầm non, chồng thất nghiệp, lại cờ bạc, đề đóm. Ngày nào họ cũng đánh nhau, chửi nhau như hát hay, em toàn bị bỏ đói hoặc ngửi cơm thiu…

Đôi mắt Vằn hơi khép lại. Gã thong thả bước đến gần mình hơn, giọng ngang phè phè:

- Mầm non với chả mầm già! Ra khỏi cái nhà ấy càng sướng! Đây sống tự do mấy năm nay ở khu này rồi. Anh mày sẽ truyền cho mấy miếng võ rất hay, chơi bời thỏa chí tang bồng chứ kiếm miếng bỏ miệng ấy à, dễ ợt!

Quả thật, theo gã, mình học được rất nhiều chiêu tuyệt diệu. Gã bảo: "Cái thứ đồ ăn trong túi rác là đồ thối, người ta đã bỏ đi, tức là đã quá đát mà mình ăn lại, nhục quá. Chẳng chóng thì chầy, không ngộ độc cũng tè re té tỏng. Phải cướp miếng ăn trong tay giống người mới thích! Họ đáng bị đối xử như thế. Này nhé: Khi bị bọn chuột cắn thủng đít, họ mới lôi chúng ta về canh chuột. Ngoài ra, chúng ta bắt gián, đuổi thạch sùng, lại còn an ủi vỗ về mỗi khi chủ buồn bã. Diện mạo đẹp đẽ của chúng ta khiến căn nhà thêm sinh động. Ấy vậy mà khi có sự cố, họ sẵn sàng tống chúng ta đi ăn mày! Gừ…Rừ…!" - Vằn rên lên - "Bọn này sẽ không ăn mày mà sẽ đi ăn cướp!".

Minh họa: Lương Xuân Đoàn.

Đến bây giờ thì cái trò lẻn vào trong bếp nhà nào đó, quắp một khúc cá hay miếng thịt thơm ngon đối với mình là chuyện thường tình. Vằn bảo, thế vẫn chưa bõ, phải ăn sống nuốt tươi cái lũ cá cảnh, chim lồng mới khoái tỉ. Hôm nọ trời trong, gió mát, theo hắn ngồi bên ngoài cửa sổ rình lũ cá cảnh trong một cái bể khổng lồ của một nhà nghe đâu chủ là giám đốc của một sở nào đó, mình thấy sờ sợ. Vằn bảo sợ đếch gì, ngồi im xem gã biểu diễn. Cha chả, tay giám đốc đầu hói, bụng phệ có cô vợ thật là trẻ. Cô nàng mặc áo hai dây, quần đùi ngắn đến bẹn, da thịt trắng hếu. Hai vợ chồng nằm ườn ra ghế salon ngắm cá cảnh. Bể phải chứa đến mấy khối nước trong xanh, phun bóng lăn tăn. Có đủ hòn non bộ với chùa chiền, lối mòn, mục tử, tiều phu, sông suối ngoằn ngoèo… Những con cá cảnh xanh, đỏ, tím, vàng… đủ màu sắc bơi lội tung tăng bên rừng san hô, đá cuội, rong rêu đung đưa lung linh huyền ảo. Tiếng cô vợ choe chóe, chua như dấm:

- Hai con cá mập anh mới mua có vẻ háu đói nhỉ. Đấy đấy! Nó lại đuổi lũ cá con. A ha! Tóm được rồi… nuốt! Nuốt! Trông chúng rỉa con cá rô kìa! Tướp cả máu  ra! Anh vớt con cá rô ra đi!

- Kệ nó! Chúng nên hiểu rằng: Xơi miếng to, phải tàn bạo!

Một màn mua vui đẫm máu. Vằn nháy tôi nấp vào chỗ thật kín rồi… xoảng! Gã húc đổ một chậu cảnh đẹp trên bờ tường. Hai vợ chồng nhà nọ nhớn nhác chạy ra sân thượng. Phốc! Vằn nhảy vào trong nhà, ngồi chễm chệ trên nóc bể cá cảnh và thò chân xuống, hất được hai con cá thần tiên đẹp nhất ra sàn nhà rồi nhanh chóng chộp con to, phóng ra ngoài. Hai chúng tôi co cẳng chạy như ma đuổi, đến chỗ kia, ngồi thở. Con cá cảnh vẫn sống, giẫy nguây nguẩy. Thần với chả tiên, trước sau rồi cũng a ma toi thôi con ạ! Nghĩ đến lúc lão hói với con vợ bột tức sùi bọt mép vì vỡ chậu cảnh đẹp và mất con thần tiên, chúng tôi cười hí hố. Lại một lần, Vằn hớn hở đặt trước mặt tôi một con chim ngũ sắc đã bị Vằn cắn gẫy một cánh. Máu loang đỏ cả mép Vằn. Tội nghiệp con chim xinh đẹp, mỏ chiêm chiếp thảm thiết, chiếc cánh còn lại đập xập xè yếu ớt. Vằn giẵm một chân lên mình con chim, đuôi cuộn cao, vênh váo:

- Ngoao…ngoao…Cái giống cá chậu, chim lồng có sống cũng vô nghĩa! Sướng nhất là mình đã chọc ngoáy vào được cái niềm hạnh phúc của "mít sờ tơ" Đàm, mình sẽ thịt dần dần từng thằng chim một - Vằn cười khinh khích - Đến chim mình còn chả nuôi được nữa là nuôi chim cảnh!

"Mít sờ tơ" Đàm là tên một người từ nước ngoài mới về Việt Nam. Nghe đâu giàu nứt đố đổ vách nhưng kiệt xỉ lõ đít. Trời phạt cái tội ấy bằng cách làm cho của quý của lão hỏng hẳn. Lão chạy đông chạy tây, nào thảo dược đặc hiệu, nào "Minh Mạng tửu", nào bìm bịp đen, nào cá ngựa đực đang có chửa, đến cả tân dược mạnh nhất của Mỹ cũng được áp dụng. Nhưng của quý vẫn như "con chim cu nằm gù trong bụi", không sao ngóc lên được. Vợ cả, vợ lẽ, nhân tình nhân bánh, chưa đầy ba bảy hai mốt ngày đều biến sạch. Buồn đời, lão thuê một "Thị Nở" làm Ôsin và nuôi chim cảnh. Ngày ngày, sau khi cà phê cà pháo xong, lão lẩn thẩn bên những lồng chim, chúm mỏ huýt sáo với chúng. Thế mà bây giờ… Gã Vằn này thật quá đáng. "Cậu trả thù đời đấy à?".- Mình hỏi thế, gã dựng lông gáy lên: "Tao hắt xì hơi một cái mày bay xuống sông bây giờ. Xuống âm ty địa ngục mà hỏi xem đời là cái chó gì…".

Thế đấy, sống với gã, tuy cũng đáng sợ nhưng được che chở. Gã đi đâu vắng một ngày là Bông đã nhớn nhác. Đối với Bông, Vằn là "đại ca". Đấy, trông kìa, nó cóm róm xán đến bên Vằn, thè cái lưỡi đỏ hỏn chải lưng cho "đại ca". Vằn lim dim mắt, tỏ ý hài lòng:

- Thằng Bông này được đấy! Rất hiểu ý anh mày. Mai sẽ có thưởng. Nhưng tao hỏi thật, mày ở đâu lòi ra mà "mít ướt" quá. Đời giang hồ mà mũi dãi sụt sùi thế, cám cũng không có mà hốc!

Dường như bị chạm nỗi đau, Bông chớp chớp đôi mắt bên xanh bên nâu, dụi dụi cái đầu múp míp trắng lốp vào lườn Vằn:

- M…e…o…Đời em thế mà khổ anh ạ! Các cụ tổ nhà em xuất thân từ hợp chủng quốc Hoa Kỳ hẳn hoi, loằng ngoằng thế quái nào, em lại có mặt tại đây! - Nó dừng lại thở dài, ra giọng triết lí - Ôi! Thời kì toàn cầu hóa có khác, giống nòi lai tạp linh tinh tình phộc!

Vằn ngứa tai, đạp cho Bông một phát:

- Đồ lợn ngu! "linh tinh tình phộc" là tên lễ hội ái ân ở Việt Nam. Mày kể đời kiểu gì thế?

- Thì em đang kê khai lí lịch mà, đến đoạn nào rồi nhỉ? À…à… giống nòi… Có lẽ vì xuất thân từ Mỹ, em được một bà quyền quý đem về nuôi. Bà ấy rất cưng em, còn huấn luyện cả cách đi vệ sinh ở bồn cầu nữa cơ, nghĩ mà nuối tiếc ngẩn ngơ cái thời kì vàng son ấy. Nhưng được vài tháng, khi em vẫn còn là cậu bé thiếu niên thì gia đình ấy gặp tai họa các anh ạ!

- Tai họa làm sao? - Tôi bắt đầu thấy hồi hộp.

- Từ từ để em kể. Gia đình ấy bị sập tiệm. Họ buôn bán bất động sản không gặp thời, lại gặp phường lừa đảo, bỏ ra gần nghìn tỷ mua phải đất không hợp pháp. Ông chồng thắt cổ tự tử, không chết nhưng bị thần kinh. Cô chủ chán đời bỏ đi theo giai. Em được bà Ôsin (cũng mất việc luôn) đem về nuôi. Nhưng mụ này ác lắm. Hôm đem em về, mụ bảo: "Tao rất ghét cái thói đỏng đảnh của cô chủ mày và cả mày nữa, chết đáng đời! Bây giờ thì mày sẽ biết thế nào là kiếp nô tì! Nếu mày kén ăn, tao sẽ tống khứ mày đi, kiếm vài đồng mua tép!". Rồi mụ đút em vào cái bao, gọi lão đồ tể hàng xóm sang, dùng dao lam cắt phăng hai cái nhánh tỏi của em đi!

- Ối… ôi! - Vằn giật thót, tay bưng vội bụng dưới, đuôi cúp xuống như sợ của quý chạy mất.

- Từ đó trở đi em trở nên hiền dịu và dễ tính kì lạ. Suốt ngày nằm ở nhà, mụ chủ thí món gì cũng xơi tuốt. Đặc biệt, em chơi thân với cả đàn ông lẫn đàn bà, chỉ vuốt ve, liếm láp thôi, chứ cái loại mất giống như em thì còn làm được quái gì cho đời!

 Bông rơm rớm nước mắt, còn hai chúng tôi thì cười rách cả mép:

- Thế thì mày là thằng "pê đê" rồi! Thế càng hay! Thời buổi bây giờ, đẻ đái, cưu mang làm chó gì cho thêm khổ nhục…

Bông vẫn tiếp tục dòng hồi tưởng:

- Hôm chuyển nhà, nghe tiếng khuân vác ầm ầm, em khiếp vía chui tít vào gầm cầu thang. Đến đêm, thấy yên ắng, em lò dò chui ra thì ôi thôi, chẳng còn một ai ở nhà cả! Cũng chẳng ai buồn ỏ ê đến tìm! Em tưởng đời mình đi tong, may mắn gặp các "đại ca"…

Bông lại đưa tay lên quệt mắt. Dáng vẻ tội nghiệp của nó làm chúng tôi thấy thương hại. Vằn ưỡn ngực, đi đi lại lại, giọng trịnh trọng:

- Tao chán cái kiểu làm ăn cò con này lắm rồi! Tối mai, bọn ta đi oánh quả đậm cho vui đời!

- Quả đậm gì vậy anh? - Tôi dè dặt hỏi.

- Tao cũng không rõ nó là cái thứ gì, nhưng nghe nói loài người rất mê!

- Nếu không rõ là thứ gì thì không nên chõm anh à… nhỡ ra…

Vằn giương cặp mắt thô lố:

- Sợ thì ngồi nhà! Tao không cần những đứa hèn nhát!

Không còn cách nào khác, tôi và Bông chỉ biết gật đầu theo gã mà thôi.

Trong các công việc hằng ngày, tôi thường được Vằn tin tưởng, cho làm "quân sư quạt mo", còn Bông thì chỉ là thằng hầu, chuyên gãi lưng, gãi rốn cho gã. Tối hôm sau, bọn tôi bí mật bao vây một ngôi nhà trông đầy vẻ bí hiểm. Tôi được phân công canh gác vòng trong. Do tính chất quan trọng của công việc, hôm nay, Bông được "nâng cấp" canh gác ở vòng ngoài. Lúc ấy, khoảng hai giờ đêm, mọi người chắc đang ngon giấc. Vằn nhảy phốc lên cửa sổ rồi nhẹ nhàng chui vào trong nhà. Bọn tôi nín thở theo dõi. Một lát sau. Ngoao…ngoao…tiếng Vằn gào lên trong đêm đen thật khủng khiếp. Tiếng vật lộn huỳnh huỵch. Đèn điện bật sáng. Vằn lao ra khỏi cửa sổ và cắm đầu chạy. Tôi và Bông cũng chạy thục mạng về "căn cứ địa". Cho đến sáng, không thấy Vằn về. Chúng tôi hoảng hốt đi tìm. Cả hai chúng tôi lặng người bên một cái hố vôi nhỏ vẫn đang sủi tăm. Vằn nằm chỏng gọng bốn vó trong hố. Hai bàn chân trước vẫn dính nguyên vừa keo dính chuột vừa vôi tôi. Đôi mắt căng tròn, ngập trong nước vôi trắng dã.

Bông ốm. Mắt nó sưng híp vì khóc lóc. Tôi buồn nẫu ruột, vừa phải đi kiếm ăn vừa chăm sóc, an ủi Bông. Hai chúng tôi, hai con mèo hoang ốm đau, hèn kém, giờ đây mất chỗ dựa chính, chỉ còn biết nương tựa vào những thứ rác rưởi bỏ đi của loài người, đêm đêm mò mẫm, liếm láp, sống cho qua ngày đoạn tháng.

Và đêm nay, tôi và Bông lại ngồi trên nóc nhà năm tầng của khu chung cư, đếm sao trên bầu trời bao la

Đ.T.H.V.
.
.