Án trong án

Thứ Hai, 30/07/2018, 08:37
Cô Palliser là thợ may ở trong thôn, mọi người đều nói cô có tay nghề khá. Buổi chiều một ngày, Palliser mang quần áo đã may xong cho bà Ribbeno. Trước đây cô và bà Ribbeno cùng làm giúp việc cho các gia đình có tiền, bà làm đầu bếp còn cô làm tạp công, hai người quen nhau từ đấy. 

Palliser đến nhà bà Ribbeno gõ cổng một lúc lâu nhưng không thấy động tĩnh gì, lúc này cô nhìn thấy một người hàng xóm của bà Ribbeno nên hỏi: "Bà có thấy bà Ribbeno không? Cháu mang quần áo đến cho bà ấy, bà ấy hẹn cháu 3 giờ chiều”. Người hàng xóm xem đồng hồ nói: “Bây giờ đã ba rưỡi rồi”.

Palliser tỏ vẻ nghi ngờ: "Thật kỳ lạ, cháu gõ cổng mấy lần nhưng không thấy ai mở cửa". Người hàng xóm cũng cảm thấy lạ, liền đến đẩy cánh cổng và cùng với cô Palliser đi vào bên trong, bà ta nói: "Tôi cho rằng bà Ribbeno có thể ngủ quên". Cô Palliser nhìn qua khe cửa sổ và bỗng giật mình kêu thất thanh. Bà Ribbeno nằm sõng soài trên tấm thảm trước bếp lò.

Người hàng xóm vẫn rất bình tĩnh nói với cô Palliser: "Đừng sợ, cô đứng ở đây để tôi đi báo cảnh sát".

Cảnh sát đến ngay hiện trường và đầu mối nghi ngờ tập trung vào ông Semborro, chồng của bà Ribbeno. Theo điều tra phát hiện, sau khi kết hôn, họ đã làm một thỏa thuận là ông chồng sẽ được thừa kế tất cả tài sản của bà. Điều này dường như chứng minh rằng ông Semborro có động cơ giết người. Trước đây bà Ribbeno có kết hôn với ông chủ cửa hàng hoa, cuộc sống tương đối khá, sau khi chồng mất, bà tái giá với ông Semborro, một thương nhân buôn bán vàng bạc bị phá sản. Từ đấy, hai người tiếp tục bán hoa và có một khoản vốn lớn.

Nửa giờ sau, viên cảnh sát Parker đi đến nhà cô Marple. Cô Marple thông minh, được gọi là "thám tử nghiệp dư" của thôn, trước đây cô đã  giúp cảnh sát phá được mấy vụ án.

Minh họa: Đỗ Dũng

Cô Marple đã biết chuyện vụ án xảy ra nên vừa thấy cảnh sát Parker, với sự quan sát nhạy bén, cô nhìn thấy chiếc áo sơ mi gắn một chiếc kim khâu. Cô hỏi về lai lịch cây kim, Parker nói: "Đây là vật tìm thấy bên cạnh xác chết, nghe nói, chiếc kim này sẽ mang đến vận may nên tôi nhặt lên gài vào áo?".

Kế đến, Parker hỏi: "Chồng bà Ribbeno nói với tôi rằng lúc 2 giờ rưỡi, cô gọi điện cho ông ấy nói là có việc gấp muốn hỏi ý kiến có đúng không?". Cô Marple nói: "Không có chuyện đó đâu, tôi chưa bao giờ gọi điện cho ông ta. Người giúp việc nhà tôi nói là lúc 3 giờ 15 ông ấy đến tìm tôi nhưng lúc đó tôi không có nhà". 

Ở đồn cảnh sát, đồn trưởng Meyer đang bàn việc vụ  án với cảnh sát điều tra Lake. Ông Meyer cho rằng trong vụ án này, thủ phạm là ông Semborro.  

Meyer nói: "Theo tôi, ông Semborro vì tham món tài sản của vợ nên đã ra tay giết vợ mình để có cuộc sống dễ chịu. Nhưng điều mấu chốt là ông Semborro nói có gọi điện cho cô Marple, nhưng cô Marple lại nói rằng không có chuyện này. Điều này chứng minh rằng ông Semborro đang cố che đậy điều gì đó - Meyer nói tiếp - Ông không nên coi nhẹ khả năng này, Semborro bị một người nào đó cố ý xúi giục, người đó mới thực sự là hung thủ giết bà Ribbeno. Anh nên đến nhà cô Marple bởi vì cô ấy có thể cung cấp manh mối cho chúng ta".

Lake lại chuyển sang vấn đề khác: "Đồn trưởng, người bị giết lúc đầu cũng là người giúp việc, lúc đó nhà chủ của bà ta bị mất một số châu báu, mà châu báu đó là đồ châu báu gia truyền của tổ tiên, vụ án này vẫn chưa được phá. Theo điều tra của tôi, khi vụ án xảy ra thì bà Ribbeno đang làm đầu bếp cho gia chủ. Ông có cho rằng vụ mất trộm với bà Ribbeno có liên quan không?”.

Meyer lắc đầu nói: "Tôi không cho là như vậy, vụ mất đồ châu báu gia bảo tôi cũng còn nhớ, nhưng e rằng vụ án này khó có thể phá được". Lake có chút ngượng ngùng, nói một câu chiếu lệ: "Lời nói của tôi chỉ là kiến nghị, Đồn trưởng ạ". Như vậy, Lake vẫn phải theo sự chỉ đạo của đồn trưởng đi tìm hỏi cô Marple.

Đúng ra mà nói, Lake không tin cô Marple có thể cung cấp những manh mối có giá trị. Anh ta tìm cô Marple như một cuộc gặp chiếu lệ, anh ta nói: "Cô có thể cho tôi biết dân thôn có bàn tán gì về vụ án này không?". Cô Marple nói: "Đương nhiên là có nhiều phỏng đoán, có người cho rằng bà bị chồng giết, có người cho rằng nếu từ động cơ vụ lợi mà nói thì bà Ribbeno có rất nhiều tiền và cái chết của bà ấy, ông chồng sẽ được lợi”.

Câu nói của cô Marple đúng hợp với ý nghĩ của Lake, anh ta gật đầu nói: "Nếu gần đây họ cãi nhau". Cô Marple ngắt lời anh ta: "Nhưng vấn đề là họ lại không hề cãi nhau, nếu họ cãi nhau thì toàn dân trong thôn sẽ biết. Người giúp việc trong nhà họ là người hay buôn chuyện thì tin đồn sẽ nhanh chóng truyền đi cả thôn. Gần đây tôi còn nghe được tin đồn là bà Ribbeno có người tình, đây là một người đàn ông trẻ, đẹp trai, thường ra vào nhà ông Semborro”.

Mắt Lake bỗng sáng lên, anh ta nói: "Đây là một manh mối rất hữu ích, đủ để giải thích động cơ ông Semborro là tội phạm, nguyên nhân vì ghen tuông”. Cô Marple không biểu lộ sắc mặt, hỏi Lake: "Anh cảnh sát, phá án mà chỉ nghe những tin đồn đại thì có được không? Chả nhẽ anh không phát hiện được manh mối gì ở hiện trường à?".

Lake lắc đầu.

Cô Marple chậm rãi nói: "Tôi nghĩ rằng, Parker sẽ giúp anh vì anh ấy là người đầu tiên đến hiện trường?". Lake vẻ coi thường, nói: "Hiện trường không để lại dấu tích gì thì Parker làm sao tìm được manh mối?".

Cô Marple nhìn Lake, nói cô có cuộc hẹn với cô Palliser để sửa một cái áo cũ, sau đó cô tiễn Lake và đi đến nhà cô Palliser.

Ngày hôm sau, cô Marple đến đồn cảnh sát. Đồn trưởng Meyer rất ngạc nhiên vì chuyến viếng thăm bất ngờ của cô.     

Cô Marple nói: "Tôi đến đây tìm ông là vì tôi không muốn bàn chuyện với anh Lake về vụ án này. Anh Lake chỉ tin ở mình mà không tiếp thu ý kiến của người khác, và điều quan trọng ở chỗ là cảnh sát Parker có những manh mối quan trọng". Đồn trưởng Merle hơi có chút bối rối, ông nói: "Cảnh sát Parker à? Manh mối gì?”. Cô Marple nói: "Anh ta đã phát hiện và nhặt cái kim khâu ở hiện trường, cái kim khâu đó đang đính trên áo của anh ta. Hôm anh ta đến tìm tôi, tôi nghĩ rất có thể là anh ta nhặt cái kim từ trên thi thể của bà Ribbeno". Đồn trưởng Merle có vẻ không hiểu: "Một cái kim khâu nó có ý nghĩa gì? Hôm qua Parker cũng nói về cái kim khâu này với Lake.

Đương nhiên, theo lý mà nói, anh ta không nên đụng đến bất cứ thứ gì ở hiện trường, nhưng mà một cái kim khâu bình thường nói lên điều gì?". Cô Marple rất nghiêm túc nói: "À, không, ông Đồn trưởng, trong con mắt của đàn ông thì cái kim đó là một cái kim khâu bình thường, nhưng thực ra nó là một cái kim đặc biệt và rất nhỏ, chỉ có người làm nghề may mới biết dùng".

"Theo như cô nói thì cái kim đó là của cô Palliser?". "Đúng như vậy”. Ông Đồn trưởng nghĩ một lúc và đột nhiên hiểu ra vấn đề, ông nói: "Chả nhẽ nói, sự việc là như thế này: Bà Ribbeno thử mặc bộ quần áo mới may, cô Palliser đứng phía sau dùng thước dây siết cổ bà Ribbeno đến chết, sau đó cô ta đi ra khỏi nhà, đóng cửa lại rồi đứng ở ngoài cổng gõ cửa giả bộ như là mình vừa đến. Nhưng cái kim này lại chứng minh rằng cô ta đã vào trong căn nhà này".

Ông Đồn trưởng phân tích xong lại nghi ngờ nói: "Nhưng rốt cuộc là vì cái gì? Giết người là phải có động cơ thích đáng?". Cô Marple nói: "Theo tôi, giữa hai con người này có một giai đoạn lịch sử mà chúng ta chưa biết được". Ông Đồn trưởng vội hỏi: "Việc gì?". "Đó là vụ trộm đồ châu báu gia bảo, vụ này trong thôn cũng có tin đồn, món đồ gia bảo này là do bà Ribbeno và cô Palliser lấy cắp khi cùng làm giúp việc cho gia chủ đó.

Có một sự việc không thể giải thích được: Một người nấu bếp kết hôn với một người trồng hoa, họ làm sao có đủ tiền để mở một cửa hàng hoa? Rất có khả năng là họ dựa vào tiền bán số châu báu ăn cắp được. Sau đó, bà Ribbeno buôn bán thuận lợi, tiền đẻ ra tiền, nhưng Palliser thì lại phung phí hết cả tiền nên mới phải làm nghề thợ may". Ông đồn trưởng nói tiếp: "Cho nên, cô nói là do Palliser đố kỵ nên đã ra tay hạ độc? Nhưng đó chỉ là suy đoán, làm sao chứng minh được Palliser là hung thủ?”.

Cô Marple nói một cách tự tin: "Điều này không khó, Palliser là người phụ nữ khi biết sự thật bị vạch mặt sẽ lập tức sụp đổ. Ông xem này, tôi đã lấy được cái thước dây của cô ta, hôm qua tôi đến nhà cô ta sửa quần áo, tôi lặng lẽ cầm nó về đây. Tôi đánh cuộc rằng Palliser nhìn thấy cái thước này, cô ta sẽ lập tức choáng váng vì cô ta biết rằng cái thước là vật chứng minh tội ác của cô ấy”. 

Quả nhiên, khi Marple mang cái thước đến trước mặt Palliser, giả thuyết của Marple hoàn toàn chính xác.  
Agatha Christie (Anh)- Nguyễn Thiêm (dịch)
.
.