Phòng An ninh Xã hội, Công an tỉnh Lai Châu:

Dấu ấn của những đôi chân không mỏi

Thứ Tư, 25/05/2016, 11:28
Ở nơi bốn bề gió núi, nơi những cánh rừng nguyên sinh mang trong mình bao điều bí ẩn, có những đôi chân không mỏi vẫn đều đặn bước đi. Họ lặng lẽ vượt khó khăn của địa hình, khắc phục rào cản ngôn ngữ và sự e dè của lòng người... Họ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà con các dân tộc Tây Bắc. Những chiến sỹ an ninh ở một đơn vị Anh hùng đã góp phần giữ cho từng bếp lửa đều đặn bập bùng mỗi tối, giữ cho làn khói lam chiều vấn vương quanh những nếp nhà đơn sơ bên sườn núi. Sự thanh bình nào cũng có giá trị riêng của nó.


Hóa giải điểm nóng Pu Sam Cáp

Đứng dưới thung lũng, ngước lên nhìn đỉnh núi Pu Sam Cáp mờ ảo trong những áng mây chiều, lòng người chợt thấy nhẹ tênh. Mỗi cây cỏ, ngọn núi hay mỗi ngôi nhà, nương ruộng đều thân thiết đến lạ. Khung cảnh thanh bình giống như nhiều vùng khác của tỉnh Lai Châu này đáng để ai cũng muốn mơ về nó. Tưởng chừng cuộc sống bình yên tự thân đã có ở vùng đất này, nhưng không phải vậy.

Núi Pu Sam Cáp của huyện Sìn Hồ có độ cao 1.300 - 1.700m so với mực nước biển, ngạo nghễ giữa núi rừng Tây Bắc đã từng chứng kiến nhiều cuộc đấu tranh gian nan vất vả của các chiến sỹ an ninh Công an tỉnh Lai Châu. Họ phải xua đi những "cơn gió độc" từng muốn phá hủy cuộc sống thanh bình của bà con người Mông, người Dao…vốn mộc mạc, hiền lành.

Trầm ngâm bên chén trà nóng, hướng ánh mắt ra phía có màu xanh sẫm của núi, của rừng, Đại tá Vũ Văn Hiền, Trưởng phòng An ninh xã hội, Công an tỉnh Lai Châu kể: Từ cuối năm 2006, do bị tác động tuyên truyền, lôi kéo và ảo tưởng về "Nhà nước Mông, do người Mông làm chủ", một bộ phận đồng bào Mông có sự xáo trộn về tư tưởng và có ý định hoặc tạo nhiều lý do để di cư đến địa bàn giáp biên giới Việt - Lào thuộc huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), gặp "vua Mông".

CBCS Phòng PA88 - Công an Lai Châu tăng cường xuống cơ sở thực hiện 4 cùng với nhân dân.

Thời gian đó, tỉnh Lai Châu mới chia tách, kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hệ thống chính trị cơ sở một số địa bàn còn yếu kém, các đối tượng đã lợi dụng hoạt động gây phức tạp ANTT. Từ đó, một cuộc chiến không tiếng súng, một cuộc đấu tranh thầm lặng, dai dẳng đã bắt đầu. 

Pu Sam Cáp là xã đặc biệt khó khăn với diện tích gần 5 nghìn héc ta với  169 hộ dân, hơn 1,1 nghìn nhân khẩu, trong có có tới 94% người dân tộc Mông. Nằm cách trung tâm huyện tới 75 km, Pu Sam Cáp đã trở thành một trong những điểm nóng khi hệ thống chính trị của xã yếu kém kéo dài nhiều năm, nội bộ mất đoàn kết, tranh dành quyền lực giữa các dòng họ… Thậm chí vào tháng 6-2006, Bí thư Chi bộ xã không chịu nổi áp lực tâm lý và bức xúc về một số việc đã ăn lá ngón tự tử.

Qua công tác nghiệp vụ, Phòng An ninh xã hội nắm được một bộ phận cán bộ, đảng viên lập trường tư tưởng không vững vàng, dao động trước luận điệu tuyên truyền "nhà nước Mông", cá biệt có trường hợp hoạt động tích cực. Hầu A Nính trong thời gian làm Chủ tịch UBND xã đã đưa nhiều người thân không đủ trình độ vào các cương vị trong UBND xã, chiếm đoạt tiền từ các chương trình hỗ trợ; bản lĩnh chính trị kém nên đã bị các đối tượng xấu lôi kéo.

CBCS thực hiện "4 cùng" với nhân dân.

Cuối tháng 9-2006, Cháng A Phía ở bản Huổi Khương, xã Chà Cang, huyện Mường Nhé và Vừ A Nếnh ở xã Mường Mơn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên móc nối với Hầu A Nính hoạt động "nhà nước Mông". Chúng lôi kéo gần 100 thanh niên dân tộc Mông ở 5 bản trong xã vào rừng làm lán huấn luyện vũ trang để đưa sang Lào thành lập "nhà nước Mông". 

Khi bị phát hiện, Nính đưa vợ con bỏ trốn ra nước ngoài và tiếp tục lôi kéo một số cán bộ xã bỏ trốn rồi điện thoại về lôi kéo, kích động người dân di cư sang Lào, Trung Quốc. 5 bản của Pu Sam Cáp bị ảnh hưởng, một số đối tượng lợi dụng sinh hoạt tôn giáo để tuyên truyền kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc… Một số người ở hai dòng họ kiện nhau, kiện cán bộ tăng cường ở xã nhằm cô lập cấp ủy, chính quyền và cán bộ tăng cường; hoạt động của hệ thống chính trị bị tê liệt.

Để giải quyết vấn đề phức tạp ở Pu Sam Cáp, Phòng An ninh xã hội phải đưa quân xuống địa bàn, nhiều tháng trời lặn lội, ăn, ở cùng bà con dân bản tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, giải quyết từng vấn đề nhỏ phát sinh. Bên cạnh kế hoạch đấu tranh bóc gỡ, vô hiệu hóa hoạt động của các đối tượng, hệ thống chính trị xã được củng cố, kiện toàn và hoạt động hiệu quả hơn.

Đầu năm 2012, đơn vị tham mưu Ban Giám đốc đề xuất triển khai Đề án "Củng cố, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh nông thôn, chăm lo phát triển kinh tế xã hội xã Pu Sam Cáp giai đoạn 2012-2015". Đến nay, hệ thống chính trị xã được củng cố toàn diện, tình trạng yếu kém, mất đoàn kết được khắc phục, ANTT được giữ vững ổn định. Câu chuyện ở Pu Sam Cáp chỉ là một trong số rất nhiều thành công mà Phòng An ninh xã hội đã làm được trong những năm vừa qua.

Cán bộ Công an Lai Châu tuyên truyền pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số. Ảnh: Hoa Oanh Vũ

Vượt núi băng rừng với những đôi chân không mỏi    

Thượng úy Mùa A Dũng buộc lại dây giày, xốc ba lô vượt rừng vào Tà Ngảo, huyện Sìn Hồ sau cuộc họp. Thi thoảng anh mới về tỉnh họp hành, báo cáo, còn thời gian chủ yếu là ở địa bàn. Cùng với Mùa A Dũng còn có Mùa A Sinh. Địa bàn có 2 cán bộ phụ trách bởi diện tích rộng, đường đi khó khăn, trong đó có tới 45% là núi đá. Xã có 14 bản là nơi sinh sống của 736 hộ dân với 3 dân tộc Mông, Dao, Kinh, trong đó người Mông chiếm 88%. Năm 2012, đối tượng Tráng A Chớ cầm đầu nhóm "7 cánh" ở Mường Nhé, Điện Biên sang lẩn trốn ở khu vực rừng thuộc bản Háng Lìa 1 đã tuyên truyền, lôi kéo người tham gia hoạt động lập "Nhà nước Mông".

Những ngày đó, anh Dũng và Sinh tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con để tuyên truyền, vận động họ từ bỏ con đường xấu. Nhiều năm qua, Phòng An ninh xã hội đã tung quân đi địa bàn như thế. Đại tá Vũ Văn Hiền trầm ngâm khi chúng tôi hỏi về những khó khăn mà CBCS Phòng An ninh xã hội các anh phải đối mặt và vượt qua. Anh bảo, vất nhất vẫn là đường đi. Suốt những năm qua, Phòng đưa anh em xuống địa bàn tới 90% quân số, nơi xa nhất là xã Tà Tổng của huyện Mường Tè.

Giúp dân sản xuất, ổn định cuộc sống.

Từ trung tâm tỉnh đến trung tâm huyện đã là 100 km, thế mà còn tận 100km từ huyện mới đến xã Tà Tổng. Các bản Nậm Ngà, Tia Ma Mủ, Ba Tết (đều là bản người Mông) cách trung tâm xã 30 - 40 km. Trước đây anh em đi bộ từ xã tới bản phải trèo đèo, lội suối 2 ngày mới tới nơi. Bây giờ thì có thể đi xe máy nên khoảng cách cũng được kéo lại gần hơn. Mùa mưa thì ngay cả đi xe máy từ huyện xuống xã cũng khó chứ chưa nói là đi ôtô. Thế nhưng, anh em cán bộ chiến sỹ vẫn luôn duy trì quân số bán bản, bám làng.

Những năm qua, Lai Châu là mục tiêu trọng điểm mà các thế lực thù địch và các tổ chức phản động tập trung đẩy mạnh các hoạt động chống phá, kích động đồng bào dân tộc thiểu số, gây mất ổn định về an ninh trật tự.

Sau khi nắm tình hình, Phòng tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh báo cáo Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh mở các đợt tuyên truyền, vận động quần chúng, ổn định tình hình mà lực lượng công an làm nòng cốt. Tỉnh Lai Châu địa bàn rộng, bà con có tập quán sinh sống và canh tác trên vùng núi cao. Bởi vậy, việc đi lại của CBCS gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng không vì thế mà ngăn được bước chân người chiến sỹ an ninh. Đại tá Vũ Văn Hiền được coi là người giữ lửa trong phong trào "4 cùng" với nhân dân:

Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc. Anh đã cùng đồng đội đấu tranh làm thất bại âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn Lai Châu nhiều năm qua. Một trong những yếu tố làm nên thành công của các CBCS Công an Lai Châu chính là nhờ vào những người có uy tín trong đồng bào dân tộc để xây dựng phong trào, tuyên truyền, vận động.

Thêm một thuận lợi nữa là Phòng An ninh xã hội có tới 5 thành phần dân tộc, đông nhất là người Mông, Thái, Dao. Đây là thế mạnh để các CBCS gần gũi với đồng bào dân tộc, hiểu phong tục tập quán và dễ tìm tiếng nói chung trong việc lấy lại sự ổn định, giữ cuộc sống bình yên cho vùng đất Lai Châu.

 Khó mà kể hết những thành tích mà Phòng An ninh xã hội Công an tỉnh Lai Châu đã làm được trong nhiều năm qua. Chỉ biết rằng, trong khoảng hơn 10 năm, Phòng đã đấu tranh làm tan rã nhiều nhóm đối tượng lôi kéo bà con thành lập Nhà nước Mông và kích động khiếu kiện ở các địa bàn Than Uyên, Tân Uyên, Nậm Nhùn, giúp nhiều địa phương đảm bảo an ninh trật tự, tham mưu củng cố hệ thống chính trị như ở huyện Sìn Hồ… nhiều địa bàn từ phức tạp ổn định trở lại, bà con chăm lo phát triển kinh tế.

Năm 2015, Phòng An ninh xã hội Công an tỉnh Lai Châu đã đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Đó là sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng, Nhà nước cho những cống hiến không mệt mỏi của các CBCS an ninh luôn hết mình bảo vệ cuộc sống cho nhân dân, bảo vệ khối đại đoàn kết các dân tộc ở một vùng núi cao Tây Bắc.

Việt Hà – Trần Hằng
.
.