Về chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi xuống làng hoa Ngọc Hà

Thứ Hai, 26/12/2005, 08:14

Kết thúc chiến dịch tập kích đường không bằng máy bay B-52 vào Hà Nội 12 ngày đêm tháng chạp năm 1972, quân và dân ta đã tiêu diệt 34 "pháo đài bay" của đế quốc Mỹ, trong đó, chiếc B-52 rơi xuống làng hoa Ngọc Hà có lẽ là đặc biệt hơn cả.

Điều đặc biệt thứ nhất là, đơn vị bắn chiếc B-52 rơi xuống làng hoa Ngọc Hà thuộc Đoàn Phòng không Hải Phòng. Đó là Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285. Ngày 22/12/1972, Tiểu đoàn 72 đang chiến đấu bảo vệ vùng trời Hải Phòng thì nhận được lệnh cơ động lên tăng cường cho Hà Nội.

Đúng 6h sáng ngày 26, tất cả đã sẵn sàng chiến đấu bảo vệ hướng đông bắc Hà Nội. Lúc 13h ngày 26, đơn vị đã tiêu diệt 1 máy bay F4. Nhưng khát khao hạ gục B-52 vẫn bừng lên trên từng gương mặt cán bộ chiến sĩ. Đêm 27, toàn đơn vị bước vào chiến đấu với một khí thế sôi sục căm thù lũ giặc trời đã giết hại hàng trăm đồng bào ở phố Khâm Thiên.

23h 2 phút, nhận được lệnh của Trung đoàn phó Nguyễn Đình Lâm giao cho Tiểu đoàn 71 và Tiểu đoàn 72 tiêu diệt tốp B-52 từ hướng tây đang lao vào đánh phá Hà Nội, đồng chí Phạm Văn Chắt, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 72, lệnh cho sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng và kíp trắc thủ sục sạo phát hiện mục tiêu... Những người lính trong kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 72 (Trung đoàn 285) tham gia kíp chiến đấu hôm đó còn rất trẻ, đa số là sinh viên đại học năm thứ nhất, thứ 2 như các trắc thủ Nguyễn Văn Tuyền, Trương Đăng Khoa, Nguyễn Văn Chiêu...

Khi phát hiện chính xác dải nhiễu B-52, lúc đầu kíp chiến đấu xác định sẽ đánh theo phương pháp ba điểm, nhưng sau được trên giao quản lý hướng chính, theo kinh nghiệm nếu bắn ở phương vị xa theo cách đánh ba điểm thì sẽ không chắc nên Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt quyết định để mục tiêu vào sát dải nhiễu, nâng cao thế và sóng. Lúc này đã phát hiện mục tiêu ở cự ly 45.

Trắc thủ phương vị Nguyễn Văn Tuyền và trắc thủ cự ly Trương Đăng Khoa hô: “Mục tiêu!”. Lập tức sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng lệnh cho các trắc thủ: "Bám sát mục tiêu!". Khi đài rađa thông báo mục tiêu vào đến cự ly 33, Tiểu đoàn trưởng phát lệnh: “Ngòi nổ RV, 2 quả... Giãn cách 6 giây... Cự ly 32. Phóng!...”. Hai quả tên lửa rời bệ bay lên gặp mục tiêu nổ tốt. Ngay sau đó, trắc thủ góc tà Nguyễn Văn Chiêu hô: “Mục tiêu hạ thấp độ cao nhanh!”, rồi tiếp tục thông báo: “Mất mục tiêu”.

Trong khoảnh khắc, vọng quan sát bằng mắt, báo về: “Mục tiêu bốc cháy, lao xuống đất bùng lên một khối lửa to”. 23h 3 phút, Trung đoàn phó Nguyễn Đình Lâm gọi điện thông báo: “Thủ trưởng Sư đoàn Phòng không Hà Nội biểu dương Tiểu đoàn 72 đã bắn rơi B-52 tại chỗ”.

Bảo tàng Lịch sử quân sự vận chuyển động cơ B-52 từ khu vườn về làm làm hiện vật trưng bày.

7h sáng hôm sau, lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân chính thức gọi điện biểu dương Tiểu đoàn 72 đã hạ một chiếc B-52 rơi xuống làng hoa Ngọc Hà khi nó chưa kịp cắt bom. Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân lúc đó đã quyết định thưởng cho tiểu đoàn... một con bò để ăn mừng chiến công. Chiều ngày 28/12, đơn vị mổ bò khao quân và mời nhân dân địa phương cùng vui chiến thắng. Kết thúc 12 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô, Tiểu đoàn 72 hành quân về Hải Phòng, tiếp tục nhiệm vụ canh giữ bầu trời thành phố.

Số phận của chiếc B-52 và tổ giặc lái Mỹ

Sau khi bị tên lửa bắn trúng, chiếc B-52 đã nổ tung thành nhiều mảnh rơi xuống làng hoa Ngọc Hà. Phần lớn thân và cánh máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp. Còn một phần của chiếc máy bay này rơi xuống đường Hoàng Hoa Thám, gần vườn Bách Thảo. Những ngày cuối năm 1972, số người tập trung quanh hồ Hữu Tiệp xem xác B-52 rất đông.

Ai cũng muốn tận mắt chứng kiến con “ngáo ộp” phơi xác như thế nào. Nhưng ít người biết rằng, ngoài hai địa điểm rơi là hồ Hữu Tiệp và đường Hoàng Hoa Thám, còn phần động cơ của chiếc máy bay B-52 lại rơi xuống một khu vườn của nhà bà Nguyễn Thị Nề ở tổ 51, phường Ngọc Hà. Vì ở vị trí tương đối kín đáo nên hai chiếc động cơ này dường như bị lãng quên.

Cuối năm 2003, biết tin về hai chiếc động cơ này, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã đến nghiên cứu. Sau đó, Đài Truyền hình Việt Nam đã phát một phóng sự về hai chiếc động cơ này. Chủ của mảnh vườn có hai chiếc động cơ là họa sĩ Lê Thanh muốn giữ chúng lại như giữ một hiện vật chiến tranh. Nhưng sau khi đoàn cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đặt vấn đề nên đưa hai động cơ này về trưng bày tại bảo tàng thì họa sĩ Lê Thanh đồng ý.--PageBreak--

Việc đưa hai chiếc động cơ B-52 kềnh càng ra khỏi góc vườn nhỏ cũng không phải chuyện đơn giản. Bởi mảnh vườn bị  nhà xây kiên cố, chắn tứ bề, đường đi quá hẹp, nếu muốn đưa động cơ ra chỉ có cách phá nhà và cổng sắt của gia chủ. Cuối cùng phương án được chọn để đạt mục đích và đỡ tốn kém nhất là chuyển qua nhà bà Nguyễn Thị Nề chính là chủ nhân cũ của khu vườn.

Được gia đình hết sức giúp đỡ, nên việc di dời động cơ máy bay thuận lợi hơn, chỉ phải chặt một số cây, tháo cổng sắt là ổn. Tiếp đó, 10 cán bộ chuyên môn của Cục Kỹ thuật Quân khu Thủ đô dùng kích nâng động cơ, đổ đất đá xuống dưới tôn cho bằng với mặt sân để vận chuyển. Một chiếc xe tự tạo cũng được Xưởng X80 - Cục Kỹ thuật Quân khu Thủ đô sản xuất để dành riêng cho việc vận chuyển hiện vật.

Qua 4 cua nhỏ hẹp trong ngõ đầy khó khăn, chiếc xe mới ra được đường rộng. Từ đây, anh em tiếp tục dùng xe cẩu đưa động cơ máy bay B-52 lên ôtô chở về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để làm hiện vật phục vụ.

Về phần tổ lái chiếc B-52 bị bắn rơi ngày 27/12/1972 xuống Ngọc Hà, theo tài liệu trao trả tù binh ngày 18/2/1973 tại sân bay Gia Lâm giữa ta và Mỹ, gồm 6 phi công. 4 phi công bị bắt sống, 2 phi công đã chết. 4 phi công bị bắt sống bao gồm: Thiếu tá Condom, James C (số quân FV 268301369); Đại úy Cuimano, Samuel B (số quân FV 423566462); Đại úy Lewis, Frank D (số quân FV 308482235); Thượng sĩ Gough. James W (số quân FV 567423458).

Hai phi công bị chết là Thiếu tá Johnson, Allen L và Trung úy Fryer, Ben L. 2 phi công này đã được nhân dân chôn cất. Hài cốt của họ đã được Chính phủ ta bàn giao cho Chính phủ Mỹ ngày 30/9/1977 và ngày 4/12/1985.

Tìm lại những người chiến thắng

Sau khi trở về Hải Phòng, những người lính trong kíp chiến đấu bắn rơi chiếc B-52 tại Ngọc Hà mỗi người đi nhận một nhiệm vụ mới. Tháng 2/1973, Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt vào Nam chiến đấu. Cả cuộc đời gắn bó với binh nghiệp, gắn bó với Bộ đội Tên lửa. Năm 1989, ông nghỉ hưu với quân hàm trung tá và về sinh sống tại quê nhà ở thành phố Hải Dương.

Kíp trắc thủ tiêu diệt chiếc B-52: Anh Khoa,  Tuyền và Chiêu (từ trái qua).

Năm 2002, nhân kỷ niệm 30 chiến thắng B-52, ông đã lên Hà Nội tham gia giao lưu truyền hình về sự kiện này. Ngồi trò chuyện về Tiểu đoàn 72 và trận đánh tiêu diệt pháo đài bay B-52, ông kể lại: “Ngày ấy bắn rơi B-52 xong cả đơn vị vui lắm, vì chúng tôi là quân của Hải Phòng lên “chia lửa” với Hà Nội mà. Vui hơn nữa là góp phần vào chiến thắng của quân và dân ta, đập tan cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ...”.

Nhắc đến đồng đội, ông Chắt ngậm ngùi: Sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng quê Hà Bắc thì đã mất năm 1976. Còn lại 3 trắc thủ Nguyễn Văn Chiêu, Nguyễn Văn Tuyền, Trương Đăng Khoa nay đều đã ở tuổi ngũ tuần. Thật may mắn, chúng tôi đã tìm lại được họ. Cả ba người đều có cuộc sống thành đạt và hạnh phúc.

Trắc thủ góc tà Nguyễn Văn Chiêu hiện là chủ một gia đình tương đối đông đúc và đầm ấm tại ngõ 43, phố Trung Kính, ven con đường Trần Duy Hưng rộng rãi ở cửa ngõ Thủ đô. Sau khi rời quân ngũ, Nguyễn Văn Chiêu học tiếp đại học và về công tác tại Tổng cục Kỹ thuật năm 1979. Năm 1986, anh chuyển ngành về Bộ Công nghiệp nhẹ và làm việc tại Nhà máy Cơ khí Quang Trung.

Còn trắc thủ cự ly Nguyễn Văn Tuyền thì sau khi xuất ngũ đã tiếp tục đi học và trở thành giáo viên. Anh tham gia giảng dạy tại Đại học Thương mại, đến năm 2002 thì chuyển về Đại học Bách khoa, ngôi trường mà chính từ nơi đây anh đã từ biệt giảng đường đi chiến đấu. Hiện nay, Nguyễn Văn Tuyền giữ cương vị Trưởng khoa Mác - Lênin của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trắc thủ phương vị Trương Đăng Khoa hiện đang công tác tại Tỉnh ủy Thái Bình. Mỗi người đều có một cuộc sống riêng với những bận rộn về công việc gia đình và xã hội, song họ vẫn dành một khoảng thời gian nhất định để gặp gỡ, thăm hỏi và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của 12 ngày đêm oanh liệt và hào hùng đã đi vào lịch sử dân tộc

Nguyễn Xuân Thủy
.
.