Trở lại Sầm Nưa

Thứ Hai, 15/01/2007, 14:30
Sau khi nghe chũng tôi đề nghị nguyện vọng tha thiết được thăm lại Sầm Nưa, nơi đã sống và làm việc nhiều năm, có nhiều kỷ niệm sâu sắc, đồng chí Đại sứ nở một nụ cười hiền hậu: “Tôi hiểu rồi! Nguyện vọng các đồng chí rất chính đáng. Tôi sẽ điện về đề nghị Trung ương, Bộ, Tỉnh ngay để mời các đồng chí sang thăm lại Sầm Nưa…”

Cuối tháng 2/2006, sau buổi lễ trao tặng các Huân chương cao quý của Nhà nước Lào cho các cựu chuyên gia giáo dục Việt Nam đã giúp Bạn trong thời kỳ kháng chiến, và tiệc khao mừng chúng tôi, một số nhà giáo đã từng giúp Bạn ở các cơ quan, trường học trung ương và địa phương đóng tại Sầm Nưa còn ngồi nán lại trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Lào và vợ chồng Đại sứ Bun Thoong.

Đồng chí Đại sứ vốn là một giáo sinh của những khóa đầu của Trường Sư phạm Trung ương đóng tại Sầm Nưa, sau một thời gian đi dạy học, được đề bạt Thứ trưởng, trước khi sang Việt Nam công tác.

Chúng tôi nhắc, nhớ tới những kỷ niệm xưa, những đồng chí, đồng nghiệp người còn, người mất, tại Sầm Nưa thời đó. Bỗng đồng chí nguyên Trưởng đoàn chuyên gia giáo dục ta tại Lào nói: “Anh Bun Thoong! Chúng tôi, những người đã từng công tác tại Sầm Nưa trước đây rất mong có dịp được thăm lại nơi cũ. Viêng Chăn thì chúng tôi phần lớn đã được đến thăm và làm việc, còn Sầm Nưa thì hơn 30 năm nay không hề được tới…”.

Nghe đồng chí nguyên trưởng đoàn đề xuất, chúng tôi mỗi người một câu, đều nói lên nguyện vọng tha thiết được thăm lại Sầm Nưa, nơi đã sống và làm việc nhiều năm, có nhiều kỷ niệm sâu sắc.

Trở lại Sầm Nưa.

Chợt đồng chí đại sứ vẻ mặt trở nên đăm chiêu, xúc động, rồi ngay sau đó tươi tỉnh trở lại, nở một nụ cười hiền hậu: “Tôi hiểu rồi! Nguyện vọng các đồng chí rất chính đáng. Tôi sẽ điện về đề nghị Trung ương, Bộ, Tỉnh ngay để mời các đồng chí sang thăm lại Sầm Nưa…”. Và đúng như lời hứa của đồng chí đại sứ, ít lâu sau chúng tôi đã nhận được công hàm, thư mời đích danh cùng phu nhân sang thăm Sầm Nưa.

Xe chúng tôi đến thị xã Sầm Nưa vào hồi 18h, ánh nắng như còn chưa tắt hẳn trên lòng chảo này. Đường vào thị xã mở rộng thênh thang: đây rồi sân bay! Nay đường băng đã lát bêtông, đài chỉ huy vươn cao; đây rồi Bệnh viện Philipines! (xưa do tu sĩ, thầy thuốc Philipines phụ trách) nay đã xây 3 tầng, đây rồi Dinh Tỉnh trưởng xây lại trên vị trí cũ trước khu nhà chuyên gia Việt Nam chúng tôi năm xưa, nay cũng là một dãy nhà bề thế!

Xe chúng tôi rẽ vào một xóm phố nhỏ, yên tĩnh với những nhà dân có vườn bao bọc, nhà nào cũng có dàn ăngten Parabol to dựng bên… Xe dừng trước ngôi nhà nghỉ 2 tầng, có sân rộng để đỗ xe, dành cho chúng tôi.

Sau nghi thức đón tiếp của Giám đốc Sở Giáo dục, chương trình tham quan của đoàn chúng tôi được thống nhất: do đi ngắn ngày chúng tôi đều cao tuổi nên xin không đi các huyện xa mà chỉ thăm cơ quan Tỉnh ủy, Sở Giáo dục, trường cấp ba….thăm thị xã; sau đó, đến Na Khao (nơi có Trường Sư phạm Trung ương đóng trước đây) và thị trấn bảo tàng- du lịch Viêng Xay (nơi Trung ương Bạn và Đoàn ủy 959 ta đóng).

Sáng hôm đó chúng tôi đến thăm Sở Giáo dục. Sau đó đến thăm trường cấp ba thị xã. Trong buổi đón tiếp trọng thị, thân  tình, Giám đốc Sở báo cáo cho đoàn những thành tựu giáo dục của tỉnh: mỗi huyện lớn có trường cấp II, III, bản lớn có trường tiểu học, đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy, nhiều bản làng đã xóa mù chữ, đang nghiên cứu việc dạy tiếng dân tộc Lào Sủng, Lào Thơng…

Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn: trường sở đa số còn sơ sài tre lá, đội ngũ giáo viên dân tộc còn ít, học sinh một số vùng còn hay bỏ học… Ngành giáo dục được tỉnh hết sức quan tâm chỉ đạo, đầu tư… Cơ quan Sở Giáo dục được xây dựng trên một đồi cao; từ sảnh phòng họp nhìn thấy toàn cảnh một vùng rộng của thị xã: nhà cửa xây dựng gạch ngói thay cho những mái nhà tre lá lúp xúp trước đây… đường xá mở thêm…

Rời Sở Giáo dục chúng tôi cùng Ban Giám đốc Sở xuống thăm trường cấp III thị  xã, xây 3 tầng, sân trường rộng… trò gần 600 trong đó có 20 cháu là người Việt của tỉnh Sơn La gửi sang học tiếng để chuẩn bị đi học đại học ở Viêng Chăn… cùng gần 50 thầy cô giáo, tề tựu ở một hội trường lớn với một sân khấu đủ phương tiện nghe nhìn, loa đài khá hiện đại, đón tiếp đoàn.

Sau nghi lễ chào mừng giới thiệu chủ khách, trao tặng phẩm, đồng chí hiệu trưởng còn rất trẻ, báo cáo với đoàn thành tích của nhà trường… Buổi họp mặt kết thúc bằng tiết mục múa Lăm Vông vui vẻ, thân tình..

Chiều, đúng giờ đã hẹn, chúng tôi đến thăm Cơ quan Tỉnh ủy, đóng tại nơi 44 năm trước, khi mới sang, Tỉnh trưởng Thao Ma đã tổ chức làm lễ buộc chỉ cổ tay chào đón, cầu phúc cho chúng tôi. Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy cùng các đại biểu... đã chờ đón chúng tôi.

Khi chúng tôi bước vào phòng khách, TSKH Khăm Phăn Vi Tha Văn, Ủy viên Trung ương Đảng, BTTƯ, Tỉnh trưởng tiến ra, chắp tay chào, miệng nói bằng tiếng Việt rất sõi: “Em xin kính chào các thầy, mẹ!”. Quá sửng sốt và xúc động, chúng tôi vội chạy tới, đỡ Khăm Phăn đứng dậy và đồng thanh: “Xăm bai đi, Thàn chạu khoẻng! Bò pên thẹ! (Chào ngài Tỉnh trưởng! Không nên vậy!)”.

Chủ khách an toạ, Khăm Phăn chăm chú nghe và nhìn từng người trong đoàn khi Trưởng đoàn chúng tôi giới thiệu. Vẻ mặt linh lợi, đôi mắt sáng, người thấp nhỏ, dáng vẻ trí thức, không bệ vệ như của quan chức; Khăm Phăn biết gần hết chúng tôi khi học ở Trường Sư phạm trung ương Na Khao.--PageBreak--

Khăm Phăn lên tiếng đáp từ và phát biểu ngắn gọn, chân tình bằng tiếng Việt:  “…Em rất vui mừng được gặp lại các thầy, mẹ và các chuyên gia Việt Nam cũ tại đây (Khăm Phăn luôn gọi các phu nhân chuyên gia bằng “mẹ”).

Về tình hình tỉnh Hủa Phăn (tên của tỉnh, nghĩa Việt là “nghìn ngọn núi”), sau khi kháng chiến thành công đến nay đã có nhiều đổi thay, cuộc sống đồng bào no đủ, văn hóa xã hội phát triển, các huyện ven sông Mã rất trù phú, còn các huyện, làng bản vùng núi cao, nhân dân các bộ tộc vẫn đoàn kết, tin tưởng ở Đảng và Nhà nước...

Tuy nhiên, mặc dầu người Hủa Phăn cần cù lao động, tài nguyên phong phú, đồng ruộng phì nhiêu, rừng cây tươi tốt, khoáng sản đa dạng, nguồn thủy điện dồi dào, tiềm năng du lịch sẵn có, nhưng chưa được điều tra, quy hoạch, khai thác là bao! Miền núi, đất rộng người thưa, nếp canh tác chưa thay đổi mấy, an ninh chính trị một vài vùng dân tộc ít người có lúc chưa ổn do bị kẻ xấu gây rối!

Nhưng khó khăn lớn nhất, em nghĩ, cần khắc phục là phải nhanh chóng phát triển giáo dục để tạo ra nguồn lực đủ về số lượng, có chất lượng cao, có khả năng quản lý chỉ đạo, tiếp nhận sự giúp đỡ của các tỉnh biên giới Thanh Hóa, Sơn La… của Việt Nam,  một thế mạnh của tỉnh, chỗ dựa vững chắc từ thời kháng chiến, cùng các nước bạn.

Chúng em, hơn 20 người đã từng học tại Trường Sư phạm Trung ương Na Khao Sầm Nưa các khóa, nay phải đảm nhiệm các chức vụ trong Đảng, Nhà nước, địa phương gặp nhau vẫn nhắc nhở hoài: “Bọn Hang Trâu (Thẳm Khoai, nơi Trường Sư phạm Trung ương, Đại học Sư phạm đóng thời kháng chiến) chúng mình, phải luôn cố gắng làm tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và Nhà nước”. Sáu tháng nay kể từ khi về đây nhậm chức, em chưa được về thăm vợ con ở Viêng Chăn đâu, các “thầy, mẹ” ạ! Nhớ lắm rồi!”.

Chúng tôi xúc động, cuời ồ lên! Và bỗng nhiên tôi đứng bật dậy, xin cắt ngang lời của Khăm Phăn: “Thế thì tôi đây, chính tôi cũng là người của  Hang Trâu đấy, mà là một trong những người đầu tiên đến Hang Trâu! Trường rời thị xã Sầm Nưa về Na Khao, vào Hang Trâu, tôi luôn có mặt…

Tôi rất vinh dự và tự hào là một người “Hang Trâu”! Nếu các đồng chí còn cần, tuy đã trên 70 tuổi, tôi xin sẵn sàng trở lại cùng các đồng chí khắc phục khó khăn cho sự nghiệp đào tạo nguồn lực cho tỉnh ta, và nếu cần các con cháu... của tôi cũng sẽ tình nguyện sang…”.

Nghe tôi nói, mắt Khăm Phăn ánh lên niềm xúc động, tiến đến, dang tay ôm chặt tôi. Mọi người vỗ tay ran, cười nói vui vẻ.

Biết hôm sau chúng tôi đi thăm lại Na Khao và Viêng Xay, Khăm Phăn xin tình nguyện dẫn đường, nhưng nói rõ là với cương vị học sinh và thầy giáo cũ của Trường Sư phạm Trung ương, chứ không phải là Tỉnh trưởng.

Đúng giờ hẹn xe Khăm Phăn đi trước dẫn đường xe chúng tôi đến Na Khao. Đến nơi, đường vào Hang Trâu lâu ngày bị cây rừng phủ kín, xe không vào được. Chúng tôi đành đứng ở khu đất bìa rừng, hướng về phía Hang Trâu, chụp ảnh kỷ niệm. Chính ở đây, Khăm Phăn đã nói với một số thầy cô giáo, thanh niên bản, về vị trí đáng tự hào của Na Khao.

Viêng Xay trước là bản Xiêng Xừ, Phu Khe, nơi Cơ quan Trung ương Bạn và Đoàn 959 của chuyên gia Việt Nam đóng, nay là một khu đô thị mới, khu bảo tàng cách mạng và khu du lịch. Chúng tôi không còn nhận ra dấu vết của các lán trại cơ quan đóng trong rừng rậm thời trước, lỗ chỗ hố bom khắp nơi. Nay là đường xá trải nhựa, bãi cỏ xanh mượt, hồ nước rộng, nhà hàng, khách sạn…

Chỉ còn khu hang động, phủ cây rừng, dưới chân những vách đá vôi cao vút, trắng xóa, uy nghi, sừng sững phía sau, nơi công binh ta và Bạn đã kỳ công cải tạo thành nơi ở, làm việc, hội nghị, tiếp khách quốc tế.

Do trời hơi mưa và đã thấm mệt, chúng tôi chỉ vào thăm được khu  tưởng niệm Tổng Bí thư Kay Xỏn Phôm Vi Hản và Hoàng thân Chủ tịch Xu Pha Nu Vông: có đủ phòng họp, phòng khách, phòng ăn phòng ngủ của gia đình và đặc biệt có cả gian phòng chống chiến tranh hóa học và phóng xạ, trong lòng núi. Hiện vật  đơn sơ, bàn ghế giường phản… giản dị cũ kỹ, đã gây xúc động cho mọi người

Ngày cuối cùng, chúng tôi tranh thủ thăm ngôi chùa của thị xã. Chùa Sầm Nưa trước đây lúc nào cũng tấp nập bóng áo vàng của sư sãi vào ra. Nay cảnh chùa vẫn với tầng mái cong vút, tượng phật uy nghi, các tòa tháp (táng người đã mất) nhiều hơn… nhưng yên ắng hơn.

Chỉ một “thủ từ” mặc thường phục tiếp chúng tôi thắp hương làm lễ. Hai vị Hòa thượng từng học Ấn Độ về, trụ trì tại chùa năm đó (1963), một vị là Ủy viên Trung ương Mặt trận Lào yêu nước, nói được tiếng Anh, mà chúng tôi đã đựơc tiếp kiến, đã chuyển về Viêng Chăn và viên tịch. Các bộ sách cổ lá cọ mà chúng tôi đã  xem và nghiên cứu, cũng đã được đưa về Viêng Chăn lưu trữ…

Tối hôm đó Bạn làm lễ buộc chỉ cổ tay, cầu phúc cho chúng tôi. Tự tay Tỉnh trưởng Khăm Phăn lần lượt buộc chỉ cho tất cả chúng tôi rồi tiệc chia tay, múa lăm vông vui vẻ đến gần khuya.

Sáng hôm sau đúng 7h,  xe chúng tôi rời Sầm Nưa trong sự tiễn đưa của Cơ quan giáo dục. Giám đốc Sở thân chinh đưa chúng tôi tới tận cửa khẩu Na Mèo. Mừng và rất biết ơn đồng chí Đại sứ và các bạn Lào đã giúp chúng tôi thỏa mãn nguyện vọng bấy lâu; mừng cho Bạn vì cuộc sống hòa bình, đổi mới; vui vì gặp lại bạn cũ, mới, thân tình, trọng thị; cảm động vì được thấy lại cảnh xưa, bao kỷ niệm

Lương Vĩnh Khang
.
.