Trận chiến đấu cuối cùng của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi

Thứ Ba, 25/10/2005, 08:48

Từ lời kể của đồng chí Nguyễn Hữu Lời, bạn chiến đấu của anh Trỗi, hiện là cán bộ Công an Tp. HCM, chúng tôi xin phác họa lại khí phách Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trong trận đánh mìn bất thành và trong lao tù kẻ thù cũng như cái chết anh dũng của anh vào ngày 15/10/1964.

Cùng ở thôn Thanh Quý, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nên Nguyễn Hữu Lời và Nguyễn Văn Trỗi biết nhau từ bé. Anh Trỗi sinh năm 1940, hơn Lời 5 tuổi. Cả hai cùng được một người móc nối vào biệt động nhưng mãi tết 1964, được ra vùng căn cứ Đức Hòa, Đức Huệ, Long An học chính trị, Lời mới gặp anh Trỗi.

Sau lớp học, Trỗi, Sơn, Kiếm, Lời được tổ chức thành một tổ hoạt động và ngay tại rừng thơm Đức Hòa, tổ được chỉ thị mục tiêu đánh. Đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mc Namara.

Tháng 3/1964, sau khi thống nhất kế hoạch cả 4 người rải ra trên đường Công Lý theo dõi một đoàn xe từ sân bay Tân Sơn Nhất chạy ra có môtô cảnh sát hộ tống hai bên và có cảnh sát nổi, cảnh sát chìm rải đầy đường. Mc Namara vẫn ngồi hàng ghế sau, chiếc ôtô màu đen chạy thứ ba như mọi lần trước!

Mục tiêu đã được xác định. Công việc tiếp theo là khéo léo nhận vũ khí từ căn cứ đưa vào. Vũ khí gồm 2 trái mìn DH10 loại 8kg được đưa an toàn về nhà Ba Sơn, tổ viên của Nguyễn Văn Trỗi.

Nguyễn Văn Trỗi (bên phải) và Nguyễn Hữu Lời cùng các dụng cụ dùng để đánh bom.

Theo quy luật, tháng 6 mục tiêu sẽ lặp lại hành trình ở Sài Gòn. Kế hoạch đánh mục tiêu được vạch là: Từ ngày 15 - 20/5, Tư Kiếm sẽ tìm thuê căn nhà sát đường Công Lý, đoạn từ ngã tư Yên Đổ đến chùa Vĩnh Nghiêm. Mìn đặt trước ngôi nhà thuê. Người điều khiển đứng trong nhà điểm hỏa rồi rút theo những con hẻm dọc ngang ra đường Trương Minh Giảng, lên chiếc xe máy của người trong tổ chờ sẵn ở đó.

Kế hoạch này phụ thuộc vào việc có thuê được nhà đúng yêu cầu hay không! Vì thế, phải có phương án 2 là đặt mìn ở bờ cây lúp xúp phía trước chùa Vĩnh Nghiêm. Người điểm hỏa sẽ ngồi trong nhà cầu trên bè rau muống phía sau chùa. Đặt mìn ở đây xa đường hơn, chỗ đặt mìn lại thấp hơn đường và không bằng phẳng, dễ bị lệch hướng sát thương nên phải chuẩn bị kỹ.

Nhưng đầu tháng 5, không khí hai bên bức tường ngăn cách Đông - Tây Berlin nóng bỏng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ vội vã bay sang Berlin rồi từ Berlin tất tả đến Sài Gòn. Không kịp thuê nhà đặt mìn, họ đành thực hiện phương án hai.

Ba Sơn có nhiệm vụ đưa trái mìn từ nhà ra bờ cây trước chùa Vĩnh Nghiêm. Trái mìn được cho vào thùng sắt cũ từ lâu dùng chứa dầu hôi. Phía trên trái mìn là lớp ximăng chết gắn chặt vào thùng. Sáng 9/5/1964, Ba Sơn chở thùng ximăng chết cùng đồ nghề thợ hồ trên chiếc xe ba gác quen thuộc đi lên cầu Trương Minh Giảng có Tư Kiếm đi cạnh. Bốn cảnh sát trên cầu soi mói nhìn dòng người qua lại.

Chiếc xe ba gác chở than đi trước xe Ba Sơn bị 4  cảnh sát giữ lại xét. Ba Sơn vội đánh xe của mình lên đứng trước một tên cảnh sát, năn nỉ:

- Xin thầy xét xe tôi trước cho tôi đi sửa nhà cho người ta. Đến trễ quá, chủ la!

Tên cảnh sát nhìn vào thùng xe ba gác lỏng chỏng chỉ có chiếc thùng gỉ, mấy chiếc xẻng, dao xây, liền hất tay cho đi.

Lời liền băng qua đường sang chỗ bờ cây gần cầu Công Lý. Ba Sơn đánh xe lộc cộc đi tới. Cả ngày hôm đó, Lời và anh Trỗi  thường xuyên chạy xe chậm rãi trên đường Công Lý nghe ngóng động tĩnh. Trái mìn vẫn nằm im trong thùng sắt sau bụi cây giữa rác rưởi và những sợi rơm khô. Chỉ còn hai việc nhỏ phải chờ có bóng đêm mới làm được: Lời đảm nhiệm việc đấu dây điện vào mìn và rải dây đến nhà cầu. Anh Trỗi đấu hai đầu dây vào thỏi pin giấu ở nhà cầu.

Sợi dây điện từ trái mìn đến nhà cầu phải rải theo dòng kênh. Muốn thế phải chờ nước kênh lên cao mới giấu mình trong dòng nước mà rải dây. Gần 12h đêm. Lời từ nhà Tư Kiếm đi bộ theo đường Trương Minh Giảng - Trần Quang Diệu - Công Lý, nghe ngóng rồi ôm cuộn dây điện tụt xuống kênh. Mùi hôi thối xộc lên. Không thể đứng đây chờ nước lên ngập người, Lời quờ tay rút những dây rau muống vắt lên người rồi nhẹ nhàng rải cuộn dây điện trên bè rau muống, tiến tới bờ cây đặt trái mìn. Đấu hai đầu sợi dây vào trái mìn rồi anh lần trở về chỗ nhà cầu.

Mới đến giữa bè rau muống thì anh sững lại. Có tiếng người lao xao càng lúc càng lớn. Tiếng chân chạy rậm rịch trên con hẻm phía nhà cầu. Cả tiếng đấm đá, tiếng quát tháo. Người đổ ra xúm đông quanh khu nhà cầu. Qua tiếng lao xao, Lời biết anh Trỗi bị bắt ở ngay nhà cầu. Cả bộ quần áo của Lời cũng bị lôi ra. Chúng khẳng định còn một người nữa dưới kênh và sục sạo bờ kênh.

Lời nhanh chóng lần về phía bờ cây bên đường Công Lý, nơi còn yên tĩnh và tối mờ. Anh vừa nhô lên bám vào bờ kênh, định bò vào bờ cây thì một họng súng thúc mạnh vào ngực.--PageBreak--

Anh Trỗi và Lời cùng bị giam ở Tổng nha Cảnh sát bên đường Trần Hưng Đạo. Hai người được bố trí ra cầu tiêu cùng lúc.Lời chạy lại ôm lấy anh. Anh Trỗi hấp tấp nói:

- Em không được nhận gì cả. Bọn giặc tập trung vào anh. Để anh nhận hết.

Ngày 10/8/1964, Tòa án quân sự chính quyền Sài Gòn xử anh Trỗi và Lời.

Sau bản cáo trạng ngắn, tên quan tòa ngồi giữa chỉ vào những tang chứng, hất hàm hỏi anh Trỗi:

- Bị can Nguyễn Văn Trỗi! Mìn, kíp nổ, dây điện, pin và cây hàn điện của anh phải không?

Anh Trỗi chậm rãi nói, dõng dạc từng từ:

 - Đúng! Của tôi! Tất cả đều của tôi!

- Anh có biết rằng trái mìn bự kia có thể giết chết rất nhiều người không? Anh định giết ai?

Anh Trỗi lại chậm rãi:

- Tôi giết bọn cướp nước tôi.

Tên quan tòa quát:

- Không lý sự nhiều lời! Nói thẳng ra là trái mìn của các người nhằm vào ngài Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Mc Namara phải không? Hai kíp nổ đã gắn cả vô một trái mìn. Đó là bảo đảm chắc nổ. Nhưng hai kíp nổ phải có hai trái mìn! Vậy còn trái mìn nữa ở đâu?

Anh Trỗi bình tĩnh trả lời:

- Để bảo đảm mìn nổ tiêu diệt được mục tiêu, chúng tôi phải xin hai kíp nổ cho chắc! Các ông rành hết trọi, chúng tôi đâu có giấu được! Đường vô thành phố bị các ông  ngăn chặn khám xét dữ vậy, chúng tôi đâu có mang được đến hai trái mìn!

Tên quan tòa ngồi giữa vẫn điềm tĩnh, nhẹ nhàng:

- Trong một quốc gia có pháp luật, bị cáo có biết rằng giết người như thế là có tội không?

Anh Trỗi hỏi lại:

- Các ông mà cũng nói đến pháp luật sao? Không có thứ pháp luật nào cho phép quốc gia này đi xâm lược quốc gia khác! Mỹ xâm lược Việt Nam là đã chà đạp lên những điều cơ bản của luật pháp! Thế mà các ông còn nói rằng quốc gia của các ông có pháp luật!

Tên quan tòa ngồi giữa hỏi Lời. Lời đã trả lời như những lời anh Trỗi dặn.

Tòa lại hỏi anh Trỗi:

- Nguyễn Văn Trỗi! Tên Lời có cùng tổ chức với bị cáo không?

Anh Trỗi thốt kêu lên:

- Trời ơi! Tổ chức của chúng tôi có phải là cái chợ đâu mà ai vô cũng được? Làm sao tôi có thể tin cậy con người chỉ cần có tiền thì bảo làm gì cũng làm. Tôi chỉ thuê cậu này kéo một đoạn dây điện ngắn với yêu cầu không để cho ai nhìn thấy. Vì thế chính tôi đã đòi hỏi phải kéo dây vào ban đêm với lý do như cậu đó vừa khai.

Anh Nguyễn Văn Trỗi hiên ngang trước pháp trường.

Kết thúc phiên tòa, anh Trỗi bị quy vào mức án cao nhất. Mức án của Nguyễn Hữu Lời là 20 năm khổ sai.

Vừa bãi tòa, đám cảnh sát xô lại chỗ anh Trỗi. Một chớp sáng lóe lên. Anh Trỗi nhận ra người vừa chụp hình anh có vẻ lén lút, liền vẫy lại hỏi:

- Tôi có làm điều gì xấu xa, không chính đáng đâu mà ông không dám chụp hình tôi một cách đàng hoàng.

Người chụp hình trả lời chân thành:

- Thưa ông, tôi là ký giả. Tôi rất khâm phục ông. Xin ông cho phép tôi chụp bức hình kỷ niệm.

- Ông là ký giả thì ông hãy nhớ lấy những lời tôi đã nói trước tòa. Nếu có đăng báo thì đăng đúng như thế. Ông có dám đăng đúng như thế không?

- Thưa ông, tôi sẽ viết đúng như những gì tôi được chứng kiến, nhưng đăng hay không là do chủ báo. Xin ông cảm phiền.

Lần cuối cùng, Lời được gặp anh Trỗi là hôm Lời rời Tổng nha Cảnh sát ra Côn Đảo. Bước theo những người tù vừa được gọi tên ra khỏi buồng giam, Lời nhìn sang buồng giam anh Trỗi thấy anh đã đứng sát cửa. Lời đến từ biệt anh. Anh Trỗi nhìn Lời trìu mến, tha thiết, gửi gắm. Những lời cuối cùng anh nói với Lời là:

 - Ngày giải phóng không còn lâu nữa. Em ra đó chỉ vài năm sau lại trở về. Vững chí nghe em! Những người bị giặc đưa ra ngoài đó đều là những người yêu nước trung kiên. Em gắng theo các anh, các chị, học các anh các chị đó để sau này về làm việc. Nhớ lời anh nghe em!

Phạm Đình Trọng
.
.