Trạm xá Ban anh ninh R và câu chuyện của các chiến sĩ áo trắng

Thứ Hai, 14/11/2005, 08:54

Trong điều kiện kháng chiến khó khăn, các y bác sĩ của Ban an ninh Trung ương (TW) cục đã mạnh dạn pha chế dịch truyền như Gluco 5%, 20%, muối Clorua Natri 9/00... Cứ mỗi khi sản xuất xong các “dược sĩ” lại phải lấy bản thân ra để thử.

Do lường trước khó khăn của cuộc chiến và để hạn chế thương vong đến mức thấp nhất, Ban an ninh TW cục quyết định thành lập trạm xá của ban vào tháng 8/1962 với lực lượng còn rất mỏng, chỉ có 3 người là y tá, y sĩ và hộ lý. Trang thiết bị cho việc “cứu người” chỉ vẻn vẹn có một chiếc ống nghe, một bộ đo huyết áp,vài ống kim tiêm...

Những năm mới thành lập, trạm xá Ban an ninh TW cục nằm ở trảng Tà-Xia, thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh bây giờ. Cuộc kháng chiến càng tới gần thắng lợi, những trận đánh cũng ngày càng ở quy mô lớn hơn, thương vong ngày càng nhiều hơn nên đến những năm 1968, trạm xá đã được nâng cấp lên thành Phòng y tế thuộc Tiểu ban hậu cần của Ban an ninh TW cục. Lực lượng biên chế đã được chi viện thêm người gồm 6 bác sĩ, 5 y sĩ, 14 y tá, một dược sĩ trung cấp, 1 dược tá và 16 đồng chí làm các công tác khác.

Mỗi lần di chuyển vừa phải lo cho mình vừa phải lo cho thương bệnh binh, rồi trang thiết bị chuyên môn... Căng nhất là vào những năm 1970, Mỹ nguỵ đánh qua cả biên giới, đồng thời chế độ LonNon ở Campuchia do Mỹ dựng lên (3/1970) cũng gây khó khăn cho việc tiếp tế của ta thời kỳ này. Lệnh di chuyển nhiều khi chỉ trong một buổi đã phải thực hiện xong chỉ với những trang thiết bị cực kỳ thô sơ như cáng võng, cõng hoặc cơ giới hơn cả là xe đạp thồ...

Chở gỗ về xây dựng căn cứ tại Ban An ninh TW cục (năm 1967).

Đặc điểm của bệnh xá là luôn đóng gần khối văn phòng Ban an ninh nên cũng trở thành mục tiêu chính của những trận đánh phá. Có lần, địch phát hiện ra nơi trú quân của trạm xá, tập trung bắn phá hàng giờ nên tất cả từ y, bác sĩ đến nhà bếp đội mưa bom lo cho thương bệnh binh tới nơi trú ẩn an toàn và 7 người của bệnh xá đã hy sinh, 11 người bị thương. Mất mát quá lớn nhưng mọi người cũng chỉ kịp lau vội nước mắt để ngày hôm sau tạm biệt những nấm mồ mới đắp họ lại phải di chuyển tới địa điểm mới bên đất Campuchia. Trong suốt 13 năm, dấu chân anh em đã in khắp Tà - Xia, Trảng Dầu, Đập Đá, Booc-Chet, Cờm-Rớ, Bảy Bầu, Đầm Be...

Ngay từ khi mới thành lập, để chữa bệnh sốt rét rừng trong điều kiện không có thuốc men, anh em đã sử dụng những bài thuốc dân gian của dân địa phương. Nghe nói cây Thường sơn, dây Cốc rừng, phổi mối làm thuốc chữa sốt rét rất công hiệu. Vậy là anh em đi làm... “dược sĩ ”. Mỗi lần tìm thấy cây thuốc mừng vô kể nhưng có khi lấy được lá thuốc thì cũng trầy trụa khắp người do tuột tay, trượt chân. Hú hồn vì nhiều lần chết hụt.

Cùng với việc sản xuất nhiều dung dịch như si rô Mã tiền, Lạc tiên, viên nghệ... đến Vitamin B, B1, C Strychinin, B12, Quinin... anh em còn mạnh dạn bắt tay vào pha chế dịch truyền như Gluco 5%, 20%, muối Clorua Natri 9/00... Cứ mỗi khi sản xuất xong các “dược sĩ” lại phải lấy bản thân ra để thử. Khi đã chắc ăn thuốc đạt yêu cầu mới đem ra dùng truyền cho anh em thương binh. Điều vui mừng nhất là không có một trường hợp nào bị tai biến khi dùng thuốc.

Một nhóm anh em đảm đương nhiệm vụ tới tận Bệnh viện tỉnh Krachê- Campuchia (đã được quân ta giải phóng năm 1970). Hơn một ngày vượt qua 70-80 km đường rừng họ đã tới được Krachê. Mệt mỏi rã rời nhưng khi nhìn thấy đống chai lọ thuốc đã dùng đổ cả đống tại bãi rác BV, mọi người mừng hơn là bắt được vàng. Nhanh chóng nhặt hết các chai truyền (200cc,250cc...), ống tiêm, đổ đầy xe thồ chở về. Tất cả được súc sạch, hấp, tẩy trùng và được tận dụng tối đa thêm hàng... chục lần nữa.

Sau này khi sản xuất được một số thuốc ở dạng nước, hay nước cất thì lại vấp phải một khó khăn là nguồn ống tiêm. Vậy là một “phát minh” ra đời.Từ một số ống tiêm đã dùng rồi (nhặt từ bệnh viện tỉnh Krachê) để dùng lại nhưng cũng chẳng đủ, một lệnh mới được ban ra: Đơn vị nào đến lấy thuốc đều phải đưa các loại vỏ đã dùng (ống tiêm, lọ Penicilin). Sau khi nhận lại ống cũ phải dùng đèn khò của thợ bạc, một đầu dùng kìm kẹp ống tiêm, khò đèn nung đỏ đầu ống tiêm dùng kìm kéo dài ra.

Lúc này hình thù ống tiêm không quan trọng, méo tròn ra sao chẳng quan tâm miễn là có thể dùng để đựng được thuốc. ống tiêm đã được tận dụng tối đa từ 5cc xuống chỉ còn 1cc (do mỗi lần dùng buộc phải bẻ bỏ đi 1 đoạn đầu ống) mới bỏ đi. Riêng việc rửa ống tiêm cũng “trần ai”. Do miệng ống tiêm rất nhỏ nhưng hấp trùng buộc phải qua nhiều công đoạn: rửa nước xút, luộc, nấu nước sôi nhiều lần... Mỗi lần như vậy người rửa buộc phải nắm cả bó ống và vẩy liên tục để nước ra hết. Những ngày đầu làm việc này, người nào người đó đêm về không ngủ được vì cổ tay nhức buốt

Huyền Nga
.
.