Thiếu tướng Vũ Huỳnh - Mặt trận không chỉ là súng nổ

Thứ Sáu, 18/08/2006, 09:00

Họp Tỉnh ủy, ông Trần Đệ, Phó Bí thư Tỉnh ủy chất vấn: “Bắt  FULRO rồi thả, liệu có lãng phí công sức xương máu anh em? Làm sao biết ai hàng thật, ai hàng giả? Họ trốn lại, ai chịu trách nhiệm?”. Ông Chín Huỳnh đáp: “Tôi chịu! Hàng thật, hàng giả tại nơi chúng ta cả!”.

Giữa tháng 4/1975, khi xe tăng quân Giải phóng tiến vào giải phóng Ninh Thuận, Huỳnh Ngọc Sắng, Vạn Thanh Bình, những tên sa đọa và cơ hội chính trị người Chăm đã nhảy ra lấy danh nghĩa FULRO tuyên bố “cộng tác với Cách mạng”, tiếp quản chính quyền ở một số thôn xã vùng An Phước... để giao lại cho Ủy ban quân quản. Quá rõ bản chất tráo trở và mưu đồ “dây máu ăn phần” của những tên lưu manh chính trị chuyên lừa bịp đồng bào, chính quyền Cách mạng đã cương quyết từ chối sự “hợp tác” này.

Bị vạch mặt, chúng rêu rao “Cộng sản phản bội FULRO áp bức người Chăm”. Bình, Sắng dụ dỗ, lôi kéo thanh niên Chăm và đe dọa, khống chế số người Chăm là ngụy quân, ngụy quyền cũ, tập hợp thành lực lượng kéo nhau lên đồi Sương Mù dưới chân đèo Đa Nhim lập căn cứ “kháng chiến” chống phá Cách mạng. Bị truy quét, chúng thu gom tàn quân chạy vào rừng phân tán thành những nhóm nhỏ, lẻ bám dân tiếp tục hoạt động. Chúng liên tục phục kích giết cán bộ trên đường đi công tác, kích động hằn thù dân tộc gây nên không khí căm phẫn trong cán bộ, chiến sĩ và sự hoang mang, lo sợ trong nhân dân.

Thiếu tướng Vũ Huỳnh tên thật là Huỳnh Anh, sinh ngày 12/12/1913 tại Điện An, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông tham gia Cách mạng tháng 8/1945, từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong Công an suốt thời chống Pháp và chống Mỹ. Ông đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý trong đó có 4 huân chương Độc lập, Quân công,  Kháng chiến và Quyết thắng đều hạng I... Ông mất ngày 19/7/2006 tại nhà riêng ở khu phố 10, phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, Bình Thuận.

Trước thách thức mới, tư tưởng của đội ngũ cán bộ địa phương có sự phân hóa sâu sắc. Phía quân đội chủ trương giải quyết nhanh vấn đề bằng chủ lực. Sư đoàn 10 đã mở chiến dịch, có xe tăng và máy bay từ sân bay Thành Sơn hỗ trợ phối hợp truy quét nhưng vẫn không thể tiêu diệt được những toán FULRO phân tán, thông thạo địa hình rừng núi và rất giỏi lẩn trốn.

Ngược lại, phía công an không tán thành cho rằng đẩy mạnh truy quét FULRO sẽ gây nên sự đối lập giữa dân với chính quyền. Lực lượng FULRO đều là con em đồng bào Chăm ở địa phương, nguồn tiếp tế của chúng đều do dân chúng trong các thôn xóm cung cấp. Nguồn tiếp tế không đứt, chúng vẫn tồn tại, tiếp tục khống chế, kích động khiến số thanh niên Chăm bỏ trốn ra rừng ngày một gia tăng.

Đúng thời điểm đó, nguyên Trưởng Ban An ninh Khu 6 Vũ Huỳnh (Chín Huỳnh) được phân công giữ vị trí Trưởng ty Công an tỉnh Thuận Hải mới thành lập, trên cơ sở sáp nhập ba tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Bình Tuy.

Là một cán bộ an ninh bám dân hàng chục năm ròng, ông Chín Huỳnh nhận thấy chỉ dựa vào lực lượng vũ trang, ta sẽ mất dân. Nhưng nếu hữu khuynh để FULRO gia tăng hoạt động, cầm chắc lực lượng vũ trang địa phương, vì căm thù sẽ khó tránh khỏi manh động, tình hình sẽ càng thêm rối rắm. Được cấp Khu ủy, Tỉnh ủy ủng hộ, ông tổ chức ngay một Hội nghị chống FULRO, mời tất cả các cán bộ đầu ngành trong tỉnh về dự.

Chủ trương “cắt vòi, nhổ rễ” được ông nêu thành khẩu hiệu. Công an cử cán bộ xuống “ba cùng” nắm dân, tích cực tuyên truyền giải thích chống FULRO bịa đặt, xuyên tạc đồng thời nắm vững và phát hiện nhanh những mối liên lạc giữa chúng với dân để ngăn chặn kịp thời. Những tài liệu công an thu được đều giao lại cho phía quân đội nghiên cứu. Ngược lại, phía quân đội cũng thông báo trước đầy đủ những chiến dịch truy quét để Công an và chính quyền địa phương phối hợp hành động.

Bộ đội huyện An Sơn bắt được một số tên FULRO. Ông Chín Huỳnh chủ trương không tiết lộ những thông tin tội ác mà chúng khai nhận ra ngoài, tránh gây hoang mang, căm phẫn trong cán bộ và nhân dân dễ gây kích động ý thức đòi trả thù. Dù có rất nhiều ý kiến phản đối ông vẫn cho đưa những kẻ bị bắt về Ty Công an đối xử tử tế. Nhờ vậy, chúng tỏ ra yên tâm, khai nhận khá nhiều thông tin quan trọng.

Trung ương FULRO đã phái Thuận Văn Hải, một cựu học sinh Chăm của Trường Kỹ thuật Cao Thắng về chỉ huy lực lượng FULRO Thuận Hải. Tên này đã lập ra khung Trung đoàn gồm 6 tiểu đoàn mang tên các anh hùng dân tộc Chăm như Posanư, Poklong Giarai, Chế Bồng Nga, Poromé... Đến cuối năm 1976, chúng đã phát triển được cơ sở chính trị - hậu cần của Trung đoàn này về tận từng đơn vị thôn, ấp.

Một bộ phận cán bộ lãnh đạo của tỉnh chủ trương bắt gom toàn bộ cơ sở của FULRO, cắt đứt hậu phương của chúng. Ông Chín Huỳnh phản đối vì không muốn gây thêm hoang mang, xáo trộn trong cộng đồng người Chăm. Cán bộ bám dân vẫn tăng cường qua lại, thăm hỏi, động viên các gia đình có con em tham gia FULRO. Vợ Thuận Văn Hải sinh con, đích thân ông Chín Huỳnh đến tận nhà thăm, tặng đường sữa...

Không có trả thù, không có tắm máu, dư luận trong các thôn xóm người Chăm bắt đầu dịu lại. Đồng bào bắt đầu hợp tác, cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho lực lượng bám dân. Thông tin về lễ ra mắt “Lực lượng vũ trang giải phóng vương quốc Chăm Pa”, ta nắm được trước đúng một ngày, kịp thời triển khai lực lượng bao vây địa điểm ra mắt ở hang Kà Ròn, huyện Bắc Bình. Tuy nhiên, FULRO thông thạo địa bàn hơn nên kịp chạy thoát hết, chỉ có một tên bị diệt, một tên bị bắt.

Tên này khai: FULRO chủ trương hoạt động phân tán. Cánh quân do Trượng Thanh Duyên, chính trị viên Trung đoàn FULRO chỉ huy sẽ rải quân về khu vực núi Chà Bang, dọc bìa rừng thuộc các thôn Chung Mỹ,  Mỹ Nghiệp, Văn Lâm thuộc vùng An Phước để bám dân, tìm nguồn tiếp tế. Nắm rõ ý đồ, ông Chín Huỳnh tổ chức cho bộ đội phong tỏa chặt mọi ngả, chỉ chừa lại thôn Mỹ Nghiệp, quê Trượng Thanh Duyên. Quả nhiên, Trượng Thanh Duyên sa bẫy, bị bắn gãy chân và bị bắt. Một tên FULRO khác bị tiêu diệt.

Bác bỏ chủ trương của nhiều cán bộ đưa Trượng Thanh Duyên ra xét xử công khai để làm gương, ông Chín ra lệnh đưa Duyên vào Bệnh viện Phan Rang cứu chữa. Bác sĩ, y tá bệnh viện từ chối “không cứu chữa cho tên giết người”. Cán bộ chiến sĩ Công an được phân công cũng cương quyết “không nấu cháo, chăm sóc thằng thổ phỉ”. Ông Chín phải trực tiếp xuống bệnh viện động viên.

Với Công an ông ra lệnh: “Ai được phân công mà từ chối, tôi kỷ luật. Đây là nhiệm vụ”. Kết quả, Duyên được chính bác sĩ Hổ, Giám đốc Bệnh viện trực tiếp mổ và điều trị chăm sóc chu đáo với những loại thuốc men tốt nhất.

Đàng Thị T., một nữ sinh bị Huỳnh Ngọc Sắng dụ dỗ, theo FULRO và trở thành tình nhân của tên này. T mang thai, Sắng ép cô phải bỏ con, đồng thời chạy theo Từ Thị Nhung, một nữ FULRO khác nguyên là cô giáo của T. Chui rúc trong núi quá cực khổ, T. mang con về Chung Mỹ nhờ mẹ ruột nuôi, còn bản thân thì bị bỏ rơi, sốt rét nằm mê man trong hang núi.

Ông Chín Huỳnh bố trí hai nữ chiến sĩ lên nuôi dưỡng, chăm sóc con của T., đồng thời vận động gia đình cô lên rừng đưa con về điều trị. Cận kề cái chết, T. về thật nhưng không chịu ăn, không chịu tiêm, sợ bị đầu độc. Mất đúng một tuần kiên trì, hai nữ chiến sĩ mới thuyết phục được cô và gia đình. Khi gia đình xin được đưa cô ra đầu thú, ông Chín xuất hiện và bảo: “Không cần, cứ ở nhà nghỉ ngơi tĩnh dưỡng cho dứt bệnh”. Ông tặng cô đường sữa, tiền trị bệnh và đồng ý cho người thân, họ hàng cùng các chức sắc tôn giáo người Chăm đến thăm hỏi cô.--PageBreak--

Ngày 23/2/1977, ông Chín Huỳnh cho tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa những FULRO quay về với các trí thức và chức sắc tôn giáo người Chăm. Trượng Thanh Duyên ăn năn: “Tôi có tội, lẽ ra phải chết. Cách mạng không giết, không bỏ tù, còn bỏ công chạy chữa chăm sóc. Chống lại ân nhân khác gì chống cha mẹ, tôi thật ân hận”. Đàng Thị T. cũng đưa cuộc đời bị lừa dối đầy tủi nhục của mình ra kể. Cả hội trường đều khóc...

Dịp này, Công an tỉnh cũng cho triển lãm hàng loạt hình ảnh về tội ác của FULRO. Không chịu nổi cực khổ và sự tàn ác của những tên chỉ huy, hai FULRO Thạch Thi, Nại Mâu định ra đầu thú. Họ bị FULRO phanh thây. Sau đợt truy quét, ta tìm được thi thể họ, cho xe đón gia đình họ lên nhận xác con em về chôn cất theo phong tục.

Lời tường thuật của gia đình các nạn nhân và những tấm ảnh đã khiến đồng bào thay đổi cách nhìn về Cách mạng và không ngớt lên án FULRO tàn ác, lừa dối dân tộc, giết hại cả bà con, anh em. Các chức sắc tôn giáo đã long trọng hứa: “Xin Cách mạng cho thêm 5 ngày, chúng tôi sẽ gọi con em rời bỏ FULRO về đầu thú”.

Để tăng sức mạnh cho mặt trận chính trị tư tưởng, ông Chín Huỳnh lại đề xuất cho dốc toàn lực lượng bộ đội, công an tiến hành truy quét liên tục và ráo riết. Các chiến sĩ được quán triệt: “Không gặp nguy hiểm, không được bắn”. FULRO lũ lượt ra hàng. Công an lưu họ lại, đãi một bữa cơm rồi cho về đoàn tụ, khích lệ họ lôi kéo thêm anh em bạn bè buông súng.

Ông Chín Huỳnh và gia đình.

Nhiều cán bộ chủ chốt phê phán chủ trương của ông Chín Huỳnh gay gắt. Họp Tỉnh ủy, ông Trần Đệ, Phó Bí thư Tỉnh ủy chất vấn: “Bắt rồi thả, liệu có lãng phí công sức xương máu anh em? Làm sao biết ai hàng thật, ai hàng giả? Họ trốn lại, ai chịu trách nhiệm?”. Ông Chín đáp: “Tôi chịu! Hàng thật, hàng giả tại nơi chúng ta cả!”. Ông cho rằng giành lại lòng dân, đó là yêu cầu lớn nhất trong cuộc đấu tranh chống FULRO thống nhất dân tộc.

Nơm nớp lo bị Cách mạng lừa, phần lớn FULRO ra hàng chỉ về tay không, súng đạn chôn lại ngoài rừng. Nếu tình hình không ổn họ sẽ tái trốn, đào súng lên hoạt động trở lại. Ông Chín đề ra khẩu hiệu “người về, súng về”, chủ trương đổi súng đạn lấy lương thực, thuốc men. Hàng cứu trợ phân về, ông tham mưu phát đến tận tay những gia đình khó khăn, không phân biệt thành phần, đối tượng, Nhiều gia đình có con em tham gia FULRO không dám đi nhận, ông cho bộ đội, công an nhận giúp mang đến tận nhà.

Cảm động, những kẻ ngoan cố nhất cũng chấp nhận quay đầu, mang cả súng đạn về giao nộp. Tại thôn Gòn, xã Lâm Sơn, huyện An Sơn, có tên cứ nửa tháng, mươi ngày lại nộp thêm một khẩu súng, tăng dần theo thiện ý đối xử của Cách mạng. Đến khẩu thứ bảy, anh ta ngượng nghịu: “Tôi thề với cán bộ là hết sạch rồi!”.

Ngày 22/7/1977, một ủy viên Trung ương FULRO ra hàng. Không bị trói, chẳng bị giam, lại được cho quà mang về thăm vợ và con nhỏ, anh ta bưng mặt khóc. Xin gặp ông Chín Huỳnh, Hải nghẹn giọng: “Nếu người bị bắt là ông, tôi sẽ ra lệnh bắn. Sao ông không làm vậy? Ông không sợ tôi trốn, sự nghiệp của ông sẽ sụp đổ hay sao?”. Ông Chín thẳng thắn: “Sự nghiệp của tôi là sự nghiệp chung, không thể sụp đổ vì một cá nhân. Đó là điểm khác biệt giữa sự nghiệp Cách mạng chân chính với FULRO, phong trào của cuồng vọng cá nhân mù quáng!”. Hải quỳ thụp: “Tội tôi đáng chết!”.

Với đám FULRO bị bắt trong những đợt truy quét, ông Chín cho tổ chức lớp học tập tại Trường cấp I Hữu Đức, xã Phước Hữu, An Phước... Chính ông là người giảng cho họ nghe về lịch sử phong trào FULRO. Đại đa số học viên đều há hốc mồm vì lần đầu tiên được hiểu đích xác từ FULRO xuất hiện trong từ điển La Rousse, viết tắt của cụm từ tiếng Pháp Front Uni de Lutte des Races Opprimées (Mặt trận thống nhất các sắc tộc bị áp bức), do người Pháp nặn ra, không hề là sản phẩm của “vương quốc Chăm Pa” nào cả như họ bị mê hoặc.

Hàng loạt khách mời là những trí thức Chăm, một số từng tham gia FULRO từ những ngày đầu thành lập cũng tham gia giảng bài xác nhận lời ông nói, đồng thời bày tỏ sự ân hận vì bản thân họ cũng đã từng sai lầm càng khiến những thành viên FULRO mới trở về thêm tỉnh ngộ. Rời lớp học, một số người đã tình nguyện dẫn đường cho bộ đội công an đi truy bắt những tên đầu sỏ.

Nhiều bô lão và chức sắc tôn giáo được ông Chín Huỳnh cho mời tham gia lớp học để “động viên con cháu”. Huỳnh Vũ, con trai ông Chín Huỳnh học ở Liên Xô về vừa đóng vai trò giảng viên của lớp, vừa thức khuya dậy sớm giúp các bô lão nấu nước châm trà. Các vị cả sư, thầy Chang và bô lão cảm động lắm, bảo: “Hồi trước con trai trưởng ty nào cũng hống hách, dân gặp lo tránh cho xa, đằng này... Cách mạng quả thương đồng bào thật sự”.

Cái nhìn tốt đẹp của đồng bào ngày càng được củng cố, nhất là sau khi ông Chín cho Công an ráo riết truy tìm cuối cùng bắt được Đổng Ngọ và một tên khác, cũng là người Chăm, thu hồi được chiếc vương miện Chăm đã bị chúng ăn trộm và nấu chảy, xóa tan dư luận “Cộng sản đả thực bài phong, tịch thu vương miện”. Đồng bào càng phấn khởi hơn khi ông Chín đã can thiệp để Thạch Mộng, một người Chăm làm Công an ở An Phước được đi du học. Mặc cảm, khoảng cách nghi kị cứ thế được xóa dần, cho đến khi phong trào FULRO lắng xuống.

Sau này, đồng chí Lê Giản có hỏi Thiếu tướng Vũ Huỳnh: “Chẳng thấy anh mở phiên tòa nào cả, sao FULRO kéo nhau về hàng hết vậy?”. Ông Chín trả lời rất chân thành: “Chúng ta xử bằng tâm, có xử bằng tòa đâu anh!”. Câu trả lời tuy vô tình vẫn đầy ắp tính hùng biện.

Goth, đại văn hào Đức từng nói: “Trước trí tuệ vĩ đại tôi xin cúi đầu, trước tâm hồn vĩ đại tôi xin quỳ gối”. Nhiều năm sau, những tay FULRO Chăm buông súng trở về vẫn nhắc lại câu đó khi nói về cách mà ông - Thiếu tướng Vũ Huỳnh, ông Chín Huỳnh - đã đối xử và thu phục được họ

Nguyễn Hồng Lam
.
.