Thiếu tướng Nguyễn Thế Tùng: Một tấm gương về cần, kiệm, liêm, chính

Thứ Ba, 09/10/2012, 09:19
Đại tá Vũ Thế Bình tâm sự: "Cha tôi là hiện thân của một cán bộ cách mạng được Đảng và Bác Hồ rèn luyện. Hồi ông còn ở trong quân đội, mỗi lần ở gần ông là mỗi lần tôi mường tượng đến hình ảnh Anh bộ đội Cụ Hồ. Khi ông trở thành vị Tướng Cảnh sát, ông là thần tượng của anh em chúng tôi về hình ảnh của người chiến sĩ Công an Vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Đây là tài sản lớn nhất mà cha đã để lại cho gia đình chúng tôi".

Thế hệ chúng tôi, cách nay hơn 40 năm đã biết đến ông - Một vị tướng bình dị. Hồi ấy, trên cương vị là Cục trưởng Cục Cảnh sát nhân dân, mặc dù bộn bề công việc, nhưng đáp lại lời mời của Ban Giám hiệu nhà trường, thi thoảng ông vẫn dành thời gian tham gia giảng dạy những bài nghiệp vụ cho khóa sinh viên đại học đầu tiên của lực lượng Công an. Bao giờ cũng vậy, mỗi lần được nghe ông giảng là cả lớp chúng tôi như bị thôi miên bởi cách truyền đạt kiến thức hấp dẫn, đa dạng với sự lồng ghép những dẫn chứng thực tế từ những vụ án mà ông chỉ đạo điều tra và những câu chuyện dí dỏm trong cuộc sống đời thường; thậm chí là những tri thức về lĩnh vực văn, thơ, nhạc, họa... Qua những lần được nghe ông giảng, ai trong số chúng tôi cũng có cảm nhận: Ông là một người có kiến thức uyên bác được tích tụ trong quá trình hoạt động cách mạng.

Một vị tướng đa tài

Đại tá Vũ Thế Bình, người con trai cả của Thiếu tướng Nguyễn Thế Tùng, nguyên là Giám đốc một doanh nghiệp của ngành Công an, tại cuộc tiếp xúc với tôi đã cho biết một số thông tin về người cha của mình. Theo anh kể thì ngày cha anh ra đời cũng là thời điểm những người cộng sản Nga làm cuộc Cách mạng Tháng Mười (1917). Như bao người Việt Nam khác, cha anh đã có một tuổi thơ tủi nhục ở một nước thuộc địa. Ngay từ năm 1935, ông đã phải rời bỏ quê hương để vào làm phu trong các đồn điền của thực dân Pháp. Chính tại nơi này, ông và nhiều người Việt Nam yêu nước thời ấy đã được giác ngộ cách mạng. Khi phong trào đấu tranh đòi quyền dân chủ, dân sinh do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động, nhờ nói thạo tiếng Pháp nên ông được tổ chức cử ra thuyết phục, vận động binh sĩ ở các trại lính Pháp để họ đứng ra làm binh biến và ngăn chặn các âm mưu tội ác của giới cầm quyền. Ít lâu sau, ông bị bọn mật thám theo dõi, bắt giam tại nhà giam Nam Định, sau đó chuyển tiếp đến Trại giam Hỏa Lò (Hà Nội), Hòa Bình và Sơn La. Dù bị giam giữ ở nhà tù nào ông cũng được những người cộng sản ở đây bầu vào cấp ủy hoặc Bí thư Chi bộ nhà tù. Tháng 8-1945, sau khi cuộc tổng khởi nghĩa cướp chính quyền, ông và nhiều chiến sĩ cách mạng khác được giải thoát và được Trung ương cử về làm Bí thư Tỉnh ủy Sơn Tây. Cuối năm 1948, do yêu cầu của cuộc kháng chiến, ông được Bác Hồ và Trung ương Đảng điều về làm Bí thư Đảng ủy, kiêm Trưởng đoàn vũ trang Tây Tiến; trực tiếp bảo vệ Hoàng thân Xa-pha-nu-vông và cơ quan đầu não của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

"Những năm kháng chiến chống Pháp, gia đình tôi tản cư về một vùng đồi núi tỉnh Thanh Hóa. Thời kỳ này, cha tôi đang mải cầm quân giúp nước bạn Lào. Mặc dù vậy, thi thoảng cha tôi vẫn dành thời gian để thăm gia đình, mặc dù đó là những cuộc gặp thật ngắn ngủi. Sau này đất nước hòa bình, tôi thường được nghe cha tôi kể những mẩu chuyện về đất nước và con người Lào, đặc biệt là những câu chuyện về các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Lào" - Đại tá Vũ Thế Bình thổ lộ.

Thiếu tướng Nguyễn Thế Tùng và các kỷ vật của ông.

Cuộc đời của ông tưởng sẽ gắn bó với quân đội, nhưng đến tháng 2/1956, do yêu cầu của việc tăng cường cán bộ cho lực lượng Công an, Trung ương đã quyết định điều  ông về công tác trong lực lượng Công an với cương vị Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ. Tại đây, ông đã chỉ đạo hoặc trực tiếp được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ trong những chuyến Người đi thăm nước ngoài và các địa phương. Đại tá Vũ Thế Bình vừa kể, vừa cho tôi xem những bức ảnh có sự hiện diện của cha mình trong những chuyến tháp tùng Bác Hồ về thăm các địa phương. Đó là cảnh Bác Hồ thăm công trường thủy lợi Bắc Hưng Hải, cảnh Bác cùng nhân dân tát nước chống hạn, cùng xắn quần lội ruộng trò chuyện với những người nông dân…

Sáu năm sau, Thiếu tướng Nguyễn Thế Tùng được lãnh đạo Bộ Công an điều về làm Cục trưởng Cục Kỹ thuật và Phản gián. Được giao nhiệm vụ ở trận tuyến mới, ông đã góp phần vào việc phát hiện những thông tin về các toán gián điệp biệt kích mà Mỹ - ngụy đã tung ra miền Bắc. Nhiều người còn nhớ, thời ông làm Cục trưởng Cục Kỹ thuật và Phản gián, mặc dù trang thiết bị nghiệp vụ của lực lượng Công an còn thiếu thốn đủ bề, song trí tuệ và quyết tâm của con người đã đánh bại âm mưu đen tối của kẻ địch. Hàng chục toán gián điệp biệt kích tung ra ở nhiều địa phương miền Bắc đều đã bị sa bẫy của lực lượng Công an.

Sau những chiến dịch ấy, ông được giao nhiệm vụ mới với cương vị là Cục trưởng Cục Cảnh sát nhân dân. Chúng tôi còn nhớ, hồi đó, công việc của đơn vị do ông lãnh đạo dường như đủ các phần việc của lực lượng Cảnh sát bây giờ. Khi ấy cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ngày một leo thang ra hầu hết các tỉnh miền Bắc, đặt ra cho công tác Cảnh sát một nhiệm vụ rất quan trọng. Hằng ngày, ngoài việc dùng máy bay ném bom bắn phá các tỉnh, thành phố, địch còn thông qua nhiều con đường để thu thập tin tức tình báo, lôi kéo và kích động bọn phản động trong nước nổi dậy để chống phá cách mạng, gây rối an ninh - trật tự. Ở cương vị Cục trưởng Cục Cảnh sát nhân dân, ông dồn trí tuệ và công sức để chỉ đạo lực lượng Cảnh sát các địa phương ngày đêm giữ vững trận địa, đảm bảo giao thông được thông suốt, bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân. Nhiều vụ trọng án xảy ra thời kỳ này cũng được ông chỉ đạo và đưa ra xét xử.

Bình dị và gần gũi

Sau khi kể đôi chút về cuộc đời hoạt động của cha mình, Đại tá Vũ Thế Bình đã đưa tôi xem những kỷ vật mà cha anh để lại. Những kỷ vật đó khiến tôi thật sự xúc động về một tấm gương bình dị, cao quý của một cán bộ lão thành, một vị sĩ quan cấp tướng của lực lượng Công an. Đó là một chiếc đồng hồ, một chiếc đài nhỏ mà đương thời, Thiếu tướng Nguyễn Thế Tùng vẫn sử dụng và một chiếc còi nhựa màu đen dành cho lực lượng Cảnh sát giao thông. Đại tá Vũ Thế Bình bảo: "Khi cha tôi bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng chỉ là hai bàn tay trắng. Năm 1995, mặc dù là một sĩ quan cấp tướng, nhưng khi trở về với cõi vĩnh hằng, đúng nghĩa, ông cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Tiền không, sổ tiết kiệm cũng không, tài sản ông để lại ngoài chiếc tủ gỗ 2 buồng do Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng còn có ba kỷ vật mà ông giao lại cho gia đình chúng tôi bảo quản. Đó là chiếc đồng hồ đeo tay, chiếc đài nhỏ mà ông vẫn thường dùng để nghe tin tức và một chiếc còi nhựa màu đen mà Cảnh sát giao thông vẫn thường sử dụng để điều khiển giao thông trên đường phố. Chiếc đồng hồ đeo tay và chiếc đài nhỏ xách tay cha tôi mua trong một chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam. Vì đã quá lâu nên 2 kỷ vật này đã quá đát sử dụng; song vì đây là kỷ vật của người cha nên mấy anh em chúng tôi thường xuyên bảo dưỡng. Đến nay 2 kỷ vật trên vẫn hoạt động. Riêng chiếc còi, lúc sắp lâm chung, cha tôi gọi tôi đến và nói: "Khi bố còn làm Cục trưởng Cục Cảnh sát nhân dân, phương tiện công tác của Cảnh sát giao thông thiếu lắm, bộ đàm không, gậy điều khiển giao thông cũng không, chỉ độc nhất có chiếc còi. Nhưng tiếng còi là tiếng của người Cảnh sát giao thông, nó nhắc nhở người dân chấp hành luật lệ giao thông. Nó cũng gần gũi với mọi người và đã phát huy tác dụng. Chiếc còi này đã theo bố trong nhiều năm. Dân ta từ lâu đã quen với tiếng còi của Cảnh sát và ủng hộ các chiến sĩ Công an thực thi nhiệm vụ giữ gìn an ninh - trật tự ở phố phường. Các con hãy giữ nó để làm kỷ niệm".

Trước lúc chia tay với tôi, Đại tá Vũ Thế Bình còn bảo: "Gia đình tôi có thời điểm có thể thành lập được một chi bộ gia đình Công an, bởi ngoài cha tôi là đảng viên lão thành, vợ chồng tôi đến cháu Minh, con trai tôi cũng là đảng viên. Nếp nhà này từ mấy chục năm nay vẫn vậy. Bộ ghế sa lông mây mà ngày xưa cha tôi ngồi tiếp khách, trong đó có các anh, nay vẫn còn đó. Tấm bằng Tổ quốc ghi công của bà nội tôi vẫn treo ở kia. Còn bức tường bên cạnh là tấm Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất do Nhà nước ta trao tặng cho cha tôi. Còn kia là tấm Huân chương cao quý của Nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tặng cha tôi vẫn treo ở vị trí ngày cha tôi còn sống. Những kỷ vật ấy nhắc nhở các con, các cháu trong gia đình làm gì thì vẫn phải giữ truyền thống của gia đình; kế thừa nếp sống bình dị mà cao quý của cha ông".

Vẫn theo Đại tá Vũ Thế Bình tâm sự: "Cha tôi là hiện thân của một cán bộ cách mạng được Đảng và Bác Hồ rèn luyện. Hồi ông còn ở trong quân đội, mỗi lần ở gần ông là mỗi lần tôi mường tượng đến hình ảnh Anh bộ đội Cụ Hồ. Khi ông trở thành vị Tướng Cảnh sát, ông là thần tượng của anh em chúng tôi về hình ảnh của người chiến sĩ Công an Vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Đây là tài sản lớn nhất mà cha đã để lại cho gia đình chúng tôi"

L.V.
.
.