Tháng Tám lịch sử và cuộc hành trình 60 năm

Thứ Hai, 08/08/2005, 06:34

Trải qua 60 năm chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng hai Huân chương Sao Vàng, tuyên dương 490 đơn vị anh hùng và 266 cá nhân anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày 19/8 năm nay khép lại trọn vẹn của một chu kỳ 60 năm Ất Dậu (1945 - 2005), theo lịch học phương Đông. Khởi đầu là cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 mở ra kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc, đồng thời đánh dấu sự ra đời lực lượng Công an nhân dân Việt Nam anh hùng.

Đất nước 60 năm đấu tranh quyết liệt, một nửa thời gian đắm mình trong cuộc chiến tranh giải phóng, một nửa thời gian vật lộn đi lên cuộc đổi đời trong hòa bình. Một chu kỳ vận động  mới bắt đầu. Một vận hội mới sau hai mươi năm đổi mới đang mở ra với Đại hội X sắp tới của Đảng.

Song hành cùng chính quyền nhân dân, gắn bó và phục vụ tận tụy chính quyền nhân dân, lực lượng Công an nhân dân (CAND) vinh dự được bảo vệ Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên xuất hiện ở Đông Nam Á, lại vinh dự được bảo vệ một trong những Nhà nước xã hội chủ nghĩa đứng vững và phát triển sau sự tan rã của phe xã hội chủ nghĩa cuối thế kỷ XX.

Chặng đường lịch sử 60 năm chiến đấu và trưởng thành của lực lượng CAND gắn liền với sự lãnh đạo, rèn luyện, giáo dục của Đảng và Bác Hồ.

Bác Hồ thăm trường công an ở An toàn khu Việt Bắc năm 1950.

Bác Hồ đã theo dõi sát sao và chỉ đạo cụ thể quá trình chiến đấu của các chiến sĩ công an ngay từ những ngày đầu chính quyền nhân dân còn trong trứng nước, khi mà bè lũ giặc ngoài thù trong hò nhau lăm le xóa bỏ thành quả của cách mạng Tháng Tám. Tuy vậy, về mặt tổ chức công an, Bác đã cân nhắc tính toán từng bước. Kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công đến khi chính thức thành lập Bộ Công an, thời gian kéo dài đúng 8 năm, trải qua 4 bước.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ở miền Bắc có Sở Liêm phóng, ở miền Trung có Sở Trinh sát, ở miền Nam có Quốc gia tự vệ  cuộc. Đó là thời bọn Tưởng và tay sai gây rối ren ở Bắc Bộ, bọn thực dân Pháp mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam. Ở mỗi kỳ (miền) các cấp ủy và chính quyền trực tiếp lãnh đạo, quản lý lực lượng Công an.

Sau ngày tổng tuyển cử 6/1/1946, để chuẩn bị thành lập Chính phủ liên hiệp, Bác Hồ chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ra Nghị định số 14 về tổ chức Nha Công an, thuộc Bộ Nội vụ (19/1/1946). Tiếp đó, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 23/SL hợp nhất các Sở Cảnh sát và Sở Liêm phóng thành một cơ quan là Việt Nam Công an vụ, thuộc Bộ Nội vụ. Nghị định 121-NĐ ngày 18/4/1946 của Bộ Nội vụ sau đó đã quy định Việt Nam Công an vụ có 3 cấp: Nha Công an ở Trung ương, Sở Công  an ở cấp miền và Ty Công an ở cấp tỉnh. Giám đốc Nha Công an là đồng chí Lê Giản.

Đến ngày 16/2/1953, Bác Hồ ký Sắc lệnh 141-SL chuyển Nha Công an thành Thứ Bộ Công an, đồng thời cử đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Nha Công an Việt Nam làm Thứ Bộ trưởng Thứ Bộ Công an. Ngày 29/8/1953, Hội đồng Chính phủ ra nghị quyết đổi Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an do đồng chí Trần Quốc Hoàn làm Bộ trưởng.

Như vậy, đồng chí Trần Quốc Hoàn là người đã đặt nền móng cho công tác lý luận CAND, là người sớm nhìn thấy và xây dựng lực lượng khoa học kỹ thuật hỗ trợ cho công tác chống bọn phản cách mạng và bọn tội phạm hình sự. Có lẽ vì vậy, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ  CAND mãi mãi tôn vinh đồng chí là “Người chiến sĩ công an số 1”.

Để tìm hiểu cặn kẽ sự quan tâm sâu sắc, sự cân nhắc thận trọng và chính xác của Bác Hồ về tổ chức và trách nhiệm của một ngành quyền lực quan trọng trong bộ máy nhà nước ta, câu hỏi vẫn còn chờ sự nghiên cứu lý giải của các nhà lý luận về tổ chức chính quyền nói chung và các nhà khoa học công an nói riêng.

Chúng ta đã biết rằng: Bác Hồ kính yêu là một nhà cách mạng có biệt tài về tổ chức lực lượng cách mạng. Vậy vận dụng quy luật tổ chức nào, dựa trên tư duy khoa học nào mà ngày đầu thành lập chính quyền cách mạng, Bác chưa thành lập Bộ Công an bên cạnh Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao... trong lúc Bác vẫn dồn hết tâm lực theo dõi sát và chỉ đạo trực tiếp các lực lượng đấu tranh chống bọn phản cách mạng và bảo vệ an ninh quốc gia từng giờ từng phút?--PageBreak--

Vấn đề nêu trên, hẳn có ngày các nhà lý luận có lời giải đáp  hoàn chỉnh. Điều mà mọi cán bộ, chiến sĩ CAND chúng ta thấm thía và biết ơn sâu sắc là tấm lòng và sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với lực lượng CAND. Thuở sinh thời, với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, Bác đã có 55 bài nói, bài viết để chỉ thị nhiệm vụ, giáo dục phẩm chất đối với lực lượng Công an.

Sáu lời dạy của Bác “về tư cách người công an cách mệnh” đã trở thành bài học trong tâm can của mỗi cán bộ, chiến sĩ  công an:

- Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

- Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ.

- Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

- Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

- Đối với công việc, phải tận tụy.

- Đối với địch, phải cương quyết khôn khéo.

Những lời dạy của Bác Hồ đã nêu lên bài học về văn hóa đạo đức đối với cán bộ, chiến sĩ công an. Bác đã để lại di sản tinh thần vô cùng quý giá đối với mỗi chúng ta. Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh đã vận dụng đạo đức truyền thống phương Đông: “Cần, kiệm, liêm, chính”, “Trí, dũng, tín, liêm, trung” trên cơ sở hoàn toàn mới để hình thành đạo đức cộng sản.

Mang tầm triết lý sâu sắc đối với một lực lượng chiến đấu mà Người gửi gắm nhiều trong tiến trình cách mạng. Tình cảm sâu nặng của Bác Hồ với lực lượng CAND có lúc thể hiện bằng những câu thơ mang âm hưởng dân ca, như lúc Người đọc trong dịp Đại hội Thi đua lần thứ nhất của lực lượng CAND vũ trang năm 1962:

Non xanh nước biếc trùng trùng

Giữ gìn Tổ quốc, ta không ngại ngùng gian lao

Núi cao, sự nghiệp càng cao

Biển sâu chí khí ta so vào càng sâu

Thi đua ta quyết giật cờ đầu.

Trong sự lớn mạnh, trưởng thành của lực lượng CAND nói chung, luôn có sự đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ  làm công tác văn học nghệ thuật. Họ xứng đáng là các văn nghệ sĩ - chiến sĩ, hoạt động trên nhiều lĩnh vực: sáng tác văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, hội họa... và cả báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình. Chỉ tính riêng đội ngũ các nhà văn công an, hiện đã có gần 30 cây bút là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Đó là những nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình... mặc áo công an, đã và đang có những những đóng góp tích cực cho văn học công an nói riêng và văn học nước nhà nói chung.

Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ nhân loại tiến bộ đấu tranh cho một trật tự thế giới mới, công bằng, dân chủ, phồn vinh. Thế kỷ XXI cũng là thế kỷ sinh học, thế kỷ tin học. Cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự xã hội trong bối cảnh mới sẽ phải đương đầu và vượt qua những thách thức mới, những thủ đoạn mới của bọn phá hoại và bọn tội phạm từ bên trong và bên ngoài đất nước.

 “Công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc. Còn chủ nghĩa đế quốc, còn giai cấp bóc lột là còn bọn phá hoại... Vì vậy, công việc của công an là phải thường xuyên, không phải có  từng đợt, từng lúc” - Lời dạy của Bác Hồ năm xưa vẫn còn nguyên giá trị.

Bước vào chu kỳ lịch sử mới, mọi vấn đề an ninh trật tự không lặp lại như 60 năm qua. Nhưng cuộc hành trình của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc và trật tự an toàn xã hội vẫn liên tục hướng về phía trước. Những chiến công mới trên mặt trận an ninh trật tự sẽ lại nở hoa và đội ngũ văn nghệ sĩ - chiến sĩ CAND cũng nhờ đó sẽ ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, sẽ càng có nhiều tác phẩm xứng đáng góp phần vào nhiệm vụ giữ vững an ninh Tổ quốc và bình yên cho cuộc sống nhân dân

.
.