Tết kháng chiến nơi xóm nhỏ nhớ thương

Thứ Năm, 26/01/2006, 18:19

Cho tới khi vớt xong nồi bánh tét thì cũng vừa tới giờ phải dời xóm nhỏ về nơi trú ẩn. Cô gái dặn với theo-"anh Ba và hai em nhớ tối nay nhà mình ăn tết đó…".

Xóm có tên hẳn hoi-Cái tên rất mộc mạc, thân quen mà ta vẫn thường gặp ở nhiều miền quê-: Xóm trại. Song, với cánh trinh sát-chúng tôi hồi đó lại đặt cho xóm một cái tên tuy hơi "dài dòng văn tự" nhưng rất trìu mến, thân thương và đắc ý: "Xóm nhỏ nhớ thương" để bày tỏ nỗi lòng mình với bà con cô bác đã đùm bọc trong những ngày bám trụ ở xóm trại để chờ chuyển giao liên về địa bàn mới trên đất Châu Thành-Bình Dương.

Xóm nằm ở khu vực tranh chấp giữa ta và địch. Ban ngày, địch kiểm soát và ban đêm ta làm chủ. Vì vậy, xóm trở thành mục tiêu tranh chấp quyết liệt giữa bà con bám trụ với ngụy quân ngụy quyền sở tại.

Tổ trinh sát tiền trạm do tôi phụ trách có ba người, được lãnh đạo địa phương giới thiệu về ở nhờ một gia đình ở gần đầu xóm. Chủ nhà là một cô gái tuổi chừng hai ba, hai bốn, tầm thước, có nét cười thật duyên bởi hai núm đồng tiền trên má, nhưng cũng không che giấu nổi nét u buồn, lam lũ của phận gái đã sớm phải khoác trên vai trách nhiệm nặng nề: nuôi dạy ba em nhỏ mà đứa em trai út mới lên mười. Cha, tham gia du kích xã bị địch bắt rồi tàn sát ở trại giam Phú Lợi. Mẹ, chết trong vụ bom Mỹ trải thảm nhằm hủy diệt đất thép Củ Chi.

Ngày đầu chúng tôi về "nhập cư" ở xóm nhỏ, đó là một tối đẹp trời. Đêm cuối năm, bầu trời tịnh không một áng mây. Sương mờ ảo choàng lên những khu rừng chồi phía căn cứ địa đạo An Phú. Mảnh trăng thượng tuần treo lơ lửng phía sông Sài Gòn. Đó là một đêm yên tĩnh nhất đối với chúng tôi sau mấy đợt chống càn, vượt qua vùng lửa đạn của địch. Tiệc trà liên hoan giữa chúng tôi với "gia chủ" hôm đó với "Thực đơn" như sau: Trà (chè) Kim Anh, đường Thanh (thay kẹo), đậu phộng (lạc) rang. Tất cả đều được chị em cấp dưỡng chuẩn bị cho từ căn cứ Thanh An, Bến Chùa.

Nhà không có bàn ghế và bình pha trà. Chủ, khách quây quần quanh "chiếu tiệc". Mùi và Giới-hai chiến sỹ mới bổ sung từ miền Bắc vào được tôi giao nhiệm vụ "tiếp tân"- nấu nước, pha trà. Pha trà của lính thời đó chúng tôi coi là một "phát minh" có giá trị.

Có nước sôi rồi, dù không có bình pha, không được đổ trà trực tiếp vào xoong vậy mà chỉ sau vài ba phút là mỗi người đều có một bát nước trà bốc hơi nghi ngút, đậm đà hương vị dân tộc, y như trà được pha từ trong bình rót ra. Hầu như tết năm nào chúng tôi cũng tổ chức thi pha trà. Người nào pha ngon, thời gian nhanh nhất thì được "phong danh hiệu-sành điệu trà" hoặc "Thiện nghệ trà", Nguyễn Giới-đứa em út của đơn vị đã đạt "quán quân" trong mùa tết năm rồi.

Tác giả gặp lại gia đình cơ sở Cách mạng và đồng đội cũ sau hơn 30 năm xa cách tại An Phước, Châu Thành, Bến Tre.

Trà đổ vào ca Inốc (nhiều hay ít do khéo ước lượng của người pha). Đổ nước sôi vào chừng nửa ca. Bi đông nước sôi bỏ nắp, úp thẳng vào ca. Mấy phút sau, trà ngấm, một tay cầm ca, một tay đỡ bi đông, rót nước ra bát. Nước cạn, đặt ca xuống nhấc nhẹ bi đông là nước tự đồng dồn xuống ca. Quy trình và "kỹ thuật" pha trà thời chiến là vậy, thật giản đơn và thuận tiện.

Sau khi "Giới thiện nghệ" biểu diễn "độc chiêu" xong. Mùi "trịnh trọng"-biệt danh của cậu ấy-đứng dậy, khẽ đằng hắng, giới thiệu: Thưa chị Hai và mấy em… e hèm… để tỏ lòng biết ơn gia đình đã tạo điều kiện giúp đỡ đơn vị về đây tá túc ít ngày, chúng em tổ chức một tiệc trà nhỏ… Xin giới thiệu với chị Hai… đây là Giới, còn em là Mùi và kia (chỉ tay về phía tôi) là anh Ba-Ba Dương-chỉ huy của chúng em…

Cô gái ngước nhìn tôi rồi vội cúi xuống, giấu nụ cười e lệ. Nỗi ngỡ ngàng được giải tỏa ngay sau khi có tiếng í ới của cậu em út ngoài ngõ:

- Chị Ba ơi! Chị Ba à… có bánh và kẹo đậu phộng nhưng hổng có RuBi, chỉ có ARa thôi, thuốc lá bao đỏ đó, có mua không? Cô chị trả lời với ra.

- Thuốc chi cũng được. Lẹ chân lên kẻo cả nhà đang chờ…

Nỗi ngỡ ngàng được giải tỏa thì lại nảy sinh nỗi ngỡ ngàng mới-một cô gái hoàn cảnh như vậy mà tạo nên cái điều bí mật, bất ngờ-mua quà đãi khách-mà cả đoàn không hề biết.

Tiệc trà xong, chúng tôi chuẩn bị lo cho công việc ngày hôm sau: nấu cơm tối, vắt (nắm) mỗi người hai nắm cho bữa sáng và trưa. Cuộc sống chiến trường vùng yếu là vậy. Mỗi ngày chỉ "đỏ lửa" một lần.

Tối hôm đó, chúng tôi mượn chiếu của gia đình trải ra nền nhà nằm ngủ. Cô gái ái ngại:

- Cột nhà-chắc lắm, các anh cứ căng võng lên. Nằm dưới đất hại sức khỏe, rủi sinh bệnh đó…

Tới nước này, tôi đành phải nói thật: "tăng, võng bị bom napan thiêu rụi trong trận càn hôm trước. Anh em động viên nhau khắc phục khó khăn ít bữa, khi về tới địa bàn mới sẽ nhờ cơ sở mua giúp.

Tối hôm sau, đúng giờ báo êm (giờ an toàn) chúng tôi rời nơi trú quân trở về xóm nhỏ. Vẫn theo quy trình cũ (chuẩn bị cho cuộc sống hôm sau). Trước lúc đi ngủ, cô gái dúi vào tay tôi một bọc nilông, nói nhỏ:

- Anh Ba! Anh phân phát cái này cho anh em…--PageBreak--

Tôi mở vội túi Nilon, ngỡ ngàng, thốt reo lên:

- A! Võng… Cô Ba mượn ở đâu vậy?..

- Em… Em may đó… Giọng cô gái sôi nổi hẳn lên-Hồi mơi em chạy vù ra Trung Hòa nhờ bà gì mua vải. Chiều về may có tiếng mấy đồng hồ là xong. Có mấy đường may, dễ ợt…

- Cô biết may đồ?

- Chớ sao!... Em là thợ may chớ bộ… mấy chị em nhờ bàn máy may để sống… Cô gái lại hơi cúi xuống, gương mặt hồng lên như thoa phấn.

...Thời gian trôi đi nhanh quá. Thoáng cái đã qua một tuần bám trụ ở vùng yếu. Chiều hai mươi bảy tết, qua nắm tình hình thấy địa bàn yên tĩnh, chúng tôi trở về xóm sớm hơn với ý định dặm lại mái nhà, dọn dẹp xung quanh vườn tược giúp gia đình chuẩn bị đón tết. Mới tới đầu ngõ đã nghe tiếng mấy em nhỏ gọi ơi ới.

- Chị Ba!... Chị Ba ơi!  mấy ảnh đã về…

Cô chị từ trong nhà chạy ra, đon đả

- Chèng ơi!... Sao mà linh vậy… mấy chị em vừa nhắc xong-ước chi-chiều nay anh Ba và hai cậu về sớm…

- Có việc chi vậy, Cô Ba?..

- Có chớ… Việc quan trọng và "bí mật"… Cô gái kéo dài hai chữ bí mật và ngước nhìn tôi tinh nghịch rồi hối thúc.

- Thôi, anh Ba và hai cậu đi tắm rửa lẹ lên rồi ăn cơm sớm. Cơm tụi này đã thổi rồi, cả cơm vắt ngày mai nữa.

- Bí mật việc chi phải "bật mý" đã. Nếu không thì tụi này sẽ nhịn ăn luôn.

- Cha… Dữ hôn!... Cô gái lại ngước nhìn tôi, cái lõm đồng tiền lại hằn trên đôi má.

Cô gái xuống giọng.

- Thôi, chẳng dám thi gan với cán bộ giải phóng đâu - rồi bước lại gần tôi, nói nhỏ - Tối nay nấu bánh tét. Em đã chuẩn bị cả rồi. Mờ… mờ anh có biết gói bánh tét không đó?.

- Bánh tét thì không, mà gói bánh chưng thì biết.

- Bánh chưng là bánh chi vậy?

- Cũng là bánh tét nhưng gói vuông. Sự tích bánh dày bánh chưng đó. Nhưng… nhưng đã tới tết đâu mà gói bánh tét. Hôm nay mới hai mươi bảy mà…

Giọng cô gái nhỏ nhẹ, đượm buồn.

- Hai bảy với ba mươi thì mấy hồi… mấy anh thoắt đến rồi thoắt đi… biết đâu mà chờ tết.

Thế là hôm ấy, cái đêm đầu tiên sau bao nhiêu cái tết xa quê hương, gia đình, chúng tôi mới có cơ hội được ngồi vây quanh nồi bánh tết. Mỗi người có dịp ôn lại tuổi thơ của mình về tết, có dịp kể cho nhau nghe về tập tục tết ở quê mình, cho tới khi vớt xong nồi bánh thì cũng vừa tới giờ phải dời xóm nhỏ về nơi trú ẩn. Cô gái dặn với theo-"anh Ba và hai em nhớ tối nay nhà mình ăn tết đó…".

Buổi chiều, chúng tôi nhận được thông báo của đơn vị kỹ thuật: Địch tổ chức càn lớn nhằm "phong tỏa quan hệ của Việt Cộng với dân chúng trong những ngày tết". Cố nhiên xóm Trại phải là mục tiêu số một địch nhắm tới. Thế là đêm hôm ấy chúng tôi không có cơ hội trở về ăn tết nơi xóm nhỏ. Lợi dụng địch tập trung vào vùng tranh chấp, đường giao liên được kết nối, chúng tôi quyết định vượt sông Sài Gòn về Nam Bến Cát.

Trụ lại bên bờ sông Thị Tính một ngày và đêm hai mươi chín tết vượt sông về địa bàn mới an toàn. ít tháng sau, cấp trên có lệnh điều tôi về công tác ở một đơn vị mới tại Bời Lời thuộc chiến khu "C" và cuối năm đó, địch phản kích dữ dội địa bàn Đông và Tây Bắc Sài Gòn, đơn vị lại nhận lệnh chuyển về Bến Tre thuộc Trung Nam Bộ bám trụ để giữ liên lạc với cơ sở nội thành. Cuối năm 1974 về "R" công tác, sau giải phóng Miền Nam, ra Bắc nhận nhiệm vụ mới.

Đời chinh chiến nay đây, mai đó. Kể từ cái buổi chia tay vào sáng hai mươi tám tết năm ấy cho tới gần đây tôi mới có dịp trở về với "xóm nhỏ nhớ thương" trong tâm trạng vui, buồn lẫn lộn. Vui, vì xóm Trại nói riêng và cả miền Nam đang-chuyển mình trong cuộc tái thiết quê hương. Con đường lồi lõm vết xe bò xưa nay thành đường nhựa láng bóng. Những khu rừng chồi ken dày hố bom, hố pháo nay thành nông trường bát ngát. Xóm Trại không còn vết tích của một thời máu và nước mắt.

Bà con đã trở về quê cũ làm ăn sinh sống. Vì xóm Trại ngày ấy có nhiều gia đình từ nơi khác chuyển tới. Thật buồn, đáng tiếc và đáng trách sao hồi đó chúng tôi lại quá vô tình để tới ngày chia tay vẫn chưa kịp hỏi tên cô gái chủ nhà. Ngẩn ngơ trên đường chiều vắng lặng để tìm về với những kỷ niệm xưa-kỷ niệm về cái "xóm nhỏ dễ thương" đã và sẽ theo tôi suốt cả cuộc đời

Hà Nội, cuối năm Ất Dậu
.
.